TIN TỨC
  • Nhà văn trẻ
  • Thơ Trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI - Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ Trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI - Những tìm tòi và thử nghiệm

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng: 2023-07-31 17:32:14
mail facebook google pos stwis
1368 lượt xem

1. Đặt vấn đề thơ Trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ những người cầm bút đa số sinh sau 1975, họ có tuổi đời trên dưới 40, có sáng tác và thành danh từ những năm 2000 tới nay như Lê Thiếu Nhơn, Vi Thùy Linh,  Phùng Hiệu, Bình Nguyên Trang, Ly Hoàng Ly, Trần Lê Nguyên Vũ, Trần Võ Thành Văn, Trang Thanh, Nguyễn Quang Hưng, Đoàn Văn Mật,  Nguyễn Phong Việt, Ngô Thanh Vân, Ngô Thúy Nga, Lê Hưng Tiến,Nguyễn Phong Việt, Hoàng Anh Tuấn, Lữ Mai, Đồng Chuông Tử, Trần Đức Tín, Phạm Vân Anh, Trương Trọng Nghĩa, Ngô Thị Hạnh, Trần Lê Sơn Ý… Họ đều là những nhà thơ có những tìm tòi, thử nghiệm và có những đóng góp nhất định với văn học, được ghi nhận qua những giải thưởng của Hội nhà văn cũng như nhiều các cuộc thi thơ của các tổ chức chính trị- xã hội. Bên cạnh đó, ở các địa phương cũng có một đội ngũ người viết trẻ rất đông đảo, họ cũng được ghi nhận với nhiều tìm tòi, thử nghiệm và mang đến sự đa dạng, phong phú cho thi đàn như các tác giả Bùi Việt Phương, Tịnh Bình, Trần Huy Minh Phương, Trần Văn Lợi, Trần Xuân Trường, Nguyễn Văn Song, Lê Thành Văn, Huỳnh Thị Quỳnh Nga, Trần Thùy Linh, Nguyễn Việt Nga, Bùi Thụy Đào Nguyên, Vân Phi, Tâm An, Bùi Thị Nhài, Cầm Thị Đào, Vũ Tuyết Nhung…

20 năm đầu thế kỷ XXI cũng là giai đoạn đất nước có những chuyển biến quan trọng về văn hóa, kinh tế, xã hội cùng với đó là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, intenet, các mạng xã hội, báo chí, xuất bản, in ấn… phát triển cũng góp phần cho đời sống văn học phát triển nhất là văn học trẻ. Bên cạnh đó, nhiều các diễn đàn văn nghệ, các trại sáng tác, các cuộc thi thơ, các nhóm bút… cũng đã góp phần không nhỏ trong việc phát hiện những tài năng thơ ca trẻ. Sự hình thành một đội ngũ đông đảo của các nhà thơ, các tác giả trẻ góp phần cho sự đa dạng của nền văn học Việt Nam đương đại cũng như thể hiện một đời sống tinh thần phong phú. Việc nhìn nhận, đánh giá lại chặng đường đã qua là rất cần thiết để chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn về thơ trẻ.

2. Tình yêu quê hương, đất nước trong thơ của các nhà thơ trẻ

Cũng như các giai đoạn trước, mảng thơ về quê hương, Đất nước vẫn chiếm số lượng lớn hơn nhưng với cách cảm nhận đầy tươi mới. Đó là Đất nước với sự chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như tiếp tục phát huy những thành tựu của thời  ki  đổi mới từ hơn một thập kỉ trước. Đó là Đất nước với bề dày văn hóa, lịch sử, có truyền thống bất khuất, kiên cường nhưng cũng có nhiều những thách thức, khó khăn đang phải đối mặt. Bên cạnh đó là sự đổi thay của làng quê trong cơ chế thị trường cũng như đô thị hóa với cả mặt tích cực và tiêu cực. Tất cả những vấn đề đó đều được các nhà thơ trẻ hôm nay quan tâm đề cập trong nhiều tập thơ, bài thơ của các cây bút trẻ như Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Quang Hưng, Đoàn Văn Mật, Trương Trọng Nghĩa, Phạm Vân Anh…  Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng với hành trình hơn hai mươi năm cầm bút đã đóng góp cho nền thơ đương đại một lượng tác phẩm khá lớn cùng sở hữu những giải thưởng đáng nể với một người trẻ: Vườn ánh sáng, thơ, NXB Hội nhà văn;  Mùa Vu Lan, thơ, NXB Hội nhà văn; Nước non mặt biển, trường ca, NXB Lao động; Chia ngũ cốc, NXB Hội nhà văn;  Cột mốc trong người, thơ, NXB Quân đội nhân dân; Gió ngũ sắc, thơ, NXB Văn học. Anh cũng đạt được nhiều giải thưởng: Giải Nhì cuộc thi “Thơ ca và nguồn cội”, làng Chùa 2016 – 2017, Giải Nhì cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ quân đội 2015 – 2016, Giải Khuyến khích văn học nghệ thuật của Bộ quốc phòng 5 năm 2014 – 2019, giải Nhì về biển đảo- biên giới năm 2020 với trường ca Nước non mặt biển cùng nhiều tập tản văn cũng đẫm chất thơ.  Thơ Nguyễn Quang Hưng rất giàu cảm xúc, đẫm hơi thở cuộc sống đương đại, luôn là tiếng nói trách nhiệm trước vấn đề cuộc sống, về chủ quyền biên giới, biển đảo. Ẩn sâu dưới mỗi dòng thơ, con chữ là những vỉa tầng trầm tích văn hóa ngàn đời của quê hương, đất nước. Đó là những vần thơ về Ba Vì, Kinh Bắc, Hà Đông, Thăng Long…

Nơi này nghìn năm vỡ trời nắng chói
Nơi này vạn năm tầng không biếc xanh
Phả vào lớp lớp mặt đá rỗ
Xếp lên nhau gân guốc những đời người

Người lên đây như đang ngược nguồn
Bước vào rừng thênh thang hoang thú
Trôi đi tan loãng như sương khói
Nghe gọi tên mình trong tiếng chim

                                           (Hướng Ba Vì)

Những vấn đề lớn của đất nước, chủ quyền biển đảo, biên giới luôn được các cây bút trẻ quan tâm với nhiều cách nhìn, cách tiếp cận khác nhau, đem lại cho nền thơ ca đương đại những tiếng nói công dân đầy trách nhiệm: Lùa căng vồng ngực đất nâu/ Ai ra phía sóng bạc đầu/ Trên vai đỡ cả xa sau tìm về (Nước non mặt biển - Nguyễn Quang Hưng). Nguyễn Quang Hưng suy ngẫm về chủ quyền từ nơi dọc dài biên giới để rồi tự nhận ra: Đường chủ quyền đâu chỉ dọc biên giới/ Mỗi chúng ta mang cột mốc trong người (Cột mốc trong người).

Vấn đề trách nhiệm công dân của giới trẻ cũng được nhà thơ Đoàn Văn Mật đặt ra một cách nghiêm túc trong rất nhiều bài thơ của anh trên các báo, tạp chí trong những năm qua. Thơ Đoàn Văn Mật như truyền đến người đọc những cảm hứng truyền thống về Đất nước, con người, cuộc sống nhưng với một tinh thần mới mẻ, mang hơi thở của đời sống đương đại: Tuổi hai mươi chúng ta nhiều khao khát/ những giấc mơ chưa dừng lại bao giờ/ tuổi hai mươi chúng ta còn quá trẻ/ để nghĩ cuộc đời phía trước lớn lao hơn/ để nghĩ ngày mai đứng giữa Sinh Tồn/ cùng hát vang bài ca đất nước (Sóng trầm biển dựng - Ðoàn Văn Mật). Nhìn từ chiều dài thời gian, Ðoàn Văn Mật cảm nhận Đất nước như một bè trầm, các thế hệ nối tiếp nhau để bảo vệ chủ quyền: Đất nước ngàn năm vang khúc bè trầm/những mộ gió mọc lên dài mãi/những thân xác vẫn không thôi nằm lại/chụm nhau vào, kê đảo thêm cao(Đất nước bè trầm).

Trong số các nhà thơ trẻ ở phía Nam, chúng tôi thấy những đóng góp đáng kể của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn với những đóng góp đáng kể ở cả  thơ, văn, lý luận phê bình. Nhưng trước hết Lê Thiếu Nhơn là một nhà thơ với những tìm tòi, sáng tạo mới mẻ đem đến cho thi đàn thơ đương đại những bài thơ trữ tình để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Hành trình thơ của Lê Thiếu Nhơn được đánh dấu qua các tập Bài ca phía mặt trời (tập thơ, 1997), Dốc gió (tập thơ, 1999), Phố tình riêng (tập thơ, 2003), Trong bóng người xưa (tập thơ, 2006), Bản tường trình giấc mơ đi vắng (tập thơ, 2009), Gió heo may ngày nắng gián đoạn (tập thơ, 2020). Cũng vẫn là tình yêu đất nước nhưng Lê Thiếu Nhơn có cách đặt vấn đề mới mẻ cùng những trăn trở, suy tư của người trẻ trước những vấn đề đang đặt ra:

Con lúc nào cũng yêu day dứt đất nước này
Đất nước như mẹ giản đơn và chịu đựng
Từ cổng nhà mình, con khiêm nhường bước đi
Lo ngày trở lại không còn cao thượng!

                                 (Mẹ dạy con yêu đất nước)

Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, một người con của Tiền Giang với những vần thơ quê hương sâu lắng, trữ tình cũng luôn luôn trăn trở trước những vấn đề đặt ra với quê hương, Đất nước trong hoàn cảnh mới, trước những biến động của các giá trị văn hóa truyền thống, những thay đổi của cuộc sống khi cảnh quan làng quê đang bị phá vỡ, người nông dân không còn mặn mà với ruộng đồng để Tôi đi về phía làng/ Mang lên phố những nỗi buồn ruộng rẫy… Những băn khoăn, lo lắng ấy đem đến cho con người những ứng xử khôn ngoan và tích cực nhưng trên hết vẫn là tình yêu quê hương, đất nước không hề thay đổi với những vần thơ ngọt ngào về làng quê cũng như tuổi thơ của mình:

Bên cánh võng ngày xưa tiếng mẹ ru hời
Tuổi thơ tôi gửi hồn làng giữ hộ
Vòng quay cuộc đời nghiệt ngã
Cuốn những mảnh đời lam lũ xa quê

Đàn cò về trong tiếng mẹ à ơi
Cổ tích của bà, ca dao của chị
Những mùa trăng dịu dàng xa lắm
Trong lời ru sau lũy tre làng…

Con trở về tay chạm mảnh hồn làng
Đau đáu giấc mơ trong nỗi nhớ
Đêm nghe tiếng thằn lằn tắc lưỡi
Nuối tiếc cho một thời ấu thơ…

                                            (Làng)

Đó là những hiện trạng ở các làng nghề truyền thống khi ít người nối tiếp bởi nỗi lo cơm áo cũng như khát vọng đổi đời, đó không chỉ là nỗi buồn ở một làng nghề mà còn là thực trạng ở rất nhiều làng quê trong cơ chế thị trường:

Ông nói vui mà tôi nghe thật buồn
“Bây giờ cha truyền nhưng con cái chắc gì chịu nối...”
Sông càng chảy càng xa nguồn cội
Con sãi ở chùa chẳng còn quét lá đa

Những chàng trai bỏ làng lên phố
Khát cháy giấc mơ đổi đời

Những cụ già sống bằng kí ức
Nửa đêm trở dậy nhóm lửa lò
Ngày mai đất sẽ nở hoa
Hết đêm nắng lại chan hòa đấy thôi...

                                          (Viết ở một làng nghề)

Phạm Vân Anh sinh năm 1980 tại Hải Phòng, Hội viên Hội nhà văn Hải Phòng, chị là người thành công trên nhiều lĩnh như thơ văn, báo chí, phim ảnh… nhưng trước hết là nhà thơ đầy nữ tính với các tập Tôi chào tôi (tập thơ, NXB Hải Phòng), Mùa tình (tập thơ, NXB Hội Nhà văn), Góc (NXB Hội Nhà văn, 2009), trường ca Sa mộc (NXB Lao động, 2016)… cùng nhiều giải thưởng Giải thưởng: Giải thưởng dành của Uỷ ban toàn quốc các Hội LHVHNT Việt Nam năm 2005 cho tập thơ Tôi chào tôi, Giải Tư cuộc thi thơ và truyện ngắn năm 2005 của tạp chí Cửa Biển, Giải ba thơ (không có Nhất, Nhì) cuộc thi thơ do Hội nhà văn Việt Nam và TW Hội chữ thập đỏ phối hợp tổ chức.  Suy ngẫm về Đất nước trong thơ Phạm Vân Anh là những suy ngẫm về lịch sử, về thời đại để từ đó thêm tự hào và tin tưởng vào Đất nước: "Căn cớ gì mà trầm mặc cố đô ơi/ Cứ lãng đãng hồn lau/ Cứ rêu phong cổ mặc/ Bao vương triều định đô trong hưng mạt/ Dậy sóng ba quân quyết tử trước bệ rồng/ Được mất của người xưa đâu dễ luận bàn/ Vận nước thế cờ chiều tay người khởi nghiệp/ Luận anh hùng há chỉ vin thành bại…? (Bình yên Hoa Lư) và vẫn một niềm tin sau mưa nắng lại chói bừng "Tổ quốc tôi mạnh mẽ hồi sinh/ Giông bão mang đi những rác rưởi bất tài/ những đớn hèn mục ruỗng/ tái tạo sinh lực cho đất mẹ/ sung mãn tràn trề/ Tre già cho măng ấm bụi/ Rừng lại lên xanh" (Bài ca mặt trời).

Có thể nói tình yêu quê hương, Đất nước trong thơ của các nhà thơ trẻ cũng là dòng chủ lưu trong nền thơ đương đại, thơ trẻ đã tiếp nối các thế hệ trước và có những bước phát triển mới được ghi nhận. Sự phong phú, đa dạng ấy còn thể hiện trong rất nhiều các tác phẩm của các nhà thơ trẻ mà trong khuôn khổ bài viết chúng tôi chưa đề cập hết.

 

3. Thơ tình yêu, thế sự, đời tư trong thơ trẻ

Thơ tình  cũng là một thành tựu nổi bật của thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI với những tên tuổi như Lê Thiếu Nhơn, Trần Võ Thành Văn, Đồng Chuông Tử, Trần Đức Tín, Lê Thành Văn, Bùi Việt Phương, Lê Hưng Tiến, Trần Xuân Trường đặc biệt với sự xuất hiện của đông đảo các cây bút nữ với những giọng thơ ấn tượng, thu hút sự quan tâm của độc giả trong đời sống văn chương đang bị xâm lấn bởi các loại hình giải trí khác. Thơ nữ cất lên như một luồng gió mới với những tên tuổi Vi Thùy Linh, Trang Thanh, Bình Nguyên Trang, Ly Hoàng Ly, Nguyệt Phạm, Ngô Thanh Vân, Ngô Thị Hạnh, Trần Lê Sơn Ý, Lữ Thị Mai, Huỳnh Thị Quỳnh Nga, Nguyễn Thị Việt Nga, Trần Thùy Linh…

 Trong số các nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh là gương mặt thơ nữ tiêu biểu, chị được coi là “hiện tượng Vi Thùy Linh” từ những năm 2000, hành trình thơ Vi Thùy Linh được đánh dấu qua những tập: Khát (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 1999), Linh (Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 2000), Đồng Tử (Nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2005), ViLi in love (2008), Phim đôi - Tình tự chậm (2011), tập thở nổi tiếng "đắt nhất Việt Nam", Chu du cùng Ông nội (2011)… Thơ Vi Thùy Linh được coi là “bạo động chữ” (Văn Giá) khi chị đem lại cho ngôn ngữ thơ những mã nghĩa mới mẻ, những sáng tạo, cách tân độc đáo về tình yêu, nhục cảm. Những vấn đề nữ quyền luận, ái quyền xuất hiện dày đặc trong các tập thơ với một tinh thần hiện đại, mới mẻ đem lại cho thơ ca đương đại những luồng gió mới:

về đi anh

Cài then tiếng khóc em bằng đôi môi anh

Đưa em vào giấc ngủ nồng nàn, quên đi những đêm chập chờn, trĩu nặng

Ngày nối ngày bằng hi vọng

Em là người dệt tầm gai…

                                         (Người dệt tầm gai)

Anh tô son môi em chín chín lần trong một buổi tối bằng môi anh

Điệu Samba thôi miên mùa thu

Rượu Bohème đổ không biết cạn

Tha bổng mọi ưu phiền ma mị.

                                           (Bản đồ tình yêu)

Ly Hoàng Ly sinh năm 1975, là nhà thơ, hoạ sĩ, tác giả của nhiều triển lãm sắp đặt và trình diễn. Tập thơ Cỏ trắng của chị ra đời năm 1999 từng đoạt giải Mai Vàng của báo Người lao động, tập Lô lô (2005) từng đạt giải thưởng Hội nhà văn nhưng chị từ chối nhận giải, chị từng đạt giải nhất thi thơ báo Tuổi trẻ. Thơ Ly Hoàng Ly nữ tính mà mạnh mẽ, bạo dạn khi viết về nhục cảm, bản năng tuy nhiên chị biết tiết chế cảm xúc trong thơ mình để không chìm đắm trong đó mà vươn lên khát vọng tình yêu và những điều cao đẹp. Nhiều bài thơ của Ly Hoàng Ly có những tìm tòi, đổi mới cả nội dung và hình thức thể hiện để phù hợp với bạn đọc trẻ, với sự năng động của cuộc sống đương đại, có thể kể ra Tiếng đàn đêm, Đêm của chúng mình, Mùi đêm, Mưa hát, Trầm cảm, Sợ, Cắt… thử đọc lại một số câu tiêu biểu trong số ấy:

Đêm là của chúng mình
Tình yêu thắp sáng đêm
Đêm là của chúng mình
Sao nở ngủ
hở anh.
                  (Đêm là của chúng mình)  

Mở mãi, muốn mở mãi
Mà bầu ngực vẫn trắng, không đêm.
Mở mãi, muốn mở mãi
Bầu ngực này căng đêm
Soi vào gương
bất lực và khóc
Trong vô vàn những giọt nước mắt
Một giọt đêm ứa ra từ bầu ngực trắng.
                                    (Mở nút đêm)

Cùng viết về tình yêu nhưng ở mỗi nhà thơ nữ thời kỳ này lại có những cách thức thể hiện rất lạ, rất riêng nếu Nguyệt Phạm mạnh mẽ, táo bạo với Mắt giấy, Phơi riêng tư thì Ngô Thanh Vân lặng lẽ trở về những ẩn ức đêm đầy ma mị, đêm của hò hẹn, kiếm tìm, gặp gỡ, khao khát, khoái cảm… Đọc thơ đêm của Ngô Thanh Vân như được trở về với bản thể nguyên sơ, ngỡ gặp  của thuở Adam và Eva trên vườn Địa đàng:  Bức tranh đêm - anh vẽ miền hoang sơ cổ tích - bằng mắt môi, hơi thở nồng nàn - lồng lộng đàn ngựa hoang tung vó - ngả nghiêng một cõi nhân gian! (Vũ khúc) hay những diễn ngôn của giới nữ với : “em mềm như sợi nắng - óng ả đường cong- mời gọi- hoá thân thành người con gái - em mơn mởn lụa là - ngà ngọc - rút ruột tằm - em lên ngôi cao hoàng hậu - che giấu mọi điều bí ẩn -rừng thiêng - núi cao - sông ngòi - khe rạch -khơi nguồn -những sợi tơ dan díu - trói buộc em với số phận con người -tinh tuý một đời -em dệt hình hài trong nỗi đau tê dại - người khoác lên em. Em khoác lên người -sợi tình mỏng manh -chạm mạnh tay sẽ đứt” (Lụa). Rồi một Ngô Thúy Nga táo bạo trong ngôn ngữ tình yêu với nhiều cung bậc trong tập thơ Nốt lặng mà vang ngân tiếng nói ái tình: Có đôi lần anh vén váy em làm gối / Ngủ vùi sau cơn say hư ảo đời người/  Đêm vẫn ngọt / Anh vẫn say / Em đi về rất vội  (Phố núi ngọt) hay rất tình với trả áo cho nhau: Ta lặng im bên nhau/ Em trệu trạo nhai bóng đêm đổ ập bên song cửa/ Đáy mắt anh rơi giữa khoảng trống hai chỗ ngồi chưa kịp ấm/ Ta trầm ngâm/  Nghe thinh không vỡ òa/ Em cởi áo mình trả áo cho anh…(Trả áo cho anh) có lúc nhận mình cuồng điên khi mang giới tính nứ: Đàn bà có khi như cơn bão/ Cuồng điên xé lòng mình đổi lấy an nhiên cho những điều không thật/ Cấu rách bản năng để nắm tay người chơi trò cút bắt/ Già mất một cuộc tình vừa bắt đầu những vết son (Ngược sáng). Rồi một Ngô Thị Hạnh đầy sáng tạo với những tập thơ có sức nặng như Rơi ngược, Vang vọng, Nắng từ những ngón chân… chị được đánh giá là gương mặt thơ nữ trẻ tiêu biểu của thàng phố Hồ Chí Minh suốt hai mươi năm qua. Đọc thơ Ngô Thị Hạnh luôn bắt gặp trong đó một người con gái da diết với khát vọng tình yêu, hạnh phúc nhưng cũng đủ tỉnh táo nhận ra hạnh phúc mong manh rồi tự cầm lòng: Em thả tình theo anh/ gió chẳng nói điều gì/ ngu ngơ rạn vỡ/ Chẳng biết làm gì cho đỡ nhớ/ bởi gặp anh rồi nhớ lại gấp ngàn xưa/ em giũ áo bao lần sao cơn khát chẳng ngủ yên?/ Với anh, em như chuồn chuồn xanh/ mỏng manh tựa sóng/ khi sóng qua rồi anh lại như xưa! (Vu vơ).

Em yêu anh như Van Gogh yêu hoa hướng dương
cả đời giông bão
nỗi trở trăn nào khiến em khát đại dương?

Em chẳng hiểu gì về những điều anh nói
những chiếc lông ngỗng vô tình dắt anh đi tới
gọi tên tình yêu
xa xăm niềm vui kề cận nỗi buồn
chỉ biết bám víu vào những ngày thơ dại
liệu có còn niềm tin?

                                  (Yêu)

Rồi một Trần Lê Sơn Ý với những bài thơ “trữ tình xã hội” với những lời thơ thô ráp của đời sống thường nhật rất gần gũi với giới trẻ, chị cũng luôn ý thức sự cách tân, sáng tạo trong thơ:

Tôi chỉ thấy quanh mình hoa mùa xuân và cỏ mật
Thôi ước làm chi một đời bất tận
Chỉ mong một ngày biết nắng tháng tư

Chẳng bao giờ tôi dám ước mơ
Được một lần sống trong đời nhau sống hết
Chỉ xin làm con phù du đơn độc
Một lần bay chạm mặt bình minh

                                 (Đồng thoại)

Trong số những gương mặt thơ nữ tiêu biểu thời kỳ này không thể không nhắc đến Bình Nguyên Trang, chị có sáng tác từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bền bỉ hơn hai mươi năm cầm bút với một gia tài văn chương và những giải thưởng đáng nể, riêng về thơ đã có các tập Lối về, Chỉ em và chiếc bình pha lê biết, Những bông hoa đang thiền, Những người đàn bà trở về. Thơ tình của Bình Nguyên Trang rất dung dị, tự nhiên, đầy nữ tính nhưng không kém da diết, mãnh liệt:

mỗi bước em đi cỏ bời bời quấn lối

níu mênh mang những buổi anh về

hoa hồng đỏ thẫm dần bóng tối

nụ hôn anh mở ra mọi chân trời

 

em ngập vào anh như loài cây ngập vào bến bãi

xanh ngút ngàn phù sa

chúng ta thành con sông tận cùng dâng hiến

mùa sinh sôi cho mặt đất thiên đường.

                                                 (Tình Yêu)

Trong nỗi gì như thương nhớ
tháng Giêng trở về đúng hẹn
em quàng khăn xuống phố
mùa trên vai

Mùa về trên vai xanh như mắt anh nhìn em
trong như mắt anh nhìn em
giọt mưa xuân tràn vào cây viết
em vẽ tình anh lên trời

Chúng mình còn nhau trong câu hát người ơi
bao duyên nợ buộc lòng sau mưa bão
sau cách chia
và ngậm ngùi cơm áo
con tim đau chiều nay bật chồi

                                                       (Tự tình tháng Giêng)

Các nhà thơ nam viết về tình yêu có khi mang nét trong trẻo, lãng mạn và khát khao như thơ của Lê Thiếu Nhơn (Ngõ về nhạt nắng, Dịu dàng ơi…), Phùng Hiệu (Ngõ thời gian, Mảnh trăng quê, Lạc bến thương yêu…), Trần Đức Tín (Nước mắt có mặn lắm không em, Van em, Trăng ru tình…) cùng nhiều những bài thơ của các tác giả khác làm nên sự phong phú của thơ tình trong hai thập kỷ này.

Bên cạnh mảng thơ tình yêu rất đa dạng, phong phú những cảm hứng thế sự, đời tư cũng xuất hiện khá nhiều trong thơ thời kỳ này, đó là những lo toan cơm áo thường nhật xuất hiện nhiều trong  tập thơ Trong bóng người xưa của  Lê Thiếu Nhơn:

Đất nước có bao nhiêu người đang buồn
Xuôi ngược áo cơm không ai kịp nhớ
Tôi làm thơ đẩy đưa giông bão
Khói hương đầu đình trôi dạt cuối sông

Bà mẹ nghèo buổi chợ chậm bước chân
Đồng tiền mỏng manh che lòng trắc ẩn
Ơn nghĩa ở đời nhiều như muối biển
Đám giỗ thánh thần sốt ruột trẻ con!

           (Trong bóng người xưa)

Nhà thơ Phùng Hiệu từng bước chắc chắn khẳng định mình qua những tập thơ: Tình không dám ngỏ, Thức giấc, Dấu chân biển cả, Trong thế giới ngụy trang,  Biên bản thặng dư cùng những giải thưởng uy tín của Hội nhà văn thành phố Hò Chí Minh. Bên cạnh những bài thơ tình hồn nhiên, tươi trẻ anh còn dành nhiều sự quan tâm đến những người lao động trong cuộc sống đầy khó khăn nhất là cuộc sống của những người công nhân nơi đô thị: Anh lê những bước chân về phía công trường/ Lót vào lòng nắm xôi lên giá/ Anh không dám châm vào chiếc xe cà tàng giọt xăng đắt đỏ/ Đành đi bộ mỗi ngày đến trước bình minh… và: Chị rã bời rời khỏi xưởng may/ Và vội vã bước chân về sáng/ Đêm đã lắng tiếng đời đã cạn/ Phố sang ngày/ Trăng ngả phía tăng ca…

Trong số các cây bút thơ trẻ ở các địa phương chúng tôi quan tâm đến Bùi Việt Phương, Trần Huy Minh Phương. Họ là những cây bút rất giàu sức sáng tạo và đang sung sức. Nhà thơ Bùi Việt Phương hiện là phó chủ tịch hội văn học nghệ thuật Hòa Bình, trong những năm gần đây bên cạnh những trang văn xuôi, thơ anh xuất hiện khá đều đặn trên các báo, tạp chí ở trung ương và địa phương. Anh đã xuất bản hai tập thơ Ngày lạ, NXB Hội nhà văn, 2019; Mắt trong, NXB Hội nhà văn, 2020. Anh từng nhận giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật với tập thơ Ngày lạ. Thơ Bùi Việt Phương đem đến những nhận thức mới lạ cũng như những suy tư, triết lí về cuộc sống:  Chỉ có chạm vào/ Cánh hoa bưởi trắng/ Rơi, một chiều gió lặng/ Thế mà tần ngần/ Đau/… Đâu cứ mùa Xuân/ là phải xanh” (Hoa bưởi). Bùi Việt Phương cho rằng cuộc sống cần sự dấn thân, trải nghiệm: Dở dang là hạt hoa hy vọng/ Bay được bao xa thì cứ bay/ Trôi được bao lâu thì cứ trôi/ Đừng níu vào lắng đọng/… Đi được bao nhiêu thì cứ đi/ Đừng hỏi/ đời còn đợi ta với bất ngờ nào?” (Nguyên đán).

Trong số các tác giả đương đại, Trần Huy Minh Phương đem đến nét riêng mới cho thi ca, là một tác giả trẻ nhưng thấm nhuần tư tưởng triết học Phật giáo đặc biệt những giá trị căn cốt của tinh thần Thiền tông luôn được anh thể hiện trong rất nhiều sáng tác gần đây của mình. Trần Huy Minh Phương coi cuộc đời như một sàn diễn, trên đó con người đóng các vai rồi cũng hết đừng để tham lam, ích kỷ chi phối đến nghiệp của mình, mỗi người hãy sống cuộc đời chân thật, sống trọn với mình để được thăng hoa: Trên sàn diễn cuộc đời, vai nào rồi cũng hết/ xấu tốt, thiện ác, phật ma, đại ngã vô ngã/ tùy vào sự chọn lựa của mình/ trang phục, phấn son rồi sẽ nhàu nhĩ và tì vết/ tham lam, ích kỷ – nghiệp đen đẩy luân hồi biền biệt/ sống thật với đời, sống trọn với mình cho nhân cách thăng hoa. Có lúc trước hoa huệ trắng trong, Trần Huy Minh Phương cũng nghĩ đến cõi ta bà, nhịp Thiền như để gột rửa lòng mình thanh tịnh, trở về bản ngã Chân như: Rung rinh hương gọi nắng hồng/ mà nay từng búp rụng vòng chân nhang/ lời thơm như đã thật gần/ trút tâm sám hối tựa lần chia xa/ áo lam, tràng chuỗi thành hoa/ ta còn ôm cả ta bà ngả nghiêng/ huệ hương đã trút nhịp thiền/ mình vừa sụp lạy bóng mình đó thôi (Chợt nghĩ bên hoa huệ).

4. Về mặt nghệ thuật

 Bên cạnh sự đa dạng về nội dung, Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI cũng có hình thức thể hiện rất phong phú nhất là về mặt ngôn từ, nhiều khẩu ngữ được đưa vào thơ khiến những câu thơ gần với câu giao tiếp thường ngày, nhiều câu thơ không theo ngữ pháp truyền thống mà lược bớt thành, rút gọn tới mức tối giản. Hiện tượng này gặp nhiều trong thơ Vi Thùy Linh, Nguyệt Phạm, Ngô Thị Hạnh, Ngô Thúy Nga… Về thể thơ, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy thể thơ tự do chiếm ưu thế hơn cả, thơ tự do không bị gò bó vào câu chữ, vần nhịp nên phù hợp với cách giãi bày, với mạch cảm xúc của thơ hiện đại. Các bài thơ viết thể thơ truyền thống như năm chữ, bày chữ, tám chữ, lục bát xuất hiện ít hơn nhưng lại có nhứng cách thể hiện mới mẻ đem lại lý thú cho người đọc. Thơ lục bát của Nguyễn Quang Hưng, Trần Xuân Trường, Nguyễn Văn Song… là những ví dụ cụ thể.  Các nhà thơ trẻ giai đoạn này cũng vận dụng linh hoạt các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, đối lập… giúp bài thơ có tính hàm súc cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những tác giả, những bài thơ còn có những cách diễn đạt ngô nghê, dễ dãi, ít cảm xúc, ít tính hình tượng. Nhiều tác giả sa đà vào các vấn đề nhục cảm, tình dục một cách lệch lạc, thái quá không phù hợp với truyền thống văn hóa. Nhiều nhà thơ trẻ chưa ý thức đầy đủ  trách nhiệm công dân của mình trước những vấn đề của Đất nước, dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

20 năm là khoảng thời gian không dài nhưng đủ để chúng ta nhìn nhận, đánh giá thành tựu thơ trẻ qua  một chặng đường để có những tổng kết kịp thời trong chính sách văn học nghệ thuật, tất nhiên mọi sáng tác cần có độ lùi thời gian để sàng lọc. Trên đây là một vài cảm nhận bước đầu của chúng tôi về diện mạo thơ Trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI, thơ trẻ vẫn đang vận động và phát triển nột cách phong phú và sôi động trong những năm gần đây, thiết nghĩ để có cách nhìn nhận và những đánh giá toàn diện hơn rất cần những cuộc hội thảo khoa học, những chuyên luận mang tính nghiên cứu chuyên sâu của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học để từ đó đúc kết những kinh nghiệm trong sáng tạo và tiếp nhận thơ Trẻ nói riêng và Văn học Việt Nam đương đại nói chung.

                                                                           7/2023

                                                                      Nhà thơ Nguyễn Quỳnh Anh

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trong lời mẹ hát | Thơ in sách giáo khoa và lời bình
Bài thơ Trong lời mẹ hát được đưa vào giảng dạy ở sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8
Xem thêm
“Một ngày từ bên trong” - Tác phẩm đạt giải thưởng của cô gái 16 tuổi
Tập thơ “Một ngày từ bên trong” của tác giả trẻ Trần Phú Minh Anh, bút danh Minh Anh sinh năm 2007 được trao Giải A của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023. Tập thơ được bán với giá 200 ngàn đồng.
Xem thêm
Sơ - Lốc - Hôm mặc váy - Truyện ngắn Võ Chí Nhất
Hắn giật thót người khi nghe tiếng con Shushi sủa váng lên khiến bà già chủ nhà lên tiếng nhắc chó cưng rồi rời bàn viết.
Xem thêm
Chùm thơ Bùi Xuân Mẫn
Nhận thấy mình tin chắc thế nàovề một chuyện duy nhấtmà không thể chứng minhLập lòe sáng tối do ánh lửa
Xem thêm
Giới thiệu chân dung thơ Phạm Tiến Triều
Người cầm bút phải có sứ mệnh mang văn hóa của dân tộc mình đến với mọi người. Bởi xét đến cùng, cội rễ của thơ ca phải xuất phát từ ngọn nguồn văn hóa của dân tộc mình sinh ra. Dòng chảy ấy là bất tận. Nhà thơ phải biết hòa điệu giữa dòng chảy văn hóa dân tộc với điệu hồn cảm xúc của cá nhân mình. – Quan niệm văn chương Phạm Tiến Triều
Xem thêm
Đừng xem đó là bẫy – Truyện ngắn Võ Chí Nhất
Anh chàng cẩn thận ngồi vào bàn và nhìn bà Lan Chi với ánh mắt biết ơn khi bà mang khay bánh rán vàng ruộm chầm chậm bước về phía mình. Anh ta xoa cái bụng bí đau sau lớp vải áo sơ mi mới toanh, ra vẻ thèm ăn để làm bà vui vì sắp được thưởng thức hương vị bánh rán mới mà bà cất công làm từ sáng sớm.
Xem thêm
Cuộc điện thoại bất ngờ - Truyện ngắn Hoàng Thị Hiền
Sau tiếng trống báo hiệu vào tiết học, tôi cho đôi mắt được tự do quan sát khắp sân trường, nhà để xe, con đường tấp nập ngoài cánh cổng sắt…
Xem thêm
Nước mắt mùa đông – Tản văn của Đặng Thùy Tiên
Mùa đông ở miền núi Tây Bắc, cái rét không ngòn ngọt như mạn Đông Bắc mà mằn mặn đanh đanh. Cây cối vào mùa đông chịu cái rét thấu, sáng sớm sương muối tích tụ từ đêm giữ lại cái rét trong những hạt trắng nhỏ li ti, treo mình trên từng tán lá, ngọn cỏ, cành cây. Sương muối không bỏ qua cái ngóc ngách nào của rừng núi, kể từ cái mạng nhện, những sợi tơ mỏng manh bình thường lẫn vào với không khí chẳng thấy đâu, vậy mà lúc này bị sương muối làm cho lộ diện hoàn toàn cả cấu trúc của mình.
Xem thêm
Bể dâu lành lặn | Chùm thơ của Mạc Tường Vi
Lặng lòng mắt ước xăm xaBể dâu lành lặn người ta phương nào
Xem thêm
Thơ Cỏ Ba Lá
Chiều bắt dế ven đê cùng lũ bạnTiếng sáo diều thủng thẳng ở lưng trâuĐôi chân trần làn da cháy đen nâuPhong phanh áo mưa ngâu trời trở gió
Xem thêm
Cảm thức nguồn cội trong ‘Chín nhánh da vàng’ của Khét
Văn học không chỉ phản ánh mà còn đồng hành và kiến tạo cuộc sống. Chính vì thế, những dòng chảy văn học luôn được nuôi dưỡng, tiếp nối và bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi người nghệ sĩ tài năng sẽ ghi lại dấu ấn trong lòng độc giả bằng những con đường khác nhau, tùy thuộc vào thời đại, xã hội mà họ sống trải. Thuộc thế hệ thứ ba trong lớp những nhà văn, nhà thơ trẻ ở đô thị miền Nam như: Phong Việt, Anh Khang, Phương Huyền, Trần Phi Long, Nguyễn Trần Thiên Lộc, Vũ Văn Song Toàn, Lê Thùy Vân… Khét (Trần Đức Tín) là một gương mặt quen thuộc trên nhiều diễn đàn mạng và tạp chí Văn học từ địa phương đến trung ương. Anh để lại ấn tượng trong lòng độc giả bởi một bút lực dồi dào, sung sức và một hồn thơ chân chất, mộc mạc, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống đương đại. Điều này thể hiện rõ nét qua ba tập thơ đã xuất bản trong ba năm liên tiếp: Rồi mình cũng xa lạ nhau (2018), Mình mắc cạn vào nhau (2020), Ở đậu trong nhau (giải thưởng Hội nhà văn Tp. Hồ Chí Minh 2021). Tập thơ mới nhất của anh Chín nhánh da vàng (2022) đã cho thấy một hình ảnh Khét trầm tĩnh, suy tư sâu sắc hơn với cảm thức ý hướng về nguồn cội mạnh mẽ xuyên suốt cả tập thơ.
Xem thêm
Chùm thơ Trương Mỹ Ngọc
“Nếu ác quỷ không có trên đời, cái ác biết đổ cho ai?// Loài người văn minh chưa từng nhận đã đốt rừng/ Chưa từng nhận đã tàn sát chó mèo, cỏ cây, muông thú// Nhiều người thậm chí ra tay với cả đồng loại của mình/ Loài người ngợi ca sự văn minh/ Nhưng lại thỏa hiệp với những con “người” trong lòng có quỷ…”
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Võ Chí Nhất
Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất hiện nay vẫn là hội viên trẻ tuổi nhất của Hội Nhà văn TP.HCM.
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Nguyễn Trần Khải Duy
Nhà thơ trẻ Nguyễn Trần Khải Duy sinh năm 1995 tại Bình Định.
Xem thêm
Đại biểu nhà văn trẻ: Nguyễn Đình Minh Khuê
Chạm vào cái thực - tiểu luận của nhà văn trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê.
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Trần Đức Tín
Nhà thơ trẻ Trần Đức Tín là một trong 22 đại biểu TPHCM tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng ngày 18-19/6.
Xem thêm
Nhà văn trẻ Nguyễn Anh Nhật
Nhà văn trẻ Nguyễn Anh Nhật sinh năm 2000
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Trương Mỹ Ngọc
Hiện nay, Trương Mỹ Ngọc làm biên tập viên truyền hình tại TP.HCM.
Xem thêm
Mẹ tôi – Người phụ nữ Củ Chi
Mỗi lần tôi về thăm mẹ, bà đều chuẩn bị cho tôi một món quà. Với tôi, món quà quý giá nhất là được sinh ra và lớn lên trong tình thương yêu của những người thân trong gia đình. Trong đó có mẹ. Thiết nghĩ không chỉ riêng bản thân tôi, mà bất kỳ ai khác thì mẹ cũng là cả bầu trời có phải không?
Xem thêm