- Truyện
- Hương của hoa || Truyện ngắn Trần Hương Giang
Hương của hoa || Truyện ngắn Trần Hương Giang
Ngày ba tôi ra nước ngoài bỏ lại mẹ và ba chị em tôi trong căn nhà nhỏ, mẹ tôi đã khóc lóc suốt mấy hôm đến lả người. Ngày trước ba tôi đi làm nuôi cả nhà. Mẹ tôi lo chăm sóc chị em tôi, làm vợ hiền của ba tôi và làm tất cả những gì mà ba tôi giao phó.
Trước thực tại một mình ôm ba đứa con, vì sự sinh tồn của cả gia đình này mẹ tôi phải phóng mình ra giữa chợ đời bươn chải kiếm sống. Vậy là bữa đói bữa no, chị em tôi cũng gắng sống lấp lửng qua ngày.
Mỗi đêm ngồi nhìn chúng tôi ngồi học bài, mẹ thường âu yếm bảo:
- Mẹ cực khổ bao nhiêu cũng được miễn sao các con vui khoẻ lo học hành là mẹ vui rồi. Gắng học đi, cái khó chỉ ở nhất thời với chúng ta. Còn cái chữ, cái kiến thức sẽ đi cùng ta suốt cuộc đời.
Nghe lời mẹ dạy, chị em tôi cùng có quyết tâm học cho giỏi dù có ngày chúng tôi chỉ ăn hai bữa đơn sơ. Áo quần một đứa chỉ có vỏn vẹn ba bộ, một bộ đẹp và hai bộ cũ. Nếp sống gia đình tôi cũng khá tốt dù nghèo khó.
Tác giả Trần Hương Giang
***
Sơn là người đã thương tôi hơn nữa năm rồi nhưng tôi cố giả lờ không quan tâm chỉ muốn là bạn của anh thôi vì sự cách biệt thân thế giữa anh và tôi quá lớn: Sơn là con của một cán bộ giám đốc ngân hàng, còn tôi là con của một sỹ quan của chế độ Sài Gòn cũ đã bay sang Mỹ sau 75. Mẹ con chúng tôi cũng sắp sửa đi sang Mỹ theo diện HO.
Sơn thường đến nhà tôi vào buổi chiều sau khi tan học. Sơn báo cho tôi hay:
- Hai tháng nữa Sơn thi tốt nghiệp.
- Còn Ngọc không biết có thi vào đại học được không? Ngọc vẫn học dù không hy vọng gì.
Thấy tôi buồn Sơn an ủi:
- Biết đâu ngày mai khác đi, cứ hy vọng cho phấn chấn, nghĩ làm chi nhiều những gì chưa tới.
- Có lẽ Ngọc sẽ đi làm thêm để giúp gia đình, hồi này mẹ Ngọc hay đau quá.
- Sơn nghĩ chị em Ngọc nên nhận chổi đót về làm gia công. Chú của Sơn làm chủ nhiệm hợp tác xã chổi đót đó, để Sơn giới thiệu cho Ngọc nhận hàng nhé.
Tôi mừng rỡ vỗ tay reo:
- Cám ơn Sơn nhiều lắm!
Từ ngày tôi nhận đựoc hàng về làm, mẹ tôi cũng đỡ vất vả. Đứa nào cũng siêng làm, cuối tháng lãnh cũng khá tiền đưa cho mẹ trang trải. Cả xóm ai cũng nghĩ Sơn bồ của tôi. Dì Hải chọc tôi:
- Con cặp được với thằng Sơn là vói quá cao rồi đó nghe, coi chừng trợt chân gãy cổ như chơi!
Tôi lắc đầu lia lịa:
- Có đâu dì ơi, tụi con chỉ là bạn thôi mà!
Dì bĩu môi:
- Bạn nào mà trồng cây si đến thế, hình như ngày nào không gặp mặt con là nó không chịu nổi vậy đó.
- Con đâu dám trèo cao hả dì.
- Xem ra không dễ đâu đó, nên tránh đi là vừa.
- Con nói rồi, tụi con chỉ là bạn thôi mà.
Tôi cố xua đi những ý nghĩ về Sơn và tôi muốn được làm bạn với nhau mãi, chỉ có cách đó tôi mới không mất Sơn.
Hôm đến nhận tiền công cuối tháng, gặp chú Thắng chủ nhiệm cứ nhìn tôi bằng đôi mắt châm chọc, chú hỏi:
- Con với thằng Sơn có chi không mà nghe nói tối nào nó cũng đến nhà con?
- Tụi con chỉ là bạn bè thôi chú ạ.
- Có cũng không sao, chú thoáng lắm con ạ. Chỉ sợ anh chị bên đó thôi. À này tụi con làm hàng đạt tiêu chuẩn khéo tay ghê.
- Làm không đẹp chú không cho tụi con nhận hàng nữa thì sao? Chú ạ, con và Sơn chỉ là bạn thôi đó.
- Nghe rồi. Thôi về làm đi, cuối năm chú thưởng cho.
Tôi cười tủm tỉm muốn trêu chú. Tôi muốn xoá đi trong chú và mọi người những ý nghĩ rằng tôi có tình cảm riêng tư gì với Sơn.
***
Ngày Sơn sắp rời Huế vào Sài Gòn làm tại chi nhánh ngân hàng, Sơn mới bạo dạn viết thư tỏ tình với tôi. “Ngọc ơi, hãy chờ Sơn nhé. Dù hoàn cảnh có ra sao đi nữa Sơn vẫn yêu Ngọc. Hãy an tâm lo làm lo học và sống thật tốt”. Tôi hôn lên lá thư như có thoang thoảng mùi nguyệt quế mà Sơn đã hái tặng nhân ngày sinh nhật của tôi. Tôi cười với nắng đang len qua ô cửa, ngoài song những nhành lá trúc đang đong đưa trước gió nhẹ bỗng đẹp hơn mọi khi. Tôi tạm quên di tất cả và lòng đang tràn ngập tình yêu.
Mọi thứ bỗng trở nên thừa thãi, sự cách biệt cơ bản của hai gia đình cả sự đàm tiếu của mọi người, tôi và Sơn dù không còn ở gần nhau nhưng thực sự đang dấn thân vào một cuộc tình vô định.
Rồi mùa mưa lại đến trên xứ sở nửa năm mưa lạnh này. Giữa tháng Chín trời bỗng nổi cơn mưa gió não nề suốt ngày đêm và cơn bão dữ dội bất ngờ kéo đến, kéo theo những mái ngói mái tôn theo cơn lốc, xô gãy đổ biết bao cây lớn cây nhỏ. Cả thành phố đổ nát hoang tàn. Căn nhà cũ kỹ tồi tàn của mẹ con tôi cũng không thoát khỏi, mái ngói đổ bể tan hoang chỉ còn biết hứng mưa giữa trời.
Nghe tin Huế vừa trải qua một cơn bão dữ dội, Sơn vội vã về thăm. Anh chưng hửng khi thấy nhà tôi chỉ còn trơ bốn bức tường, nhìn rồi sửng sốt:
- Sao Ngọc không sửa lại?
Tôi nói thành thật:
- Anh thấy đó làm không đủ ăn làm sao mà sửa nổi nhà?
Thấy tôi rơm rớm nước mắt anh khoác vai tôi an ủi:
- Hay anh cho em mượn tiền nhé, lúc nào em có sẽ trả lại anh, chịu không?
- Mượn tiền mà lúc nào em mới trả nổi anh? Tôi sửng sốt nhìn anh.
- Dễ lắm, cứ cuối tháng em giao hàng chỉ nhận chú anh một nửa tiền nửa còn lại để trả anh. Lâu ngày cũng xong nợ hà.
Sơn biết tính tôi không muốn lợi dụng ai nên bày cách như thế. Nghe cũng có lý tôi gật đầu. Biết bao giờ tôi mới trả được cái ân tình này dù tiền thì tôi sẽ tìm cách trả hết? Nhưng nếu tôi không nhận tiền Sơn giúp đỡ thì tôi biết làm sao với căn nhà hư nát này?
Ngày hôm sau Sơn kêu người đến lợp mái nhà cho tôi. Mẹ tôi lúc này đau nặng đang tá túc tại nhà cậu tôi. Khi căn nhà của tôi được che chắn đàng hoàng rồi Sơn sửa soạn vào Sài Gòn thì anh đưa mẹ đến thăm nhà tôi. Thấy bà tôi run cả người. Bà nhìn căn nhà rồi nhìn tôi thật lâu nói:
- Vậy là tụi con đã có nơi êm ấm rồi, cứ thế mà lo làm lo học. Sơn của bác là một đứa tốt bụng giàu lòng thương kẻ khó nên đã trải lòng với con như thế đó.
Bà đi quanh nhà một hồi rồi chào tôi ra về. Sơn nháy tôi cười cười tôi chẳng hiểu gì cả. Sáng mai Sơn đến từ biệt tôi cười tươi:
- Mẹ anh cũng nhân hậu lắm đó.
- Ngọc biết rồi.
Đưa Sơn ra cổng tôi thấy vui và nhìn anh như hứa hẹn một điều gì. Anh nắm chặt bàn tay tôi một hồi lâu rồi nói nhỏ “Bye em”.
***
Một năm trôi qua, tôi đã trả nợ hết cho Sơn, gia đình tôi vẫn sống đạm bạc với những gì trong tầm tay. Tôi đã thi rớt Đại học. Sợ anh bị liên luỵ với tôi nên tôi cũng tìm cách né tránh tình cảm với anh. Lá thư nào anh viết cho tôi cũng đầy nhớ thương còn tôi thì dửng dưng bảo rằng anh hãy quên tôi và hãy lo cho tương lai của chính mình. Tôi không phải người bội bạc nhưng đành làm người bội bạc. Tôi chỉ muốn hai đứa mãi mãi là bạn của nhau như xưa.
Rồi một ngày ba tôi gởi thư về cho mẹ con tôi, mẹ tôi lại khóc đến khan cả cổ. Hoá ra buồn khổ quá cũng khóc mà hạnh phúc quá cũng khóc. Từ đó ba thường gởi tiền về nuôi tụi tôi. Tôi dùng số tiền ba cho để mở cửa hàng mua bán quần áo, cuộc sống gia đình đã ổn. Ước mong ăn học của tụi tôi đã ngưng hẳn, giờ đây chỉ là tiền bạc và nhu cầu sống hàng ngày. Cứ thế chúng tôi sống cho qua ngày tháng.
Hai năm sau tôi nghe mẹ Sơn nói Sơn sắp cưới vợ Sài Gòn, một cô vợ giỏi con nhà tử tế. Tôi vui mừng chúc phúc cho họ. Bà niềm nở bảo “Con thật biết điều”. Bà đâu hiểu được tôi buồn lắm từ ngày thôi liên lạc với anh, càng buồn vô cùng khi hay tin anh cưới vợ. Nhưng nỗi buồn ấy chỉ mình tôi riêng mang, tôi quyết không bao giờ nói ra cho ai biết.
Ngày mẹ con tôi được ba tôi bảo lãnh sang Mỹ, tôi đã đem qua nhà gởi cho mẹ anh một gói đồ nhờ trao lại cho anh. Tôi nghĩ mình đã mang ơn anh không sao trả hết ân tình, chỉ gói quà này mới làm cho tôi khuây khoả. Tôi vào Sài Gòn trước khi đi nhưng quyết không tìm thăm anh, không muốn làm xao động cái hạnh phúc anh đang có. Tôi rời quê hương để đoàn tụ với cha nhưng không biết tại sao tôi lại khóc quá nhiều vào ngày hôm ấy.
***
Sau mười năm ở Mỹ tôi đã trở thành một bác sỹ chuyên khoa mắt. Em gái tôi tốt nghiệp khoa nghệ thuật còn em trai đang theo học ngành kinh doanh. Tôi có liên lạc với Sơn và biết anh đang là giám đốc Ngân hàng tại Sài gòn, có hai con trai. Tôi đã lấy chồng cùng là bác sỹ khoa nội người Việt và có một đứa con gái. Sơn vẫn nói đùa “Thôi mai mốt mình làm sui gia nghe”. “Ok, cha không được thì con hí” rồi hai đứa cười giòn.
Tôi tình nguyện cùng đoàn từ thiện về Việt Nam mổ mắt miễn phí cho bà con vào tháng Mười Một. Nơi đầu tiên chúng tôi đến là thành phố Huế. Không thể diễn tả hết nỗi xúc đông của tôi khi bước chân về đến Huế sau mười năm biền biệt. Tôi đã mặc cho nước mắt chảy ròng rã cùng với tiếng nấc tức tưởi. Huế của tôi đây, một thời nào sống trong nghèo khổ thiếu thốn, những mái nhà cũ kỹ rêu phong, những chiếc xe đạp không thể có được màu sơn mới, những bộ áo quần chỉ mặc cho có chứ không thể nào đẹp, những bữa ăn khiêm tốn cho vừa đủ no… Huế trong buồng tim tức tười của tôi với những rung động thẳm sâu, bây giờ bỗng sáng lên rực rỡ với những ngôi nhà mới cao tầng, những con đường bóng láng sạch sẽ, đủ các loại xe Honda lượn lờ trên đường phố, những cô cậu áo mới dập dìu… Tôi hoa cả mắt cứ tưởng mình đang mơ. “Vậy sao, Huế dấu yêu?”. Tôi lau vội dòng nước mắt hạnh phúc khi người bạn cùng đi bảo:
- Bạn sẽ về thăm nhà cũ chứ?
- Ừ tụi mình đã cho sửa lại đẹp hơn trước rồi. Cứ nhớ lại ngày đó cơn bão đã làm hư hại nó là mình lại nhớ người yêu cũ da diết.
- Anh ấy đang ở đâu, bạn có thăm anh ấy không?
- Mình sẽ đến thăm ba mẹ anh ấy và sẽ vào Sài Gòn thăm anh ấy luôn. Chuyến này bọn mình sẽ đến công tác cả ba thành phố đấy mà.
Bạn ôm vai tôi cười thân mật.
Chuyến khám mổ mắt này tôi gặp lại nhiều bà con đa phần là người lớn tuổi. Họ mừng rỡ vồn vã khi nhận ra tôi. Sau đó tôi về thăm xóm cũ, những gia đình nào còn nghèo vừa bị tai nạn trong trận lũ năm nay tôi đều tặng họ một số tiền để sửa sang lại nhà hư. Chuyện này đã nằm trong dự định của tôi khi còn ở bên ấy. Tôi đã dành dụm từ lâu chỉ chờ dịp trở về sẽ thực hiện ước mơ của mình. Tôi đến thăm ba mẹ Sơn. Hai ông bà vui mừng khi nghe tôi giới thiệu chính mình, nếu không họ cũng không nhận ra tôi. Bà ôm chầm lấy tôi:
- Ngọc đây hả quí hoá quá! Mời con ngồi chơi, trưa nay ở lại ăn cơm với nhà bác nhé.
- Dạ thưa, con còn bận lắm bác ạ. Con có ít quà tặng hai bác, mong hai bác nhận cho!
- Quà cáp làm chi con, hai bác có thiếu gì đâu.
- Dạ nhưng đây là tấm lòng của con.
Hai bác không thể tưởng được trong gói quà đó tôi đã mua những thứ biếu hai bác giá trị còn hơn số tiền năm nào Sơn đã cho tôi mượn để sửa nhà. Tôi có tặng bao nhiêu có làm gì đi nữa vẫn chưa xứng với những gì Sơn đã làm cho tôi trong những ngày khốn khó đó. Tôi còn nợ Sơn một mối tình. Ngày đó tôi đã chạy trốn vì sợ liên lụy đến anh. Ngày đó nếu tôi cứ ở như vậy để yêu anh và chúng tôi cứ chờ nhau thì có lẽ anh đã là của tôi. Tất cả đã thay đổi mà không ai ngờ. Nhưng thôi, số phận của đời người không bao giờ thoát ra khỏi số phận chung của đất nước. Tôi cố tìm lấy niềm vui khi không thể làm gì khác hơn.
Tôi nhìn lên bức ảnh gia đình Sơn, thấy anh cười tươi ánh mắt rực sáng, tôi mỉm cười lại. Gia đình này mãi mãi nằm trong niềm mơ ước của tôi mà tôi đã không với tới, để mất đi một thiên đàng. Tiễn tôi ra cửa mẹ Sơn bảo “Con đừng trách hai bác nghe con”. Tôi nhìn bác trìu mến: “Dạ không, con hiểu mà bác. Trong mắt con bác luôn là người phụ nữ nhân hậu bác luôn đẹp nhất”. Bác ôm chặt tay tôi rơm rớm nước mắt.
***
Ông giám đốc ngân hàng đứng phắt lên nhìn tôi sửng sốt:
- Ngọc! Em về khi nào vậy?
Tôi cười thành tiếng mà nước mắt lưng tròng:
- Ngạc nhiên chưa?
Hai đứa tôi nhìn nhau không chớp mắt, đang tìm trong nhau ánh mắt nồng nàn ngày xưa, đang dò xem có những đổi thay nào nơi mỗi đứa trong suốt ngần ấy thời gian cách xa. Tận đáy lòng tôi muốn lao tới ôm anh và hôn trên mặt anh một cái nhưng sao tôi không dám. Còn anh cứ nhìn tôi như muốn nuốt chửng lấy tôi.Tôi nghịch ngợm:
- Ông giám đốc có muốn chữa mắt không?
- Vậy là em về công tác đó hả. Anh đang bị mắc cườm đây, không biết mình có ở trong diện nghèo để được mổ mắt miễn phí không ta?
- Yên tâm, anh sẽ là bệnh nhân đặc biệt của riêng em.
- Trưa nay em đi ăn cơm với anh nghe. Anh có rất nhiều điều muốn hỏi em.
- Ok, em cũng có rất nhiều điều muốn nói với anh. Đặc biệt nhất là hợp đồng sau này làm sui gia đó.
- Hy vọng sau này lớn lên con chúng mình gặp mặt sẽ yêu nhau ngay như mình vậy đó.
Tôi trêu tiếp:
-Và hy vọng chúng không phải bỏ nhau ngơ ngác giữa chừng như chúng mình vậy đó!
Hai đứa cười ròn rã. Sơn vẫn chưa thôi nhìn đăm đắm vào mắt tôi. Tôi vẫn còn thấy sợ đôi mắt của anh như có một thoáng hương hoa nguyệt quế thoảng về và sợ cả hai sẽ đi lạc lối mà quên đường về.
THG