TIN TỨC
  • Truyện
  • Hương chanh | Nguyễn Đại Duẫn

Hương chanh | Nguyễn Đại Duẫn

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-05-25 06:01:26
mail facebook google pos stwis
875 lượt xem

 CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

NGUYỄN ĐẠI DUẪN

Cổng nhà tù nặng nề mở, rít lên  ken két nghe rờn rợn. Những người được trả tự do lần lượt bước ra cổng, mắt dáo dác tìm người nhà.

Vai khoác chiếc túi đã cũ, gã lầm lũi bước. Đi được một quãng, gã dừng lại gốc cây bên đường ngước mắt nhìn trời, lấy hết bình sinh hít một hơi thật sâu. Trời trong xanh, không khí thoáng đãng. Đường sá ồn ào, nhộn nhịp xe cộ. Những mái ngói thấp thoáng sau hàng hoa giấy nở bung trải một màu hồng tươi trong nắng sớm. Không có người nhà đi đón. Se sắt một nỗi buồn, gã thấy mình lạc lõng giữa dòng người.

Gã bắt một chiếc xe ôm đi về bến xe Đông Hà. 

Đến quán nước bên đường, thấy vẻ hiền lành của gã, chủ quán niềm nở:

- Về Khe Sanh hả? Giờ này thì xe đã chạy hết cả rồi. Vô uống chén nước rồi chốc nữa có xe chở hàng lên Khe Sanh, chị xin quá giang cho.

Li nước chè xanh thấm vào miệng làm gã thấy dễ chịu. Vị mát chan chát của chè xanh quyện hòa với vị bùi giòn tan của thanh kẹo lạc nghe sắc ngọt dịu dàng, tan dần nơi đầu lưỡi gợi lại trong gã những ngày tháng của một thời bình yên nơi quê nhà. Sau buổi chiều làm đồng, cùng mấy đứa bạn rủ nhau vào quán nước bên gốc đa đầu làng làm bát chè xanh mát mẻ, mấy thanh kẹo lạc, thanh thản được những phút bình yên. Đang trầm ngâm với những ký ức, chợt bà chủ quán nhắc nhở: “Chú em uống nước đi, sắp có xe đến rồi đó”.

Ngồi trên xe gã đưa mắt nhìn xung quanh. Con đường quen thuộc như rộng hơn, cây cối bên đường cao lớn hơn. Người lái xe chăm chú nhìn đường không để ý đến gã. Mệt mỏi, gã cũng không muốn bắt chuyện. Đang thiu thiu, tiếng người lái xe gọi giật giọng: “Dậy đi ông bạn! Sắp vào chợ Khe Sanh rồi”. Bỗng, chiếc xe phanh két khựng lại, người gã như muốn chồm lên trước. Người lái xe thò đầu ra ca-bin thét to:

 - Muốn chết à! Đi chỗ khác mà chết, răng đâm đầu vào xe tui. 

Mọi người trong chợ đổ xô tới hiện trường. Một người phụ nữ đang giãy giụa. Bên tai một dòng máu rỉ ra, da ở cùi tay trái trượt dài, máu chảy loang lổ. Gã rẽ đám đông, bế người bị nạn ra vệ đường, xé vạt áo may-ô trong người lau những vệt máu và băng lại vết thương. Xe cứu thương cũng vừa kịp đến. Người phụ nữ được các nhân viên y tế đưa lên xe. Chiếc xe hú còi lao về phía bệnh viện huyện.

*

Tìm được ngõ thì trời cũng nhá nhem. Gã lững thững vào nhà. Mười hai năm. Thay đổi nhiều quá. Cánh cổng mối xông gần hết. Quanh nhà, cây cối mọc um tùm. Nhà trống vắng, héo hắt, cô đơn như chủ nhà. Nghe tiếng chó sủa, ông Năm, chú vợ gã ở nhà bên, chạy sang. Nhìn chằm chằm từ đầu đến chân, ông à lên: “Thằng Dương! Mày đã về rồi à?”.

Trăng nhạt. Gã nhấc chiếc bàn ra sân. Một mình trong đêm vắng, nỗi nhớ thương vợ ùa về. Mới ngày nào đây, cũng ngôi nhà này ấm cúng biết bao khi vợ chồng thủ thỉ. Vậy mà giờ đây…  Không biết nơi suối vàng vợ gã có tha thứ?

 Rít dài hơi thuốc lá, miệng đắng chát, gã miên man nhớ về những ngày ở trại giam. Bọn đầu gấu đe dọa, đánh đập vì thấy gã quá thật thà. Nhờ món võ thời trinh sát, gã làm cho bọn chúng khiếp nể, không dám bắt nạt nữa. Không có người nhà tiếp tế, không có nguồn động viên, gã lầm lũi chịu đựng. Ngày ra trại, gã nhớ mãi lời cán bộ quản giáo: “Về nhớ sống tốt nhé!”.

Một buổi sáng, gã lên bệnh viện thăm bà thím ốm. Đang chậm rãi rảo bước ra về, đưa ánh mắt qua cửa sổ, gã thấy một bệnh nhân với khuôn mặt hốc hác, nhợt nhạt mắt đang nhìn trân lên mái nhà. Đúng là cô gái bị tai nạn hôm trước. Gã đến gần:

 - Sao rồi, đã khỏe chưa?

Cô gái ngỡ ngàng, nhíu mày. Mình đã gặp người này ở đâu. Không nhớ. Anh ta là ai? Cô không nhìn gã, quay sang nhìn cô y tá đang chuẩn bị rửa vết thương, vẻ mỏi mệt:

- Anh là ai, răng biết tui?

- Tui là Dương, người đã giúp băng bó cho cô…

Không chờ Dương nói hết câu, người con gái gồng lên:

- Răng lại cứu tui? Để làm gì hả? Anh có biết tui đang muốn chết không? - Cô dằn giọng, tiếng thở hổn hển. Lặng đi một lúc, cô nói tiếp: - Nhưng anh là ai? Hay là bọn vay nặng lãi cho anh theo dõi tui hả? Tui có tội tình chi, các ông thật tàn nhẫn. Tui không có tội!

Gã không hiểu Hoa đang nói gì, thật thà:

- Tui là một thằng tội phạm vừa ra tù. Cứu giúp cô là một tình cờ và cũng là trách nhiệm.

Chợt cô gái run bần bật, mặt tái xanh rồi ngất xỉu. Cô y tá bảo gã lui ra ngoài rồi gọi bác sĩ trực cùng nhân viên trong buồng bệnh đến cấp cứu.

Trời sẩm tối, gã trở lại phòng bệnh, tay xách cặp lồng đựng cháo. Cô gái đã tỉnh táo hơn, gượng gạo nhìn gã:

- Tui là Hoa. Cho tui xin lỗi do hoảng loạn quá mà có lời không tốt. Mấy ngày này, nếu không có các anh chị trong bệnh viện giúp đỡ thì tui không biết mần răng.

Gã cười nhẹ:

- Cô đã khỏe lại là tui yên tâm lắm rồi, có bát cháo, ăn đi cho khỏe, nằm nghỉ cho lại sức. Nhà tui cũng gần đây, có chi cần giúp đỡ thì nhắn cho tui.

Trời đã vào hè. Những ngọn gió Lào trườn qua sườn đồi thông thốc vạt lau, cuộn xoáy. Gã đạp xe xuống bệnh viện. Con đường này quen thuộc với gã. Những ngày vợ ốm nằm bệnh viện ngày nào gã cũng đưa cơm cháo cho vợ. Giờ đây con đường đã được nâng cấp, rải nhựa láng bóng rộng thêm ra. Vừa đạp xe gã vừa suy nghĩ miên man. Không biết cô gái này có hoàn cảnh gì mà định tự tử? Gia đình ở đâu?

Chia tay các anh chị trong khoa, hôm nay Hoa xuất viện. Gã cũng vừa đến kịp: 

- Hoa về mô. Có ra bến xe tui đèo đi?

Hai người chậm rãi ra cổng, Hoa quay sang gã:

- Cảm ơn anh nhiều lắm. Giờ tui không biết về mô!

Rồi Hoa kể, nước mắt lăn dài trên gò má còn tái xanh. Quê ở Huế, bố mẹ qua đời trong một lần tai nạn, Hoa ở với dì. Ngày tháng tần tảo hai dì cháu dắt díu nhau qua ngày. Lớn thêm, Hoa được người quen giới thiệu vào Sài Gòn làm ăn. Rồi Hoa lấy chồng. Chồng cô là một tay rượu chè chơi bời lêu lổng. Nhiều phen, cô bị đánh đập tàn nhẫn.  Không chịu được Hoa bỏ nhà ra đi. Rồi cô vay nóng tiền để làm ăn. Không trả được nợ, cô bị chúng bán cho nhà chứa làm gái “bán hoa”.  Cô trốn về Khe Sanh làm ăn nhưng bọn chúng vẫn không buông tha. Buồn chán, cô liều mình đâm đầu vào xe tự tử. Nhìn nét mặt đượm buồn, bộ dạng thất thểu của cô, gã ngập ngừng:

- Hay là… về nhà tui. Có chi tính sau.

- Đã làm phiền anh nhiều rồi. Không được. Mà tui có thân phận chi để được về. Rồi gây phiền hà cho anh.

- Không sao đâu. Hoàn cảnh tui chừ có khác chi Hoa mô. Hoa về rồi hiểu.

Trời càng trưa, càng oi. Hoa lấy nón phe phẩy. Sau bao suy nghĩ, đắn đo, cô thốt lên:

- Thôi! Tui theo anh, rồi đến đâu tính đó. Chừ thì cũng hết cách rồi.

Nhà vắng teo không có bóng người. Con chó nhà bên thấy có người lạ ăng ẳng sủa. Gã chỉ tay ra ang nước:

- Cô đi rửa cho mát rồi phụ làm cơm.

Hoa đảo mắt nhìn quanh nhà. Vườn rộng, xung quanh như vừa được dọn lại. Cây ăn quả trong vườn thiếu người chăm đang tàn úa. Cô nghĩ. Không biết vợ con anh ta ở đâu mà vắng. Con gà cất tiếng éc làm Hoa giật mình trở về thực tại. Hai người xắn tay vào bếp. Một mâm cơm để tạ lỗi người đã khuất, sau là đãi khách được dọn lên.

Bên chiếc bàn kê tạm dưới gốc mít sân nhà, ánh trăng quê sáng như ban ngày. Thỉnh thoảng ngọn gió tạt qua xua đàn muỗi đang vo ve. Hoa trầm lắng nghe gã kể chuyện.

Đó là một sáng tháng 4, Mơ cùng bố vào rừng làm rẫy từ tinh sương. Phía bên kia vạt sắn có tiếng người rên. Mơ chạy lại. Trời! Một anh bộ đội chân bê bết máu, tay loang lổ những vết thương. Hai bố con đưa về nhà chăm sóc, thuốc men. Khi vết thương lành, anh bộ đội cảm ơn hai bố con Mơ rồi tìm về đơn vị.

Hết chiến tranh biên giới, gã ra quân tìm đến Mơ như lời hẹn ước. Hai người thành vợ chồng. Cuộc sống sau những năm tháng chiến tranh đầy cơ cực, thiếu thốn trăm bề. Bố vợ đi làm rẫy giẫm phải mìn qua đời. Mơ sống trong buồn thương, ngây dại. Đứa con đầu lòng trong bụng Mơ cũng bất an. Nó không được chào đời như mong ước. Túng quẫn, thiếu thốn gã cùng mấy thanh niên trong thôn bản luồn rừng, vượt biên buôn lậu. Được lắm. Thuốc lá, mì chín, dép tông, đường hóa học… gùi về chợ Đông Hà. Lời nhiều. Cuộc sống có đỡ hơn chút ít. Bữa cơm gia đình nặng đũa hơn, con cá đỡ mặn hơn. Rồi Mơ có bầu lần hai. Mơ ốm lên ốm xuống. Tiền của cứ rủ nhau vào bệnh viện, vào túi thầy lang. Gã nghĩ: “Thanh niên sức dài vai rộng, mà cứ đói mãi là sao?”. Gã theo đám bạn đi buôn thuốc phiện. Một vốn mấy chục lời, chắc thành triệu phú. Trong một chuyến hàng lớn, vượt biên không thoát, cả bọn bị công an đuổi bắt. Bọn chúng chạy hết. Tiếc của, gã chống trả người thi hành công vụ. Chứng cứ đã rõ. Gã bị tuyên án 12 năm tù giam. Ngày Mơ trở dạ cũng là ngày xe đặc chủng đến đưa gã đi cải tạo. Không có người chăm sóc, phương tiện y tế lạc hậu, thuốc men thiếu thốn, Mơ băng huyết qua đời. Đứa bé gái sinh ra được một người làm phước đưa về nuôi… Dương thở dài, chép miệng: “Đời tui nghiệt ngã thế đó. Chừ không vợ con, vừa ra tù… Không biết những ngày tiếp theo rồi sẽ sao đây?”. 

Hoa bất chợt hỏi:

- Anh Dương quê mô?

Gã buồn buồn nhìn Hoa trả lời:

 - Quê tui ở Quảng Bình. Một loạt pháo hạm làm cho cả gia đình và mấy chục mạng trong xóm ra đi, lúc tui đang cùng dân quân  đi đào hào giao thông. Sau khi cùng bà con lối xóm lo hậu sự cho cả nhà, nuốt đau thương tui viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Địa phương không đồng ý, tui trốn theo một đơn vị bộ đội. Vào đến Quảng Trị bị phát hiện thì đã muộn nên đơn vị cho vào biên chế. Đã lâu nay vì hoàn cảnh vầy, tui chưa về quê, không biết ngoài ấy chừ răng?

Gà gáy sang canh. Gã giục Hoa đi ngủ. Gã nhường giường cho Hoa, cầm chiếc chiếu ra phòng ngoài. Hoa trằn trọc, thao thức. Cuộc đời của Dương éo le, cay nghiệt, mằn mặn mùi sương gió như trong đó có cuộc đời của mình. Phải chăng ông trời đã đưa đẩy hai người đến động viên giúp đỡ nhau trong lúc bần hàn này?

Khi những tia nắng xuyên qua mái tranh đã nát, gã uể oải thức dậy. Không thấy Hoa đâu, gã cất tiếng gọi. Ông Năm nghe tiếng chạy sang: “Chú đã bảo rồi! Làm sao mà cháu tin người đến vậy chứ. Coi mất mát gì không?”. Có gì mà mất cơ chứ. Gã vào buồng, chăn màn xếp gọn gàng. Sực nhớ chiếc ví, phải rồi trong đó, số tiền do trại giam thanh toán công lao động hơn chục năm cải tạo của gã. Gã lắc đầu, chẳng biết tin ai! Nhưng nhìn cô ấy thật thà lắm mà.

Tuần sau, Hoa lên. Cô duyên dáng trong chiếc áo màu tím hoa cà, nhìn gã rồi cười bẽn lẽn thay cho lời xin lỗi:

 - Em về mà không dám gọi anh, sợ làm mất giấc ngủ. Tìm không có giấy bút gì để viết cho anh mấy dòng. Ví tiền, em bỏ dưới chiếu ấy - Hoa tiếp - Em về quê, lấy tư trang, về đây em thắp nén nhang xin chị nhà cho em được ở lại với anh, chúng mình rổ rá cạp lại.

Gã lặng không nói gì ôm chặt Hoa trong vòng tay run run. Đôi môi nồng nàn tìm nhau, những giọt nước mắt nóng ấm lăn dài trên đôi gò má sạm nắng.

*

Gã được Ủy ban xã cấp cho mảnh đất vỡ hoang. Ngày đêm tay rựa tay cuốc, vợ chồng gã hì hà hì hục chặt đốn cây. Những cây gỗ to như cột nhà, như bắp chân, những dây bụi dần dần được đốn hạ xuống. Mồ hôi nhễ nhại, tay cuồn cuộn gân, gã cần mẫn chặt, đốn, gom. Khai phá đến đâu gã đốt dần đến đó. Tiếng mìn lá, mìn vướng sót lại đâu đó nổ lốp bốp. Đốt xong, đợi đất nguội gã trồng khoai, sắn, rau màu… lấy ngắn nuôi dài. Nhiều đêm nghe chồng thở dài mệt mỏi, Hoa thấy thương lắm. Hoa trồng rau, chăm thêm lợn, gà. Đất không phụ lòng người. Đám khoai, sắn, rau màu cũng đến độ thu hoạch. Cuộc sống lay lắt rồi cũng dần qua. Hơi ấm hạnh phúc đang lan tỏa như ngày càng thêm sức mạnh, tăng thêm niềm vui trong họ.

Ở Khe Sanh, đa phần nhà nào cũng trồng cây cà phê mít. Loại này không đòi hỏi khắt khe về đất, không cần phải chăm bón, tưới nước như các loại cà phê khác. Lại có năng suất cao, ít sâu bệnh, đang được giá, có giá trị xuất khẩu.

Lứa cà phê đầu tiên thu hoạch thì niềm vui làm bố, làm mẹ của hai người cũng được toại nguyện. Thằng cu Mun trùi trũi lớn lên từng ngày, toe toét cười trên tay mẹ. Mấy vụ cà phê liên tục được mùa, được giá. Vợ chồng gã quyết định làm lại nhà. Mà cũng phải, nhà đã cũ nát rồi.

Lao đao, mấy năm lại đây được mùa, rớt giá, cà phê rẻ như cho. Bao nhiêu công sức đổ ra không đưa lại lợi lộc gì. Mọi người thi nhau đốn cà phê trồng hồ tiêu, trồng điều. Nhiều đêm nằm suy tính, không biết mình có nên làm như họ? Gã bàn với vợ rồi khăn gói ra đi. Trở về,  gã chặt bỏ hơn một nửa diện tích cà phê chuyển sang trồng chanh leo. Nhiều người cho gã là đồ hâm, thằng gàn. Nhưng vợ chồng gã đã quyết rồi. Mấy ngày qua, gã đi học hỏi cách trồng chanh leo ở Vĩnh Linh. Hướng đi mới, một bước đột phá mới nhưng đầy cam go mới, thử thách lại đến với vợ chồng gã. Lại hì hà hì hục đầu tư giống, phân, hệ thống tưới nước, làm giàn hai vợ chồng gã bước đầu đã có được vườn chanh như ý. Ngày tưới nước, bắt sâu, đêm ra xem từng đọt cây chuyển mình, leo giàn. Sướng nhất là ngắm những nụ hoa tím tím, xinh xinh đang chúm chím như đàn bướm bay về chập chờn trong gió.

Nhưng, không hiểu sao, vườn chanh đang xanh tươi tự nhiên lá quăn lại, nhăn nheo. Chóp lá vàng, cuống lá lốm đốm, phần thân lại phình to ra. Quả phát triển không bình thường, dị dạng, trên vỏ xuất hiện những nốt u làm cho vỏ quả sần sùi, cứng lại không to lên. Người thấy tiếc thì chép miệng: “Giá như trồng tiêu, trồng điều thì đâu đến nỗi”. Người độc miệng thì chêm vào: “Cho chết! Ai bảo trứng đòi khôn hơn vịt”. Nguy cơ sạt nghiệp đến gần. Kỹ sư Phòng Nông nghiệp cho biết, đó là bệnh phấn trắng trên cây chanh dây do một loại vi-rút gây ra rồi lây truyền từ cây này sang cây khác. Được Phòng Nông nghiệp hướng dẫn giúp đỡ kỹ thuật chữa bệnh và chăm sóc nên một thời gian giàn chanh leo đã hồi phục. Vợ chồng gã thở phào. Sau mấy tháng tập trung chăm bón, cây phát triển  tốt trở lại, vườn cây sai quả, vụ đầu tiên đã cho năng suất cao. Quả chanh leo có hương vị chua, ngọt, thanh và màu sắc rất đẹp nên được người tiêu dùng ưa chuộng, được thương lái thu mua tận nơi. Vậy là, cây chanh leo được trồng thử nghiệm lần đầu ở vùng đất Khe Sanh đem lại hiệu quả kinh tế, mở ra một hướng đi mới cho gã, cho người nông dân nơi đây.

Tin lành đồn xa. Nhiều người tìm về học hỏi kĩ thuật trồng trọt chăm sóc. Các nhà báo cũng đến lấy tin, viết bài tuyên truyền. Một hôm có cô nhà báo vào nhà gã, cất tiếng:

- Chào bác, được sự giới thiệu… - Cô nhà báo nói chưa hết câu, gã chen ngang:

- Bác biết rồi! Vào uống cốc nước chanh leo, sản phẩm đầu tay của nhà bác, rồi ta trao đổi sau.

Li nước chanh leo pha mật ong, hương thơm dịu. Vị ngọt của mật ong quyện với vị chua của chanh tạo nên một hỗn hợp thấm vào cổ họng giữa trưa hè làm cho tâm hồn sảng khoái hẳn lên. Lướt nhìn cô gái, tự nhiên gã thấy cô gái này sao quen quá? Cũng khuôn mặt trái xoan ấy, cái mũi dọc dừa, đôi mắt thanh khiết ấy… sao như một khuôn đúc ra từ Mơ. Ánh mắt gã nhìn cô nhà báo không chớp:

- Bác hỏi điều này, nếu có gì không phải cháu bỏ qua nhé. Cháu tên là gì. Quê cháu ở đâu?

- Dạ! Cháu tên Trà Mi, quê ở Huế.

Gã không ngần ngại hỏi tiếp:

- Nay bố mẹ làm gì?

Cô gái nhẹ nhàng trả lời:

- Bố mẹ cháu nay đã nghỉ hưu ạ. Có việc gì không bác? À! Mà nghe đâu trước đây bố mẹ nuôi của cháu cũng từng công tác ở Khe Sanh này.

Tối, gã kể lại chuyện gặp cô gái nhà báo cho vợ. Nghe xong, vợ gã thủ thỉ:

- Vậy là có manh mối rồi. Vụ chanh này thu hoạch xong anh sắp xếp đi Huế một chuyến. Rồi tiện đường đưa thằng Mun về thăm quê nội một thể. Đã lâu rồi mà.

Đêm nay, gã không ngủ. Một mình bên ấm trà dưới ánh trăng suông, lòng gã thấy nao nao. Ngày mai, ngày mai gã sẽ về Huế. Phải tìm hiểu cho rõ ngọn ngành về đứa con thất lạc mấy mươi năm nay. Phải bắt đầu từ đâu, gã tính chưa ra. Gã cứ hình dung khi gặp lại con gái, sẽ nói gì, làm gì để cho con hiểu đây? Rồi gã tưởng tượng cảnh ba bố con dắt tay nhau tung tăng trên con đê đầu làng ở quê nội, nơi ngày xưa cùng bạn bè vui thú thả diều. Nghĩ đến đây, nước mắt gã ứa ra.

Ngoài kia, hoa chanh leo phả vào đêm mùi thơm phảng phất dịu nhẹ. Một chút bình yên lan tỏa êm đềm trong đêm. Gã thao thức chờ trời sáng.

Quán Hàu, tháng 2/2022.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm