- Lý luận - Phê bình
- Một đêm trăng không dễ có ở trên đời!
Một đêm trăng không dễ có ở trên đời!
TUẤN TRẦN
(Cảm nhận “Đặng Nguyệt Anh thơ chọn tập 1”)
Thực tế, Đặng Nguyệt Anh là một nhà thơ. Nhưng khi gấp “Đặng Nguyệt Anh thơ chọn (tập 1)” lại, trong tôi đong chứa không chỉ là tiếng thơ “Giữa lại những trầm tư yên ắng”, những “Mơ ước” và “tương tư nắng”. Mà còn là một hiện hữu, một giấc mơ ngọt ngào dễ gì có được trên đời. Một huyền thoại, vâng! Nhưng đã thành thực theo cách thật kì diệu: “Nguyệt” nơi “Mảnh trăng cuối rừng” đang bước ra từ giấc mộng đêm hè hôm ấy, ngước nhìn lên bỗng thấy những tán lá kết vòm ôm lấy trăng sáng trên nền trời xanh sâu thẳm nơi “Rừng núi hoang vu. Trăng hạ huyền làm ta [sao khỏi] chới với”. Đặc biệt, con đường ban đêm với ngàn sao nhấp nháy như những đôi mắt biếc nhìn xuống trần gian từ tiên thiên... thật giàu nhạc tính...Thơ khác nào trăng kia nở ra trong vắt, có chút bí mật và xa lạ như được tẩm ướp trong bầu không vô trùng không chút tạp chất: “Trăng xa soi tỏ lòng người/ trăng trân trọng cả những lời tử sinh/ nhưng…một cõi riêng mình/…/ Trăng vi diệu sống thanh tân một đời”.
Chính cái đêm như thế! Cái đêm trăng trong sáng lạ thường với bước chân thiếu phụ hối hả đường khuya vào Nam ra Bắc để tìm chồng viễn chinh…Và rồi trở thành cô du kích giữa đường rừng/ đời “muôn nẻo nắng mưa”. Trải nghiệm những cung đường trăng đầy hoa lửa, hồn thi nhân nhận thức và thấm nhuần “Cõi người còn lắm giá băng/ trăm năm mời ghé cung hằng dạo xuân”.
Vâng! và cũng chính từ cái đêm trăng nước mộng mơ. Cái đêm trăng cũng đầy lạnh lùng xa cách chốn đường khuya nẻo vắng giục lòng chiến thắng đó, một nữ nhân nương theo lối mòn Trường Sơn tìm phu quân đã trở nên kiên trinh, như bông hoa tỏa hương dọc chiến hào: “Ta đợi trăng đi những bước trập trùng cao thấp mộng du/…/ Mình ta thức với xanh xao núi rừng/ À ơi ta cõng trên lưng/ À ơi ta ủ trong lòng. À ơi!...”
Thời/ không nghệ thuật ngập tràn ánh trăng. Thứ ánh sáng thượng tuần trong xanh, diệu vợi. trăng theo thiếu nữ đi về miền nhớ: “Bâng khâng về người xuân cũ/ một trời lãng đãng phấn hương say”. Ngược lên non ngàn hay một chiều Paris, nơi vạn lý quan san, trăng dọi sáng đôi bờ êm đềm sông Đông. Dưới dòng sáng lấp lánh sự sống ấy, mọi thứ dường như đang âm thầm lặng lẽ nở ra những điềm an lành đẹp đẽ ẩn hiện với những nét trang nhã, thanh kỳ, mỹ lệ đến không ngờ. Đó là “ngọn lửa hòa bình không bao giờ tắt”. Đêm rừng ấy bản hòa sắc trữ tình ngân vang: “Từ em/ gọi nguyệt về trăng/ là khi tôi đã gọi rằm/ sang đêm/ Hoang sơ/ một lối cỏ mềm/ cháy lên em.../ thắp sáng miền nhân gian!”.
Thưở ấy, người con gái sông Ninh xuân xanh rạng ngời đã vội trùng biệt viễn ly với người chồng đương kì mặn nồng gối chăn và rồi đằng đẵng triền miên “Chưa kịp lành vết thương/ đất nước lại đạn bom chinh chiến” . Cung đường trận mạc lỗ chỗ những hố bom, đêm trường sâu thấn: “sông Ninh tràn đầy pháo sáng/ sông Ninh tràn đầy thủy lôi/ không làm mềm lòng trai gái quê tôi”... “Ngoại ơi!” Có phải không? Trong cái đêm “thiếp từng mảng ánh trăng”(Mảnh trăng cuối rừng - Nguyễn Minh Châu) “ngoại” đã gặp lại ông. Kể từ đó trong thơ trăng trở thành thi cảm bất tận, ăn ngấm những giọt lệ lung linh, huyền diệu. Đâu đây trên cảo thơm luôn dậy mùi hương phù sa bãi bồi, những “chân đê xanh mướt cỏ non/ .../ thuyền ai về neo dưới bóng hàng tre”. Trăng ấm áp nở sắc trắng tinh khôi lối về bình minh cùng hương rừng Hoàng liên quyến rũ, “Trời khuya lạc một vì sao/ Để em/ [Ngoại tôi] gửi nhớ thương vào hương đêm”.
Khi tình nẩy nở, khi tình đơm bông, khi hôn nhân đơm hoa kết hạt cũng không thể huyền diệu hơn phút giây đó. Phải không “ngoại”? “Phút giây số phận” (AndreMaurois) trong một đời người. Khoảnh khắc “ngoại” gặp lại “ông” giữa đêm trăng sáng bừng cả giải ngân hà, nơi tuyến lửa, hay đầu sóng ngọn gió...Gặp lại lần này là minh chứng/ đóng đinh lòng son sắt vợi sâu, viết nên câu chuyện trăm năm đời người và nghĩa tình chồng vợ tựa thiếp vàng sơn son. “Ngoại” đã từng “Lặng im” (tr46) nén tang tóc thời thế: “Anh đâu”/.../ “Em như nắng gió trăng sao dõi tìm”. Để rồi hôm nay, khuôn dáng “trời em áo lụa”/…/ “mắt thu biếc nắng”/…/ “một đời ai thực ai mơ”. “Ngoại” tỏa rạng hơn, bừng sáng hơn và ngàn lần cao quý hơn so với “thuyền trăng…/ trắng trong ngân hà”.
Khoảnh khắc đó/ Đột nhiên/ Cỏ cây chim thú/ Đình cuộc chiến tranh/ đã tiếp diễn bao đời (Khoảng khắc đó – Maicơn Đâyanăng). Hồn thơ “Bồi hồi tháng giêng nhịp xuân trong vắt. Nguyên sơ đất trời phút giao hòa. Nhân loại sinh thành cho em gặp anh. Vườn ngát hương cau quấn quýt giây trầu. Truyền thuyết tình yêu bắt đầu từ đấy.” Ngày đó ngoại thật xinh đẹp trẻ trung như trăng non đầu tháng. Cô gái vận áo xanh và “Mình ta thức với xanh xao núi rừng”. Hình ảnh nàng thơ giữa đêm trường cô tịch đã xóa đi cảm giác ưu sầu, lạnh lẽo, thổi vào không khí cô liêu một ý vị trữ tình ấp iu, nồng đượm. Và dưới hằng hà sa số tình cảm ánh sáng kia, “ngoại” lả lướt hơn trong màu áo xanh, thêm phần hư ảo: “Xa xưa từ vạn kiếp rồi/ hình như ai đã ngỏ lời... hình như/ trăng thì vẫn cứ mộng mơ/ cứ huyền ảo, cứ thực hư giữa trời”.
Trong cái đêm bất thường ấy, người thiếu nữ hiện lên phi thường. Không chỉ là một cô gái như mảnh trăng thanh tân, xinh đẹp mà còn là một mảnh hồn trần gan góc, xốc liệt đạn bom: “Xin lau lách đưng phủ đường nhan sắc/ Bão giông ơi đừng lấp lối nhu mì/ Và đức hạnh: thiên đường hay địa ngục/ Cứu em nào qua phận mỏng nữ nhi”. Nó tạo nên vẻ đẹp trong thuần nhất quán, chín và hoàn thiện một cách kì diệu mà, nói như một học giả, tự thân nó đã là sức mạnh: “Thật nàng đấy ư?/ Li ti những giọt trăng đang tan ra, thấm vào hoa cỏ đất đai. Vũ trụ chuyển hóa. Ta ngu ngơ cuồng si, phiêu bạt mười phương, nửa kiếp phong trần.”
Có thể nói rằng, dọc chiến hào luôn có dấu chân của tình yêu đôi lứa: “Tôi đi trồng gió mỗi ngày/ Hồn tôi giờ đã xanh đầy gió non”. Tình ái quốc lồng trong sự bền bỉ, son sắc đợi chờ và niềm cảm dũng chiến đấu: “Con đường gần con đường xa/ Đi bên nhau để mặn mà yêu tin/ Để rồi thao thức từng đêm/ Cho trang thơ cũng say niềm khát khao”... Trên con đường đi tìm hạnh phúc “ngoại” đã hóa thành cô xung kích, để tới đích hai trái tim tuổi trẻ phải đổi bằng giá máu... Nhưng phải chăng là thế này “Hạnh phúc thực hơn mọi điều đã tả - Lại ngọt ngào kì lạ, lớn lao hơn” (Bằng Việt)? Nhưng có phải chăng là thế này “bắt đâu từ đâu nhỉ?/ Từ tấm lòng mùa thu/ Yêu thương và tha thứ/ Không oán ghét hận thù”. Đã có một đêm như thế. Một đêm chiến tranh thanh bình yên ả “Trăng lên như thể con thuyền/ buồm căng thương nhớ/ trôi quên ngân hà”.
Hồn thơ trong sáng vời vợi đã nẩy nở từ “Vàng son thời thiếu nữ/ Thương mình tím hoàng hôn”. Một giấc mơ thi vị đã thành thực ư! Vâng! Thực hơn thế là “ngoại” của hôm nay chưa bao giờ quên cái phút giây gặp lại nơi “trời thu trong vắt” đó. Và có phải thế này chăng, từ buổi hạnh ngộ cho mãi về sau “Trăng” đã trở thành điểm tựa tinh thần sáng mãi trong tâm hồn “thiếu nữ”:: “Ngày xưa/ trăng nõn trăng non/ Chỉ thương chú cuội/ mỏi mòn gốc đa/ Bao nhiêu tuổi nữa trăng già/ Gió hoang thổi dạt Ngân Hà/ về đâu?”.