TIN TỨC
  • Nhà văn trẻ
  • Trong lời mẹ hát | Thơ in sách giáo khoa và lời bình

Trong lời mẹ hát | Thơ in sách giáo khoa và lời bình

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-04-02 21:00:35
mail facebook google pos stwis
1217 lượt xem

TRONG LỜI MẸ HÁT
 

 

Tuổi thơ chở đầy cổ tích

Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

Đưa con đi cùng đất nước

Chòng chành nhịp võng ca dao

 

Con gặp trong lời mẹ hát

Cánh cò trắng, dải đồng xanh

Con yêu màu vàng hoa mướp

“Con gà cục tác lá chanh”.

 

Khóm trúc, lùm tre huyền thoại,

Lời ru vấn vít dây trầu,

Vầng trăng mẹ thời con gái,

Vẫn còn thơm ngát hương cau.

 

Con nghe thập thình tiếng cối

Mẹ ngồi giã gạo nuôi con

Lạy trời đừng giông đừng bão

Cho nồi cơm mẹ đầy hơn…

 

Con nghe dập dờn sóng lúa

Lời ru hóa hạt gạo rồi

Thương mẹ một đời khốn khó

Vẫn giàu những tiếng ru nôi.

 

Áo mẹ bạc phơ bạc phếch

Vải nâu bục mối chỉ sờn

Thương mẹ một đời cay đắng

Sao lời mẹ vẫn thảo thơm.

 

Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao.

 

Mẹ ơi trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa.

 

TRƯƠNG NAM HƯƠNG
 


Nhà thơ Trương Nam Hương và Lê Thành Văn - tác giả bài viết.

 

Lời bình

THIÊNG LIÊNG LỜI MẸ HÁT RU CON

 

Trương Nam Hương là một thi sĩ tài hoa đã đoạt nhiều giải thưởng danh giá về thơ. Đến nay anh đã xuất bản hàng chục tập thơ và ghi lại dấu ấn khó quên trong lòng người đọc: Khúc hát người xa xứ (1990), Ban mai xanh (1994), Thơ tình Trương Nam Hương (1995), Viết tặng những mùa xưa (1999), Thơ với tuổi thơ (2005)... Bài thơ Trong lời mẹ hát được đưa vào giảng dạy ở sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 (Chân trời sáng tạo),  thể hiện nỗi lòng của người con khi nhớ về tuổi thơ ấm áp trong lời ru dịu dàng của mẹ. Lời ru ấy trở thành cội nguồn yêu thương, là ước mơ chắp cho con đôi cánh để bay về tương lai phía trước. Lời ru của mẹ vừa bình dị, đơn sơ nhưng cũng lớn lao và cao đẹp lạ thường, nhờ đó đã đưa con đi cùng đất nước thiêng liêng và cuộc đời rộng lớn.

Bài thơ có tám khổ, có thể chia thành ba phần: ba khổ đầu là những hình ảnh bình dị, thân thương của quê hương, đất nước hiện lên qua lời ru của mẹ; bốn khổ tiếp gợi tả hình tượng người mẹ qua lời ru thiết tha, sâu lắng; khổ kết khái quát và nêu bật ý nghĩa lời ru của mẹ đối với cuộc đời con. Tuy nhiên, các phần trong bài thơ vẫn có sự xuyên thấm và giao hòa cảm xúc, tâm tình qua từng ý thơ, khổ thơ như một mạch ngầm bắt nguồn từ cảm hứng chủ đạo tác phẩm.

Trong khổ thơ mở đầu, tác giả sử dụng thủ pháp so sánh, ẩn dụ để miêu tả lời ru của mẹ. Quả vậy, tuổi thơ của con chở đầy lời ru thăm thẳm, dịu dàng và thiết tha của mẹ. Lời ru ấy chứa đựng biết bao câu chuyện cổ tích, ngọt ngào như dòng sông để đưa con đi cùng đất nước mến yêu, đẹp tươi và bình dị. Lời ru của mẹ chòng chành, đong đưa theo nhịp võng. Mẹ ru con bằng những lời ca dao yêu thương, tình nghĩa, nhờ đó con lớn lên biết được cội nguồn, thấu hiểu lẽ đời từ những gì mẹ trao truyền qua khúc hát ru nôi:

Tuổi thơ chở đầy cổ tích

Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

Đưa con đi cùng đất nước

Chòng chành nhịp võng ca dao

Trong lời ru của mẹ, người con bắt gặp biết bao hình ảnh thân thương, bình dị của đồng quê, thôn xóm nước Việt mến yêu: một cánh cò trắng, một dải đồng xanh, một vàng hoa mướp và cả hình ảnh “con gà cục tác lá chanh”. Tất cả cứ chấp chới hiện về trong ký ức tuổi thơ con hồn nhiên, trong sáng:

Con gặp trong lời mẹ hát

Cánh cò trắng, dải đồng xanh

Con yêu màu vàng hoa mướp

“Con gà cục tác lá chanh”.

Không những thế, trong lời ru ngọt ngào của mẹ, tuổi thơ con hiện ra với xóm làng thân thuộc nhưng cũng đầy huyền thoại. Khóm trúc bên hiên nhà, lùm tre trên con đường làng xanh biếc. Đó cũng là vũ khí làm nên chiến công của chàng Gióng anh hùng đánh đuổi giặc Ân, bảo vệ Tổ quốc. Đẹp nhất là hình ảnh ẩn dụ “vầng trăng mẹ thời con gái” hiện ra lung linh tỏa sáng như vẻ đẹp dịu hiền, tình yêu của mẹ cha “vấn vít dây trầu” và thơm ngát hương cau ngập tràn kỷ niệm:

Khóm trúc, lùm tre huyền thoại,

Lời ru vấn vít dây trầu,

Vầng trăng mẹ thời con gái,

Vẫn còn thơm ngát hương cau.

Trong lời ru của mẹ, con lắng nghe biết bao nỗi đời vất vả, gian lao mà mẹ đã từng trải qua. Con nghe tiếng chày giã gạo của mẹ mỗi đêm khuya để làm ra hạt gạo nuôi con khôn lớn nên người. Con nghe cánh đồng dập dờn sóng lúa, thương mẹ một mình giãi nắng dầm mưa. Tuy cuộc sống nhiều gian khổ, nhưng mẹ vẫn giàu tiếng ru nôi, giàu tình thương con vô hạn. Phép điệp “con nghe…” ở hai khổ thơ bốn và năm đã tạo âm hưởng luyến láy như thể nhà thơ tự nhắn nhủ với chính mình và gửi thông điệp đến mỗi người, đồng thời tạo nhịp thơ ngân nga, vang vọng như nhịp điệu ru nôi. Các hình ảnh thơ ở đây cũng giàu sức gợi nhờ khả năng liên tưởng mang nét riêng trong ngòi bút của Trương Nam Hương:

- Con nghe thập thình tiếng cối

Mẹ ngồi giã gạo nuôi con

- Con nghe dập dờn sóng lúa

Lời ru hóa hạt gạo rồi

Tiếp nối mạch thơ khắc họa hình tượng người mẹ, hai khổ thơ sáu và bảy hiện ra một người mẹ nghèo lam lũ, cơ cực và chịu nhiều hi sinh qua chiếc áo “bạc phơ bạc phếch”, “bục mối chỉ sờn” và màu tóc “trắng đến nôn nao”. Đời mẹ là vậy, không có lấy một tấm áo lành lặn dành riêng cho mình, chỉ có lời ru vẫn thảo thơm nguyên vẹn xuyên thấu thời gian. Một ngày bất chợt, con giật mình nhận ra mẹ mình đã già, lưng còng tóc bạc để cho con được trưởng thành, khôn lớn:

  Áo mẹ bạc phơ bạc phếch

Vải nâu bục mối chỉ sờn

Thương mẹ một đời cay đắng

Sao lời mẹ vẫn thảo thơm.

Hình ảnh nhân hóa và nghệ thuật đối lập là hai biện pháp tu từ chính trong khổ thơ thứ bảy. Thời gian vốn vô hình bỗng hóa hữu hình, biết “chạy qua tóc mẹ” khiến cho con cảm tưởng sao tháng năm đi qua nhanh quá, mới đó mà mẹ đã già để rồi thảng thốt khi nhìn trên tóc mẹ đã nhiều sợi bạc, lưng mẹ đã còng xuống nhiều hơn. Nghệ thuật đối lập giữa áo mẹ bạc phếch và lời ru thảo thơm, tấm lưng mẹ còng xuống và con ngày thêm cao lớn đã biểu đạt sâu sắc tình cảm, cảm xúc của nhà thơ về sự hi sinh lớn lao của mẹ:

Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao.

Đến khổ thơ cuối bài, mạch cảm xúc Trong lời mẹ hát khép lại nhưng được nhà thơ liên tưởng khái quát hơn, sâu hơn và mang nhiều ý nghĩa biểu trưng sâu sắc. Không để lại tiền tài, vật chất, mẹ chỉ cho con lời ru như đôi cánh thiên thần để con đi cùng trời cuối đất, thấu suốt cuộc đời rộng lớn mênh mông:

Mẹ ơi trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa.

Toàn bộ Trong lời mẹ hát được viết theo thể thơ sáu tiếng, gieo vần gián cách đã tạo nhịp điệu đều đều, êm ả như tiếng ru nôi. Đặc biệt, xuyên suốt tác phẩm, Trương Nam Hương sử dụng nhiều hình ảnh, từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm như cổ tích, nhịp võng ca dao, cánh cò, đồng xanh, hoa mướp, dây trầu, vầng trăng, sóng lúa, hạt gạo, vải nâu, chỉ sờn, cay đắng, thảo thơm… đã diễn tả tinh tế, sâu sắc cuộc đời vất vả, gian nan và sự hi sinh vô cùng lớn lao của mẹ. Bài thơ nhờ đó có sức lan tỏa mạnh mẽ, gợi cảm xúc yêu thương thành kính đối với người mẹ của tất cả những ai sống ở trên đời.

 LÊ THÀNH VĂN

Bài viết liên quan

Xem thêm
“Một ngày từ bên trong” - Tác phẩm đạt giải thưởng của cô gái 16 tuổi
Tập thơ “Một ngày từ bên trong” của tác giả trẻ Trần Phú Minh Anh, bút danh Minh Anh sinh năm 2007 được trao Giải A của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023. Tập thơ được bán với giá 200 ngàn đồng.
Xem thêm
Sơ - Lốc - Hôm mặc váy - Truyện ngắn Võ Chí Nhất
Hắn giật thót người khi nghe tiếng con Shushi sủa váng lên khiến bà già chủ nhà lên tiếng nhắc chó cưng rồi rời bàn viết.
Xem thêm
Chùm thơ Bùi Xuân Mẫn
Nhận thấy mình tin chắc thế nàovề một chuyện duy nhấtmà không thể chứng minhLập lòe sáng tối do ánh lửa
Xem thêm
Giới thiệu chân dung thơ Phạm Tiến Triều
Người cầm bút phải có sứ mệnh mang văn hóa của dân tộc mình đến với mọi người. Bởi xét đến cùng, cội rễ của thơ ca phải xuất phát từ ngọn nguồn văn hóa của dân tộc mình sinh ra. Dòng chảy ấy là bất tận. Nhà thơ phải biết hòa điệu giữa dòng chảy văn hóa dân tộc với điệu hồn cảm xúc của cá nhân mình. – Quan niệm văn chương Phạm Tiến Triều
Xem thêm
Đừng xem đó là bẫy – Truyện ngắn Võ Chí Nhất
Anh chàng cẩn thận ngồi vào bàn và nhìn bà Lan Chi với ánh mắt biết ơn khi bà mang khay bánh rán vàng ruộm chầm chậm bước về phía mình. Anh ta xoa cái bụng bí đau sau lớp vải áo sơ mi mới toanh, ra vẻ thèm ăn để làm bà vui vì sắp được thưởng thức hương vị bánh rán mới mà bà cất công làm từ sáng sớm.
Xem thêm
Cuộc điện thoại bất ngờ - Truyện ngắn Hoàng Thị Hiền
Sau tiếng trống báo hiệu vào tiết học, tôi cho đôi mắt được tự do quan sát khắp sân trường, nhà để xe, con đường tấp nập ngoài cánh cổng sắt…
Xem thêm
Thơ Trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI - Những tìm tòi và thử nghiệm
Đặt vấn đề thơ Trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX
Xem thêm
Nước mắt mùa đông – Tản văn của Đặng Thùy Tiên
Mùa đông ở miền núi Tây Bắc, cái rét không ngòn ngọt như mạn Đông Bắc mà mằn mặn đanh đanh. Cây cối vào mùa đông chịu cái rét thấu, sáng sớm sương muối tích tụ từ đêm giữ lại cái rét trong những hạt trắng nhỏ li ti, treo mình trên từng tán lá, ngọn cỏ, cành cây. Sương muối không bỏ qua cái ngóc ngách nào của rừng núi, kể từ cái mạng nhện, những sợi tơ mỏng manh bình thường lẫn vào với không khí chẳng thấy đâu, vậy mà lúc này bị sương muối làm cho lộ diện hoàn toàn cả cấu trúc của mình.
Xem thêm
Bể dâu lành lặn | Chùm thơ của Mạc Tường Vi
Lặng lòng mắt ước xăm xaBể dâu lành lặn người ta phương nào
Xem thêm
Thơ Cỏ Ba Lá
Chiều bắt dế ven đê cùng lũ bạnTiếng sáo diều thủng thẳng ở lưng trâuĐôi chân trần làn da cháy đen nâuPhong phanh áo mưa ngâu trời trở gió
Xem thêm
Cảm thức nguồn cội trong ‘Chín nhánh da vàng’ của Khét
Văn học không chỉ phản ánh mà còn đồng hành và kiến tạo cuộc sống. Chính vì thế, những dòng chảy văn học luôn được nuôi dưỡng, tiếp nối và bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi người nghệ sĩ tài năng sẽ ghi lại dấu ấn trong lòng độc giả bằng những con đường khác nhau, tùy thuộc vào thời đại, xã hội mà họ sống trải. Thuộc thế hệ thứ ba trong lớp những nhà văn, nhà thơ trẻ ở đô thị miền Nam như: Phong Việt, Anh Khang, Phương Huyền, Trần Phi Long, Nguyễn Trần Thiên Lộc, Vũ Văn Song Toàn, Lê Thùy Vân… Khét (Trần Đức Tín) là một gương mặt quen thuộc trên nhiều diễn đàn mạng và tạp chí Văn học từ địa phương đến trung ương. Anh để lại ấn tượng trong lòng độc giả bởi một bút lực dồi dào, sung sức và một hồn thơ chân chất, mộc mạc, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống đương đại. Điều này thể hiện rõ nét qua ba tập thơ đã xuất bản trong ba năm liên tiếp: Rồi mình cũng xa lạ nhau (2018), Mình mắc cạn vào nhau (2020), Ở đậu trong nhau (giải thưởng Hội nhà văn Tp. Hồ Chí Minh 2021). Tập thơ mới nhất của anh Chín nhánh da vàng (2022) đã cho thấy một hình ảnh Khét trầm tĩnh, suy tư sâu sắc hơn với cảm thức ý hướng về nguồn cội mạnh mẽ xuyên suốt cả tập thơ.
Xem thêm
Chùm thơ Trương Mỹ Ngọc
“Nếu ác quỷ không có trên đời, cái ác biết đổ cho ai?// Loài người văn minh chưa từng nhận đã đốt rừng/ Chưa từng nhận đã tàn sát chó mèo, cỏ cây, muông thú// Nhiều người thậm chí ra tay với cả đồng loại của mình/ Loài người ngợi ca sự văn minh/ Nhưng lại thỏa hiệp với những con “người” trong lòng có quỷ…”
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Võ Chí Nhất
Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất hiện nay vẫn là hội viên trẻ tuổi nhất của Hội Nhà văn TP.HCM.
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Nguyễn Trần Khải Duy
Nhà thơ trẻ Nguyễn Trần Khải Duy sinh năm 1995 tại Bình Định.
Xem thêm
Đại biểu nhà văn trẻ: Nguyễn Đình Minh Khuê
Chạm vào cái thực - tiểu luận của nhà văn trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê.
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Trần Đức Tín
Nhà thơ trẻ Trần Đức Tín là một trong 22 đại biểu TPHCM tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng ngày 18-19/6.
Xem thêm
Nhà văn trẻ Nguyễn Anh Nhật
Nhà văn trẻ Nguyễn Anh Nhật sinh năm 2000
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Trương Mỹ Ngọc
Hiện nay, Trương Mỹ Ngọc làm biên tập viên truyền hình tại TP.HCM.
Xem thêm
Mẹ tôi – Người phụ nữ Củ Chi
Mỗi lần tôi về thăm mẹ, bà đều chuẩn bị cho tôi một món quà. Với tôi, món quà quý giá nhất là được sinh ra và lớn lên trong tình thương yêu của những người thân trong gia đình. Trong đó có mẹ. Thiết nghĩ không chỉ riêng bản thân tôi, mà bất kỳ ai khác thì mẹ cũng là cả bầu trời có phải không?
Xem thêm