TIN TỨC

Đi tìm khoảng lặng nước mắt của mẹ

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-04-29 12:17:14
mail facebook google pos stwis
1383 lượt xem

LỤC DIỆP

Nhà văn Trầm Hương nói, mong muốn viết bộ sách về Mẹ Việt Nam anh hùng có lẽ đã bắt đầu từ mấy mươi năm trước, khi chị nhìn thấy hình ảnh người mẹ ngồi lặng lẽ trên bộ ván nhìn ra khoảng trời phía trước, thăm thẳm nỗi buồn...

Tiền Giang năm 1990

Chuyến thăm và tìm tư liệu cho Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ của nhà văn Trầm Hương về xã Song Thuận (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) năm ấy đã cho chị gặp má Nguyễn Thị Hai. Người cháu ngoại của má kể đêm nào bà cũng nằm thao thức nhớ “mấy dì mấy chú”. Khi ấy, nhà nghèo đến mức những hôm trời lạnh, má còn không có được tấm chăn để đắp. Hai con trai má đều đã hy sinh ở chiến trường, con gái là đội trưởng nữ pháo binh vành đai Bình Đức Nguyễn Thị Bé Sáu cũng đã anh dũng hy sinh năm 1969.

Sau khi pháo kích bắn cháy nhiều xe tăng kẻ thù, lẽ ra đã có thể rút lui an toàn, nhưng nghe tiếng khóc trẻ nhỏ, chị quyết định quay lại nhà dân, tìm hầm trú ẩn và cứu được bốn đứa trẻ. Nhưng chị đã không thể trở về được nữa. Hòa bình lập lại, trong ngôi nhà của má Nguyễn Thị Hai chỉ có di ảnh của những người con đã chiến đấu và ngã xuống vì Tổ quốc. Còn lại trong đôi mắt người già nỗi buồn thăm thẳm không thể nói thành lời. 

Nhà văn Trầm Hương và Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thái ở Thái Nguyên


Những năm đầu thập niên 1990, đất nước còn khó khăn và cũng chưa có pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH). Khi trở về Sài Gòn, Trầm Hương viết một bài báo về má Hai, đăng trên báo Công an TP.HCM. Từ câu chuyện rung động ấy, qua kết nối của báo, má được tặng 5 triệu đồng mua mền, mua thuốc men. Ký ức ấy còn đọng lại mãi trong chị.

Trong chừng ấy năm, chị vẫn đi tìm, âm thầm ghi chép gìn giữ tư liệu, cho đến tận bây giờ. “Những người Mẹ VNAH dù ở bất kỳ nơi nào, hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng những giọt nước mắt, nỗi đau của mẹ đều giống nhau, có thể cả đời cũng không thể nào nguôi ngoai được” - nhà văn Trầm Hương xúc động.

Năm 2002, chị từng xuất bản tập truyện ký Mẹ (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân), nhưng tác phẩm chủ yếu ghi chép câu chuyện về các Mẹ VNAH ở miền Nam. Lần này, với Khoảng lặng nước mắt, chị tiếp tục tìm đến những nhân vật khắp mọi miền đất nước, từ thành phố đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi cao, cả nơi biên cương địa đầu Tổ quốc. Trong nhiều năm ròng, chị tự bỏ tiền túi rong ruổi khắp nơi, tìm đến những nhân vật của mình. Trầm Hương nói, mỗi nhân vật chị đã gặp là một lát cắt của số phận, nhưng đằng sau câu chuyện của các mẹ cũng chính là số phận của dân tộc.

Mường Tè, Lai Châu 2021

Vượt qua những đoạn đường hiểm trở, khi gặp đá lở, lúc băng sình lầy, nhà văn tìm đến nhà mẹ Lý K ơ Phớ. Ngôi nhà của mẹ bình dị trong buôn làng - nơi năm xưa bà từng tiễn con ra trận, rồi đau xót nhận về giấy báo tử. “Tôi thật sự xúc động khi nghĩ về hình ảnh người lính trẻ của buôn làng năm ấy, ba lô trên vai, tay cầm dao rựa, vượt núi băng rừng để đến nơi tập kết với lòng yêu nước thiết tha. Còn mẹ cứ lặng lẽ nơi địa đầu biên cương, cho đến ngày đất nước hòa bình, chồng và con của mẹ, không còn ai trở về nữa” - nhà văn Trầm Hương chia sẻ.

“mỗi câu chuyện về Mẹ chính là một mảnh ghép làm nên sức mạnh của dân tộc” – nhà văn Trầm Hương


Cuộc đời mỗi người Mẹ VNAH là một câu chuyện đằng đẵng của số phận. Mẹ Lê Thị Thái, ở Thái Nguyên, thuở 18 tuổi yêu người chiến sĩ cách mạng, rồi anh phải hành quân vào chiến trường chỉ để lại bộ quần áo bộ đội làm kỷ vật cho con. Thằng bé cứ thế lớn lên, ngửi mùi cha qua màu áo lính và nói: “Khi lớn lên con sẽ đi bộ đội”. Rồi khi con tiếp bước cha lên đường ra chiến trận, một lần nữa, mẹ nhận lại nỗi đau xưa, tiễn con vào chiến trường, và đó cũng là lần gặp cuối…

Mẹ Nguyễn Thị Cửu (Đồng Nai), mẹ Nguyễn Thị Tư (Ba Vì), mẹ Lê Thị Trị (Quảng Nam), mẹ Thiều Thị Cú (Thanh Hóa), mẹ Nguyễn Thị Mênh (Hòa Bình)… Những chuyến đi, những tư liệu về các mẹ VNAH mỗi ngày một đầy lên. Từng đêm, nhà văn lần giở và ghi chép lại từng câu chuyện, từng số phận.

Mẹ Hồ Thị Đại ở Lâm Đồng, các con trai đều đã hy sinh, còn đứa con gái bị thất lạc ở Phan Thiết vào những ngày cuối tháng 4/1975. Ngày nào bà cũng ngồi trước ti vi, chỉ mong có thể gửi thư lên chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly nhờ tìm con gái. Gần 50 năm rồi, nỗi đau của mẹ vẫn từng ngày trĩu nặng…

Dự án sách Khoảng lặng nước mắt (gồm ba tập) đang được nhà văn Trầm Hương hoàn thiện những trang cuối cùng. Chị nói, những gì chị có thể làm với vai trò là người cầm bút, chị sẽ cố gắng hết sức để lưu giữ lại cho thế hệ sau.

“Cái giá của hòa bình, đau xót lắm…” - nhà văn Trầm Hương nhìn xa vắng. Chị đã từng nghe những câu chuyện, mà lời hứa của các con dành cho mẹ là “hòa bình con về sẽ mua cho mẹ chiếc áo ấm…” đều không thể thực hiện được. Chị từng gặp những người mẹ mà nỗi đau lặn vào tim, không nói được thành lời. Có mẹ sống an vui cùng các cháu, nhưng cũng có mẹ cô đơn thăm thẳm, một mình ra vào dù tuổi đã gần đất xa trời. Nỗi đau ấy, không gì có thể bù đắp nổi. 

“Sự dấn thân của những người phụ nữ trong chiến tranh và hòa bình khiến tôi khâm phục, đồng cảm. Khi ngòi bút mang lại sự công bằng cho những số phận bị quên lãng, lòng tôi tràn ngập hạnh phúc” - nhà văn Trầm Hương từng chia sẻ như vậy. Với Khoảng lặng nước mắt, một lần nữa chị tìm đến “những số phận bị quên lãng”, những người Mẹ VNAH có được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, nhưng câu chuyện của họ, số phận của họ dường như chưa từng được ghi chép lại.

“Mỗi người mẹ một trái tim, một tình yêu và hy sinh dành cho đất nước, và mỗi câu chuyện về mẹ chính là một mảnh ghép làm nên sức mạnh dân tộc. Nếu bây giờ không viết, tôi sợ sau này muốn tìm đến các mẹ cũng không còn kịp nữa…” - nhà văn tâm sự.

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm