TIN TỨC

Nhà thơ Nguyễn Hữu Qúy – Trường Sơn xanh sáng mãi Trường Sa xanh

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
862 lượt xem

 Phùng Văn Khai

Được gặp anh trong trại viết Văn nghệ quân đội tại Đồ Sơn – Hải Phòng năm 1995. Trước đó, Nguyễn Hữu Quý đã khá chững chạc với các thi phẩm viết về bộ đội, nhưng phải đến Khát vọng Trường Sơn viết tại trại sau đó đoạt giải Nhất cuộc thi thơ ngày đó, tên tuổi anh càng định vị chắc chắn trong lòng bạn đọc, trong làng thơ Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Qúy bên Mẹ VN Anh Hùng

Tôi có vô vàn kỷ niệm với nhà thơ Nguyễn Hữu Quý.

Được gặp anh trong trại viết Văn nghệ quân đội tại Đồ Sơn – Hải Phòng năm 1995. Trước đó, Nguyễn Hữu Quý đã khá chững chạc với các thi phẩm viết về bộ đội, nhưng phải đến Khát vọng Trường Sơn viết tại trại sau đó đoạt giải Nhất cuộc thi thơ ngày đó, tên tuổi anh càng định vị chắc chắn trong lòng bạn đọc, trong làng thơ Việt Nam. Cho tới tận hôm nay, tôi vẫn luôn cho rằng, sau lứa nhà thơ chống Mỹ như Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo, Vương Trọng, Đỗ Trung Lai… thì chính Nguyễn Hữu Quý chứ không phải ai khác là một tên tuổi xứng đáng và đã đảm đương rất tốt vị trí tốp đầu các nhà thơ đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Trong trại viết đó, tôi khi ấy còn là binh nhất rụt rè sợ sệt trước các chị xinh đẹp Như Bình, Trần Thanh Hà thì tất nhiên Nguyễn Hữu Quý nổi bật về cả sáng tác và tài đọc thơ, dẫn chương trình vô cùng duyên dáng với giọng âm Quảng Bình nồng nàn da diết không lẫn được vào đâu. Cũng may cho anh, ngày đó nhà văn Sương Nguyệt Minh luôn có vợ áp sát chứ không ngôi quán quân để xiêu lòng các mỹ nhân văn chương chưa biết sẽ thuộc tay ai.

Nói vậy thôi, Nguyễn Hữu Quý có đa tình đến mấy cũng chỉ ngầm giấu trong tim hoặc tự đạt thượng thừa che chắn con mắt thế gian. Anh có vẻ ngoài và dường như cả bên trong nữa rất nghiêm túc, rất chín chắn, rất gương mẫu, có thể gọi là đảng viên 4 tốt một cách thuần chủng. Sau này, đã có lúc, đã có người hô hoán lên “Nguyễn Hữu Quý đang có biểu hiện tự diễn biến” thì cứ mặc họ tai liền miệng đấy tự nghe chứ riêng tôi có đem đầu ra chặt cũng luôn tin anh một lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng và với Đảng lắm. Nếu Tổ quốc và Đảng có giao anh nhiệm vụ ôm bộc phá tử thủ vào lô cốt, Nguyễn Hữu Quý cũng sẵn sàng. Nếu Hữu Thỉnh giao Nguyễn Hữu Quý đọc thơ cách mạng tại Văn Miếu từ sáng đến chiều ngợi ca cờ đỏ sao vàng, máu xương liệt sĩ, Nguyễn Hữu Quý sẽ rưng rưng xúc động mà đọc một mạch bất chấp giông tố bão lốc, kể cả là bão thị phi lườm nguýt anh cũng cam tâm. Nguyễn Hữu Quý luôn biết ơn và có cách thức tỏ lòng biết ơn với quê hương, nhân dân và Tổ quốc, nhất là những người liệt sĩ đã hy sinh.

Trong một cuộc đi với anh về nghĩa trang liệt sĩ, trong hành trình có tổ chức viếng khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi đã thấy Nguyễn Hữu Quý đứng nghiêm như người lính cảm tử tuyên thệ trước khi xung trận. Anh đứng lặng phắc tới khác thường. Hai hàng nước mắt đã rịn ra từ lúc nào trong cái nắng chói chang tháng bảy. Anh khóc không thành tiếng trước mộ vị Đại tướng đã trở thành một phần lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam, của đất nước Việt Nam. Tôi bỗng có cảm giác Nguyễn Hữu Quý đang đọc lời thề của quân nhân trước lá cờ thắm máu đào liệt sĩ. Anh như một tấm gương để chúng tôi noi theo trong suốt hành trình.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý vô cùng tận tụy với công việc. Làm việc với anh không chỉ dễ chịu mà còn học hỏi được nhiều điều. Anh viết bút ký rất hay với nhiều chi tiết thực đến ngỡ ngàng. Cũng là chi tiết đó, một người mẹ liệt sĩ, một người thương binh nặng, có khi chỉ là những binh nhì tuổi mười tám măng tơ chỉ biết cười mà qua trang viết của anh nó cứ nhói lên ám ảnh và cảm động. Chúng tôi đã lặng lẽ học tập anh, từ cách thức chọn vấn đề, nhân vật, phong cách biểu đạt và bỗng nhận ra rằng mình còn lâu lắm mới bằng được anh, nhất là thơ ca, nhất là viết về các chiến sĩ Trường Sơn và sau này là Trường Sa như Nguyễn Hữu Quý.

Duyên phận thế nào tôi lại được làm lính của anh. Khi tôi được điều động từ Truyền hình Quân đội sang Văn nghệ quân đội, anh đã nhận về Ban thơ trong khi tôi văn xuôi mới là chủ lực. Rồi cũng kỳ lạ làm sao anh tiên đoán sau này tôi sẽ làm trưởng Ban thơ khiến không ít người bán tín bán nghi. Sau tôi làm trưởng Ban thơ thật, tổ chức hai cuộc thi thơ không chỉ là chuyện đất lành chim đậu mà còn có sự dìu dắt của hai vị trưởng ban tiền nhiệm Nguyễn Hữu Quý và Nguyễn Bình Phương. Cũng bởi do anh mà tôi có được hai tập thơ Lửa và hoa; Khúc rong chơi từng được Vi Thùy Linh nhất mực khen hay, còn bản thân Nguyễn Hữu Quý vốn mặn duyên với liệt sĩ đã viết hẳn một bài bình bài thơ Nhắn tìm đồng đội của tôi vô cùng cảm động.

Xin được trích hai khổ thơ:

Bà kể ngày xưa hai chú

toàn những bị người ta trêu

chắc gì đến khi nằm xuống

môi hồng được một lần yêu.

 

Bà kể ngày xưa hai chú

lũ cồn bơi vượt sông Lăng

đêm đêm sân đình đập lúa

thì thùm tan cả vầng trăng.

Và lời bình của Nguyễn Hữu Quý:

“Đấy là mẹ của các liệt sĩ. Bài thơ thực sự xúc động khi những hồi ức về các con đã sống dậy trong câu chuyện của người mẹ giờ đây đã lưng còng mờ mắt: Bà kể ngày xưa hai chú/ toàn những bị người ta trêu/ chắc gì đến khi nằm xuống/ môi hồng được một lần yêu./ Bà kể ngày xưa hai chú/ lũ cồn bơi vượt sông Lăng/ đêm đêm sân đình đập lúa/ thì thùm tan cả vầng trăng. Đó là những trai tráng khỏe khoắn, hiền lành và cũng rất trong trắng tinh khôi. Những thanh niên sức vóc đã từng bơi vượt lũ sông Lăng, đập lúa sân đình thâu đêm tận sáng ấy, khi vào lính, khi ngã vào đất chưa được một lần yêu. Ở đây, Phùng Văn Khai đã tỏ ra chắc tay khi chọn lựa chi tiết, hình ảnh cho thơ. Không cần nhiều, chỉ cần hai khổ thơ mà đã diễn đạt được sức vóc, tính khí hai người chú thân yêu của mình cực kỳ ‘nét’ và rất sinh động”.

Tôi vô cùng trân trọng những dòng viết giản dị và xúc động của anh về bài thơ.

Nguyễn Hữu Quý vừa gắn chặt với Trường Sơn vừa luôn đau đáu với Trường Sa. Từ nắm đất đem từ đất liền ra ươm mầm rau xanh nơi trùng trùng sóng trắng. Từ những hạt cát không chỉ mặn chát nước biển xanh còn thăm thẳm sắc máu đào của tổ tiên xa xưa và những liệt sĩ ngã xuống hôm nay. Từ những vạt tóc tướp tơ cháy khét đỏ quạch như tôm luộc của người chiến sĩ đêm ngày canh đảo đến câu hát dặm hát xoan đem từ đất mẹ níu ná bàng vuông, lá phong ba tỏa sáng tình người. Những bài viết, nhất là thơ của Nguyễn Hữu Quý về biển đảo như được chảy ra từ tim óc, tươi ròng, hiên ngang như những cọc Bạch Đằng nghìn năm đọ cùng sóng gió. Ở Trường Sa, đã nhiều lần Nguyễn Hữu Quý khóc khi đọc thơ và hỏi han chiến sĩ, nhưng khuôn mặt, nhất là ánh mắt của anh luôn lấp lánh cười. Một nụ cười hằng tin vào điều mình tin từ những ngày trở thành chiến sĩ Binh đoàn Trường Sơn năm 1974.

Nếu nói nhà thơ Nguyễn Hữu Quý – Trường Sơn xanh sáng mãi Trường Sa xanh thực ra chưa nói hết được về anh bởi anh còn vô cùng đam mê và nặng nợ với biên cương, với bộ đội biên phòng. Tôi từng có nhiều chuyến đi biên giới Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ với anh. Cuộc nào cũng đằm đẵm kỷ niệm chất chứa trong lòng. Mỗi khi có tin người chiến sĩ biên phòng đánh án ma túy hoặc cứu dân trong bão lũ hy sinh, Nguyễn Hữu Quý lại lập tức lên đường tới những nơi xa xôi heo hút nhất để viết về liệt sĩ thời bình. Dường như anh không chịu được sự hy sinh trong thời bình nên luôn muốn tìm mọi cách để giảm thiểu điều vô lý đó. Có những cuộc trò chuyện với các đồn trưởng, chỉ huy trưởng trong đó có cả các Tư lệnh bộ đội biên phòng, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý thường hỏi rất sâu, rất cặn kẽ về những khó khăn của lính biên phòng. Anh còn nhiều lần đề ra kế sách để giảm thiểu khó khăn cho người lính nơi mịt mùng biên giới. Tôi luôn có cảm giác, chỉ khi ở đại ngàn Trường Sơn giữa trùng trùng mộ trắng, hoặc nơi đảo chìm xa tít tắp chân mây, hay những lúc tận cùng biên giới còn rải rác vết phân voi, Nguyễn Hữu Quý mới thực sự cháy hết mình. Không phải lối bùng nổ hô phong hoán vũ hớp hồn người mà chính là sự lặng thầm da diết cháy, và nhất là cháy sáng trong tác phẩm sau mỗi chuyến đi.

Nguyễn Hữu Quý còn luôn giúp đỡ chúng tôi trong suốt hành trình tít tắp xuyên Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Anh vừa mặn mòi chuyện văn chuyện đời vừa hài hước đường ăn nết ở. Không có anh, cuộc đi thường nhạt hẳn. Ai sẽ làm bia để chúng tôi châm chọc, trêu tròng? Ai sẽ là người sẵn sàng “có ý kiến thẳng” với thủ trưởng trong yêu cầu quyền lợi trước mắt và lâu dài cho anh em? Chỉ có thể là Nguyễn Hữu Quý! Thực ra là anh giơ đầu chịu báng, giơ lưng chịu trận, bôi mỡ cho kiến đốt, chứ riêng anh chơi bời ăn uống được bao nhiêu. Chung cuộc chỉ bổ béo mấy ông em thuồng luồng rắn ráo mà cầm đầu bọn lếu láo ấy chính là Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Thế Hùng và Phùng Văn Khai, rồi sau này người đời toàn đổ oan khuất cho anh.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nghỉ hưu thấm thoắt đã mấy năm. Chúng tôi như trống vắng một cái gì gần gũi khó nói thành lời. Anh lại trở về với vùng đất Quảng Bình cát trắng để chưng cất gió cát mặn mòi nơi quê biển thành thơ. Vẫn là những vần thơ về biên giới xanh, Trường Sơn xanh và thật nhiều vần thơ về Trường Sa trùng trùng sóng trắng.

P.V.K

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm