TIN TỨC
  • Truyện
  • Mùa xuân hoa nở ta sẽ về | Nguyễn Anh Tuấn

Mùa xuân hoa nở ta sẽ về | Nguyễn Anh Tuấn

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1484 lượt xem

 CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

NGUYỄN ANH TUẤN

Một buổi sáng mờ sương vào đầu tháng 3 năm 937, tại vùng núi phía Tây của Ái châu (Thanh Hóa) thuộc Tĩnh Hải Quân (tên gọi cũ của Việt Nam từ năm 866 khi bị nhà Đường cai trị cho đến những năm đầu xây dựng nền tự chủ), cánh rừng già đang say ngủ bỗng bị đánh thức bởi những tiếng người la hét inh ỏi, tiếng trống trận liên hồi, tiếng gươm giáo chạm nhau loảng xoảng, lửa bắt đầu bốc lên từ ngọn núi Na Sơn. Trên đồng ruộng, những người dân của ngôi làng dưới núi ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bỗng một người đàn ông chạy đến la lớn:

- Bà con ơi… có tin mừng bà con ơi!

Nghe vậy, đám người tò mò bèn tụ lại bên người đàn ông kia, nháo nhác hỏi:

- Sao thế? Có chuyện gì thế?

Người đàn ông vừa thở hổn hển vừa nói:

- Quan quân… đang… đang công phá sơn trại của bọn cướp… phen này lũ thảo khấu chỉ có đường chết mà thôi…

Cả đám người ồ lên vui mừng:

- Trời thương làng ta rồi…!

- Từ nay không còn khổ vì chúng nữa!

Giữa đám người đang hoan hỉ, có một người đàn ông mặt không biến sắc khi nghe toàn bộ câu chuyện. Đó là Đinh Mẫn, nhà ở cuối làng. Ngôi làng dưới chân núi Na Sơn thường xuyên bị bọn cướp trại Phi Long quấy nhiễu. Chúng nhiều lần vào làng cướp bóc, đốt phá, hãm hiếp đàn bà con gái, gây ra không biết bao nhiêu tội ác cho dân làng. Hay tin vùng núi Na Sơn có bọn cướp khét tiếng hoành hành, thủ lĩnh đất Ái châu là Ngô Quyền bèn đem quân lên núi trừ họa cho dân. Đinh Mẫn nhìn lên ngọn núi Na Sơn đang rực đỏ màu lửa rồi lặng lẽ đi thẳng về nhà. Thị Mai - vợ của Đinh Mẫn, bị câm bẩm sinh, đang mải miết khâu chiếc áo cho chồng, bỗng thấy Mẫn đi về liền ú ớ rồi dùng hai tay ra hiệu hỏi: “Sao hôm nay chàng về sớm thế?”.

Đinh Mẫn không nói gì, hắn đi thẳng ra nhà kho, gạt đống củi sang một bên, lấy ra một cây đao dài hơn một cánh tay được cất trong một bọc vải. Hắn nhìn cây đao rồi đi ra giếng, lấy hòn đá mài rồi hì hục mài cây đao. Thị Mai nhìn hành động của chồng, bất giác làm rơi chiếc áo trên tay xuống, mắt rưng rưng.

Thị tiến lại gần Đinh Mẫn, ú ớ: “Chàng định bỏ em mà đi thật à?”.

Đinh Mẫn không trả lời, tiếp tục mài cây đao, đoạn hắn dội nước rồi lấy khăn lau sạch, cây đao bỗng trở nên sáng loáng. Đinh Mẫn tra cây đao vào vỏ, nai nịt chỉnh tề, trước khi đi, hắn nhìn vợ và nói:

- Ta sẽ về sớm thôi.

Đinh Mẫn quay đi. Thị Mai chỉ biết nhìn chồng, buồn bã: “Chàng đã chờ ngày này lâu lắm rồi phải không?”.

*

Ngọn lửa trên núi chưa tắt nhưng trận chiến đã kết thúc chóng vánh. Lê Mão - tướng tiên phong thúc ngựa về báo cáo.

- Bẩm chủ soái, quân ta đã toàn thắng, lũ giặc cướp bị giết hơn nửa, số còn lại đã đầu hàng. Quân ta đã chiếm được sơn trại của chúng, qua khám xét, thu giữ được rất nhiều của cải, khí giới.

Trên con chiến mã màu nâu sẫm, vị chủ soái có thân hình cao lớn như hộ pháp, đôi mắt sáng như sao chậm rãi thúc ngựa bước tới. Đó chính là Ngô Quyền - Nha tướng và là con rể của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ ở thành Đại La (Hà Nội), được giao trọng trách cai quản Ái châu - đất bản bộ của họ Dương từ năm 934. Vùng Ái châu khi ông tiếp quản khá loạn lạc, giặc cướp nổi lên nhiều nơi, dân chúng khổ sở lầm than, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, Ngô Quyền đã quét sạch giặc cướp, trừ hại cho dân, lấy lại bình yên cho xứ này. Nhờ đó mà thanh thế càng lớn, hào kiệt tụ về dưới trướng rất nhiều.

Ngô Quyền nghe tin chiến thắng nhưng mặt không chút biến sắc, hỏi:

- Vậy còn tên cầm đầu?

Lê Mão nghe vậy liền hốt hoảng báo cáo:

- Bẩm… tên Phi Long... đã trốn mất rồi ạ. Mạt tướng sơ suất, xin chủ soái trách phạt.

Ngô Quyền cau mày:

- Đánh rắn phải đánh dập đầu. Ngươi dẫn 200 võ sĩ lập tức truy bắt, khi mặt trời lặn, phải mang được đầu tên Phi Long đó về cho ta.

- Tuân lệnh chủ soái - Lê Mão đáp, đoạn thúc ngựa cùng 200 võ sĩ chia nhau các ngả truy lùng. Ngô Quyền hạ lệnh xuống núi, tiến về làng để vỗ an dân chúng.

Nghe tin tướng quân Ngô Quyền đánh dẹp được bọn cướp trên núi Na Sơn, dân làng mừng lắm, ùa ra, mang gà vịt, thóc gạo khao quân. Nhìn gương mặt hân hoan của dân chúng, Ngô Quyền có chút tự trách mình, giá như ông đến sớm hơn thì bọn giặc cướp đã không hoành hành lâu đến thế. Điều ông trăn trở nữa là, tên đầu sỏ chưa bị bắt, nếu quan quân rời đi, biết đâu được hắn sẽ trở lại, tập hợp lũ trộm cướp tiếp tục hà hiếp dân làng. Nhưng điều mà ông lo lắng có vẻ đã không xảy ra. Trên con đường nhỏ dưới chân núi, Lê Mão phát hiện 3 xác chết, trong đó có 1 cái xác không đầu. Dấu vết tại hiện trường cho thấy đã có một cuộc giao đấu ác liệt diễn ra.

Cùng lúc đó, tại ngôi làng dưới núi Na Sơn, Ngô Quyền xuống ngựa, ân cần đỡ các bô lão và nói:

- Bọn giặc cướp đã bị diệt trừ. Bà con từ nay có thể yên tâm cày cấy, sống những tháng ngày bình yên.

Nghe thế, dân làng càng phấn khích, tung hô vang trời đoàn quân chính nghĩa. Bỗng từ đằng xa, một người cao lớn lầm lì đi tới. Tay phải cầm một cây đao, tay trái xách theo một cái đầu người đang rỉ máu. Cả làng sửng sốt khi nhận ra đó là Đinh Mẫn. Hắn ném cái đầu người xuống đất khiến mọi người kinh hãi.

Ngô Quyền nhìn Đinh Mẫn, cười hỏi:

- Tráng sĩ chẳng hay tên họ là gì? Còn cái thủ cấp này là của ai?

Đinh Mẫn cắm cây đao xuống đất rồi quỳ xuống, kính cẩn:

- Bẩm tướng quân, tôi tên Mẫn họ Đinh, người làng Na Sơn. Còn cái đầu kia là của Phi Long, thủ lĩnh của đám cướp trên núi. Mẫn tôi căm hận bọn cướp đã lâu, nhưng vì thân cô thế yếu nên chưa thể trừ hại cho dân làng. Nay nghe tướng quân dẫn binh đánh dẹp bọn cướp, lòng mừng như mở hội, liền vác đao lên núi mong được tụ nghĩa, không ngờ bắt gặp 3 tên cướp từ trên núi chạy xuống. Nhận ra tên đầu sỏ, tôi xông tới giết rồi cắt đầu đem về nộp cho tướng quân.

Ngô Quyền liền gật đầu:

- Khá lắm! Ngươi muốn ta ban thưởng gì nào?

Nghe vậy, mắt Đinh Mẫn sáng rực lên:

- Bẩm tướng quân, tôi không muốn được ban thưởng gì cả. Chỉ xin tướng quân cho theo phò tá, trong thì đánh dẹp loạn cướp, ngoài thì đánh đuổi ngoại bang, bảo vệ bờ cõi, đem thái bình cho muôn dân chung hưởng. Mong được một lần thỏa chí dọc ngang, chết cũng không hối tiếc.

Nghe đến đó, Ngô Quyền cười phá lên:

- Ha ha… Hay lắm! Không ngờ nơi núi rừng xa xôi này vẫn có một tráng sĩ với chí lớn ngút trời như vậy. Được! Ta cho ngươi theo về đầu quân. Lập tức về sửa soạn, đại quân sẽ đi ngay, không lưu lại lâu để phiền đến dân chúng.

Đinh Mẫn nghe vậy liền dập đầu lạy tạ ba cái thật mạnh. Đoạn hắn về nhà, thắp hương lên bàn thờ gia tiên, thành tâm vái lạy:

- Đinh Mẫn, đích tôn đời thứ 10 của họ Đinh ở Ái châu, hôm nay trước mặt gia tiên xin thành tâm dâng nén hương thơm, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con sớm làm nên nghiệp lớn, làm rạng danh gia tộc.

 Đoạn, Đinh Mẫn xuống nhà, thấy vợ đang rưng rưng nước mắt. Hắn ôm lấy người vợ bé nhỏ của mình vào lòng và an ủi:

- Ta hứa sẽ sớm trở về. Khi đó, ta sẽ cho nàng một cuộc sống tốt hơn bây giờ.

Nói đến đó, Mẫn không kìm được lòng liền quay đi thật nhanh. Người đàn bà câm chạy theo rồi buồn bã nhìn chồng hòa vào đoàn quân. Thị Mai hét lên một tiếng làm Đinh Mẫn quay lại. Thị vừa ú ớ vừa cố vung tay làm dấu: “Chàng phải trở về… chàng nhất định phải trở về”.

Đinh Mẫn thấy vậy liền vẫy tay và nói lớn:

- Nhất định ta sẽ trở về. Mùa xuân hoa nở ta sẽ về!

Đoạn hắn quay đi, hai hàng nước mắt lăn trên má. Đoàn quân cứ thế bước đi, dần dần khuất hẳn dưới bóng đại ngàn.

*

Một tuần sau đó, thành Ái châu chấn động về tin Kiều Công Tiễn làm phản, giết chủ tướng Dương Đình Nghệ để đoạt chức Tiết Độ sứ ở thành Đại La. Cả thành nhốn nháo, già trẻ, lớn bé ai cũng biết chỉ có một người không biết. Đó là Dương Thị, vợ của Ngô Quyền và là con gái của Dương Đình Nghệ. Hôm ấy, trong hậu phủ, Dương phu nhân vừa may xong chiếc áo cho cho chồng. Ả tỳ nữ bê thau nước ấm đến, liền khen lấy khen để:

- Phu nhân quả thật khéo tay, đất Ái châu này không ai bì được.

Dương Thị cười:

- Con bé này, chỉ được cái khéo miệng.

Đoạn, Dương Thị đặt tay lên bụng. Tuần trước, biết mình đã mang thai, bà mừng lắm. Hôm nay, bà đang tính viết thư báo tin về thành Đại La cho phụ thân biết. Bỗng, một con tỳ nữ khác chạy vào hốt hoảng:

- Phu nhân!… Không xong rồi… phu nhân ơi!

Dương Thị ngạc nhiên, bèn hỏi:

- Có chuyện gì thế em?

Con tỳ nữ lắp bắp:

- Hôm nay… em đi chợ... nghe người ta… kháo nhau rằng… chủ tướng Dương Đình Nghệ… đã bị thuộc tướng Kiều Công Tiễn mưu phản, giết hại… rồi ạ.

 - Trời…! Cha ơi! - Nghe đến đó, Dương Thị thất kinh, ngã ra bất tỉnh.

Khi bà tỉnh lại, đã thấy chồng mình ngồi bên cạnh:

 - Tướng công… tin về… cha thiếp… là thật phải không? Là chàng… giấu thiếp mấy ngày qua đúng không?

Ngô Quyền biết không thể giấu được, buồn bã gật đầu. Dương Thị òa khóc. Ngô Quyền đỡ lấy vợ và nói:

 - Phu nhân xin chớ quá đau buồn mà hao tổn sức khỏe. Nhạc phụ có ơn trời biển với ta, nhất định ta sẽ sớm mang quân ra Đại La trả thù cho Người.

Ngày hôm sau, Ngô Quyền phát hịch kêu gọi đánh Kiều Công Tiễn, được hào trưởng các nơi như Dương Tam Kha, Đinh Công Trứ, Đỗ Cảnh Thạc… hưởng ứng, lần lượt kéo về Ái châu hội quân, ước đến cả vạn người. Tháng 10 năm 938, Ngô Quyền phát binh từ Ái châu ra Đại La diệt trừ Kiều Công Tiễn. Khi đoàn quân mới ra khỏi cổng thành, từ trên lầu cao phát ra tiếng trống liên hồi.

Ngô Quyền bèn hỏi:

- Là ai đánh trống?

- Bẩm chủ soái, là phu nhân đánh trống trợ uy cho ba quân ạ.

Ngô Quyền quay đầu nhìn lại, thấy Dương phu nhân đang đánh trống, quả là con nhà võ tướng, dẫu sức đàn bà nhưng tiếng trống phát ra đầy oai lực. Tiếng trống bỗng ngừng lại:

- Tướng công! Chàng nhất định phải trở về! - Dương Thị hét lớn đến khản cả giọng.

Ngô Quyền thấy vậy, cảm động đáp lời:

- Phu nhân! Nhất định ta sẽ chiến thắng trở về.

Dương Thị bật khóc, lặng nhìn đoàn quân với cờ xí rợp trời ra khỏi thành. Chứng kiến khung cảnh có chút trùng hợp ấy, Đinh Mẫn lại hồi tưởng về giây phút chia ly với vợ hôm đó. Là đích tôn đời thứ 10 của họ Đinh, tổ tiên hắn đã phò tá các anh hùng nước Nam đánh đuổi bọn ngoại bang phương Bắc. Với quá khứ oanh liệt ấy, Đinh Mẫn luôn đau đáu trong mình một ngày nối gót tổ tiên, làm nên nghiệp lớn, chứ không cam tâm làm một nông phu an phận. Chí lớn mà hắn ôm ấp không ngờ lại bị người vợ câm nhìn ra từ lâu. Thị sợ rằng, một ngày, hoài bão ấy nổi lên thì ngôi nhà nhỏ nơi cuối làng Na Sơn chẳng thể giữ chân được hắn. Và rồi ngày đó cũng đã đến.

*

Thành Đại La bị hạ chỉ trong một buổi sáng, Kiều Công Tiễn bị bêu đầu trước cổng thành. Là người đầu tiên lên được thành cắm cờ, Đinh Mẫn được phong làm Phó  Đốc quân. Ngay hôm sau, Ngô Quyền triệu tập các tướng để họp bàn. Nguyên do là trước đó, Kiều Công Tiễn biết mình không thể chống lại Ngô Quyền nên đã đem thư cầu cứu nhà Nam Hán. Vua Nam Hán là Lưu Nghiễm muốn nhân cơ hội này để xâm lược Giao Châu nên đã phong con trai là Hoằng Tháo làm Bình Hải tướng quân, thống lĩnh thủy binh chuẩn bị xâm lược nước ta.

Mấy ngày sau, Ngô Quyền đi thị sát khu vực sông Bạch Đằng, theo hiến kế của Kiều Công Hãn, ông lệnh các tướng cho dân binh các nơi chặt 3 nghìn cây gỗ, vót nhọn, bịt sắt rồi đóng xuống lòng sông trên một quãng dài 3 dặm. Đinh Mẫn được giao nhiệm vụ đốc thúc dân binh ngày đêm đóng cọc.

Hôm ấy, Ngô Quyền đi kiểm tra bãi cọc, thấy Đinh Mẫn đang đăm chiêu suy nghĩ mà lơ là công việc, bèn dừng ngựa và hỏi:

- Ngươi đang làm gì vậy?

Đinh Mẫn giật mình, kính cẩn thưa:

- Bẩm chủ tướng, có lời này xin cho thuộc hạ được nói.

- Ngươi cứ nói đi.

- Thành Đại La là nơi hiểm yếu, quân giặc lại sắp tràn sang, cớ sao Người lại không cho gia cố thành trì mà lại...

Nghe đến đó, Ngô Quyền cười và nói:

- Thành trì giữ vững giang sơn không được xây bằng gạch đá, mà được xây bằng lòng dân. Đó là thành trì vững chắc hơn bất cứ thành trì nào. Ta có lòng dân, há phải sợ lũ giặc kia. Ngươi hãy làm cho tốt việc của mình đi.

Nói xong, Ngô Quyền thúc ngựa tiếp tục thị sát. Đinh Mẫn cúi đầu, không dám nói gì thêm. Hắn biết rõ, thân phận hiện tại không cho phép mình được nói quá nhiều việc binh. Nhiệm vụ của hắn là đốc thúc dân binh hoàn thành bãi cọc. Đinh Mẫn nhìn vệt nắng cuối chiều đang dần tắt, lòng nôn nao chờ đến ngày đại chiến. Ngày đó, nhất định hắn sẽ làm rạng danh gia tộc để được áo gấm về làng, đem vinh hoa phú quý cho người vợ tảo tần đang ngày đêm trông ngóng.

*

Mùa đông năm 938, Hoằng Tháo dẫn 2 vạn thủy binh Nam Hán tiến vào xâm lược nước ta qua cửa sông Bạch Đằng. Nhìn cảnh vật xung quanh, Hoằng Tháo gật gù:

- Quả là non nước hữu tình, thật không uổng công ta vượt biển sang đây!

Đang mải mê với cảnh vật, bỗng một mũi tên sượt qua làm Hoằng Tháo giật mình.  

- Có mai phục!

Dứt lời, từ các ngả sông, nhiều thuyền nhỏ của ta kéo ra khiêu chiến. Tướng chỉ huy là Ngô Tất Tố đã bố trí một số binh lính biết tiếng Hán cầm loa chửi bới khiêu khích. Thấy vậy, Hoằng Tháo cười phá lên:

- Chỉ có vài chiếc thuyền rách mà đòi đấu với ta ư? Quân bay đâu, tăng tốc tiêu diệt chúng cho ta.

Quân Nam Hán nghe vậy liền bắn tên như mưa vào đội thuyền của Nguyễn Tất Tố. Ông hạ lệnh cho quân vừa đánh vừa nhử địch đến chỗ mai phục. Quân giặc hăm hở đuổi theo. Chẳng mấy chốc, đoàn thuyền giặc đã đi vào bãi cọc. Đinh Mẫn cùng một cánh quân mai phục ở hàng sú vẹt gần đó. Mắt hắn chằm chằm nhìn vào chiếc thuyền lớn có soái kỳ. Vừa lúc ấy, thủy triều rút, bãi cọc dần nhô ra. Một tiếng “ầm” vang lên làm rung chuyển chiếc thuyền của Hoằng Tháo, tiếp theo đó là hàng loạt thuyền khác cũng bị rung lắc dữ dội, nhiều tên lính bị hất văng xuống nước.

Viên phó tướng nhìn hàng cọc nhô lên liền hốt hoảng bẩm báo:

- Thái tử, quân ta trúng kế rồi!

- Ngươi nói cái gì? - Hoằng Tháo trợn mắt lên.

Tên phó tướng chưa kịp nói tiếp, bỗng xung quanh, tiếng trống trận vang lên dữ dội. Hai bên bờ sông, các cung thủ của ta bắt đầu bắn tên mang lửa về phía thuyền địch. Những cánh buồm bị trúng tên bắt đầu bắt lửa.

Ở trên cao, Ngô Quyền tuốt gươm hạ lệnh:

“Thời khắc sinh tử của dân tộc ta đã đến.

Toàn quân xung trận. Tổng tấn công!“

Từ các ngả sông, quân ta đổ ra đánh dữ đội. Các thuyền nhỏ áp sát được thuyền địch liền ném lên các hũ đựng dầu, ngay lập tức, hàng loạt mũi tên mang lửa bắn tới tấp làm cho những ngọn lửa bắt đầu bốc lên. Lợi dụng khi địch đang còn hoảng loạn, các thủy binh thông thạo bơi lặn từ dưới nước ngóc lên, quăng móc sắt lên mạn thuyền, đội cung thủ hai bên bờ sông ra sức bắn yểm trợ cho quân ta trèo lên. Gươm giáo hai bên bắt đầu chạm nhau chát chúa. Những vệt máu bắt đầu bắn vương vãi khắp thuyền, tiếng la hét dậy vang cả góc trời. Trên chiếc soái thuyền bị mắc kẹt, Hoằng Tháo tuốt gươm quát tháo binh lính không được rối loạn nhưng vô ích.

- Hoằng Tháo! Nộp mạng đi!

Một tiếng hét như sấm vang lên. Hoằng Tháo chưa kịp định hình thì một bóng người ập tới. Viên phó tướng hét lớn:

  - Bảo vệ Thái tử. Bảo vệ... hự...

Chưa dứt câu, một nhát chém cực mạnh làm hắn đứt đôi người. Đám lính giặc hãi hùng khiếp vía. Trước mắt chúng là một chiến binh cao lớn với cây đao sáng loáng cùng một ánh mắt đằng đằng sát khí. Đó không ai khác chính là Đinh Mẫn.

- Khốn khiếp! Ta là Thái tử nhà Nam Hán mà lại sợ tên nhãi nhép ngươi sao?

Hoằng Tháo nổi giận, vung kiếm xông về phía Đinh Mẫn. Ngọn kiếm của hắn chưa kịp chạm vào địch thủ đã bị cây đao của Mẫn chém gãy đôi. Hoằng Tháo run rẩy nhìn thanh kiếm bị gãy của mình. Chỉ chờ có thế, Đinh Mẫn xoay người vung đao thật mạnh kết liễu tên chủ soái non nớt. Đầu của Hoằng Tháo bị chém lìa khỏi cổ trong sự ngỡ ngàng của đám lính giặc. Một tia máu bắn thẳng vào mặt của Đinh Mẫn, nóng hổi.

Đúng lúc ấy, một mũi tên cực mạnh từ đâu bay tới găm phập vào ngực của Đinh Mẫn khiến hắn ngã xuống, đập đầu vào mạn thuyền, choáng váng. Mẫn thở hổn hển. Mũi tên đã găm thấu tim. Hắn biết mình sẽ chẳng thể qua khỏi: “Nương tử! Ta lỡ hẹn với nàng mất rồi...”.

Trong giây phút cuối cùng, người chiến binh đất Việt lại nhớ về ngôi nhà nhỏ nơi cuối làng của mình. Ở đó, có một người đàn bà nhỏ bé vẫn luôn chờ đợi anh ta trở về, ngày cũng như đêm, sắt son một lòng.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm