TIN TỨC

Nguyễn Chí Vịnh - vị tướng con nhà tướng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1005 lượt xem

TS LÊ MẠNH HÀ

Những năm 1960 nhà tôi ở 91 Lý Nam Đế, Hà Nội. Phía bên kia đường, chếch khoảng 100m là nhà  của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Phố Lý Nam Đế được gọi là phố lính vì có rất nhiều khu tập thể quân đội và nhà riêng có các gia đình ở chung. Ngôi nhà 91 Lý Nam Đế lúc đầu chỉ có gia đình tôi và gia đình bác Đồng Sỹ Nguyên. Gia đình tôi chuyển đến đây từ nhà 32 Điện Biên Phủ sau khi ba tôi - Đại tá Lê Đức Anh đã đi B (vào Nam chiến đấu). Lúc đó ông Lê Đức Anh và ông Đồng Sỹ Nguyên đều đã là Phó Tổng tham mưu trưởng nên được chuyển đến nhà rộng hơn. 

Nhà bác Nguyễn Chí Thanh là một bí ẩn đối với chúng tôi vì là nhà của Đại tướng kia mà. Cha tôi là Đại tá đã là cấp to so với bố mấy đứa trong lớp. Một lần bọn trẻ chúng tôi đi học về đi qua nhà bác Nguyễn Chí Thanh. Mấy thằng nhóc nhắm một mắt nhìn qua khe hở hàng rào thấy một cậu bé đang ngồi học, có đứa thì thào: “con ông Nguyễn Chí Thanh đấy”. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh Vịnh chính là hôm đấy. 

Chúng tôi lớn lên, đi bộ đội, học trường quân đội, ra trường phục vụ quân đội. Con đường của rất nhiều con nhà lính thời chống Pháp, chống Mỹ là thế. Các cụ lúc đấy định hướng tương lai cho con cái rất rõ và giản dị: đi bộ đội để bảo vệ Tổ quốc và học kỹ thuật để xây dựng đất nước theo phương châm khoa học-kỹ thuật là then chốt. Không ai nói đến chức tước, bổng lộc mà chỉ nói về chiến đấu, học hành. 


Chủ tịch nước Lê Đức Anh tiếp đồng chí Nguyễn Chí Vịnh tại trạm 66. Ảnh: Tác giả cung cấp

Thời kỳ chúng tôi phục vụ quân đội là lúc cuộc chiến ở Campuchia rất khốc liệt và tiếng súng vẫn nổ ở biên giới phía Bắc. Anh Vịnh xin các đồng chí lãnh đạo và xin trực tiếp Tư lệnh chiến trường Campuchia là Đại tướng Lê Đức Anh sang mặt trận nóng bỏng này.

Anh Vịnh rất thân Đại tá Nguyễn Bá Ngọc, bí thư của Đại tướng Lê Đức Anh (lúc đó thư ký của lãnh đạo bộ quốc phòng được gọi là bí thư). Đại tá Ngọc chính là người đội trưởng đội trinh sát luồn sâu bắt liên lạc với lực lượng vùng 20 của ông Chea Sim (sau này là Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Đảng nhân dân Campuchia) vào tháng 9/1978. 

Cuộc gặp với ông Sáu Nam 

Anh Vịnh kể trực tiếp với tôi và nhà báo Lương Thị Bích Ngọc vào năm 2018: 

Mình biết ông Sáu Nam từ năm 83, qua ông Sáu Ngọc, thư ký ông Sáu Nam. Năm 83 sau khi tốt nghiệp sĩ quan trong nước thì mình được chú Văn Tiến Dũng (lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng) bố trí cho đi Liên Xô. Sau một thời gian học để chuẩn bị đi, mình nhận ra rằng việc cho đi Liên xô là sự ưu đãi của Nhà nước chứ mình chưa đủ điều kiện (học sĩ quan ra thì chưa có trình độ đại học, ngoại ngữ không đủ). Mình nghĩ: “Xin thôi và xin ra mặt trận”. 

Lúc bây giờ, các cán bộ ra trường đều hướng về hai mặt trận: mặt trận Tây Nam và mặt trận phía Bắc. Sĩ quan đều muốn ra mặt trận, vô tư, đơn giản. Mình gặp chú Văn Tiến Dũng, xin đi đánh giặc. Ông Văn Tiến Dũng bảo: “Không được, về đi học đi”. Mình buồn lắm, trong lúc ngồi uống rượu, tâm sự với ông Sáu Ngọc: “Em buồn lắm, học thì không học được, làm gì cũng không đến nơi đến chốn mà xin đi mặt trận thì không được”.

Ông Ngọc bảo: Sang Campuchia, mày gặp ông Sáu Nam (Đại tướng Lê Đức Anh) đi. 

Ông ấy ở đây, ngay trạm 66. Từng thấy chưa từng gặp. Lúc ấy chỉ nghe ông ấy lừng danh từ hồi năm 1973, chiến trường miền Tây Nam bộ. Khi ông lên thẳng từ Đại tá lên Trung tướng. 

Nhưng gặp rất khó, một trung uý mới ra trường, ông ấy thì lừng danh như thế.

Mình từng có một quá khứ đánh nhau, ham chơi. Nhưng 3 năm ở trường thông tin thì mình rèn luyện kinh khủng lắm: tốt nghiệp thủ khoa, kết nạp Đảng, đội trưởng đội văn nghệ, đọc nhiều lắm…Nhiều năng lượng nhưng chưa được dùng, các bác, các chú vẫn cứ xếp mình vào cái loại “cần phải đi học tiếp”. Ông Ngọc bảo: “Phải liên lạc với ông Sáu”.

-       Nhưng ông ấy có tiếp em không?

-       Tao sẽ nói mày là con ông Thanh!

Ngay hôm sau, ông Ngọc hớt hải bảo: “Mày vào đi”.

Hôm đó, ông Sáu Nam ngồi ở phòng nho nhỏ ở trạm 66. Vừa nhìn thấy mình, ông ấy cười rất hiền. Rồi nói: “Vào quân đội là tốt đấy cháu ạ”.

Công việc thế nào? Mẹ cháu sao rồi?

Ấn tượng đầu tiên là ông vô cùng hiền hậu, vô cùng gần gũi, vô cùng tình cảm. Tôi vẫn cứ nghĩ là chưa chắc Mạnh Hà đã có những khoảnh khắc ông ấy dành tình cảm như vậy; vì tôi là con ông Thanh mà ông Thanh đã chết rồi.

-       Tôi nói với ông là mẹ cháu đã mất, nhà thì bọn cháu đã trả rồi. Ông gằn mặt một chút: “Sao lại trả?”

Tôi nói: Nhà rộng quá, bọn cháu không ở như nhà hoang, chẳng ở làm gì. Mẹ cháu dặn trả thì chúng cháu trả.

Lúc ấy trông nét mặt ông có vẻ không vui, ông nhíu mày.

Tôi kể năm 1976 đi bộ đội thế nào, đánh nhau thế nào…Ông cười rất khoái, không cáu. Như chuyện đánh nhau ở Thanh Hoá, đảo ngũ 2,3 lần. Không định kiến. Không như một số người, họ nghe đến tên thằng Vịnh là ghê hết cả người rồi, không để cho mình kể thoải mái.

Ông nói: Sao không đi Liên Xô mà đi chiến trường?

Cháu định xin chú cho cháu đi đánh nhau ở Campuchia. Cháu có nghe chú Phạm Văn Trà ở sư 330 (ông Ngọc xúi nói như thế) – Tây Bắc Campuchia …

Ông ấy nghĩ một lúc rồi nói: Việc cháu muốn đi chiến trường Campuchia để rèn luyện, tham gia công tác, chiến đấu thì chú ủng hộ. Nhưng có 2 vấn đề: một, xem làm ở đâu cho phù hợp năng lực. Hai, chú phải xin ý kiến chú Văn Tiến Dũng.

Khoảng một tuần sau thì chú Văn Tiến Dũng gọi tôi đến hỏi: “Cháu nghĩ kỹ chưa?”. “Cháu đi là cháu không quay lại, cháu không đảo ngũ đâu”. Ông ấy bảo: “Chú Lê Đức Anh nói là sẽ đào tạo cháu nên người và không để cháu hi sinh ở chiến trường. Cháu về bàn với chị Hà”.

Bẵng đi khoảng 2 tuần, không có liên lạc gì thì Cục cán bộ gọi đến bảo: hôm nay cháu sẽ gặp Cục trưởng Cục 2 (cục tình báo quân đội).

Ông Phan Bình, cục trưởng cục 2, buổi tối đạp xe đến nhà mình. Ông ấy nói với mình và chị Hà: “Chú Lê Đức Anh quyết định cháu về mặt trận 719. Chú đã chọn cho cháu một người chỉ huy trực tiếp mà chú Lê Đức Anh trực tiếp chỉ là ông Ba Quốc”.

Bước ngoặt của cuộc đời thanh niên nghịch ngợm, cứng đầu Nguyễn Chí Vịnh chính là quyết định này. 


Đồng chí Nguyễn Chí Vịnh báo cáo Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Tổng cục trưởng Vũ Chính và Thiếu tướng Ba Quốc. Ảnh: TGCC

Tình báo quân đội và đội quân nhà Phật

Chiến tranh biên giới Tây Nam rất khốc liệt và kéo dài. Từ 30/4/1977 đến cuối năm 1978 là giao tranh ở biên giới. Mười năm sau đó (1979-1989) là giúp bạn lật đổ chế độ diệt chủng và truy quét tàn quân Khmer đỏ. Sau năm 1989 vẫn còn các hoạt động hỗ trợ đảm bảo an ninh. Vai trò của tình báo quân đội trên chiến trường là vô cùng quan trọng. Đại tướng Lê Đức Anh có một bản đánh giá sâu sắc về tình báo quốc phòng nói chung và về ông Ba Quốc nói riêng từ thời đánh Mỹ đến thời đánh Pol Pot. Thông tin của tình báo chiến lược đã giúp lãnh đạo ra những quyết định chính xác, xoay chuyển cục diện chiến trường.

Quân tình nguyện Việt Nam có thể chấp nhận thương vong nhưng không đánh tiêu diệt mà chỉ phá rã lực lượng địch là chủ trương mang tính chiến lược và vô cùng nhân đạo được hình thành từ thực tế chiến trường và ý kiến thông tin, nhận định của tình báo quốc phòng. Trích đoạn ý kiến trong bản đánh giá về công tác tình báo của Đại tướng Lê Đức Anh:

“Khi có quyết định của Bộ Chính trị đưa quân sang Campuchia và sau ở lại giúp bạn. Tư lệnh chiến trường thực hiện nghiêm chỉ thị của Bộ Chính trị nhưng điều chỉnh cho sát với thực tiễn: quân tình nguyện Việt Nam không đánh tiêu diệt mà chỉ phá rã lực lượng  của Pôn Pốt. Việt Nam cũng không xây dựng chính quyền quân quản của ta mà hỗ trợ cho bạn, giúp bạn mạnh lên để tự quản lý đất nước.

Và từ chỗ đó, Việt Nam chấp nhận có thể thương vong nhưng không đánh tiêu diệt. Bắt tù binh, không được giết, cũng không cầm tù mà cho về quê. Dưới thời Pôn Pốt nhân dân sống như nô lệ, ăn đói, mặc rách, sống cơ cực, chỉ lao động và chờ chết. Quân đội nhân dân Việt Nam cứu họ, cứu đói, cứu lụt, giải thoát dân khỏi Pôn Pốt và từ những người này xây dựng lực lượng cách mạng Campuchia, giúp Campuchia hồi sinh dân tộc, khôi phục đất nước như trước ngày Pôn Pốt lên nắm quyền. Kêu gọi những người trong hàng ngũ Pôn Pốt về quê sum họp gia đình và những người này cùng những dân Campuchia đi gọi chồng con họ về quê sinh sống cùng gia đình.

Việc đó khó lắm. Ta có một thái độ khoan dung không ai tưởng tượng được. Vua sãi Campuchia từng nói: ‘Nhân dân Campuchia luôn nhớ mãi quân đội Việt Nam, một đội quân nhà Phật, từ đất Phật xa xôi về cứu lấy dân tộc Campuchia’.

Sở dĩ Quân đội ta làm được như vậy là vì có những  người cung cấp thông tin chính xác, trong sáng, không hận thù mà vì chân lý, vì dân tộc, vì nhân loại. Trong thành công này, ngành tình báo đóng góp to lớn lắm, trong đó có sự đóng góp nổi bật của Ba Quốc”.

Tình báo quân đội cũng góp phần không nhỏ giúp bạn loại trừ các nguy cơ khủng bố, ám sát. “Đội đặc nhiệm có 5 người ở Phnom Pênh đã giúp bạn bắt hết lực lượng định thủ tiêu các lãnh đạo Campuchia, đội đã cứu thoát ban lãnh đạo. Có 5 người thôi mà họ làm được như vậy đấy. Họ là học trò của Ba Quốc”, Đại tướng Lê Đức Anh viết.

Nguyễn Chí Vịnh đã nên người (theo cách nói của anh) khi chiến đấu trong một đội quân như vậy dưới sự dìu dắt trực tiếp của người thầy Ba Quốc và các người thầy khác như anh đã kể lại trong cuốn “Người Thầy”. Khi anh Vịnh viết cuốn sách “Người Thầy”, rất tiếc tôi đã không kịp phối hợp để đưa nội dung bản đánh giá về tình báo quốc phòng về ông Ba Quốc của Đại tướng Lê Đức Anh vào sách. 


Đồng chí Nguyễn Chí Vịnh tại lễ đón nhận danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang của Cục 12, Tổng cục 2. Ảnh: TGCC.

Ở nơi xa, các vị tướng đã gặp nhau 

Tôi không nói về thành tích, công trạng của tướng Nguyễn Chí Vịnh. Việc này có đồng đội, cấp trên của anh ghi nhận, đánh giá. Tôi không biết các chiến sĩ tình báo mà Đại tướng Lê Đức Anh ghi nhận chiến công của họ trong bản đánh giá trên là ai và có lẽ mãi mãi chúng ta không biết được. Lúc nhỏ, trẻ con đứa nào cũng say mê nghe chuyện tình báo. Vinh quang nhưng đắng cay. Trở về được là vinh quang. Nếu không trở về, có những việc chỉ một mình họ và cấp trên của họ biết và đôi khi phải “chết trong ô nhục” vì ta thì tưởng là địch mà địch thì xác định là ta.

Trong các cuộc trò chuyện, Nguyễn Chí Vịnh không ngần ngại nhắc đến quá khứ nghịch ngợm của mình. Tôi nghe không ít những lời ác ý nhắm vào anh về quá khứ và trong công việc, kể cả khi anh đã nằm xuống. Trong cuốn “Người Thầy”, Nguyễn Chí Vịnh cũng nhắc đến “sóng gió” của ngành tình báo và của cả cá nhân anh vào năm 2000. Anh nghĩ chỉ một vài tháng hoặc dài lắm 1-2 năm sóng gió sẽ qua nhưng phải mất 5-6 năm sau sóng gió mới thật sự lắng xuống.

Trong chiến tranh, ta chủ động đánh địch, gian khổ bao nhiêu cũng thanh thản lạc quan. Ngược lại, những cuộc tấn công ác ý, tấn công gây chia rẽ nội bộ, bôi nhọ và hạ nhục lại do “người mình” chủ động thực hiện mới thực sự gây hại.

Đúng là Nguyễn Chí Vịnh được nhiều lãnh đạo quan tâm, đào tạo nhưng nếu không dựa vào năng lực, phẩm chất cá nhân thì anh không thể “nên người”.

“Ông Sáu Nam chỉ tin khi nhìn vào công việc. Còn nói tin là vì con ông Thanh, còn lâu.  Công việc mà làm. Thái độ của mày trước vấn đề này, vấn đề kia chứ không phải mày làm cái gì?

Ông ấy nhạy cảm về con người. Nhạy cảm về những thứ giả dối. Đặc biệt là người cộng sản mà giả dối. Ông bảo: Cái thứ giả dối trên đời này là đáng ghét, nhưng cộng sản mà giả dối là đáng ghét, đáng sợ nhất, nguy hiểm nhất”, anh Vịnh kể như vậy về Đại tướng Lê Đức Anh.

Nguyễn Chí Vịnh đã từng bị ông Sáu Nam cho “ngồi chơi” và định đưa ra khỏi ngành tình báo vì có thông tin cho rằng ông Vịnh đã báo cáo sai. Chỉ sau khi được giải oan, ông Vịnh mới được tiếp tục làm việc.

Tôi với Nguyễn Chí Vịnh rất ít gặp nhau, không phải là bạn bè, chưa từng làm việc chung. Những lần gặp gỡ của chúng tôi, dù tình cờ hay có sắp đặt thì câu chuyện chỉ có một chủ đề là về Đại tướng Lê Đức Anh mà do anh Vịnh chủ động nói trước. Anh Vịnh vô cùng kính trọng Đại tướng Lê Đức Anh, từ lời nói đến trong sâu thẳm, trong những cơn say.

Anh viết nhiều bài báo về đại tướng Lê Đức Anh. Anh chủ động mời tôi và một số bạn bè, nhà báo đến nhà anh bàn về xuất bản một cuốn sách kỷ niệm 100 năm ngày sinh đại tướng Lê Đức Anh vào năm 2020.

Tất cả đều vui và nhiệt huyết với việc này. Các bạn trẻ rất tích cực sưu tầm tài liệu, hình ảnh. Đề cương cuốn sách cũng đã hoàn thành. Thế nhưng, tôi quyết định chưa viết và chưa xuất bản vào dịp đó. Anh Vịnh cũng thống nhất với tôi. Các bạn trẻ hơi cụt hứng và tiếc một cơ hội tham gia vào việc đầy ý nghĩa. Lý do của tôi đưa ra là cần chuẩn bị kỹ hơn, đầy đủ hơn, không nên vội. Nhưng trong thâm tâm, với bản tính cẩn thận và chắc chắn, tôi muốn phải có cuốn sách thật hay, thật hấp dẫn và phải rất chính xác, trung thực dựa trên các hồ sơ, tài liệu thật, các sự việc phải được kiểm chứng. Vì vậy, rất cần thời gian chuẩn bị và cơ hội chín muồi.

Anh Vịnh là người đầu tiên đến lúc Đại tướng Lê Đức Anh lâm chung. Tôi và anh đứng bên cửa sổ trước cửa căn phòng trong trạm 66, nơi anh đã gặp ông xin đi chiến đấu. Chúng tôi nói chuyện, nhìn xuống sân với những cây sấu, cây xà cừ anh đã băng qua để đến gặp Đại tướng 35 năm trước. Câu chuyện vẫn chỉ là về con người mà anh yêu mến và kính trọng. Mấy hôm sau anh điện cho tôi: “Anh Hun Sen sẽ sang dự lễ tang”.

  • Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: 1914-1967
  • Đại tướng Lê Đức Anh: 1920-2019
  • Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: 1959-2023

Bây giờ, ở nơi xa đó, các vị tướng đã gặp nhau và mãn nguyện về cống hiến của mình cho Tổ quốc, cho dân tộc, cho đấu tranh và cho hoà bình.

Tiến sĩ Lê Mạnh Hàcon trai Đại tướng Lê Đức Anh 

Nguồn: VietNamNet

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm