TIN TỨC

Người đi tìm mỹ cảm văn chương

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-12-12 11:55:39
mail facebook google pos stwis
733 lượt xem

 Có thể nói, PGS.TS. Trần Hoài Anh – một trong những nhà lý luận – phê bình đương đại – đã thể hiện sức bền – nếu không muốn nói là đam mê, nhóm lửa truyền cảm hứng trên con đường đi tìm Chân-Thiện-Mỹ, trong cõi văn chương. Mà, nổi bật là “Đi tìm mỹ cảm văn chương”; một tập sách bao gồm nhiều bài viết phong phú đa dạng.

 

PGS.TS. Trần Hoài Anh

 

Trong đời sống lý luận – phê bình văn học hiện nay, PGS.TS. Trần Hoài Anh có chỗ đứng và đã khẳng định được tên tuổi quen thuộc trong giới. Một số công trình nghiên cứu đáng chú ý của ông như: Lý luận – phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 (2009); Thơ – Quan niệm & Cảm nhận (2010); Văn học nhìn từ Văn hóa (2012); Văn hóa – Văn chương và hành trình sáng tạo (2014); Đi tìm ẩn ngữ ẩn ngữ văn chương (2017); và tập sách gần đây của ông Đi tìm mỹ cảm văn chương do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2020. Bên cạnh đó, ông còn có hàng loạt công trình với các bài viết in chung trong khoảng 25 đầu sách khác. Có thể nói, PGS.TS. Trần Hoài Anh – một trong những nhà lý luận – phê bình đương đại – đã thể hiện sức bền – nếu không muốn nói là đam mê, nhóm lửa truyền cảm hứng trên con đường đi tìm Chân – Thiện – Mỹ, trong cõi văn chương. Mà, nổi bật là “Đi tìm mỹ cảm văn chương”; một tập sách bao gồm nhiều bài viết phong phú đa dạng trải rộng trên ba địa hạt: thơ – văn xuôi – lý luận phê bình. Và, tập sách này, vừa cho thấy góc nhìn đa chiều, vừa thể hiện tấm lòng của người con Quảng Ngãi đối với “giòng sinh mệnh văn hóa dân tộc”. Theo tôi, đây cũng là điều đáng trân quý hơn cả trong sự nghiệp nghiên cứu văn học của PGS.TS. Trần Hoài Anh.

1. Đi tìm vẻ đẹp nhân sinh

Về đời sống con người, Trần Hoài Anh truy tìm vẻ đẹp trong tính đa phức; vừa gần gũi bình dị, vừa u uẩn lẩn khuất. Cảm nhận về thơ Trương Đăng Dung, nhà lý luận – phê bình họ Trần suy ngẫm và nhiệt thành chia sẻ: “thơ Trương Đăng Dung, không phải thơ của một thời mà đó là thơ của một đời. Song, để thơ mình có thể đến nhiều hơn với người tiếp nhận, có lẽ, điều thi nhân cần hướng đến, là làm sao những cảm thức triết luận trong thơ đạt được sự dung hòa giữa chất trí tuệ và tình cảm nhiều hơn nữa. Bởi nói như Breton: “Thơ phải là sự tan rã của trí tuệ””(tr.154). Lời chia sẻ mang chỉ dấu đồng cảm và đồng thời, bộc lộ ánh nhìn thật thấm ngấm của nhà nghiên cứu có tay nghề về vẻ đẹp thông tuệ lý tưởng. Cảm thức triết luận khiến cho vần thơ “cô đặc” như tinh thể tư tưởng thêm vào đó, tinh thể ấy phảng phất và lan tỏa mùi hương của cảm xúc trữ tình. Có lẽ vậy, đó mới hẳn là bông hoa vĩnh cửu của thi ca chăng!

Trang viết lý luận phê bình của Trần Hoài Anh chẳng khác gì tấm gương phản chiếu, soi rọi những tia sáng mới từ tác phẩm nghệ thuật vào cuộc sống thực tại đang diễn ra theo nhịp thời gian mỗi ngày. Điều này, khiến cho ta cảm nhận được sự chân tình của nhà lý luận phê bình đối với cuộc sống con người. Và, ta cũng cảm nhận được văn học chân chính không bỏ rơi con người. “Vì thế, đọc Lưu Quang Vũ và luận giải về cảm thức hiện sinh trong thơ ông sẽ giúp ta có một cái nhìn đúng, khách quan về hiện thực. Đó là một hiện thực như nó vốn có để từ đó, ta càng trân quí hơn cuộc sống của mình và của tha nhân trong từng khoảnh khắc của hiện hữu, để ta không mơ hồ và cũng không hoang phí về sự hiện hữu của mình trong từng sát na của cuộc đời vốn không dài lắm và luôn bị bủa vây bởi rất nhiều giới hạn” (tr.108-109). Ngược lại, văn học tức là phần nối dài của cuộc sống có thực trong từng khoảnh khắc. Nghiên cứu tác phẩm Lưu Quang Vũ, nhưng Trần Hoài Anh không quên nhắc bạn đọc cần ngắm nhìn tác phẩm nghệ thuật để nhìn thấy chính cuộc sống thường tình đang diễn ra. Liệu bạn đọc có nhận ra, bên cạnh những kiến giải về Lưu Quang Vũ, nhà lý luận – phê bình Trần Hoài Anh, hình như còn ẩn hiện mang tính bộc bạch tâm tư của mình về đời sống chính ông cũng đang dự phần. Có lẽ, đó là, ý thức phản tư mà bất cứ con người nào cũng hằng có, chỉ là tần suất và chiều sâu của sự phản tư. Một cách nhẹ nhàng, Trần Hoài Anh cũng đã lay động ít nhiều ý thức bạn đọc (từ phi lý người và ngược ngạo đời trong tác phẩm Lưu Quang Vũ) phản tư nội tại tâm hồn kẻ tiếp nhận. Ở đó, rồi biết đâu, người đọc có thể nhìn ra cả thế giới xung quanh. Bởi lẽ, chẳng phải con người là hệ quả đưa lại, là bằng chứng tương tác, là bóng hình phản chiếu tất cả vận động thế giới xung quanh hay sao?

Cùng chiều hướng ấy, Trần Hoài Anh gặp gỡ thơ Đoàn Văn Khánh. Có thể nói, đó là cuộc tương phùng trong hư vô với phong thái trầm tư mặc tưởng. Trần Hoài Anh phát hiện trong thơ Đoàn Văn Khánh cảm thức hư vô về kiếp nhân sinh. Vô thường của Phật lý chăng! Hay, nhà thơ trong tư thế của bậc đạo sư trên rẻo cao Hy Mã Lạp Sơn! Bàng bạc đâu đó, nhà nghiên cứu khiến người đọc mơ mơ, say say…cơ hồ nghĩ tưởng tới bóng hình lão già cưỡi trâu, nghĩ tới cánh bướm họ Trang khi ngẫm ngợi đôi dòng thơ của Đoàn Văn Khánh. Rõ là, Trần Hoài Anh giúp bạn đọc nhận ra cái nhìn của thi nhân. Rốt lại, toàn bộ cõi thơ, qua sự phản ánh của nhà lý luận – phê bình họ Trần, nằm ở cái nhìn của “trí huệ”. Hay, “chánh kiến”! Bằng “huệ nhãn” chữ nghĩa, ngòi bút của Trần Hoài Anh không vóng lên những “đại ngôn vang động” mà chỉ “tiểu lời chìm lắng” vào đáy hồn/đáy lòng/ đáy nhân sinh…, soi dò để tìm thấy “nguyên thể” kiếp nhân sinh. “Là thôi. Là hết. Là thôi. Hết/ Lặng lờ rơi xuống đáy hư vô” (Dị khúc). Lẽ đó, nhà lý luận- phê bình họ Trần nhìn thấy thơ Đoàn Văn Khánh dẫu nói nhiều về hư vô song không bi quan yếm thế. “Mặc dù vậy, đọc thơ Đoàn Văn Khánh độc giả sẽ không thấy ở anh một sự bi quan, chán nản, bế tắc cho dù cảm thức hư vô ấy luôn bám lấy cuộc đời anh, trái lại cảm thức hư vô này đã giúp anh nhận ra sự hữu hạn của cuộc sống và thân phận để từ đó thi nhân càng trân quí hơn, gắn bó hơn với cõi đời” (tr.162). Trái lại, thơ ca có dáng vẻ ung dung, thong thả, ngự trên ngôi cao với đôi mắt lim dim của bậc trí giả nhìn xuống cõi thế gian. Nhìn ra được bản diện thế sự nhân gian, lòng người không sợ hãi, cuống quýt, đến nỗi chẳng còn gì ngạc nhiên! Trần Hoài Anh có lẽ tìm thấy bình yên, an trú tự tại trong cuộc tương phùng với nhà thơ “trí huệ” Đoàn Văn Khánh. Ấy, vẻ đẹp trổ ra từ cõi hư vô nhân sinh!

Ở chiều hướng khác, Trần Hoài Anh đi tìm vẻ đẹp đời người trong những u nhọt, sần sẹo của nhân sinh. Và, hẳn là, Trần Hoài Anh không tự nâng mình lên hàng tao nhân mặc khách mà ngược lại, họ Trần thấy mình gần gũi với những băn khoăn, trăn trở của con người trong đời thường, trong mối cảm hoài về lịch sử, thời cuộc. Khắc khoải nhân sinh trong văn chương, ông quan tâm phần nhiều là những tác phẩm mang niềm đau, vết tích con người có phần buồn bã, u uẩn… song có hậu! Bởi, điểm cuối, nhà lý luận – phê bình cùng với đối tượng nghiên cứu đều gửi lại một niềm tin nào đó. Chí ít, là niềm tin vào tương lai! Vẻ đẹp nhân sinh trong mối quan tâm của Trần Hoài Anh là những mầm chồi nhú lên từ đau thương của đời.

Lần theo đau thương, Trần Hoài Anh tiếp tục đi tìm vẻ đẹp nhân sinh trong những điều nhỏ nhoi tầm thường. Đó chính là điều ông gặp gỡ với Chử Văn Long – nhà thơ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước với chất giọng hiền hòa, nhỏ nhẹ! “Chử Văn Long lại chọn cho mình một giọng trầm, lặng lẽ, đưa thơ mình đến với “những số phận nhỏ nhoi, khuất lấp, u buồn”. Bởi, là một nhà thơ, với tất cả sự linh cảm mang tính dự báo, Anh đã nhận ra một điều mang tính tất yếu trong cõi nhân sinh “Thế gian như thể bàn cờ/ Bày ra, dập, xóa/ Những bàn tay đeo găng trắng muốt, chơi cờ trên số phận nhân dân” (tr.120). Trần Hoài Anh nghe ra những nỗi đau xót, u buồn của phận người giữa đời biến động. Chử Văn Long trước, Trần Hoài Anh sau, cùng đồng cảm với những con người nhỏ bé ấy. Ở đó, người đọc nhìn ra tấm lòng nhân đạo và con mắt thắng thắn nhìn trực diện vào “thế sự”. Bởi, lương tri của người nghệ sĩ và người làm khoa học không thể ngó lơ những vấn đề ấy. Nhất là, những vấn đề ấy vẫn luôn cận kề và đôi khi, dềnh dàng trước mặt. Vẻ đẹp của cuộc sống bỗng trồi lên từ những vạt đất ngổn ngang. Những bông hoa đời nhỏ xíu, tươi tắn tô điểm thêm cho vẻ đẹp nhân sinh, bên cạnh những đại ngôn trời cao biển rộng. Tầm thường vẫn có thể đẹp theo cách riêng!

Không chỉ quan tâm về cái nhỏ nhặt thường tình trong đời sống, nhà lý luận – phê bình Trần Hoài Anh còn quan tâm và tôn trọng theo kiểu “cái khác”. Có lẽ, “mỹ quan” của cái khác! Mọi sự chẳng có đúng sai tuyệt đối. Nhà lý luận – phê bình không “tranh minh” với ai, mà chỉ lặng lẽ thừa nhận và tôn trọng một cách thế “cái khác”. Chẳng hạn, khi ông bàn đến văn học nữ (gồm Túy Hồng, Nhã Ca, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thị Ngh.). Và, đúng sai là đúng sai với riêng một ai đó. Do đó, sự đúng sai ấy kỳ thực là cái khác – mà cái khác, đâu hẳn là sai hay đúng! Tâm thế khác nhau nhìn thấy những khía cạnh khác nhau. Việc tưởng chừng rất đơn giản, hầu như mặc nhiên, nhưng với cái nhìn nặng thực chứng, nhiều thành kiến, đôi khi nhà lý luận – phê bình “rào đón”, để “đuổi bắt” đối tượng. Trần Hoài Anh không theo cách ấy. Đặc biệt với “thế giới nghệ thuật” của phụ nữ. “Tôi không phê phán quan điểm của Joanna Baillie khi bà nhìn nhận về sự quyến rũ của người đàn bà theo cách của mình. Nhưng tôi nghĩ khác bà. Với tôi, sự quyến rũ và kỳ bí, nếu có ở người đàn bà, chính là do sự kiêu hãnh của họ mang lại vì sự kiêu hãnh là một thứ nhan sắc không bao giờ tàn phai, là một phẩm tính không thể thiếu ở người phụ nữ nếu họ muốn khẳng định nhân vị của mình giữa cuộc đời” (tr.164). Và, Trần Hoài Anh đã phát hiện ra thứ nhan sắc, vẻ đẹp kiêu hãnh nhú chồi trên niềm đau trong thơ của Trầm Hương. Nỗi đau và kiêu hãnh làm nên vẻ đẹp trang thơ Trầm Hương, hay đó cũng có thể là nỗi đau và niềm kiêu hãnh mà Trần Hoài Anh đã nối dài vào trang viết. Có lẽ, với kiêu hãnh, con người có thể cảm nghiệm trọn vẹn vẻ đẹp, và nghĩa lý của niềm đau!

Du ngoạn vào cõi nhân sinh trên trang văn, Trần Hoài Anh không tự giới hạn mình. Họ Trần mở rộng hệ quy chiếu để phát hiện và ghi nhận động thái/ trắc diện khác nhau; nần/ cần mẫn sưu góp những mỹ cảm khác nhau mà cuộc nhân sinh mang lại.

2. Đi tìm cái đẹp vượt ngoài chiều kích

Cùng sinh ra và lớn lên trên dải đất Trường Sơn, núi xòe cánh quạt gie xuống đồng bằng duyên hải, những con sông quê dòng nước chảy về biển theo chiều ngang và hằng năm bão lũ; Trần Hoài Anh rất dễ bắc cầu đồng cảm và tạo nhịp thấu hiểu thi ca miền Trung. Đặc biệt là những thi nhân kiệt xuất của dải đất nối liền hai đầu tổ quốc như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, … vốn đã tạo nên hiện tượng dị thường trên thi đàn Việt Nam hiện đại – Trường thơ Loạn. Với Trần Hoài Anh, đó là vẻ đẹp vượt ngoài chiều kích. “Sự xuất hiện của Trường thơ Loạn có thể nói là một bước đột phá được khởi di từ Nhóm thơ Bình Định. Và như tên gọi, thật sự nó đã tạo nên một sự “nổi loạn” mang tâm thức hiện sinh được thể hiện qua những “tuyên ngôn” về thơ của Hàn Mặc Tử, của Chế Lan Viên, của Bích Khê mà đương thời không phải ai cũng cảm thông và chấp nhận”(tr.26). Khai thác giá trị Trường thơ Loạn, Trần Hoài Anh mong muốn hướng bạn đọc đến giá trị nhân sinh cao cả. “Và còn gì cao đẹp hơn trên cõi đời này, khi con người được phát huy “năng lực cao cả của mình” để “đập vỡ những bất công, những mê muội để đòi hỏi cho nhân sinh cái quyền sống, quyền tự lập và sáng tạo” trong một xã hội được xây nên bởi lòng từ bi và tinh thần bác ái”(tr.27). Dẫn lại ý của Chế Lan Viên, cơ hồ, Trần Hoài Anh muốn xác tín Bích Khê (cũng như Trường thơ Loạn nói chung) đã chưng cất, nung nấu, tinh luyện “hợp chất” thơ ca mà trên cõi thế chưa từng có – một nguồn thơ “thần dị” hay như cánh “phượng hoàng rướm máu” đã bay vượt khỏi mặt bằng đại địa. Vẻ đẹp mà họ Trần tìm thấy vượt ngoài chiều kích “tam giới” của thi đàn bấy giờ. “Thơ có thứ đơn chất và có loại đa chất, có thứ là nguyên chất, có thứ lại là hợp chất, hóa chất kia. Khê thích biến hóa, tổng hợp. Anh nhặt các chất, cái thì bên Tây, cái thì bên Tàu, cái trên tòa sen, cái ở hang âm phủ, cái ở hồn anh, cái ở ngoài đời, đầu cua tơ nheo trên trời dưới bể rồi bỏ cái lò bát quái thơ của anh mà nung lên vạn độ, bỏ vào cái hồ lô thơ anh mà lắc đến triệu lần. Từ đấy sẽ chảy ra chất thơ anh tâm niệm”(1)(tr.25-26). Đó không phải là thơ, mà có lẽ “thần chú”!

Lý giải vấn đề này, Trần Hoài Anh từng nhắc đến góc nhìn địa văn hóa. Quan điểm này, hẳn có nhiều người cùng đồng thuận. Chẳng hạn, Lại Nguyên Ân với bài viết “Khí chất miền Trung và nhà thơ Hàn Mặc Tử”(2). Bàn đến trực diện, cụ thể hơn, Thanh Thảo lý giải vẻ đẹp vượt chiều kích thơ miền Trung dưới góc nhìn địa văn hóa: “Có phải vì đất ở đây hẹp, con người sống bị ép giữa núi và biển, nên chỉ có một lối thoát duy nhất là… bay lên. Bay lên – ấy là hành động của Thơ, Thơ miền Trung phải bay lên, vì không còn đường nào khác (…). Khi “thân thể tại ngục trung…”, cách chọn lựa sự tự do tâm hồn, tự do nội tâm ấy chính là cách chọn lựa của thơ ca: Thơ tôi bay suốt một đời không thấu/ Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu (Hàn Mạc Tử)…Bất ngờ lãng mạn và bất ngờ quyết liệt, thơ miền Trung luôn sống trong những tần số xung động cao. Nó phát tín từ những – tháp – Chàm – thơ đơn độc nhưng lại cộng hưởng được tiếng rền vang của núi và những va quật dữ dội của sóng biển”(3). Bên cạnh đó, TS. Mai Bá Ấn cũng nói về thơ miền Trung, trong đó có Trường thơ Loạn, dưới góc nhìn địa văn hóa lý giải cho hiện tượng thơ miền Trung và vẻ đẹp vượt chiều kích của các nhà thờ trong Trường thơ Loạn: “Chính đặc trưng về địa lý, tự nhiên và văn hóa, lịch sử đã tạo nên tính cách sống trần trụi, riết róng, vượt thoát để bay lên. Và chính khát vọng của sự bay, sự vượt ấy đã làm nên khát khao cách tân trong thơ của các nhà thơ miền Trung nói chung và trong phong trào Thơ Mới 1932-1945 nói riêng”(4). Hình như cả Trần Hoài Anh và những bài viết vừa nhắc đến đều gặp gỡ ở góc nhìn địa văn hóa, khi phóng tầm nhìn đến các thi sĩ miền Trung (đặc biệt Trường thơ Loạn). Nhưng, từ góc nhìn địa văn hóa, cùng nền tảng Phật lý, Trần Hoài Anh khẳng định thêm giá trị tư tưởng của Trường Thơ Loạn. Lấy Bích Khê làm đơn cử thì, tư tưởng của Trường Thơ Loạn là sự hóa hợp, tinh luyện của tư tưởng để trở thành phi tư tưởng – tức thơ ca. Bấy giờ thơ ca với tư tưởng không còn phân biệt nữa!

Không chỉ trong thơ Loạn, Trần Hoài Anh còn bắt gặp thi hướng vượt ngoài chiều kích ở Huy Cận. Ngọn Lửa Thiêng của Huy Cận hẳn còn cháy mãi cho đến nay. Trần Hoài Anh hòa mình vào miền “tinh vân” của Huy Cận để trải nghiệm chiều kích “thiên địa”/ chiều kích “vũ trụ”. Nhắc đến tinh vân của Huy Cận, có lẽ bạn đọc liền khi nhớ đến Kinh Cầu Tự và Vũ Trụ Ca của chàng Huy Cận thuở ấy. “Thắp lửa thần lên! Chúng tôi đã sẵn sàng làm củi. Lửa thần có giậy, may chúng tôi mới được gần ngươi, hỡi Chúa Đời”(5). Không ít tấm lòng trở thành “con cúi” chia lửa từ ngọn lửa ấy. Một khi đã cháy, bạn đọc liền nhận ra “chiều kích nhân loại rộng lớn” trong đó! Hẳn có Xuân Diệu (và cả Trần Hoài Anh nơi ấy). “Sóng gợn tràng giang, trăng phơi đầu bãi, hay dấu chân gió thốc, gánh xiếc đi qua; cũng vẫn là một nỗi vắng vẻ ấy; ta thấy xa xa và rất xa, lòng người rộng rãi quá cho đến nỗi làm một với đất trời; và trời đất, và lòng người là một cõi mông lung, một khung mơ nó dịu dàng ru ta, nhưng vừa ru, vừa làm cho ta khóc. Xuống dưới đáy tâm hồn ta, tất nhiên ta thấy cái sầu cốt tủy”(6). Ngọn lửa năm ấy bội sinh, như Xuân Diệu nhận xét trong tập Lửa Thiêng, kỳ thực đã sẵn có trong hồn người. Chỉ là Huy Cận nhóm lại ngọn lửa tưởng đã tắt ngấm, tưởng lòng đã êm xuôi, thế nhưng mồi lửa vừa nhấp đã bùng cháy cả tâm khảm, thướng lên “Vũ Trụ Ca”. Trong nẻo sầu muôn đời vạn đại, nhiều người, trong đó có Trần Hoài Anh, đã nhìn thấy Lửa thiêng của Huy Cận đánh thức phần cô độc, bơ vơ rất căn bản trong nhận thức nhân sinh mỗi người. Đáng quý, Trần Hoài Anh nhận thấy trong phần mênh mông thiên cổ ấy, còn dấu vết của văn hóa dân tộc. Nhà lý luận -phê bình giữ niềm tin tưởng “Tinh hoa của Huy Cận phần lớn kết tinh ở tập Lửa Thiêng, một tập thơ, trong đó có những bài thơ, cả nội dung và nghệ thuật đã đạt đến trình độ cổ điển, mẫu mực có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến sự vận động và phát triển của thơ ca dân tộc” (tr.83).

Hẳn là, dù tìm kiếm cái đẹp vượt ngoài chiều kích, nhưng bản thân Trần Hoài Anh chẳng bao giờ lìa xa nguồn cội dân tộc. Nền tảng văn hóa dân tộc là nguồn cội, là bến quê cho con thuyền chữ nghĩa dong ruổi tìm về. Dầu lãng du bước đường đến tình cảnh nào, sau rốt, người vẫn tìm về bến bờ quê cũ!

3. Đi tìm vẻ đẹp trong cảm thức-tâm thức-tiềm thức-vô thức

Cuộc sống vật chất phần nào có những ranh giới minh xác để con người nhìn thấy giới hạn của hiện hữu. Thế nhưng, cõi vô thức là vùng sinh giới rộng mênh mông, không bờ bến. Bởi vậy, không ít người lạc bước, mất hút trong cõi siêu hình của vô thức. Nhưng, ở đó, chủ thể sáng tạo có thể khai mở, khám phá không ít điều kinh ngạc, sâu thẳm và tuyệt mỹ. Có lẽ vậy, Trần Hoài Anh cũng rất hay nói đến tâm thức/cảm thức/vô thức trong việc khảo cứu văn bản văn học. Hơn thế nữa, vẻ đẹp lung linh, kỳ ảo, biến đổi khôn lường vốn có ma lực quyến rũ hồn người.

Tập sách “Đi tìm mỹ cảm văn chương” có ít nhất 9 bài viết đặt trọng tâm ở việc khám phá, tìm hiểu tâm thức/vô thức/cảm thức trong sáng tác văn học. Chẳng hạn: Tâm thức Phật giáo qua thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê trong Trường thơ Loạn; Cảm thức Xuân trong thơ Nguyên Sa; Cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ; Tâm thức văn hóa trong thơ Văn Lê; Trương Đăng Dung và cảm thức triết luận trong sáng tạo thơ ca; Cảm thức hư vô về kiếp nhân sinh trong thơ Đoàn Văn Khánh; Cảm thức lịch sử trong văn học miền Nam 1954-1975; Nguyên Minh với nỗi ám ảnh cô đơn và tâm thức lưu đày trong hành trình sống và viết; Việt Nam Diễn Nghĩa và cảm thức lịch sử của Cao Văn Liên; … Chưa kể một số bài viết khác trong tập này cũng đề cập đế cảm thức/ tiềm thức/ tâm thức/ vô thức. Cố nhiên, không thể quy kết cảm thức/ tâm thức vào chung tiềm thức hay vô thức; nhưng qua sự diễn đạt của nhà nghiên cứu, bạn đọc có thể nhìn thấy mối liên hệ nào đó giữa các vấn đề này. Với số lượng bài viết dày đặc trong tập sách, người đọc có thể nhận ra Trần Hoài Anh – nhà lý luận – phê bình dành nhiều quan tâm đến địa hạt sâu kín trong hồn người. Bởi lẽ, ở đó, nhà lý luận – phê bình nhìn thấy tiềm năng vô hạn trên con đường truy tìm cái đẹp, nhìn thấy vỉ quặng dồi dào trữ lượng chờ được khai thác. Nhất là, trong địa hạt vô thức, Trần Hoài Anh tìm thấy cái đẹp, mỹ cảm từ tầng sâu vô thức dường như có sức hấp dẫn kỳ lạ không thể lý giải hết được bằng ngôn từ.

Với Văn Lê, đó là tâm thức văn hóa. Một trong số những “chất điểm văn hóa” trọng yếu trong tâm thức sáng tạo Văn Lê mà Trần Hoài Anh đã phát hiện: Văn hóa làng. Với tâm thức sáng tạo đi về phía văn hóa (cụ thể là văn hóa dân tộc Việt), nhà lý luận-phê bình Trần Hoài Anh đã xác quyết: “Ngoài những biểu hiện đã nói ở trên, có thể nói, kết tinh của tâm thức văn hóa trong thơ Văn Lê chính là cái tình đối với làng quê, nơi Anh sinh ra cũng như những làng anh đã sống và chiến đấu trên nước Việt dấu yêu. Văn hóa làng chính là bầu sữa nuôi dưỡng tâm hồn anh, chắp cánh cho Anh trong hành trình sáng tạo nghệ thuật” (tr.139). Qua việc liên hệ với câu nói của văn sĩ Albert Camus “Khi văn hóa xuống cấp, nó rút ngắn con đường dẫn đến nô lệ”, nhà lý luận – phê bình đã kết nối tâm thức/“cổ mẫu”(7) làng hằng có trong mỗi tâm hồn mỗi con người. Từ văn hóa làng di truyền trong tâm hồn, nhà nghiên cứu nhấn mạnh: “Bởi, nếu hôm nay, chúng ta không nâng cao ý thức bảo tồn “giòng sinh mệnh văn hóa dân tộc”, để nó “xuống cấp” không phanh thì “con đường dẫn đến nô lệ” như Albert Camus đã dự báo sẽ là một tất yếu không xa” (tr.140). Đi vào tiềm thức của chủ thể sáng tạo để nhận diện mã di truyền văn hóa, Trần Hoài Anh cũng đã tìm thấy giá trị vĩnh hằng theo thời gian, tồn tại và tạo thành nền tảng nhận thức của cộng đồng. Hơn nữa, đi sâu vào tiềm thức, tìm hiểu cơ chế sáng tạo, ông phát hiện ra cơ tầng văn hóa như “nguyên mẫu” cho ý hướng nghệ thuật. “Vô thức tập thể” chăng! Khoan nói về cương vị nhà nghiên cứu, nhà lý luận – phê bình đối với văn hóa dân tộc và quê hương, Trần Hoài Anh xem như đã trọn tình vẹn nghĩa.

Với Hoàng Thụy Anh, Trần Hoài Anh phân tích kỹ những “cổ mẫu” cụ thể. Đó là “Đêm” và “Mưa”. “Vì vậy, cùng với đêm, mưa xuất hiện khá nhiều trong thơ Hoàng Thụy Anh và cũng là một mã thẩm mỹ độc đáo trong thế giới tâm hồn của thi nhân. Không những thế, mưa còn là một tâm thức hiện sinh như một cõi riêng chứa bao điều trăn trở về cuộc đời, về thân phận, về tình yêu” (tr.187). Ở đây, hình như Trần Hoài Anh đi vào vô thức, phát hiện những cổ mẫu, và sử dụng phương pháp phê bình ký hiệu – xem mưa như “mã thẩm mỹ” trong thế giới nghệ thuật của Hoàng Thụy Anh. “Phê bình kí hiệu học chính là phát hiện, kiến tạo kí hiệu, giải mã kí hiệu, phiên dịch kí hiệu, là giải thích ý nghĩa của các kí hiệu. Kí hiệu học cũng là nghĩa học. Từ nghĩa của người phát, sang nghĩa của văn bản đến nghĩa của người giải thích đều đã có sự thay thế, sự đổi thay. Văn bản bao giờ cũng đa mã, đa nghĩa, mã văn bản và mã giải thích không đồng nhất, đồng thời trong quá trình tồn tại của văn bản có những ý nghĩa chết đi và ý nghĩa mới sinh thành theo ngữ cảnh mới. Một sự giải mã mới sẽ khiến cho cách giải mã cũ trở nên vô hiệu và khi chưa có cách giải mã khác thì nó vẫn là cách đọc hợp lí. Đây chính là thực chất của lịch sử phê bình và tiếp nhận và cũng là ý nghĩa của phê bình kí hiệu học hôm nay..”(8). Nhận định của Trần Đình Sử về phương pháp của Lã Nguyên (La Khắc Hòa) trong một số tập sách như Kí hiệu học văn hóa (2016), Phê bình kí hiệu học (2018), cũng có phần gần gũi, tương đồng với phương pháp nghiên cứu mà PGS.TS. Trần Hoài Anh thi triển trong phạm vi thơ Hoàng Thụy Anh. Có thể nói, nhà lý luận – phê bình Trần Hoài Anh sử dụng một cách đa dạng linh hoạt nhiều hệ thống lý luận và phương pháp nghiên cứu khác nhau, nhằm khai thác tối đa giá trị nghệ thuật của tác phẩm văn học.

Với Nguyên Minh, “có thể nói, cảm thức cô đơn và tâm thức lưu đày là cảm hứng chủ đạo ám ảnh hành trình sống và viết của Nguyên Minh, để rồi, bây giờ, dù trải qua bao nhiêu biến động của cuộc sống, cảm thức cô đơn của thời trai trẻ trong anh vẫn còn đó nên khi cầm bút, tất cả đã ùa về như những tiếng gọi thao thiết từ vô thức”(tr.217). Trần Hoài Anh nhạy bén nắm bắt cơ chế vận hành cỗ máy sáng tạo của Nguyên Minh ở tầng sâu vô thức để từ đó đồng cảm và chia sẻ với nỗi niềm của chủ thể sáng tạo. Nhà lý luận – phê bình, như Trần Hoài Anh, không đứng trên cao hoặc đứng bên ngoài mà ngồi cùng tâm hồn nghệ sĩ – một tâm hồn lẻ loi với niềm cô độc bản chất (nói theo Maurice Blanchot) – , lặng lẽ lắng nghe lời thủ thỉ của chủ thể sáng tạo. “Bởi, theo tôi, viết văn với Nguyên Minh không chỉ là để trả nợ đời, nợ người như anh chia sẻ mà viết văn còn là cách để khỏa lấp, để chạy trốn nỗi cô đơn và tâm thức lưu đày đã ám ảnh hành trình sống và viết mà những sáng tác của anh là một minh chứng. Nhưng càng chạy trốn, dường như anh càng lún sâu vào trong những ám ảnh đó và như thế anh không thể không sáng tạo” (tr.227). Thế nên, Trần Hoài Anh cũng đã san sớt ít nhiều nỗi ám ảnh cô đơn trên hành trình sáng tạo của Nguyên Minh. Vốn dĩ, làm văn chương chẳng phải cuộc ngao du – đúng ra chính là kiếp trời đày. Nguyễn Bính từng thán: “Còn tôi sống sót là may/ Mẹ hiền mất sớm trời đày làm thơ”, Ngân Giang “Kiếp trước tôi là võ tướng, vì giết nhầm một văn nhân nên kiếp này phải làm thi sĩ để trả nghiệp. Vì là nghiệp chướng nên cái nợ văn chương cứ đeo đuổi mãi”. Cái mệnh số lưu đày chữ nghĩa không riêng một ai! Đã vương mang coi như ném hết cuộc đời vào mệnh chữ. Phương pháp phê bình của Trần Hoài Anh ở bài “Nguyên Minh với nỗi ám ảnh cô đơn và tâm thức lưu đày trong hành trình sống và viết” khiến người đọc nghĩ lại Lê Tuyên với “Chinh phụ ngâm và Tâm thức lãng mạn của Kẻ lưu đày”. Liệu có thể, phê bình hiện tượng luận chăng? Từ đây, cần nghĩ thêm, rằng: nhà lý luận phê bình có phải ăn theo chủ thể sáng tạo? Hay, chính nhà lý luận phê bình – người đạo diễn đồng hành cùng chấp cánh cho tác phẩm bay cao hơn, đến với bạn đọc nhiều hơn, phát triển thêm vẻ đẹp và giá trị sẵn có của tác phẩm nghệ thuật!

Cũng với con đường đi vào vô thức sáng tạo, Trần Hoài Anh phát hiện và lý giải hiện tượng văn học nữ. Ông thấu hiểu căn nguyên “sự táo bạo” của văn học nữ thời bấy giờ, vốn đã tạo nên cuộc tranh luận kéo dài, cho đến tận hôm nay. “Sự xác nhận của các nhà văn nữ về sự hiện hữu của mình trong đời sống văn chương nói riêng và cuộc sống nói chung với những sự táo bạo khi miêu tả về tính dục, về thân xác đó chính là sự nổi loạn của một tâm thức hiện sinh ở các nhà văn nữ mà sự tác động và ảnh hưởng của triết lý hiện sinh đã du nhập vào xã hội miền Nam lúc bấy giờ là một tất yếu không thể phủ nhận. Và có thể nói, đây là một trong những nguyên nhân tạo nên “sự táo bạo” mang tính nổi loạn trong văn chương của các nhà văn nữ ở miền Nam trước 1975” (tr.297). Cái nhìn khách quan, công tâm, Trần Hoài đề cập nhiều ý kiến của văn sĩ đương thời về văn học nữ (Mai Thảo, Nguyễn Nhật Duật, Huỳnh Phan Anh, Tạ Tỵ, …), nhưng khá thận trọng trong việc nhìn nhận giá trị tác phẩm văn học nữ (Túy Hồng, Nhã Ca, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ). Ông nhìn nhận tâm lý sáng tạo từ tầng sâu vô thức, xác tín màu sắc hiện sinh trong sáng tác của họ nhưng cũng thừa nhận giới hạn về tư tưởng của các nhà văn nữ. Song, nhìn từ đặc điểm giới và tầng sâu vô thức của tâm lý sáng tạo, Trần Hoài Anh cho rằng: “Không những thế, theo tôi họ còn mở ra một thế giới văn chương sinh động, uyên áo, đa phong cách và đầy nữ tính, góp phần xứng đáng vào việc hoàn thiện diện mạo văn học miền Nam trước 1975, một bộ phận không thể thiếu trong di sản văn học dân tộc” (tr.315). Trần Hoài Anh thật sự rất cẩn trọng tỉ mỉ trong việc xác lập vị trí xứng đáng cho văn học nữ thời bấy giờ; phần vì ông tìm hiểu và dẫn ra rất nhiều ý kiến, quan điểm đánh giá của giới văn sĩ về đối tượng được bàn tới; phần vì ông rất chừng mực trong việc đánh giá, nhận xét. Và, thường thì, ông viện dẫn những đánh giá của những văn sĩ uy tín về vấn đề đặt ra, tránh nói trực diện vào đối tượng. Trang viết lý luận phê bình của Trần Hoài Anh vừa vặn, chừng mực, “trung dung”. Điều đáng quý chính là nguồn thông tin rất dồi dào, phong phú. Có thể xem ấy  như là “tập hồ sơ” về đối tượng nghiên cứu để bạn đọc nào quan tâm thì có thể, theo đó mày mò tìm hiểu thêm; đồng thời rất hữu ích giúp cho các bạn trẻ đang theo học văn chương hoặc cho những người bước vào lãnh vực nghiên cứu văn học.

Tựu trung, cũng không có gì quá ngạc nhiên, bởi chủ thể sáng tạo thường vẫn có ưu thế trong việc thăm dò, khám phá địa hạt tiềm thức – vô thức. Ở đó, chủ thể sáng tạo tôi luyện qua lò bát quái (như cách ví von của Chế Lan Viên) để tinh luyện thành “hợp chất” có giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật độc đáo. Do đó, nghiên cứu “sinh thể” văn học nghệ thuật, dĩ nhiên cũng không thể bỏ qua khía cạnh này. Điều này, lý giải cho mối quan tâm và công sức của Trần Hoài Anh trong việc khảo cứu khía cạnh cảm thức/ tâm thức/ vô thức/ tiềm thức trong tập sách này và các sáng tác văn học nói chung.

4. Đi tìm vẻ đẹp văn hóa dân tộc

Giáo sư Huỳnh Như Phương cho rằng: “Trong tình cảnh đó, văn học cố gắng đi tìm một chỗ dựa tinh thần khả dĩ giúp con người vượt qua hay ít ra, đứng vững trước cơn khủng hoảng. Một trong những chỗ dựa đó là văn hóa dân tộc”(9). Nhận định này, tạo cơ sở giúp chúng ta nhìn rõ hơn nỗ lực và đóng góp của Trần Hoài Anh trong nhiều tập sách khác nhau, trong đó có “Đi tìm mỹ cảm văn chương”.

Giá trị có thể sống theo thời gian, có thể hiểu như giá trị không chết. Nhưng, có cái gì không chết? Vậy thì, giá trị bền vững theo thời gian có lẽ không phải giá trị không chết, mà là giá trị có thể tạo sinh/tái sinh liên tục. Trần Hoài Anh phát hiện điều đó trong thơ Nguyễn Bính. Trần Hoài Anh nhắc lại ý Nguyên Sa để khẳng định thêm sự phát hiện này. “Nguyễn Bính cũng là sự bắt đầu ở bất cứ đâu, tận cùng mà chẳng hết. Đọc bài thơ rồi lại đọc lại như chưa bao giờ hết” (tr.60). Nguyễn Bính là người của một thời nhưng cũng là người của nhiều thời. Đặc biệt, cuộc sống mỗi người trong những giai đoạn khác nhau có thể đọc Nguyễn Bính với sự khám phá khác nhau. Song, nói vậy thì chẳng phải mỗi người ở mỗi thời điểm đều có tâm thế tiếp nhận khác nhau để “tương phùng” với văn bản đó thôi! Hóa ra, giá trị bền vững theo thời gian không phải là những giá trị khác nhau; người tiếp nhận phát hiện ra ở một văn bản, ở khả năng vẫy gọi những tâm thế khác nhau, ở những thời điểm khác nhau của mỗi con người khác nhau thực hiện việc triển nghĩa của văn bản đó. Nói khác, Trần Hoài Anh khiến chúng ta nhận ra, thơ Nguyễn Bính sở dĩ có sức sống bền bỉ theo thời gian chính là bởi thơ ca Nguyễn Bính gần gũi với tâm hồn người ở mọi thời, nhất là hằng số văn hóa dân gian trong đó. Và, ta chợt nhận ra thêm rằng, khả năng vẫy gọi của một sinh thể nghệ thuật ở chỗ nó có thể đánh động một “cộng đồng diễn giải”. Với Nguyễn Bính, có lẽ, khả năng vẫy gọi ấy nằm ở phong vị quê hương đậm đà, hương thơm thoang thoảng đồng nội ca dao!

Cùng chiều hướng đó, cảm thức xuân có lẽ cũng là khao khát xuân. Trần Hoài Anh cảm nhận niềm mong mỏi mùa xuân của Nguyên Sa, nhưng đó là niềm mong mỏi mùa xuân cho quê hương và con người nói chung. Không chỉ có tình yêu và tuổi trẻ, Xuân với Nguyên Sa còn là kiếp người chìm nổi, thân phận giang hồ phiêu bạt. Trần Hoài Anh nhìn ra dáng vẻ “hiệp khách” lang thang trên bước rong ruổi nơi hồn thơ Nguyên Sa. Và, nhà lý luận – phê bình họ Trần cũng muốn thử phiêu bạt theo bước hiệp khách. Trần Hoài Anh là một trong số ít người nhận thấy được khía cạnh này trong thơ Nguyên Sa. “Bên cạnh những bài thơ tình đắm đuối, thiết tha ngợi ca một thứ tình yêu trong trẻo, tinh khôi, thánh thiện và đầy tính nhân bản, khi khám phá cảm thức xuân trong thơ Nguyên Sa, ta còn bắt gặp trong đó những niềm thổn thức, những ưu lo, trăn trở về quê hương, về thân phận con người trong những năm đất nước còn chiến tranh” (tr.91). Vì vậy, với cảm thức xuân nói riêng, mỹ cảm thi ca nói chung, Trần Hoài Anh đã nhìn thấy và nhận định: “Và hôm nay, trong mùa xuân bình yên của đất nước, thơ Nguyên Sa trong đó, có những vần thơ viết về mùa xuân của ông mãi tồn sinh với dân tộc và quê hương mà thi nhân hằng yêu quí. Cảm thức xuân trong thơ Nguyên Sa, phải chăng cũng là một hằng số văn hóa góp phần làm nên những vẻ đẹp của mùa xuân mà chúng ta cần trân quí, giữ gìn như giữ gìn những hệ giá trị trong “giòng sinh mệnh văn hóa” nước nhà” (tr.92). Qua đó, bạn đọc chắc cũng đã hiểu, sở dĩ Trần Hoài Anh nhìn thấy “hằng số văn hóa” dân tộc trong thi phẩm của Nguyễn Sa, bởi lẽ chính nhà lý luận – phê bình cũng đã giữ chặt nền tảng văn hóa nước nhà làm chỗ đứng nhân sinh của bản thân.

Về mặt nào đó, cái đẹp vĩnh hằng có lẽ là cái đẹp cần được trui rèn qua lịch sử. Nhà nghiên cứu đặt tác phẩm văn học và hệ quy chiếu lịch sử. Không sai, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Chính vì sự thử của thời gian và biến động lịch sử, giá trị của ngôn từ nghệ thuật càng thêm lóng lánh, ngời thêm mỹ cảm. Trần Hoài Anh viết về Trần Quang Long nói riêng và văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 nói chung với nhãn quan này. Nhà lý luận – phê bình phát hiện ở tác phẩm Trần Quang Long những giá trị chung cho văn học miền Nam 1954-1975, song hành vận động lịch sử xã hội đương thời. Cụ thể, đó là tinh thần yêu nước và tình tự dân tộc. “Xét về một ý nghĩa nào đó, cảm thức lịch sử qua những diễn ngôn trong các tác phẩm văn học như đã phân tích ở trên không chỉ thức nhận trong nhân dân miền Nam một tình tự dân tộc với truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh anh dũng mà thực sự trở thành thứ vũ khí góp phần không nhỏ vào việc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược để giành độc lập tự do cho tổ quốc mà lời hiệu triệu đầy khí phách hào hùng mang âm vang lịch sử của nhà thơ Trần Quang Long trong bài thơ Hân hoan cảm động” (tr.204). Rõ ràng, văn học Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước bởi lịch sử trường kỳ đối kháng ngoại xâm (từ thuở Phù Đổng Thiên Vương đuổi giặc Ân, Trưng Vương đánh giặc Hán, cho tới cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ ở thế kỷ XX). Nhìn thấy tinh thần yêu nước và tình tự dân tộc trong nhận thức và tâm hồn con người miền Nam tức là cũng nhận thấy các giá trị bền vững theo thời gian suốt tiến trình phát triển của dân tộc Việt. Trên con đường “nước non ngàn dặm ra đi”, nếu “tôi chỉ là cây kim bé nhỏ, mà vạn vật là muôn đá nam châm” thì, thỏi nam châm Việt Nam Diễn Nghĩa đã hút lấy tâm hồn Trần Hoài Anh và ông, bắt gặp trong đó những giá trị vĩnh cửu nhưng vẫn còn tươi rói, mới mẻ. Trần Hoài Anh diễn đạt bằng lối văn nghiêm ngặt của nhà lý luận – phê bình. Thế nhưng, ở phần kết, ông không khỏi bộc lộ niềm phấn khởi, tự hào. “Người viết lịch sử, kể cả lịch viết lịch sử bằng tiểu thuyết phải là người tái hiện tâm hồn dân tộc mình. Thế nên, phẩm tính cần thiết của người viết lịch sử không chỉ có khối óc mà còn phải có trái tim, biết đau nỗi đau của phận số dân tộc, của phận số mỗi con người, biết suy tư, biết xa xót, trăn tở trước lẽ hưng vong của vận nước qua từng trang sử” (tr.241). Trần Hoài Anh cảm nhận được tư tưởng thân dân của Cao Văn Liên, đồng thời nhận ra “giòng sinh mệnh văn hóa của dân tộc”. Điều này, khiến Trần Hoài Anh hết sức “đồng cảm”, “chia sẻ với những trăn trở của tác giả”. Bạn đọc sẽ thấy nhà lý luận – phê bình đã “cộng hưởng” cùng nhà văn, khuếch trương niềm cảm khái bất tận trước sức sống kiên cường của dân tộc. Do đó, trang viết của nhà lý luận – phê bình đã nối dài sinh mạng của tác phẩm văn học. Chính vì vậy, nếu cho rằng nhà lý luận – phê bình chỉ ăn theo sáng tác, e rằng chưa thỏa đáng và cũng chưa nhìn ra được vai trò của nhà lý luận – phê bình đối với hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật nói chung. Bởi, cái nhìn của nhà lý luận – phê bình (dầu xuất phát từ điểm nhìn nào) đều có ý nghĩa nhất định đối với việc khai mở – dẫn dắt cộng đồng diễn giải. Do đó, người làm công việc lý luận – phê bình tự thân đã có vai trò quan trọng (nếu không nói chủ đạo) trong việc thúc đẩy và định hướng tiếp nhận cho cộng đồng. Lẽ đó, nhà lý luận – phê bình ví như “đại lý phân phối” đưa tác phẩm chạm đến tâm hồn bạn đọc. Giáo sư Trần Đình Sử từng nhận định: “Phê bình văn hóa sẽ góp phần mở rộng tầm nhìn đến các hiện tượng văn học đa dạng bị bỏ quên, khắc phục quan điểm kinh tế quyết định luận dung tục, cho thấy văn học trong nhiều mối quan hệ với đời sống con người. Khuynh hướng này mới bắt đầu, song có thể sẽ có cơ phát triển”(10). Ý kiến này có lẽ đúng với PGS.TS. Trần Hoài Anh – nhà lý luận – phê bình bền bỉ ghi nhận sự đa dạng của đời sống văn học, khêu sáng những góc tối tưởng đã lãng quên.

Nhiều lần Trần Hoài Anh nói đến vấn đề “giòng sinh mệnh văn hóa”. Điều này, cho thấy nhà lý luận – phê bình rất quan tâm vấn đề nghiên cứu văn học dưới góc nhìn văn hóa. Cách hiểu của Trần Hoài Anh về văn hóa cũng thực sự rộng rãi. Do đó, khái niệm văn hóa này giúp ông có cái nhìn khoáng đạt, vượt qua những thành kiến trước đây về lý luận – phê bình tác phẩm văn học dưới góc nhìn văn hóa. Một đặc điểm nữa cũng dễ nhận thấy ở Trần Hoài Anh luôn: đặt văn hóa dân tộc ở vị trí trung tâm. Chẳng hạn, những bài viết trong tập sách này như: Đời và thơ Nguyễn Bính trong di sản văn học miền Nam trước 1975, Thơ Huy Cận trong tiếp nhận của lý luận-phê bình văn học miền Nam (1954-1975); Đông Trình – Người đi “giữa thực và mơ”; Tâm thức văn hóa trong thơ Văn Lê; … Dưới góc nhìn văn hóa nói chung, Trần Hoài Anh hầu như đều hướng bạn đọc trở về nguồn cội văn hóa dân tộc. “Có thể nói, căn tính để xác quyết sự tồn sinh của một dân tộc là văn hóa chứ không phải là các loại chủ thuyết, cho dù chủ thuyết đó có hiện đại đến đâu, nếu không phù hợp với văn hóa dân tộc thì không thể nào tồn tại và sự diệt vong là tất yếu. Bảo tồn và phát huy “giòng sinh mệnh văn hóa” dân tộc, vì thế, là một trong những căn tố để bảo vệ sự tồn vong của đất nước” (tr.129). Trần Hoài Anh còn đặt văn hóa dân tộc ở vị trí chủ lưu tạo nên dòng chảy bền bỉ và tạo thành sinh mệnh cho dân tộc. Thế nên, giòng sinh mệnh văn hóa ấy đã chảy xuyên suốt trong nhiều công trình nghiên cứu khác nhau của PGS.TS. Trần Hoài Anh. Chính giòng sinh mệnh văn hóa dân tộc tạo thành vẻ đẹp bền vững theo thời gian. Có lẽ, không quá đáng, khi cho rằng PGS.TS. Trần Hoài Anh cẩn trọng đặt văn hóa dân tộc ở vị trí cốt tủy – vừa là khởi nguồn vừa là đích đến – trong lương tri người trí thức. Hầu như mỗi bài viết trong tập sách “Đi tìm mỹ cảm văn chương” đều ít nhiều có nhắc đến vấn đề văn hóa và văn hóa dân tộc, bàn luận ít nhiều đến vai trò ý nghĩa của văn hóa dân tộc đối với sự phát triển xã hội. Với góc nhìn văn hóa, nhà lý luận – phê bình Trần Hoài Anh luôn hướng đến, luôn tìm kiếm những giá trị vĩnh hằng. Đó là, những viên ngọc quý trong đời sống văn hóa con người nói chung, trong sinh hoạt văn hóa người Việt nói riêng. Và đồng thời, qua đó, nhà lý luận – phê bình  PGS.TS. Trần Hoài Anh thực sự tạo được dấu ấn riêng trong việc góp công gìn giữ, lưu truyền, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mà hiện nay, ít nhiều đang chao đảo!

Thay lời kết

Về cách kết luận vấn đề, nhà lý luận – phê bình PGS.TS. Trần Hoài Anh sử dụng phổ biến cách dẫn dắt ý kiến/nhận định/đánh giá của nhân vật có uy tín để tạo nền tảng cho việc khẳng định vấn đề đang nói đến. Ví như, trường hợp Đông Trình. “Saint-John Perese đã xác quyết: “Nhà thơ tuy chẳng muốn cũng thấy mình bị ràng buộc vào cuộc chuyển biến của lịch sử. Và trong bi kịch của thời đại, không có sự gì y chẳng quan tâm”. Có thể nói, điều này rất đúng với thơ Đông Trình cũng như những nhà thơ cùng thế hệ với anh khi học phải sống qua những biến động của lịch sử dân tộc với tư cách là người trong cuộc” (tr.117). Với cách viết này, bạn đọc có thêm thông tin, cũng như có thể (từ gợi mở của nhà lý luận – phê bình) nghĩ thêm về những vấn đề đang được đặt ra. Do đó, thông tin và rút kết của Trần Hoài Anh vừa cô đọng vừa đáng tin cậy. Dẫu rằng, dung lượng mỗi bài viết không quá lớn nhưng thông tin rất chắt lọc, vừa vặn cho sự tiếp nhận (đặc biệt của các bạn sinh viên đang tìm tòi học hỏi về văn học nước nhà). Dựa vào đó, bạn đọc có thể hình dung phần nào hình tượng nhà lý luận – phê bình họ Trần – người thầy dạy học tâm huyết và cẩn trọng; người bằng hữu chân tình và truyền cảm hứng văn chương!

Ngoài ra, nhà lý luận – phê bình họ Trần còn có công trong việc sưu góp, tập hợp, sắp xếp, tu chỉnh và đưa ra những nhận định so sánh, đồng thời còn góp công phác họa từng góc khuất, nối thêm đôi bờ, hoặc sửa sang đôi chỗ tù đọng, tạo thành bức tranh văn học đa chiều, toàn diện với mong muốn đóng góp phần nhỏ vào việc gìn giữ di sản văn chương tộc Việt.

Bài viết này, việc phân chia các nẻo đường đi tìm cái đẹp chỉ có ý nghĩa tương đối. Bởi lẽ, trên con đường đi tới cái đẹp có giá trị vĩnh hằng, người đọc có thể bắt gặp tầng sâu vô thức và cũng có thể, bắt gặp những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Thế nên, dù phân chia các hướng khác nhau trên con đường “Đi tìm mỹ cảm văn chương” nhưng rồi. chung quy, các hướng hành trình chữ nghĩa của PGS.TS. Trần Hoài Anh đều quy về một nguồn cội: khám phá, tôn vinh giá trị dân tộc và nhân bản.

PGS.TS. Trần Hoài Anh là người mở lòng đón nhận vẻ đẹp đa dạng của thế giới văn chương, là người chia sẻ nỗi niềm và thấu cảm những khuynh hướng thẩm mỹ khác nhau Ngần ấy, cũng đủ cho “người lận đận bên trời một lứa” có thể có thêm nguồn cảm hứng và khích lệ trong cõi giới văn chương.

TRẦN BẢO ĐỊNH/VANVN

 

———————

(1) Thanh Thảo và Lại Nguyên Ân (tuyển chọn, 2005). Thơ Bích Khê (tuyển tập). Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi xuất bản, tr.165.

(2) Lại Nguyên Ân (1991), Khí chất miền Trung và nhà thơ Hàn Mặc Tử, Tạp chí Văn học, số 1, tr.49-51.

(3) Thanh Thảo (2004). Mãi mãi là bí mật. Hà Nội: Nxb Lao động, tr.288-290.

(4) Mai Bá Ấn (21/4/2022). Dấu ấn địa văn hoá của các nhà Thơ Mới. Nguồn: https://vanvn.vn/dau-an-dia-van-hoa-cua-cac-nha-tho-moi

(5) Huy Cận (1942). Kinh Cầu Tự (in lần thứ nhất). Hà Nội: Mới xuất bản, tr.20.

(6) Xuân Diệu (1940). Tựa. Trong Huy Cận (1940). Lửa thiêng. Hanoi: Đời Nay xuất bản, tr.V-VI.

(7) Dùng theo thuật ngữ và cách hiểu của PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân trong bài viết: “Đi tìm cổ mẫu trong văn học Việt Nam”. Nguồn: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/ly-luan-va-phe-binh-van-hoc/122-i-tim-c-mu-trong-vn-hc-vit-nam.html

(8) Trần Đình Sử (15/8/2022). Lã Nguyên và phê bình ký hiệu học. Nguồn: https://trandinhsu.wordpress.com/2022/08/15/la-nguyen-va-phe-binh-ki-hieu-hoc-3

(9) Huỳnh Như Phương (2012). Văn học miền Nam Việt Nam 1954-1975: Những khuynh hướng chủ yếu và thành tựu hiện đại hóa. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần IV, tr.714 (710-723).

(10) Trần Đình Sử (31/5/2013). Các khuynh hướng phê bình văn học Việt Nam hiện nay. Nguồn: https://trandinhsu.wordpress.com/2013/05/31/cac-khuynh-huong-phe-binh-van-hoc-viet-nam-hien-nay

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Sức bền của ngòi bút
Nguồn: Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 116, ngày 21/3/2024
Xem thêm
Nguyễn Bính ở phương Nam
Nguyễn Bính (1918-1966), tên thật là Nguyễn Trọng Bính (có lúc tên Nguyễn Bính Thuyết), quê ở Nam Định nhưng sống khắp ba miền đất nước. Ông có phong cách một nhà thơ lãng tử, sáng tác về chủ đề tình cảm làng quê và tình yêu, tổ quốc. Thơ tình cảm mộc mạc của ông được rất nhiều người thuộc. Tác phẩm gồm 26 thi tập trong đó có : + 1 kịch thơ : Bóng giai nhân (1942): + 3 truyện thơ : Truyện Tỳ Bà (1942); Trong bóng cờ bay (1957); Tiếng trống đêm xuân (1958): + 1 vở chèo : Người lái đò sông Vỹ (1964) và rất nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được nhạc sĩ phổ thành ca khúc : Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, Quốc Hương ca);  Cô hái mơ (Phạm Duy); Ghen (Trọng Khương), Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc); Chân quê (Minh Quang). Hiện nay, nhiều thành phố có những con đường mang tên ông. Nhà thơ Nguyễn Bính nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2000) cùng với Hoài Thanh, Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng, …
Xem thêm
“Đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”
Tôi biết Nguyễn Minh Thuận (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk) làm thơ đã lâu, dễ hơn ba chục năm trước, thỉnh thoảng anh vẫn đọc cho tôi nghe và rải rác anh cho đăng trên facebook Trương Thị Hiền - vợ anh (TS, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên).
Xem thêm
Đọc “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh
Xem thêm
Hoàng hôn chín – chín mọng yêu thương
Về tập thơ in chung của Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan
Xem thêm
Thơ Phan Hoàng trong hành trình ngược lối – Tiểu luận của Mai Thị Liên Giang
Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng từng nhận được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, sau đó tập thơ này được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 của Hungary. Ngoài ra tập trường ca “Bước gió truyền kỳ” của ông cũng được Ủy ban nhân dân TPHCM trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II. Để hiểu thêm về hành trình sáng tạo thi ca của nhà thơ Phan Hoàng, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình văn học Mai Thị Liên Giang.
Xem thêm
Những giải mã thú vị, khoa học của một người đọc tri âm
Với kiến văn sâu rộng, sự nghiên cứu cẩn trọng mang tính học thuật cao, khai thác nhiều vấn đề tri thức lý luận mới mẻ; Trần Hoài Anh đã đem đến những trang viết tinh tế, khai mở nhiều điều lý thú và bổ ích.
Xem thêm
Hồn xuân trong thơ Hồ Chí Minh
Nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng đã nhận định sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một trí tuệ lớn, một dũng khí lớn, một tâm hồn lớn”.
Xem thêm
“Trung thực và quả cảm” trong sáng tác và phê bình văn học, nghệ thuật
Bài viết của nhà thơ Mai Nam Thắng trên Văn nghệ số 4/2024
Xem thêm
Nguyễn Quang Thiều với ‘Nhật ký người xem đồng hồ’
Bài viết của Nguyễn Văn Hòa về tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời
Nguồn: Báo Văn nghệ số 4, ra ngày 27/1/2024.
Xem thêm
Dòng kinh yêu thương
Tháng 8 năm 1969, chương trình Thi văn Về Nguồn góp tiếng trên Đài phát thanh Cần Thơ vừa tròn một tuổi. Nhân dịp nầy, cơ sở xuất bản về Nguồn ấn hành đặc san kỷ niệm. Đặc san tập họp sáng tác của bằng hữu khắp nơi, với các thể loại như thơ, truyện, kịch… và phần ghi nhận sinh hoạt văn học nghệ thuật ở miền Tây trong một năm qua. Trong đặc san này, chúng tôi in một sáng tác của nhà thơ Ngũ Lang (Nguyễn Thanh) viết ngày 24/8/1969, gởi về từ Vị Thanh (Chương Thiện), có tựa đề “Đưa em xuôi thuyền trên kinh Xà No” Hơn nửa thế kỷ trôi qua với bao nhiêu biến động, ngay cả tác giả bài thơ chắc cũng không còn nhớ. Xin được chép lại trọn bài thơ của anh đã đăng trong Đặc san kỷ niệm Đệ nhất chu niên Chương trình Thi văn Về Nguồn, phát hành vào tháng 8 năm 1969.
Xem thêm
Minh Anh, người đánh thức thế giới
từng chữ từng chữ/ rơi vào từng dòng từng dòng/ chúng chụp lấy những khoảnh khắc/ đẹp não nùng/ không thể rời khỏi con tim/ cách duy nhất để tự nó đừng nở rộ quá mức/ vượt khỏi ký ức của ta/ là hãy viết xuống (Sự kỳ lạ của nghệ thuật viết).
Xem thêm
Ta sẽ không như cốc trà nguội cuối ngày
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ Vọng thiên hà của Hoa Mai.
Xem thêm
Con người Chí Phèo
Cái chết của Chí phèo như bản cáo trạng về xã hội thực dân nửa phong kiến thối rữa, nhàu nát, là tiếng kêu oan khốc thấu tận trời xanh của những kiếp người “siêu khổ”.
Xem thêm
Nguyễn Ngọc Hạnh - Hồn thơ reo mãi phía làng
Bài viết của Hoàng Thụy Anh và phóng sự ảnh của Nguyên Hùng
Xem thêm
‘Bút chiến’ thời Tự Lực Văn Đoàn
Trước khi được giải Lý luận phê bình của Hội Nhà văn năm nay thì “Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do” đã được chú ý trong cộng đồng đọc. “Câu chuyện cũ nhưng cách tiếp cận mới, khảo tả công phu, chưa kể những dẫn chứng “đấu đá” hậu trường văn chương, đọc rất vui”, độc giả bình luận.
Xem thêm
Khối đa diện “Mộng đế vương”
Nhà văn Nguyễn Trường chọn xứ đạo ở Cồn Phụng của ông Nguyễn Thành Nam, đạo vừa vừa, gọi là Đạo Dừa
Xem thêm
Hồn quê trong một sắc thơ miệt vườn
Nhà thơ Kiên Giang (1929-2014) - đúng ra năm sinh: 1927 - tên thật Trương Khương Trinh (bút danh khác: Hà Huy Hà, Ngân Hà, Trinh Ngọc, Cửu Long Giang…, gốc người làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay là Kiên Giang).
Xem thêm