TIN TỨC

Thạch Lam: Bóng hoàng lan xao động

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-03-25 09:47:34
mail facebook google pos stwis
1434 lượt xem

“Nga đến, trên con đường lát gạch Bát Tràng rêu phủ dưới vòm sáng vắt ngang mái tóc. Thanh từ trên tràng kỷ lẳng lặng ngồi dậy, cố giấu đi phút xáo động của niềm hân hoan. Là nàng, người con gái vẫn nhặt hoa hoàng lan với chàng thuở nhỏ….”. Những dòng văn nhẹ như áng thơ ấy dẫn Thanh bước vào tình yêu tuổi trẻ, dẫn ta bước vào thế giới trong như một mảnh trời xanh của Thạch Lam.

Chất thơ trong từng trang viết

Tấu khúc của văn chương là một bản cello với những giai âm đa tầng. Chúng rung lên như một chiếc lá giữa những đợt chuyển mình của gió, dìu dặt đón lấy hơi thở của đất trời rồi thả mình chao liệng giữa thinh không. Trong đó, tôi nghĩ những nốt trầm nhẹ bẫng dành riêng cho Thạch Lam, ông gảy nên nốt Đô rồi thả tay đến âm Rê, sẽ sàng chuyển sang Mi, còn Sol sẽ là bậc âm cao nhất, cũng là bậc âm cuối cùng. Có người bảo thứ văn ấy nhẹ như những cánh bướm non khẽ đậu trên trang giấy, chúng đậu vào lòng người bằng thế giới nghệ thuật được khúc xạ qua lăng kính của ông.


Nhà văn Thạch Lam.

Khác với những cây bút của “Tự lực văn đoàn”, đề tài quen thuộc của Thạch Lam không phải những cảnh sống được thi vị hóa, những mơ ước thoát ly, những phản kháng yếu ớt trước sự trói buộc của lề thói đạo đức phong kiến như “Đoạn tuyệt”, “Hồn bướm mơ tiên”… Thạch Lam, trái lại, đã hướng ngòi bút về những phận đời bé mọn trong xã hội. Họ là người trí thức, người nông dân, người lao động phải vật lộn giữa hiện thực và ước mơ. Đó là hai đứa trẻ thức đợi đoàn tàu trên một phố huyện nghèo (Hai đứa trẻ), là tình yêu chớm nở giữa Thanh và Nga (Dưới bóng hoàng lan), là cô Tâm hàng xén, đôi hàng gánh cong xuống và rên rỉ (Cô hàng xén), là mùa đông xứ Bắc, hai chị em Sơn lén mẹ lấy áo bông cũ tặng cái Hiên đang tím tái vì gió lạnh (Gió lạnh đầu mùa),…

Thật ra, mỗi nhà văn đều có những không gian nghệ thuật của riêng mình. Mạc Ngôn có vùng quê Cao Mật tiêu điều, rách nát, ám ảnh trong những niềm “hoan lạc”, Nguyễn Tuân có không gian ký vãng được dựng nên từ hồi ức và cái đẹp cổ kính, với Thạch Lam nơi ông thả những suy nghĩ xuống trang giấy là phố huyện Cẩm Giàng. Dưới ánh trăng lợt lạt màu xám bạc như gương mặt của thị xã, ông lắng nghe cuộc đời.

Màu xanh trong văn Thạch Lam tĩnh lặng, như thứ mực xanh lắng lại dưới đáy của một ly nước mát. Từ đó, những miền đời cô tịch dần hiện lên trên bức phông nền không gian, thời gian. Khung cảnh thường thấy là những làng quê xứ Bắc, những khu chợ tồi tàn với bầu trời ảm đạm của tiết đông mưa phùn, những phố huyện nghèo khổ, thê lương. Trữ tình, ấm áp và nhẹ nhàng, thế giới ấy bất chấp những khái niệm về cốt truyện thông thường, đã kể những chuyện tình ngọt ngào nhất thế gian mà cũng buồn bã nhất thế gian.

Một thứ văn chương với những vực xoáy, những run rẩy, những cuồng nhiệt, những rụt rè, những tàn phai. Lam không bắt ta bước vào một mê cung ngột ngạt, một cuộc rượt đuổi điên cuồng nhưng những tình tiết dù nhỏ nhặt vẫn làm người đọc phải bồi hồi, suy ngẫm. Đan xen vào những ký ức buồn vui của tuổi mới lớn, trong sáng và mong manh như những hạt sương là ký ức tuổi thơ, tình yêu thời son trẻ, tình cảm gia đình và cả những rung động ngây ngô những năm thiếu thời. Phải thôi, vì từ niên thiếu, Thạch Lam đã gắn đời mình vào đời của những người nghèo sớm bị đẩy vào miền lãng quên của thời cuộc.


“Gió lạnh đầu mùa” là tập truyện ngắn đầu tiên của Thạch Lam, xuất bản năm 1937.

Ở không gian nghệ thuật ấy luôn có sự xuất hiện giữa ánh sáng và bóng tối. Trong Hai đứa trẻ, những đốm vàng le lói mà Thạch Lam vẽ là sự tàn lụi chăng? Không, chúng là những vì sao. Lam đi bắt sao. Ông không vẽ về lãng quên vì cuộc đời đã quá nhiều những bi ai, đoạn tuyệt, con người thì chẳng nên để cuộc đời nhuốm màu xám tro. Nên Lam không than khóc, ông cho chúng ta chút ánh sáng le lói về đời. Thạch Lam là vậy, một mình một kiểu theo lối rẽ riêng.

Giữa nhịp đời đen tối, nhàn nhạt, chỉ có bóng đêm, Thạch Lam vẫn vẽ ánh sáng, rồi vẽ những vệt sáng qua khung cửa sổ, vẽ cỏ cây, vẽ những con người khốn khổ háo hức đợi đoàn tàu, sự sống tràn vào trang viết của Thạch Lam, phố huyện bừng sáng, cuộc đời căng mọng, ước mơ lại đâm chồi. Ông vẽ những căn nhà với những bóng hoàng lan, những tấm rèm phơ phất, những cuộc tình tươi đẹp, người chủ của những căn nhà ấy hẳn là rất yêu đời, chỉ khi yêu đời người ta mới trang hoàng nhà cửa. Chán đời người ta chẳng thiết tha.

Văn chương khiến “người gần người” hơn

Trong những tác phẩm của mình, Thạch Lam khiến tôi nhớ đến Fyodor Dostoevsky như một người thầy với triết lý nổi tiếng “Cái đẹp cứu rỗi thế giới!”. Dostoevsky viết trang nhật ký của kẻ mộng mơ, ông từng sa vào nỗi cô đơn, vào bệnh tật, vào những cơn thiếu ngủ, vào những tranh đấu bên trong bản ngã của con người. Và một trong hai văn hào vĩ đại nhất nước Nga đã viết thế này: “Con người thỉnh thoảng, bằng một tình cảm phi thường và nồng nhiệt, họ yêu sự đau khổ: đó chính là sự thật.” Theo Dostoevsky, sự đau khổ luôn đeo đuổi chúng ta, cuộc đời chỉ là một tiến trình thay đổi trọng tâm của nỗi đau chứ không thể nào di dời nỗi đau, sẽ luôn có thứ gì đó làm chúng ta đau đớn.

Còn với Nguyễn Tường Vinh “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật bình thường. Công việc của nhà văn là phải hiểu cái đẹp ở chính chỗ mà người ta không ngờ tới”, song chính bản thân Thạch Lam cũng từng tâm sự rằng: “Xét cho cùng, ở đời ai cũng khổ. Người khổ cách này, người cách khác. Bí quyết là biết tìm cái vui trong cái khổ. Vì chỉ sống thôi cũng đã quý lắm rồi. Người ta không bao giờ nên phí phạm cái sống, coi thường cái sống”.

Thạch Lam là một thi sĩ, ngay cả khi viết truyện ngắn ông cũng là một thi sĩ hơn là một văn gia, và ông đã làm đúng như những gì Dostoevsky đặt ra. Mỗi truyện ngắn của ông như một bài thơ về những thân phận nhỏ bé, côi cút và bất hạnh, gợi sự thương cảm, xót xa sâu sắc của tình người. Ông nuốt hết mọi chất độc, ông căng hồn mình như một cánh diều no gió rồi lắng nghe cuộc đời thổi vào đó những hợp âm.

Nhưng nếu không như thế, Lam sẽ không thể viết ra những câu văn đầy chất thơ, rằng “bóng tối dịu và man mát loáng qua những màu sắc rực rỡ”, “sương mù xuống phủ cả cánh đồng, và gió lạnh nổi lên: Tâm thu vạt áo lại cho đỡ rét, lần theo bờ cỏ đi”, rằng “con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu”.

Xúc cảm ấy chỉ có thể bắt nguồn và nảy nở lên từ những chân cảm đối với tầng lớp dân nghèo thành thị và thôn quê. Thạch Lam biến đổi những chất liệu thô từ hiện thực thành hình tượng, những chất liệu thị giác thành chất liệu xúc giác, ông đi từ thế giới này sang thế giới kia như đã biết lối tắt dẫn hiện thực vào giấc mơ, ông là một nhà văn lãng mạn đích thực.

Phạm Quỳnh, chủ báo Nam Phong từng viết: “Người ta nói tiếng thơ là tiếng kêu của con tim. Người Tàu định luật nghiêm cho người làm thơ thực là muốn chữa lại, sửa lại tiếng kêu ấy cho nó hay hơn nhưng cũng nhân đó mà làm mất đi cái giọng tự nhiên vậy”.

Trong những năm 1930, cái nghịch lý hiển nhiên, sự đối thoại trực diện của chủ nghĩa lãng mạn với một nề nếp thơ ca chở đạo đã tạo ra một cơn địa chấn, khai nguyên một ngôn ngữ mới. Trên quãng đôi mươi, Thạch Lam bước vào văn đàn với tất cả mộng ước và nhạy cảm của một tâm hồn yêu sự sống. Tương tự tư tưởng của các cây bút cùng thời, ông vắt ra từ thế giới nội tâm của con người những đớn đau, quằn quại.

Ông coi văn chương là cái đẹp man mác len lỏi khắp thế gian. Nhưng hơn tất cả chúng phải là một thứ khí giới “thanh cao và đắc lực”, vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm “trong sạch và phong phú hơn”. Ta đọc văn ông như nghe một chiếc đĩa than trên máy hát, chạy hết lớp giai điệu này đến lớp giai điệu khác, miên man, trầm bổng nhưng vẫn đủ khiến ta tỉnh táo để trăn trở và suy tư.

Đã mấy chục năm trôi qua, trong dòng chảy văn chương cuộn xoáy, đôi người đã đến, đôi người rời đi. Nhưng Thạch Lam vẫn là một dấu ấn đặc biệt, nhẹ nhàng như bóng hoàng lan nhưng vẫn khiến tôi xáo động cõi lòng.

Tôi ước sao có thể ôm lấy cuộc sống một cách thắm thiết như anh, Thạch Lam ạ. Thật may, anh bảo luôn có hoàng lan cho những kẻ muốn nhìn chúng.

 Phan Thiên Di/VNCA

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng tìm chi tiết nhỏ cho cuộc đời lớn
Tham luận viết cho Hội thảo Nguyễn Quang Sáng - cuộc đời và sự nghiệp
Xem thêm
“Dòng sông thơ ấu” như là dòng chảy cuộc đời của nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Tham luận đọc tại Hội thảo “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng – Cuộc đời và sự nghiệp”
Xem thêm
Nhà thơ Thanh Hoàng lặng lẽ chiết gieo thơ vào đất mẹ
Bài viết của nhà văn Kao Sơn về tập thơ Vẽ nhớ của Thanh Hoàng
Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm