TIN TỨC

Những đóa sen xanh

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-09-14 08:32:08
mail facebook google pos stwis
461 lượt xem

 BÀI DỰ THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”

ANH THƯ

Những người phụ nữ tôi gặp bên trong các khu điều trị Covid-19 thời “sóng thần” Delta không thể đẹp rực rỡ như hoa hồng. Họ làm tôi liên tưởng đến những đóa sen xanh Ai Cập, đóa sen của những ốc đảo giữa miền đất cằn, đóa sen làm dịu đi đớn đau gắn trên mũ thần Nefertem - vị thần hương thơm, sắc đẹp và y học của người Ai Cập cổ đại.

Cuối tháng 6-2021, những hình ảnh về ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh dấn thân vào "chiến trường" Delta lan truyền khắp các mặt báo, mạng xã hội… Trong đó, có bức ảnh chụp nữ bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy, đang làm ở khoa Cấp cứu của Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương, trong trang phục bảo hộ cấp 4 kín mít, đang ẵm một bé gái vài tháng tuổi, cho bú bình…


Bức ảnh gây xúc động cho cộng đồng mạng về BS Thanh Thúy của Bệnh viện Trưng Vương - Ảnh: Facebook Thanh Thúy

Chắt chiu yêu thương


Nữ điều dưỡng Huỳnh Thúy Linh bên bệnh nhi F0 giữa sân nắng Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương thời đỉnh dịch.

Những hình ảnh trước đó trên trang Facebook cá nhân của bác sĩ Thúy cho thấy những cảnh tươi vui của một gia đình nhỏ. Đồng nghiệp của Thúy nói với tôi, con trai của cô chỉ mới 10 tháng tuổi.

Biến chủng Omicron của năm nay, những con virus đã thuần với con người, vẫn đủ gây lo ngại cho một cộng đồng đã có 3-4 lớp giáp vắc-xin. Biến chủng Delta còn mang đặc tính hoang dã của mùa hè năm 2021, tấn công vào loài người “trần trụi”, đích thị là một cơn đại hồng thủy.

Và khi chúng ta mệt mỏi với những ngày phải ở nhà để tránh xa dịch bệnh, đôi khi “hụt hơi” với bọn trẻ nhỏ xung quanh, thì những nhân viên y tế như bác sĩ Thúy phải đối diện với một hoàn cảnh trái ngược: Gạt nước mắt xa nhà, xa con, đến đối diện với tử thần Delta.

Mới 10 tháng tuổi, con trai của nữ bác sĩ 9X phải tạm cai sữa mẹ. Bởi không một thứ gì bên trong khu điều trị Covid-19 dày đặc virus tử thần có thể gửi ra ngoài. Hàng ngày, giữa những ca làm mệt nhọc, bác sĩ Thúy cố vắt sữa ra, chỉ để đổ bỏ, nhưng ít ra duy trì được dòng sữa, hy vọng đến ngày được về gặp con… Ngày ấy, nhân viên y tế điều trị Covid-19 buộc phải xa nhà, cách ly tuyệt đối, bởi cho dù bản thân họ vừa kịp chích vội 2 mũi vắc-xin để vào trận, thì hầu hết cộng đồng ngoài kia vẫn chưa có lớp giáp nào, bao gồm chính người thân của họ.

Rồi người mẹ vắng con ấy gặp bé “Cherry”, 7 tháng tuổi. Cherry và người anh 25 tháng tuổi được đưa vào Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương cùng cha, cũng đang mắc Covid-19 nặng. Qua những câu nói rời rạc của anh, các y bác sĩ chỉ có thể biết mẹ Cherry bệnh trước, được đưa đi viện trước, nhưng ở đâu thì không ai biết. Cherry vắng mẹ, khát sữa, từ đó được nuôi dưỡng bằng chính dòng sữa của bác sĩ Thúy.

May mắn thay phép màu đã đến với tất cả. Các y bác sĩ cố gắng tìm mẹ của Cherry qua đồng nghiệp, cộng đồng y khoa và cả mạng xã hội, cuối cùng đã biết được chị đang điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Hơn một tuần sau, sức khỏe khá hơn, chị được chuyển đến Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương đoàn tụ cùng chồng con. Lại như một phép màu, người mẹ thấy lại các con, khỏe lên đáng kinh ngạc từ đó.

Hơn một tháng sau, trong chuyến tác nghiệp khác, tôi đứng giữa khoảng sân nắng cạnh cổng xuất viện của bệnh viện này, trò chuyện cùng một nam bác sĩ khác. Câu chuyện thời đại dịch, chẳng thể nào mà vui. Nhưng rồi, một “thiên thần” đúng nghĩa xuất hiện ở phía bên kia lối đi, làm hai anh em bất giác nở nụ cười. Tôi nhanh tay giơ điện thoại lên chụp.

“Thiên thần” trẻ tuổi trong bức ảnh không mang vẻ ngoài lộng lẫy. Em là một nữ điều dưỡng trẻ, bé nhỏ, mái tóc rối buộc vội, mình mặc bộ Scrubs quen thuộc của mùa dịch, ướt mồ hôi. Em đứng giữa nắng, tranh thủ lấy mấy tấm giấy tờ trên tay che nắng cho một bệnh nhi F0 vừa xuất viện, đang ngồi buồn một mình ngoài ghế đá. Sự yêu thương em dành cho đứa bé, làm dịu mát cả một trưa tháng tám nắng đổ lửa.

“Bé đó đang chờ anh trai, hai anh em xuất viện trước, cha mẹ còn nằm lại, có người thân khác đợi ở nhà. Em thấy bé ngồi một mình nên lại nói chuyện, rồi gọi xe cho hai anh em, dặn hai đứa về đến nhà phải gọi báo cho em” - trong một cuộc nới chuyện hơn nửa năm sau đó, nữ điều dưỡng hồn nhiên kể lại khoảnh khắc đó.

Cô là Huỳnh Thúy Linh, điều dưỡng khoa Điều trị theo yêu cầu, trong đại dịch đã biến thành khoa Dã chiến D của Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương.

Nhưng khoảnh khắc làm tôi nhớ nhất là sau khi đăng tấm ảnh này lên Facebook - lúc tôi vẫn chưa kịp hỏi em là ai - bác sĩ trưởng khoa tag em vào và tôi nhấn vào trang cá nhân của em, mong xem mặt cô điều dưỡng đáng yêu. Tôi giật mình khi thấy ảnh con gái em, mới vài tháng tuổi. Và vài status khác, về những ngày Linh phải xa con, mà hẳn ai đọc cũng nhói lòng.

Linh thú thực, em vừa nghỉ 6 tháng thai sản xong là Bệnh viện Trưng Vương chuyển đổi công năng để điều trị Covid-19 luôn. Lúc đó em chỉ nghĩ đến bệnh nhân, soạn va li vào bệnh viện xin vào khu điều trị. Bác sĩ trưởng khoa thương cháu bé mới 6 tháng tuổi, cố khuyên em làm ở khu hành chính. Dù công việc thường kéo từ sáng đến tối muộn, nhưng ít nhất còn về gặp con được một chút. Vậy mà cũng nhiều đợt Linh thành F1, phải cách ly dài ngày, lúc đó mới thấm thía nỗi nhớ con…

Và cũng trong những ngày không thể quên đó, người nhà Linh nhiều người ngã bệnh. Nhưng em nói, thương người nhà mình, em càng thương bệnh nhân, càng không thể xa rời họ…

Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều nhân viên y tế khác mà tôi gặp trong đại dịch. Giữa hoạn nạn, lời thề Hippocrates thiêng liêng, cao quý được xướng lên không bằng bất kỳ ngôn ngữ nói hay viết nào, mà bằng những hành động vượt lên trên tình cảm thông thường, sức lực thông thường của con người.

Cảm động hơn, có một người phụ nữ chia sẻ bức ảnh tôi chụp Linh, với niềm tự hào. Qua tìm hiểu, tôi biết đó là mẹ của Linh. Người mẹ tự hào khi thấy con gái mình xinh đẹp, an vui là chuyện thường tình. Người mẹ tự hào vì hình ảnh con gái tóc rối, người đẫm mồ hôi, tình nguyện dấn thân vào trận chiến sinh tử, là chuyện hiếm thấy. Sự dũng cảm và tấm lòng đẹp đẽ của Linh, tôi chợt hiểu thừa hưởng từ đâu!


Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, chị Nguyễn Ngọc Mai chiến đấu tại khoa trong những ngày đỉnh dịch năm 2021

Ngày tạm biệt vội vã và 4 tháng bám trụ “pháo đài”

Chiều 12-6-2021, pháo đài chống Covid-19 của đất Sài Gòn - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh - bị phong tỏa.

Buổi chiều ấy nắng gắt xong lại mưa giông tơi bời. Trong cơn mưa ấy, có một người mẹ chở con trai 4 tuổi trên xe máy vượt mưa giông về quê. Vừa đặt con xuống cửa nhà ngoại, người mẹ quay xe ngược về thành phố, vào trong bệnh viện bị phong tỏa.

“Mami đúng bon 4 giờ ùa về tóm nhanh vài bộ đồ của con cho vô cái bọc, 2 má con lao đi trong mưa tầm tã. Con hỏi: Sao mình đi trong mưa? Con lạnh, con bị nước mưa cắt cái mắt con đau quá”. “Mami đứng ngoài cửa giải thích nhanh và “bàn giao tài sản”, con thì chỉ biết bái bai chúc mami đi làm vui. Và mình xa nhau 4 tháng sau cú vẫy tay này” - một ngày tháng 11 sau đó, thành phố tạm bình yên, nữ điều dưỡng Nguyễn Ngọc Mai viết trên Facebook.

Chị Mai là điều dưỡng trưởng của khoa Hồi sức tích cực - chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 6 đỉnh dịch, khoa chị chuyển đổi công năng thành nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 người lớn nguy kịch.

12-6-2021, chùm ca trong các nhân viên khối hành chính xuất hiện, trong khi công việc chuyển đổi công năm còn bộn bề. Hàng trăm nhân viên y tế của bệnh viện này, nhiều người không trong ca làm hoặc không liên quan đến chùm ca, cũng tình nguyện lao vào bên trong hàng rào phong tỏa, vừa điều trị cho đồng nghiệp, vừa điều trị cho hàng loạt bệnh nhân Covid-19 nặng khác đang chiến đấu giành sự sống.

Tôi đã không thể nhận thấy một chút gì của thứ tình cảm yếu đuối của người mẹ phải xa con khi đứng cạnh chị, bên trong khu điều trị Covid-19, những ngày tháng 9-2021 căng thẳng. Tôi chỉ thấy một nữ điều dưỡng can đảm, quán xuyến gọn gàng mọi thứ trong khoa, bình thản và bình tĩnh làm mọi công việc trong cái nơi mà nguy cơ lây nhiễm cao bậc nhất - phòng hồi sức, nơi các thủ thuật can thiệp giúp bệnh nhân tìm lại hơi thở đi kèm với sự phát tán giọt bắn virus cực mạnh.

Trong cuộc trò chuyện rất lâu sau đó, ngày TPHCM đã bình yên, chị thú nhận những cảm xúc trái ngược. Đó là những buổi tối dạt dào nhớ con nơi khách sạn cách ly, có khi phải tạm “cai” gọi video call cho nhau để mẹ và con cùng vững tinh thần, đủ dũng khí mà xa nhau thêm. Và là những buổi sáng, buổi chiều chỉ mong sao đi nhanh nhanh đến bệnh viện để thay ca cho đồng đội, để xem bệnh nhân của mình ra sao, tập trung tất cả tinh thần và tâm trí giành giật từng mạng sống với tử thần Delta.

Cũng ngày tháng 9-2021 ấy, tại hành lang khoa Nhiễm B - Nội A, có 3 người phụ nữ cùng tuổi ôm chặt lấy nhau. Là điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Hồng, điều dưỡng Nguyễn Tô Ái Bửu của khoa Nhiễm B - Nội A, và tôi. Tôi hỏi hai cô về mấy tháng cách ly, phong tỏa. Hồng trả lời được đến câu thứ 3 thì bật khóc: “Bây giờ em mình về nhà, mấy đứa nhỏ cứ đứng xa xa, không dám đến gần”. “Ai biểu bảo tụi nhỏ đứng xa chi, giờ tủi thân” - Ái Bửu dỗ dành.

Hồng, Bửu đều đã xa nhà đi chống dịch tròn 4 tháng vào thời điểm đó. Hồng đã có gia đình với hai con nhỏ. Là một điều dưỡng, cũng như bao nhân viên y tế khác, cô lao vào tâm dịch một cách tình nguyện, như đi theo một tiếng gọi thiêng liêng. Nhưng là một người mẹ, Hồng cần con mình an toàn. Ngày đi, cô cùng gia đình cố khuyên các cháu, dặn đi dặn lại rằng phải giữ khoảng cách với mẹ, mẹ có tạt về lấy đồ cũng phải đứng xa xa… Sau 4 tháng, các bé đã dần nguôi ngoai dòng nước mắt nhớ mẹ và chịu chấp hành yêu cầu “đứng xa”. Hồng yên tâm hơn, nhưng không tránh khỏi cảm giác tủi thân đôi khi trào lên, giữa 4 tháng nuốt nỗi nhớ con vào trong để tập trung lo cho người bệnh.

Bất chợt khóc rồi cũng bất chợt cười. Như một thói quen, chỉ một lúc sau, cô lại tự đưa tâm trí mình về phía những bệnh nhân mới hồi phục, kể về họ với nụ cười trên môi. “Bữa ông cụ lớn tuổi đi về, khỏe mạnh, khác xa ngày được đưa vào hình ảnh ấy đập vào mắt mình, mình vui lắm"; "Ông Năm bữa đi về cũng vậy"; "Ừ, ông ấy tám mươi mấy, chín mươi tuổi rồi đó"; "Rất vui, rất là vui" - Hồng và Bửu mỗi người một câu, nước mắt trên má Hồng cũng khô dần. Không để chìm sâu vào nỗi nhớ con, Hồng lại quay qua lo sắp xếp thuốc cho bệnh nhân.

Có lẽ trong những ngày đại dịch đó, nhiều người phụ nữ trẻ khác cũng suy nghĩ như chúng tôi: Nhìn vào chính những người bạn tạm gác hạnh phúc làm mẹ lại để lao vào trận chiến, để làm động lực thôi thúc mình phải cố gắng hơn nữa, vì ít ra, hãy còn nhỏ bé quá so với sự hy sinh của những người phụ nữ ấy và của con họ - những đứa trẻ được mẹ trao cho bài học vỡ lòng rằng nghĩ và sống cho người khác là con đường duy nhất để cùng tìm thấy thanh bình.


Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, chị Nguyễn Ngọc Mai chiến đấu tại khoa trong những ngày đỉnh dịch năm 2021

Bất chợt khóc rồi cũng bất chợt cười. Như một thói quen, chỉ một lúc sau, cô lại tự đưa tâm trí mình về phía những bệnh nhân mới hồi phục, kể về họ với nụ cười trên môi. “Bữa ông cụ lớn tuổi đi về, khỏe mạnh, khác xa ngày được đưa vào hình ảnh ấy đập vào mắt mình, mình vui lắm"; "Ông Năm bữa đi về cũng vậy"; "Ừ, ông ấy tám mươi mấy, chín mươi tuổi rồi đó"; "Rất vui, rất là vui" - Hồng và Bửu mỗi người một câu, nước mắt trên má Hồng cũng khô dần. Không để chìm sâu vào nỗi nhớ con, Hồng lại quay qua lo sắp xếp thuốc cho bệnh nhân.
Nhìn theo bóng lưng cô, tôi và Bửu nhìn nhau, chẳng hẹn mà cùng nói: “May mà tụi mình còn “ế”…”.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tàn thu vắng bóng - Tản văn của Đặng Tường Vy
 Châu Âu thật tuyệt với bốn mùa rõ rệt. Mùa nào cũng có nét quyến rũ riêng, làm người tha hương vơi đi nỗi buồn dịu vợi. ..
Xem thêm
Nhớ Nguyễn Quốc Trung
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM gọi điện thông báo với tôi về việc Hội nhà văn TP HCM phối hợp cùng Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Quốc Trung nhân hai năm ông rời cõi tạm và đặc biệt nhà văn được truy tặng giải thưởng Nhà nước về tiểu thuyết Đất không đổi màu.
Xem thêm
Mùa thu đây hỡi cờ hồng vàng sao – Tản văn của Lê Xuân
Tháng Tám cũng là tháng giữa thu, tháng để các em thiếu niên, nhi đồng phá cỗ trông Trăng, mừng Tết Trung thu, rước đèn, múa lân dưới trăng thanh, gió mát…
Xem thêm
Cửa bể Cần Giờ | Bút ký của Nguyễn Minh Ngọc
Bài đăng Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn VN) số 35+36, ra ngày 2-9-2023
Xem thêm
Tản Mạn Vàm Cỏ Đông - Tùy bút Trần Thế Tuyển 
Có lẽ trên trái đất này, không ở đâu cái giá để có độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc lại đắt như ở Việt Nam. Để có hình hài đất nước, vị thế quốc gia như ngày hôm nay đã có hàng triệu triệu người con ưu tú ngã xuống. Máu xương của họ tan biến thành đất đai tổ quốc và hồn của họ bay lên hóa linh khí quốc gia.
Xem thêm
Người lính làm nên huyền thoại
Phải nói, Trần Ngọc Trác là một cây viết tâm huyết với đề tài truyền thống cách mạng. Gặp  ông cách nay đã vài chục năm, tôi vẫn nhớ dáng đi nhanh nhẹn, giọng nói trầm ấm và ánh nhìn thân thiện của nhà văn. Lúc ấy Trần Ngọc Trác là cán bộ của Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Lâm Đồng. Đã đọc Trần Ngọc Trác nhưng thực sự khi ông đảm nhiệm làm phim Người lính làm nên huyền thoại   về Đại tá Lê Kích (cậu ruột thứ Tám của vợ tôi), chúng tôi mới gắn bó  như anh em thân thiết. 
Xem thêm
Trúc Phương, người mà tôi muốn nói nhiều hơn những người khác
Bài phát biểu xúc động của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Anh hùng Võ Thị Sáu trong tâm thức người đang sống
Ký của nhà văn Trầm Hương trên báo Phụ Nữ Việt Nam
Xem thêm
Dân lo | Bút ký của Lê Thanh Huệ
Bài đăng báo Văn Nghệ số 30 (3309) ngày 29-7-2023
Xem thêm
Kỷ niệm về nhà văn Minh Khoa với Trần Thế Tuyển
Sau giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước(30-4-1975), từ Trung đoàn 174, tôi được điều về học tập và làm việc ở báo Quân khu 7. Vừa đặt ba lô trong tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp tại căn cứ Trần Hưng Đạo, nơi đặt tổng hành dinh của Bộ Tổng Tham mưu quân đội chế độ cũ, anh Mai Bá Thiện lúc đó phụ trách báo Quân khu 7 dẫn tôi ra mắt Phó phòng Tuyên huấn Quân khu - nhà văn Minh Khoa, lúc đó trực tiếp làm Tổng biên tập báo Quân khu 7. Từ lâu đã nghe danh nhà văn Minh Khoa với những truyện ký viết về Anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ, đặc biệt vở kịch Người ven đô với nhân vật Ông Tám Khỏe đậm đặc chất nông dân Nam Bộ, nay được gặp trực tiếp tác giả, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động.
Xem thêm
Lòng tri ân luôn là giá trị bất bất biến
Bài đăng Tạp chí Linh khí Quốc gia kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - liệt sĩ
Xem thêm
Mây trắng trong vườn chè ông nội | Tản văn của Trang Thanh
tôi hay nhớ những gương mặt người thân đã khuất bóng...
Xem thêm
Hoa biên cương: Nấm độc trên đất Tây Nguyên (Kỳ cuối)
Chúng tôi cũng dự nhiều cuộc họp ở các buôn làng Tây Nguyên, chứng kiến những người lầm lỡ vượt biên hay đi biểu tình gây rối được kiểm điểm trước các già làng và bà con trong buôn. Ai cũng cúi đầu xấu hổ, xin được tha thứ, hứa sẽ không tái phạm.
Xem thêm
Hoa biên cương: Lương y của buôn làng (kỳ 4)
Bút ký nhiều kỳ của nhà văn Lại Văn Long
Xem thêm
Hoa biên cương: Từ biên giới đến hải đảo (Kỳ 2)
Bảo vệ biên cương và tình hữu nghị
Xem thêm
Vọng âm buồn | Hoàng Phủ Ngọc Phan
Một loài chim có tiếng kêu nghe như Ơi đò Ca Cút
Xem thêm
Đêm Tháng Giêng - Tản văn Trần Bảo Trân
Ngày anh cưới chị, tôi còn nhỏ. Gần bảy thập kỷ trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in, ngôi nhà lợp rạ, vách đất của chúng tôi có khách là một người lính. Anh bận bộ quân phục màu cỏ úa với chiếc mũ mềm có ngôi sao lấp lánh. Ngày chị đi lấy chồng, tôi tiễn chị ra cánh đồng, cuối bờ tre gai thường ngày ríu rít tiếng chim. Cầm tay tôi, chị khóc. Em ở nhà nhé. Nếu rảnh chị sẽ về chơi với em. Mắt nhoà, tôi cố giữ không để lệ rơi.
Xem thêm