TIN TỨC

Nhà thơ Huy Cận: Người sắm cả ‘hai vai’

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-05-06 14:20:39
mail facebook google pos stwis
2635 lượt xem

(Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, 1957-2022)

Thực ra làm quan có thể cứu đời về mặt thân xác, còn làm hề lại có thể cứu đời về mặt linh hồn. Nói các nghệ sĩ đau đời mà không cứu được đời là cách nhìn của chủ nghĩa duy vật tầm thường và dung tục. Hạn chế này không phải của riêng nhà thơ Huy Cận, mà thuộc về thời đại và lịch sử…

Sinh thời, nhà biên kịch Tào Mạt (1) có một câu nói khá nổi tiếng, mà trong giới văn nghệ thời ấy ai cũng biết: “Đã làm Hề thì đừng làm Quan, đã làm Quan thì đừng làm Hề” (2), tức là làm chính trị thì đừng làm nghệ sĩ. Thế nhưng, trớ trêu là ở đời có không ít người có tài sắm cả “hai vai” và xem ra khá thuận nữa đằng khác. Nhà thơ Huy Cận, có thể coi là một trường hợp điển hình về mẫu con người ấy.


Nhà thơ Huy Cận (1919-2005).

Nhà thơ Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận, sinh ngày 31/5/1919, trong một gia đình nhà nho nghèo gốc nông dân dưới chân núi Mồng Gà, bên bờ sông Ngàn Sâu (thượng nguồn sông La, nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh). Ngày sinh trên giấy tờ công khai là do ông cậu của Huy Cận khai khi vào học ở Huế, còn ngày sinh chính xác là ngày 29 tháng Chạp năm Bính Thìn, tức ngày 22/01/1917.

Lúc nhỏ ông theo học ở quê, sau vào Huế học trung học, đậu tú tài Pháp; rồi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông. Trong thời gian học Cao đẳng, ông ở phố Hàng Than, quận Hoàn Kiếm cùng nhà thơ Xuân Diệu- bạn tâm giao của nhà thơ Huy Cận và cũng là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới. Từ năm 1942, ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước và Mặt trận Việt Minh. Huy Cận đã tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào (tháng 8/1945) và được bầu vào Ủy ban Giải phóng (tức Chính phủ Cách mạng lâm thời sau đó). Tháng 8/1945, Cù Huy Cận là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ Lâm thời, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, nhà sử học Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận, vào kinh đô Huế để tiếp nhận lễ thoái vị của Vua Bảo Đại.

Cách mạng tháng 8 thành công (8/1945), khi mới 28 tuổi, Cù Huy Cận đã là Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh đứng đầu. Trong những năm 1945-1946, ông là Ủy viên Ban thanh tra đặc biệt của Chính phủ.

Sau này ông làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, rồi Bộ trưởng đặc trách Văn hóa Thông tin trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ở cả hai thời kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phụ trách công tác văn hóa văn nghệ.

Từ 1984, ông là Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam. Ông cũng đã từng là Đại biểu Quốc hội các khóa I, II, và VII. Huy Cận mất ngày 19/2/2005.

Như vậy, đường quan lộ của Huy Cận dù chưa đạt tới đỉnh cao nhất, nhưng xem ra cũng không đến nỗi nào với hàm Bộ trưởng gần như suốt đời. Với hàm ấy, nhiều người đã có những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực mà mình phụ trách, còn đối với Huy Cận dường như chỉ làm cho hết trách nhiệm trên giao hoặc giả là làm cho vui để lấy cảm hứng cho sáng tác thơ. Bởi lẽ những lĩnh vực mà ông từng phụ trách, dấu ấn cá nhân của ông để lại khá mỡ nhạt, nếu như không muốn nói là chẳng có gì đáng kể.

Sự ngiệp sáng tác của nhà thơ Cù Huy Cận được chia làm hai giai đoạn khá rõ nét.

Giai đoạn trước tháng 8 năm 1945

So với nhiều người cùng thời, Huy Cận có thơ đăng báo từ lúc còn khá trẻ, 19 tuổi và sau đấy 4 năm (1940) ông đã cho in tập thơ đầu tay “Lửa thiêng”. Bắt đầu từ đây Huy Cận trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu của phong trào Thơ Mới (1932-1941) lúc bấy giờ. Có người cho rằng, bao trùm “Lửa thiêng” là một nỗi buồn mênh mang da diết. Thiên nhiên trong tập thơ thường bao la, hiu quạnh, đẹp nhưng thường buồn. Nỗi buồn đó dường như vô cớ, siêu hình, theo kiểu: “Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Chiều- Xuân Diệu). Dù có vẻ như buồn vô cớ, nhưng xét đến cùng, chủ yếu là buồn thương về cuộc đời, kiếp người, về quê hương đất nước. Hồn thơ ảo não, bơ vơ đó vẫn cố tìm được sự hài hòa và mạch sống âm thầm trong tạo vật và cuộc đời. Nếu không nói quá, chỉ cần một bài “Tràng giang” trong tập “Lửa thiêng” cũng đủ làm nên thơ hiệu Huy Cận rồi. “Tràng giang” mang không khí của Đường thi, vừa cổ kính trang trọng, lại vừa chất chứa một nỗi buồn miên thảo, đủ đầy, như thể không thể nào buồn hơn được nữa. Bài thơ viết theo thể thất ngôn, chỉ có 4 khổ, 16 câu mà như chất chứa hết thảy mọi nỗi buồn trong vũ trụ:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng

 

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

 

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

 

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa

Lòng quê rờn rợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

Còn trong “Kinh cầu tự” (1942, văn xuôi triết lí) và “Vũ trụ ca” (thơ đăng báo 1940-1942), Huy Cận đã cố gắng ca ngợi niềm vui, sự sống trong vũ trụ vô biên, song vẫn chưa thoát khỏi bế tắc và có phần nhạt hơn.

Tâm trạng bế tắc có khi đến tuyệt vọng ấy là xu hướng chung của lớp thanh niên trí thức Việt trước Cách mạng tháng Tám. Tuy nhiên đấy là xét về khía cạnh xã hội của người thơ ở giai đoạn này. Còn xét về sự phát triển nội tại của bản thân thi ca, thì cái buồn ấy, nhiều khi phát lộ ra những hình thức, cấu tứ mới lạ cho thơ. Chính vì lẽ ấy mà những người của phong trào Thơ Mới đã để lại dấu ấn khó phai trong diễn trình hiện đại hóa thơ Việt những năm đầu thế kỷ XX.

Giai đoạn sau tháng 8 năm 1945

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, nhiều nhà thơ của phong trào Thơ Mới đã hòa nhập một cách mau lẹ với số phận của đất nước và nhân dân, vui với niềm vui của công dân một đất nước mới giành được độc lập, người dân thực sự được làm chủ vận mệnh của mình.

Nhà thơ Huy Cận cũng không phải là tường hợp ngoại lệ. Nhưng cũng phải mất tới 13 năm sau (1945-1958), ông mới cho ra đời tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng”. Tiếp theo đấy, Huy Cận, cho “ra lò” một seri thơ như: “Đất nở hoa” (1960), “Bài thơ cuộc đời” (1963), “Hai bàn tay em” (thơ thiếu nhi, 1967), “Những năm sáu mươi” (1968), “Cô gái Mèo” (1972), “Chiến trường gần đến chiến trường xa” (1973), “Họp mặt thiếu niên anh hùng” (1973), “Những người mẹ, những người vợ” (1974), “Ngày hằng sống, ngày hằng thơ” (1975), “Ngôi nhà giữa nắng” (1978), “Hạt lại gieo” (1984), “Tuyển tập” (1986)…

Huy Cận đã được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt I, năm 1996). Tháng 6/2001, Cù Huy Cận được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế giới. Ngày 23/2/2005, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng, một phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước ta dành cho những đóng góp không mệt mỏi của ông.

Tuy nhiên, xét về số lượng, thì giai đoạn thứ hai, sau tháng 8/1945, Huy Cận là người “sản xuất thơ” khá hăng. Nhưng có một nghịch lý là những vần thơ ở giai đoạn này của ông vẫn chỉ dừng lại ở những điều mắt thấy tai nghe, theo kiểu phản ánh cái hiện thực “cần có” hơn là cái hiện thực “đang có”. Cứ như thể, đất nước giành được độc lập là ngay lập tức nỗi buồn biến mất hút, chỉ có niềm vui là tồn tại và là tất cả. Không chỉ riêng Huy Cận, mà hầu hết các nhà Thơ Mới, do hoàn cảnh khách quan của không khí chính trị, xã hội của đất nước lúc bấy giờ mà họ tự viết bản “kiểm điểm” bằng thơ như là sự sám hối với quá khứ của mình đã trót “buồn” và đi theo phong trào Thơ Mới. Cho nên thơ Huy Cận giai đoạn này chủ yếu là hô hào, ngợi ca cuộc sống mới, con người mới, nên giá trị nghệ thuật không cao. Thậm chí nhiều bài, nhiều câu khá dễ dãi theo kiểu “nói lấy được”, rất ít bài hay.

Ở giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám, biển là chủ đề nổi trội trong thơ Huy Cận, bởi vì, có lẽ tác giả của “Tràng giang” thuở nào có tạng hợp với biển cả, đại dương, vũ trụ hơn chăng? Tuy nhiên cái vui reo của biển cả sau này âu cũng chỉ là “vui gượng kẻo mà”, chứ thực ra vẫn thiếu chất mông lung, sầu não đến đắm đuối của người thơ, một tâm trạng, tình cảm có thực của mỗi người, mà không dễ một sớm, một chiều người ta có thể nguôi ngoai được ngay. Thậm chí ở giai đoạn này, người ta thấy Huy Cận vui nhiều quá, cười nhiều quá, lấn át tất cả phần buồn và khóc than. Nếu theo như các cụ ta nói: Người ta có thể khóc ba năm, nhưng lại không thể cười ba ngày, thì Huy Cận đã từng khóc hơn ba năm cho nỗi buồn nhân thế, nhưng ông lại cũng đã từng cười hơn ba mươi năm cho niềm vui cuộc đời.

Theo tôi, bài thơ khá nhất của Huy Cận ở giai đoạn này, không phải là những bài viết về biển, mà là bài viết chùa, một mảnh đất có vẻ xa ngái với cảm thức thơ của ông giai đoạn này. Đấy là bài “Các vị La Hán chùa Tây Phương” viết ngày 27/12/1960 in trong tập “Bài thơ cuộc đời”, Nxb Văn học, Hà Nội, 1963, một bài thơ dài viết theo thể thất ngôn, với 15 khổ, 60 câu. Vì làm theo thể Đường luật, nên yêu cầu về cấu tứ, số chữ mỗi câu, vần luật cũng nghiêm ngặt hơn, nên bài thơ được coi là “sạch” về khía cạnh văn bản. Thế nhưng, vì tư tưởng nghệ thuật đã được định dạng sẵn (default), nên phần nói về “thời nay”, nhiều câu thơ ở ba khổ cuối gượng ép, mòn sáo và thiếu hồn, không gây được xúc cảm cho người đọc. Còn lại 12 khổ trên khá đằm và thấm, bộc lộ được cảm xúc của người thơ trước thân phận con người. Vì tượng Phật cũng xuất phát từ đời sống của con người, của biết bao thế hệ cha ông chúng ta được thăng hoa theo triết lý đạo Phật, mà các nghệ nhân dân gian đã tạc vào từng thớ gỗ, nên chúng cũng mang nỗi buồn nhân thế của bao kiếp người:

“… Cha ông năm tháng đè lưng nặng

Những bạn đương thời của Nguyễn Du

Nung nấu tâm can, vò võ trán

Đau đời có cứu được đời đâu”.

Thực ra làm quan có thể cứu đời về mặt thân xác, còn làm hề lại có thể cứu đời về mặt linh hồn. Nói các nghệ sĩ đau đời mà không cứu được đời là cách nhìn của chủ nghĩa duy vật tầm thường và dung tục. Hạn chế này không phải của riêng nhà thơ Huy Cận, mà thuộc về thời đại và lịch sử. Huy Cận cũng không phải là người có tài đến mức có thể tự túm tóc nâng mình lên khỏi mặt đất được, nên nghĩ và viết được như vậy cũng đáng trân trọng lắm ru.

Theo Trung Tiến/Vanvn

________________

(1) Tào Mạt tên thật là Nguyễn Duy Thục, có lúc viết là Nguyễn Đăng Thục, sinh ngày 23/11/1930, tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Ông tham gia các hoạt động cách mạng do Việt Minh tổ chức từ 1942, khi còn rất ít tuổi, tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở Hà Tây (cũ) và là đảng viên Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1946, khi mới 16 tuổi. Tào Mạt đặc biệt yêu thích văn học Hán- Nôm và chủ yếu tự học để nghiên cứu. Ông là sỹ quân Quân đội Nhân dân, mang quân hàm Đại tá. Tào Mạt qua đời ngày 13 /4/1993 tại Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, Hà Nội do bệnh ung thư.

Ông để lại khoảng 20 kịch bản sân khấu chủ yếu là chèo, ngoài ra còn sáng tác thơ chữ Hán. Tào Mạt được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt 1, năm 1996.

(2) Xem: Đình Quang- Tạp văn. Nxb Sân khấu, H, 2012, tr 327

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm