TIN TỨC
  • Nhà văn trẻ
  • Cuộc điện thoại bất ngờ - Truyện ngắn Hoàng Thị Hiền

Cuộc điện thoại bất ngờ - Truyện ngắn Hoàng Thị Hiền

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
862 lượt xem

Tôi làm bảo vệ ở Trường Tiểu học Hoa Mai. Công việc này được ưu ái nhiều về thời gian. Tôi chỉ bận rộn lúc học sinh đến trường và giờ tan lớp.

Sau tiếng trống báo hiệu vào tiết học, tôi cho đôi mắt được tự do quan sát khắp sân trường, nhà để xe, con đường tấp nập ngoài cánh cổng sắt…

Thực hiện dự án đổi mới trang thiết bị dạy học trong nhà trường nhằm cải thiện đời sống, học tập cho các cháu, đầu năm nay, Trường Tiểu học Hoa Mai được lắp đặt bốn ca-bin điện thoại phục vụ miễn phí cho học sinh tranh thủ giờ ra chơi gọi điện thoại về cho gia đình.

Chỗ lắp ca-bin nằm đối diện phòng bảo vệ và tôi cũng để mắt thường xuyên khi các cháu ra xếp hàng chờ tới lượt của mình. “Cậu nói gì với mẹ cậu thế?”. Một cô bé có mái tóc xoăn hỏi bạn. “À, môn Toán tớ được cô giáo khen. Bố mẹ tớ đi du lịch trong Huế, khi nào về sẽ mua thật nhiều quà cho tớ”. Cậu bé hồ hởi. Chuyện của trẻ con phong phú và buồn cười. Tôi thấy vui vui, quên bẵng đi ý định cưa cẩm mấy cô gái văn phòng nhàn rỗi dạo Facebook.

Dạo này, có một cậu bé kì lạ khoảng tầm học lớp hai, lớp ba khiến tôi chú ý. Tiếng trống vang lên, mọi người thi nhau chạy ra ca-bin chiếm chỗ đầu để gọi điện sớm thì cậu ta lững thững bước theo sau. Cậu không xếp vào hàng mà ngồi ở ghế đá, xoay lưng về phía tôi và chăm chú nhìn các bạn hoa chân múa tay trong tấm kính trong suốt.

Một tuần, hai tuần, tôi đều thấy cậu bé ngồi đấy, khuôn mặt không tỏ vẻ gì buồn bã. Điều đó làm tôi tò mò. Một hôm, tôi lân la hỏi chuyện cậu bé: “Này cháu, ngồi đây chờ thì bao giờ đến lượt mình gọi điện kia chứ?” Cậu bé nhìn tôi từ đầu đến chân, cúi đầu chào và buông một câu gọn lỏn: “Cháu không biết gọi điện thoại ạ. Và cũng không biết kể chuyện gì vui để khoe”.

Đôi mắt cậu lại chuyển sang dán vào ống nghe.Tôi suýt phì cười vì thái độ “ ông cụ non” ấy. “Chắc cháu bị cô giáo phạt vì lười học nên không dám gọi về cho bố mẹ chứ gì? “Cháu học giỏi. Cô giáo khen thế”. “Vậy cháu không gọi điện sao lại ra đây?” “Cháu không biết gọi cho ai”.

Cậu bé nhìn sang tôi. Cái mặt búng ra sữa ấy chắc hẳn con cháu nhà giàu có, được chăm bẵm đầy đủ. Tôi nhún vai, lắc đầu tỏ ý không hiểu. Cậu bé nói tiếp: “Bố mẹ cháu vừa có em bé, ông bà nội thì về quê. Ở nhà không có ai nhấc điện thoại”.

Ồ, thì ra là vậy. Nhưng tại sao cậu bé lại ngồi đây mỗi ngày và chú ý quan sát những gì đang diễn ra xung quanh ca-bin? Tôi đang định hỏi thì cậu bé xin phép đi về lớp. Bỏ lại đằng sau thứ âm thanh như ong vỡ tổ, tôi đi loanh quanh trong phòng mà cứ bị đôi mắt trong veo của cậu bé chiếm mất tâm trí. Thật kì lạ, cậu ta ra đấy làm gì?

Chuyện đó không kéo dài được bao lâu. Một ngày nọ, trời đổ mưa giữa buổi. Sân trường thưa thớt người đi lại. Tôi thấy cậu bé cầm chiếc ô, rảo bước đến trước cửa ca-bin. Cậu đứng đấy một hồi và đẩy cửa bước vào. Từ phòng trực, tôi trông rất rõ cậu bé nhấc tai nghe và bấm số.

Cậu nói chuyện khá lâu và đi ra. Không có ai xếp hàng. Cậu bước nhanh về lớp học của mình. Bỏ lại trên nên xi măng xác lá vàng trôi dạt theo dòng nước. Tấm áo trắng dưới chiếc ô khuất dần sau hàng hoa cảnh. Hôm sau, cậu bé lại ra. Cậu ngồi trên ghế đá. Tay mân mê chiếc bút chì và quyển sổ nhỏ xíu. Tôi tới bắt chuyện: “Cháu còn nhớ chú không?” “Có ạ”. Cậu bé tỉnh queo trả lời.

Tôi gợi ý: “Cháu bảo không biết gọi cho ai, vậy hôm qua, cháu đã gọi điện về nhà?”. “Đúng ạ, chú muốn biết?” “À đương nhiên, cháu chia sẻ hay không thì tùy. Chú rất quan tâm đến cháu”. “Cháu gọi điện cho mẹ”. “Chắc em bé đi nhà trẻ rồi?” “Không, bố mẹ cháu vẫn phải trông nó ngoài bệnh viện. Nó mới được ba tháng chú à”. “Cháu gọi cho mẹ làm gì?” “Hôm qua là sinh nhật của mẹ cháu, cháu có quà tặng mẹ”.

Tôi xoa đầu: “Một cậu bé ngoan!”. “Cháu không ngoan đâu”. Cậu bé nhìn xuống đất. “Trong lớp, các bạn không có ai chơi cùng cháu. Họ toàn trêu chọc và đánh cháu thôi. Bố cháu rất nhiều tiền, nhà lúc nào cũng đông khách và cháu không thiếu một thứ đồ chơi nào. Nhưng, cháu chỉ có một mình”.

Tôi quan tâm nhiều tới thông tin bệnh tự kỉ ở trẻ em vì em gái tôi cũng từng rơi vào hoàn cảnh bi đát đó. Nó chỉ thích ngồi một mình trong góc phòng, thi thoảng cười mỉm với cây cỏ. Mọi người làm gì, nó không chú ý đến. Bù lại, nó rất thông minh.

Cậu bé này chẳng nhẽ đang có vấn đề về sức khỏe như em gái tôi? Gia đình có người mắc bệnh tự kỉ rất vất vả vì thời gian điều trị bệnh kéo dài, phải kiên trì theo đuổi liệu trình điều trị đăc biệt thì bệnh nhân mới trở lại bình thường. Đáng trách, một số bậc làm cha làm mẹ mải mê kinh doanh, buôn bán, lo thăng quan tiến chức mà quên mất các con đợi mình ở nhà.

Chúng rất cần được lớn dần lên qua những câu chuyện cổ tích, lời ru của mẹ, cùng học, cùng chơi, khám phá thế giới trẻ thơ. Chúng cần được đôi tay rắn chắc của bố bế bổng lên trời, nhìn thấy cánh đồng cỏ xanh rộng lớn hơn, dạy cho chúng tự vệ sinh cá nhân, anh chị em nhường nhịn, hòa đồng bạn bè.

“Cháu chỉ có một mình” nghĩa là trong căn nhà rộng lớn ấy cậu bé đã ý thức được sự cô độc của bản thân. Cậu bé chịu nói chuyện với tôi - một tín hiệu đáng mừng để cậu có thể hòa nhập trở lại môi trường giao tiếp, nên tôi nghĩ rằng mình cần phải trở thành người bạn tin cậy của cậu bé.

Tôi vỗ lên vai cậu bé và bảo: “Khi nào ra chơi, nếu cháu cho phép, chú sẽ ra đây gặp cháu thường xuyên. Có ai bắt nạt cháu, cứ mách chú”. Cậu bé nhìn tôi, lắc đầu: “Ai cũng nói với cháu như thế. Và họ toàn lừa dối hết. Cháu không tin ai nữa đâu. Thậm chí, bố cháu cho cháu đến bệnh viện để xem cháu có bị bệnh không. Cháu bình thường”.

Tôi toát mồ hôi vì sợ cậu bé có đôi mắt thần đọc hết suy nghĩ ban nãy của mình. Cậu bé nhíu mày: “Chẳng ai yêu cháu đâu, chỉ có mẹ thôi”.

Tôi cười: “Cháu cũng biết mẹ đang ở bệnh viện với em bé rồi mà. Làm anh khó đấy, phải người lớn cơ.” “Đấy là mẹ kế. Mẹ cháu ở xa lắm. Bố mẹ cháu đã bỏ nhau. Mẹ khóc rất nhiều khi không thể đưa cháu đi cùng. Và bố lấy vợ mới.

Ông bà nội đưa cho cháu số điện thoại này dỗ dành mỗi khi cháu khóc: Mẹ Bin à, Bin ngoan rồi nhé! Khi nào mẹ đi làm mua được nhà tầng, sắm ô tô thì đến đón Bin đi chơi công viên nhé!. Bà gọi như thế, cháu học theo và thuộc cả số điện thoại. Số điện thoại là ngày sinh nhật của mẹ: 01234270777, chú thấy có dễ thuộc không ạ? Hễ bà nhắc đến gọi điện cho mẹ là cháu nín”.

Tôi cảm giác như có cục nghẹn mắc ở cổ. Bé tí thế này mà đã phải đợi chờ một điều mơ hồ do người lớn vẽ nên sao? Mẹ cậu bé có về hay không, ai mà đoán được. Tôi thấy mình may mắn chán khi sinh ra trong gia đình hạnh phúc. Nơi phương trời xa, người phụ nữ bất hạnh ấy có biết không ánh mắt trông mong từng ngày của đứa con bé bỏng.

Chị ta có thể đang vui trong cuộc tình mới như người chồng cũ của chị ta. Hoặc đang mải mê kiếm thật nhiều tiền để quay lại đón con trai như người bà nói. Nhưng tôi không dám tin, cậu bé ngây thơ ấy lại có đôi mắt buồn đến thế.

Tôi gắng tìm những từ thật vui để kéo cậu bé lại gần mình: “Mẹ cháu sẽ về thôi. Chú đoán chắc, bà sẽ rất hạnh phúc khi nghe con trai chúc mừng sinh nhật! Cháu xem, chú chưa được ai tặng quà cho bao giờ đấy. Nếu biết cháu tài như thế chú sẽ đánh ô tô đưa cháu ra công viên chơi tẹt tèn ten. Mẹ cháu về trông thấy sẽ ngạc nhiên và bảo: Cu Bin ngoan của mẹ giờ có cả tài xế riêng kia đấy! Chào và cảm ơn anh tài xế của nhà vua tí hon nhé!”.

“Chú ơi, tẹo nữa có bài kiểm tra môn Toán, cháu phải vào lớp ôn lại bài đây, chào chú ạ! Mai, cháu ra đây với chú”. Cậu bé đứng dậy, bước đi. Được một đoạn, như sực nhớ ra điều gì, cậu bé quay lại, đứng trước mặt tôi, đôi mắt trong veo ngước nhìn tôi và nói: “Chú đưa cháu đi công viên thật chứ?”.

Tôi gật gật đầu. Cậu bé nhìn tôi rồi cúi xuống: “Cháu sẽ đợi chú ở cổng trường vào sáng thứ Bảy. Nhưng, chú ơi, mẹ cháu không thể tới cảm ơn chú được đâu. Bởi vì, mẹ cháu bây giờ đang ở trên thiên đường. Bây giờ, chỉ có cháu là nhớ ngày sinh nhật của mẹ thôi. Cháu tiết lộ bí mật cho chú món quà cháu tặng mẹ là bài hát: “Gặp mẹ trong mơ”. Cháu tập hát mãi mới học thuộc và hôm qua cháu đã hát vang trong ca-bin, cháu hát tới hai lần cơ, chú ạ. Mẹ cháu chắc vui lắm”.

Cậu bé quay đầu chạy về dãy nhà ba tầng mới xây màu vàng. Tôi đánh những tiếng trống nặng nề xoáy vào lồng ngực. Tự nhiên, tôi thấy từng giọt nóng hổi rơi xuống cánh tay mình.

Theo Hoàng Thị Hiền/ Báo GDTĐ

Bài viết liên quan

Xem thêm
“Giữa đời may rủi” – Truyện ngắn Võ Đào Phương Trâm
Những phận đời ngơ ngác giữa con đường mênh mông, ngỡ mênh mông mà lại chật hẹp đến không còn khoảng trống để thở một tiếng thở nghe cho trọn vẹn. Mặt sóng vẫn lấp đầy, đẩy đưa chìm nổi, và người ta vẫn cứ đi, mộng mị đến rã rời!....
Xem thêm
Nàng Sói – Truyện ngắn của Anna Maria Stępień, Ba Lan.
Võ Chí Nhất dịch từ nguyên bản tiếng Anh,She Wolf của Anna Maria Stępień, Ba Lan.
Xem thêm
Trong lời mẹ hát | Thơ in sách giáo khoa và lời bình
Bài thơ Trong lời mẹ hát được đưa vào giảng dạy ở sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8
Xem thêm
“Một ngày từ bên trong” - Tác phẩm đạt giải thưởng của cô gái 16 tuổi
Tập thơ “Một ngày từ bên trong” của tác giả trẻ Trần Phú Minh Anh, bút danh Minh Anh sinh năm 2007 được trao Giải A của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023. Tập thơ được bán với giá 200 ngàn đồng.
Xem thêm
Sơ - Lốc - Hôm mặc váy - Truyện ngắn Võ Chí Nhất
Hắn giật thót người khi nghe tiếng con Shushi sủa váng lên khiến bà già chủ nhà lên tiếng nhắc chó cưng rồi rời bàn viết.
Xem thêm
Chùm thơ Bùi Xuân Mẫn
Nhận thấy mình tin chắc thế nàovề một chuyện duy nhấtmà không thể chứng minhLập lòe sáng tối do ánh lửa
Xem thêm
Giới thiệu chân dung thơ Phạm Tiến Triều
Người cầm bút phải có sứ mệnh mang văn hóa của dân tộc mình đến với mọi người. Bởi xét đến cùng, cội rễ của thơ ca phải xuất phát từ ngọn nguồn văn hóa của dân tộc mình sinh ra. Dòng chảy ấy là bất tận. Nhà thơ phải biết hòa điệu giữa dòng chảy văn hóa dân tộc với điệu hồn cảm xúc của cá nhân mình. – Quan niệm văn chương Phạm Tiến Triều
Xem thêm
Đừng xem đó là bẫy – Truyện ngắn Võ Chí Nhất
Anh chàng cẩn thận ngồi vào bàn và nhìn bà Lan Chi với ánh mắt biết ơn khi bà mang khay bánh rán vàng ruộm chầm chậm bước về phía mình. Anh ta xoa cái bụng bí đau sau lớp vải áo sơ mi mới toanh, ra vẻ thèm ăn để làm bà vui vì sắp được thưởng thức hương vị bánh rán mới mà bà cất công làm từ sáng sớm.
Xem thêm
Thơ Trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI - Những tìm tòi và thử nghiệm
Đặt vấn đề thơ Trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX
Xem thêm
Nước mắt mùa đông – Tản văn của Đặng Thùy Tiên
Mùa đông ở miền núi Tây Bắc, cái rét không ngòn ngọt như mạn Đông Bắc mà mằn mặn đanh đanh. Cây cối vào mùa đông chịu cái rét thấu, sáng sớm sương muối tích tụ từ đêm giữ lại cái rét trong những hạt trắng nhỏ li ti, treo mình trên từng tán lá, ngọn cỏ, cành cây. Sương muối không bỏ qua cái ngóc ngách nào của rừng núi, kể từ cái mạng nhện, những sợi tơ mỏng manh bình thường lẫn vào với không khí chẳng thấy đâu, vậy mà lúc này bị sương muối làm cho lộ diện hoàn toàn cả cấu trúc của mình.
Xem thêm
Bể dâu lành lặn | Chùm thơ của Mạc Tường Vi
Lặng lòng mắt ước xăm xaBể dâu lành lặn người ta phương nào
Xem thêm
Thơ Cỏ Ba Lá
Chiều bắt dế ven đê cùng lũ bạnTiếng sáo diều thủng thẳng ở lưng trâuĐôi chân trần làn da cháy đen nâuPhong phanh áo mưa ngâu trời trở gió
Xem thêm
Cảm thức nguồn cội trong ‘Chín nhánh da vàng’ của Khét
Văn học không chỉ phản ánh mà còn đồng hành và kiến tạo cuộc sống. Chính vì thế, những dòng chảy văn học luôn được nuôi dưỡng, tiếp nối và bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi người nghệ sĩ tài năng sẽ ghi lại dấu ấn trong lòng độc giả bằng những con đường khác nhau, tùy thuộc vào thời đại, xã hội mà họ sống trải. Thuộc thế hệ thứ ba trong lớp những nhà văn, nhà thơ trẻ ở đô thị miền Nam như: Phong Việt, Anh Khang, Phương Huyền, Trần Phi Long, Nguyễn Trần Thiên Lộc, Vũ Văn Song Toàn, Lê Thùy Vân… Khét (Trần Đức Tín) là một gương mặt quen thuộc trên nhiều diễn đàn mạng và tạp chí Văn học từ địa phương đến trung ương. Anh để lại ấn tượng trong lòng độc giả bởi một bút lực dồi dào, sung sức và một hồn thơ chân chất, mộc mạc, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống đương đại. Điều này thể hiện rõ nét qua ba tập thơ đã xuất bản trong ba năm liên tiếp: Rồi mình cũng xa lạ nhau (2018), Mình mắc cạn vào nhau (2020), Ở đậu trong nhau (giải thưởng Hội nhà văn Tp. Hồ Chí Minh 2021). Tập thơ mới nhất của anh Chín nhánh da vàng (2022) đã cho thấy một hình ảnh Khét trầm tĩnh, suy tư sâu sắc hơn với cảm thức ý hướng về nguồn cội mạnh mẽ xuyên suốt cả tập thơ.
Xem thêm
Chùm thơ Trương Mỹ Ngọc
“Nếu ác quỷ không có trên đời, cái ác biết đổ cho ai?// Loài người văn minh chưa từng nhận đã đốt rừng/ Chưa từng nhận đã tàn sát chó mèo, cỏ cây, muông thú// Nhiều người thậm chí ra tay với cả đồng loại của mình/ Loài người ngợi ca sự văn minh/ Nhưng lại thỏa hiệp với những con “người” trong lòng có quỷ…”
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Võ Chí Nhất
Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất hiện nay vẫn là hội viên trẻ tuổi nhất của Hội Nhà văn TP.HCM.
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Nguyễn Trần Khải Duy
Nhà thơ trẻ Nguyễn Trần Khải Duy sinh năm 1995 tại Bình Định.
Xem thêm
Đại biểu nhà văn trẻ: Nguyễn Đình Minh Khuê
Chạm vào cái thực - tiểu luận của nhà văn trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê.
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Trần Đức Tín
Nhà thơ trẻ Trần Đức Tín là một trong 22 đại biểu TPHCM tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng ngày 18-19/6.
Xem thêm
Nhà văn trẻ Nguyễn Anh Nhật
Nhà văn trẻ Nguyễn Anh Nhật sinh năm 2000
Xem thêm