TIN TỨC
  • Thế giới sách
  • Một người cầm súng quả cảm - một người cầm bút tài năng

Một người cầm súng quả cảm - một người cầm bút tài năng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-10-27 20:37:05
mail facebook google pos stwis
468 lượt xem

Nhà báo, nhà văn HỒ QUANG LỢI
(Bài phát biểu tại Thư viện quân đội trong buổi giới thiệu 2 tập sách của Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu, 15/10/2024).

Phương ngôn có câu: “Mở cuốn sách ra thấy một con người”. Câu nói ấy thật đúng với Nguyễn Mạnh Đẩu, một chàng trai ra đi từ làng Đại Xá, nhập ngũ khi mới 16 tuổi, phải nhờ bạn khám hộ sức khoẻ và phải tăng 1 tuổi mới trúng tuyển. Để hôm nay, qua cuốn hồi ký “Những nẻo đường thời gian” và “Những vị tướng mà tôi từng được biết”, chúng ta có cơ hội được nghe anh kể về cuộc đời chiến trận gắn với những chiến trường ác liệt như Lào, Trị Thiên, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, Đồi Không tên, Suối La La…, về những vị tướng nổi danh, những trận đánh đã đi vào lịch sử chiến tranh oai hùng của dân tộc.


Bìa hai cuốn sách do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản năm 2024.

Đọc cuốn hồi ký “Những nẻo đường thời gian” của Nguyễn Mạnh Đẩu, chúng ta không chỉ biết cuộc đời của một con người mà còn thấy cả quê hương, đất nước và dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại. Có thể nói, tính chân thật, chân thật đến tận cùng đã làm nên giá trị và sức hấp dẫn của cuốn hồi ký này, đã chạm vào trái tim mỗi chúng ta.

Nhưng Nguyễn Mạnh Đẩu không chỉ chinh phục người đọc bằng sự chân thực, mà còn bằng tài văn. Anh viết hay. Những trang viết dù rất chân thực nhưng vẫn lấp lánh văn chương. Bản thân tôi cả đời chỉ làm một nghề - nghề cầm bút, nghề báo là chính, bây giờ thì vừa được gọi là nhà báo vừa được gọi là nhà văn nên hiểu được nghề cầm bút cay cực, lao tâm khổ tứ như thế nào. Đọc hồi ký của Nguyễn Mạnh Đẩu, có những trang tôi rưng rưng cảm động. Chẳng hạn như ở trang 102 anh viết về ngày giấu bố đi nhập ngũ, đến nơi giao quân nhìn những người khác có người thân tiễn, người ta mở gói xôi, thịt gà ăn cùng nhau, thấy anh ngồi buồn một mình, họ bẻ một nắm mời anh cùng ăn mà anh không thể nuốt được vì cảm thấy tủi thân; rồi việc anh bị thương, phổi đầy mủ không thở được, được đưa đi trên chặng đường gian nguy vô cùng, tưởng là chết dọc đường; hay ca mổ có tính định mệnh, nhờ gặp đúng bác sỹ giỏi, có tấm lòng mà anh còn sống đến bây giờ với viên đạn vẫn ở trong phổi… Đọc những trang hồi ký đó, ta thấy cả một thế hệ đi vào chiến tranh, cảm thấy xúc động và tự hào vô cùng! Tôi nhớ ở trang 312 anh kể: sau khi điều trị ở Bệnh viện 108, anh được nghỉ phép về quê, nơi quê nhà không ai nghĩ anh còn sống. Về nhà, anh bước vào gian bếp, nơi mẹ ôm anh khóc lúc anh nhập ngũ, sau 8 năm mẹ đã không còn nữa… Những trang viết cứ thế lay động, chạm vào trái tim của chúng ta.

Có thể thấy, Nguyễn Mạnh Đẩu đại diện cho lớp thế hệ thanh niên Việt Nam ngày ấy đã đi vào chiến tranh, ở đó có cống hiến, có số phận, có thân phận, có những điều khiến ta sung sướng nhưng cũng có những điều làm cho chúng ta đau khổ. Tất cả đã được kể lại một cách chân thực và sinh động dưới ngòi bút giàu cảm xúc của anh.

Được biết Nguyễn Mạnh Đẩu đã từng đưa quyển nhật ký chiến trường của anh cho một đồng đội nhờ gửi về cho bố, rồi người đó đi vào chiến trường giao cho một người khác, và rồi người cầm cuốn nhật ký của anh hi sinh nên quyển nhật ký bị thất lạc. Thế mà, trong cuốn hồi ký, anh vẫn nhớ được tất cả những con người, những địa danh, những sự kiện gắn với cuộc đời chiến trận.  Viết được chính xác như thế không chỉ vì anh có trí nhớ tuyệt vời mà còn vì anh có tấm lòng, có trái tim nhân hậu, tràn đầy cảm thông và yêu thương. Anh không quên ai và không quên điều gì.  “Những nẻo đường thời gian” như một cuốn phim quay chậm kể về cuộc đời chiến đấu của anh, và hơn thế nữa đó còn là cuộc chiến đấu của một làng quê, một đất nước, một dân tộc. Đặc biệt, Nguyễn Mạnh Đẩu còn có một sức sống mãnh liệt, anh bị sốt rét, bị thương nặng, sự sống “ngàn cân treo sợi tóc”. Khi vào bộ đội anh nặng 48kg, sau này anh hơn 60kg, nhưng khi lên bàn mổ anh chỉ còn 36kg... Cuối cùng anh vẫn sống. Thật kỳ diệu! 

Không chỉ trên chiến trường, sau này về Cục Chính sách, Nguyễn Mạnh Đẩu đã có những cống hiến nổi bật. Thời kỳ đó, Cục chính sách đã có những đề xuất, kiến nghị hợp lòng quân, hợp ý dân, trong đó có việc trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng. Đến khi chuyển sang Trường Sỹ quan Lục quân 1 cũng như Tổng cục Kỹ thuật sau đó, anh tiếp tục có những cống hiến xuất sắc.

Với “Những vị tướng mà tôi từng được biết”, Nguyễn Mạnh Đẩu đã bày tỏ sự kính trọng, cảm phục, ngưỡng mộ đối với 15 vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi có may mắn đã từng công tác ở Tổng cục Chính trị và làm nghề báo nên cũng đã từng được gặp và viết về những vị tướng lừng danh như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Lê Đức Anh, Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Lê Khả Phiêu, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Trung tướng Hồng Cư, Thiếu tướng Trần Công Mân… Bởi thế, tôi rất đồng tình và chia sẻ với những điều Nguyễn Mạnh Đẩu viết trong cuốn hồi ký này. Sau những chiến dịch, chiến công, chúng ta thấy hình ảnh đẹp của những vị tướng trong đời thường, bình dị, bao dung, độ lượng, coi các chiến sỹ như con em mình. Đất nước ta có một nền văn hóa đánh giặc, và nhiều dũng tướng của chúng ta cũng là nhà văn hóa; các thế hệ trùng trùng điệp điệp xây đắp truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân nhân Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ. Qua các vị tướng, chúng ta phần nào hiểu được vì sao Việt Nam có thể chiến thắng được những kẻ xâm lược hùng mạnh hơn chúng ta rất nhiều lần, đó là vì chúng ta có Đảng, có nhân dân, có quân đội anh hùng và có những vị tướng xuất sắc.

Năm 2024 này là một năm rất đặc biệt, chúng ta đã kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm giải phóng Thủ đô Hà Nội và vài tháng nữa thôi chúng ta sẽ kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi nghĩ 2 cuốn sách “Những nẻo đường thời gian” và “Những vị tướng mà tôi từng được biết” của Nguyễn Mạnh Đẩu là những món quà rất đẹp góp phần vào việc tôn vinh truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam và của Bộ đội Cụ Hồ. Cuốn hồi ký đã cung cấp thêm những tài liệu quý, sống động, tin cậy về chiến trường Trị Thiên, về Cục chính sách, Trường sỹ quan Lục quân 1, Tổng cục Kỹ thuật... Đây là cuốn sách có tính giáo dục rất cao đối với thế hệ trẻ.

Nguyễn Mạnh Đẩu là ai?

Chắc chắn Nguyễn Mạnh Đẩu là một người cầm súng quả cảm, đồng thời anh là một nhà văn tài năng. Xin được chúc mừng anh và xin cảm ơn anh về 2 cuốn sách mà anh dâng tặng cho độc giả!

________

Thư viện Quân đội giới thiệu hai cuốn sách của Trung tướng, nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu

Bài viết liên quan

Xem thêm
Mùa hè có tuyết mở ra hy vọng series truyện về mèo Việt Nam?
Không khí buổi giao lưu và ra mắt sách Mùa hè có tuyết ngày 23-3 tại Đường sách TP.HCM
Xem thêm
Vài suy nghĩ nhân đọc “Gãy cánh điệp viên” của Hồ Duy Hùng
Bài viết của Đại tá, nhà văn TRẦN THẾ TUYỂN
Xem thêm
Nhân văn và hiện thực trong Hoàng hôn lóng lánh
Hoàng hôn lóng lánh không chỉ là một tiểu thuyết, mà còn là một thông điệp nhân văn về ý nghĩa của cuộc sống và giá trị của tình yêu thương.
Xem thêm
Từ ánh trăng đến cánh diều – Những hình ảnh thơ ấm áp của Phan Thanh Tâm
Giới thiệu tác phẩm Mẹ có nghe trăng hát của Phan Thanh Tâm cùng 5 bài thơ chọn từ tập thơ này.
Xem thêm
Sbooks mang câu chuyện của những đứa trẻ đồng bào Raglai đến Đường sách Tết
Giấc mơ của những đứa trẻ đồng bào Raglai được tái hiện trong “Đóa hoa sương núi”
Xem thêm
Hồ Sơn Đài với “Nhân chứng và lịch sử”
Nhà thơ Trần Thế Tuyển viết về cuốn sách “Nhân chứng lịch sử”
Xem thêm
Một giọng thơ nghĩa tình, khí khái
Đọc Tuyển tập thơ Nguyễn Văn Thưởng, NXB Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Nuôi hồn thơ bằng kí ức
Bài viết về tập thơ “Như vừa hôm qua” của nhà giáo, nhà thơ Lê Bá Duy
Xem thêm
“Điển tích văn học”- Cuốn sách cần cho người làm văn học
Nguồn: Văn nghệ Online; Gặp gỡ những vùng văn học
Xem thêm
Nguyễn Linh Khiếu lại “xuất” hoa lạ
Vâng, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã từng xuất bản những tập thơ mang tên những loài hoa rất lạ: Hoa Linh (2000), Hoa Linh Thảo (2021) Hoa Hạnh (trong một bài thơ được Giải nhất cuộc thi thơ tạp chí VNQĐ năm 2010)... Chưa kể tập thơ đầu tay Chùm mơ Tiên cảm (1991) cũng gồm những chùm hoa rất lạ...
Xem thêm
Trần Hà Yên với tình yêu trẻ thơ từ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo
Bài viết về tập thơ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo (NXB Hội nhà văn 2024).
Xem thêm
Người lặn dưới những lớp sóng thời gian
Bài viết của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An.
Xem thêm
Lắng đọng “Đêm nằm nghe ký ức”
Bài viết của nhà thơ Đặng Bá Tiến
Xem thêm
Trường ca “Mặt trận gần phía trước”
Bài viết của Nguyễn Vũ Quỳnh về tập trường ca của Trần Trí Thông
Xem thêm
Hoa hồng có gai, hay là vẫn tin vào nước mắt
Nguồn: Bùi Việt Thắng (Báo Văn nghệ)
Xem thêm