- Lý luận - Phê bình
- Một nốt nhạc trầm
Một nốt nhạc trầm
Trần Phỏng Diều
(Từ bài thơ Lời tự tình mùa thu của Ngũ Lang)
(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) – Trong thơ ca truyền thống, mùa thu là nguồn cảm hứng sáng tạo cho bao thi sĩ. Nhưng không biết tự bao giờ, mùa thu thường gắn với nỗi buồn. Dường như trong thơ ca truyền thống chưa thấy bài thơ nào viết về mùa thu mà vui cả, mà chủ yếu là buồn, nếu không quá buồn thì cũng man mác buồn.
Tự bao đời nay, có biết bao thi sĩ mượn mùa thu để nói lên nỗi lòng mình như: Lưu Trọng Lư (Tiếng Thu), Xuân Diệu (Đây mùa thu tới), Tương Phố (Giọt lệ thu)… Có lẽ do bản chất của mùa thu là buồn, cảnh thu, tình thu phù hợp với nỗi niềm của các thi sĩ. Chẳng phải Bích Khê đã nói hộ ta điều đó sao? “Ôi hay! Buồn vương cây ngô đồng, vàng rơi vàng rơi, thu mênh mông”. Cái “thu mênh mông” đó chính là tâm trạng của Ngũ Lang (Nguyễn Thanh). Không ngoại lệ, tác giả Ngũ Lang cũng trang trải lòng mình với mùa thu. Ngay tiêu đề bài thơ cũng đã tạo cho người đọc một cảm giác buồn man mác: “Lời tự tình mùa thu”.
Nhà văn, nhà phê bình Nguyễn Thanh.
Cả bài thơ là một chuỗi hoài niệm và tâm trạng. Tác giả hồi tưởng lại những kỷ niệm ngày xưa, ghi nhớ các việc xung quanh mình. Để từ đó chiêm nghiệm cuộc đời và bộc lộ nỗi niềm tâm sự của mình. Bài thơ gồm 6 khổ, mỗi khổ có chủ đề riêng, xâu chuỗi lại, ta sẽ bắt gặp một câu chuyện, nên có thể nói đây là một bài thơ tự sự, có cốt truyện và nhân vật, có không gian lẫn thời gian. Các yếu tố này đan xen lại với nhau tạo nên tình tiết, sự kiện làm cho người đọc cảm nhận được tâm sự của tác giả, từ đó mà có sự đồng cảm và chia sẻ. Cho nên có thể nói, chủ đề của bài thơ là một nỗi buồn, là sự cô đơn, là một tấm lòng đang yêu và mong muốn được yêu. Là niềm khát khao giao cảm với đời, nhưng đời không đáp lại nên tác giả cảm thấy cô đơn, trống trải.
Ở khổ thơ đầu có từ “độc hành”, đến khổ thơ cuối cùng cũng lại có từ “độc hành”. Vì vậy, có thể nói, xuyên suốt bài thơ là một gam màu tối, là một nỗi niềm muốn sống hết mình với đời nhưng không trọn vẹn. Bài thơ, gợi cho người đọc nhớ về phong trào thơ mới 1930-1945, với một số tác giả tiêu biểu như Xuân Diệu, Huy Cận,… Cái buồn của những nhà thơ này là cái buồn của thời đại, còn cái buồn của Ngũ Lang là cái buồn cô độc của một người muốn sống hết mình với đời. Hai cái buồn ấy vừa có cái chung lại vừa có cái riêng, tạo nên một dòng chảy của các thi sĩ muôn đời về những nỗi niềm, những bâng khuâng muốn được chia sẻ với đời.
Mộng lẻ một mình ta với ta,
Nửa khuya tàn mộng, lệ chan hòa.
Bao giờ tìm được người tri kỷ
Như Tử Kỳ xưa gặp Bá Nha.
Ở đây ta thấy nỗi buồn của tác giả đã có một quá trình, chính vì càng khát khao sống hết mình với đời bao nhiêu thì tác giả cảm thấy buồn bấy nhiêu khi đời không đáp lại.
Thời gian ở đây là nửa khuya. Khi có tâm sự, người ta thường đối diện với chính mình, giữa đêm khuya để lắng lòng, để chiêm nghiệm, nghĩ suy về lẽ sống ở đời. Nội dung hai câu thơ cuối của khổ thơ này hình thức là câu hỏi, nhưng nội dung lại là câu khẳng định. Tác giả hỏi cho có chứ không cần trả lời. Tác giả đang tự hỏi lòng mình và câu hỏi đó mãi mãi sẽ không có câu trả lời. Vì lẽ đó mà tác giả luôn ưu sầu, càng xua nỗi buồn đi thì nỗi buồn càng ùa đến, càng muốn lăn xả với đời thi đời lại quay lưng. Âu cũng là nỗi lòng của các thi sĩ xưa nay.
Cầm cọ pha sơn để quét sầu,
Gam buồn phủ lạnh áng tranh nâu;
Thuốc tàn, rượu cạn, cà phê hết,
Nét vẽ chưa nên, màu nhạt màu.
Hết vẽ, tác giả mượn tiếng đàn ngỏ hầu làm vơi bớt nỗi buồn nhưng nỗi buồn càng thêm sâu lắng:
Ôm đàn mong phổ bài ca dịu,
Cung thứ tê lòng ngập nốt thương!
Hai câu thơ mang âm hưởng Đường thi rõ nét, gợi cho người đọc một nỗi buồn man mác, không bi ai nhưng nhè nhẹ len vào lòng, có ẩn chứa chút gì chiều sâu triết lý của cuộc sống. Có lẽ đây là hai câu hay nhất trong bài thơ này, nó làm nổi bật chủ đề của cả bài thơ. Những từ ngữ được chắt lọc như “cung thứ”, “nốt thương”, “tê”, “ngập”… làm người đọc cảm nhận sâu sắc nỗi niềm tâm sự của tác giả.
Đi qua một chặng đường dài của nỗi đau nhân thế, của sầu triền miên, ở miền miên viễn, cuối cùng tác giả tổng kết lại đời mình: chỉ là kẻ độc hành.
Bài thơ: Lời tự tình mùa thu
Ngũ Lang
Ta đã yêu từ chớm tóc xanh,
Đêm đêm thức trằng chép thơ tình:
Đón hương góp gió muôn phương lại
Mà suốt đời ta vẫn độc hành!
Mộng lẻ một mình ta với ta
Nửa khuya tàn mộng, lệ chan hòa.
Bao giờ tìm được người tri kỷ
Như Tử Kỳ xưa gặp Bá Nha.
Cầm cọ pha sơn để quét sầu,
Gam buồn phủ lạnh áng tranh nâu;
Thuốc tàn, rượu cạn, cà phê hết,
Nét vẽ chưa nên, màu nhạt màu.
Tiếng dế râm ran trổi nhạc vườn,
Mê hồn nghệ sĩ đắm say hương;
Ôm đàn mong phổ bài ca dịu,
Cung thứ tê lòng ngập nốt thương!
Khai bút đề thơ mong đón xuân,
Thơ không giáng bút, chữ im vần;
Trọn câu dồn dập thang âm trắc,
Vần điệu không êm, ý chửa thông…!
Đời gió mưa từ thuở tóc xanh
Chông chênh như một dấu than mành!
Người thương xa vắng, ghen sao lắm.
Nên suốt đời ta mãi độc hành!
T.P.D
(Nhà văn – Giảng viên trường CĐSP TP. Cần Thơ)
* Bài thơ in trong tập thơ Lời tự tình mùa thu của Ngũ Lang (Nguyễn Thanh) (NXB Văn nghệ TP.HCM, 2004), cũng đã đăng trên nhiều báo, website văn nghệ. Nhạc sĩ Thanh Danh phổ nhạc bài Lời tự tình mùa thu lấy tựa đề là Độc hành.