TIN TỨC

Đặng Nguyệt Anh - Một hồn thơ không tĩnh vật

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2025-04-04 10:50:07
mail facebook google pos stwis
249 lượt xem

HỒ THẾ HÀ

Đặng Nguyệt Anh là một trong rất ít nhà thơ nữ được vinh dự sống và viết ở chiến trường trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngành Ngữ văn, chị được phân công vào Nam công tác và chiến đấu. Chị làm việc tại Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam. 

Chính những tháng năm gian khổ và ác liệt đó đã hình thành trong chị lòng yêu quê hương, đất nước và thi ca. Chị trở thành nhà thơ và là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam với hành trình thơ không bình lặng. Thơ chị tạo nên thi pháp và giọng điệu riêng, được bạn đọc trong cả nước đón nhận nồng nhiệt. Dù viết về nhiều chủ đề, đề tài, nhưng thơ chị luôn tạo nên sự tương tác bền chặt giữa hồn quê, tình quê với tình yêu đất nước rộng lớn; từ đó qui định bút pháp và chất thơ giàu thiên tính nữ thông qua việc kiến tạo nên thế giới hình tượng và ngôn từ gần gũi, thấm đẫm chất trữ tình đời tư và thế sự.


PGS.TS Hồ Thế Hà và nhà thơ Đặng Nguyệt Anh - Ảnh: Nguyên Hùng.

Suy nghĩ về đời và về thơ mình, Đặng Nguyệt Anh viết: “Thơ không là nghề mà là nghiệp. Đôi khi phải mài nhan sắc để được những câu thơ đến với người đọc và ở lại trong lòng họ. Tôi phải chịu ơn sâu nặng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Cảm ơn những ngày tháng ở Trường Sơn, những năm tháng ở rừng miền Đông Nam bộ. Chính từ đó, tôi đã trưởng thành. Tôi đã uống nước sông Ninh mà lớn lên. Đã mang nợ bao nhiêu người đã ngã xuống cho tôi được sống như hôm nay. Quê hương và cuộc chiến tranh vệ quốc là hai đề tài xuyên suốt hồn tôi, xuyên suốt thơ tôi” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, in lần IV, Nxb Hội nhà văn, 2010, tr. 137).

Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống như vậy cũng đã đem lại cho chị những giá trị công bằng và vinh dự. Thơ chị càng về sau càng được dư luận trong và ngoài nước chú ý. Đặng Nguyệt Anh đã từng có thơ đăng ở các Tạp chí và các Báo nước ngoài, trong đó, có Tạp chí Văn học Nga và Tạp chí Văn học Mỹ. Đặc biệt là vào tháng 2 - 2023, tập thơ Trái tim không biết quỳ của chị được dịch giả Khánh Phương chuyển ngữ sang tiếng Anh, được Nhà xuất bản Ukiyoto (Canada) xuất bản. Sau đó, tập thơ này tiếp tục được chuyển ngữ sang tiếng Đức, Pháp, Tây Ban Nha để thành 4 tập thơ riêng biệt với 4 thứ tiếng nói trên, cũng do Ukiyoto xuất bản và được trưng bày tại Hội chợ sách quốc tế thường niên lớn nhất thế giới Frankfurt (Đức) kéo dài 5 ngày từ 18 đến 22 tháng 10 năm 2023.

Riêng 3 tập được dịch sang tiếng Đức, Pháp, Tây Ban Nha đã được trình bày tại làng sách quốc tế vào tháng 6 - 2023. Hiện tại, cả bốn bản thơ Trái tim không biết quỳ đang được phát hành toàn cầu trên các kênh phát hành sách của Nhà xuất bản Ukiyoto, kênh Barnes & Noble (Mỹ), Smashwords (Anh).

Sự kiện này đã được giới văn học, đặc biệt là công chúng độc giả Bắc Mỹ chú ý và có lời khen ngợi. Trong một bài viết của mình, Phạm Tuấn viết: “Nữ sĩ Việt xuất hiện trên thị trường sách quốc tế vốn không nhiều. Nữ sĩ Việt đến với độc giả thơ khu vực Bắc Mỹ càng hiếm hoi. Vì vậy, trường hợp Đặng Nguyệt Anh ra mắt với tư cách một nữ sĩ Việt tại Canada, cũng là một họat động giao lưu và quảng bá văn hoá đáng chú ý”. Phạm Tuấn nhận xét tiếp: “60 bài thơ trong tập thơ Trái tim không biết quỳ, phần nào giúp cho người đọc hiểu thêm về nội tâm của một nhà thơ không nhiều tham vọng, không có mưu cầu danh lợi, mà chỉ âm thầm, tận tuỵ gắn bó với thơ, chắt chiu từng khoảnh khắc đẹp giữa đời thường để dâng hiến cho người đọc. Không chói lọi, lung linh mà nhẹ nhàng, dẫn dắt, chinh phục độc giả”.

Còn Ban biên tập khi đọc Trái tim không biết quỳ (The heart not knowing to kneel) của Đặng Nguyệt Anh lại nhận xét: “Đó là những áng thơ giúp tôi hiểu hơn về Tổ quốc Việt Nam, về những con người chịu thương, chịu khó, về những nét bình dị nhưng vô cùng đẹp, khắc hoạ nên một Việt Nam yêu chuộng hoà bình…” (Những trích dẫn trên đều rút từ bài viết của Phạm Tuấn: “Nữ sĩ Việt gửi ra thế giới một trái tim không biết quỳ”, in ở chuyên mục Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt, Báo Nông nghiệp Việt Nam, số ra ngày 04.4.2023).

Vậy là Đặng Nguyệt Anh đã tự mình làm nên hồn thơ không bao giờ tĩnh vật. Thơ chị vận động và phát triển trên cái nền cuộc sống chung là quê hương và đất nước, là cuộc sống chiến đấu và lao động hoà bình; từ đó, cái tôi trữ tình giàu yêu thương và khao khát của chị hiện lên trên từng trang thơ với ngôn từ, hình tượng và giọng điệu chân tình, nghĩa ân và mê đắm.

Gắn bó thiêng liêng và sâu nặng nhất trong thơ Đặng Nguyệt Anh là hình ảnh quê hương mà con sông Ninh như là huyền sử và cổ mẫu lay động, điển hình nhất trong tâm thức nhà thơ:

Ngày đi xa

ta gửi lại nửa vầng trăng dưới đáy sông Ninh

gửi lại nửa đời con gái

gửi lại dấu chân ta thơ dại

trên bãi cói phù sa

con cáy, con còng chui vào làm tổ

      (Sông Ninh)

Mỗi lần nghĩ về Sông Ninh là mỗi lần chị phát hiện thêm những thuộc tính mới mẻ về nó và chị không thôi xao động để yêu thương và ân huệ: “Ngày đi sông hãy còn trinh/ nay về hát khúc huê tình tặng sông”. Sông Ninh luôn thường trực trong nỗi nhớ, cả trong giấc mơ tâm tưởng để người thơ luôn hoài vọng và luyến lưu:

 Tôi đi nam bắc tây đông

vẫn da diết nhớ dòng sông quê nghèo

Đò xưa giờ đã nhổ neo

bến xưa giờ đã bao nhiêu đổi dời

Hỡi con sông của đời tôi

chở bao kỉ niệm một thời ấu thơ”.

      (Sông Ninh ơi)

Người thơ hẹn với lòng mình, bao giờ trở lại quê xưa, sẽ mang theo hương thơm của dòng sông Vàm Cỏ nhập vào dòng nước Sông Ninh để nghĩa tình hai dòng sông của hai miền Nam - Bắc được hoà tan, trọn vẹn trong ước nguyện giao hoà, giao cảm: 

Bao giờ trở lại

ta sẽ mang hương thơm dòng sông Vàm Cỏ

về bầu bạn với sông Ninh

ta sẽ hát câu thơ ngày nào

trả lại dòng sông nửa vầng trăng con gái

ta lang thang đi tìm dấu chân ngày thơ dại

ơi con cáy, con còng... còn nhớ ta không?

      (Sông Ninh)

Phải nói là nghĩa tình và sâu nặng lắm, bảo làm sao không lây sang người đọc sự đồng cảm, bồi hồi!

Quê hương không chỉ là hình ảnh bình thường nữa mà đã trở thành hình tượng mang nhiều ý nghĩa biểu trưng thường trực trong tâm tưởng của nữ sĩ: “Xa quê đã nửa đời người/ nay về ai cũng gọi mời thân thương/ em đi hết dãy Trường Sơn/ Sài Gòn hoa lệ càng thương quê nghèo” (Làng trong tâm tưởng). Nơi ấy, hiện lên biết bao nhiêu gương mặt người thân và kỷ niệm đẹp canh cánh bên lòng: “Mỏng manh cánh hồng phận gái/ số trời bảo phải đi xa/ cha mẹ và quê hương đó/ đêm ngày canh cánh lòng ta” (Hải Hậu ngày về). Ở đó, có cả kỷ niệm đẹp đầu đời thiếu nữ, gắn với tuổi học trò gấm hương hoa mộng:

Nhớ thương sao mùa phượng đỏ quê nhà

khoảng trời đỏ

sân trường màu đỏ

cánh phượng vô tình

đâu biết chuyện buồn vui

tuổi học trò

bao kỷ niệm xa xôi

Để rồi trong dặm dài chiến đấu nơi rừng núi Trường Sơn chập chùng đồi cao lũng thấp, chị lại không nguôi nhớ về quê cũ, làng xưa: “Mẹ ơi!/ bao nhiêu nỗi nhớ thương/ gói trong đêm Trường Sơn/ giang tay trong cách trở/ muốn ôm choàng quê hương!...” (Đêm Trường Sơn). Và mong ước thường trực ấy lại hiện về trong mộng mị. Đối diện với lòng mình, nỗi riêng - chung càng có thêm nhiều suy tư, thổn thức. Nhất là hình ảnh Mẹ luôn chập chùng trong những đêm nơi chiến trường vượt Trường Sơn gian khổ:

Sâu thẳm đêm Trường Sơn

bập bùng ánh lửa

con nằm không ngủ

nhớ về mẹ quê nhà

nhìn ánh lửa gần

nghĩ đến chiến trường xa

lòng rạo rực mong trời mau sáng

để ngày mai

đồng đội cùng con

lại hành quân

Đêm Trường Sơn mông mênh.

(Đêm Trường Sơn gửi mẹ)

Nỗi nhớ đan xen nỗi nhớ  và chị không sao quên được kỷ niệm thời thiếu nữ nhiều đam luyến. Mong ước của chị là: “Bao giờ lại đến ngày xưa/ để cho người ấy đón đưa tôi về/ cơn mưa run rẩy mùa hè/ đan thành kỷ niệm, chở che hai người” (Bao giờ cho đến ngày xưa). Nhưng rồi, chị nhận ra niềm riêng chẳng là gì khi việc chung mọi người đang cùng nhau gánh vác, nên từ đó, chị yên lòng, vững bước cùng đồng đội ra đi để Tổ quốc được bình yên:

Em đã qua một thời bão lửa

lớn lên cùng đất nước chiến tranh

ai cũng nghe như Tổ quốc gọi tên mình: đánh Mỹ

tuổi trẻ ra đi hồn nhiên giản dị

em đã đi dọc Trường Sơn một trăm ngày đêm

mới hiểu câu ca:

chân cứng đá mềm...

                  (Thơ viết tuổi 45)

Vì vậy, chị càng hiểu những điều thiêng liêng mà bình dị: “Ngày ấy/ Câu ca dao mảnh quá/ Không níu được đời em/ Phận gái như cánh chuồn kim/ Lại say miền bão lửa” (Ngày ấy). Chị hiểu được phận gái thời đạn bom, trận mạc, chia ly khi liên hệ với tiếng chim từ qui gọi bạn tình da diết trong đêm: “khắc khoải từ qui níu đêm trở lại/ mòn đêm/ rã cánh từ quy”. Trong sự cách xa thương nhớ, có tiếng chim nói hộ lòng mình. Rồi chị lại khắc khoải về những điều xa xót khác: “Chiếc ba lô cũ theo anh/ buồn vui kỷ niệm chiến tranh một thời/ cũng là chuyện của đời tôi/ những năm tháng ấy đất trời đạn bom/ với bao dốc thẳm đường mòn/ đá tai mèo cứng chân son thì mềm” (Cũng là chuyện của đời tôi). Bao nhiêu đồng đội khác cũng gian khổ trong chia cách như mình, thơ chị lại nhập vai thành điệu hồn thổn thức: “Thương từ phía ấy đạn bom/ cô gái mở đường mưa có ướt không?/ chiến trường thì rộng mênh mông/ bao nhiêu người lính mưa không có nhà!” (Rừng đêm mưa). Rồi chị liên hệ đến những nữ đồng đội trắng trinh bất hạnh không biết đã yên nghỉ nơi nào trên dọc dài cuộc chiến để chị đi tìm trong vô vọng rừng xanh:

Bạch Cát ơi, em nằm đâu?

con gái da trắng, tóc nâu, môi hồng

trời thu trong mắt em trong

khi về với đất vẫn còn đồng trinh.

              (Tìm em chiều nghĩa trang)

Thơ Đặng Nguyệt Anh càng về sau càng thấm đẫm cảm thức hiện sinh  với bao âu lo, day dứt, dằn vặt; có lúc không khỏi hoài nghi và tự vấn về những kinh nghiệm quan hệ nhân sinh thường nhật trước cái ác và tình trạng vô đạo đức của tha nhân, nhưng rồi cuối cùng, chị lại tự dựa vào chính mình để tin yêu và hy vọng, bởi chị tin rằng cuộc đời bao giờ cũng bao dung và độ lượng. Những lúc vui buồn, chị đều dựa vào thơ và dựa vào tình yêu mà đứng dậy. Giọng điệu hát ru, vỗ về xuất hiện trong thơ Đặng Nguyệt Anh xuất phát từ trái tim giàu yêu thương và nhân hậu của chính người thơ:

Mẹ ru anh ngủ ngày xưa

Em ru anh thức nắng mưa trọn đời

Mẹ ru yên ấm biển trời

Ru anh em biết chọn lời nào đâu

 Ru là thiên tính nữ vĩnh hằng của tâm hồn luôn rộng mở để chan hòa cùng con người và thiên nhiên, tạo vật: “Sông dài về đáy biển sâu/ Con chim về tổ, con tàu về ga/ Ru cùng trời đất bao la/ Hồn mê lộ - Biết lối mà tìm không”. Lời ru trong thơ Đặng Nguyệt Anh có khả năng hóa giải nỗi cô đơn và mang lại niềm vui dâng hiến:

Ru thuyền dịu sóng đêm giông

Ru anh say giấc thức ròng vì em

Lời ru mía tím lên men

Vun về sợi rối tơ chèn gỡ đâu.

 

Ru cùng tháng bảy mưa ngâu

Giêng hai hương bưởi hương cau ngát nồng

Ru đèn anh có thức chong

Lời ru em ngọt cho lòng anh cay?

        (Ru anh thức)

Lời ru có khả năng kéo dài và lây lan thương nhớ. Khi ấy, mọi ký ức gần và ký ức xa cùng hiện về trong chập chùng, đứt nối của những giấc mơ để thỏa mãn những ước nguyền dang dở trong hữu thức và vô thức:

Anh và em lẫn vào nhau

Lẫn vào nhau tự lúc nào không hay

Như trời xanh lẫn trong mây

Như nước trong đất, như cây trong rừng

Như sông hòa biển mênh mông

Như ngàn gió lẫn vào trong đất trời

Lời ru kéo tình yêu về lại gần nhau, lẫn vào nhau trong khát khao giao hòa, nhân ái. Cái tôi trữ tình khát khao giao cảm trong thơ Đặng Nguyệt Anh luôn nồng say là thế!

Như lời ru quyện vành môi

Như bao la sóng suốt đời biển xanh

Lẫn vào nhau nữa đi anh

Cái tên riêng đã hóa thành tên chung.

     (Lẫn vào nhau)

Khi ấy, cái tôi đang thao thức, đang tư duy gọi về những vần thơ chân thành và mê đắm. Phải vậy không mà trong thơ Đặng Nguyệt Anh luôn chập chùng những ký vãng ngọt ngào lẫn bi thương, chung thủy: “Ai ơi bèo dạt mây trôi/ Ai đi cuối đất cùng trời vì ai?” (Khúc hát sông Cầu). Những ký ức luôn được vực dậy sau giấc mơ tro vùi để đánh thức những bình minh nhớ thương màu cỏ biếc:

Con đường gần, con đường xa

Đi bên nhau để mặn mà yêu tin

Để rồi thao thức từng đêm

Cho trang thơ cũng say niềm khát khao

Trời khuya lạc một vì sao

Để em gửi nhớ thương vào hương đêm...

        (Lặng im)

Lại có dịp nói về thơ, Đặng Nguyệt Anh thổ lộ: “Thơ là cuộc sống. Với tôi, con người cụ thể bằng xương thịt và thơ đã hoà quyện vào nhau, không thể tách rời! Cảm ơn số phận đã cho tôi là một nhà thơ. Nhà thơ, tôi có một đời sống tâm hồn phong phú. Có bạn bè ở khắp mọi nơi. Được chia sẻ, yêu thương. Tôi không định nghĩa về thơ, vì quá nhiều người đã định nghĩa. Có người cho rằng: Thơ là sự viết sai ngữ pháp. Tôi không quan tâm, chỉ muốn thơ của mình có nhiều độc giả, và chia sẻ được với họ”. Thơ chị là tiếng nói vui buồn tận cõi lòng thi sĩ và là tiếng nói tri âm là thế!

Với quan niệm như vậy nên thơ Đặng Nguyệt Anh luôn thao thức trước tình người và dòng đời thao thiết chảy. Chị luôn mong thơ mình không tĩnh vật trước những ba động của cuộc đời để thơ luôn có ích, trước hết, cho chính mình. Và sau nữa, có ích cho quanh đời. Chị nghĩ về tình duyên và phận số của những người đàn bà lặng im như cát để thấy được nỗi cô đơn trong đêm của họ vọng về theo từng giọt thời gian nhung nhớ:

Người đàn bà lặng im

tựa vào đêm

mông lung hoang tưởng

nghe chập chờn

tiếng thời gian vọng về.

Rồi cũng chính người đàn bà choáng váng đến ngơ ngác trong sự cô đơn và im lặng của bóng đêm. Chỉ có bóng đêm là thời gian mà cũng là không gian lắng đọng mà chủ thể nhận ra đến bàng hoàng, run rẩy:

Đêm bàng hoàng

Người đàn bà choáng váng

Nỗi cô đơn vực nàng dậy

Người đàn bà im lặng

tựa vào đêm.

        (Người đàn bà)

Chủ đề thế sự trong thơ Đặng Nguyệt Anh về sau trong thời kỳ hậu chiến càng được nhà thơ quan tâm, nhất là sau thời Đổi mới của Đất nước, khi mà mọi trạng thái nhân thế có sự xáo động trước những quan hệ phức tạp của thời xã hội  tiêu dùng đang chi phối đến từng trạng thái tình cảm và hành vi đạo đức của con người. Nhà thơ mừng vui trước những lựa chọn đạo đức sáng suốt của những chủ thể hiện sinh tích cực:

Trăm nghìn lý lẽ biện minh

Xót xa thế sự nhân tình ngẩn ngơ

Trăm năm duyên kiếp hững hờ

Để cho người - vẫn bây giờ mồ côi

 

Trầm tư một thuở ngậm ngùi

Mừng ai vẫn sống giữa đời thanh cao.

        (Tặng thuở trầm tư)

Vì vậy mà thơ Đặng Nguyệt Anh luôn thiết tha đời như chồi non, lộc biếc trước mỗi ban mai tinh khiết: “Gửi đi một chút heo may/ Để bên ấy biết bên này thu sang/ Cho em đỏ chút lá bàng/ Cho em xanh chút mơ màng trời xanh”. Cái nhìn sinh thái thiên nhiên trong thơ Đặng Nguyệt Anh mang vẻ đẹp tương hợp giữa con người và cảnh vật. Nhìn vườn vải đang mùa tu hú về lấy mật, tác giả lại liên hệ đến mẹ và em trong niềm vui sinh nở của đất trời:

vườn vải đang mùa tu hú

tươi hồng như má em tôi

thương mẹ ngày xưa vun gốc

ngọt thơm gửi lại cho đời

 

ơi bến sông Bầu thương mến

cho con tìm đến nơi này

sương đã giăng đầy lối cũ

mẹ về... tóc trắng như mây!

     (Thượng Cốc đêm cổ tích)

Từ cảm quan sinh thái thiên nhiên, nữ sĩ đã tiến thêm một bước trong nhận thức để chiếm lĩnh môi sinh bằng cái nhìn sinh thái xã hội và sinh thái tinh thần, đạo đức để chỉ ra mối quan hệ gữa thiên nhiên, xã hội và con người trong sự tương tác, tương hỗ tích cực nhằm gửi niềm tin vào sự sáng suốt điều bình sinh thái cho hiện thực đời sống trong hiện tại và tương lai. Bài thơ Biển Vũng Tàu là kết quả của cái nhìn nhân đạo hóa đó của Đặng Nguyệt Anh. Tôi xin trích trọn vẹn bài thơ để đồng cảm với cảm quan sinh thái nhân văn của nhà thơ:

Hoa sứ trắng như miền trinh nữ

Ngào ngạt dâng hương nâng núi lên trời

Biển sẽ khóc nếu Vũng Tàu không có núi

Núi ngu ngơ ôm biển suốt đời....

 

Biển sẽ khóc nếu Vũng Tàu không có gió

Gió lang thang thương nhớ cánh buồm

Biển nuôi nấng rong rêu tôm cá..

Có khi nào lòng biển cô đơn?

 

Biển dâng hiến cho muôn đời sóng hát

Nhận riêng mình tất cả mọi niềm đau

Bởi khát vọng biển cồn cào bão tố

Tĩnh lặng rồi Bãi Trước gọi Bãi Sau

 

Ta kiêu hãnh được mang hồn biển

Đi phiêu du khắp bốn phương trời

Dừng chân lại một đêm thánh thiện

Chạm vào miền hoa sứ trắng rơi...

 

Trời lên từ phía sau lưng biển

Ai biết đêm nay gió thổi phương nào?

Ở phía ấy chân trời xa lắm

Có một người nhớ biển đến nôn nao!

    (Biển Vũng Tàu)

Bài thơ dạt dào tình cảm xuất phát từ tâm thức yêu biển và yêu con người đến nồng nàn của nhà thơ. Cảnh vật và hồn người cùng nhau tương hợp.

Ngoái về kỷ niệm, cảm thức hoài vãng trong thơ Đặng Nguyệt Anh luôn đồng vọng những vui buồn, gian khổ một thời Trường Sơn diệu vợi: “Đêm Vàm Cỏ Đông/ Gió ngàn vời vợi/ Cơn sốt rừng vàng vọt thức cùng trăng/ Vẫn nghe thì thầm tiếng vọng xa xăm/ Bàn chân nhỏ đạp bằng đá núi/ Ơi Trường Sơn diệu vợi”. Dù trong hiện tại, chiến tranh đã là dĩ vãng, nhưng chị vẫn thương đến buốt lòng một thời đạn lửa và mong được như ngày ấy yêu đời, hồn nhiên, tươi trẻ: “Em ước như ngày ấy/ Hồn nhiên/ Cứ mơ hồ như cánh chuồn kim/ Bay mải miết/ Tìm chân trời bão tổ” (Ngày ấy). Và có cả những run rẩy đầu đời thiếu nữ cũng hiện về trong hoài niệm gấm hương hoa mộng tuổi thơ mình: “thả mơ ước qua khung trời cửa sổ/ tim bối rối trước phong thư chưa mở” (Thơ viết tuổi 45).

Mỗi khi suy tư, chiêm nghiệm những gì được mất của chính mình và cõi người, Đặng Nguyệt Anh thường có cái nhìn lạc quan, chiêm nghiệm. Chị luôn hóa giải mọi bi ai quá vãng để được vui và an bằng tâm thế trong hiện tại. Điều còn lại là nhận và cho và dâng hiến, bởi vì chị hiểu ra rằng mình còn nhiều điều phải làm và mơ ước; đời còn nhiều bất ổn nhưng vẫn bao đung. Trong những gì đã mất, chị vẫn còn - còn tất cả để yêu tin:

Tôi còn một chút hồng hoang

thì xin em cứ địa đàng trăm năm

 

Tôi còn một chút xa xăm

xin em đừng khép mình trong ngục tù

 

Tôi còn một bến hoang vu

lênh đênh tôi kẻ lãng du giữa đời

 

Tôi còn một chút tôi thôi...

xin em gìn giữ luân hồi có nhau

 

Tím xưa dù có bạc nhàu

đường xưa dù có lỗi câu hẹn thề

 

Tôi còn một trái tim mê

cõi em xin được đi về ngàn năm...

       (Tôi còn)

Đó là những vần thơ tự tình, tự bạch mang ý nghĩa hiện sinh lạc quan của một con người đã đi qua bao gian truân của cõi mình và trần gian để không ngừng dự cảm/ dự phóng những điều tốt đẹp trong tương lai cho chính mình và cuộc sống. Tôi tin là Đặng Nguyệt Anh đã an bằng tâm thế và tự chị đã tìm được nhân vị và niềm tin đích thực cho chính mình một cách bao dung và thanh thản bằng nghệ thuật thi ca.

   ***

Hành trình thơ Đặng Nguyệt Anh đã qua những chặng dài với hành trang thơ ngày càng trĩu nặng những ưu tư, trăn trở. Thơ chị là tiếng nói nặng sâu về Quê hương, Đất nước, về cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam, về những cung bậc trữ tình riêng tư nhiều xúc động của chính người thơ. Với tư cách là chủ thể sáng tạo, chị đã chiếm lĩnh hiện thực cuộc sống và hiện thực tâm trạng của mình một cách tối đa thông qua cảm quan thi sĩ và cái nhìn nghệ thuật riêng để hình thành nên hình tượng thơ, ngôn từ thơ và cấu trúc thơ mang cá tính sáng tạo riêng, thi pháp riêng. Đặng Nguyệt Anh - một hồn thơ không tĩnh vật, luôn thiết tha với cuộc đời như tơ non và chối biếc./.

Vỹ Dạ, 2 - 2025,
H . T . H

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bây giờ tôi chỉ muốn nói: Cảm ơn!
Bài của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Các cuộc chiến trong lòng chiến tranh...
HOÀNG HÔN DÁT ĐỎ là cuốn tiểu thuyết của Nhà văn Tố Hoài do Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2016.
Xem thêm
Mai Quỳnh Nam và một phía
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về thơ Mai Quỳnh Nam
Xem thêm
Một đêm trăng không dễ có ở trên đời!
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Một vọng âm quá khứ hào hùng nhưng lắm đau thương
Đọc “Hòa âm đêm”, Nxb Hội Nhà văn, 2024 của Trương Tuyết Mai
Xem thêm
Khám phá vương triều Tiền Lý qua tiểu thuyết lịch sử
Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai là người khá đa di năng. Từ lúc bước vào văn nghiệp, anh viết kí, truyện ngắn, làm thơ, cày báo… đều đặn, thuộc dạng “nhạc nào cũng nhảy được” và nhảy khá hay.
Xem thêm
Triệu hạt tâm hồn rót đầy biển tình yêu
Võ Thị Như Mai đọc PHẢI CHI MÂY TRẮNG KHÔNG NGANG NGÕ, Nguyễn Đức Quận, NXB Hội nhà văn, 2024.
Xem thêm
Tiểu luận Võ Quốc Việt: Vài cảm nhận về Cuộc thi Thơ 1-2-3
Cuộc thi Thơ 1-2-3 (The 1-2-3 Poetry Style/ Phannist Poetry) năm 2024 – 2025 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tác giả trong lẫn ngoài nước và đã công bố kết quả. Nhà lý luận phê bình, nhà thơ Võ Quốc Việt – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban Chung khảo đã có bài tiểu luận công phu, sâu sắc mang tính tổng kết về cuộc thi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Xem thêm
Đọc tập thơ Dọc đường máu của Vương Cường
Nguyên Hùng giới thiệu tập thơ mới của Tiến sĩ nhà thơ Vương Cường
Xem thêm
Vũ điệu tái sinh trong từng cơn đau
Bái viết về tập thơ “Nghiêng về phía nỗi đau” tập thơ của Trịnh Bích Ngân (NXB Hội Nhà văn, quý II, 2024)
Xem thêm
“Ai cũng có ngày xưa” của nhà thơ Trần Duy Hiển
Gió vẫn thổi suốt chiều dài trận mạc/ Người nhẹ nhàng nằm lại lúc vượt sông
Xem thêm
“Theo chồng về quê” của Mai Khoa – một bài thơ hay
Bởi yêu chồng từ lúc mới bén duyên/ Như tình biển yêu thuyền thương nhớ
Xem thêm
Trò Chuyện Với Thiên Thần – Những Tai Họa Thế Giới & Giấc mơ Việt Nam
Triết gia Hy Lạp Platon đã nói: “Thước đo của một con người là xem cách anh ta làm gì với quyền lực”. Thế nhưng, có rất nhiều người có quyền, vì lòng tham và ích kỷ cá nhân nên đã hủy hoại nhân cách và đất nước của họ (TCVTT/ Trương Văn Dân)
Xem thêm
Thi ca đương đại nhìn từ hệ hình nghệ thuật và chất suy tưởng của thơ
Sáng ngày 12.02.2025 tại Ninh Bình, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”. Dưới đây là tham luận của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Xem thêm
Tôi đọc bài thơ Đừng sợ một mình của thi sĩ Trần Mạnh Hảo
Trần Mạnh Hảo và thơ ông đã sớm là “tín ngưỡng” đẹp nhất trong lòng của những người yêu thơ, quý chữ nghĩa chân chính. Từ thời còn trên giảng đường đại học, tôi đã từng nghe thầy tôi đọc những câu thơ trong trường ca Đất nước hình tia chớp. Từ đó, tôi bắt đầu săn sóc sự học, sự đọc về thơ ông.
Xem thêm
Hoàng đế Quang Trung, danh tướng bách chiến bách thắng
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, hiếm có một anh hùng nào như Hoàng đế Quang Trung, xuất thân áo vải, cả đời chinh chiến, danh vang bốn biển, đánh giặc lập nước, tôn vinh văn hiến, khuyến học khuyến tài, những bậc quốc sĩ danh thần cảm phục uy danh mà theo về giúp rập. Đặc biệt, trong hai lần đại phá quân Xiêm La và quân Thanh, ông đã bằng vào tài năng quân sự thiên bẩm của mình, đánh cho lũ giặc phía Nam, phía Bắc phải kinh hồn táng đởm. Ông từng hào sảng tuyên ngôn trong Chiếu xuất quân khích lệ tướng sĩ khi hành binh ra Bắc Hà đánh tan 29 vạn quân Thanh
Xem thêm
Mùa Xuân trong thơ Dương Xuân Linh
Bài viết của nhà thơ Phùng Hiệu
Xem thêm
Xuân về, đọc thơ Trương Nam Hương
Tuấn Trần viết về tập thơ “Thời nắng xanh” của Trương Nam Hương
Xem thêm