- Lý luận - Phê bình
- Một “Cõi nhân gian hiện thực”
Một “Cõi nhân gian hiện thực”
SƯƠNG NGUYỆT MINH
Nhà phê bình văn học Belinxki cho rằng nhân vật văn học điển hình là “người lạ quen biết”, là “nhân vật mà tên của nó trở thành danh từ chung”. Nhà văn Lỗ Tấn thì nói một cách hình ảnh về nhân vật của ông “có tà áo Nam Kinh, cái cúc Chiết Giang, cái miệng Thượng Hải và đôi mắt Phúc Kiến”. Phàm là nhà văn, ai mà chẳng muốn có nhân vật trở thành danh từ chung, thành cả tính từ nữa!?
Lịch sử văn học thế giới đã từng ghi nhận các văn hào sáng tạo cả một hệ thống nhân vật cựa quậy, sống động... Ở Việt Nam ta cũng có những thế giới nhân vật của Vũ Trọng Phụng với: Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, ông Văn Minh, ông Phán mọc sừng, ông Tuýp-phờ-nờ (TYPN), cậu Phước (em Chã), đốc tờ Trực Ngôn…; hay những Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Lý Cường, Binh Chức, đội Tảo, giáo Thứ, lão Hạc, dì Hảo, Lang Rận, Hộ, Điền…v.v của Nam Cao. “Bước vào đấy, ta như lạc vào một vườn cây ăn quả già cỗi lúc hết mùa. Trên cây rặt những quả điếc, nếu đây đó còn sót lại mấy quả lơ thơ thì chim muông, sâu bọ và cái oi nồng của thời khí lập tức làm cho hư hỏng thối rữa”. Đó là nhận xét của nhà lý luận phê bình văn học Lã Nguyên về cái thế giới nhân vật tù túng, cùn mòn, ảm đạm và bế tắc của Nam Cao. Viết đến đây, tôi lại nghĩ đến cái thế giới nhân vật hiện đại đang bày mưu tính kế, tranh đoạt dối lừa, ưu tư, buồn vui, đứng ngồi, làm tình, đi lạ… trong khu vườn hiện thực Nguyễn Phúc Lộc Thành bước vào CÕI NHÂN GIAN.
Thời gian nghệ thuật của CÕI NHÂN GIAN không chỉ một giai đoạn lịch sử của đất nước trải dài từ thời bao cấp thập niên 80 của thế kỷ trước đến tận ngày nay, mà còn là quá khứ xa lắc với những hồi tưởng, liên tưởng của một cây bút lọc lõi nhìn đời. Không gian nghệ thuật của CÕI NHÂN GIAN không chỉ là địa chỉ địa lý, mà còn là không gian hồi ức, không gian tâm trạng. Các nhân vật mang hành trang và nghĩ ngợi, hành động, cất tiếng nói trong đó. Một xã hội đồng tiền, lừa lọc, dối trá hiển hiện qua không gian truyện, qua tính cách nhân vật, qua các mối quan hệ giằng rịt... Mỗi nhân vật như cái cây cao thấp, to nhỏ, sức sống khác nhau, không chỉ có quá trình phát sinh, phát triển, mà có cả còi cọc, sâu bệnh, mục ruỗng, đổ nát. Khu vườn hiện ấy rào dậu, chứa cấp từ lớp người dưới đáy xã hội đến quyền cao chức trọng, từ các kẻ bình dân ít học, sống thô giản đến người có kiến thức, tri thức, tinh hoa. Có thể nói vườn hiện thực Nguyễn Phúc Lộc Thành khá xum xuê, nhân vật đa dạng, có nhiều nhân vật đậm nét, sinh động, có tính cách, có cá tính.
Trong đời thường, đôi khi chúng ta nghe người ta rủa nhau, bảo nhau, hay ví von: “Ai bảo chơi với cái giống Xuân tóc đỏ đó”, “Yêu phải loại Sở Khanh ấy thì tàn đời, em ạ”, “Cơ quan có một thằng Chí Phèo như thế, không loạn mới lạ”… Là người viết văn, dù cố ý hay tự nhiên mà tạo ra được một nhân vật cỡ Giang Minh Sài của Lê Lựu, hay lão Khúng của Nguyễn Minh Châu cũng đủ hạnh phúc, sướng một đời văn... Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành cũng có một vườn hiện thực, lớn hay bé, quen thuộc hay xa lạ thì cũng của riêng ông, và thuộc về tiếp nhận của người đọc. Chỉ biết rằng các nhân vật trong khu vườn ấy mang gương mặt và tâm thức hiện đại thời kinh tế thị trường chẳng giống ai.
Bước vào khu vườn hiện thực Cõi nhân gian, ta sẽ thấy một ông Tám ác nhân nhưng ngang tàng, trọng nghĩa, biết nhận biết cho, biết sám hối. Một tay đại ca giang hồ sừng sững, được vị nể.
Bên cạnh ông Tám là bà Tám. Bà Tám chưa có vai trò gì, và rất mờ nhạt ở phần đầu. Nhưng, hình tượng nghệ thuật bà Tám càng về cuối càng hay dần lên. Bà Tám vừa là người tình, vừa là sân sau điều khiển được cả Chủ tịch Liên thành phố là một hiện thực nhức nhối trong xã hội đương thời. Tiền tình điều khiển được cả quan chức, điều khiển được cả quyền lực. Nhân vật bà Tám từng trải, lọc lõi, tinh đời, nhưng cũng có lúc xử sự ấm áp, nhân văn.
Nhân vật Quang - Giám đốc Sở cũng càng về sau càng hay dần lên. Nhân vật này có ngôn ngữ riêng, sinh động, khó quên. Đặc biệt khi gặp Hương, nhân vật Quang hay dùng từ “đồng nghiệp”. Đồng nghiệp cứu tôi. Không ai tốt như đồng nghiệp. Đồng nghiệp ơi…v.v. Lặp đi lặp lại nhiều lần từ “đồng nghiệp” cũng là hành vi làm nên cá tính của Quang.
- Cô Hoan là phái yếu nhưng lại cá tính, quá mạnh mẽ, quyết đoán, ngang ngược, trọng người tử tế. Khao khát yêu, khao khát sống, lặng thầm sống. Tình yêu không vụ lợi của cô với Hương thanh sạch, trong vắt thật hiếm hoi thời đồng bạc lên ngôi, tình tiền chỉ đổi chác. Hình tượng nghệ thuật nhân vật cô Hoan rất đẹp. Hoan thuộc tầng lớp xã hội đen, nhưng tâm hồn cao đẹp, tình yêu cao đẹp. Yêu Hương và kính phục Hương nhưng không xô bồ, sàm sỡ, không ấn ủi. Cô lặng lẽ. Âm thầm. Khát khao. Kiềm chế và… chờ đợi. Hoan là kiểu nhân vật đẹp, lý tưởng. Tôi tin là người đọc sẽ rất yêu nhân vật Hoan, và cũng rất thương nhân vật Hoan.
- Cô Bảo là điển hình của hồng nhan bạc phận ê chề, bẽ bàng, muốn làm người lương thiện nhưng đời vùi dập cho không ngóc đầu dậy, khó trở về với đời thường. Cái chết thê lương của cô Bảo là cái kết buồn của thân phận gái hồng nhan giang hồ. Thương nhiều hơn giận.
- Thằng Bính vừa lưu manh, vừa ác vừa nguy hiểm. Nhân vật này là một loại trí thức lưu manh xảo quyệt. Làm bạn, làm ăn với hạng người này cảnh giác thôi chưa đủ.
- Thằng Hạnh cũng là loại người ác hiểm, tị hiềm, đố kỵ thường trực đại biểu cho tầng lớp tiểu nông ít học bị lưu manh hóa.
- Chị Thảo là loại nhân vật bản năng, dục tính mạnh mẽ, luôn đói khát tình yêu, cả đời đi tìm tình yêu đến khốn khổ khốn nạn. Cái kết của nhân vật này thân tàn ma dại, quá bi đát. Thêm nhân vật cô Thanh, chị San nữa thì đàn bà trong khu Cõi hiện thực nhân gian đều có tính dục cao, đều bản năng khao khát rất tự nhiên, rất chân thực, rất con và cũng rất người.
- Đọc Cõi hiện thực nhân gian của Nguyễn Phúc Lộc Thành còn hiểu biết thêm về sức mạnh của quý bà - nội tướng. Đây cũng là tình hình chung của một bộ phận quan chức hiện nay luôn có vợ đứng đằng sau điều khiển mọi việc của cơ quan, địa phương và quốc gia cũng như nhận tiền bạc, vơ vét lợi tư.
- Anh Yên khá điển hình cho loại quan chức đương thời có bộ mặt lương thiện của xã hội, nhưng lòng dạ giả dối, vừa đạo đức giả, vừa lưu manh, cơ hội, giấu mình đầy mưu ma chước quỷ, là một loại maphia mới trong chính quyền, cũng là một loại trí thức lưu manh nguy hiểm. Yên bí ẩn, lạnh lùng, tàn độc. Càng đọc, càng nhận ra Yên đại diện cho sự thối nát của một bộ phận giới quan chức nhà nước, và thấy tính maphia trong giới quan tham cũng bộc lộ. Phải là người viết có bản lĩnh mới cho nhân vật cao cấp đi “cầu bập bênh” giữa nghệ thuật và cuộc đời để không phải tự “gọt chân cho vừa giầy”, để không ai biên tập mình, mà chấp nhận được nhân vật điển hình này, được cấp phép ra đường cùng tiểu thuyết.
- Hương là loại nhân vật trí thức không được trọng dụng, không có “đất sống” trong một xã hội hỗn độn, nhiễu nhương quan hệ bằng tiền bạc, không trọng dụng tinh hoa. Hương vừa ngờ ngệch với đời, vừa tốt và tử tế đến khó tin, nhưng cái sự thánh thiện của Hương cũng vẫn bị xã hội và cuộc sống chi phối, tác động, bào mòn. Hương trong sáng nhưng Hương vẫn là con người bình thường nên bị dục vọng nổi lên, bị cám dỗ thân xác. Đó là cái chất người bình thường. Có lẽ nhân vật Hương hấp dẫn một phần là bản tính yếu mềm sự bị dục tình cám dỗ, cám dỗ liên tục, chống đỡ liên tục và quy phục tình dục liên tục…vv.
Hệ thống nhân vật của Nguyễn Phúc Lộc Thành có quá trình phát triển cả về hành động, tính cách. Chẳng hạn: Nhân vật anh Yên và nhân vật Hương là loại nhân vật có quá trình phát triển. Anh Yên đã xấu rồi, hành trình đi đến xấu xa hơn. Nghĩ đến Yên - một quan chức cấp cao nhất thành phố là nghĩ con người tha hóa, suy đồi, là nghĩ đến mất niềm tin vào con người nhất. Nhìn đâu cũng thấy cạm bẫy do con người cài đặt. Còn Hương là quá trình từ thánh thiện đến suy đồi. Hương bị áp lực, bị giày vò, có lúc tưởng vỡ tung ra không chịu nổi. Nhân vật Hương càng về sau càng có thân phận, có câu chuyện, có quá trình vận động, biến đổi tính cách.
Nhà văn Tô Hoài cho rằng: “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác”. Nhân vật thành hay bại quyết định số phận tiểu thuyết còn ở lại với đời hay mất hút vào quên lãng. Nhân vật không chỉ để nhà văn dựng lên bộ mặt xã hội đương thời mà còn gửi gắm thông điệp tư tưởng, khát vọng riêng tư và suy ngẫm về thân phận con người. Trong cõi nhân gian hiện thực Nguyễn Phúc Lộc Thành, Hương là người kể chuyện, dẫn chuyện nhưng đồng thời cũng là nhân vật chính giữ mối liên kết liên hệ giằng dịt với hàng chục nhân vật khác. Nhân vật Hương “vạm vỡ”, cá tính, góc cạnh, hay “èo uột” mờ nhạt đều tác động đến sự thành bại của Cõi nhân gian rộng lớn, ngổn ngang, bề bộn. Nhân vật này phải có đường đi độc đáo, có lối thoát bất ngờ. Số phận, lô gich phát triển của các nhân vật khác, có lẽ về cơ bản thuận theo người đã sinh ra chúng, nhưng nhân vật chính là Hương chắc sẽ còn bàn luận từ các góc nhìn khác nhau, ít nhất là tôi và tác giả.
Trong một lần bàn về Cõi Nhân Gian từ lúc Nguyễn Phúc Lộc Thành mới hoàn thành bản thảo, tôi nói rằng có hai cách thể hiện nhân vật chính là Hương: Một là, cho nhân vật Hương có quá trình vận động, phát triển tính cách từ thánh thiện đến suy đồi, tha hóa. Hai là, Hương “bất di bất dịch” ra đời trong sáng, thánh thiện thì cuối sách vẫn thánh thiện, trong sáng. Tôi bảo: Là tôi sẽ đẩy cho Hương đi xa bản thiện lương hơn nữa, phải làm cho Hương là con người xấu xa hẳn. Nhân vật vận động, phát triển theo hướng xấu xa, thì Hương phải dần dần bị cuốn theo quyền lực, phải bị vật chất tiền bạc cám dỗ, không chống đỡ nổi. Có nghĩa là… phải tranh đoạt chức quyền, phải tham nhũng, chứ không chỉ nhận mấy cái phong bì vặt. Hương phải là nhân vật bùng nổ, đột sáng, khi anh ta từ một tiến sĩ trong veo, bị suy đồi tha hóa thành một quan chức tham lam, đầy thủ đoạn, độc ác. Nhân vật tận cùng suy đồi, nhưng vẫn có thể “quay đầu là bờ”, sám hối. Người đọc bước qua bóng tối và nhìn thấy ánh sáng mà hy vọng, chứ không phải cứ viết về tận cùng cái ác là cuộc sống đen ngòm. Hoặc nhân vật Hương “ngưng đọng” trong cái bản ngã thánh thiện như đầu bộ tiểu thuyết, trong cái cõi nhân gian ô trọc, hỗn độn, có lẽ nhân vật sẽ rõ nét và giàu sinh khí. Trong veo, tốt từ đầu đến cuối. Một người tốt hiếm hoi, trong veo mà vẫn tồn tại được giữa bầy đàn nhầy nhụa, bất lương cũng có cái hay, cái lớn của nhân vật.
Nguyễn Phúc Lộc Thành đã chọn cách thứ nhất, nhưng ông thể hiện sự tha hóa của Hương rất chừng mực. Đó là sự suy đồi chậm dần nhưng không tận cùng, Hương vẫn chưa bị nhuộm đen hẳn trong vũng lầy cõi nhân gian. Sự tha hóa của Hương chưa đến mức bị vấy bùn xám ngoách, đen ngòm. Hương vẫn loanh quanh trong cái chuyện đạo đức, trai gái và nhận mấy cái phong bì, đi đút lót…, rồi nhân vật “quay đầu là bờ”. Ông nói rằng: Khi viết tập 5 trở đi, ông đã nghĩ đến đường đi của nhân vật Hương sẽ tột cùng tha hóa, xấu xa cùng cực, nhưng sợ tác phẩm toàn màu đen, và trong lòng ông – cha đẻ của nhân vật rất tiếc cái phẩm tính thiên lương của Hương bị mất. Cho nên ông chủ trương xây dựng nhân vật Hương chính là cái phao thiên lương vật vã trong bể đời xấu xa và bỉ ổi, nhưng không bao giờ chết chìm, để thể hiện tính nhân văn của tiểu thuyết.
Quả thật, Nguyễn Phúc Lộc Thành rất trung dung khi làm người kể chuyện, ngòi bút của ông dẫn dắt nhân vật chính đi chấp chới giữa dòng và bờ. Cứ khi nào mắc sai lầm hay gặp nguy cơ bị tha hóa thì tâm trạng lại dằn vặt, đấu tranh, khi nhuốm một chút đen thì lại sám hối, muốn hoàn lương, hướng về chính đạo. Hương cố tự chuộc mình ra khỏi cái cơ chế đương thời đang giăng mắc. Người đọc cảm thấy trên từng trang văn của ông, dù con người dù có thủ đoạn xấu xa, cuộc sống có bất ổn nhưng vẫn còn hy vọng, đáng tin và đáng sống. Xã hội và con người với ông vẫn nhân bản và ngập tràn ánh sáng. Tôi có lý của tôi, Nguyễn Phúc Lộc Thành có lý của ông, và nhân vật chính Hương đang hiển hiện trước mặt bạn đọc như cách mà ông muốn.
Đọc Cõi Nhân Gian, tôi còn muốn tác giả làm cho nhân vật ông Công, bà Hoài, con Hương rõ nét hơn, còn phường lưu manh Sinh, Bính… góc cạnh, cá tính hơn nữa. Nhân vật thằng Hạnh nếu để sống đến cuối truyện thì tác phẩm có độ căng nén suốt. Sự tồn tại của thằng Hạnh cũng làm cho nhân vật Hương bị ám ảnh lo sợ hơn, kịch tính hơn. Con đường thăng quan tiến chức của ông Yên nếu được dành “đất” nhiều hơn để bộc lộ các âm mưu, thủ đoạn thăng tiến, tính xảo quyệt tranh giành địa vị thì ông Yên sẽ là một nhân vật lớn.
*
Cõi nhân gian hiện thực của Nguyễn Phúc Lộc Thành có cốt truyện vững chắc, hay, sinh động. Chi tiết hay nhiều. Cấu trúc truyện hợp lý. Tính ly kỳ và chất huyền ảo xuyên suốt cũng làm nên sự hấp dẫn và cuốn hút người đọc không bỏ sách. Tình huống, diễn biến truyện hấp dẫn, bí ẩn, bất ngờ. Chương nào cũng có tình huống truyện hồi hộp, gay cấn. Chẳng hạn đọc đến tình huống đầy kịch tính khi ông Yên công bố xét nghiệm ADN con Hồng Anh thì ngộp thở lắm. Hay tình huống hai ông trưởng và phó sở cùng lúc nghe tin cô Thụy An có thai sinh động quá. Tình huống truyện như thế này lóe sáng làm cho người đọc không nhàm chán, và sẽ bị dẫn dụ. Hoặc tình tiết anh Huy, chị Hòa, anh Quang, Thụy An và Hoàng Thiên Hương gặp nhau thu xếp chuyện có thai… thì bất ngờ, hấp dẫn, vỡ òa, có hậu.
Cõi nhân gian hiện thực có giọng điệu nhất quán từ đầu đến cuối. Đó là cái giọng riêng lạ vừa tưng tửng, vừa ấm áp, da diết, vừa khắc khoải, và cả giày vò nữa, không lẫn với bất cứ tác giả nào. Bên cảnh đó là giọng trào phúng, giễu nhại ẩn dấu, đôi khi nổi lên, chen vào cái giọng ân tình, của tác giả. Nhưng cái giọng giễu nhại, hài hước này lại xót xa đau đớn đến lạnh người. Có thể nói Cõi Nhân Gian là một tiểu thuyết đa thanh, đa giọng rồi.
Văn Nguyễn Phúc Lộc Thành còn hấp dẫn ở tiết tấu, nhịp điệu nhanh bởi cách tạo câu đơn, ngắn. Tác giả có vốn từ nhiều, đặc biệt là vốn từ cuộc sống hiện đại và vốn từ của “xã hội đen”. Từ bộ tiểu thuyết 4 quyển dầy dặn, đồ sộ, nếu cố công sẽ gom được nhiều từ mới chưa có trong các từ điển trước đó, vào một cuốn từ điển mỏng hiện đại. Chính những điều này cũng góp phần làm cho người đọc không bỏ sách, đọc một mạch đến dòng cuối cùng.
Không gian nghệ thuật thời đổi mới vẫn chưa rõ nét trong tiểu thuyết. Bộ mặt xã hội với nhiều nhà cao tầng, dự án, resort, hothel, lối sống, hàng hóa, phố phường... có thể tả trực tiếp khi cần thể hiện hoàn cảnh, khi cần kể sự kiện, kể nhân vật, hoặc gián tiếp qua cái nhìn của nhân vật chưa rõ nét. Tác giả giả dường như thiên về cốt truyện, sự kiện, hành động mà ít chú ý đến ngoài cảnh, ít chú ý đến tâm trạng... Nếu làm dầy thêm những đoạn diễn tả tâm lý nhân vật, nhuận sắc cho không gian nghệ thuật đậm không khí kinh tế thị trường nữa thì sẽ là… hoàn hảo.
Ở góc nhìn điện ảnh, Cõi Nhân Gian có thể mang tầm cỡ một kịch bản văn học xuất sắc. Nếu gặp một đạo diễn cao cường sẽ làm kịch bản phân cảnh được ngay. Với cảm hứng miên man đồng hành, sáng tạo, phát triển hệ thống nhân vật đã có và thêm nhân vật mới có thể dẫn dắt người xem cuốn vào màn ảnh nhỏ hàng chục tập. Còn với tư cách là cha đẻ trường thiên tiểu thuyết Cõi Nhân Gian, dừng lại hay viết tiếp, chỉ tác giả mới biết được.
Nguồn: Văn nghệ số 9/2022