TIN TỨC

Một vọng âm quá khứ hào hùng nhưng lắm đau thương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2025-03-16 05:42:39
mail facebook google pos stwis
1214 lượt xem

TUỆ MỸ

(Đọc “Hòa âm đêm”, Nxb Hội Nhà văn, 2024 của Trương Tuyết Mai)

Đọc “Hòa âm đêm” (Nxb Hội Nhà văn, 2024) của nhạc sĩ, thi sĩ Trương Tuyết Mai, bạn đọc tưởng chừng như nghe được muôn vàn âm thanh của cuộc sống. Là tiếng thiên nhiên (tiếng gió, tiếng lá, tiếng sóng, tiếng trăng…), là tiếng đời lăn náo nức. Tiếng vui lẫn tiếng buồn. Tiếng hôm nay và tiếng của ngày xưa. Tất cả như “hòa âm” vang vọng dội vào trái tim của nữ sĩ. Trong muôn vàn thứ tiếng ấy, có lẽ tiếng vọng về từ quá khứ là âm sắc đặc biệt vọng động tâm tư tác giả.

Đó là tiếng vọng hào hùng nhưng lắm đau thương của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại. Cuộc kháng chiến chống Mỹ với mục tiêu Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước kéo dài mấy mươi năm là bản anh hùng ca mà dân tộc ta đã viết bằng máu và nước mắt. Nói đến con đường thống nhất Bắc Nam là phải nói đến con đường Trường Sơn huyền thoại, là con đường huyết mạch cho miền Bắc chi viện sức người sức của để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên con đường này, ngày đêm rầm rập đoàn quân Nam tiến và đoàn Thanh niên Xung phong đi lấp hố bom mở đường. Chính vì thế, Trường Sơn cũng chính là trọng điểm bắn phá của kẻ thù. Trương Tuyết Mai quê ở Phú Yên, thời thiếu nữ theo cha tập kết ra Bắc. Ôm hoài bão vào Nam giải phóng miền Nam nhưng mãi đến năm 1974 chị mới thực hiện được khát vọng này. Nghe và trải nghiệm những gian khổ Trường Sơn, chị rất thấm thía cái giá đắt phải trả cho Độc lập Tự do. Giờ đây, sống trong hòa bình, ký ức đau thương một thời chống Mỹ như thường trực sống lại trong lòng chị. Nên, khi nghe tiếng chim Đồi Thơm hót mà “Những cánh rừng xa/ Bỗng chấp chới hiện về” (Ơi chim đồi thơm). Những cánh rừng xa ấy chính là những cánh rừng Trường Sơn. Nơi “Đâu chỉ có sống chết/ Treo sợi tóc từng ngày”, “Đâu chỉ sốt rét/ Giữa rừng sâu heo hút/ Bần bật run lên cánh võng/ Rồi tàn hơi”. Vâng, đâu chỉ tử sinh do bom rơi đạn vãi mà còn do sốt rét rừng, do thiếu ăn, thiếu uống “quay quắt đói lòng”. Ký ức ấy sao có thể quên, nhất là đối với người trong cuộc. Đồng đội chị chẳng phải là những cô Thanh Niên Xung phong? Chẳng phải là người lính lái xe Trường Sơn? Đó là lý do khi đã “Ngần ấy năm xa/ Mà lòng ta mãi tha thiết/ Biển cạn non mòn/ Vẫn yêu lắm- Lính Trường Sơn”. Yêu “Lính Trường Sơn” bằng một tình yêu “tha thiết” dù “Biển cạn non mòn” cũng không hề đổi thay. Một tình yêu son sắt thủy chung của những con người cùng chí hướng, cùng lý tưởng nhưng trên hết là tình yêu, lòng khâm phục và hàm ơn đối với những con người sắn sàng lấy máu của mình để tô thắm màu cờ Tổ quốc.

Một trong những trọng điểm bắn phá của kẻ địch còn phải kể đến dòng sông Thạch Hãn. Bởi dòng sông này là con đường huyết mạch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Dòng sông này cũng là nơi “nằm lại” vĩnh hằng của biết bao anh hùng tuổi trẻ. Viết về Thạch Hãn đã có bốn dòng thơ khắc đá của Lê Bá Dương nhưng có ai ngăn được cảm khái dâng trào của người cầm bút khi “nghĩ đến” nơi này. Trương Tuyết Mai cũng không ngăn được dòng nước mắt khi nhớ lại ký ức bi tráng mà rất đỗi hào hùng gắn với dòng Thạch Hãn. Thi sĩ đã “Thì thầm cùngThạch Hãn (*).

Thạch Hãn ơi! Thạch Hãn!/ Xin mách bảo dùm tôi/ nơi anh nằm có ấm/ hay sóng gió tơi bời

Sông ơi nhè nhẹ thôi/ hãy ru anh dào dạt/ Đừng cuộn xoáy dâng trào/ đừng cồn cào quặn thắt

Chỉ là “thì thầm” thôi nhưng tiếng gọi có sức vọng động xoáy vào tận tim gan. Đau lắm, “quặn thắt” lắm. Cuộc chiến đã kết thúc hơn nửa thế kỷ rồi nhưng đau thương, mất mát như vẫn còn hiển hiện. Màu nước dòng Thạch Hãn hôm nay “xanh” hơn, cuộc sống của ta ngày nay “xanh” hơn bởi có bao “tuổi hai mươi” đã từng lấy máu của mình “nhuộm đỏ”.

   Đâu ngờ lòng tôi vẫn hừng hực lửa

   Những năm tháng đau thương

  Vẫn không nguôi nhớ…

     (Yêu nước là đặc quyền của người Việt tôi)

Những năm tháng đau thương” đó là năm tháng nào? Rất rõ rành, khúc chiết, Trương Tuyết Mai tường thuật lại:

“Ngày ấy- mười bảy tháng Hai năm Bảy chin/ Một bầy thú dữ/ Với đầy đủ chiến tranh hiện đại/ Sáu mươi vạn giặc Tàu/ ngang ngược tràn qua”.

Thì ra, hết giặc Mỹ lại giặc Tàu. Không phải giặcTàu của hơn nghìn năm trước mà là giặc Tàu của thế kỷ XX lăm le đánh vào biên giới phía Bắc nước ta ngày 17/2/ 1979. Rất cụ thể rõ ràng về ngày tháng năm giặc Tàu “ngang ngược tràn qua” và cũng rất cụ thể về số lượng “sáu mươi vạn giặc Tàu”, quả là con số “biết nói” về mộng xâm lược của kẻ thù phía Bắc.  “Giặc phía Bắc nước ta đời đời hiểm độc”, đó là lời đúc kết của Trương Tuyết Mai dựa vào thực tế của lịch sử hàng nghìn năm ta đánh Tống, diệt Nguyên, bình Minh, đạp Thanh và cả hôm nay:

 “Chúng đâm Hoàng Sa, Trường Sa/ Đâm Gạc Ma sóng dậy/ Xúi Khơ Me Đỏ/ Đâm Tây Nam biên giới/ Máu dân lành/ Chảy thành suối thành sông…”

Đây chẳng phải là một bản cáo trạng đanh thép lên án tội ác của giặc Tàu. Là người yêu nước, đương nhiên không thể không sục sôi, căm hận và đương nhiên không thể không tuyên bố với kẻ thù rằng:

        -Chống giặc ngoại xâm vẫn nguyên bầu máu nóng

        Việt Nam tôi không chùn bước bao giờ

Rất khẳng khái, rất hào sảng. Tưởng như nghe đâu đây âm hưởng lời hỏi tội của tiền nhân “Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” và lời kêu gọi kháng chiến của Bác Hồ “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Vì một lẽ dễ hiểu: Yêu nước là đặc quyền của người Việt tôi (*).

Biên giới Tây Nam- Việt Nam, nơi xảy ra vụ thảm sát Ba Chúc, một tội ác chiến tranh gây ra bởi chính quyền Khmer Đỏ cũng là một ký ức Trương Tuyết Mai không quên:

-Ba Chúc ơi, Ba Chúc/ bầm gan tím ruột nỗi đau sâu/ Ta nhất định tìm ra/ Kẻ thù giấu mặt.   (Chới với những bàn tay)

Tiếng gọi “Ba Chúc ơi, Ba Chúc!” trong nỗi thảng thốt bàng hoàng, đớn đau vô hạn. Chẳng phải đây là “nỗi đau sâu”? “Hàng ngàn người ngã xuống” chỉ trong vòng mươi ngày thôi sao chẳng “bầm gan tím ruột” cho được. Lý do bị thảm sát là gì mãi mãi là câu hỏi lớn “Mãi không thể hiểu vì sao”, vì kẻ thảm sát là “Kẻ thù giấu măt”. Kẻ thù thì “giấu mặt” còn chết chóc tang thương thì cứ phơi bày.

Đau thương, chết chóc đâu chỉ hiện diện lúc xảy ra chiến tranh mà hệ lụy của chiến tranh kéo dài không lường được. Đó là bi kịch chất độc da cam. Mượn “Lời ru(*) của người mẹ, thi sĩ  tái hiện bi kịch này:

  “À ơi à/ Con có nghe mẹ hát/ Ru những đôi mắt mở dáo dác/ Ru những cái đầu to/ Ngơ ngác vô hồn”.

  “Con có nghe mẹ hát/ Ru nỗi niềm cháy khát/ Linh nghiệm một phép màu/ Trả về cho các con/ Những hình hài nguyên vẹn”

Cũng viết về nỗi đau da cam, nhà thơ Lệ Thu (nhà thơ cùng thời với Trương Tuyết Mai) đã để cho người mẹ khấn cầu: “Tôi khấn lạy mười phương/ cầu cho con tôi mở mắt/ cầu cho con tôi mọc tay chân” và kêu cứu “Có ai cứu con tôi không/ hỡi nhân loại toàn cầu/ Đi-ô-xin là gì/ ai rải xuống đất này chi?/ làm cho con tôi không thành hình vóc/ chỉ cục thịt vô hồn làm sao sống giữa thế gian” (Mầm xanh của mẹ). Trương Tuyết Mai không van lạy cũng không kêu cứu hay hỏi tội ai mà chỉ tin vào “Linh nghiệm một phép màu/ Trả về cho các con/ Những hình hài nguyên vẹn”. Phép màu hẳn không xuất hiện giữa thế gian đầy rẫy tội đồ nhưng mẹ vẫn “cháy khát” niềm tin vào thần linh bởi không còn con đường nào khác để cứu con mình. Mẹ ru con nhưng cũng chính là ru lòng mình vậy. Ru một niềm tin không bao giờ thành hiện thực. Lúc cất lên tiếng ru thê thiết cũng là lúc mẹ đứng trên đỉnh của nỗi đớn đau, tuyệt vọng, hãi hùng. Tiếng “À ơi à” như cắt cứa tim gan.

Khi xem bức tranh “Ôm trọn nỗi đau” của họa sĩ Trịnh Thanh Tùng, hình ảnh người mẹ trong tranh “Giống như chiếc bóng/ bà ngậm ngùi cúi xuống/ Quàng tay ôm/ những đứa trẻ vô hồn” đã khiến cho “Người xem tranh-chôn chân -hóa đá”. Nếu nỗi đau người mẹ trong tranh được họa sĩ khắc nổi bằng sắc màu thì nỗi đau tê điếng lòng của người xem tranh được Trương Tuyết Mai để cho hình ảnh thơ “chôn chân- hóa đá” cất tiếng. Bởi người xem tranh đã nhập thân vào nhân vật trong tranh, lấy nỗi đau của nhân vật làm nỗi đau chính mình. Và, bởi người xem tranh cũng mang trái tim người mẹ. Rõ ràng, đau thương do chiến tranh mang lại không chừa một ai nhưng có lẽ người gánh chịu nhiều nhất vẫn là người mẹ

Còn và còn rất nhiều bi kịch do chiến tranh mang lại không sao kể hết. Nữ sĩ chỉ có “Điều ước giản dị” (*) này: “Cho thế giới yên lành sau trước/ Hiền hòa chân thiện/ Không súng gươm”.

Gọi “Hòa âm đêm” là bài ca khát vọng? Đúng. Khát vọng tình yêu đôi lứa hạnh phúc viên mãn. Khát vọng tìm về ngày xưa có bóng dáng mẹ hiền, có tuổi thơ hồn nhiên. Khát vọng cho bao cuộc đời, bao phận người thoát khỏi bóng đêm, sống đời hạnh phúc. Khát vọng xóa bỏ bất công, xua tan cái ác, cái xấu. …Nhưng có phải khát vọng nào cũng thực hiện được đâu khi thời gian khắc nghiệt cứ chảy trên phận người, khi mà mỗi cá nhân không đủ lực. Nên, bài ca này điệu buồn nhiều hơn điệu vui. Trong điệu buồn đó, ngòi bút Trương Tuyết Mai chạm đến ký ức chiến tranh. Mà nói đến chiến tranh là nói đến mất mát, đau thương, hy sinh, chết chóc tức là nói đến chuyện buồn. Nhưng Trương Tuyết Mai viết về chiến tranh không phải để buồn mà là để nhắc nhở mình đừng quên quá khứ đau thương của dân tộc, đừng quên cái giá đắt mà dân tộc ta phải trả cho Độc lập Tự do, để niềm tự hào dân tộc luôn chảy trong huyết quản mình. Biết ơn quá khứ, soi mình vào quá khứ của dân tộc để tôi rèn nhân cách, di dưỡng tinh thần, để mỗi bước đi của ta vào cuộc sống hôm nay thêm ý nghĩa, phải chăng đó là tâm niệm của nhà thơ? Đó cũng là đạo lý sống “Uống nước nhớ nguồn”. Lời nhắc nhở này là hành trang Trương Tuyết Mai mang theo bên mình trong hành trình “làm người” đầy kiêu hãnh. Đến nay, nhạc sĩ, thi sĩ Trương Tuyết Mai đã bước vào tuổi bát tuần mà vẫn không ngừng cống hiến cho đời bằng những sáng tạo nghệ thuật như lời chị thầm nhủ “Ta là ngọn đèn/ Cạn dầu/ Lụn bấc/ Chẳng còn gì/ Cũng mong cháy hết mình/ Dẫu không đủ sưởi trái tim/ Cũng ấm được bàn tay”.

 “Hòa âm đêm” là kết tinh của một trái tim biết nghe, biết nghĩ, biết thao thức cùng dân tộc mình của nữ sĩ Trương Tuyết Mai.

------

P/s : (*) là tên một số bài thơ trong tập thơ này.

Bình Định, 15/3/2025

Bài viết liên quan

Xem thêm
Mai Quỳnh Nam và một phía
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về thơ Mai Quỳnh Nam
Xem thêm
Một đêm trăng không dễ có ở trên đời!
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Khám phá vương triều Tiền Lý qua tiểu thuyết lịch sử
Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai là người khá đa di năng. Từ lúc bước vào văn nghiệp, anh viết kí, truyện ngắn, làm thơ, cày báo… đều đặn, thuộc dạng “nhạc nào cũng nhảy được” và nhảy khá hay.
Xem thêm
Triệu hạt tâm hồn rót đầy biển tình yêu
Võ Thị Như Mai đọc PHẢI CHI MÂY TRẮNG KHÔNG NGANG NGÕ, Nguyễn Đức Quận, NXB Hội nhà văn, 2024.
Xem thêm
Tiểu luận Võ Quốc Việt: Vài cảm nhận về Cuộc thi Thơ 1-2-3
Cuộc thi Thơ 1-2-3 (The 1-2-3 Poetry Style/ Phannist Poetry) năm 2024 – 2025 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tác giả trong lẫn ngoài nước và đã công bố kết quả. Nhà lý luận phê bình, nhà thơ Võ Quốc Việt – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban Chung khảo đã có bài tiểu luận công phu, sâu sắc mang tính tổng kết về cuộc thi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Xem thêm
Đọc tập thơ Dọc đường máu của Vương Cường
Nguyên Hùng giới thiệu tập thơ mới của Tiến sĩ nhà thơ Vương Cường
Xem thêm
Vũ điệu tái sinh trong từng cơn đau
Bái viết về tập thơ “Nghiêng về phía nỗi đau” tập thơ của Trịnh Bích Ngân (NXB Hội Nhà văn, quý II, 2024)
Xem thêm
“Ai cũng có ngày xưa” của nhà thơ Trần Duy Hiển
Gió vẫn thổi suốt chiều dài trận mạc/ Người nhẹ nhàng nằm lại lúc vượt sông
Xem thêm
“Theo chồng về quê” của Mai Khoa – một bài thơ hay
Bởi yêu chồng từ lúc mới bén duyên/ Như tình biển yêu thuyền thương nhớ
Xem thêm
Trò Chuyện Với Thiên Thần – Những Tai Họa Thế Giới & Giấc mơ Việt Nam
Triết gia Hy Lạp Platon đã nói: “Thước đo của một con người là xem cách anh ta làm gì với quyền lực”. Thế nhưng, có rất nhiều người có quyền, vì lòng tham và ích kỷ cá nhân nên đã hủy hoại nhân cách và đất nước của họ (TCVTT/ Trương Văn Dân)
Xem thêm
Thi ca đương đại nhìn từ hệ hình nghệ thuật và chất suy tưởng của thơ
Sáng ngày 12.02.2025 tại Ninh Bình, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”. Dưới đây là tham luận của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Xem thêm
Tôi đọc bài thơ Đừng sợ một mình của thi sĩ Trần Mạnh Hảo
Trần Mạnh Hảo và thơ ông đã sớm là “tín ngưỡng” đẹp nhất trong lòng của những người yêu thơ, quý chữ nghĩa chân chính. Từ thời còn trên giảng đường đại học, tôi đã từng nghe thầy tôi đọc những câu thơ trong trường ca Đất nước hình tia chớp. Từ đó, tôi bắt đầu săn sóc sự học, sự đọc về thơ ông.
Xem thêm
Hoàng đế Quang Trung, danh tướng bách chiến bách thắng
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, hiếm có một anh hùng nào như Hoàng đế Quang Trung, xuất thân áo vải, cả đời chinh chiến, danh vang bốn biển, đánh giặc lập nước, tôn vinh văn hiến, khuyến học khuyến tài, những bậc quốc sĩ danh thần cảm phục uy danh mà theo về giúp rập. Đặc biệt, trong hai lần đại phá quân Xiêm La và quân Thanh, ông đã bằng vào tài năng quân sự thiên bẩm của mình, đánh cho lũ giặc phía Nam, phía Bắc phải kinh hồn táng đởm. Ông từng hào sảng tuyên ngôn trong Chiếu xuất quân khích lệ tướng sĩ khi hành binh ra Bắc Hà đánh tan 29 vạn quân Thanh
Xem thêm
Mùa Xuân trong thơ Dương Xuân Linh
Bài viết của nhà thơ Phùng Hiệu
Xem thêm
Xuân về, đọc thơ Trương Nam Hương
Tuấn Trần viết về tập thơ “Thời nắng xanh” của Trương Nam Hương
Xem thêm
Tình yêu bển đảo trong thơ Lê Tiến Lợi
Nhà thơ Lê Tiến Mợi là một trong những người gắn bó lâu năm với nghiệp văn chương. Anh đã có số lượng tác phẩm khá lớn, trong đó một số sáng tác của anh đã chiếm được cảm tình của người đọc. Sau đây xin trân trọng gửi tới Ban Biên tập Văn chương thành phố Hồ Chí Minh bài viết về tình yêu biển đảo trong thơ anh. Xin chân thành cảm ơn Ban Biên tập khi được cộng tác với Văn chương thành phố Hồ Chí Minh.
Xem thêm
Mảnh trăng tinh tấn hàng cau trổ buồng
Cảm nhận về tập thơ SỰ MẤT NGỦ CỦA LỬA của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Kẻ cày mây thu và gieo trồng muôn dặm sao
Bài viết của Tuần Trần về tập thơ “Những đám mây mùa thu” của Trần Quang Khánh
Xem thêm
Trịnh Bích Ngân, người đi tìm ngôi đền thiêng tâm thức
Bài viết của nhà thơ Hương Thu về tập thơ “Nghiêng về phía nỗi đau”
Xem thêm