TIN TỨC
  • Chân dung & Phỏng vấn
  • Nhà văn Trầm Hương: Tôi học cách sống an nhiên của cỏ, thanh lọc của nước từ nhà thơ Hoài Vũ

Nhà văn Trầm Hương: Tôi học cách sống an nhiên của cỏ, thanh lọc của nước từ nhà thơ Hoài Vũ

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-07-14 11:54:57
mail facebook google pos stwis
964 lượt xem

Nhà văn Trầm Hương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM đã có những chia sẻ với Dân Việt về nhà thơ Hoài Vũ - tác giả của những bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc như "Vàm cỏ Đông", "Đi trong hương tràm", nhân dịp tuyển tập thơ "Thì thầm với dòng sông" của thi sĩ tài năng này vừa ra mắt.


Nhà thơ Hoài Vũ nhận hoa chúc mừng từ Hội Nhà văn Việt Nam do nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội tặng trong buổi lễ tri ân và ra mắt tuyển tập thơ "Thì thầm với dòng sông" tại TP HCM.

Nhà thơ Hoài Vũ sinh ra và lớn lên ở vùng đất Quảng Ngãi nhưng sự nghiệp văn chương của ông lại mang nhiều dấu ấn và gắn với mảnh đất phương Nam. Theo chị, đây có phải là một điều đặc biệt hay không?

- Thật ra, không quá đặc biệt. Vì trong kháng chiến chống Mỹ, cũng giống như nhà thơ Hoài Vũ, nhiều người con miền Nam tập kết ra Bắc, học tập, làm việc trên đất Bắc vẫn tha thiết được về chiến trường miền Nam chiến đấu. Nhiều người con miền Bắc, trong đó có học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, vừa tốt nghiệp, được đưa ra nước ngoài du học vẫn tha thiết vào Nam phục vụ kháng chiến. Bác sĩ Đặng Thùy Trâm là một câu chuyện cảm động, khi chị vừa tốt nghiệp bác sĩ khoa mắt đã xung phong vào Nam. Thời ấy, tôi được nghe các cô chú kể tâm thế thời đại mình đang sống trên đất Bắc: "Đời đẹp nhất là đời đi chiến đấu"…

Nhiều người đánh giá nhà thơ Hoài Vũ không phải là một tác giả có gia tài sáng tác đồ sộ. Nhưng các tác phẩm của ông lại vô cùng đặc sắc và phong phú, nhà văn Trầm Hương nói gì về nhận định này?

- Tôi nghĩ sự nghiệp sáng tác của Nhà thơ Hoài Vũ khá đồ sộ. Ông viết cả thơ và văn xuôi, lẫn dịch thuật, với các tác phẩm: Vàm Cỏ Ðông; Anh ở đầu sông em cuối sông (1989); Ði trong hương tràm; Hoàng hôn lặng lẽ; Lời thì thầm của dòng sông... Một số bài thơ của ông đã được phổ nhạc như bài hát: Vàm Cỏ Đông; Chia tay hoàng hôn; Đi trong hương tràm... được nhiều người biết, thấm sâu, lan tỏa nhiều thế hệ.

Ông còn là tác giả các tập truyện: Tiếng sáo trúc; Rừng dừa xào xạc (1977); Quê chồng (1978); Bông sứ trắng (1980); Bên sông Vàm Cỏ (1980); Vườn ổi (1982); Gái thời chiến (2020)... Và một số tác phẩm dịch thuật như: Loạn luân; Người đàn bà bất hạnh; Nữ điền chủ cuối cùng; Hồn ma; A-sư-ma bé bỏng; Đèn lồng đỏ treo cao; Hoa trong tuyết... Và ít người biết thi phẩm Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân bắt đầu từ bài ký Tân Sơn Nhất của ông đăng trên báo Văn nghệ Giải phóng năm 1968…


Nhà thơ Hoài Vũ (ở giữa) ký tặng bạn bè và độc giả trong buổi lễ tri ân và ra mắt tuyển tập thơ "Thì thầm với dòng sông".

Thơ của những thi sĩ đi qua thời chiến như Hoài Vũ thường giàu trải nghiệm, đậm tính cảm xúc. Cho nên, qua tác phẩm người ta còn thấy một thời đã xa dù oanh liệt, bi thương nhưng vẫn có những phút giây dạt dào lãng mạn. Với những bài thơ như vậy ngoài giá trị nghệ thuật thì có thể được coi là di sản văn chương không, thưa nhà văn?

- Sao không là di sản khi mà sự nghiệp văn chương của nhà thơ Hoài Vũ gắn liền với mảnh đất Nam bộ. Ông là một trong những văn nghệ sĩ có mặt xuyên suốt chiến trường chống Mỹ trong thời điểm gian khổ và ác liệt nhất nơi miền Đông máu lửa. Những con chữ được đổi bằng giá máu trải nghiệm chiến trường của chính bản thân ông, đồng đội và đồng bào đã hết lòng cưu mang, che chở ông.

Nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống như: Lê Anh Xuân (1940 - 1968), Trần Hữu Trang (1906 - 1966), Nguyễn Thi (1928 - 1968), Lê Vĩnh Hòa (1933 - 1967)… Hãy nghe ông kể về nữ giao liên tên Lan: Cô người Bến Tre. Khi nhà thơ dừng chân tại  rừng tràm Long An tránh cuộc càn quét của địch, ông đã cùng cô chia sẻ khoảnh khắc cùng mắc võng bên cánh rừng tràm, hứng chịu những đợt bom pháo của địch. Ông nhớ Lan vượt bom đạn bắt cá, tôm ngoài sông nấu cơm, cháo cho ông ăn. Ông nóng lòng ra chiến trường, cô buộc lòng để ông đi. Đưa ông ra bờ sông, cô quay về điểm hẹn, đâu ngờ nơi ấy trở thành tọa độ chết vì bom pháo của địch... 

Hết đợt một Mậu Thân, ông mới biết Lan trên đường quay về, trúng bom, hy sinh dưới gốc tràm. Ông xúc động, day dứt, ân hận, bởi nếu ông không cương quyết rời đi thì Lan đã không chết. Xúc cảm ấy thôi thúc ông viết Đi trong hương Tràm. Và Duyên trong Chia tay hoàng hôn… Tôi thật sự xúc động khi thư phòng ông treo trang trọng bức tranh chân dung hai người con gái ấy…

Ca từ của những bài hát được phổ thơ của Hoài Vũ như: Đi trong hương tràm; Chia tay hoàng hôn; Vàm cỏ Đông; Anh ở đầu sông em cuối sông… rất đẹp do được lấy từ nguyên gốc lời thơ vô cùng tình tứ và mượt mà. Vậy theo nhà văn Trầm Hương, âm nhạc đã chắp cánh cho thơ hay chính thơ là hồn cốt để âm nhạc đạt đến đỉnh cao của sự hoàn mỹ?

- Tôi nghĩ đây là mối quan hệ hữu cơ, điều kiện cần và đủ để âm nhạc tải thơ cất cánh. Nhiều nhà thơ nổi tiếng thế giới như Puskin, Tagore… nhưng thơ quá sâu, thật khó chuyển  tải. Thơ Chế Lan Viên thật khó mà phổ nhạc. Tôi nghĩ đây cũng là cuộc gặp gỡ định mệnh. Thơ và nhạc phải "gặp nhau", hòa quyện rồi cùng thăng hoa… 

Tôi nghĩ có nhiều bài thơ hay đâu đó nhưng không gặp được nhạc sĩ tri kỷ nên thơ đi con đường riêng của nó. Nhiều thi phẩm tự thân đã chứa đựng nhạc điệu, đã độc lập tỏa sáng rồi. Nhiều nhạc sĩ sáng tác từ tim mình, không dựa vào nhà thơ nào cả, vẫn tỏa sáng…


Nhà thơ Hoài Vũ cùng nhà văn Trầm Hương.

Ở Việt Nam với những nhà văn, nhà thơ có nhiều tác phẩm được phổ nhạc và trở thành những bài hát rất nổi tiếng, được phổ biến rộng rãi như nhà thơ Hoài Vũ. Họ có nhận được sự ghi nhớ và vinh danh nào từ lĩnh vực âm nhạc hay chưa, thưa nhà văn Trầm Hương?

- Đa phần những nhạc sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước là phổ thơ. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đã chỉ ra: Trong 15 nhạc sĩ sáng tác ca khúc được trao Giải thưởng Nhà nước năm nay thì có 10 nhạc sĩ được vinh danh với những tác phẩm phổ thơ. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn với ca khúc Tổ quốc gọi tên mình phổ từ thơ Nguyễn Phan Quế Mai. 

Nhạc sĩ Bùi Đình Thảo với ca khúc Em đi giữa biển vàng phổ thơ Nguyễn Khoa Đăng, ca khúc Đi học phổ thơ Minh Chính và ca khúc Bàn tay mẹ phổ thơ Tạ Hữu Yên. Nhạc sĩ Đoàn Bổng với ca khúc Dòng sông quê anh, dòng sông quê em phổ thơ Lai Vu và ca khúc Hát về Người phổ thơ Phạm Hổ. Nhạc sĩ Nguyễn Duy Thái với ca khúc Mùa xuân phổ thơ Hà Thúc Quả. Nhạc sĩ Nguyễn Khánh Vinh với ca khúc Tia nắng, hạt mưa phổ thơ Lệ Bình. 

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghi với ca khúc Điệu ru mặt trời phổ thơ Hồ Minh. Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai với ca khúc Xe ta ơi lên đường phổ thơ Huy Cận, ca khúc Huế tình yêu của tôi phổ thơ Đỗ Thị Thanh Bình và ca khúc Nơi ấy điểm hẹn phổ thơ Hải Như. Nhạc sĩ Đỗ Hòa An với ca khúc Mặt trời trên Khuê Văn Các phổ thơ Thi Sảnh và ca khúc Mộ gió phổ thơ Trịnh Công Lộc… Tuy nhiên, trong ngày vinh danh các nhạc sĩ, vai trò của các nhà thơ dường như bị quên lãng. Tôi nghĩ các nhạc sĩ cũng cần có sự nhắc nhớ, tri ân để nhà thơ cảm thấy được trân trọng, chia sẻ…

Các phóng viên hoặc người hâm mộ có dịp tiếp xúc đều có chung cảm nhận nhà thơ Hoài Vũ là một tác giả dung dị và khiêm tốn. Phải chăng cũng vì thế mà cho đến nay ông vẫn chưa làm hồ sơ xét tặng các giải thưởng và danh hiệu cho mình?

- Khi làm phim tài liệu về nhà thơ Hoài Vũ, tôi thật sự kinh ngạc về điều này. Tôi hỏi thì ông trả lời: "Thôi em, thơ mình có người nhớ, có người hát là được rồi". Tôi nghĩ trong việc này ẩn chứa một câu chuyện dài. Chắc có lý do gì đó mà nhà thơ không làm hồ sơ…

Hội Nhà văn TP HCM sẽ có sự hỗ trợ như thế nào để những tác giả có cống hiến nổi trội như nhà thơ Hoài Vũ tiếp cận được với các danh hiệu xứng đáng với sự cống hiến của họ?

- Tôi nghĩ đây không chỉ là trách nhiệm của Hội Nhà văn TP HCM mà cả Hội Nhà văn Việt Nam. Hội nhà văn tất nhiên sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng ông trong quá trình làm hồ sơ. Nhưng bản thân ông phải là người đứng đơn xét đề nghị. Thật khó nếu ông thấy không cần thiết để làm và hồ sơ không có chữ ký của ông…

Nhà văn Trầm Hương đánh giá như thế nào về vai trò dẫn dắt và truyền cảm hứng của những tác giả tên tuổi như nhà thơ Hoài Vũ với thế hệ trẻ sáng tác thơ hôm nay?

- So với ông, tôi cũng là một người trẻ. Đời và thơ ông truyền cảm hứng mãnh liệt cho tôi trong sáng tác. Trường ca Hoa của nước sắp xuất bản của tôi nhiều đoạn nhắc về ông:

"nhà thơ Hoài Vũ từng đi qua vành đai thần chết kênh Bo Bo

vừa khóc vừa gỡ tóc xác cô gái quấn vào chân vịt phía đuôi thuyền

"dưới lòng kênh bao đồng đội nằm lại

giặc đánh rát mình chưa kịp chôn"

Tôi đôi lúc cũng mủi lòng thấy mình bị đối xử bất công vài vụ việc nhưng rồi nhìn sự an nhiên của ông, tôi hiểu mình cần học cách sống "an nhiên của cỏ", thanh lọc của nước. Và tôi tự nhủ như đoạn kết thúc của trường ca:

"Nếu được sống/ nguyện cứ đi và viết/ Nếu được chết/ xin làm hạt phù sa/

Đi bên hoa/ cho màu hoa tươi thắm mãi".

Xin cảm ơn nhà văn Trầm Hương đã chia sẻ thông tin!

VŨ NGA (https://danviet.vn/)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm