- Lý luận - Phê bình
- Mai Quỳnh Nam và một phía
Mai Quỳnh Nam và một phía
ĐẶNG HUY GIANG
Kiệm lời và cô đặc. Dồn nén và chất chứa. Giản dị và sâu xa. Một mình một lối. Một mình một kiểu. Không giống ai và ai muốn giống, cũng khó! Không dễ đọc và cũng không dễ thấm... Nhưng một khi đã đọc thì phải nghiền ngẫm. Đó là cảm nhận của tôi sau khi đọc thơ Mai Quỳnh Nam thường xuyên, có hệ thống, từ nhiều năm nay.
Ấy là lối thơ định đề. Ý tứ được định vị ngay tức khắc và ý tưởng cũng được định vị ngay tức khắc. Tựa như một một vận động viên chạy tốc độ ở cự ly cực ngắn, động tác xuất phát là cực kỳ quan trọng và cứ thế mà lao về đích như một mũi tên. Tính đến thời điểm này, thơ viết độc đáo kiểu Mai Quỳnh Nam trong làng thơ Việt Nam, theo tôi, vẫn là duy nhất.
Trên thế giới, thơ định đề của những tác giả nước ngoài được dịch và ấn hành ở ta, cũng không nhiều. Vương Hàn (Trung Hoa) có “Xưa nay chinh chiến mấy ai về “ trong “Lương Châu từ kỳ 1”. Tagore (Ấn Độ) có “Chúa cũng tự tìm mình qua sáng tạo” qua một bài thơ không có đầu đề chỉ có một câu. B. Brecht (Đức)có “Làm người ác vất vả vô cùng” trong “Mặt nạ kẻ ác”. Bonnefoy (Pháp) có “Bất toàn là đỉnh cao” trong “Không đề”. K. Lubomirski (Áo) thì nhiều hơn: “Bên em, anh chết dễ dàng hơn”, “Tại sao ánh ánh sáng đi qua chúng ta lại chỉ còn bóng tối?”, “Đừng trổ nhiều cửa sổ lên một bức tường/ Nhiều ánh ánh sáng bức tường sẽ đổ” trong nhiều bài thơ ngắn.
Nói cho cùng, mỗi bài thơ chỉ cần có một hoặc hai câu như trên, đâu cần gì nhiều, là đã đủ có sức nặng thuyết phục độc giả. Nói một cách khác: Nhiều khi, chỉ cần một, hai câu trên thôi, đã đủ làm thành một tứ thơ.
Có nhiều ý kiến khác nhau về thơ Mai Quỳnh Nam. Có người nói: Thơ ông là thơ hình học, là nghệ thuật ý niệm. Có người nói: Thơ ông là thơ tối giản. Có người nói: Thơ ông giống như châm ngôn. Có người nói: Thơ ông như những bàn thắng đẹp trong một trận đấu bóng đá hấp dẫn. Tất cả đều không sai, tất cả đều rất đúng với thơ Mai Quỳnh Nam và con người thơ trong ông. Riêng tôi, tôi nghĩ thơ Mai Quỳnh Nam luôn rơi theo chiều thẳng đứng, mà điểm rơi thường tập trung vào một điểm rất nhỏ (tạm gọi là “tiết diện”). Nhờ thế mà lực và sức công phá rất mạnh. Hiện tượng này giống như con người ta dùng mũi dao để chém rất mạnh, một cách bột phát và tức thì vào một mặt phẳng vậy! Ở một cách nhìn khác, Thơ Mai Quỳnh Nam, giống một khối TNT gần như không có dây cháy chậm hoặc nếu có thì dây cháy chậm dẫn đến điểm nổ cực ngắn.
Nhà thơ Đặng Huy Giang (phải) và nhà thơ Mai Quỳnh Nam.
Phần đầu trong “Một phía” (NXB Hội Nhà văn quý 3 năm 2024), tình yêu, đặc biệt là tình yêu đôi lứa và thuộc tính của tình yêu vừa trong nó, vừa ngoài nó, được Mai Quỳnh Nam soi chiếu rất kỹ qua một cách nghĩ, cách nhìn thật riêng.
Vì có sự bất toàn trong lời hứa
anh không hứa nữa
Sự thất hứa của anh đã cứu sống em
sự thất hứa của em đã giết chết anh
Nếu ở hai câu đầu, Mai Quỳnh Nam muốn bảo toàn lời hứa đến mức tuyệt đối, thì ở hai câu sau, sự thất hứa, đôi khi để lại hậu quả khác nhau. Nghĩa của hai từ “thất hứa” không còn mang nghĩa thuần túy nữa, nó nương theo cảnh huống để chữ sinh nghĩa.
Thơ khác các loại hình văn chương khác là thế! Các loại hình văn chương khác có thể đạt đến độ nghiền ngẫm, nhưng thơ lại có thể đạt đến mức nghiền nát.
Cái mùi hương, cái mùi hương quái quỷ
ủ bên lòng ma mị u mê
Những vì sao rủ nhau đi ngủ
giờ là lúc đôi ta thành vũ trụ
Hóa lỏng
trong khuôn hình
Giống như em
trong anh
Nếu hai câu đầu nói về sự hấp dẫn, mê hoặc của tình yêu thì những câu sau, lại tuyệt đối hóa tình yêu, lại nói đến cái khoảng cách bằng không, sự là một của đôi lứa. Ý tại ngôn ngoại của bốn câu thơ này là rất rõ và đó là cách nói thật hay của thơ, lại rất mới mẻ. Riêng “hóa lỏng” là một chi tiết đắt.
Sau “Cái mùi hương, cái mùi hương quái quỷ/ ủ bên lòng ma mị u mê”, những câu “Anh không chơi đuổi hình, bắt bóng/ sao cái bóng của em/ quấn vào anh/ như sợi dây thòng lọng”, “Chết không rời nhau/ chết trong cực khoái/ xác khô kể lại:/ một con côn trùng đực, một con côn trùng cái...” xem ra còn quyết liệt và mang ý nghĩa có phần định mệnh hơn.
Mặt sau của tình yêu, cũng được Mai Quỳnh Nam khai thác triệt để, đẩy lên thành đỉnh điểm trong một cách nói khác biệt: “Chàng không phải là động vật nhai lại/ nàng thích thực đơn mới/ thế là họ thơ thới/ cuộc order tối nay”, “Không phải tình ái/ cô ấy là thặng dư được phân chia lại”, “Trả góp/ anh xin ứng trước/ anh mãi là người mắc nợ/ thỉnh thoảng em nhắc thầm/ anh biết/ đó là tình cảnh đôi ta/ từ dằng dặc sống đến dằng dặc chết”, “Chấp nhận kiểu hành vi không thuộc về nhau/ im lặng trong không gian ở/ im lặng nối dài dây cháy chậm/ với khối mình căng thẳng từ lâu.../ Không thể, nấp vào đâu”...
Tôi dám chắc, số người có thơ về tình yêu, viết về tình yêu đạt đến mức thấu đáo và góc cạnh như Mai Quỳnh Nam, không nhiều.
Đến “Một phía”, Mai Quỳnh Nam tự làm đầy mình lên bằng những bài thơ giàu cảm xúc, góp phần để giọng điệu thơ ông trở nên mềm mại hơn, uyển chuyển hơn. “Mây lụa thắm giăng giăng ngày em đến/ trăng chưa lên chiều có muộn chi nhiều/ mùi hương lạ phả vàng hoa trắng tím/ mùa ấm dần từ phía nắng anh yêu”; “Bao nhiêu nước dưới chân cầu vẫn chảy/ bao nhiêu mây quấn quít rủ nhau về/ bao nhiêu nắng bàng hoàng ngây dại/ bao nhiêu đêm khắc khoải mảnh trăng thề”; “Cây lẻ hình em bóng sớm phai/ em đi buông xuống vệt sương dài/ long lanh mảnh nắng vờn bên áo/ phảng phất mùi hương thơm gió phai” - đó là ba ví dụ cụ thể.
Những bài thơ làm động tâm độc giả trong “Một phía” vốn là cái mạnh, cái cố hữu của Mai Quỳnh Nam, cũng rất sẵn. Có thể thực chứng: “Khoảng cách giữa hai bó cỏ/ to như trí lự con bò”; “Ngoại trừ cái chết/ Tất cả đều không rõ rệt”; “Tôi mất quá khứ, tôi còn tương lai/ cơ hội xòe ta mở cuộc chia bài”; “Mọi khái quát chỉ là cốc nước vơi/ sự thiếu hụt kia thuộc về bản thể đời”; “Có những chuyện long trời lở đất/ diễn ra trong chớp mắt/ bằng một cái tặc lưỡi”; “Hy vọng người này/ người này sập bẫy.../ hy vọng người kí/ người kia sập bẫy.../ đầy rẫy cạm bẫy/ ai ai cũng thấy.../ ai ai cũng chen chân vào đấy”...
Và tôi không khỏi giật mình khi đọc:
Tiếng dội trên xuống
tiếng vọng dưới lên
khoảng giữa tối đen
và
không gì hết
và:
Giờ là lúc hạ màn
không trống, không kèn
ôi! cái thời rùm beng
leng keng kèn trống
tiền hô, hậu ủng
lủng xủng loảng xoảng
Thơ Mai Quỳnh Nam luôn có chủ ý. Nẻo về của ý trong thơ ông dày đặc.Lượng thông điệp trong thơ ông tương đối đa dạng, đa chiều. Đó vừa là nét tiêu biểu, vừa là bản sắc thơ Mai Quỳnh Nam. Ông luôn có đức tin không gì lay chuyển nổi từ mẹ: “Suốt cuộc đời con nghe tiếng gọi: / mẹ đây mà, con ơi, ở đâu?” và nhận ra cái cốt lõi của thơ mình mà ông còn mãi theo đuổi đến tận cùng: “Vệt chớp/ luồng ánh sáng/ đường thơ tối giản”.
Phố Khuất Duy Tiến, đêm 22 tháng 11 năm 2024