TIN TỨC
  • Truyện
  • Chuyến tàu rời ga mặt trời | Thảo Nguyên

Chuyến tàu rời ga mặt trời | Thảo Nguyên

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-07-15 08:33:36
mail facebook google pos stwis
1392 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

THẢO NGUYÊN

Lâm lặng lẽ móc giỏ bánh mochi đậu đỏ lên nắm đấm cửa nhà đối diện. Sáng sớm khi thức dậy tung cửa ra ngoài, hẳn bà cụ và Bắp sẽ ngạc nhiên lắm. Lâm nhớ có lần đã thấy hai bà cháu nuốt nghẹn mấy chiếc bánh trong tiếng chì chiết của anh con trai cụ. Với anh ta, mấy thứ này chẳng bổ béo gì, lại còn độc hại, ai mà biết, đồ chợ búa đó. Lân nghe mắc cười, chớ để lớn lên tới bây giờ, có bao nhiêu món anh ta ăn hàng ngày không mua từ chợ. Thật buồn biết mấy khi phải lén lút với người thân gặm nhắm thứ mình yêu thích, dù chỉ một món ăn. Tháng trước, gặp cảnh Bắp bị ba nạt nộ, đứng rúm ró dưới công viên nội khu giữa vương vãi hạt bắp rang bơ, cảm giác tức giận trồi lên khỏi ngực Lâm. “Ăn chút bắp cũng có sao đâu anh”, cô tiến lại nhỏ nhẹ góp ý, một việc trước nay Lâm chưa từng làm, bởi nghĩ chuyện nhà người khác mình lăn tăn chỉ tổ lời ra tiếng vào. Có lẽ vì bất ngờ, anh ta nghệch mặt một lúc. Dù sống ở hai nhà đối diện phía cuối hành lang tầng 9, thỉnh thoảng gặp dưới sảnh hay mấy bận họp cư dân, Lâm chỉ gật đầu thay lời chào chứ chưa nói câu nào dài quá hai từ với người đàn ông này. Cũng đột ngột như vẻ sửng sốt ban đầu, thình linh anh ta nhếch môi chếch về bên trái vẻ giễu cợt. Lâm đã không hiểu ẩn ý nụ cười đó ngay cho đến khi nhận ra cái bóng kia lướt tới, bước nhẹ như khiêu vũ với vẻ mặt hể hả và mãn nguyện.

- Lo chuyện mình đi, cô thì biết gì.

Đúng là Lâm không biết gì thật. Ngày cô dọn tới chung cư cao cấp này, Việt búng hai đầu ngón tay cười xòa, đó thấy chưa, anh đã hứa mà, ở bên anh, em sẽ chẳng thiệt đâu. Hồi đó, Lâm đang làm quản lý cửa hàng đồ hiệu ZP trong trung tâm thương mại Skycity. Công việc mang đến khoản thu nhập khá khẩm, song cô không cho phép bản thân chi xài thoải mái. Lâm đặt mình vào trách nhiệm cần góp sức trả khoản nợ khổng lồ do làm ăn thất bại của ba. Từng sở hữu một đội gồm 5 tàu gỗ 1.000 mã lực chỉ huy mấy chục thuyền viên vươn khơi bám biển ngót nghét 20 năm, ông đã trở thành ông như hiện tại từ tuổi 50, cáu bẳn và chán chường. Những cơn tức bực của ba tới thường xuyên, bao giờ mấy má con Lâm cũng phải chịu trận. Ông bắt đầu uống nhiều rượu, lẩm nhẩm những điều người đối diện mù mờ và chửi rủa đoạn đời cay đắng vừa trôi tuột qua, chửi rủa cả hiện tại lẫn tương lai chưa biết rõ. Má luôn thủ thỉ biểu chị em Lâm đừng trách ba, cuộc chuyển đổi từ tàu gỗ sang tàu vỏ thép với bao nhiêu ưu đãi, hứa hẹn tưởng sẽ khiến hải trình mới sáng bừng nào ngờ mọi thứ sụp đổ nhanh tới thảng thốt đã dìm ba xuống vực tuyệt vọng không đáy. Lâm 15 tuổi, nhe răng cười: “Cũng hên, nhà bác Bảy, chú Giác nợ nhiều hơn mình gấp đôi”. Mãi sau này khi đã trưởng thành Lâm vẫn không thôi day dứt kiểu so sánh ngu ngốc đó. Làm thế nào có thể đem sự bất hạnh của chòm xóm an ủi bất hạnh của mình? Ánh mắt ba trộn lẫn giữa ngỡ ngàng, tức giận và bi thương, cả người ông rung lên bần bật vì tràng cười khục khặc: “Một đám con gái vô tích sự, biểu sao người ta không cười thúi mặt cái thằng Thường này chẳng có nỗi mụn con trai nối dõi”. Cô bé Lâm 15 tuổi ương bướng và có phần cố chấp trong khoảnh khắc đứng chết trân. Đúng rồi, giờ ba mới lộ tâm địa coi thường con gái đây! Ở cái làng này, hễ cặp vợ chồng nào không sinh được con trai thì y như rằng, tổ tông nhà ấy bạc phước, là người vợ không biết đẻ, là anh chồng cần kiếm cô khác biết đẻ thì may ra. Ba Lâm khác, Lâm đã tin vậy. Với 4 cô con gái, ông vẫn vui vẻ và giữ sự hài hước thường lệ. Lần nào tàu về bến, việc đầu tiên ba làm không phải sà lại chỗ thương lái tính toán giá cả, lời lỗ một chuyến đi mà ào tới ôm chầm lấy Lâm giơ lên cao xoay tít, mặc má càm ràm con bé chóng mặt xỉu bây giờ, người hôi quá chừng kìa, lo tắm rửa đi đã. Giỗ chạp bên nội, bên ngoại, ba tay nắm, vai cõng mấy đứa con, mặt mày tươi tỉnh, đâu có thèm chấp những xì xầm, “Vợ chồng cha Thường đẻ miệt mài cũng không ra con trai”, “Con gái là con người ta hết, nhờ được gì đâu mà phớn phở”.

Ba bỏ biển, xấc bấc xách hồ, đẩy gạch trên những công trường xây dựng. Chị em Lâm bỏ làng vô thành phố, đứa đi làm, đứa học, tự bảo ban nhau. Lương tháng nào Lâm cũng gửi về đặng má gom góp trả ngân hàng. Cô trọ trong một khu tồi tàn, phòng ốc bịt bùng tối, không cửa sổ, nhà vệ sinh và tắm giặt chung. Bỏ ra năm, bảy trăm mỗi tháng vầy là ngon lành lắm rồi, chủ trọ đon đả. Lâm thừa nhận ở thành phố chi tiêu bấy nhiêu thì đâu thể mong gì hơn. Cô chẳng có bạn. Chính ra Lâm từ chối mọi cuộc bù khú, tuổi sinh viên đã cắm mặt làm thêm đủ thứ nghề, ngày nào nằm ngủ quá 3 giờ đồng hồ liền ghét bản thân lãng phí thời gian. Bù lại, Lâm có nhiều ước muốn, đầu tiên trả hết nợ, tiếp nữa mua cho ba má một căn nhà mới, và tiếp nữa sẽ là… Nhà cũ ngoài quê đã bị siết rồi. Ba má dựng căn chòi tranh vá víu vách tôn mục trên phần đất được chú Ba thẻo bớt chính chái bếp nhà cho. Lâm không về nữa kể từ dạo lấy chồng, càng không nói chuyện điện thoại với ba lần nào. Ngay như đám cưới Lâm cũng lặng lẽ, chỉ có hiện diện đủ đầy của đằng trai. Ba chị gái và má Lâm đại diện nhà gái. Lâm nhớ lần duy nhất Việt thăm làng, hình như anh đã khựng lại lâu thiệt lâu trước chái tranh xơ xác rồi khi định thần anh làm cử chỉ khoác tay, “Đâu có sao, anh sẽ bù đắp cho em”. Câu nói khiến Lâm buồn muốn khóc. Nhưng, có vẻ chính Lâm cũng tự đưa mình vào vị trí “người thiệt thòi” rất cần, và rất đáng được bù đắp. Cho nên, căn hộ 901 rộng 70 m2, ánh sáng tràn vô từ mọi hướng, có ban công rộng, gian bếp sạch sẽ, nhà tắm xếp đầy mỹ phẩm đắt đỏ và phòng khách ốp kệ gỗ với những cuốn sách học thuật này là một sự bù đắp rõ ràng đầu tiên. Việt mua tặng Lâm rất nhiều váy áo mới, những đôi giày giá ngàn đô, và chỉ như vô ý nhưng lại không thèm che giấu, anh bày ra thái độ coi khinh căn trọ Lâm từng sống, quần áo chợ trời Lâm từng mặc, cả giấc mơ bé mọn đưa ba má du lịch khắp cả nước một mai kia, “Người ta chạy Đông chạy Tây chơi muốn mòn rồi”. Thuở mới thương và cưới, Lâm cho biểu hiện này chỉ vì yêu mà xót vậy thôi.

Nhưng, Lâm sai rồi. Và, Việt nữa, Việt cũng đã sai về Lâm.

Bên trong ZP, mỗi ngày là một câu chuyện khác, nhưng tựu chung Lâm xin lỗi nhiều, cảm ơn cũng nhiều, trường hợp nếu gặp phải vị khách lăm lăm thẻ VIP nhưng lại cuỗn mất một món đồ thì thật rắc rối. Đâu dễ yêu cầu kiểm tra túi xách của người ta. Tại sao người giàu lại trộm cắp nhỉ? Không biết nữa. Một bạn nhân viên cửa hàng nói, hay là họ cô đơn quá bày trò cho có chuyện để vui. Lâm cười, ừ, cũng có lý. Một bạn nhân viên trẻ hơn thì rụt rè, em lại nghĩ, vì họ giàu, thành ra tự cho mình phẩm giá cũng khác số đông, mấy hành vi kiểu vầy đối với họ chỉ đơn giản là trải nghiệm thú vị. Thử nghèo đi, thân cô thế cô đi, ngay lập tức sẽ trở thành kẻ trộm, kẻ tội phạm. Lâm im lặng. Trừ khi rơi vô thế chẳng đặng đừng, còn lại hầu hết công ty chẳng nơi nào muốn đôi co pháp lý với khách VIP. Chuyện hay ho gì, lỡ ra có khi còn làm xấu hình ảnh mình, mất hết khách như chơi. Nhiều quản lý chọn lối tắt, tức gom hết chứng cứ tới gặp người nhà của khách, người có tiếng nói nặng ký hơn và nắm quyền sinh sát tài sản trong nhà ấy để thỏa thuận.

Trớ trêu sao, Lâm phải thỏa thuận với chính mình.

Vịn vô ý kiến của bạn nhân viên, Lâm phân trần, có lẽ Việt cô đơn chớ anh đâu thiếu tiền. Đã vậy, anh còn là luật sư làm ở bộ phận pháp lý một tập đoàn lớn, quá rành rẽ luật, dễ gì nhúng vô mấy chuyện trời ơi này. Lọ nước hoa Roja Haute Luxe 100ml kia hẳn là thuộc về Lâm, cô sẽ lách luật đặt nó lại vị trí cũ, vậy là xong. Kế hoạch vừa nhen nhóm khiến Lâm rùng mình. Lâm đã lách luật một lần và nỗi đau như hơi thở mỗi ngày đang sống vẫn vồ vập tim cô không ngừng.

Chị Hai nói có con là điều kỳ diệu và mỗi đứa trẻ là một vòm xanh yên bình mà khi vào đó ta thấy mình cũng yên bình theo. Từ ngày sinh Cà Na, vợ chồng chị như sống một cuộc đời khác, tuy bận rộn hơn, nhưng tươi mới hơn. Anh rể cảm thông với chuyện nhà vợ, thỉnh thoảng phụ tiền trả nợ hầu mong chị bớt phần lo nghĩ. Về mặt này, ngay từ đầu, Việt đã thẳng thắn, “Anh không có nghĩa vụ nào với chuyện bên đó. Em là em. Nhà em là nhà em”. Lâm gật đầu. Cô đâu mong mỏi Việt đỡ đần khoản tiền này. Vây quanh Lâm bao nhiêu trầm trồ, lấy Việt là phước mấy đời, từ phòng trọ u ám không cửa sổ bay một nước lên tầng 9 tòa chung cư dành cho giới nhà giàu, mấy ai được như Lâm. Đã vậy, Việt còn chẳng đòi hỏi Lâm góp vào những khoản chi chợ búa hàng ngày, quà cáp hay đám, tiệc, mặc nhiên để cô chi dùng lương, thưởng cá nhân. Khi Việt sỗ sàng, “Bỏ” trong lần mang thai đầu, Lâm nhắm mắt đồng lõa. Việt lên tiếng như thể đã là phán quyết cuối cùng, “Đứa con đầu nhất định phải là trai. Một thằng bé mới đáng để khoe, rồi còn hưởng thừa kế nhà nội, chớ con gái thì khoe ai”. Mặc đớn đau thể xác lẫn tự sỉ vả mình ác độc, Lâm còn sợ nhiều hơn, nỗi sợ mơ hồ tựa thòng lọng mỗi ngày một thít chặt, sẽ ra sao nếu lần mang thai sau siêu âm vẫn là bé gái? Nếu ngay cả Việt cũng quát “Một đám con gái vô tích sự”. Lâm biết giấu bẽ bàng đi đâu? Mặc những nửa đêm về sáng giật mình thức dậy sau giấc chiêm bao nghe tiếng cười lanh lảnh từ một bóng nhỏ chưa rõ hình hài, Lâm thắc thỏm lo Việt buồn nếu ai vui miệng hỏi sao cưới lâu rồi mà chưa có con? Và, mặc tâm can vụn ra, tự chối bỏ đứa con gái tên Lâm từng cứng cỏi đứng vững giữa bao nhiêu sóng gió, biết kiếm tiền và biết sống, Lâm ngày càng ít yêu bản thân, thay vào đó, cô luôn trách mình “Không biết đẻ”. Vậy nên, nhận ra thủ phạm “cầm nhầm” lọ Roja Haute Luxe, Lâm đổ cho cô thiếu sót, rồi thở phào dáo dác, may mà chỉ mới có Lâm phát hiện sự vụ, may mà Lâm kiểm tra video từ camera an ninh một mình. Hẳn Việt tin vụ trộm hoàn hảo mà quên rằng trên đời này, muốn người khác không biết việc xấu chỉ trừ khi mình không làm.

Người phụ nữ ấy vờ như quên gì đó, dừng lại cách chỗ Lâm và cha con Bắp chừng một thước, đảo mắt tới lui rồi mới nhẹ lướt tiếp kéo theo bản giao hưởng lấp lánh mùi hương hoa hồng tháng 5 quyện vào hoàng lan, hoa nhài lẫn với cam Bergamot. Thằng bé nằm trong xe nôi phía trước cô ta thì cười tít mắt, hai bàn tay bụ bẫm huơ huơ trong không khí. Đau đớn là Lâm phải lặng im, khẽ nhích qua một bên nhường lối đi cho họ. Mùi hương quý tộc kia đổi bằng bao nhiêu ngày Lâm dạ thưa, xếp tay trước bụng và cúi đầu, bao nhiêu ngày Lâm quáng quàng nấu bữa sáng rồi lao đi chìm nghỉm giữa dòng xe nhốn nháo buổi sớm mai và tối muộn nước triều cường tràn lênh láng. Và, hơn hết thảy, đau nhất là bao nhiêu ngày Lâm ngủ quên trong đam mê cầm tù đối phương của người ta mà cứ ngỡ là yêu thương. Như ba Bắp mỉa mai, Lâm đã không biết gì, bất kể người phụ nữ kia sống cùng tòa nhà. Nhiều sớm mai, đứng từ cửa sổ nhìn xuống, Lâm vẫn thấy cô ta sánh bước chạy bộ bên Việt.

Tin Lâm nộp đơn nghỉ việc được Việt đón nhận bằng cái nháy mắt tựa hồ phấn chấn, “Ừ, đúng đó. Lương thưởng nhiêu đâu mà em phải trầy trật ở đó. Nghỉ ngơi kiếm thằng cu”. Lâm tính nói: “Anh có rồi mà”, rốt cuộc, phản chiếu qua tấm gương trước bàn trang điểm, Lâm thấy khóe môi mình nhếch lên thành một nụ cười chua chát. Đầu óc Lâm khi thì đào xới miệt mài, khi lại trống rỗng. Nhiều buổi chiều sau đó, Lâm ngồi ngoài ban công ngó mặt trời rụng xuống, quay quắt nhớ đứa con gái cô đã đánh mất. Nhiều buổi chiều khác, Lâm cắn mấy đầu ngón tay tứa máu rồi đưa ra trước mắt săm soi, khuôn miệng méo xệch: Là mày đã giết con. Những cơn nắng trưa miệt mài quấn riết ép dáng hình Lâm nhỏ xíu xuống nền gạch sân chung cư, lặng lờ dọc ngang chỗ Việt chạy bộ, chỗ người ta tíu tít khen: “Thằng nhỏ giống ba như tạc”.

Vỡ vụn tới từng tế bào tưởng chừng đã cạn nhựa sống, nhưng những chuyện đã xảy ra mà Lâm không biết vẫn hãy còn nhiều.

Các chị kể hồi này ba Lâm yếu. Nợ trả xong rồi nhưng coi bộ ông không còn sức để vui, nói chi vươn khơi trở lại. “Giả dụ, tích cóp đóng được cái tàu gỗ nhỏ thôi là tui đi liền”, ba nói vậy khi hì hụi trộn hồ cạnh Bảy, chú Giác, những người bạn biển năm nào cùng ba bước lên bục tôn vinh như biểu tượng của làng, của ngành thủy sản xứ Chiêm Tre. Hồi mới vỡ nợ, ba chửi loạn xạ không từ gì, tuyệt nhiên chưa bao giờ có lời nặng nhẹ về biển, cũng chẳng oán trách con tàu mới đi được vài chuyến đã rỉ sét trơn trọi, hầm lạnh không giữ được đá hay chân vịt mải mê chơi trò nuốt lưới. Má nói ba yêu biển, mênh mông trùng khơi là thế giới của ông, là nhiệt thành của ông, cũng là nỗi buồn thẳm sâu của ông. Ngày Lâm cưới, trong cái góc nhỏ xíu của nhà hàng, có đôi mắt đùng đục chăm chú dõi theo con rất lành. Lần nào Lâm gửi tiền về, ba cũng thu nắm đấm ngực thùm thụp, ông trách mình làm liên lụy mấy đứa con. Và, cả cái ôm của má khi bước vô phòng trọ cô, là ba dặn với theo: “Chắc Lâm khổ nhiều, bà ôm lấy con một cái nghe”.

4 giờ sáng, hành lang sáng choang. Lâm bước chậm rãi hướng về phía cầu thang bộ, từ tầng 9. Lâm đến căn hộ 901 với chiếc valy con con đựng quần áo, giờ cũng chỉ bấy nhiêu. Nhưng khác thuở nghèo và mộng tưởng đó, cô rời đi cùng một mầm sống đang tượng hình trong bụng, để lại tờ giấy viết tay hãy chưa ráo mực trên bàn. Ba đêm rồi Việt không về nhà, nhắn có lịch công tác đột xuất. Lâm thức làm bánh mochi gửi tặng bà cháu Bắp thay lời từ biệt, cũng là để cảm ơn bà cụ đã dịu dàng nắm đôi bàn tay run rẩy của Lâm trong buổi đứng bóng, dù cho chính đôi tay nhăn nheo của bà cũng đang run: “Thằng con tui khắc nghiệt quá. Chính tui khuyên con dâu ly dị, kiếm việc làm có đồng ra đồng vô rồi đòi lại quyền nuôi con. Nó căm ghét tui với vợ, rốt cuộc đổ hết hậm hực lên đầu đứa trẻ. Nhìn con cháu vầy đau lắm. Cái gì quá cũng không tốt. Phải thương lấy mình nghe, cô Lâm”.

Âu thuyền đã kín chỗ. Bãi biển vắng lặng. Lâm hít một hơi dài, cô vừa qua hành trình xuyên màn đêm. Gió thốc mạnh quá khiến cơ thể Lâm tê dại vì lạnh. Người đàn ông tay cầm máy ảnh hộc tốc chạy từ dưới âu thuyền lên, gọi vống: “Vô đi, sắp bão rồi”. Không biết nghĩ sao, mấy phút sau anh ta ngược trở lại kéo giật vai Lâm: “Này cô, bão lớn đó, đứng đây làm gì”. Thêm vài giây nữa, anh ta lúng túng: “Mà… cô có ổn không?”.

Lâm giữ nguyên tư thế, mặc người đàn ông vẫn đang đặt tay trên vai, xốn xang hỏi lòng bao lâu rồi mình chưa được nghe lại câu này, như ba đã từng hỏi: “Con gái ba có ổn không?”. Nước trời ồ ạt trút xuống, bừng tỉnh, Lâm nheo mắt cười với người lạ.

- Tôi đang trên đường về nhà.

Tranh trong bài: Buổi sớm mai – tranh sơn dầu – Nguyễn Cương.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm