- Nhà văn trẻ
- Đọc “Trong lòng Chi Nâm” của Li Phan
Đọc “Trong lòng Chi Nâm” của Li Phan
Cổ Trấn
“Trong lòng Chư Nâm” là tập truyện ngắn mà tác tác giả Li Phan vừa cho ra mắt bạn đọc. Tập truyện này gồm 11 truyện ngắn, do nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành. Những câu chuyện trong cuốn sách này do chị mới sáng tác, có những truyện ngắn đạt giải A và giải B trong các cuộc vận động sáng tác Bộ Công an phát động.
Tác phẩm Trong lòng Chư Nâm
Ngay từ truyện đầu tiên trong tập truyện, chị đã phác họa thành công khung cảnh của núi rừng Tây Nguyên: “Già Y Man ngồi bặp bặp điếu thuốc rê, thả mấy làn khói tan vào không khí” hay “cái sân nhà rông hôm nay chật ních người”… và “ché rượu cần với thịt treo gác bếp” để câu chuyện trở nên cuốn hút vì đó là không khí nền của hầu hết những câu chuyện mang âm hưởng sử thi và cảm hứng lãng mạn đặc trưng của những câu chuyện về núi rừng Tây Nguyên. Ở đó có những người biết sống vì cộng đồng và yêu thiên nhiên, mặc dù, có khi người làng cũng vu vơ: “Tới cướp đất, cướp ruộng”, bởi “…họ nghi kỵ những kẻ ngoại tộc sẽ phá vỡ đi những gì họ tôn thờ và trân trọng” cho dù người đó có là ai đi nữa. Vì khi chạm đến rừng như là động vào gan ruột. Rừng cũng như là thiên nhiên xuất hiện ở hầu hết những trang văn của tác giả Li Phan. Có lẽ, do trưởng thành từ vùng đất Gia Lai nên chị càng thêm yêu quý quê hương của mình nên đã viết nhiều những câu văn miêu tả rất hay, “chiều tàn thả sợi nắng mong manh…”, “những vạt hoa dã quỳ rực rỡ sắc vàng”… làm cho câu văn trở nên sáng hơn.
Tác giả Li Phan sống tại Gia Lai
Con người trong truyện của tác giả Li Phan có cá tính mạnh mẽ, là những công dân có lòng yêu nước, trách nhiệm, mang dáng dấp của những chú bộ đội, những anh cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ chống bạo loạn. Trong truyện “Rồi ngày nắng đẹp…” Li Phan xây dựng hai nhân vật tương phản nhau là Huy và Lui. Cả hai cùng nhau lớn lên trên trong một ngôi làng, họ“đi trên những bờ ruộng lô nhô kể về hoài bão và ước mơ” nhưng khi trưởng thành thì mỗi người mỗi hướng đi. Huy mong muốn trở thành anh cán bộ thôn làng gì đó, nhưng thứ ước mơ nuôi lớn bằng tình yêu với làng với dân tộc đã biến anh thành một chiến sĩ cảnh sát cơ động. Để rồi sau đó, anh quay về chính ngôi làng đã sinh ra mình làm nhiệm vụ, sau đó cũng chính anh đã còng tay thằng bạn thân nhất của mình là Lui vì hắn tham gia nhóm bạo động đánh vào chính quyền.
Một nhân vật cần được nhắc tới nữa là anh bộ đội Hải đã từng hứa hẹn với người anh yêu rằng sau khi đất nước giành độc lập, họ sẽ về sinh sống tại làng, sẽ dựng một căn nhà nhỏ, sinh mấy đứa con sống thật bình yên và hạnh phúc. Nhưng một lần nọ, địch tập kích, cô gái cùng đồng đội hy sinh. Chiến tranh kết thúc, anh bộ đội Hải xin về làm anh cán bộ cơ sở bám làng, rồi thành anh cán bộ hội nông dân, khi làm anh công tác đoàn… cũng chỉ để trả nợ núi sông, cho “mảnh linh hồn cô gái tan vào núi” nọ được an ủi, được ngày ngày trông thấy người mình yêu tất bật chăm lo cho làng, cho nước. Và không lâu sau đó, anh cũng theo linh hồn cô gái tan vào núi. Hình ảnh này khiến tôi nhớ đến hai cây ô liu thân gỗ xoắn vào nhau mọc ở vùng đất đầy nắng gió Puglia. Những đường vân gỗ, những nốt sần và những cành lá uốn lượn vào nhau tạo nên một bức tranh tự nhiên đầy xúc cảm. Người ta thường gọi nó là “cặp đôi ô liu hôn nhau”, trở thành một trong những biểu tượng đẹp nhất vùng đất này, nhắc nhở ta về tình yêu, sự gắn kết và sức mạnh trường tồn của thiên nhiên.
Một điểm nhấn nữa trong cuốn sách nhỏ này là sự tương quan giữa con người và thiên nhiên, đến độ gần gũi cực hạn, “…nuôi lớn một đứa trẻ chẳng đơn giản như chăm một thân cây”, “Thác Đok vẫn vậy, đầy muỗi và chẳng có gì để thu hái”… hay “chạm đến rừng như là động vào gan ruột” chẳng hạn.
Văn của tác giả Li Phan hiền hòa, trôi chảy, đôi lúc kịch tính. Cấu trúc truyện hài hòa nhưng nhân vật trong truyện có vẻ kiệm lời. Nhưng nếu nói theo lời của nhà văn Nguyễn Trí thì tác giả trẻ này luôn cười và tiếng cười rất giòn. Thế nên không có lý do gì mà chị ấy không dựng nên những nhân vật cười nói thật nhiều ở những tác phẩm sau.
C.T