TIN TỨC

Chất chứa bi hùng vương triều tiền Lý

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2025-04-24 12:07:29
mail facebook google pos stwis
24 lượt xem

(Đọc Vương triều Tiền Lý của Phùng Văn Khai)

 Hữu Thỉnh

Nhà văn Phùng Văn Khai quả là quá táo gan và thừa dũng cảm khi bước chân vào một vùng đất trống. Ấy là khi anh quyết định tái hiện các cuộc chống ngoại xâm trong thời kỳ Bắc thuộc bằng văn học. Gánh lấy sứ mệnh vô cùng khó khăn ấy, anh tự xem mình là nhà thám hiểm lịch sử hay một đấng phiêu lưu văn học? Không ai trả lời được câu hỏi ấy, ngoài anh.

Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Phùng Văn Khai

Trước mắt tôi là bộ tiểu thuyết 4 tập mang cái tên chung Vương triều Tiền Lý. Tôi đã quá bất ngờ khi đọc bộ tiểu thuyết 2 tập Trưng Nữ Vương của anh. Nay càng sững sờ hơn nữa sau khi khép lại trang cuối cùng của bộ tiểu thuyết trường thiên nói trên. Lịch sử thì đã lùi xa 1.500 năm rồi. Thế còn vốn liếng, tư liệu, giai thoại, dã sử, bối cảnh cả trong và ngoài nước, anh tìm ở đâu ra? Tất cả, không chỉ để viết bộ tiểu thuyết đồ sộ này, mà còn để hoàn thành 2 bộ tiểu thuyết Ngô VươngPhùng Vương trước đó nữa. Quả thật đó là một bí mật rất đáng được tìm hiểu và khám phá.

Cũng giống như các nhà văn khi viết về các vương triều trong quá khứ, Phùng Văn Khai đều chọn các vương chủ là nhân vật trung tâm. Xung quanh họ đều là các vì tinh tú, tạo nên sức sống và ánh sáng của một triều đại. Viết về họ, các nhà văn không nhằm ghi lại tiểu sử một ông vua, mà trên hết thảy là nhằm xây dựng các hình tượng nghệ thuật. Đấy mới chính là mảnh đất để cho trí tưởng tượng và tài hư cấu của tác giả phát huy tới mức tối đa.

Trong Nam Đế Vạn Xuân, Lý Bí xuất hiện khi Lương Vũ Đế thay ngựa giữa dòng: Lý Tắc về nước, Vũ Lâm hầu Tiêu Tư sang thay. Ngay từ phút đầu xuất hiện, tác giả đã cho ta thấy Vũ Lâm hầu là một kẻ gian hùng khát máu. Hắn cải trang thành một thương nhân trà trộn trong lễ hội của người Việt để thám sát dân tình. Sau đó bày ra tiệc rượu cầu người nói thẳng. Chờ có người nói thẳng, lập tức sai quân chém đầu ngay giữa tiệc rượu, rồi sau đó bày trận phục kích giết hại 73 hương trưởng, tộc trưởng là những người vô tội. Tin dữ loan ra, một không khí u ám, ngạt thở bao trùm khắp thiên hạ. Trong bối cảnh đó, Lý Bí với chức Giám quân từ Cửu Đức bí mật về Cổ Pháp chiêu tập binh mã, phất cờ tụ nghĩa. Người người tụ về. Nhân tài kéo đến. Cuộc xuất trận đầu tiên ở Đầm Bạch Long tuy quân ta vô cùng quả cảm nhưng thất bại. Hơn trăm chiến thuyền chỉ còn 17 chiếc, 2.000 binh sĩ chỉ còn 170 người. Trong lúc khó khăn thì Điền Thái tìm đến dưới cờ. Triệu Túc xuất 200 chiến thuyền và 8.000 quân xin nhập ngũ. Phạm Tu đưa binh lương và 7.000 quân đến trợ giúp. Khí thế ngất trời. Tới trận tập kích thứ hai, quân ta toàn thắng ở Cổ Loa. Hơn 3.000 quân phương Bắc tử trận hoặc bị bắt sống. Tướng giặc Mã Phương tử trận. Thừa thắng, quân ta có Lý Bí dẫn tiên phong, đằng sau có Phạm Tu vây chặt đánh tan 5.000 quân của Lưu Long, bản thân Lưu Long bị Phạm Tu giương cung bắn chết.

Trước thế mạnh như chẻ tre của quân ta, Thứ sử Vũ Lâm hầu Tiêu Tư phải lẻn về Hợp Phố xin tăng viện. Hai tướng Lưu Thạo và Chu Liêm đem 10 mâm vàng bạc đến biếu nhưng không lay chuyển được ý chí của chủ công Lý Bí và quân sư Tinh Thiều.

Trong lúc hai tướng Triệu Túc và Phạm Tu đang vây giặc ở Đầm Sương Mù thì 5.000 quân tiếp viện của phương Bắc do Ngụy Lãng dẫn đầu kéo đến Long Biên. Lão tướng Phạm Tu nghênh chiến, bắn gục hai tướng giỏi của giặc. Lý Bí đem 8 thớt voi đến tiếp chiến. Ngụy Lãng rút chạy nhưng bị tướng Phùng Thanh Hòa chặn đường.

Trước áp lực của quân ta, Thứ sử Vũ Lâm hầu cùng Lưu Thạo, Chu Liêm đang đêm bỏ chạy, bỏ lại ấn tín, xuống thuyền buôn chạy về Hợp Phố.

Quân ta thẳng tiến về Long Biên. Phạm Tu và Triệu Túc đem ấn tín của Vũ Lâm hầu tiến vào quân doanh của giặc tại Đầm Sương Mù để dụ hàng. Nhìn thấy ấn tín của chủ tướng, Thạch Đạt cùng bảy đô tướng kéo đến doanh trại của Lý Bí xin hàng. Lý Bí cấp cho mười bảy chiến thuyền và ba tháng quân lương cho hàng quân phương Bắc rút về nước. Vô cùng tức giận vì sự đầu hàng nhục nhã của Thứ sử Vũ Lâm hầu và lũ tay chân, Lương Vũ Đế vội cho bốn đạo quân xâm chiếm Giao Châu.

Lão tướng Phạm Tu xung phong chặn đánh đạo quân mạnh nhất là đạo quân của Nguyễn Hán. Triệu Quang Phục, con trai Triệu Túc lĩnh 1.000 quân ra trận. Quân của Nguyễn Hán bị hai tướng Phạm Tu và Triệu Quang Phục đánh tan tác trên đèo Cổ Họng, ba đạo quân còn lại cũng bị các tướng Triệu Quang Phục, Triệu Quang Thành, Phạm Tu, Lý Thiên Bảo, Trịnh Đô chặn đánh tại cửa biển Đại Ác, Gia Ninh.

Trong lúc quân ta đang căng sức chống lại bốn đạo quân của phương Bắc thì vua Lâm Ấp, do sức ép của Lương Vũ Đế đem gần một vạn quân sang đánh ta từ phía Cửu Đức, Hoài Hoan. Nhận lệnh của Lý Bí, tướng Phạm Tu đem quân thần tốc vào chặn giặc. Với tài cầm quân thao lược hiếm có của Phạm Tu, chỉ sau một thời gian ngắn đạo quân gần một vạn tên Lâm Ấp bị đánh tan, vua Lâm Ấp suýt mất mạng. Đất nước thoát khỏi tình trạng hai đầu thọ địch.

Không cam chịu thất bại nhục nhã, Lương Vũ Đế ra lệnh gấp rút đóng chiến thuyền, chuẩn bị quân lương ở Hợp Phố, tái chiếm Giao Châu một lần nữa. Được tin thám báo, theo kế của Phạm Tu, Tinh Thiều, Lý Bí cử hai tướng trẻ Phùng Thanh Hòa, Triệu Quang Phục đem quân bất ngờ vượt biển sang Hợp Phố đánh tan cuộc chuẩn bị của giặc. Tất cả thuyền chiến, quân lương, quân doanh của giặc bị thiêu cháy hoàn toàn. Lương Vũ Đế bàng hoàng trước thảm họa bất ngờ, ra lệnh chém đầu hai tướng Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng, giáng Vũ Lâm hầu xuống làm thường dân, không được về kinh đô nữa.

Sau chiến thắng vang dội phá tan cuộc chuẩn bị của giặc ở Hợp Phố, Lý Bí cùng binh tướng của mình tiến vào cung Vạn Thọ tuyên cáo với bá tính chính thức lên ngôi và thành lập nhà nước Vạn Xuân.

Đó là ngày 8 tháng Giêng năm Giáp Tý - 544.

Với Triệu Vương phục quốc:

Liên tiếp chịu những đòn thua cay đắng, Lương Vũ Đế không thể nào chấp nhận một nước Vạn Xuân xuất hiện ngang hàng với triều Lương phương Bắc. Ông ta quyết định cử một bộ máy mới với những tên tướng sừng sỏ lãnh mệnh tái chiếm Giao Châu. Theo đó, Dương Phiêu được cử làm Thứ sử, Trần Bá Tiên giữ chức Chinh Nam đại tướng quân kiêm Tư mã Giao Châu. Với quyết định rút một nửa ngân khố quốc gia chi cho đạo quân xâm lược 10 vạn tên, đủ biết quyết tâm xâm lược Vạn Xuân của Lương Vũ Đế mạnh mẽ biết chừng nào. Vua quan nhà Lương lao đầu vào một canh bạc lớn.

Với một đạo quân hùng mạnh như thế thì sự ác liệt và hiểm nghèo là điều có thể biết trước được. Với dư vang của trận Hợp Phố còn đang rạo rực lòng quân, nhiều vị tướng trẻ viết thư bằng máu xin xông trận, quân ta đã phạm phải một quyết định sai lầm khi đưa toàn bộ thủy quân ra nghênh chiến với địch ở cửa biển Hoàng Châu. Đó là quyết định lấy sở đoản của ta địch với sở trường của giặc. Trong trận giao chiến này, ta mất non nửa chiến thuyền, tướng Triệu Quang Thành bỏ mình vì nước.

Với thế mạnh như hổ đói, Dương Sằn - phó tướng của Trần Bá Tiên cho quân thừa thắng đánh chiếm cửa biển Đại Ác rồi thẳng tiến vào đầm Dạ Trạch. Đầm Dạ Trạch tan hoang.

Phối hợp với cánh quân của Dương Sằn, Lương Vũ Đế xúi giục vua Lâm Ấp cho đại quân sang đánh Cửu Đức và Hàm Hoan, đưa quân ta vào thế hai đầu thọ địch. Nắm được dã tâm của giặc, Lý Bí cử Lý Thiên Bảo xuất binh. Với quyết tâm phá vây, chỉ trong một trận quyết đấu, gần một vạn binh lính và 300 chiến thuyền của Lâm Ấp đã bị quân Vạn Xuân đánh cho tan tành.

Trong khi đường thủy Dương Sằn tiến như vũ bão thì đường bộ, tại Quỷ Môn Quan, địch đông ta ít, cuộc chiến diễn ra đầy bi hùng. Tướng Nùng Trí bị 27 vết thương mới chịu ngã xuống. Tiếp đó tướng Trịnh Đô và 27 dũng sĩ cuối cùng bị thiệt mạng. Quỷ Môn Quan để ngỏ.

Khi hai cánh quân của giặc đã khép lại với nhau, quân ta liên tiếp bị thất bại.

- Từ đầm Dạ Trạch, Dương Sằn tiến vào Đầm Vực.

- Dương Phiêu tiến vào thành Cổ Loa.

- Lão tướng Triệu Túc tử trận trước cung Vạn Thọ.

- Lão tướng Phạm Tu tử trận trong trận chiến sông Tô Lịch.

- Dương Sằn lùng bắt Lý Bí ở Gia Ninh.

Cuộc chiến chống giặc bước vào những ngày bi hùng nhất. Với ý thức tôn trọng sự thật lịch sử, Phùng Văn Khai đã dựng lại những ngày đen tối này với những trang viết đau đớn nhất.

Liên tiếp bị tổn thất nặng nề, tại đầm Bạch Long, quân ta gom lại từng người lính, từng chiến thuyền, từng hạt quân lương. Trước sức ép của giặc, từ đầm Bạch Long quân ta phải rút về hồ Điển Triệt. Lúc này, ta đã đóng được 200 chiến thuyền và huy động được gần một vạn quân. Sức quân vừa được hồi phục thì lại phải đương đầu với một trận phản kích huyết chiến của giặc tung đại quân đi lùng bắt Lý Bí ở hồ Điển Triệt. Sức đang hồi phục, lại phải đương đầu với đội quân đông gấp năm lần, quân ta thua lớn, buộc vừa đánh vừa rước vua tháo chạy. Một tổn thất rất lớn là quân sư Tinh Thiều tử trận. Triệu Quang Phục xé màn tên của giặc đi tìm xác Tinh Thiều. Từ hồ Điển Triệt, quân ta rút về động Khuất Lão. Phùng Thanh Hòa chia tay Triệu Quang Phục, mỗi người tìm về quê mình để tìm cách dựng lại đại nghiệp. Chẳng bao lâu, Hữu tướng Phùng Thanh Hòa đột ngột qua đời ở tuổi 23. Tiếp đó, Lý Bí viên tịch trong những ngày đen tối nhất.

Từ động Khuất Lão, quân ta tìm đường trở về đầm Dạ Trạch, quyết tâm gây dựng lại đội thủy binh đã mất. Đánh hơi thấy quân ta trở về, Trần Bá Tiên cho chở 30 thuyền cá sấu thả xuống đầm Dạ Trạch. Lại thêm một loại giặc nữa, quân ta phải tổ chức thành từng nhóm nhỏ ngày đêm đi săn cá sấu. Thịt thì nuôi quân, da làm áo giáp.

Để tiếp tục giương cao ngọn cờ chống giặc, các tướng lĩnh ta họp bàn suy tôn Triệu Quang Phục làm quốc chủ thay Lý Bí.

Chiến dịch dùng cá sấu thất bại, Trần Bá Tiên lệnh cho Dương Sằn mở trận tập kích vào đầm Dạ Trạch. Ta biết trước, dùng diệu kế, đợi giặc lên bờ, tung chiến thuyền ra đốt phá, dìm toàn bộ đội chiến thuyền của địch xuống lòng hồ. Gần 1.000 tên giặc bị tiêu diệt.

Trận phản kích trên đầm Dạ Trạch thắng lợi, kích thích sĩ khí quân ta lên cao. Giữa lúc ấy, Lương triều có biến, Trần Bá Tiên được lệnh về nước, dùng mưu đoạt lấy vương triều.

Nắm chắc thời cơ, quân ta từ đầm Dạ Trạch tiến thẳng tới chiếm thành Cổ Loa, bắt sống tướng giặc Cổ Đạo Phiên.

Thừa thắng, Triệu Quang Phục mở trận tổng công kích lớn, bốn phía bao vây, gọi hàng, kể tội quân giặc, làm tan rã hơn một vạn quân Lương, bắt sống Dương Sằn về trị tội

Với Lý Đào Lang Vương:

Trở lên là cuộc chiến đấu của quân ta ở phía Bắc, với Lý Đào Lang Vương là cuộc kháng địch ở phía Nam tại các địa danh Ái Châu, Hàm Hoan, Cửu Đức. Nhận lệnh Lý Bí thực thi sứ mệnh lịch sử này, Lý Thiên Bảo một mặt vỗ về dân chúng, mặt khác phải đêm ngày chống cự với quân Lương và quân Lâm Ấp. Đối thủ của ông là hai tướng giặc Lữ Phạm và Mông Kỳ. Với tham vọng quyền lực và mưu đồ chống lại dã tâm của Trần Bá Tiên, Lữ Phạm và Mông Kỳ bàn nhau sai viên tùy tướng là Tào Tứ viết giả chiếu thư tự phong Mông Kỳ làm Thứ sử châu Cửu Đức, kiêm quản Hàm Hoan, còn Lữ Phạm làm Thứ sử Ái Châu. Với danh vị giả trá này, hai tên Lữ Phạm, Mông Kỳ tha hồ lộng hành ba châu phía Nam và thúc ép vua tôi Lâm Ấp cùng chúng chống lại Vạn Xuân.

Với mục đích xây dựng Dã Năng thành một vùng căn cứ kháng địch, Lý Thiên Bảo ra sức thu phục tám bộ tộc ở đấy, giải tỏa hiểu lầm giữa hai bộ tộc Kadai và Champasak, kết nghĩa và tôn sư đệ Triệu Quốc Chính làm quân sư. Căn cứ ngày càng được mở rộng.

Từ khi được Lý Thiên Bảo giao trọng trách giữ gìn các nơi hiểm yếu, Lý Phật Tử ra sức luyện quân, rèn tướng. Trong trận phục kích lừa Lữ Phạm vào thung lũng Dã Năng, quân của Lý Phật Tử đã tiêu diệt 1.000 quân của Chu Táo. Bản thân Chu Táo tử trận. Thừa thắng, Lý Phật Tử tập kích thành Ái Châu. Đoàn Lý, Chúc Lượng đầu hàng. Do sự xúi giục của quân Lương, các thuộc hạ của bộ lạc Su Man làm loạn ở thung lũng Cửu Dương, Lý Thiên Bảo lệnh cho Lý Phật Tử dẹp yên. Trước thất bại của Lữ Phạm ở Cửu Dương và Ái Châu, Mông Kỳ ở Cửu Đức, Hàm Hoan lo sợ, đưa quân vượt sông Ngưu Giang dàn trận chống Lý Thiên Bảo. Lênh đênh trên biển, Đoàn Chí, Chúc Lượng bàn nhau vào Lâm Ấp nương nhờ bị quân của Mông Kỳ ra bắt, giong về huyện Cửu Đức. Tại Cửu Đức, Mông Kỳ cắt lưỡi rồi giết hại Đoàn Chí, Chúc Lượng.

Khai thác sự chia rẽ trong hàng ngũ giặc, Lý Thiên Bảo bày mưu công phá thành Đô Lung. Lữ Phạm đền tội. Quân ta đại thắng vào thành. Quân Lương dồn sức chiếm lại thành. Trận huyết chiến diễn ra vô cùng thảm khốc. Cuối cùng, hai tướng giặc Ngụy Thần và Điền Giáp bị tiêu diệt cùng với đám quân binh của chúng. Trong lúc lâm nguy, Mông Kỳ cho bắt và giết tên hạ tướng Tào Tứ, kẻ đã được sai viết giả chiếu chỉ phong Mông Kỳ và Lữ Phạm làm Thứ sử để diệt khẩu. Giết xong Tào Tứ, Mông Kỳ cùng tên phó tướng của hắn vơ vét hết bạc vàng, đang đêm bỏ thành kéo vào Lâm Ấp bàn kế báo thù.

Tiến vào thành, Lý Thiên Bảo cho người tìm thi thể Lữ Phạm và Sử Lộc chôn cất tử tế.

Thắng lợi vẻ vang, các chủ tộc ở Dã Năng nhất loạt tôn vinh Lý Thiên Bảo làm Đào Lang Vương.

Trước chiến thắng của Vạn Xuân, Lương triều không cam chịu thất bại, chúng cho sứ thần sang thúc ép vua tôi Lâm Ấp xâm lược nước ta. Trước tiên, chúng cho quân chiếm thành Đô Lung rồi tìm cách đánh ra xung quanh. Nhận được tin thám báo, Lý Thiên Bảo ra lệnh cho Trần Bá Thường chiếm lại thành Đô Lung. Hơn 300 tên lính Lâm Ấp bị diệt, tướng Mạn Đà cùng phó tướng bị bắt sống.

Đường bộ bị đại bại. Quân Lâm Ấp tung lực lượng thủy quân sang ứng cứu. Đây là đội thủy quân rất mạnh do được quân tướng từ Giang Nam sang trợ giúp và huấn hỗ. Tàu to, binh mạnh, sức địch như vũ bão.

Rút kinh nghiệm trận thua hải binh phương Bắc tại cửa biển Hoàng Châu, lần này quân ta vừa đánh vừa giả thua, dụ địch vào sâu trong dòng Ngưu Giang. Theo diệu kế của quân sư Triệu Quốc Chính, khi thủy quân Lâm Ấp đã lọt sâu vào đất liền, quân ta dồn mọi lực lượng đem cọc tre, đất đá, thuyền bè đắp một con đập lớn chặn dòng Ngưu Giang, xẻ nước ra nhiều nhánh sông khác. Đây quả là một công trình vĩ đại với công sức của hàng vạn con người. Quả nhiên nước sông cạn dần. Tàu lớn của quân Lâm Ấp mắc kẹt giữa dòng sông cạn.

Ở trên bờ, quân ta đại thắng thành Cửu Đức. Tướng giặc Mông Kỳ tự sát. Quân Lâm Ấp thừa cơ bỏ chạy, không chịu làm tay sai cho quân nhà Lương.

Trên dòng Ngưu Giang ngày càng cạn nước. Đám tàu to kềnh càng của Lâm Ấp chẳng khác đám cua cá bị nhốt trong nồi. Nghe tin Mông Kỳ tự sát, phó tướng Cam Lễ đang đêm nhảy xuống sông tự vẫn. Trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc, vua Lâm Ấp là Rudravaman buộc phải có thư xin hàng với điều kiện cắt bốn huyện Ma Lôi, Ma Bình, Ma Lương, Ma Thanh cho Vạn Xuân. Hơn một vạn quân Lâm Ấp được tha về nước.

Từ phía Bắc, Triệu Quang Phục viết thư mời Đào Lang Vương lên ngôi.

Đào Lang Vương từ chối.

Bàn định mọi việc, Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo đóng cửa ngồi thiền, sau bảy ngày thì viên tịch.

Với Lý Phật Tử định quốc:

Sau khi lên ngôi theo di chúc của Lý Thiên Bảo, Lý Phật Tử đặc biệt quan tâm tới việc thống nhất đất nước. Người được giao thực thi sứ mệnh trọng đại này là Thái sư Triệu Quốc Chính. Phải khó khăn lắm, sứ đoàn mới tới được Giang Biên. Trở ngại lớn nhất đối với Triệu Quang Phục là các võ tướng. Họ là các bậc lương đống, khai quốc công thần, dạn dày chiến trận, tiếng tăm lừng lẫy, sẵn sàng liều mình vì nước nhưng không dễ thần phục bất cứ ai. Để mất lòng giới võ quan là mối nguy cho nước. Thế nên, tuy biết việc thống nhất đất nước là việc trước sau nhất thiết phải làm, nhưng không thể tiến hành ngay trong một lúc.

Cuối cùng, với nhãn quan xa rộng và mưu lược hơn người, Triệu Quốc Chính đề ra giải pháp hai nhà kết thông gia với nhau. Theo đó, hoàng tử của Lý Phật Tử là Nhã Lang sẽ kết duyên với công chúa của Triệu Quang Phục là Cảo Nương. Phương án đó được chánh đoàn phía bắc là Ngô Tổng trấn sốt sắng chấp nhận và trình lên vua.

Tuy vậy, để đưa chú rể Nhã Lang đến được Giang Biên quả là vô cùng trắc trở.

Tất cả các cửa biển đều bị bịt kín. Đèo Cổ Họng bị chốt chặt nghiêm ngặt. Đang đêm, Trịnh Phong tấn công sứ đoàn. Trần Bá Thường chỉ cho quân hò hét chứ không xuất trận.

Sau mười ngày, sứ đoàn phía Nam phải quay về.

Không đi được đường bộ, sứ đoàn phải giả dạng làm đoàn thương nhân mới tới được Giang Biên. Ngay đêm đầu tiên, ba thích khách lọt vào nơi ở của sứ đoàn nhằm ám sát thái tử. Thái tử quật ngã, không giết, tha cho về.

Triệu Quang Phục lấy thành Ô Diên cấp cho công chúa Cảo Nương làm của hồi môn. Sứ đoàn vừa rời khỏi Ô Diên, hai tướng Trịnh Phong, Đinh Công Bính cho vậy chặt thành hòng hãm hại thái tử. Trong khi đó, đoàn tàu của sứ đoàn gồm 60 chiếc bị vây bắt ở cửa biển Đại Ác. Nhưng quân của Đinh Công Bính xông lên tàu chỉ bắt được lính. Các chủ tướng biết trước đã biến mất từ lâu.

Tại thành Ô Diên, quân lính quây chặt từ hai phía. Thái tử Nhã Lang và công chúa Cảo Nương dũng mãnh chống trả và đều bỏ mình đau thương trên mặt thành.

Tổng trấn Ngô Bân ra lệnh bắt trói Đinh Công Bính và Trịnh Phong rồi cấp báo lên Triệu Vương. Trong một ngôi chùa cổ, Triệu Vương quyết tâm xuống tóc từ giã ngôi báu, mặc cho sự can ngăn than khóc của quần thần. Khi Ngô Bận chạy đến xin yết kiến, chỉ nhận được tờ di chiếu cuối cùng của Triệu Quang Phục tha tội chết cho Đinh Công Bính và Triệu Phong.

Đinh Công Bính và Triệu Phong ra đi biệt tích.

Lý Phật Tử lên ngôi thống nhất Vạn Xuân.

Được tin thám báo về tình hình rối ren của Vạn Xuân, Trần Tuyên Đế, cháu của Trần Bá Tiên quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Đạo quân xâm lược lên tới 10 vạn tên, chia làm hai ngả đường bộ và đường thủy.

Đường bộ do hai tướng Thành Thang và Âu Dương Khánh chỉ huy. Lần này, do sự phản bội của hai anh em họ Đèo, quân giặc chiếm được Quỷ Môn Quan trước. Mặc dù chiến đấu vô cùng dũng cảm, quân ta do tướng Trần Bá Thường chỉ huy thua to, trước sau chỉ còn 100 người. Trong lúc nguy nan, Trương Hống hỏa tốc cầm quân đến cứu. Đích thân Hoàng thượng cũng cầm quân đến yểm trợ.

Đường thủy, Dương Tiến, con của Dương Sằn dẫn đầu quân tiên phong nhanh chóng tiến vào cửa biển Diêm Vương rồi thẳng tiến vào Giang Biên. Từ phía Nam, Lý Thiệu Long nhanh chóng đem 300 chiến thuyền cắm cờ Lâm Ấp, thẳng tiến ra Bắc, bịt kín cửa biển Diêm Vương, chặn đường rút lui của Dương Tiến.

Tại Quỷ Môn Quan, Trương Hống lập mưu bắt sống hai anh em họ Đèo, giải đến cho Trần Bá Thường.

Tại Giang Biên, bị kẹp giữa hai đầu, đội thủy quân của Dương Tiến co cụm như gà mắc tóc. Nhận thấy tình thế hiểm nghèo, đại tướng Chiêu Chương Đạt bỏ mặc Dương Tiến cho quân tháo lui, vứt lại ấn tín, bỏ trốn đường nào không ai biết. Gần 100 thương nhân trên chiến thuyền của Dương Tiến lũ lượt ra hàng. Tổng trấn Ngô Bân dẫn đám thương nhân vừa ra hàng vào đại doanh trao trả cho Ngô Minh Triệt và xin cầu hòa. Phó đoàn chính là Lý Phật Tử.

Đúng mười ngày sau, Ngô Minh Triệt cho quân rời khỏi Quỷ Môn Quan, rút về nước.

Tại Giang Biên, đám quân thủy của Dương Tiến thế cô, lương kiệt bèn xin hàng. Dương Tiến ngồi trên thuyền nhỏ chạy tháo thân về phía Nam.

Ngô Minh Triệt về nước, treo ấn, trốn đi biệt tích.

Quân ta chém đầu hai tướng họ Đèo tại Quỷ Môn Quan.

Lý Phật Tử tuần du biển Thường Châu cảm hóa bọn cướp biển Hắc Long, lên Tây Bắc dẹp yên bộ lạc Miêu phản loạn, ổn định đất nước.

Với gần 2.000 trang sách, Phùng Văn Khai đã làm sống lại quá trình khởi phát và xây dựng của nhà nước Vạn Xuân kéo dài 58 năm (544-602). Thành công của bộ tiểu thuyết Vương triều Tiền Lý đã lấp một khoảng trống của văn học của ta về nghìn năm Bắc thuộc. Với kiến văn rộng rãi và trí tưởng tượng phong phú, Phùng Văn Khai đã dựng nên một bối cảnh lịch sử sôi động, giàu kịch tính và chất anh hùng ca. Với bút pháp của tiểu thuyết chương hồi, mỗi chương của tập sách là một màn kịch chứa đầy xung đột dữ dằn. Trong đó, kẻ thù luôn luôn chiếm ưu thế hầu như tuyệt đối về binh lực, buộc quân ta nhiều lúc phải làm lại từ đầu. Dựng lên một bối cảnh khắc nghiệt như vậy chính là để tác giả khắc họa tính cách và số phận của các nhân vật lịch sử. Tất cả, họ có chỗ giống nhau về lòng yêu nước, thương dân, tự tôn dân tộc, mộ đạo Phật, khao khát một cuộc sống thái bình. Nhưng họ rất khác nhau về nhãn quan chính trị, cách biểu lộ khí phách và sự ứng xử trong những tình huống phức tạp của cuộc sống. Chính sự giống và khác nhau này đã làm nên vẻ đẹp đa thanh của Vương triều Tiền Lý.

Gấp sách lại, ta nhớ một Lý Bí, một Lý Thiên Bảo, một Triệu Quang Phục, một Lý Phật Tử. Đó là những bậc minh quân, những mẫu người quân tử mang khát vọng độc lập cháy bỏng của thời đại mình. Bên cạnh họ là các vì sao sáng với tài năng và cốt cách ngời sáng như quân sư Tinh Thiều, Triệu Quốc Chính, các tướng Phạm Tu, Triệu Túc, Triệu Quang Thành, Phùng Thanh Hòa, Trịnh Đô, Trương Hống, Trương Hát, Triệu Tam, Điền Công, Điền Thái, Ngô Bân, Trần Bá Thường, Lý Thiệu Long, Trịnh Tông Hàn, sư phụ Phùng Hiền Anh... Đó là những tên tuổi đã đi vào lịch sử, làm rạng danh lịch sử. Họ là những hình tượng nghệ thuật tiêu biểu cho khí phách anh hùng và sự quật cường bất khuất của dân tộc ta, họ như những tia sáng chọc thủng màn đêm đen tối phủ trùm suốt một nghìn năm Bắc thuộc.

Từ ngạc nhiên đến cảm phục, tôi nghĩ đến tài năng đích thực của Phùng Văn Khai. Anh xứng đáng là một trong những tên tuổi sáng giá nhất của văn học chúng ta thuộc thế hệ các nhà văn trưởng thành trong thời kỳ Đổi mới.

H.T

Bài viết liên quan

Xem thêm
Phật giáo hộ quốc dưới góc nhìn tiểu thuyết vương triều Tiền Lý
Sớm mai, sương bạc vương trên cánh sen tĩnh mặc, hồ nước phẳng lặng phản chiếu bầu trời vô tận. Tiếng chuông chùa ngân dài trong làn gió sớm, tan vào không gian như những vòng sóng lan tỏa, vọng về từ ngàn xưa lời kinh Bát Nhã
Xem thêm
“Thu thức giấc” của Trịnh Bích Ngân - Mùa của những rung động
Bài đăng Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 4/2025
Xem thêm
Bây giờ tôi chỉ muốn nói: Cảm ơn!
Bài của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Các cuộc chiến trong lòng chiến tranh...
HOÀNG HÔN DÁT ĐỎ là cuốn tiểu thuyết của Nhà văn Tố Hoài do Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2016.
Xem thêm
Đặng Nguyệt Anh - Một hồn thơ không tĩnh vật
Bài của PGS.TS Hồ Thế Hà đăng tạp chí Sông Hương
Xem thêm
Mai Quỳnh Nam và một phía
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về thơ Mai Quỳnh Nam
Xem thêm
Một đêm trăng không dễ có ở trên đời!
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Một vọng âm quá khứ hào hùng nhưng lắm đau thương
Đọc “Hòa âm đêm”, Nxb Hội Nhà văn, 2024 của Trương Tuyết Mai
Xem thêm
Khám phá vương triều Tiền Lý qua tiểu thuyết lịch sử
Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai là người khá đa di năng. Từ lúc bước vào văn nghiệp, anh viết kí, truyện ngắn, làm thơ, cày báo… đều đặn, thuộc dạng “nhạc nào cũng nhảy được” và nhảy khá hay.
Xem thêm
Triệu hạt tâm hồn rót đầy biển tình yêu
Võ Thị Như Mai đọc PHẢI CHI MÂY TRẮNG KHÔNG NGANG NGÕ, Nguyễn Đức Quận, NXB Hội nhà văn, 2024.
Xem thêm
Tiểu luận Võ Quốc Việt: Vài cảm nhận về Cuộc thi Thơ 1-2-3
Cuộc thi Thơ 1-2-3 (The 1-2-3 Poetry Style/ Phannist Poetry) năm 2024 – 2025 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tác giả trong lẫn ngoài nước và đã công bố kết quả. Nhà lý luận phê bình, nhà thơ Võ Quốc Việt – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban Chung khảo đã có bài tiểu luận công phu, sâu sắc mang tính tổng kết về cuộc thi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Xem thêm
Đọc tập thơ Dọc đường máu của Vương Cường
Nguyên Hùng giới thiệu tập thơ mới của Tiến sĩ nhà thơ Vương Cường
Xem thêm
Vũ điệu tái sinh trong từng cơn đau
Bái viết về tập thơ “Nghiêng về phía nỗi đau” tập thơ của Trịnh Bích Ngân (NXB Hội Nhà văn, quý II, 2024)
Xem thêm
“Ai cũng có ngày xưa” của nhà thơ Trần Duy Hiển
Gió vẫn thổi suốt chiều dài trận mạc/ Người nhẹ nhàng nằm lại lúc vượt sông
Xem thêm
“Theo chồng về quê” của Mai Khoa – một bài thơ hay
Bởi yêu chồng từ lúc mới bén duyên/ Như tình biển yêu thuyền thương nhớ
Xem thêm
Trò Chuyện Với Thiên Thần – Những Tai Họa Thế Giới & Giấc mơ Việt Nam
Triết gia Hy Lạp Platon đã nói: “Thước đo của một con người là xem cách anh ta làm gì với quyền lực”. Thế nhưng, có rất nhiều người có quyền, vì lòng tham và ích kỷ cá nhân nên đã hủy hoại nhân cách và đất nước của họ (TCVTT/ Trương Văn Dân)
Xem thêm
Thi ca đương đại nhìn từ hệ hình nghệ thuật và chất suy tưởng của thơ
Sáng ngày 12.02.2025 tại Ninh Bình, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”. Dưới đây là tham luận của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Xem thêm
Tôi đọc bài thơ Đừng sợ một mình của thi sĩ Trần Mạnh Hảo
Trần Mạnh Hảo và thơ ông đã sớm là “tín ngưỡng” đẹp nhất trong lòng của những người yêu thơ, quý chữ nghĩa chân chính. Từ thời còn trên giảng đường đại học, tôi đã từng nghe thầy tôi đọc những câu thơ trong trường ca Đất nước hình tia chớp. Từ đó, tôi bắt đầu săn sóc sự học, sự đọc về thơ ông.
Xem thêm