TIN TỨC
  • Nhà văn trẻ
  • “Giữa đời may rủi” – Truyện ngắn Võ Đào Phương Trâm

“Giữa đời may rủi” – Truyện ngắn Võ Đào Phương Trâm

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2024-11-05 08:24:00
mail facebook google pos stwis
523 lượt xem

Những phận đời ngơ ngác giữa con đường mênh mông, ngỡ mênh mông mà lại chật hẹp đến không còn khoảng trống để thở một tiếng thở nghe cho trọn vẹn. Mặt sóng vẫn lấp đầy, đẩy đưa chìm nổi, và người ta vẫn cứ đi, mộng mị đến rã rời!...

Nhà văn trẻ Võ Đào Phương Trâm

Mạnh loay hoay xếp mấy bộ đồ bỏ vào cái balo xanh đã ngã màu cũ kỹ, hành trang của Mạnh để đến với đất Sài Gòn chỉ đơn giản là vài bộ đồ, một ít đồ dùng cá nhân, cái máy laptop đời cũ và chút đỉnh tiền dành dụm trong những ngày làm vườn ở mảnh đất miền Tây phù sa nước nổi. Sau khi sắp xếp mớ quần áo gọn gàng vào balo, Mạnh ra sau bếp, lục đục tìm con dao bầu, cuộn dây kẽm để ra dựng lại cái hàng rào cho Mẹ, mấy hôm mưa to gió lớn, đám dây bầu nặng trĩu quặt quà, làm ngã rạp cái giậu hàng rào lâu năm yếu ớt, nay Mạnh ra dựng lại cho chắc chắn trước khi lên Sài Gòn kiếm việc mưu sinh.

Đang loay hoay buộc cọng kẽm vô mấy thanh tre và cây cọc gỗ, Mạnh thoáng thấy bóng Diệu đang đi ngoài phía bờ đê, cách cái hàng rào đậu rồng chừng chục thước. Nó hỏi với theo: “Chị Diệu, đi đâu gấp vậy chị?” Vừa hỏi, nó vừa bỏ tay rồi bước nhanh ra phía bờ rào. Lúc này, Diệu đã đi chậm lại như chờ nó ra để nói điều gì với nó.

- Trưa nắng đi đâu gấp vậy chị?

- Chị ra chợ mua ít đồ, mai chị lên Sài gòn

Nghe đến đó, mặt Mạnh cũng nghệch ra, nhưng nó cũng còn kịp nhìn vào mắt Diệu và thấy ánh lên nét phấn khởi đầy hy vọng.

- Chị lên đó làm gì?

- Chị lên tìm công chuyện làm chứ ở đây làm đồng hoài, sau mà khá nổi.

Mắt Diệu nhìn về phía xa xa ngoài cánh đồng đang rũ những bông lúa chín, gương mặt Diệu ánh lên chút buồn man mác lẫn trong cái nắng oi ả đổ dài sắp qua giờ ngọ.

- Chị nghĩ kỹ chưa? Chú thím ba có cho chị đi không? Chị là con gái, lên đó cũng nhiều khó khăn lắm đó chị.

- Chị nghĩ kỹ rồi, có người quen giới thiệu công việc làm cho chị.

Nghe Diệu trả lời bằng giọng nói tin tưởng và đầy những nỗi hoài mong của cô thôn nữ mong được thay đổi cuộc đời để giúp đỡ gia đình, Mạnh muốn hỏi thêm vài câu nữa nhưng nó im lặng khẽ gật đầu, dù trong lòng nó cũng có chút gì đó lo âu khi thấy Diệu một thân một mình lên đất Sài Gòn hào hoa, nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều cạm bẫy.

- Mai em cũng lên Sài Gòn, chị có đi thì đi chung với em.

- Ủa, vậy hả? Vậy thì tốt quá chừng, có em đi với chị thì chị cũng an tâm rồi.

Diệu nở nụ cười tươi, ra vẻ hồ hởi.

- Thôi chị về sửa soạn đồ đạc, mai mấy giờ em ra bến xe thì nhắn chị.

- Mai chắc sáu giờ hai chị em mình đi nha chị.

- Ừ, vậy nghen!

Diệu đội cái nón lá lên đầu, mái tóc dài rũ vài sợi che gương mặt trắng trẻo tinh khôi đang nhấp nháy trong ánh mắt trong veo, vui tươi của Diệu, Mạnh không biết buồn hay vui nhưng nó cũng vẫy vẫy tay chào Diệu, mà hình như nó nghe chút gì đó bần thần.

Sáu giờ sáng, Mạnh và Diệu ra bến xe đò rồi bắt được chuyến xe số 8 về Sài Gòn theo địa chỉ mà Mạnh đã liên hệ để tìm chỗ trọ, chuyến xe đen đặc, hành khách đứng ngồi không còn chỗ trống, mà nhà xe thì vẫn cứ nhồi nhét mỗi khi xe tới trạm, trên chuyến xe, Mạnh bắt gặp không ít hành khách chắc cũng từ quê lên Thành phố, họ cụ bị đủ thứ đồ dùng, vật dụng, ngồi lê lết dưới cả sàn xe, may mắn là đi sớm nên Mạnh và Diệu tìm được hai chiếc ghế ngồi chứ không phải ngồi bệt dưới sàn, chuyến xe đậm hơi người, chạy ngày một xa vùng đất miền Tây tỉnh lẻ, những hàng cây, những ngôi nhà nhỏ thưa thớt dọc đường lùi nhanh về phía sau lưng, bàn bạc lướt qua tầm mắt…

Sau gần năm giờ ngồi xe khách, chiếc xe chở Mạnh và Diệu cũng đã tấp vào bến đỗ ở Sài Gòn. Hai đứa bước xuống xe với gương mặt mệt phờ phạc, nắng trưa bỏng gắt đổ xuống bãi xe đầy bóng người với những giọng lơ xe khàn đặc, giọng những người bán hàng rong lanh lảnh, những anh chạy xe ôm đang chờ sẵn cứ luôn miệng mời chào, những tiếng nói rổn rảng hòa lẫn, bủa vây tạo thành một dòng âm thanh hỗn độn của nơi bến xe phức tạp.

Đưa tay quệt những giọt mồ hôi lã chã ướt đẫm chiếc áo sơ mi của Mạnh, lấm tấm trên trán của Diệu và bệt vào những mảng tóc ở mang tai.

- Kiếm chỗ ngồi uống nước, nghỉ chút đi chị rồi mình bắt xe về chỗ trọ. Mệt quá.

Mạnh nói mà cặp mắt nó cứ nheo nheo vì dòng ánh sáng cao độ của buổi trưa cứ rọi vào những chiếc kính xe đang đậu dày đặc trên bến đỗ, nhìn ở góc nào, nó cũng liên tục chạm phải những đóm sáng phản chiếu rọi thẳng vào mắt, như muốn thiêu đốt cả con ngươi.

Sau khi ngồi nghỉ tạm ở một cái quán nước ở bến xe, Mạnh bắt chiếc xe ôm để chở nó và Diệu về chỗ trọ. Gần một tiếng loằng ngoằng ở những con đường quanh co của Sài Gòn, hai đứa cũng tìm được căn nhà trọ nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ. Phòng của Mạnh và Diệu ở cách nhau vài căn. Sau khi nhận phòng và dọn dẹp cho tươm tất, Mạnh ngã lưng xuống chiếc giường sắt cũ kỹ nghỉ tạm sau nhiều giờ ngồi chen lấn trên chuyến xe đò ngột ngạt. Nó đoán bên kia chắc Diệu cũng đang nằm nghỉ ngơi vì mệt.

Những ngày đầu tiên đặt lên đất Sài Gòn nhộn nhịp, cuộc sống ở một thành phố không ngơi nghỉ từ khi bình minh lên đến tận mờ sáng hôm sau. Mạnh bắt đầu lao vào cuộc tìm kiếm công việc vì nó hiểu rằng ở đây ngày nào là không được phí phạm ngày đó vì tất cả mọi thứ đều phải trả bằng tiền, một cọng hành, trái ớt cũng không ai cho không, cũng không ra vườn là có, và nếu không lao động, không đi làm thì sẽ không thể nào tồn tại được ở nơi đất chật người đông, con người ta cạnh tranh nhau từng ngóc ngách việc làm, và khi nó đã vác balo lên để rời vùng quê nghèo tỉnh lẻ thì nó không được phép trở về với hai bàn tay trắng bằng sự bỏ cuộc giữa chừng.

Và thế là Mạnh mò mẫm, lật tung hết những trang tìm việc để mong tìm cho mình một công việc tạm thời, ít ra là để có tiền trang trải trong những ngày tháng đầu tiên đặt chân lên thành phố.

Khác với Mạnh, Diệu khi vừa lên Sài Gòn, nó đã thấy Diệu liên lạc với ai đó và mấy ngày sau, Diệu đã tất bật trong những cuộc điện thoại liên hồi, nó qua phòng thấy Diệu sửa soạn áo quần tươm tất, có mấy bộ quần áo nhìn ra vẻ mô đen mà hình như không phải Diệu đem từ dưới quê lên, rồi vài ba món đồ trang điểm trong chiếc túi xách rẻ tiền. Mạnh thấy Diệu cứ mân mê nhìn ngắm.

- Chị, mấy cái này chị mua đó hả?

- Không, có người cho chị.

- Trời, ai mà nhanh vậy? Chị mới lên có hai bữa mà.

Mạnh gãi đầu thoáng chút ngạc nhiên.

- Thì chị nói có người quen kêu chị lên đây, giới thiệu cho chị đi làm mà.

- Chị quen người đó lâu chưa?

- À, dân dưới mình, hồi đó đi bán đồ si-đa trên chợ tỉnh, mà buôn bán không có giàu nên chỉ lên Sài gòn làm ăn lâu rồi.

- Ùm, người cùng quê thì chắc cũng không tới nỗi nào.

- Thì người cùng quê nên chị mới theo lên đó chứ.

Vừa nói, Diệu vừa mân mê xếp lại mấy bộ quần áo mới tinh, thỉnh thoảng có chiếc áo vừa ý, Diệu đưa lên ướm thử rồi nhoẻn miệng cười thích thú.

- Em tìm được việc làm chưa?

- Em đang tìm, hy vọng là có chỗ kêu phỏng vấn.

- Ừ, ở đây tìm một chỗ làm cũng khó, mà cũng trông cho em tìm được.

- Không sao đâu, em con trai mà, làm gì chẳng được, bất quá đi ra phụ chạy bàn, khi nào rành đường, em dìa quê lấy chiếc xe máy cà tàng lên làm shipper cũng được.

- Ừ, thôi kệ, ráng vất vả một vài tháng đầu, chắc chị em mình cũng ổn em hen!

- Dạ.

Một ngày dần tắt nắng, căn phòng nhỏ thiếu ánh mặt trời cũng trở nên âm u, khoảng đường đi chật hẹp thỉnh thoảng có người ra vào vội vã, họ là những công nhân ở trọ sau giờ tan tầm thì trở về với căn phòng tạm bợ để nghỉ ngơi, cuộc sống gói gọn chưa đầy mười lăm mét vuông với những ngày dài chạy đua kiếm sống nơi Sài Gòn náo nhiệt, từ những cái nhỏ nhất cũng đều phải trả bằng tiền.

Sau ba ngày lên Sài Gòn, Diệu được một người phụ nữ đến chở đi làm rồi chiều chở về phòng trọ, Mạnh để ý thấy mấy bộ đồ Diệu mặc, mỗi ngày một thời thượng hơn, gương mặt cũng trang điểm kỹ hơn. Tự dưng trong đầu nó hiện lên những câu hỏi mông lung, rồi nó vội lắc đầu và xoa tay lên mặt, cố nghĩ cho qua chuyện: “Phụ nữ mà, đi làm thì phải đẹp chứ”.

Chừng một tuần sau, khi khoảng tiền tích trữ trong túi Mạnh vơi dần, nó bắt đầu thấy chột dạ khi chưa có chỗ nào gọi đi phỏng vấn, đầu óc nó tự dưng rối bù. Chiều! Nó ngồi thu lu ở một góc trong phòng, nhìn ra cửa sổ, nó mơ hồ nhớ về căn nhà nhỏ đơn sơ với mái tôn ngã màu, nhớ cái vườn bầu bí nặng trĩu, nhớ cái dáng má ra vào lủi thủi, nhớ tía với cái mùi thuốc lào hăng hắc và những cơn ho như pháo nổ về khuya…Nó ngồi thẫn thờ giữa cái bóng chiều ngã màu nặng trịch.

- Em làm gì mà như người mất hồn vậy?

Nó giật mình quay lại, thấy Diệu đang đứng sau lưng, mặt tươi tỉnh, nở nụ cười, trái ngược với cái điệu bộ bần thần của nó.

- Gần một tuần rồi mà chưa có ai gọi đi làm, em đang rầu.

- Sợ không có tiền trang trải chứ gì?

Nó im lặng vài giây rồi khẽ gật đầu.

- Chị cho em nè.

Nó nhìn vào tay Diệu, những tờ giấy bạc bóng bẩy trên ngón tay trắng trẻo thon dài của một đứa con gái cùng quê chỉ hơn nó hai tuổi, cùng bỏ quê lên thành với nó, mà giờ đã có tiền cho nó, còn nó thì vẫn mịt mờ chờ đợi một công việc làm nhưng chẳng biết có không, trong túi thì chỉ còn vài trăm ngàn tiền lẻ, đủ cho mấy bữa ăn. Tự nhiên nó thấy bản thân nó vô dụng đến cùng cực.

- Thôi, em không lấy đâu. Chị mới đi làm mà, chị giữ mà xài.

Mạnh ngoảnh mặt đi trong giọng nói trầm buồn lẫn chút hổ thẹn, tự ái của thằng con trai.

- Chị cho em mượn, khi nào đi làm có tiền thì trả lại chị.

Nó chậm chạp ngước mặt nhìn Diệu rồi nhìn vào những tờ giấy bạc, trong lúc này, nó không biết phải làm gì và quyết định thế nào, rồi nó bần thần đưa tay cầm những tờ tiền từ tay của Diệu, mặt vẫn nặng như chì.

- Em sẽ kiếm được tiền và trả chị.

- Ừ, vui vẻ lên nè, con trai chưa gì đã bí xị bí xọ thì sao mà sống được ở cái đất này.

Diệu ngồi xuống cạnh nó, giọng nói chậm lại, có chút gì đó bần thần

- Chị đi làm ở đây người ta trả cho chị cũng kha khá, có gì cần thì nói chị giúp cho. Mà mười bữa nữa là chị dọn lên chỗ làm ở rồi, chị chủ nói chị lên đó phụ với chỉ, khỏi mất công tới lui đưa rước, chỉ cũng bận.

- Dạ, chị đi làm cũng giữ sức khỏe, có gì thì nhớ giữ liên lạc với em.

Hai chị em nhìn nhau trong ánh mắt buồn buồn của những người xa xứ, đùm bọc nhau trong những ngày còn chật vật, chân ướt chân ráo mưu sinh, những khó khăn như lớp màn đặc quánh phủ trùm lên thân phận những người còn trẻ với những khát khao, mong mỏi đổi đời bằng đôi mắt trong trẻo, tâm hồn tinh khôi như tờ giấy, họ nghĩ về Sài Gòn như mảnh đất sóng sánh những sắc màu huyễn hoặc và đẹp đẽ, một thứ ánh sáng phù phiếm mà ai cũng mong muốn bước vào.

Sau gần một tuần chờ đợi, một ngày nọ, Mạnh cũng nhận được cuộc điện thoại gọi đi phỏng vấn ở một quán cafe. Mạnh xin một chân chạy bàn phục vụ nơi đây, kết quả sau khi phỏng vấn là Mạnh được nhận vào làm trong một cái quán thuộc hệ thống cafe Mộc.

Những ngày đầu vào đây làm việc, nó được phân công làm ca gãy nhưng nghĩ đến tiền nhà, đến hằng trăm thứ mua sắm cần phải có tiền nên Mạnh xin làm ca tá, tiếng, hôm nào còn khỏe, nó xin ở lại làm thêm bốn tiếng nữa, nó ráng dốc hết sức thanh niên để lao vào kiếm tiền, tìm một cơ hội để tồn tại giữa đất Sài thành tấp nập.

Ở cạnh căn phòng trọ của Mạnh là ông Tỵ, người đàn ông với cái nghề mua bán chó, cứ mỗi chiều chiều là ông chở một bao chó về trước sân rồi vội vã đem đến mấy lò mổ giao cho chủ tiệm. Cái dáng cao cao gầy gầy, đen đủi với chi chít vết sẹo trên tay, gương mặt xương xẩu với tròng đen như lọt thỏm vào giữa cặp mắt trắng dã của người nặng nghề sinh sát.

Trưa nay về, ông Tỵ lại quẳng xuống đất một cái bao lúc nhúc trong đó những thân hình động đậy, ông dựng vội cái xe máy rồi đi nhanh vào nhà, Mạnh chỉ kịp nhìn vào cái bao đầy chó và cái lồng lưới có bốn con đang nằm chất chồng lên nhau, nó không chú tâm đến dáng vẻ khác lạ của ông Tỵ. Mắt Mạnh nghe cay cay khi nhìn thấy trong cái lồng lưới có một con chó với cái đầu đang rỉ máu từ một vết thương kéo dài từ đỉnh đầu xuống gần mí mắt, ánh mắt nó đỏ quạch chắc vì vừa trải qua một trận vây bắt kinh hoàng, một con thì nước dãi chảy liên hồi từ trong miệng, chắc vì trời nắng, vì khát nước và bị dồn ép lẫn trong sợ hãi. Hai con còn lại thì ánh mắt như đờ đẫn, ngây dại…có lẽ sâu trong đầu óc nó, dù là loài vật nhưng nó cũng nhận ra rằng sự trung thành của nó rốt cuộc cũng chỉ đáng để đổi lại vài ba trăm ngàn cho một bị thịt, một mớ đồ ăn rồi cười ngả nghiêng trên bàn rượu, người ta sẵn sàng bỏ quên và nhẫn tâm trước sự trung thành, tin cậy của nó để hùng hục dí nó vào chân tường, nện vào đầu nó bằng một thanh cây chắc rụi, là giả vờ gọi nó đến bằng cái tên thân thuộc rồi bất ngờ túm nó bỏ vào trong cái tụng không có chút ánh sáng, không có chút không khí cho nó thở, họ đẩy nó đi sau cuộc ngã giá rẻ bèo và giải thoát cuộc đời nó trong lò mổ.

Mạnh nghe lòng nặng trịnh khi nhìn cặp mắt của một con chó cái, mắt nó ươn ướt và cái lưỡi vẫn le dài bất lực.

Lát sau, ông Tỵ quay trở ra để chuẩn bị đi đến lò mổ, lúc này, Mạnh mới để ý thấy trên tay ông có mấy vệt máu vương vãi thấm vào tay áo, mấy ngón tay được bó tạm bằng nùi bông băng thô kệch, xộc xệch, loang lổ máu.

- Tay chú bị gì vậy?

- Mấy con yêu nghiệt này nó cắn tao đấy mà.

- Trời, chú làm nghề này nguy hiểm quá, chú có đi chích ngừa không?

- Có, tao chích rồi, sáu tháng tao chích một lần, chứ không thì nó cắn cho hóa dại à?

Gã đàn ông kéo vội cái vạt áo màu rêu xanh bám đầy bụi đường, lau lên gương mặt thấm đẫm mồ hôi chảy dọc.

- Sao chú không chọn nghề khác để làm, làm chi nghề này. Thấy tội cho chú mà cũng tội cho mấy con chó nữa.

- Nghề nào kiếm sống được thì làm, chó mèo gà vịt cũng là con vật, con vật là thực dưỡng cho con người, có gì mà tội.

- Thôi, con chỉ khuyên chú vậy thôi.

- Nghề này một vốn bốn lời, có hôm tao đi một vòng là bằng nửa tháng của mày đi làm rồi đấy, thằng cu.

- Con chó kia sao bị thương vậy chú? Phải con cắn chú không?

- Nó đó, chủ nó bắt nó mấy lần không được nên dí nó vào tường và nện cho nó một cái vào đầu, thế mà đem ra, nó vẫn lồng lên cắn trúng tay tao để chạy thoát.

Nghe đến đó, Mạnh chỉ biết im lặng rồi nhìn qua cái bao chó vẫn còn lổn nhổn trong tâm trạng bất lực. Nó không dám nhìn lâu vào những con chó trong chiếc lồng sắt vì ánh mắt của chúng trông thật thảm thương. Nó khẽ thở dài một tiếng khi nhìn người đàn ông túm lấy cái bao quẳng lên xe, rồi lấy sợi dây thun buộc ngang cho cố định, nó thầm nghĩ bầy chó trong đó bị dồn nén, bó chặt như vậy, chưa đến lò mổ chắc cũng đã chết ngộp vì nghẹt thở.

- Giờ tao đi giao đám này, chiều đi thêm một vòng, thế nào cũng có thêm mẻ nữa.

Vừa dứt lời thì chiếc xe máy cũ đã chở cái bao chó và chiếc lồng với những con chó đang chờ vào lò mổ, Mạnh khẽ lắc đầu rồi bước vào căn phòng chật hẹp, nó nằm vật mình xuống cái giường nhỏ, mắt nhìn lên trần nhà với những mảng la phông ố màu vàng vọt, nó nhắm mắt lại, trong đầu vẫn còn ám ảnh bởi ánh mắt, gương mặt của con chó với vết thương dài và cặp mắt màu đỏ quạch.

Cái xóm trọ hẻo lánh nằm ở khu vực tiếp giáp giữa vùng nội đô sầm uất và vùng ngoại ô vắng lặng, cách chừng ba mươi phút đi xe máy để đến được khu vực nhộn nhịp của Sài Thành, ở đây đa số là người ở trọ có thu nhập thấp, dân tỉnh lẻ, công nhân nghèo đến ở để mưu sinh. Thỉnh thoảng, Mạnh lại thấy một người thanh niên đen đúa, gầy ốm đạp một chiếc xe đạp cũ kỹ, chở những chiếc bao xác rắn (loại bao bì thoáng khí, giá rẻ) ở phía sau lưng đi từ sáng đến chiều tối mới về, sau mới biết anh này đi lượm ve chai, ngày nào cũng dong ruổi đạp xe khắp hang cùng ngõ hẻm, làm bạn với những đống phế liệu, những bãi rác ngập ngụa ven đường, nơi để tìm nguồn sống của những người khó khăn lam lũ.

Hằng ngày, anh vẫn đạp chiếc xe đạp ngang qua con đường phía trước dãy phòng của Mạnh, những ngày mới được lãnh lương, Mạnh thường gọi anh ve chai vào để cho anh vài chục ngàn ăn cơm, uống nước.

Chiều nay, khi vừa dựng chiếc xe đạp ở cạnh một bãi rác, người thanh niên tên Cừ mang theo cái bọc bước đến bãi rác hoang tự phát cạnh mép sông, khi vừa loay hoay lục tìm trong đống rác để lấy mấy cái vỏ lon bia, chai nước suối thì bất ngờ có ai đó kéo ghịt nó về phía sau lưng, khi quay qua thì nó thấy một người đàn ông đầu trọc, tay xăm trổ với gương mặt bặm trợn.

- Ai cho mày tới đây lụm ve chai? – Người đàn ông cất giọng hỏi bằng gương mặt của bọn lưu manh.

- Dạ em thấy có rác nên em vô lụm – Cừ trả lời bằng giọng nói lí nhí pha lẫn sự sợ hãi.

- Khu này của tụi tao quản lý, mày còn léo hánh tới nữa là bỏ mạng ở đây nha con.

Người đàn ông với cái giọng khàn đặc, ồm ồm, giơ bàn tay với nắm đấm hăm dọa, sau đó hắn co chân và đạp mạnh vào chiếc xe đạp của Cừ làm chiếc xe ngã văng ra đất, chiếc xe vốn đã cà tàng lại còn bị tác động mạnh nên sút cả dây sên, chiếc bàn đạp cũng văng ra ngoài, những cái vỏ chai, lon nước ngọt rơi từ trong cái bao, nằm lăn lốc ngoài đường. Chưa dừng lại, gã thanh niên bước đến, hắn dùng chân đạp lên mấy cái lon bia cho bẹp dí rồi hất vào bãi rác, hắn chỉ ngón tay, sừng sộ với cặp mắt đằng đằng sát khí ném vào mặt Cừ.

- Biến khỏi đây, cái xe của mày, tao cho vào bãi rác.

- Anh ơi, cho em xin cái xe, không có nó, em không có gì đi kiếm ăn hết.

Người thanh niên rúm ró, cất giọng van lơn, gương mặt méo xệch, đen đúa đang mếu máo trong sự sợ hãi và vô vọng.

- Mày biến, muốn sống hay muốn lấy chiếc xe?

Cừ quỳ thụp xuống đất, hai bàn tay chấp lại, miệng lắp bắp van xin, giọng run run cầu khẩn như muốn khóc.

- Anh làm ơn cho em xin chiếc xe, em có mỗi nó để kiếm sống, em thề em không dám quay lại đây nữa đâu anh ơi. Em lạy anh!

Đáp lại sự van xin đến tuyệt vọng của Cừ, gã đàn ông với thân hình thô kệch và bặm trợn vung chân đạp mạnh vào bẹ sườn của Cừ làm nó ngã nhào ra đất, rồi những gã đàn ông hung hãn bỏ đi sau khi đã thỏa mãn sự trừng phạt kẻ xâm phạm vùng lãnh địa làm ăn của chúng. Trước khi rời đi, một gã thanh niên trong bọn không quên nhấc bổng chiếc xe của Cừ ném thẳng vào bãi rác rồi điểm mặt Cừ lần nữa:

- Mày bò mà về, dám lấy chiếc xe là bỏ mạng với tao.

Khi bóng dáng những gã đàn ông bặm trợn đã khuất khỏi bãi đất mênh mông, Cừ lồm cồm ngồi dậy, nó ôm cái bụng còn đau quằn quại vì cú đạp như trời giáng rồi lê cái chân cà nhắc chạy nhanh ra khỏi mé sông, sau lưng, những bãi rác vẫn lừng lững, bao trùm cả khu đất rộng lẫn trong mùi chất thải, bốc hơi nồng nặc.

Buổi chiều nằng nặng phủ lên khu xóm trọ âm u, nhìn qua lại chỉ nhìn thấy những cánh cửa lá xách khóa sâu im ỉm, trong mỗi phòng chỉ có duy nhất cái bông gió sau lưng để đối lưu luồng không khí. Mạnh nhìn ra phía đường đi, cách một cái hàng rào, gương mặt nó thoáng vẻ ngạc nhiên khi thấy cái dáng nhỏ thó, đen đủi của người thanh niên đang ôm bụng với cái chân cà nhắc, đang chạy nhanh về phía lô nhà trọ trong cùng. Nó thấy người thanh niên quen quen, nhưng nó không biết vì sao hôm nay trông dáng vẻ, hành động của anh ta khác lạ hơn so với mọi ngày.

Mạnh vội chạy nhanh ra cửa. Khi cái bóng của người thanh niên đã lướt qua, nó nhìn phía sau lưng, thấy cái áo lấm lem bùn sình. Nó vội chạy theo, gọi với lại:

- Anh Cừ. Anh Cừ.

Khi người thanh niên dừng lại, Mạnh vội chạy nhanh đến.

- Anh bị gì vậy? Xe anh đâu?

Người thanh niên im lặng, chỉ lắc đầu, mặt vẫn nhăn nhó vì đau đớn.

- Anh bị cái gì? Mạnh hỏi lại.

Mạnh đỡ người thanh niên ngồi xuống đất vì nhìn anh có vẻ mệt mỏi.

- Em bị đánh.

- Ai đánh anh? Mà sao anh bị đánh?

Im lặng một lát, người thanh niên cất giọng một cách khó khăn.

- Em vô bãi rác mé sông, bị mấy người đàn ông đánh, không cho em vô đó lụm ve chai, xe em nó lấy luôn rồi.

Giọng người thanh niên thều thào lẫn trong hơi thở mệt nhọc, gương mặt không giấu được vẻ hoảng loạn và đau đớn.

Một người đàn ông nhà đối diện đang đứng tập thể dục ở hành lang, nghe thấy thì lên tiếng:
- Khu đó toàn đám đầu gấu, nó quản lý khu đó đâu cho ai vô, em chắc dân mới tới nên không biết chứ ở đây ai cũng biết. Không ai dám léo hánh tới khu làm ăn của tụi nó đâu.

Chiều hôm đó, Mạnh đưa người thanh niên lụm ve chai về căn phòng trọ, mua cho anh một ít đồ ăn, một chai dầu gió để xoa bóp chỗ đau. Rồi Mạnh đi vận động khu nhà trọ được hơn 1 triệu đồng gửi cho người thanh niên tên Cừ để mua chiếc xe đạp khác. Dù dân trong khu trọ cũng là những người hoàn cảnh khó khăn nhưng thấy Cừ cũng là dân tha phương, đến với mảnh đất này mưu sinh bằng cái nghề tận cùng nghèo khó mà còn gặp nạn nên người ta cũng xót thương mà giúp đỡ chút tiền, người thì cho mười ngàn, người hai chục, người nào khá hơn thì cho được vài trăm. Com góp lại cũng đủ để giúp Cừ mua được chiếc xe đạp khác, thỉnh thoảng, Mạnh liên hệ xin được vài phần quà, vài bộ áo quần của mạnh thường quân rồi đem tới cho người thanh niên để giúp anh trang trải phần nào những khó khăn trong cuộc sống khi trong căn phòng trọ chẳng có gì ngoài một cái nồi, cái chảo với mớ quần áo cũ kỹ, nhàu nhĩ ngã màu.

Sau hơn hai tháng đến với đất Sài Gòn, Mạnh cũng bắt đầu quen dần đường đi và hòa nhập khá tốt với con người nơi đây. Một ngày được nghỉ, Mạnh bắt xe đò về quê rồi lấy chiếc xe máy cà tàng chạy lên thành phố để có cái chân đi, để khi cần thì chở chị Diệu đi làm hoặc khi quen đường thì làm thêm nghề shipper kiếm sống.

******

Sau hai tháng làm lụng ở thành thị và dọn đến ở chỗ làm của người chủ, hôm nay Diệu được về lại phòng trọ, buổi chiều, hai chị em chở nhau trên xe  máy đến một cái quán ăn lề đường với mấy món sinh viên, ghé vô quán chè thập cẩm để ăn mừng sau một thời gian dong ruổi, lăn lộn trên mảnh đất đô thị sáng đèn thì cũng đã tìm được công ăn việc làm tạm ổn để trang trải qua ngày.

Bóng tối nhập nhoạng kéo dài xuống con hẻm nhỏ, những ánh đèn vàng vọt toát ra từ những ngôi nhà bên cạnh, mờ mịt âm u, tiếng hát karaoke của hàng xóm vào ngày cuối tuần lại cất lên ồn ã, khi chiếc xe máy của Mạnh quẹo vô con hẻm thì một cái bóng bất ngờ chạy vụt ngang qua đầu xe làm Mạnh vội vàng thắng gấp, Diệu ngồi ngoài sau như muốn bổ nhào. Mạnh định thần, cho xe dừng lại để xem người băng qua đầu xe có bị xây xát gì không thì nó thấy cái dáng vẻ luộm thuộm của một người đàn bà với mớ tóc lòa xòa rũ rượi đang lần mò ngồi bệt xuống đất, ở vệ đường. Mạnh vội dựng xe, hai đứa bước xuống và đi về phía người đàn bà kỳ dị.

- Bà có sao không?

Diệu cất giọng hỏi, Mạnh im lặng quan sát khi thấy gương mặt người đàn bà vẫn cúi gằm, mái tóc rối bù, dài ngoằng che gần hết mặt. Nó nghe mùi hăng hắc bốc ra từ cơ thể người đàn bà trong bộ áo quần lem luốc, nhếch nhác và chẳng giống ai.

- Nhà bà ở đâu? Sao lại ngồi đây?  Diệu nhẹ giọng hỏi.

- Bà có bị sao không?

Lúc này, Mạnh mới hỏi người đàn bà sau khi đã quan sát kỹ vì nó sợ có va quẹt khi chiếc xe của nó đang lao đến và người đàn bà băng ngang một cách bất thần. Đổi lại, người đàn bà vẫn chẳng trả lời, đôi bàn tay với những chiếc móng đen ngòm bám đầy bùn đất lâu ngày không cọ rửa vẫn cứ cào sột soạt lên chiếc quần đen nhăn nhúm, rách toạt một đường, tưa cả chỉ.

Một người hàng xóm ở cạnh, đang ngồi hóng mát, thấy hai chị em nó ngồi đó không biết có chuyện gì, mới bước ra nghe ngóng. Rồi bà giải thích:

- Bà này bị tâm thần, ở cái nhà bỏ hoang cuối hẻm. Ngày nào bả cũng đi lang thang ngoài đường vậy đó.

Nghe người phụ nữ hàng xóm nói vậy, Mạnh và Diệu mới hiểu ra thân thận của người đàn bà kỳ lạ. Nhưng trái với cảm giác sợ hãi, Diệu lại thấy có chút gì đó thương cảm khi cô nghĩ đến người đàn bà lớn tuổi không nhà không cửa, không con không cái, lang thang, hoang dại với cuộc sống như trả nợ cuộc đời. Tự dưng Diệu nghe lồng ngực mình nghèn nghẹn.

- Con đưa bà về nhà nha!

Diệu nhẹ nhàng nắm lấy tay người đàn bà thì bà vội giật tay ra rồi cất lên giọng cười man dại khiến thần kinh Diệu và Mạnh bất giác căng lên đột ngột. Tiếng cười lẫn trong tiếng rú the thé phát ra từ cái miệng đen ngòm móm mém được che phủ sau mớ tóc lòa xòa rũ rượi, ánh đèn le lói từ phía nhà hàng xóm phản chiếu ánh sáng vàng vọt lên gương mặt của người đàn bà, loang lỗ những vùng sáng tối càng làm cho hình ảnh của người đàn bà hiện lên rờn rợn.

Tối hôm đó, sau khi ra sức thuyết phục và giúp đỡ thì Mạnh và Diệu cũng đưa được người đàn bà về với căn nhà hoang ở phía cuối đường.

Ngôi nhà nằm ẩn sâu sau lùm cỏ dại mọc lên tua tủa, che kín cả đầu người, ngôi nhà này xem ra đã được xây lâu rồi bỏ dở, những mảnh tường cũ kỹ bám rêu xanh, loang lỗ những mảng vôi rơi rớt, để lộ những phần gạch vữa bám đầy tổ mối, những cánh cửa đã bị ai đó lấy đi, từ ngoài nhìn vào trong, chỉ thấy sâu hun hút như một đường hầm. Bên dưới, cỏ dại mọc đầy, không rõ lối đi, người đi vào cứ phải bước nhoài lên cỏ, nghe rợn cả chân.

Mạnh và Diệu nghe tim đập thình thịch, tay chân ướt đẫm mồ hôi vì sợ khi đứng trước ngôi nhà hoang tối om như mực, khi lần đầu tiên trong đời hai đứa trẻ phải đối diện một người đàn bà tâm thần hoang dại nơi ngôi nhà ma quái rùng rợn thế này. Sau khi đưa người đàn bà vào bên trong, hai đứa lần mò theo dấu đèn pin nhờn nhợt từ chiếc điện thoại để ra ngoài cửa, bỗng hai đứa giật thót người khi nghe tiếng cười the thé cất lên man dại từ bên trong căn nhà hoang, giữa bốn bề vắng lặng, thanh âm quái dị quyện vào không gian đen đặc, xoáy vào tận thái dương, Diệu nghe tim hẫng đi một giây rồi cô cũng kịp định thần, kéo tay Mạnh đi nhanh ra khỏi đám cỏ tranh cao ngất, lần về phía con đường nhập nhoạng màu ánh sáng.

******

Sau khi về nhà trọ sắp xếp một vài món tư trang, Diệu quay lại chỗ làm của người chủ quán để tiếp tục công việc mưu sinh. Cô chỉ nói với Mạnh là làm nhân viên coi sóc quán café cho chị chủ, người ta cũng đối đãi đàng hoàng, hàng tháng ngoài lương, cô còn được chị chủ cho thêm một ít chi tiêu. Nghe Diệu kể thì Mạnh cũng yên tâm phần nào dù nó vẫn luôn miệng nhắc Diệu có gì thì phải nói cho nó biết.

Những ngày sau đó, Mạnh đăng tin về người đàn bà tâm thần trong căn nhà hoang để mong tìm lại được người thân cho bà trong những năm tháng cuối đời nhưng không thấy ai liên hệ, chỉ có một số mạnh thường quân đọc được thì họ liên hệ gửi cho Mạnh ít tiền để cùng trang trải, lo phụ cho bà. Mạnh nhận ra ở cái nơi thành thị rực rỡ này cũng có những mảnh đời tận cùng hàn vi, bỉ cực. Vài ngày, Mạnh lại mang một ít bánh trái, quần áo cũ qua cho người đàn bà rồi dọn dẹp lại cái góc nhỏ nơi bà đang ở, mỗi lần dọn dẹp, nó cũng phải lấy hết can đảm để làm, vì lòng thương người, vì nó nghĩ người đàn bà bất hạnh cũng như cha như mẹ nên nó không quản ngại thân thanh niên sạch sẽ để lau dọn cái nơi vừa ăn, vừa ngủ, vừa đi vệ sinh tiểu tiện nặng mùi khó ngửi, một góc ở thật buồn và đắng ngắt của một phận người.

Trưa nay, sau khi tan ca làm ở quán, Mạnh về nhà, nó dựng xe rồi vào bên trong, chưa kịp thay đồ, bụng nó đã thấy đói đến hoa cả mắt, nó lục đục ra phía sau bắt cái bình đun nước rồi cắt gói mì bỏ vào tô ăn tạm cho lửng bụng rồi tính tiếp. Khi nó đang loay hoay châm ấm nước sôi vào tô thì nghe tiếng một người ở trọ phòng bên cạnh chạy qua gọi nó giọng hớt hải:

- Mạnh ơi Mạnh!

Mạnh vội đặt ấm nước xuống bàn rồi chạy ra cửa, nó thấy người phụ nữ đang ẵm đứa con, mặt tái xanh:

- Ông Tỵ, bị tai nạn ngoài đầu đường, nghe mấy người trong xóm nói nặng lắm.

Nghe tới đó, Mạnh vội xỏ đôi dép rồi chạy ra mà quên luôn tô mì vừa mới nấu.

Vừa ra đầu đường, Mạnh đã thấy một đám đông lố nhố ngoài giao lộ, nó đi nhanh về phía đám đông, trước mắt nó là một vài người dân quân, bảo vệ khu phố đã đứng sẵn bảo vệ hiện trường. Nó khẽ len qua đám đông để đến gần hơn khu vực người bị nạn, tự dưng đầu nó xoay mòng mòng, một cảm giác chóng mặt khiến nó muốn nôn ói khi nhìn thấy những vệt máu chảy dài thành dòng từ đỉnh đầu của người đàn ông ra ngoài đường lộ, chiếc nón bảo hiểm xộc xệch bị bể làm đôi, che một nửa gương mặt đã bị biến dạng và lộ ra những mảng màu trắng của xương tủy lẫn vào mớ thịt nhầy nhụa màu đỏ quạch, máu từ miệng người đàn ông bị nạn vẫn trào ra không ngớt. Nó nghe cơ thể lạnh toát khi nhìn thấy tứ chi của ông Tỵ đang co giật liên hồi, một phần bên bụng đã bị giập nát lộ ra những mảnh ruột loằng ngoằng đang phì to khi ra ngoài không khí.

Mạnh ngồi thụp xuống, nó lấy tay ôm đầu vì nghe nghẹn trong cổ họng, một cảm giác nhờn nhợn khi thấy máu và những mảnh thịt nhầy nhụa từ cơ thể người, những thứ mà bình thường nó chỉ thấy từ sạp hàng của dân bán thịt.

- Ông này hình như mua bán chó

- Ừ, thấy cái xe còn mấy con chó trong lồng kìa

- Làm nghề này nghiệp nặng lắm.

- Nghe nói có một con chó bung lồng nhảy xuống đường, ổng lạc tay lái nên té vô xe tải.

- Bởi vậy, sinh nghề tử nghiệp mà.

Tiếng nói nhốn nháo của những người dân đang đứng xung quanh để coi hiện trường tai nạn, khi cơ thể người đàn ông đã không còn cử động, người ta mang tấm chiếu ra đắp phủ lên người, rồi lấy mấy cây nhang cắm lên chiếc lon sữa bò, một nghi thức cho người mất ngoài đường ngoài xá. Mạnh nhìn ra ngoài sau, dòng xe ngày một đông dần vì kẹt lại do tai nạn. Nó đứng dậy sau khi đã bớt cảm giác buồn nôn, nó định thần lại rồi thờ thẩn quay trở về, đầu óc nó vẫn mơ hồ, nó nghe loáng thoáng bên tai tiếng còi xe cứu thương rền rã và những lời nói đan xen từ đám đông nhốn nháo.

*****

Một buổi sáng cuối tuần, Mạnh mua một ít mì gói, bánh ngọt và cái bình thủy đựng nước sôi đem qua căn nhà hoang cho người đàn bà tâm thần. Khi men theo lối đi đầy cỏ dại, bước qua cánh cửa trống không, Mạnh giật mình khi nghe tiếng ré lên của một con mèo, Mạnh nhìn theo hướng phát ra tiếng động thì thấy một con mèo đen đang nằm vắt vẻo trên cây đà bằng gỗ, cặp mắt sáng quắc như hai ngọn đèn pha rọi nhìn chằm chặp vào mặt Mạnh làm nó nổi da gà, nó tự hỏi: “Hôm nay sao lại có con mèo đen ở đây nữa vậy?”

Mạnh đi len qua căn phòng bên ngoài, nó cất giọng gọi để đánh tiếng rồi đi sâu vào khu vực người đàn bà đang ở, hôm nay, nó không thấy bà ngồi ở phía bên ngoài để đếm mấy chiếc đũa khô như một trò vô thần của bọn trẻ con. Mạnh đi sâu vào bên trong chút nữa thì nó thấy bà đang nằm trên một cái mền, chỗ ngủ của người đàn bà hoang dại.

- Bà khỏe không? Hôm nay sao bà không ra đếm đũa?

Mạnh khẽ nắm lấy tay bà, bàn tay nhăn nheo, gầy gò với những chiếc móng dài bám đầy bùn đất, nó nghe tay bà lành lạnh, nó đoán là bà bị cảm mạo rồi.

- Bà ăn gì không? Con có đem bánh, mì gói cho bà nè.

Mạnh khẽ nắm tay của người đàn bà lay khe khẽ, nó chạm phải ánh mắt đờ đẫn của bà xuyên qua mớ tóc lòa xòa, vẫn nhìn nó không chớp mắt, đáp trả lại câu hỏi của nó vẫn là sự lặng im.

Từ trước đến giờ, khi đối diện với người đàn bà này, Mạnh chỉ độc thoại một mình vì chưa bao giờ người đàn bà nói với Mạnh câu nào nghe cho tỉnh táo, mà dường như ngôn ngữ với bà cũng là điều gì đó không hề tồn tại, bà như ở một thế giới khác, thế giới của sự man dại, kỳ dị được phát ra bằng giọng cười the thé, là tiếng gào rú hỗn loạn không thuộc về thế giới của người thường.

Sau khi dọn dẹp xong khu vực xung quanh, Mạnh nắm lấy tay bà, rồi vẫn độc thoại một mình:

- Bà nằm nghỉ ngơi nha, khi nào khỏe thì dậy ăn bánh, bây giờ con đi về.

Mạnh đặt tay bà xuống để đứng lên thì bất chợt người đàn bà nắm chặt bàn tay Mạnh, bà kéo ghì lại, cặp mắt ánh lên vẻ gì đó khác lạ ngày thường, Mạnh thấy hoang mang, nhưng rồi trong thâm tâm nó linh cảm người đàn bà có điều gì đó muốn nói với nó mà không thể nói ra thành tiếng. Bàn tay người đàn bà lần đầu tiên nắm chặt nó như sợ hãi điều gì, lần đầu tiên người đàn bà điên có một hành động mang dấu hiệu cảm xúc của con người mà trong lòng Mạnh, chưa thể lý giải được lý do.

- Bà nằm nghỉ đi, có gì mai con qua thăm bà, giờ con phải về đi làm.

Mạnh động viên người đàn bà bằng giọng buồn buồn vì nó biết hôm nay bà bị bệnh, ánh mắt của bà vẫn đờ đẫn nhìn vào gương mặt nó với bàn tay nắm chặt, khi Mạnh kéo bàn tay bà đặt xuống bụng thì những ngón tay mới từ từ mở ra.

Nó lặng lẽ bước ra ngôi nhà hoang đầy cỏ và nặng mùi âm khí, nó thấy lòng dạ bồn chồn khi cảm giác những ngón tay của người đàn bà man dại như vẫn còn nắm chặt vào bàn tay của nó.

Sáng hôm sau, khi đang đứng ở phía ngoài sân của dãy nhà trọ, Mạnh nghe tiếng xe cứu thương réo còi chạy sâu vào con hẻm cuối đường, trong đầu nó có linh cảm điều gì đó bất thường, và thế là nó vội quay vô khép hờ cánh cửa phòng rồi đi nhanh về hướng chiếc xe cứu thương, khi đi đến cuối đường, nó nhìn thấy phía trước căn nhà hoang có nhiều người ở đó, có công an, có những người mặc đồ trắng của ngành y và nhiều người dân quanh khu xóm trọ, nó vội đi sâu vào bên trong chút nữa rồi dừng lại ở khu vực được giăng dây cảnh báo, Mạnh đứng lẫn trong đám người đang lố nhố bên ngoài, vài phút sau, một chiếc băng ca trắng được khiêng ra với một mảnh vải trắng trùm kín thân người. Nó thẩn thờ khi loáng thoáng nghĩ về điều đang hiện hữu trong đầu của nó, một cái nắm tay thật chặt, một ánh mắt đờ đẫn nhìn sâu vào mắt nó như có điều gì muốn nói nhưng không thoát ra được từ cửa miệng và người đang nằm trên chiếc băng ca, tiếng xe cứu thương bật còi lao đi, những người dân vẫn đứng xung quanh quan sát.

- Bà tâm thần mới chết. Công an đưa đi rồi. Không con không cái, chắc nhà nước họ lo.

Mạnh im lặng không đáp lại câu nói của người đứng cạnh, nó khẽ nắm chặt bàn tay rồi bần thần nhìn về phía ngôi nhà, nơi có những cánh cửa không bao giờ đóng.

*****

Diệu loay hoay dọn dẹp những ly café, lau lại bàn ghế trong căn phòng của người chủ quán. Từ khi lên đây, Diệu vẫn được sự dẫn dắt và bảo bọc của người phụ nữ cùng quê, công việc cũng không có gì vất vả, chỉ ở trong mát lau dọn, canh giữ quán dùm cho chị chủ, lại được sửa soạn ngoại hình nên càng ngày, Diệu càng trắng trẻo đẹp ra. Khi đang chưng dọn lại mấy cái bình bông, Diệu nghe tiếng nói từ phía sau lưng của người phụ nữ.

- Nghỉ tay đi em, lên đây chị có chuyện muốn nói nè.

Diệu khẽ lau tay vào chiếc khăn rồi bước đi chậm rãi sau lưng người chủ quán. Khi lên tới tầng hai dãy lầu, bước vào căn phòng, người phụ nữ tên Đoan chỉ Diệu một cái ghế cạnh cửa sổ, kêu cô ngồi xuống đó, rồi Đoan quay lưng đóng cánh cửa lại một cách kỹ lưỡng.

- Em sửa soạn, thứ ba theo anh Lệnh tới chỗ làm mới.

- Dạ, đi đâu vậy chị?

Diệu thoáng nét ngỡ ngàng khi nghe những lời nói chậm rãi từ phía Đoan

- Đi tới chỗ này, việc nhẹ lương cao

Đoan nói mập mờ rồi khẽ mỉm cười, nụ cười đầy bí hiểm.

- Chị ơi, em không đi được không? Chị nói với em là đến đây phụ việc nhà, trông coi quán cho chị, chị cho em ở đây làm cho chị được không? - Diệu cất giọng lo lắng pha lẫn chút van lơn.

- Trời, phụ việc nhà thì thiếu gì người, ai đời đem một đứa trẻ măng, mơn mởn lên cho phụ việc nhà, em phải làm việc khác, phù hợp với ngoại hình của em, kiếm được nhiều tiền.

- Dạ, công việc gì cũng được, cực khổ cũng được nhưng đừng đưa em đi đâu nha chị!

- Không đi cũng được, em đưa chị hai trăm triệu ngay bây giờ thì em khỏi đi đâu.

Giọng người phụ nữ vốn ngày thường  tỏ ra thân thiết, nay bỗng dưng quay ngoắt thái độ đầy thách thức, lộ rõ chân dung thật của kẻ bất lương.

- Em lên đây để tìm việc làm vì dưới quê nghèo khó, em làm gì có tiền mà đưa chị hai trăm triệu bây giờ!

Diệu run run như sắp khóc, cô cảm thấy hoang mang lẫn chút lo sợ khi nghĩ đến việc sẽ phải đi đến nơi mà cô không biết là ở nơi đâu, công việc thế nào.

- Thôi em đừng nói nhiều. Không có hai trăm triệu thì sửa soạn đồ đạc, thứ ba đúng 5 giờ lên xe với anh Lệnh.

Người phụ nữ với vóc dáng tròn trịa, ăn mặc thời trang, móng tay móng chân sơn đỏ chót, gương mặt lúc nào cũng đậm mùi son phấn với cái áo hở gần nửa ngực, ả đặt một câu mệnh lệnh sắc lẻm rồi đứng dậy ra ngoài, không đợi Diệu nói gì thêm. Khi Đoan rời đi, Diệu đứng dậy định đi ra khỏi phòng thì lúc này một người đàn ông với ngoại hình lực lưỡng, xăm trổ đen đặc hai cánh tay đã bước nhanh vào phòng, chặn ngay cánh cửa.

- Đi đâu vậy em?

Diệu chưa kịp cất giọng định thần thì người đàn ông đã lên tiếng bằng cái giọng đe dọa:

- Theo anh qua phòng bên này.

- Đi đâu? Mắt Diệu mở to ngơ ngác.

- Đi đâu thì mày hỏi làm gì? Có đi theo tao không hay là đợi tao dùng vũ lực?

Diệu bàng hoàng khi nghe những lời đe dọa với ngôn từ thô thiển từ phía gã đàn ông, trong lòng Diệu bắt đầu trỗi dậy cảm giác bất an kinh khủng. Khi cô chưa kịp phản ứng thì gã đã dùng cánh tay hộ pháp túm lấy tay cô đẩy ra khỏi phòng rồi lôi cô đi lên tầng trên cùng của dãy lầu kín cổng.

Diệu bị đưa vào căn phòng số 8, khi cửa vừa mở, gã đàn ông thô bạo đẩy cô ngã nhào vào bên trong, khi vừa lồm cồm ngồi dậy, Diệu đã thấy trước mặt có hơn mười cô gái nữa đang ngồi rũ rượi ở khắp góc phòng. Lúc này, Diệu đã lờ mờ hiểu ra điều gì đang đến trong cuộc đời của cô, sau quãng thời gian ngắn ngủi đặt chân lên đất Sài Gòn hoa lệ.

Tiếng cửa khóa trái bên ngoài, như một dấu chấm hết cho cuộc đời và ước mơ của những cô gái trẻ có chút nhan sắc, ngây thơ nuôi mộng đổi đời ở mảnh đất tiềm năng cơ hội này.

Một ngày trôi qua trong căn phòng ngột ngạt của tòa nhà biệt lập với cuộc sống tấp nập bên ngoài, không ai đoán biết được rằng nơi đây là thủ phủ của những kẻ buôn người được tạo dựng bằng vẻ ngoài của những con người thành đạt, kinh doanh nghề café khách sạn. Nhìn ra cánh cửa sổ đã khóa kín là dãy hành lang phủ đầy tàng cây phượng vỹ đang mùa trổ hoa đỏ rực nhưng không xoa được sự lạnh lẽo, khủng hoảng trong lòng những cô gái trẻ.

*****

Ngày thứ hai, tiếng cửa phòng mở ra lách cách, ánh mắt những cô gái đổ dồn nhìn ra phía cửa trong nỗi lo sợ tột cùng. Lúc này, một gã đàn ông bặm trợn bước vào phòng, cất giọng ồm ồm, nghe đầy dữ tợn.

- Ai là Diệu, đi theo tao.

Diệu chậm chạp đứng dậy, cô không biết phía trước là gì, là vực sâu hay nơi để cô giải thoát nhưng tiếng nói rít qua kẽ răng và dáng vẻ hung tợn của gã đàn ông, khiến cô đành phải bất lực nghe theo.

Ngày hôm đó, bọn chúng đưa Diệu vào phòng tiếp tên trọc phú, cũng là đầu sỏ của đám buôn người như một nghi thức dâng cúng thiếu nữ trước khi đưa đi ngã giá, thành món đồ đã cũ.

Trải qua những thời khắc bị hành hạ, tra tấn bằng nhiều nhục hình quái gở và tàn bạo, Diệu nếm trải những cơn đau tinh thần lẫn thể xác trong nỗi kinh hoàng, cô tuyệt vọng không biết những ngày tiếp theo trong đời mình, cô sẽ còn gánh chịu bao nhiêu lần làm lễ cúng tế và là một thú chơi cho bọn lắm tiền, thô bạo và bệnh hoạn, Diệu mơ hồ lẫn trong những cơn đau lấp đầy thân thể, bằng cách nào đó, cô phải trốn thoát, phải được giải thoát ra khỏi nơi địa ngục này. Trong đầu Diệu chợt nghĩ về Mạnh, cậu em cùng quê chắc đang ở nhà và tin rằng Diệu đang có những tháng ngày bình yên nơi làm việc, ở quê, giờ này chắc tía má đang bận công việc ruộng đồng, không ai nghĩ rằng Diệu đang quằn quại đau đớn trong căn phòng quái thú với những vết thương, sự tủi nhục hằn sâu thân thể vì những trận dày vò thân xác của gã đàn ông bẩn thỉu rồi quẳng lên xe đem bán như một món đồ chơi. Vết thương trên tay Diệu sau những trận cào cấu, cổ họng bỏng rang vì những tiếng la hét hoảng loạn, thân thể Diệu mệt mỏi rã rời, ánh mắt Diệu nhòe đi sau lớp màn sáng đục của bóng đèn yếu ớt, rọi trên căn phòng ngột ngạt hơi rượu lẫn hơi người, cái ánh sáng mụ mị cũng trở nên bất lực len qua cánh cửa sổ buông rèm khóa kín.

Mạnh nằm nghỉ lưng trên chiếc giường sắt cũ sau buổi trưa tan việc về nhà, nó cầm quyển sách đọc cho thư giãn và dễ ngủ thì nghe tiếng chuông điện thoại reo lên, nó vội bắt máy trả lời khi thấy đầu dây bên kia hiện lên tên của Diệu.

- Em nghe nè chị.

- Mạnh, chị đang ở căn nhà 307/20, đường Hoàng Giang, tầng năm, phòng số sáu, chị….

- Alo! Em nghe nè chị, alo chị!...alo!

Tiếng nói bên đầu dây kia bất chợt im bặt, chỉ còn lại tiếng tít…tít không tín hiệu. Mạnh bỏ máy xuống, trong đầu nó đầy những câu hỏi ngổn ngang, nhưng rồi nó chẳng kịp suy nghĩ, nó vội vàng mặc cái áo thun và chiếc quần dài, mang đôi dép lào rồi dẫn xe ra cửa, trong tâm trí nó cứ hiện lên câu nói gấp gáp, lạ lùng của Diệu, là căn nhà 307/20, đường Hoàng Giang, tầng năm, phòng số sáu…

Sau hơn một tiếng chạy qua những con đường loằng ngoằng, khi tìm đến nơi, nó dựng xe rồi chạy vội qua cánh cổng có hàng rào màu xanh đang mở rộng đúng như địa chỉ mà Diệu đã cho, nó ngạc nhiên: “Ủa, cái này là sân sau của một trường học bỏ hoang chứ đâu phải quán café hay nhà của người chủ mà Diệu đang làm ở đó”.

Mạnh chạy lên tầng một rồi tầng hai, nó hì hục đi kiếm thang máy nhưng không mở được, thế là nó chạy bộ mệt lừ lên đến tầng năm, nơi mà Diệu báo tin cho nó. Khi nó đang đứng thở dốc thì nghe tiếng gọi:

- Mạnh!

Nó quay ra sau lưng, theo phía phát ra tiếng gọi, nó thấy Diệu đang đứng sau lưng nó, nó nở nụ cười vui mừng trong bụng

- Chị, sao lại ở đây?

Chưa kịp biết chuyện gì thì Diệu đã chạy đến nắm lấy tay Mạnh và kéo nó chạy đi về phía hành lang dãy lầu vắng lặng.

- Đi đâu vậy chị?

Diệu không nói gì, cứ kéo tay nó chạy đi như ma đuổi. Nó đang mệt lả khi vừa chạy bộ lên tận lầu năm nên không còn sức để đi theo Diệu, nó ghịt tay Diệu lại, giọng hổn hển:

- Sao tay chị lạnh ngắt vậy?

- Ừ, tại chị sợ quá. Đi thôi em, đi nhanh ra khỏi đây.

- Mà đi đâu? Cầu thang em thấy ở phía bên kia.

Diệu không trả lời, cô kéo tay nó rồi quay lưng chạy tiếp về phía hành lang nằm khuất sau những nhành phượng vỹ.

Bất chợt, Mạnh thấy có gì đó đang nhốn nháo phía dưới sân, có tiếng xe cảnh sát, cứu thương, nó kéo tay Diệu lại:

- Ở đây vắng quá, đừng đi xa quá chị, trên đây là tầng thượng rồi, mình xuống kia coi có gì không?

- Đừng đi xuống đó, nguy hiểm lắm, đi theo chị!

Diệu quay lưng kéo tay Mạnh chạy đi nhưng vì tò mò, nó giật tay ra khỏi tay Diệu rồi kéo Diệu quay trở về phía cầu thang.

"Mạnh, đừng chạy về phía đó" - Diệu cất giọng như cảnh báo.

Nhưng nó vẫn kéo tay Diệu chạy đi như hai kẻ vô hồn. Lúc này, Diệu ghì tay đứng lại, gương mặt xanh xao, lộ vẻ thất thần:

- Đừng đi xuống đó, ở đó nguy hiểm lắm.

- Em xuống coi có chuyện gì không? Hay là chị ở đây chờ em, lát em lên với chị.

Nói xong, Mạnh vội vàng chạy xuống tầng lầu, tầng năm, tầng bốn, tầng ba…cuối cùng, Mạnh cũng đến được khoảng sân sau của tầng trệt, nơi có nhiều người tụ tập và những chiếc xe cảnh sát, xe cứu thương đang xếp hàng đợi sẵn.

Mạnh đi gần lại phía đông người tụ tập, nó nghĩ có trận ẩu đả hoặc tai nạn nào đó xảy ra, khi đến gần, nó nhận ra hình như là có người bị nạn, đang nằm dưới đất. Nó tiến lại gần chút nữa thì thấy người bị nạn đang nằm trên vũng máu, mái tóc dài quấn quanh gương mặt với chiếc cổ bị gãy quặt ra sau, cái áo màu trắng ướt đầm trong màu máu…

- Cô này bị té từ trên tầng cao xuống!

- Nghe nói cảnh sát đang vây bắt căn nhà bên cạnh, ổ của tụi buôn người

- Trông cho công an bắt hết cái lũ ác nhân.

Nghe những lời nói loáng thoáng bên tai từ những người ngồi xung quanh khu vực xảy ra tai nạn, tự dưng một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng, lướt qua mang tai của Mạnh, nó cố bước gần thêm chút nữa tới khu vực người bị nạn đang nằm, nó cứ bước đi như người vô hồn, mắt nó nhìn thẳng về phía cái xác đang nằm bất động.

- Không được đi qua đây anh ơi.

Nó bất chợt giật mình khi tiếng một người cảnh sát nhắc nó không được đi qua vùng giăng dây cảnh báo. Nó dừng lại, ánh mắt vẫn cứ nhìn chằm chặp về phía tử thi, nơi những người cảnh sát lẫn pháp y đang đứng xung quanh hiện trường khám nghiệm.

Bất chợt mắt Mạnh mở to, môi nó run lên từng cơn và đầu nó như bung ra nhiều mảnh khi thấy người bác sĩ nắm cánh tay của thi thể đưa lên, một cái vòng tay thắt bằng dây màu đỏ như đập vào mắt nó, nó thẫn thờ như một kẻ mất hồn, miệng nói mấp máy trong vô thức: “Chị Diệu!”

Nó khẽ lắc đầu cho tỉnh táo nhưng môi nó vẫn mở ra không khép lại được vì sự bàng hoàng.

- Bị rớt xuống lâu rồi, hơn một tiếng rồi. Cảnh sát tới gần một tiếng rồi mà chưa khám nghiệm xong.

- Không biết bị tai nạn hay tự tử.

- Nghe nói tự tử vì trong người có cầm theo mảnh giấy nữa mà.

Mạnh nghe hai chân như không còn cảm giác, nó khụy xuống trước những lời nói qua lại xôn xao của những người dân đứng cạnh hiện trường.

“Rơi xuống hơn một tiếng rồi…”, Mạnh im lặng như người mất hồn. Bàn tay nó nghe lạnh buốt và hơi lạnh vẫn còn chạy dọc sống lưng. Trong mắt nó hiện lên dãy hành lang dài hun hút, hai bên dãy lầu là những căn phòng đóng kín như bưng, là bàn tay của Diệu nắm chặt tay nó chạy đi như vô thức về phía cuối dãy lầu. 10 phút trước, nó vẫn còn nắm tay và chạy cùng với Diệu….

Những cơn gió thốc vào mặt ở khu đất bỏ hoang, một ngôi trường lạnh lẽo không người lai vãng, một căn biệt thự đang bị bao vây bởi cảnh sát và hàng chục con chó Becgie nghiệp vụ, ở đằng kia, những viên cảnh sát và bác sĩ pháp y vẫn còn tất bật xung quanh một thi hài đang nằm bất động.

Mạnh thẫn thờ, nó hướng cặp mắt vô hồn nhìn lên phía sân thượng tầng 5, nơi nó hứa sẽ quay lên đón Diệu, gió vẫn thổi mạnh, những nhành phượng đỏ rực đong đưa như những cánh tay dài ngoằng nhảy múa, dãy hành lang thượng tầng vắng lặng, những căn phòng khóa trái, không một bóng người, lẫn sau những tàng cây âm tịch!....

V.Đ.P.T 

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nàng Sói – Truyện ngắn của Anna Maria Stępień, Ba Lan.
Võ Chí Nhất dịch từ nguyên bản tiếng Anh,She Wolf của Anna Maria Stępień, Ba Lan.
Xem thêm
Trong lời mẹ hát | Thơ in sách giáo khoa và lời bình
Bài thơ Trong lời mẹ hát được đưa vào giảng dạy ở sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8
Xem thêm
“Một ngày từ bên trong” - Tác phẩm đạt giải thưởng của cô gái 16 tuổi
Tập thơ “Một ngày từ bên trong” của tác giả trẻ Trần Phú Minh Anh, bút danh Minh Anh sinh năm 2007 được trao Giải A của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023. Tập thơ được bán với giá 200 ngàn đồng.
Xem thêm
Sơ - Lốc - Hôm mặc váy - Truyện ngắn Võ Chí Nhất
Hắn giật thót người khi nghe tiếng con Shushi sủa váng lên khiến bà già chủ nhà lên tiếng nhắc chó cưng rồi rời bàn viết.
Xem thêm
Chùm thơ Bùi Xuân Mẫn
Nhận thấy mình tin chắc thế nàovề một chuyện duy nhấtmà không thể chứng minhLập lòe sáng tối do ánh lửa
Xem thêm
Giới thiệu chân dung thơ Phạm Tiến Triều
Người cầm bút phải có sứ mệnh mang văn hóa của dân tộc mình đến với mọi người. Bởi xét đến cùng, cội rễ của thơ ca phải xuất phát từ ngọn nguồn văn hóa của dân tộc mình sinh ra. Dòng chảy ấy là bất tận. Nhà thơ phải biết hòa điệu giữa dòng chảy văn hóa dân tộc với điệu hồn cảm xúc của cá nhân mình. – Quan niệm văn chương Phạm Tiến Triều
Xem thêm
Đừng xem đó là bẫy – Truyện ngắn Võ Chí Nhất
Anh chàng cẩn thận ngồi vào bàn và nhìn bà Lan Chi với ánh mắt biết ơn khi bà mang khay bánh rán vàng ruộm chầm chậm bước về phía mình. Anh ta xoa cái bụng bí đau sau lớp vải áo sơ mi mới toanh, ra vẻ thèm ăn để làm bà vui vì sắp được thưởng thức hương vị bánh rán mới mà bà cất công làm từ sáng sớm.
Xem thêm
Cuộc điện thoại bất ngờ - Truyện ngắn Hoàng Thị Hiền
Sau tiếng trống báo hiệu vào tiết học, tôi cho đôi mắt được tự do quan sát khắp sân trường, nhà để xe, con đường tấp nập ngoài cánh cổng sắt…
Xem thêm
Thơ Trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI - Những tìm tòi và thử nghiệm
Đặt vấn đề thơ Trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX
Xem thêm
Nước mắt mùa đông – Tản văn của Đặng Thùy Tiên
Mùa đông ở miền núi Tây Bắc, cái rét không ngòn ngọt như mạn Đông Bắc mà mằn mặn đanh đanh. Cây cối vào mùa đông chịu cái rét thấu, sáng sớm sương muối tích tụ từ đêm giữ lại cái rét trong những hạt trắng nhỏ li ti, treo mình trên từng tán lá, ngọn cỏ, cành cây. Sương muối không bỏ qua cái ngóc ngách nào của rừng núi, kể từ cái mạng nhện, những sợi tơ mỏng manh bình thường lẫn vào với không khí chẳng thấy đâu, vậy mà lúc này bị sương muối làm cho lộ diện hoàn toàn cả cấu trúc của mình.
Xem thêm
Bể dâu lành lặn | Chùm thơ của Mạc Tường Vi
Lặng lòng mắt ước xăm xaBể dâu lành lặn người ta phương nào
Xem thêm
Thơ Cỏ Ba Lá
Chiều bắt dế ven đê cùng lũ bạnTiếng sáo diều thủng thẳng ở lưng trâuĐôi chân trần làn da cháy đen nâuPhong phanh áo mưa ngâu trời trở gió
Xem thêm
Cảm thức nguồn cội trong ‘Chín nhánh da vàng’ của Khét
Văn học không chỉ phản ánh mà còn đồng hành và kiến tạo cuộc sống. Chính vì thế, những dòng chảy văn học luôn được nuôi dưỡng, tiếp nối và bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi người nghệ sĩ tài năng sẽ ghi lại dấu ấn trong lòng độc giả bằng những con đường khác nhau, tùy thuộc vào thời đại, xã hội mà họ sống trải. Thuộc thế hệ thứ ba trong lớp những nhà văn, nhà thơ trẻ ở đô thị miền Nam như: Phong Việt, Anh Khang, Phương Huyền, Trần Phi Long, Nguyễn Trần Thiên Lộc, Vũ Văn Song Toàn, Lê Thùy Vân… Khét (Trần Đức Tín) là một gương mặt quen thuộc trên nhiều diễn đàn mạng và tạp chí Văn học từ địa phương đến trung ương. Anh để lại ấn tượng trong lòng độc giả bởi một bút lực dồi dào, sung sức và một hồn thơ chân chất, mộc mạc, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống đương đại. Điều này thể hiện rõ nét qua ba tập thơ đã xuất bản trong ba năm liên tiếp: Rồi mình cũng xa lạ nhau (2018), Mình mắc cạn vào nhau (2020), Ở đậu trong nhau (giải thưởng Hội nhà văn Tp. Hồ Chí Minh 2021). Tập thơ mới nhất của anh Chín nhánh da vàng (2022) đã cho thấy một hình ảnh Khét trầm tĩnh, suy tư sâu sắc hơn với cảm thức ý hướng về nguồn cội mạnh mẽ xuyên suốt cả tập thơ.
Xem thêm
Chùm thơ Trương Mỹ Ngọc
“Nếu ác quỷ không có trên đời, cái ác biết đổ cho ai?// Loài người văn minh chưa từng nhận đã đốt rừng/ Chưa từng nhận đã tàn sát chó mèo, cỏ cây, muông thú// Nhiều người thậm chí ra tay với cả đồng loại của mình/ Loài người ngợi ca sự văn minh/ Nhưng lại thỏa hiệp với những con “người” trong lòng có quỷ…”
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Võ Chí Nhất
Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất hiện nay vẫn là hội viên trẻ tuổi nhất của Hội Nhà văn TP.HCM.
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Nguyễn Trần Khải Duy
Nhà thơ trẻ Nguyễn Trần Khải Duy sinh năm 1995 tại Bình Định.
Xem thêm
Đại biểu nhà văn trẻ: Nguyễn Đình Minh Khuê
Chạm vào cái thực - tiểu luận của nhà văn trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê.
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Trần Đức Tín
Nhà thơ trẻ Trần Đức Tín là một trong 22 đại biểu TPHCM tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng ngày 18-19/6.
Xem thêm
Nhà văn trẻ Nguyễn Anh Nhật
Nhà văn trẻ Nguyễn Anh Nhật sinh năm 2000
Xem thêm