- Chân dung & Phỏng vấn
- Một gương mặt khác của nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Một gương mặt khác của nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Sáng 6 tháng 12 năm 2023, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả giải thưởng Hồ Chí Minh. Đã có nhiều tham luận và phát biểu trong sự kiện ý nghĩa này. Sau đây Văn chương TP. Hồ Chí Minh xin giới thiệu bài tham luận của nhà văn Trầm Hương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng ra đi, để lại một gánh sách trĩu nặng cho nhân gian, Tác phẩm văn xuôi của ông gồm Con chim vàng, Người quê hương, Nhật ký người ở lại, Đất lửa, Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạch, Cái áo thằng hình rơm, Mùa gió chướng, Người con đi xa, Dòng sông thơ ấu, Bàn thờ tổ của một cô đào, Tôi thích làm vua, 25 truyện ngắn, Paris - tiếng hát Trịnh Công Sơn, Con mèo của Foujita, Nhà văn về làng…. Ông còn để lại những kịch bản phim điện ảnh - truyền hình: Cánh đồng hoang, Pho tượng, Cho đến bao giờ, Mùa nước nổi, Dòng sông hát, Câu nói dối đầu tiên, Thời thơ ấu, Giữa dòng, Như một huyền thoại, Con khỉ mồ côi và mới nhất là 30 tập phim truyền hình Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt…
Từ trái qua: Nhà thơ Hoài Vũ, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Trần Đình Vân, nhà thơ Giang Nam, nhà thơ Chim Trắng ở rừng miền Đông, trong kháng chiến chống Mỹ.
Tác giả bài viết cùng nhà văn Nguyễn Quang Sáng năm 2003, khi thực hiện Bộ phim tài liệu “Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp” do TFS sản xuất
Nhà văn Trầm Hương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh đọc tham luận.
Về Sài Gòn từ năm 1990, tôi sớm biết đến với Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh - thời ông làm chủ tịch hội. Tôi biết ông là nhà văn bước ra từ hai cuộc kháng chiến nhưng điều kỳ lạ ông ít nhắc đến chiến tranh trong những câu chuyện phím. Ông trái hẳn với vẻ đạo mạo, nghiêm chỉnh, thoáng chút lành lạnh, chừng mực của nhà văn Anh Đức. Ông không ngần ngại bộc bạch mình thích uống rượu Tây, thích chơi bóng bàn, thích chơi với những nhạc sĩ, họa sĩ tài hoa… Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Nguyễn Trung là những người bạn ông hay nhắc đến. Là chủ tịch Hội Nhà văn nhưng khi trò chuyện với những người viết trẻ như tôi thời ấy, ông ít nói đến chuyện văn chương mà chỉ nói chuyện đời. Ông không phủ nhận mình không chỉ thích rượu ngon mà thích cả gái đẹp. Ông tỏ ra chân thật, không ngần ngại bị đám trẻ đánh giá mình “thoái hóa”, “chuyển màu” trong đời sống giữa Sài Gòn phồn hoa. Gặp ông, trò chuyện cùng ông thấy thoải mái, vui vẻ vì ông ngoài kiến văn rộng rãi còn rất hài hước, kể chuyện rất có duyên. Biết tôi người Bến Tre, ông hóm hĩnh ngắm nghía: “Chà, quê Đồng Khởi mà tóc dài, mềm mại dữ ha. Tên gì? Trầm Hương hả? Tên này nghe nhẹ hều, không đồng khởi chút nào. Anh có mấy người bạn Bến Tre thời kháng chiến, tên kêu lắm nha, đàn ông thì lấy bí danh Kiên Quyết, Chiến Thắng, Quyết Tâm… Đàn bà thì Kiên Định, Oanh Liệt, Kiên Trung…”. Tôi nhớ lần đầu tiên gặp ông ở Hội Nhà văn, ông độp ngay: “Đản bà đẹp mà viết văn là cực lắm nghen. Chịu đòn nổi không? Muốn sống yên thì kiếm ông chồng giàu, chớ viết văn ba cọc ba đồng biết bao giờ mua được nhà!”. Dẫu chạnh lòng nhưng tôi rất biết ơn lời khuyên nửa đùa nửa thật rất chân thành của ông. Ông cũng không ngần ngại bộc bạch: “Tiền viết lách tao kiếm được là để nuôi con thôi”. Thời ấy, con trai út của ông là đạo diễn Quang Dũng hiện giờ còn bé xíu. Dẫu tỏ ra chịu chơi, phóng khoáng trước mặt em út nhưng ông rất nghiêm túc trong vai trò một người chồng, người cha. Tôi từng chứng kiến anh em Dũng lớn lên trong đôi tay chăm chút của người cha. Ông rất nghiêm chỉnh thực thiện thời khóa biểu đưa đón con đi học, đi tập thể thao, học nhạc… Cuộc đời xoay vàn, khi biết tôi học chung khoa đạo diễn điện ảnh - Trường Nghệ thuật cùng với Dũng, ông tỏ ra kinh ngạc và không ngần ngại tin tưởng vào khả năng con trai. Ông rất lạc quan, tin Dũng thành công. Ông rất thích bù khú, rôm rả trong những tiệc vui nhưng biết chia tay đúng lúc với lịch họp và lịch đưa đón con của mình. Vui mà không quên nghĩa vụ, không sa đà ở thành phố phồn hoa, tiệc lớn tiệc nhỏ triền miên theo tôi nghĩ là một bản lĩnh của một quan văn, một nhà văn! Tôi gặp một số đồng chí, đồng nghiệp của ông trong chiến tranh trở về thành phố. Nhắc đến ông, nhiều người cảm thán kêu lên: “Ông Sáng rất khôn”.
Thời gian trôi đi, đúng như kỳ vọng của ông, Nguyện Quang Dũng trở thành một đạo diễn nổi tiếng. Nếu còn sống, tôi tin ông rất vui. Ông ra đi thấm thoát đã 10 năm, gần một thế hệ lớn lên, thay thế lớp người đi trước. Bụi thời gian khuất lấp đi nhiều thứ. Thật tình cờ, một ngày đến nhà cựu diễn diên múa Phi Yến ở An Phú Đông dự buổi tưởng niệm những văn nghệ sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến, tôi nhìn thấy và không rời mắt quyển sách “Văn nghệ - một thời để nhớ” do nhà thơ Bảo Định Giang sưu tập và biên soạn, được xuất bản từ năm 1996 (Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh”. Quyển sách là tập hợp những lá thư của những văn nghệ sĩ tên tuổi lẫn những chiến sĩ thầm lặng từ chiến trường gởi về Tiểu ban văn nghệ miền Nam trên đất Bắc. Tôi say mê đọc và dừng lại rất lâu những lá thư của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, thật thú vị và cảm động khi phát hiện ra nhiều ẩn số làm nên giá trị bền vững những tác phẩm ông viết trong thời chiến tranh và sức hấp dẫn những tác phẩm ông viết trong thời bình. Những lá thư từ chiến trường như còn vương mùi khói súng, ố màu thời gian cho tôi nhìn thấy một gương mặt khác của nhà văn Nguyễn Quang Sáng…
“Ngày 9/6/66
Kính gởi các anh Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông và anh Tế Hanh.
Các anh kính mến!
Sau 2 tháng 20 ngày thì tôi về đến nơi. Tôi đến nơi đã hai tuấn rồi. Trên đường đi tôi bị ba đợt sốt, phải nằm lại trạm và đi sau. Cho đến nay an hem vẫn chưa về đủ. Đoạn đường đi rất gian khổ, có thể nói là không lường được. Tuy vậy cuối cùng rồi mọi người cũng đến nơi thôi. Trên đường nhờ cao hổ cốt của anh Nguyễn Tuân mua hộ, bệnh thấp khớp của tôi không bị tái phát. Vừa về đến nơi ngày trước ngày sau hai chân mới sung lên. Thật là may. Những lúc gian nan là những lúc tôi rất nhớ các anh, rất nhớ miền Nam những lúc ấy đầu óc luôn luôn nghĩ đến những chuyện sắp viết nhờ thế mới có thể đi nổi. Có mấy lần, tôi tưởng không còn sức để đi nữa và phải quay trở lại. Bây giờ thì thấy: tôi đi được thì tất cả anh em mình đều đi được. Sức chịu đựng của mình mạnh hơn gian khổ và sự thiếu thốn rất nhiều. Không ngờ anh Vương Linh lại đi yếu hơn tôi, may mà ảnh đi gần. Hôm nay chắc ảnh đã yên bề rồi.
Trên đường đi thấy yêu quý miền Bắc gấp trăm nghìn lần hơn còn ở ngoài ấy. Có lúc tôi nghĩ nếu bất thần mà quay về miền Bắc tôi sẽ sống khác đi nhiều lắm, sẽ không bao giờ bỏ phí thời gian.
Về trong này, gặp lại rất nhiều anh em quen, ngành nào cũng có. Anh em hỏi thăm các anh rất nhiều hỏi rất tỉ mỉ.
Về đây mới thấy rõ hơn, nếu không đi thì thật là đáng tiếc. Cuộc sống chiến đấu ở trpng này dữ dội quá. Mới nghe tưởng như vô lý, tưởng như nói phét, nhưng tất cả đều là sự thật. Sự thật lớn hơn sự tưởng tượng rất nhiều. Có lẽ đó là điều làm cho tôi cảm thấy khó viết cũng nên.
Các anh thân mến! Lúc còn trên đường đi, tôi nghĩ: đến nơi sẽ viết gửi các anh lá thư dài lắm, ít nhất là 20 - 30 trang. Bây giờ tôi cũng vẫn nghĩ thế, muốn báo cáo với các anh thật tỉ mỉ, nhưng giờ hiện thời tôi đang sốt. Ở đây bệnh sốt rét là bệnh bình thường mà hầu như người nào cũng mắc phải ít nhất là đôi ba lần.
Sau chỉnh huấn tôi sẽ đi thực tế. Ở đây đã đi thì đi rất lâu, 6 tháng hoặc một năm. Chỗ ngồi sáng tác ở đây hình như yên tĩnh hơn nhà sáng tác của mình ngoài ấy.
Chúc các anh mạnh khỏe và sáng tác được nhiều.
Nguyễn Quang Sáng”
“Ngày 9 - 6 – 66
Kính gởi anh Nguyễn Đình Thi, anh Tô Hoài và anh Hoàng Trung Thông!
Các anh kính mến!
Tôi đã về đến Tháp Mười lâu nay chưa viết thư gởi các anh vì tôi bị ốm. Vả lại chưa viết được gì mà báo bệnh với các anh, tôi không muốn, sợ các anh lo. Tôi lại bị thấp khớp, chả hiểu bị biến chứng thế nào mắt bị mờ.
Xin gởi đến các anh một truyện ngắn, một mẩu “Ngườu thật việc thật” và một cái ký về anh Nguyễn Văn Bé.
Tôi đang chuẩn bị môt trại viết cho Tháp Mười. Nói là trại nhưng đơn giản thôi các anh ạ. Không có lý luận gì nhiều, tôi không làm được chuyện đó, vả lại ở đây cũng không có hoàn cảnh. Mời một số anh em viết ở địa phương về, giới thiệu một số truyện ngắn, bút ký cho anh em đọc rút kinh nghiệm. Sau đó an hem ngồi viết. Tôi sẽ đọc lại từng bài, gợi ý để anh em sửa. Cũng như ở ngoài ấy, tôi là biên tập viên cho báo vậy. Tôi đã về đến cái vùng “đất lửa” của tôi. Đất lửa nằm trong trận lụt. Chỉ thấy nước và trời thôi. Tôi tiếp tục đi để viết bút ký về lụt, lụt năm nay to lắm.
Tôi đang đọc tạp chí văn học số 8 đọc ngấu nghiến cái bài trao đổi của anh về thể ký. Tôi cũng thấy quảng cáo “Câu chuyện bên trận địa pháo” của tôi. Thật là an ủi, chỉ tiếc là không thấy được sách.
Chưa đầy một năm mà tôi cảm thấy hiểu được nhiều quá và đồng thời cũng thấy thiếu nhiều quá. Tôi không khỏe nhưng hết sức cố gắng.
Xin chúc các anh mạnh khỏe và viết nhiều.
Xin chúc các anh mạnh khỏe và viết nhiều. Cho tôi gởi lời thăm tất cả anh chị em trong hội. À, có một điều quên báo với các anh là ở trong này cho tôi để tên cũ, Mai Lộc cũng vậy.
Lúc ở miền Bắc hết sức nhở miền Nam, về miền Nam lại hết sức nhớ miền Bắc.
Nguyễn Quang Sáng”
“Ngày 5/11/67
Anh Bảo Định Giang thân mến!
Tôi ở Tháp Mười trở về cơ quan đã được ba tháng rồi. Bị mất một tháng đi nằm bệnh viện vì bệnh thấp khớp. Sức khỏe của tôi nay đã khá hơn lúc còn ở Thánh Mười, sức làm việc vẫn bình thường. Có cái vui là còn thấy cái để viết để phục vụ.
Tôi có nghe nói báo Văn nghệ lai rai có đăng một vài cái, nhưng trong này tôi không nhận được một tờ văn nghệ nào cả. Không có cũng chẳng sao nhưng nếu có thì cũng vui phấn khởi. Có lẽ báo đã gởi cho em tôi. Nếu được gởi cho em tôi một tờ, rồi trừ nhuận bút. Tôi đã nhận được ba quyển Nguyễn Văn Bé do anh gửi theo thư của anh, rất cám ơn anh. Có nhiều chuyện muốn nói với anh lắm, nhưng thư không thể nào nói hết được vì vậy mà tôi cứ ém lại. Tất cả những điều đó tôi muốn giành cho lúc gặp lại. Hôm nay tôi gởi thêm một cái truyện ký “Đồi nước đêm” chin mươi bảy trang. Các anh xem trước khi đăng báo hoặc in, đề nghị anh giới thiệu cho đọc trên đài để địa phương nghe được. Báo và sách địa phương khó có lắm. Tôi đang tiếp tục viết truyện ngắn và đang làm thường trực báo. Tôi có gặp lại ông già, ông già yếu và nghèo lắm. Gia đình thì mỗi người một nơi. Nói chung thì phấn khởi. Còn anh? Nghe anh bệnh nhiều tôi lo. Chắc anh cũng nên có một đợt “đại tu” sức khỏe đi. Bây giờ tôi thấy một cách khá sâu sắc sức khỏe không thể thiếu được. Sức khỏe làm trở ngại cho việc đi đứng và xông xáo của tôi quá. Sâm anh gởi cho tôi chưa nhận được. Trong chuyến đi Tháp Mười tôi gặp lại rất nhiều người quen với anh, hỏi thăm anh nhiều lắm, nhưng anh đổi tên họ biết rồi. Năm Quế - Mỹ Tho nhắc anh nhiều. Vậy là đã gần hai năm rồi Mỗi chuyến đi có rất nhiều điều cần phải nghĩ lại, Nhờ chuyến đi mà thấy thêm được nhiều thứ và cũng chỉ mình thấy.
Anh Bảo Định Giang thân mến!
Hôm rồi anh Phổ có gởi ra cho anh truyện ký “Đồi nước đêm” của tôi và cả thư của tôi. Khi anh Phổ mang đi rồi hoàn cảnh hơi vội, tôi lại thấy chưa muốn gửi vì chưa hài lòng và còn muốn sửa lại. Tôi gửi thư cho anh Phổ bảo ngưng lại, nhưng thư ấy lạc mất. “Đồi nước đêm” tôi phá ra viết thành truyện ngắn nhỏ. Tôi thấy như vậy tốt hơn. Tôi vừa sửa xong hai truyện ngắn sẽ tiếp tục gởi thêm còn “Đồi nước đêm”anh đừng đưa ra, theo tôi đừng nên dùng bản đó. Nếu được, anh đưa cho Thủy cất giùm tôi, bảo nó cất kỹ tôi coi đó là bản ghi chép tài liệu. Hoàn cảnh trong này có lúc lật đật như vậy, mong anh em thông cảm.
Về vấn đề này tôi mong anh hoặc anh em Tiểu ban trả lời cho tôi được biết. Hai truyện ngắn này “Nàng SaRết”, “Ông lão người Khơme” nếu được anh cho in chung với tập truyện ngắn của tôi mà anh đã nói. Trước đây cùng một số truyện ngắn gửi ra có truyện “Nuôi con”, chẳng biết có tới không mà không nghe gì. Đây là cái truyện ngắn tôi thích. Lần này xin gởi anh lại và sửa tên là “Người đàn bà Tháp Mười”. Nếu có in thành tập truyện ngắn xin để cho cái tên là “Người đàn bà Tháp Mười”. Những truyện ngắn gửi ra như vậy là gồm có:
1- Người đàn bà Tháp Mười
2- Đứa con nuôi
3- Câu chuyện của anh Bảy Ngàn (tức là một chuyện vui)
4- Chị xã đội trưởng
5- Quán rượu người câm
6- Nàng SaRết
7- Ông lão người Khơme
Về ký ngoài Nguyễn Văn Bé có ba cái:
- Trận đánh Trần Thị Gấm
- Chung anh chuyện anh Nguyễn Văn Bé
- Đất và nước
Tôi đã gặp anh Ngọc Truyền và đã nhận sâm, sau đừng gửi nữa anh Bảy ạ. Sức khỏe tôi dạo này đã khá hơn trước.
Tôi đang chuẩn bị làm báo và chuẩn bị viết một cái công phu hơn. Hỏi thăm anh Truyền biết được tin các anh, tôi rất mừng. Chúc anh mạnh khỏe thăm chị và các cháu. Gửi lời thăm chị Bội lan. Các anh chị em trong Tiểu ban. Hẹn ngày gặp lại
Thân mến
Nguyễn Quang Sáng”
Lá thư trên là dữ liệu quý về lao động nhà văn, tâm huyết, trăn trở, cầu thị trong sáng tạo tác phẩm, dù trong điều kiện gian khổ, hiểm nguy, ác liệt ở chiến trường miến Nam. Dữ liệu trong bức thư ấy cũng chứa đựng tình cảm, sự trân quý, chắt chiu tác phẩm của lãnh đạo văn nghệ hậu phương miền Bắc. Nhờ sự trân quý, chắt chiu ấy mà hậu thế chúng tôi có được những tác phẩm của nhà văn viết trong thời đạn bom, máu lửa nóng hổi hơi thở cuộc chiến đấu sống còn. Những lá thư chở bao nỗi niềm, chuyện sức khỏe, cả tình riêng…
“Ngày 20/8/68
Anh Bảo Định Giang thân mến!
Vừa rồi trong lúc vội tôi có viết cho anh một lá thư ngắn. Sau đó nhận được thư của vợ anh Mai Lộc, tôi được biết Thủy nghe tin về tôi sao đó, nên nó khóc. Chắc là tin đồn. Có gì đâu. Sau một chuyến đi tôi vẫn bình yên. Chuyến đi vào Sài Gòn hôm tết, trên đường gặp phải một “trận tao ngộ chiến”, trong này thường gọi là bị trực thăng chụp. Anh Mai Lộc đi trước một ngày nên chẳng sao. Còn chúng tôi bị thất lạc mất một đêm. Hôm sao tôi giả làm dân “làm ăn” đi nhờ một chuyến xuồng đuôi tôm của các bà các chị, đi dưới sự kiểm soát hợp pháp của trực thăng, sau đó tôi gặp lại Mai Lộc tại Sài Gòn Chợ Lớn. Rồi đâu lại vào đó. Sau đó trong suốt trận đánh, anh Mai Lộc đi lạc, tôi lại đi trước. Rồi vài ngày sau tôi và ảnh lại gặp nhau. Một chuyến đi có rất nhiều chuyện lý thú.
Đã lâu được anh báo tin đang in của tôi một t6a5p truyện ngắn. Chờ đợi lắm. Sao mà lâu quá vậy. Nếu in rồi gởi cho tôi vài quyển
Tôi đang chuẩn bị viết một cái ký về chuyến đi ấy. Nghe nói là anh sẽ gặp bọn này, chờ mãi sao không thấy. Lúc này mà gặp nhau chắc chắn có rất nhiều chuyện hay.
Thư không nói được gì nhiều đâu anh bảy. Vắn tắt mấy hàng chúc anh mạnh khỏe, chúc chị và các cháu mạnh khỏe. Xin gởi lời thăm tất cả anh chị
Thân mến
Nguyễn Quang Sáng”
Mỗi lá thư của nhà văn gởi từ chiến trường ra hậu phương miền Bắc không chỉ là dữ liệu quý về cuộc kháng chiến ở miền Nam, ở nội đô Sài Gòn mà còn là tâm thế của một thời, chất liệu sáng tác cho người viết thư lẫn người đọc thư, bởi có quá nhiều chuyện vi tế, rất đời thường của con người... Giờ đây đọc lại những lá thư ấy, tôi cảm nhận như một đề cương của một tiểu thuyết đậm chất sử thi, bi tráng chưa được viết ra…
“Ngày 22/11/68
Anh Bảo Định Giang
Tôi đi công tác ở một sư đoàn trở về thì anh Tư Siêng đưa cho đọc thư của anh. Anh Tư Siêng có bảo tôi viết thư nhờ anh giúp cho một việc. Trong những ngày gần đây, tôi bị một cái bệnh kỳ quá, chưa rõ chỉ biết là tóc rụng nhiều quá, không phải là hiện tượng của tuổi già mà bệnh. Rụng trống một lỗ to. Nếu với cái đà này thì rụng hết mất. Các anh khuyên tôi đi chữa, nhưng thời buổi này, tôi chưa muốn, chắc anh hiểu. Cần đi cần viết để phục vụ. Vả lại ở đây chắc không chữa được. Anh Bích Lâm nói bác Ba Thi trước có bị như vậy và đã được bác sĩ Hiếu chữa. Anh Bích Lâm bảo nhờ anh hỏi giùm, may ra xin được thuốc ấy.
Lâu nay thư gởi cho Thủy tôi đều nói là tôi mạnh khỏe. Thật ra thì tôi không muốn nói điều gì cho nó phải lo, phải buồn. Cũng như trong gia đình tôi cũng có chuyện buồn có thể nói là tan nát. Phần tôi tất cả những gì không may ấy tôi đều nín lại. Còn đối với Thủy nếu nói nó chẳng giải quyết được gì mà chỉ thêm buồn thêm khổ thôi. So với cuộc kháng chiến 9 năm lần trước bây giờ những tiếng “yêu nước” “Tổ quốc” “Chủ nghĩa xã hội” tôi hiểu sâu sắc hơn nhiều.
Tôi không được khỏe lắm, yếu hơn lúc còn ở ngoài ấy. Nhưng đứng trước cuộc chiến đấu này, tôi không muốn để phí một cái gì. Cũng như việc vợ con tôi cũng ít nghĩ tới, mặc sù đã lớn rồi. Em tôi nó sốt ruột hơn cả tôi. Cuộc sống ở đây không thể nào viết thư mà nói hết được.
Vài ba hôm nữa tôi sẽ lại đi. Và sẽ gửi bài ra. Chúc anh chị và các cháu mạnh khỏe. Cho tôi gởi lời thăm các anh chị quen biết.
Mong thư anh
Nguyễn Quang Sáng”
Mức độ ác liệt chiến trường miền nam ngày càng ác liệt, sau Mậu Thân 1968. Những tổn thất hy sinh dồn dập. Dữ liệu những lá thư thời này đẫm máu và nước mắt đồng đội. Và cũng chưa bao giờ tôi nhìn thấy Nguyễn Quang Sáng trong trong tư cách một nhà văn tự tin, bản lĩnh đến thế…
"1/1969
Anh Bảo Định Giang thân mến!
Hôm nay tôi đang nằm bệnh viện và hôm nay là ngày chủ nhật.
Tôi có đọc thư của anh gửi cho anh Tư Siêng, tôi có đọc đến đoạn anh nhắc đến cái chết của Hoàng Việt. Tôi xúc động nhiều khi đọc đến đoạn đó, và hình dung thấy anh. Gầy yếu hơn trước qua tấm ảnh tôi được xem mới đây, đang ngồi viết trong đêm. Như anh đã nói. Tôi nhớ và muốn viết về sự hy sinh của họa sĩ Hoàng Anh để báo với anh. Thương quá! Hôm ấy tôi cùng Hoàng Anh trốn cùng một chỗ, có nhiều người. Một loạt đạn chỉ trúng có Hoàng Anh lúc đó vào hồi 8 giờ 30 sáng. Đến 3 giờ chiều Hoàng Anh mới hy sinh. Qua ngày sau đơn vị đã vào sâu Sài Gòn, tôi bị lạc nên còn ở lại. Trước khi đi tìm đơn vị, tôi có chỉ chỗ chôn cất Hoàng Anh để sau này dễ tìm. Tôi không muốn viết cho các anh những gì mà tôi bị xúc động. Nếu viết những điều đó thì nhiều quá.
Tôi đang định viết thêm một vài truyện ngắn, chuyện từ tổng công kích, tổng khởi nghĩa đã xảy ra chung quanh Sài Gòn, để có thể có thêm một tập truyện ngắn.
Ngay bây giờ tôi cảm thấy có một điều an ủi là: vốn sống không cảm thấy bị cạn như một vài năm trước khi đi. Tôi tự tin là đến một lúc nào đó có điều kiện ngẫm nghĩ sẽ viết được một cái gì đó công phu hơn và sâu hơn. Và chuyện đó là chuyện xảy ra ở Tháp Mười. Cái phần đó tôi đang tích cực chuẩn bị bây giờ thì tôi viết ngắn.
Thân mến
Nguyễn Quang Sáng”
Ông may mắn được sống, trở về sau chiến tranh, làm Chủ tịch Hội Nhà văn nhiều nhiệm kỳ. Chứng thấp khớp thời đi chiến trường không còn, tóc không còn rụng, mọc xanh trở lại. Sức khỏe hồi phục, cuộc sống viên mãn để viết thêm Dòng sông thơ ấu, Bàn thờ tổ của một cô đào, Tôi thích làm vua, 25 truyện ngắn, Paris - tiếng hát Trịnh Công Sơn, Con mèo của Foujita, Nhà văn về làng…. Hòa bình mới có điều kiện để ông viết những kịch bản phim để đời: Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng… Nhưng trong thẳm sâu, tôi biết ông có những ngậm ngùi, day dứt vì những quyển sách ấp ủ từ thời chiến tranh ác liệt viết về đồng đội như Hoàng Việt, Lê Anh Xuân, Hoàng Anh vẫn chưa kịp viết ra. Ông mang xuống đáy mồ những quyển sách hay nhất của mình, cùng những điều bí mật.
Mười năm ông đi xa, đọc lại những lá thư ông viết từ chiến trường miền Nam thì tôi hiểu cội nguồn sức mạnh làm nên những tác phẩm để lại dấu ấn cho cuộc đời của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 153, ngày 5/12/2024.