- Lý luận - Phê bình
- Bây giờ tôi chỉ muốn nói: Cảm ơn!
Bây giờ tôi chỉ muốn nói: Cảm ơn!
Thương gửi Thầy giáo, Nhà Phê bình Văn học Lê Thanh Nga.
Ra trường, trò vội vàng ly hương khi đã khẳng định rằng không thể có một danh phận thỏa đáng nơi quê mình. Những mùa bão đi qua, bao ngày đông tháng giá, trò mãi mê tìm danh phận, chọn bản chất... Khí thở đời sống thị thành ăn ngấm với nhiều nỗi nhọc nhằn khôn tả, ắt hẳn đã làm cho trò không thể là cậu thanh niên ngỗ ngược, sống không tiết độ như ngày còn trên giảng đường – Đã từng gây ra bao nỗi chán chường cho thầy cô và bạn bè.
Trò vẫn nhớ như in cái ngày thầy trò biết đến nhau, thông qua một "sự cố" trong cuộc thi nghiệp vụ Sư Phạm của Khoa. Phút chốc xốc nổi của trò đã tạo ra một ấn tượng nội tâm bất khiết, nhưng qua đó trò hiểu được thầy mình bao dung tới độ nào. Sau “sự vụ”, TS. Ngô Quỳnh Nga đã tâm sự với trò và có chia sẻ rằng, trong trò có hình bóng của Thầy - ở cái "khí khái": "Hi vọng Tuấn sẽ điều hòa bản ngã và ý thức hơn trong học tập và rèn luyện đạo đức để sau này làm nên nhiều việc hữu ích". Trò nào dám nhận, khi biết bao "cổ tích" được truyền miệng về hình ảnh một Lê Thanh Nga thông tuệ, duyên dáng và đã kinh qua những trải nghiệm tứa máu để trở thành vị Tiến Sĩ Lý luận phê bình trẻ nhất xứ Nghệ hồi ấy. Còn trò, nói ra thật đáng hổ thẹn, như lời nhận xét của một giảng viên Khoa giáo dục trường ta: "Thành phần dặt dẹo".
Năm năm xa quê, khi ra đi chẳng lời tạ từ, thời gian đằng đẵng trò bặt vô âm tín. Trò thật tội lỗi. Nhưng thầy biết chăng, trò vẫn kết nối với cô - vợ thầy. Vẫn luôn hỏi về “thầy tui” có còn ngấm rượu hay chăng, có chăm vẽ thư họa như thưở trước, hoặc biết cách giúp vợ sửa ống nước hay chưa… Nay vườn nhà có trồng nhiều hoa? cu cậu lớn lên viêm xoan đã đỡ lành hơn chưa?... Trò vẫn hướng về thầy, về ngọn đồi yên ắng bất động gần nhà, về mẹ cha đã già đang như cái bóng vào ra trong căn nhà mái lá đơn sơ…
Có lần đã từng tâm sự với cô về thời gian trò viết cuốn sách đầu tay, trò bị chảy máu cam nhiều ngày, những giọt máu đổ rơi tanh tưởi trên tay phím. Viết quả là đau đớn khôn tả… Qua đó, cô cũng nói về ngày mới chớm yêu, tới thăm gác xép của thầy và thấy những vệt máu như ai rảy lên tường. Hóa ra là có những đêm như thế, những đêm cam nhẫn bấy trần: đói và đau đời chữ nghĩa thầy đã hắt hơi ra máu… Trò hiểu rằng “Kafka” đã khiến thầy đổ máu. Cái luận văn mà dễ gì ai viết được trong thời buổi “chữ nghĩa giả trá” lên ngôi này, đã làm thầy bị thương. Trò biết rằng trong cơn đói bụng oằn thắt thầy vẫn đi tìm cầu sự no lòng suốt ngày dài đêm thâu ở thư viện thủ đô.
Một cậu học trò sớm thấm đau nghiệp văn chương đã trở nên “quái kiệt”, lánh mình trên Đại Huệ để “cưỡng cầu” cái đẹp nhói tim của thi ca thế gian trăm vạn quyển. Rồi ngày ra trường loay hoay, lật trở tìm cầu công việc,… Người con xứ Nghệ chỉ bữa đói bữa no lại thêm bị “trừng phạt” cho cái định mạng với văn chương và kịch nghệ, sẽ thêm đắng đót muôn phần. Nhưng sau biết bao biến đổi bể dâu, bao gắng gỏi phi thường, thầy tôi đã đánh một mốc son chói sáng trên con đường học vấn của mình, trở thành TS văn học khi còn rất trẻ. Quả là đớn đau mà xứng đáng. Phải chăng! Mọi điều lớn lao trên đời đều được đánh đổi bằng nỗi đau khổ vĩ đại khôn tả - như tiếng chim kia hót lên vài khúc gắt gao trang trọng trong bụi mận gai… Trò thương thầy biết mấy, một con người nhỏ nhắn mà ngang bạo, đã qua nhiều thăng giáng đời người, đối diện với sống còn vẫn một đường cao thượng mà đi. Trò mong mau chóng hết năm học để trở lại quê hương. Ngày hạnh ngộ với thầy, mình cụng ly và tỉ tê về chuyện của trò, những ngọn núi, những gió sương, bao ưu phiền chuốc sầu mà trò đã đi qua… Ngay lúc này trò khát khao chực trào hai tiếng quê hương…
Bốn năm trên giảng đường trò cứ để tâm trí bay theo đám mây qua bục giảng, rụng đi xiết bao “lời vàng ý ngọc” của một thế hệ gia công sư phạm mẫu mực hiếm có và không thể tìm lại được. Những ngày tháng tha phương, đày mình trong giếng đời trũng sâu mưu cầu dục vọng, thực lòng không còn nhiều thời gian để chăm sóc sự học, sự đọc...
Thầy biết đó, trò cũng chỉ là một hồn thơ bọt bèo, mong manh và chỉ muốn được mong manh, nhưng “thập tải phong trần” buộc nam nhân phải xốc liệt, điên cuồng để gánh ghì số phận, lắm lúc uột èo, hư nát, chênh chao trên khung trục tình - tiền - quyền. Trò sao quên được hương quê vị quán, đồi thông rú Chúa. Chẳng quên được con đường tắt ngang giữa đồng quê ám mộng đã nhiều hơn một lần trò cắp rượu đến ê a chuyện đời và thơ với Thầy. Có lúc thầy trò ta đôi mắt trâng trớ, trầm ngâm thầm thỉ thầy kể về người thầy khả kính của mình với những bài học giá máu, thấm nhuần tư cách của một chuyên gia văn học mẫu mực trên nhiều phương diện… Và giờ thầy đã là một người học trò xuất sắc của thầy mình.
Có phải thế này chăng như một nhà văn đã nói: “Anh giúp tôi thì người khác sẽ giúp anh” – Đó là quy luật muôn thưở. Giáo dục bao đời rễ đắng nhưng quả ngọt và văn học sẽ giúp người ta nhận ra được một kiếp sống ngắn ngủi đâu dễ dàng chi. Để rồi chính cái sống thật khó, thật khổ, thật nhọc nhằn đó mà ta biết sống sao cho xứng đáng, cho an trú và trọn vẹn trong hiện tại. Và trò hứa với thầy nguyện “sinh nghề tử nghiệp”, sống là con đẻ của giáo dục, chết làm “linh thần” trên cánh đồng chữ nghĩa…
Trong lòng trò luôn canh cánh về những hồi ức hoa niên đẹp đẽ đã qua, đeo ách đủng đẳng những lời cảm ơn và xin lỗi chưa kịp tỏ bày. Còn lại đó những mặc cảm khó đòi, những nỗi niềm thương nhớ giảng đường và thầy cô mà trước kia có những oán giận lòng riêng trò cố chấp chưa tiện để về. Nay đã đến lúc trò thắm lại một miền neo đậu, tìm đến thầy thỏa nỗi nặng lòng tri âm…
Thưa thầy! Nay trò viết đôi dòng cảm - hiểu, yêu, trân trọng và nhớ… Vì duyên cớ của một buổi trưa hiếm có, trò rảnh tay không bận bịu giấy tờ sách vở. Thời khí Sài Gòn cũng có chút bức bối lúc giữa ngọ. Nhưng có lẽ đường sách Nguyễn Huệ, dòng chảy văn chương và những thi dân, văn dân phóng thoáng dào dạt, chí tình chí nghĩa đã nhuốm đọng, vuốt dịu bầu không. Ăn trưa cùng nhà văn Tống Phước Bảo, trong cuộc trò chuyện về chữ nghĩa, Bảo có nhắc tới TS Lê Thanh Nga, một “nghệ nhân” thật trìu mến và dễ thương. Giây phút đó, đột nhiên như có điều chi cán qua tâm trí trò, và… cay mắt mọng mi. Thầy mình, người mà năm năm rồi mình không dám nhắc đến tên, sợ đứa trẻ hư này sẽ làm cấu uế danh dự của một con người chí kính - người đã sửa phạt mình bằng chỉ một lời "đau đáu": "Cho cậu mười năm, mười năm mà không sống cho ra con người, không trồng được một cái cây hay trở thành một giáo viên công lập thì xem như thầy trò ân đoạn nghĩa tuyệt". Chỉ có giáo viên công lập mơi có thể neo buộc cái bản chất “rừng rú” của tôi cho bớt đi cái “tùy tiện”, “chểnh mảng” - có thể thầy nghĩ vậy. Thực tế, sự nghiệp công lập cũng là nỗ lực vươn tới của trò.
Trò đã ôm mang lời phán bảo của thầy ra Bắc vào Nam để luôn dẻo dai nín chịu và nỗ lực sống sót... Dẫu giữa cái bề bộn cuộc sống, trong cơn rất đau thương lắm lúc trò hằn học và điên hận, “con sói đồng hoang” lại đánh động thời không trong địa mộ tâm linh trò, để trò đã từng rít lên như đang bị giết thịt. Nhưng trò chưa rời nghề một giờ nao, vẫn ngày hai buổi tới trường, đọc và viết như bền bỉ hơn mỗi ngày để tất cả niềm hận nỗi yêu giết chết trang giấy với đời sống trắng, bảo chứng cho rằng trò đã cố gắng đủ nhiều để tự “chữa thương” và không phụ công thầy đã từng dạy dỗ, để tâm và có lẽ thầy còn nhớ ít nhiều về cậu học trò phách lối thưở nào.
Thưa thầy! Trò nhớ thương cái hình dáng nhỏ nhắn, lăn lẳn, cái đầu nhẵn nhụn uẩn súc kim cổ và cái miệng lắm lời duyên dáng, hóm hỉnh của Thầy. Hình ảnh một người nghệ sĩ/ nhân với tư thái rất dân gian đã thể hiện một cách có lý trong cái ôn nhu, từ ái, cẩn trọng của một nhà giáo. Thầy là dòng suối hiền hòa chảy tự nhiên từng đường ăn ý ở. Không cần tô lục chuốt hồng, là hữu xạ tự nhiên hương, cái cười đó rất hiền, cái cử động của đồng tử, mắt, môi, khóe miệng,… tất cả đều khiến người đối diện cảm thấy đời nhẹ khôn kham… Vì có khiêm tốn chiều kích nên thầy đi thật nhanh, hòa lẫn vào đám sinh viên chẳng nhận ra người thầy tuổi tác đâu nữa. Mọi cử chỉ đều rất tháo vát, bặt thiệp, tạo cảm sự thân gần ngay từ lần đầu tiếp xúc. Chính những điều đó đã làm cho người bạn - Nhà văn của trò hôm nay nhắc tới thầy bằng cách như nẩy nở trong lòng một niềm vui tha thiết...
Thầy cho trò mười năm, trò cũng chẳng biết năm năm tới trò sẽ trở nên như thế nào. Hiện tại trò vẫn chưa thể an trú nơi thân mình, đôi lúc chập chờn dại khôn... Nhưng sau những vấp váp thế lộ trò đã bớt đi chút ít “trí mờ nghiệp nặng”. Đã biết vấn trách mình và bớt đi những phức cảm vĩ cuồng, những lộ cuồng tàng ngạo với đời sống và nhân sinh. Trò vẫn thực hành yêu thương mỗi ngày, giống như thầy đã từng, thầy còn nhớ chăng khoảnh khắc giao thì năm đó, chuyển gió trở mùa thầy đã luồn tay vào vạt áo của trò để xem mặc đã đủ ấm chưa. Cái tế vi trong cách quan tâm đó, âm thầm như ngọn gió lan thấm vào tận đáy lòng rồi lại gửi hương ngược hướng tỏa bay. Thầy tôi, như một bài thơ nhưng rất sống động thực cảnh. Ngọn lửa yêu nghề, quý chữ nghĩa và tận hiến cho giáo dục nước nhà nói chung cũng như dạy học/ đào tạo giáo viên Ngữ Văn nói riêng luôn được đốt đuốc cho cháy rực.
TP. Hồ Chí Minh, 28/03/2025