TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • Từ gió mẹ đến lời tuyên thệ – năm lát cắt lặng thầm của ánh sáng

Từ gió mẹ đến lời tuyên thệ – năm lát cắt lặng thầm của ánh sáng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2025-04-26 11:22:53
mail facebook google pos stwis
158 lượt xem

Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc (Bút danh: Lam Giang), sinh năm 1957, quê Hà Tĩnh, sống ở Hà Nội, nghề nghiệp chính: Nhà báo, Nhà văn; trình độ văn hóa: Tiến sĩ; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm chính đã xuất bản: Khúc giao mùa (Tập thơ 2005); Không bao giờ trăng khuyết (Tập thơ 2010); Khúc thiên thai (Tập thơ 2015); Non nước đàn trời (Tập thơ 2015); Đi về phía mặt trời (Tập thơ 2024); Duyên tình thơ-nhạc tập 1 (Lê Cảnh Nhạc-Đức Trịnh 2024); Duyên tình thơ-nhạc tập 2 (Lê Cảnh Nhạc-Các nhạc sĩ 2024). Văn xuôi: Người học trò thứ 31 (Tập truyện 1990); Nỗi oan của Đốm (Tập truyện 1992); Mầm ác và hướng thiện (Tập ký 1994); Lâu đài (Tập truyện1999); Lời ru không bán (Tập truyện 2000).
Lê Cảnh Nhạc còn là tác giả ca từ của gần 150 ca khúc, hợp xướng, nhạc kịch, nhạc phim; tác giả kịch bản của nhiều chương trình nghệ thuật quốc gia và địa phương do các Đoàn Nghệ thuật Trung ương, quân đội và địa phương thực hiện

 

Tập thơ “Đi về phía mặt trời” là hành trình thi ca đầy trăn trở, suy nghiệm và khát vọng nhân văn của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc. Với hơn 120 bài thơ được chia làm hai phần chính: “Dặm đời” và “Hồn Việt”, tác phẩm không chỉ là nhật ký tinh thần, mà còn là bản trường ca đa thanh, nơi cá nhân và cộng đồng giao thoa. Ở đó, người đọc bắt gặp một tâm hồn nồng nhiệt trước tình yêu, gia đình, thiên nhiên và quê hương đất nước. Ngôn ngữ thơ dung dị, giàu hình ảnh và cảm xúc, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đời thường và triết lý sống, giữa cái riêng tư và chất sử thi cộng đồng. “Đi về phía mặt trời” không chỉ là một cuộc tìm kiếm ánh sáng, mà còn là lời hiệu triệu sống tử tế, yêu thương và không ngừng hy vọng.

Rút từ tập thơ “Đi về phía mặt trời”, chùm thơ dưới đây như những “chùm tia nắng” lặng lẽ soi chiếu vào các tầng sâu của con người và cuộc sống. Dù viết về tình yêu, tình mẫu tử, đạo lý sống hay khát vọng làm người, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đều giữ cho thơ mình một chất giọng chân thành, sâu sắc và đầy ám ảnh. Có lúc nhẹ nhàng như gió mẹ, có lúc cất lên như lời tuyên thệ rắn rỏi giữa cuộc đời; khi thì chiêm nghiệm kiếp người như hạt cát nhỏ, khi lại không khoan nhượng với cái ác… Mỗi bài thơ là một lát cắt, một nốt trầm sáng giá trong bản hòa âm thi ca nhiều màu.
 

Con tàu và bến cảng

Có những chiếc gai giấu trong lời khen
Có những đắng cay hoà trong dịu ngọt
Giận hờn thường kiếm tìm vỗ về từ nơi khác
Xin em chớ trải lòng khoả lấp sẻ chia

Có thể bóng mây ám ảnh bầu trời
Có thể người thân yêu của mình lầm lỗi
Giận hờn hành hạ ta trong khổ đau buốt nhói
Đừng lấy lỗi lầm kia trừng phạt chính mình

Im lặng là vàng, im lặng cũng xót xa
Anh suy nghĩ còn em thường suy diễn
Anh thấy sau tầng mây vầng dương luôn cháy sáng
Em chỉ thấy mưa tuôn bão cuốn phía chân trời

Em muốn con tàu chỉ cập bến cảng thôi
Nhưng số phận con tàu giong buồm trên biển cả
Đừng sợ chênh chao giữa bão bùng sóng gió
Neo bến suốt cuộc đời, tàu chẳng khác thuyền nan

Ở bên anh, em cảm thấy bình yên
Đừng lãng phí thời cơ mỗi lần tàu cập bến
Đời người gang tay thời gian hữu hạn
Ngọn lửa tình yêu qua bão tố cháy bùng

Đâu chỉ cần có người để được yêu thương
Hạnh phúc cần có người để quên đi tất cả
Tột cùng tin yêu, tột cùng đau khổ
Bởi chẳng có ai hoàn hảo ở trên đời

 

Gió và mẹ

Mẹ bốn mùa là ngọn gió Tín Phong
Cho con giông buồm ra khơi vào lộng
Như làn heo may hoa về thụ phấn
Mẹ chắt chiu đơm trái chín thơm vườn

Năng lượng mẹ trao ngọn gió tâm hồn
Cho chúng con vươn mình tỏa sáng
Gió nâng triều lên gọi con vào lộng
Nghe gió về mẹ ngóng phía trùng khơi

Bão tố gầm lên, gió giật sóng dồi
Lòng mẹ bất an âu lo bối rối
Gió chướng tràn qua, ào ào lốc xoáy
Mẹ dang tay che chắn những mầm cây

Mẹ dắt con qua mưa gió cuộc đời
Dò hướng từng cơn nam cồ, nam mái
Lòng mẹ cồn cào lắng nghe gió nổi
Phấp phỏng dõi theo từng bước chân con

Tình mẹ dạt dào ngọn gió mùa xuân
Vạn vật sinh sôi khởi nguồn sinh khí
Đi đến cuối trời chưa qua tà áo mẹ
Gói trăm ngàn ngọn gió phía cực Đông

(Tuy Hòa, 15/8/2024)

 

Cái ác

Có cái ác của những kẻ mạnh
Có cái ác của những kẻ yếu hèn
Cái ác kẻ mạnh thường hiện hình
Cái ác kẻ yếu hèn tẩm lời thuốc độc

Cái ác lẻn vào bóng đêm
Ném lưỡi tắc kè zalo phây búc
Khoác áo nạn nhân
Ăn mày lòng thương xót
Khía mũi dao tẩm độc
Lách luồn niềm tin
Lách luồn hóng hớt
Lách luồn đơm đặt
Lách luồn xót xa
Tạo sóng bóng ma
Cuộn đen dòng chảy

Giảo biện:
“Nhẫn nhịn là Phật
Tàn độc là anh hùng”
Cái ác thành vô can
Khi dìm chết nạn nhân

Trong bùn lầy ngập ngụa
Bè bạn người thân
Ai đồng cảm sẻ chia
Ai lặng thinh ngờ vực
Ai hòa thêm độc dược
Ai nhận ra bóng ma
Ai bóc mẽ gian tà
Ai sợ bùn vương mặt

Sân khấu cuộc đời
Bày giữa nhân gian
Không có cánh gà
Cho kép đào thay áo

Ngoảnh lại ngậm cười
Từng người vào vai diễn
Nhân quả đi và đến
Con trai ăn trái đắng vườn mẹ
Con gái uống nước đục dòng cha

Cái ác dẫu đi qua
Mầm ác còn vương vãi
Thêm ngộ lời Phật dạy
Cứ mở lòng mặc ngang trái chúng sinh

(14/11/2023)

 

Ta chỉ là hạt cát

Tờ lịch nhắc tuổi mới
Giật mình bóng chiều buông
Bao nhiêu là chìm nổi
Bao nhiêu là tuyết sương

Cuộc đời như hạt cát
Khi bay lên ngang trời
Khi rơi vào quên lãng
Khi lặng thầm chơi vơi

Có ngọn gió mát lành
Nâng niu và ve vuốt
Có trận gió cuồng phong
Tàn độc và giá buốt

Ta vẫn là hạt cát
Lăn lóc trong dòng đời
Lời hoa ai gửi đến
Lấp lánh ngày cát ơi

(15/8/2024)

 

Lời tuyên thệ

(Tặng con trai Lê Cảnh Đức)

Hai mươi tuổi con bước vào đội ngũ
Mắt long lanh đứng tuyên thệ dưới cờ
Lớp sinh viên tiên phong đầy nhiệt huyết
Quyết dấn thân theo lý tưởng Bác Hồ

Năm lời thề nguyện vì dân vì nước
Dẫn dắt con qua giông bão cuộc đời
Bao giông bão không đến từ phía trước
Rình rập manh nha trong chính mình thôi

Quyền lực, tiền tài, hư danh, cơ hội
Đốn ngã biết bao đồng chí dọc đường đi
Và bao người đã phản bội lời thề
Mượn danh Đảng vấy bẩn màu cờ Đảng

Anh hùng kiên trung tôi mình qua lửa đạn
Cái chết trước kẻ thù xem nhẹ tựa hồng mao
Bỗng một ngày bị cuốn xuống bùn sâu
Không thắng nổi chính mình trước hư vinh, cám dỗ

Con hãy ngẩng cao đầu bước đi đừng run sợ
Biến lời thề hôm nay thành lẽ sống đời mình
Chẳng cám dỗ nào thay máu được con tim
Khi chí nguyện dưới cờ thấm trong từng huyết mạch.

(26/10/2019)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chất chứa bi hùng vương triều tiền Lý
Nhà văn Phùng Văn Khai quả là quá táo gan và thừa dũng cảm khi bước chân vào một vùng đất trống. Ấy là khi anh quyết định tái hiện các cuộc chống ngoại xâm trong thời kỳ Bắc thuộc bằng văn học. Gánh lấy sứ mệnh vô cùng khó khăn ấy, anh tự xem mình là nhà thám hiểm lịch sử hay một đấng phiêu lưu văn học? Không ai trả lời được câu hỏi ấy, ngoài anh.
Xem thêm
Phật giáo hộ quốc dưới góc nhìn tiểu thuyết vương triều Tiền Lý
Sớm mai, sương bạc vương trên cánh sen tĩnh mặc, hồ nước phẳng lặng phản chiếu bầu trời vô tận. Tiếng chuông chùa ngân dài trong làn gió sớm, tan vào không gian như những vòng sóng lan tỏa, vọng về từ ngàn xưa lời kinh Bát Nhã
Xem thêm
“Thu thức giấc” của Trịnh Bích Ngân - Mùa của những rung động
Bài đăng Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 4/2025
Xem thêm
Bây giờ tôi chỉ muốn nói: Cảm ơn!
Bài của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Các cuộc chiến trong lòng chiến tranh...
HOÀNG HÔN DÁT ĐỎ là cuốn tiểu thuyết của Nhà văn Tố Hoài do Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2016.
Xem thêm
Đặng Nguyệt Anh - Một hồn thơ không tĩnh vật
Bài của PGS.TS Hồ Thế Hà đăng tạp chí Sông Hương
Xem thêm
Mai Quỳnh Nam và một phía
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về thơ Mai Quỳnh Nam
Xem thêm
Một đêm trăng không dễ có ở trên đời!
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Một vọng âm quá khứ hào hùng nhưng lắm đau thương
Đọc “Hòa âm đêm”, Nxb Hội Nhà văn, 2024 của Trương Tuyết Mai
Xem thêm
Khám phá vương triều Tiền Lý qua tiểu thuyết lịch sử
Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai là người khá đa di năng. Từ lúc bước vào văn nghiệp, anh viết kí, truyện ngắn, làm thơ, cày báo… đều đặn, thuộc dạng “nhạc nào cũng nhảy được” và nhảy khá hay.
Xem thêm
Triệu hạt tâm hồn rót đầy biển tình yêu
Võ Thị Như Mai đọc PHẢI CHI MÂY TRẮNG KHÔNG NGANG NGÕ, Nguyễn Đức Quận, NXB Hội nhà văn, 2024.
Xem thêm
Tiểu luận Võ Quốc Việt: Vài cảm nhận về Cuộc thi Thơ 1-2-3
Cuộc thi Thơ 1-2-3 (The 1-2-3 Poetry Style/ Phannist Poetry) năm 2024 – 2025 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tác giả trong lẫn ngoài nước và đã công bố kết quả. Nhà lý luận phê bình, nhà thơ Võ Quốc Việt – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban Chung khảo đã có bài tiểu luận công phu, sâu sắc mang tính tổng kết về cuộc thi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Xem thêm
Đọc tập thơ Dọc đường máu của Vương Cường
Nguyên Hùng giới thiệu tập thơ mới của Tiến sĩ nhà thơ Vương Cường
Xem thêm
Vũ điệu tái sinh trong từng cơn đau
Bái viết về tập thơ “Nghiêng về phía nỗi đau” tập thơ của Trịnh Bích Ngân (NXB Hội Nhà văn, quý II, 2024)
Xem thêm
“Ai cũng có ngày xưa” của nhà thơ Trần Duy Hiển
Gió vẫn thổi suốt chiều dài trận mạc/ Người nhẹ nhàng nằm lại lúc vượt sông
Xem thêm
“Theo chồng về quê” của Mai Khoa – một bài thơ hay
Bởi yêu chồng từ lúc mới bén duyên/ Như tình biển yêu thuyền thương nhớ
Xem thêm
Trò Chuyện Với Thiên Thần – Những Tai Họa Thế Giới & Giấc mơ Việt Nam
Triết gia Hy Lạp Platon đã nói: “Thước đo của một con người là xem cách anh ta làm gì với quyền lực”. Thế nhưng, có rất nhiều người có quyền, vì lòng tham và ích kỷ cá nhân nên đã hủy hoại nhân cách và đất nước của họ (TCVTT/ Trương Văn Dân)
Xem thêm
Thi ca đương đại nhìn từ hệ hình nghệ thuật và chất suy tưởng của thơ
Sáng ngày 12.02.2025 tại Ninh Bình, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”. Dưới đây là tham luận của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Xem thêm