TIN TỨC

Phật giáo hộ quốc dưới góc nhìn tiểu thuyết vương triều Tiền Lý

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2025-04-16 17:22:32
mail facebook google pos stwis
39 lượt xem

Thái Hải Đăng

Sớm mai, sương bạc vương trên cánh sen tĩnh mặc, hồ nước phẳng lặng phản chiếu bầu trời vô tận. Tiếng chuông chùa ngân dài trong làn gió sớm, tan vào không gian như những vòng sóng lan tỏa, vọng về từ ngàn xưa lời kinh Bát Nhã:

Sắc tức thị không, không tức thị sắc…”

Dưới mái hiên chùa, những bậc thiền sư vẫn lặng lẽ quán chiếu thế gian, thấy rõ trong huyễn mộng nhân sinh, vương triều hưng vong, bãi bể hóa nương dâu, tất cả chỉ là cơn sóng nhỏ trong biển lớn vô thường. Đế vương rồi cũng về với cát bụi, ngai vàng rồi cũng nhuốm màu sương khói, chỉ có đạo pháp và trí huệ mới vĩnh hằng soi sáng dòng chảy lịch sử.

Phật giáo không chỉ lặng lẽ trong cõi thiền mà còn hiện hữu giữa thế gian, giữa những biến động của triều đại, giữa những tâm tư của bậc minh quân khi đứng trước lựa chọn: ôm giữ hay buông bỏ vương quyền, thuận dòng nhân quả. Suốt chiều dài lịch sử, đã có biết bao đế vương tìm đến Phật pháp soi tỏ thế sự, đều xem trí tuệ Bát Nhã (Prajñā) như ánh sáng soi đường, lấy từ bi làm chính lệnh và xem chính trị như một phương tiện hộ trì quốc độ. Từ A Dục vương rũ bỏ đao binh để gieo hạt từ bi, đến những bậc minh chủ nhà Lý, nhà Trần đều lấy thiền tâm trị quốc.

Giữa dòng chảy ấy, Vương Triều Tiền Lý của Phùng Văn Khai góp thêm những nét trầm bổng trong bản hòa ca giữa đạo và đời, giữa trí và bi, giữa những mưu lược chính trị và sự tỉnh thức của kẻ ngộ lẽ vô thường. Bốn tập tiểu thuyết không chỉ tái hiện những năm tháng dựng nước gian nan mà còn gửi gắm vào đó tinh thần Phật giáo hộ quốc, nơi gươm đao và trí tuệ cùng song hành, nơi những đế vương đầu tiên của nước Việt không chỉ chiến đấu để bảo vệ giang sơn, mà còn chiến đấu với chính bản ngã và tham vọng của mình.

Nhà nghiên cứu Thái Hải Đăng

Lật từng trang sách, độc giả không chỉ thấy một giai đoạn lịch sử hào hùng, mà còn cảm nhận được hơi thở thiền môn phảng phất trong từng bước chân nhân vật. Để rồi khi khép lại, ta không chỉ thấu hiểu chuyện xưa, mà còn thấy mình trong đó - giữa bao thăng trầm thế sự, liệu có ai giữ được lòng mình tĩnh tại như mặt hồ buổi sớm, để soi thấy bóng hình chân thật của vạn pháp?

***

Trời chiều bảng lảng sương lam, bóng hoàng hôn đổ dài trên những mái chùa cổ kính. Cánh chim lẻ loi khuất dần về phía chân trời xa tắp, để lại khoảng không tịch lặng giữa mênh mông đất trời. Dưới cội bồ đề, bóng người lặng nhìn từng cánh lá rơi chầm chậm xuống mặt hồ. Làn nước khẽ gợn, rồi lại trở về phẳng lặng như chưa từng có gì chạm đến.

Vạn vật trong cõi nhân sinh cũng vậy. Đế vương hay thường dân, thành quách hay cỏ nội, tất cả đều trôi theo dòng chảy hợp tan, chẳng có gì bất biến. Ngai vàng cao sang đến đâu cũng chỉ là hạt bụi nhỏ trong vòng xoay nhân quả. Quyền lực như bóng trăng đáy nước, vương quyền như ảnh huyễn trên mặt hồ, tưởng nắm trong tay mà thực ra chỉ là khoảng không vô tận. Trong giáo lý Phật Đà, Tánh Không (Śūnyatā) không phải hư vô, mà là chân lý thâm sâu - nơi vạn pháp vốn không có tự tính, mọi sự tuỳ theo đương cơ mà giả lập phương tiện. Khi duyên sinh thì hiện hữu, khi duyên diệt thì hoại đi.

Các pháp sinh từ nhân duyên,

Ta nói tức là Không,

Cũng gọi là giả danh,

Cũng gọi nghĩa Trung đạo.

(Trung Quán Luận, Mūlamadhyamakakārikā)

Những bậc đế vương trong Vương Triều Tiền Lý cũng bước đi giữa dòng xoáy vô thường ấy. Kẻ ngộ đạo thong dong giữa cuộc bể dâu, kẻ vướng chấp thì tự trói mình vào tham vọng hão huyền. Dưới ngòi bút của nhà văn Phùng Văn Khai, Lý Nam Đế hiện lên như một bậc minh quân xem vương vị tựa cánh chim tự do bay lượn nhưng chẳng cần níu giữ. Ngài đã dựng nước Vạn Xuân bằng tất cả tâm huyết, nhưng chưa từng vướng bận vào hào quang đế vị. Với ngài, quyền lực không phải là gốc rễ của an bình, mà chỉ là phương tiện dẫn dắt muôn dân đi qua bão giông thời cuộc. Khi thế nước đổi thay, ngài không hề vùng vẫy trong dòng xoáy tham cầu, cũng chẳng giữ ngai vàng như một cứu cánh tối hậu. Hết thảy những gì cần làm, ngài đã làm, hết thảy những gì cần trao, ngài đã trao. Như lá vàng lìa cành theo nhịp chuyển mùa, vạn vật trên đời đều là duyên sinh, có hợp thì có tan, có đến thì có đi, níu giữ cũng chỉ là vọng tưởng.

Trên mảnh đất Vạn Xuân, ngày mới xoay vần, hương hoa vẫn nở giữa cõi đời. Khi một bậc minh quân rời đi, non sông lại nương lực hồi sinh cho sự xuất hiện của bậc hiền nhân kế tục. Lý Nam Đế ra đi, nhưng chí khí vẫn còn đó - tựa cơn gió xuân lướt qua núi sông, nhẹ nhàng, nhưng chưa bao giờ thực sự biến mất. Và cũng vậy, hành trình của Triệu Việt Vương không khép lại trong tiếc nuối, mà lại mở ra một cánh cửa khác, nơi quyền lực không còn là đích đến mà chỉ là một giai đoạn của nhân duyên sinh diệt.

Theo sử sách, Triệu Việt Vương là bậc quân trưởng thất thế, nhưng với cái nhìn của Phùng Văn Khai, ông chọn đường buông bỏ phù vân thế sự. Khi thế lực của Lý Phật Tử ngày càng lớn mạnh, Triệu Việt Vương không chọn cách đối đầu đến cùng như bao bậc quân vương cố giữ ngai vàng, cũng không để lòng sân hận che mờ trí tuệ. Thay vì khơi mào cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, ông chủ động thoái vị, ban chiếu kêu gọi các tướng lĩnh quy thuận thời thế để bảo toàn sự ổn định cho đất nước. Trong chiếu lệnh, ông viết:

"Triệu gia từ trước vốn là thuộc tướng của Lý thị, nay trẫm dẫu được quân chúng suy tôn vương vị, song vẫn là thần tử của Nam Đế; vậy thời các tướng coi giữ binh quyền tuyệt đối không được tranh hùng với thuộc hạ của Đào Lang Vương; hãy sớm thuận theo ngài ấy giúp sức cho nước mới không phụ lòng trẫm.

Trẫm đã từ lâu mến mộ Phật pháp, chỉ mong phần cuối cuộc đời được làm một vị hòa thượng tụng kinh, gõ mõ, đọc sách, dâng hương nơi cửa chùa mà thôi. Mọi việc lớn nhỏ trong ngoài Vạn Xuân, thảy đều trông cậy vào Đào Lang Vương vậy."

Khi một bậc đế vương nhận ra sự mong manh của danh vọng, ông không đau khổ vì mất đi một triều đại, mà xem đó như một cơn sóng nhỏ tan biến giữa đại dương vô tận của nhân duyên sinh diệt. Hành động của ông còn thể hiện tinh thần bất bạo động (ahiṃsā), thay vì chọn con đường tranh đoạt ngai vàng sẽ khiến dân chúng khổ đau, ông kêu gọi sự đoàn kết, tránh sa vào vòng xoáy hận thù. Giống như vua A Dục (Aśoka) sau khi đại chiến Kalinga, nhận ra sự vô nghĩa của chiến tranh nên ngài đã quyết tâm chuyển hoá tư tưởng trị quốc trên nền tảng giáo pháp Phật đà. Triệu Việt Vương cũng đặt an bình của bách tính lên trên lợi ích cá nhân, chấp nhận nhường bước để bảo toàn vận khí cho Vạn Xuân.

Tác giả đã biến kết cục từ thế gian sang giải thoát, làm sáng tỏ tư tưởng trung đạo, vô thường và đưa chân dung nhân vật chạm đến trí tuệ Bát nhã - một trong Lục độ Ba La Mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ). Hình ảnh một vị vua cởi bỏ hoàng bào, khoác áo nâu sồng rời xa triều đình, bước chân ông như tan vào màn sương sớm, nhẹ nhàng như cánh lá mùa thu trở về với đất. Không lưu luyến, không vướng bận.

Ông không rời đi trong bi thương, mà chết đi một bản ngã để tái sinh trong cõi vô vi. Từ khoảnh khắc xuống tóc, Triệu Việt Vương đã hóa giải tất cả những hư huyễn của quyền lực, trả ngai vàng về với cõi nhân gian, trả thân phận về với dòng sông vô thường. Hành động ấy không phải thoái lui, mà là sự chứng ngộ.

"Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán."

(Kinh Kim Cang)

(Mọi pháp hữu vi, như mộng huyễn bọt bóng, như sương mai, tia chớp - hãy quán chiếu như thế.)

Quyền lực vốn không có tự tính, nó chỉ là một danh xưng, một giả lập của thế gian. Tác giả đã biến lịch sử thành một cuộc quán chiếu, nơi ngai vàng không còn là biểu tượng của sự trường tồn, mà chỉ là một giai đoạn trong dòng sinh diệt bất tận. Bậc quân vương nhận ra bản chất được mất của vương quyền, thì họ sẽ không còn chấp vào sự tồn tại của nó như một hiển sự. Họ sẽ trị quốc bằng lòng từ bi, không bám chấp vào danh vọng, không sợ hãi trước mất mát, bởi họ hiểu rằng ngay cả quyền lực cũng chỉ là huyễn tướng. Dầu vậy, “vạn pháp vốn không, nhưng chúng sinh vẫn phải hành đạo trong vô không”, các bậc quân trưởng không rơi vào cực đoan của chấp hữu (eternalism, thường kiến) hay chấp không (nihilism, đoạn kiến) mà ngộ ra con đường trung đạo (madhyamāpratipad), lấy đạo pháp Phật giáo phò trợ sự nghiệp Tổ Quốc.

Từ trong sự quán chiếu ấy, nguyên lý Trung Đạo được thể hiện qua cách các nhân vật đối diện với thời cuộc, không rơi vào cực đoan chấp thủ, cũng không hoàn toàn buông bỏ thực tại. Trung Đạo trong Phật giáo là con đường thoát khỏi nhị nguyên đối lập, điềm nhiên chấp nhận sự vận hành của vạn pháp. Ngài Long Thọ (nāgārjuna), vị tổ của Trung Quán Tông (madhyamaka), đã phát triển sâu sắc tư tưởng Trung Đạo qua quan niệm Tánh Không (Śūnyatā). Ngài bác bỏ hai thái cực: “Hữu” (thực thể bất biến) và “Vô” (hoàn toàn không tồn tại). Theo ngài, vạn pháp đều không có tự tính (svabhāva), mọi sự vật chỉ tồn tại do duyên sinh (pratītyasamutpāda). Như vậy, Trung Đạo chính là cái nhìn vượt lên trên cả có và không, thấy rõ sự vật như nó “đang là”, mà không rơi vào chấp thủ hay phủ nhận. Trong tiểu thuyết, tư tưởng này được lồng ghép khéo léo qua những lựa chọn của các nhân vật chính, thể hiện sự cân bằng giữa trách nhiệm vương quyền và tinh thần giải thoát.

***

Trong đêm thanh vắng, bóng cựu vương khuất dần trên con đường dẫn vào cửa thiền, dường như có tiếng chuông chùa ngân lên giữa cõi hồng trần. Một triều đại khép lại, nhưng một hành trình mới lại bắt đầu - không còn là hành trình giữ nước, mà là hành trình tìm lại chính mình. Từ bước chân ông, càng cho thấy tư tưởng Phật giáo không chỉ độ thế mà còn có thể nâng đỡ một vương triều, gìn giữ một quốc gia, soi đường cho những bậc đế vương lấy từ bi mà trị nước, lấy trí huệ mà bình định thiên hạ.

Trên dòng chảy thăm thẳm của lịch sử, những vương triều đến rồi đi như bóng mây trên bầu trời vô tận, như cơn sóng bạc đầu dội vào bãi thời gian. Nhưng có một điều trường tồn vượt lên trên được – mất, thành – bại, đó là tư tưởng, là căn cơ tinh thần nâng đỡ cả một dân tộc. Trong Vương Triều Tiền Lý, Phật giáo không chỉ ẩn hiện trong lời kinh kệ, trong ánh nến soi rọi nơi tàng kinh, mà còn hòa vào chính sự, trở thành trụ cột tinh thần hộ trì quốc gia, soi sáng con đường của những bậc minh quân ái quốc.

Từ trong biển lửa binh đao, cửa thiền trên mảnh đất Vạn Xuân chưa bao giờ khép lại trước thế sự. Từ sư phụ đến Phùng Hiền Anh, họ là những người khoác áo nâu sồng nhưng mang tâm thế của bậc quân sư, lấy trí huệ làm gươm giáo, lấy từ bi làm áo giáp, giúp quân vương trị nước, giúp tướng sĩ giữ vững non sông. Họ là những bậc quách nhiên vô ngã, tựa như những cánh sen vươn lên giữa bùn lầy, hòa vào thế sự nhưng vẫn không nhuốm bụi trần.

Lịch sử Việt Nam cũng từng có Vạn Hạnh thiền sư dựng nền nhà Lý, từng có Khuông Việt quốc sư phò trợ vua Đinh, từng có Phật hoàng Nhân Tông từ bỏ ngai vàng để sáng lập thiền phái Trúc Lâm. Còn trong tiểu thuyết Vương Triều Tiền Lý, hình tượng ấy cũng hiện hữu – một lớp thiền sư không chỉ nương mình vào núi xanh, mà còn bước vào dòng xoáy lịch sử để nương lực cho vận mệnh giang sơn. Đây chính là tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian pháp” (Buddhadharma is not separate from worldly law).

Vậy nên, không có gì lạ khi chùa Dã Năng trong tiểu thuyết không chỉ là nơi tu hành mà còn là nơi tụ nghĩa, là nơi tướng sĩ dừng chân trước khi ra trận, là nơi quân vương tìm đến để vấn kế thiền sư. Khi Lý Thiên Bảo rút về động Dã Năng, điều đầu tiên ông làm không phải chiêu binh mãi mã, mà là dựng chùa. Bởi ông hiểu rằng, chỉ có đạo pháp mới tạo được lòng tin, chỉ có lòng tin mới làm nên sức mạnh trường tồn. Một vương triều có thể đoạt được nhờ gươm đao, nhưng nếu không có trụ cột tinh thần, thì tất cả chỉ là lâu đài dựng trên cát, một cơn sóng lớn sẽ cuốn đi tất cả.

 Trong Vương Triều Tiền Lý, chùa Cổ Pháp, không chỉ là nơi cầu an, mà còn là nơi nuôi dưỡng niềm tin và tinh thần đoàn kết. Khi thiên tai, giặc giã bủa vây, dân chúng tìm đến chốn thiền môn không chỉ để dâng hương cúng Phật mà còn để lắng nghe các thiền sư giảng giải về nhân quả, nghiệp báo, về lẽ hưng vong của thế gian. Chùa không chỉ là nơi trú ẩn của thân xác mà còn là bến đỗ cho những tâm hồn đang gặp bão giông, giúp họ hiểu rằng trong vòng luân hồi sinh diệt, cái mất đi không hẳn là điều vĩnh viễn, cái còn lại không hẳn mãi mãi trường tồn.

Tư tưởng Thắng nhi bất sát cũng là một minh chứng rõ nét cho tinh thần bao dung và hướng thiện. Trong Triệu Vương Phục Quốc, khi quân Vạn Xuân giành thắng lợi, họ không để những trận chiến nhuốm màu hận thù, không tàn sát triệt hạ, mà thay vào đó là chính sách khoan dung, chiêu an. Kẻ bại trận không bị tiêu diệt tận cùng, mà lại được giáo hóa, mở đường rút lui. “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo”, dù là áng văn sau này nhưng đó cũng chính là tinh thần Phật giáo đã vận hành và thấm sâu vào cách trị quốc của người xưa.

Trong mạch chảy niềm tin ấy, chi tiết thu thập xá lợi của Thuần Thành đại sư trong Lý Phật Tử Định Quốc đã khắc họa sâu sắc lòng tôn kính của dân chúng đối với bậc chân tu. Xá lợi là di vật còn sót lại sau hỏa thiêu, là biểu tượng của sự giác ngộ, của trí tuệ và thanh tịnh. Dân chúng thờ phụng xá lợi không chỉ để tỏ lòng thành kính mà còn để giữ gìn mạch nguồn tinh thần dân tộc. Tôn kính một bậc giác ngộ cũng chính là tôn kính con đường trí tuệ mà họ đã đi qua, là nuôi dưỡng hạt mầm của đạo lý bên trong chính tâm thức mình.

Tất cả đều cho thấy Phật giáo là nền tảng đạo đức, triết lý sống và là kim chỉ nam trị quốc an dân. Trong từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử, khi ánh đao đã tắt, khi khói lửa chiến tranh đã tan, thì chính những giá trị ấy mới là điều còn lại, bồi đắp nên sự trường tồn của dân tộc.

Với bốn tập: Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương Phục Quốc, Lý Đào Lang VươngLý Phật Tử Định Quốc, tác phẩm không chỉ dừng lại ở việc tái hiện các sự kiện lịch sử mà còn thể hiện chiều sâu tư tưởng, văn hóa và tâm linh của dân tộc Việt Nam. Thông qua cách xây dựng nhân vật và bối cảnh, tác giả đã cho thấy Phật giáo không đứng ngoài thế sự, mà hòa quyện vào từng quyết định của bậc minh quân, không chỉ trong thời đại Tiền Lý mà còn ảnh hưởng đến cả lịch sử dân tộc sau này. Hình ảnh các thiền sư quân sư, chùa chiền như trung tâm chính trị - văn hóa, vương quyền được đặt trong lăng kính của Tánh Không và Trung Đạo đã làm nên nét đặc trưng riêng của tiểu thuyết.

***

Giữa ánh chiều tà, hoàng hôn phủ xuống những mái chùa trầm mặc, tiếng chuông ngân dài vào cõi nhân gian như nghe thấy tiếng vọng của một thời đại. Một thời đại mà Phật giáo không chỉ là ánh sáng cho những người tìm đường giác ngộ, mà còn là ngọn đuốc dẫn lối cho những bậc quân vương nương theo chánh pháp trị quốc an dân, lấy ngọn lửa từ bi sưởi ấm vạn vật.

Bên dòng sông lịch sử, những vương triều đến rồi đi như mây trắng trôi ngang bầu trời vạn cổ. Ngày hôm nay, ta ngược dòng quá khứ, nhìn lại những bậc minh quân một thuở, những con người đã từng nắm trong tay vận mệnh giang sơn, rồi lại buông bỏ tất cả trong tịch lặng vô ngôn. Trong Vương Triều Tiền Lý, Phùng Văn Khai không chỉ viết về những trận chiến, những vinh quang hay bi kịch, mà còn viết về sự vận hành của nhân duyên, của vương quyền như huyễn ảnh.

Có lẽ, những bậc đế vương đã đi qua kiếp này như những người lữ hành ghé thăm quán trọ nhân gian, để rồi một ngày kia, bóng hoàng bào như sương mai tan vào nắng sớm. Khi quyền lực không còn, khi danh vọng chỉ là tàn tro của cơn gió lạnh, điều còn lại trong tâm thức họ là gì? Là ánh mắt tĩnh lặng nhìn về cõi vô biên, là tiếng chuông chùa ngân xa giữa trời chiều bảng lảng, hay chỉ là sự thấu triệt rằng hết thảy pháp hữu vi, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện? Và thế là, trong tịch lặng của dòng chảy nhân gian, câu trả lời nằm lại đâu đó, trên những trang sách chưa khép, trong ánh mắt người đọc đang lặng lẽ quán chiếu về một thời đã xa…

Xin tri ân tấm lòng của nhà văn Phùng Văn Khai, vì hết thảy những đêm dài giỏ lệ viết nên án văn trầm hùng cho dân tộc. Một tác phẩm mà khi lắng lòng quán chiếu sẽ thấy được trong đó bóng hình của tiền nhân, của thời cuộc, và của chính bản thân mình.

Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2025

Bài viết liên quan

Xem thêm
“Thu thức giấc” của Trịnh Bích Ngân - Mùa của những rung động
Bài đăng Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 4/2025
Xem thêm
Bây giờ tôi chỉ muốn nói: Cảm ơn!
Bài của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Các cuộc chiến trong lòng chiến tranh...
HOÀNG HÔN DÁT ĐỎ là cuốn tiểu thuyết của Nhà văn Tố Hoài do Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2016.
Xem thêm
Đặng Nguyệt Anh - Một hồn thơ không tĩnh vật
Bài của PGS.TS Hồ Thế Hà đăng tạp chí Sông Hương
Xem thêm
Mai Quỳnh Nam và một phía
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về thơ Mai Quỳnh Nam
Xem thêm
Một đêm trăng không dễ có ở trên đời!
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Một vọng âm quá khứ hào hùng nhưng lắm đau thương
Đọc “Hòa âm đêm”, Nxb Hội Nhà văn, 2024 của Trương Tuyết Mai
Xem thêm
Khám phá vương triều Tiền Lý qua tiểu thuyết lịch sử
Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai là người khá đa di năng. Từ lúc bước vào văn nghiệp, anh viết kí, truyện ngắn, làm thơ, cày báo… đều đặn, thuộc dạng “nhạc nào cũng nhảy được” và nhảy khá hay.
Xem thêm
Triệu hạt tâm hồn rót đầy biển tình yêu
Võ Thị Như Mai đọc PHẢI CHI MÂY TRẮNG KHÔNG NGANG NGÕ, Nguyễn Đức Quận, NXB Hội nhà văn, 2024.
Xem thêm
Tiểu luận Võ Quốc Việt: Vài cảm nhận về Cuộc thi Thơ 1-2-3
Cuộc thi Thơ 1-2-3 (The 1-2-3 Poetry Style/ Phannist Poetry) năm 2024 – 2025 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tác giả trong lẫn ngoài nước và đã công bố kết quả. Nhà lý luận phê bình, nhà thơ Võ Quốc Việt – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban Chung khảo đã có bài tiểu luận công phu, sâu sắc mang tính tổng kết về cuộc thi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Xem thêm
Đọc tập thơ Dọc đường máu của Vương Cường
Nguyên Hùng giới thiệu tập thơ mới của Tiến sĩ nhà thơ Vương Cường
Xem thêm
Vũ điệu tái sinh trong từng cơn đau
Bái viết về tập thơ “Nghiêng về phía nỗi đau” tập thơ của Trịnh Bích Ngân (NXB Hội Nhà văn, quý II, 2024)
Xem thêm
“Ai cũng có ngày xưa” của nhà thơ Trần Duy Hiển
Gió vẫn thổi suốt chiều dài trận mạc/ Người nhẹ nhàng nằm lại lúc vượt sông
Xem thêm
“Theo chồng về quê” của Mai Khoa – một bài thơ hay
Bởi yêu chồng từ lúc mới bén duyên/ Như tình biển yêu thuyền thương nhớ
Xem thêm
Trò Chuyện Với Thiên Thần – Những Tai Họa Thế Giới & Giấc mơ Việt Nam
Triết gia Hy Lạp Platon đã nói: “Thước đo của một con người là xem cách anh ta làm gì với quyền lực”. Thế nhưng, có rất nhiều người có quyền, vì lòng tham và ích kỷ cá nhân nên đã hủy hoại nhân cách và đất nước của họ (TCVTT/ Trương Văn Dân)
Xem thêm
Thi ca đương đại nhìn từ hệ hình nghệ thuật và chất suy tưởng của thơ
Sáng ngày 12.02.2025 tại Ninh Bình, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”. Dưới đây là tham luận của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Xem thêm
Tôi đọc bài thơ Đừng sợ một mình của thi sĩ Trần Mạnh Hảo
Trần Mạnh Hảo và thơ ông đã sớm là “tín ngưỡng” đẹp nhất trong lòng của những người yêu thơ, quý chữ nghĩa chân chính. Từ thời còn trên giảng đường đại học, tôi đã từng nghe thầy tôi đọc những câu thơ trong trường ca Đất nước hình tia chớp. Từ đó, tôi bắt đầu săn sóc sự học, sự đọc về thơ ông.
Xem thêm
Hoàng đế Quang Trung, danh tướng bách chiến bách thắng
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, hiếm có một anh hùng nào như Hoàng đế Quang Trung, xuất thân áo vải, cả đời chinh chiến, danh vang bốn biển, đánh giặc lập nước, tôn vinh văn hiến, khuyến học khuyến tài, những bậc quốc sĩ danh thần cảm phục uy danh mà theo về giúp rập. Đặc biệt, trong hai lần đại phá quân Xiêm La và quân Thanh, ông đã bằng vào tài năng quân sự thiên bẩm của mình, đánh cho lũ giặc phía Nam, phía Bắc phải kinh hồn táng đởm. Ông từng hào sảng tuyên ngôn trong Chiếu xuất quân khích lệ tướng sĩ khi hành binh ra Bắc Hà đánh tan 29 vạn quân Thanh
Xem thêm