TIN TỨC

Phần chìm của tảng băng trôi

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1524 lượt xem

Nhà thơ Trần Chấn Uy sinh ngày 20-7-1957. Quê quán: Đức Long, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Năm 1981, tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, vào Phú Khánh dạy học -  là giảng viên khoa Ngữ văn trường CĐSP Nha Trang; phóng viên Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh Khánh Hòa. Ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX (2015-2020)

TÁC PHẨM CHÍNH: Đã xuất bản các tập thơ: Tình ca hát một mình (1990), Xin đừng quên tôi (1992), Chân trời khát (1996), Trăng lạnh xứ người (2003), Giấc ngủ khuyết vầng trăng (2005. Tái bản 2007), Bên dòng sông đa tình (2012), Bóng làng (2018), Người về từ nẻo cỏ may (2022)…

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải B “Giải thưởng Văn học Công nhân” lần thứ VII, do TLĐLĐVN và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức (tập thơ Bên dòng sông đa tình). Tặng thưởng thơ hay năm 2012 của Tạp chí Nhà văn, chùm thơ (TCNV số 3): Nguyễn Tiên Điền, Uy viễn tướng công, Đồng chiều.
 

NGÔ XUÂN HỘI

Nhiều người bảo, văn là người. Mình cũng nghĩ, văn là người. Như mình, tính chân chân chân, thật thật thật nên thơ văn viết ra cũng chân chân chân, thật thật thật. Lắm lúc chán, nghĩ cứ theo mãi lá cờ nôm thế này khá lắm cũng khó mà bằng được các bác Trần Hữu Thung, Võ Văn Trực. Tính thay đổi bứt phá cho văn chương vượt lên: Đồ sộ như Tô Hoài, sắc sảo thông minh như Chế Lan Viên, đáo để như Nguyễn Huy Thiệp, đắm đuối như Xuân Quỳnh, hào hoa như Lưu Quang Vũ, cuồn cuộn như Thanh Thảo, ám ảnh như Hữu Thỉnh, ngoa ngoắt như Trần Mạnh Hảo, lão thực như Trần Nhuận Minh, nhạy cảm như Nguyễn Trọng Tạo… Nhưng “Non sông dễ đổi, bản tính khó dời” nên đâu lại hoàn đấy.

Trần Chấn Uy cho không phải vậy. Theo hắn quan hệ giữa nhà văn và tác phẩm là một phân số, trong đó tác phẩm là tử số, tác giả là mẫu số. Phân số này không bao giờ lớn hơn 1. Hắn giải thích, tử số là tác phẩm là một phần thế giới tưởng tượng của người viết, còn mẫu số gồm toàn bộ thế giới tưởng tượng cộng với cái xác phàm của nhà văn:“Thế giới thực ông biết rồi, hữu hạn thôi, trong khi đó thế giới tưởng tượng là vô hạn. Độ lớn của nhà văn được đo bằng sự phát lộ của cái vô hạn này, đấy là tác phẩm, là phần nổi của tảng băng trôi…”. Nói đến đây, hắn lấy một số người ra làm ví dụ. Đó là những người tiếp xúc ở ngoài đời rất thú vị, tính hóm hỉnh, nhìn đâu cũng thấy sự tức cười mà thơ văn viết ra nghiêm chỉnh đến khó chịu.

Mình thấy những trường hợp hắn nêu đều đúng cả, nhưng còn thiếu… một, đó chính là hắn. Tác phẩm của hắn (xét riêng về thơ): “triền miên một nỗi đau đời và thương con…”  (Nguyễn Quang Lập). Này nhé: “Đêm ngủ con sờ vú cha/ Giấc khuyết vầng trăng mẹ/ Tổ ấm cho con cha tay vụng/ Gió đời thổi nát thành mây…”. Rồi “Hành phương Nam ta tìm ta/ Đất Khánh Hòa có khánh hòa không nhỉ/ Hai mươi năm trời ta như thanh sắt rỉ/ Trong bị cói cà tàng của bà bán ve chai”. Rồi nữa: “Nâng ly ta uống cạn đêm dài/ Nuốt hận đành cam đời hèn kém/ Sợi tóc bạc nửa vời như vết chém/ Vết thời gian băm nát đời ta…” .

Đau đời đúng thôi, vì cuộc đời cũng đau lắm. Viết về nỗi đau chính là để làm cho cuộc đời bớt đau hơn, nhưng cuộc đời đâu chỉ có một nỗi đau, còn nhiều nỗi lắm chứ và nỗi nào cũng có thể chưng cất lên thành thơ được. Chẳng hạn nỗi mừng, sự nghịch ngợm. Ngoài đời, Trần Chấn Uy nghịch rách giời rơi xuống. Giá trong thơ, hắn thể hiện được một phần sự nghịch ngợm của mình thì…

***

Uy học  Đại học Sư phạm Văn Hà Nội I khóa 1977 – 1981. Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò, hồi học ở trường chẳng có trò nghịch nào mà hắn không nghĩ ra. Kể hết những sự nghịch của hắn thời ấy, thú thực mình không biết bắt đầu từ đâu. Thôi thì bắt đầu từ ngày hắn cầm tấm bằng tốt nghiệp hạng ưu ngôi trường danh giá này vậy.

Ngày ấy xảy ra vào nửa cuối năm 1981, cách đây đã hơn ba mươi năm. Đối với học sinh nói chung, sinh viên Đại học nói riêng việc tốt nghiệp bao giờ cũng là niềm mong nỗi đợi của bao nhiêu năm dùi mài kinh sử. Sinh viên lớp Sư phạm Văn Hà Nội I, khóa 1977 – 1981 không nằm ngoài sự riêng chung ấy. Trước khi lễ tổng kết ra trường được tiến hành, Tổ chức nhà trường yêu cầu mọi người phải khai nguyện vọng gửi lên để phòng có cơ sở phân công công tác. Dẫu biết nguyện vọng cá nhân và sự phân công của Tổ chức rất ít khi gặp nhau, nhưng sinh viên vẫn coi đây là một vấn đề quan trọng và làm rất nghiêm túc. Bởi ít nhiều ai cũng nghĩ, biết đâu nguyện vọng của mình được đáp ứng. Uy không biết có nghĩ vậy không mà trong bản khai, thay vì xin về Hà Tĩnh là quê hay đi đâu đó cho thỏa chí tang bồng, thì hắn lại xin về… Bộ Chính trị!

Đọc tờ nguyện vọng của hắn, ông Trưởng phòng Tổ chức nhà trường tá hỏa gọi hắn lên:

“Cậu biết Bộ Chính trị là gì không mà lại dám xin về đó?” .

Hắn gãi đầu:

“Dạ, em không biết. Em thấy trong lớp, các bạn kẻ xin về Bộ này người xin về Bộ nọ. Những Bộ ấy đều đã chật cứng người, chỉ có Bộ Chính trị là còn ít, em xin chắc được”.

“Cậu đúng là uống thuốc liều!” – Ông Trưởng phòng Tổ chức tặc lưỡi. Ông cũng không biết nên làm to chuyện hay nên coi là bình thường cái việc làm có một không hai của cậu Tân Cử nhân này. Cuối cùng ông nói như một sự cảnh cáo thay câu kết buổi gặp: 

“Thôi được, cậu đi Mù Cang Chải vậy”.

“Tùy thầy!”.

Uy nói rồi xin phép ra về, yên chí mình sẽ lên Yên Bái.

Như mọi ngày hắn sẽ ra thẳng quán nước chè chén trước cổng trường tiếp tục việc cắm quán, nhưng hôm ấy anh chàng thay đổi lộ trình lên Thư viện trường mượn sách dư địa chí mở ra xem. Dù sao cũng phải biết trước cái nơi mình sẽ đến ăn đời ở kiếp đấy như thế nào.

Đã chuẩn bị hành trang tư tưởng kỹ như thế, nhưng cuối cùng Uy không đi Mù Cang Chải mà lại vào Nha Trang, nơi mà trong mắt hắn lúc ấy còn diệu vợi hơn cả Kim Nọi, Púng Luông, La Pán Tần, Lao Chải... là những xã, thị trấn của huyện miền núi cửa ngõ Tây Bắc. Vì thế đáng lẽ vào Nam nhận công tác trước tết 1982, thì dùng dắng mãi tới hạ tuần tháng Tư năm ấy Uy mới cất bước hành phương Nam, tới trường Cao đẳng sư phạm Nha Trang điểm cuối cuộc hành trình. Sau khi làm xong các thủ tục hành chính cần thiết, thầy giáo trẻ của chúng ta liền đi ra quán 26 Trần Phú ngồi nhâm nhi cà phê để ngắm trời bể đẹp. Đứng trước cổng trường ở đường Nguyễn Chánh, thầy giật mình thấy hóa ra sắp tới dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, vì lúc ấy ông Kính một cán bộ phòng Hành chính nhà trường - người từng thủ rất hay vai thầy Nghêu trong phim “Nghêu – Sò – Ốc – Hến” của xưởng phim truyện Việt Nam ngày trước đang viết khẩu hiệu: “Nhiệt liệt chào mừng ba ngày lễ lớn 30/4, 1/5 và 19/5” . Bâng khuâng trước những biến cố lịch sử vĩ đại của dân tộc, thầy tò mò đứng xem, đoạn thầy bảo người thủ bút:

“Chữ bác viết đẹp đấy, nhưng bác viết sai rồi”

“Sai sao thầy ?”

 Biết người trẻ trai đang nói chuyện với mình là thầy giáo Văn khoa, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội I mới về nhận công tác, ông Kính hỏi lại. Thầy giáo trẻ nghiêm chỉnh:

“Người miền Nam gọi lớn là bự, ví dụ bự con, bự tổ chảng. Chẳng ai nói lớn con, lớn tổ chảng cả. Bác viết vậy người ta không hiểu, phải sửa lại cho phù hợp với ngôn ngữ trong này”.

Rồi làm như có người đang chờ, nói xong Uy đi thằng ra quán. Cổng trường còn lại một mình Nghêu Kính. Ngẫm lời thầy giáo trẻ, Nghêu Kính thấy đầu óc mình bỗng sáng ra. Người có học có khác, thoáng cái đã biết ngay sai đúng, lập tức câu khẩu hiệu được Nghêu sửa lại theo sự góp ý của thầy Uy: “Nhiệt liệt chào mừng ba ngày lễ bự…”. Khẩu hiệu viết xong treo lên, ai đi qua đọc cũng bấm bụng cười. Một đồn mười, mười đồn trăm, buổi chiều Nghêu Kính bị Bí thư Đảng ủy nhà trường gọi lên xạc cho một bữa tóe khói. Đến lúc ấy ông mới biết mình vừa bị thầy giáo trẻ chơi xỏ.

Sau đó không lâu, cũng tại cổng trường bổn cũ được Uy soạn lại. Nghêu Kính đang viết tin nội bộ. Là người có hoa tay, ba chữ Tin nội bộ ông cho ngự trên một quả cầu kiểu như  những quả địa cầu in hình các nước vẫn được bán trong các cửa hàng sách thiết bị trường học, trông rất ngoạn mục. Uy đứng ngắm một lúc, rồi nói vẻ bâng quơ:

“Bác viết thế này không được…”

 Nghêu Kính như con chim một lần trúng tên sợ cành cây cong, quay lại rối rít xua tay:

 “Thôi! Thôi!... Thầy đi đi. Tôi không nghe thầy nữa”.

“Nghe hay không tùy bác, nhưng bác viết thế này khách quan trông vào người ta lại nghĩ nội bộ nhà trường có vấn đề. Này nhé, chỉ ba chữ thôi mà chữ Tin ngoảnh về Bắc, chữ nội hướng lên trời, chữ bộ quay ra biển. Chữ chỉ thiên, chữ chỉ hải thế nội bộ chẳng bất hòa là gì”.

Nói rồi Uy lại dứt bước ra đi, lúc quay vào nhìn lên thì quả cầu đội chữ rất đẹp đã biến đâu mất, thay vào đó chữ Tin nội bộ: được ông Kính viết lại chân phương theo một đường thẳng, bên dưới có gạch chân đàng hoàng. Kiểu này, nội bộ trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang đoàn kết vững vàng như bàn thạch.

Như rất nhiều cơ quan nhà nước ta thời bao cấp, trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang có một khu tập thể gia đình. Đấy là một ngôi nhà cấp bốn lợp ngói kéo dài, chia làm nhiều gian, mỗi gian khoảng hai tư mét vuông, mặt tiền hướng vào phía trong trường, mặt hậu quay ra đường Trần Hưng Đạo, một con đường rợp bóng xà cừ, đẹp vào loại có hạng của Nha Trang. Năm 1991, phòng Quản lý đô thị thành phố quyết định phân cho các gia đình, hộ nào ở gian nào được quyền sở hữu gian đó. Nhận được quyết định phân nhà, các hộ liền đồng khởi đổi tiền thành hậu, hậu thành tiền hướng đường Trần Hưng Đạo. Trong quản lý địa bạ của phòng Quản lý đô thị Nha Trang, ngôi nhà mang số 5. Gia đình thầy Hiểu, cô Long ở gian thứ ba, số nhà vị chi là 5C. Như mọi gia đình khác, cô thầy hì hục làm sân, xây cổng, treo biển số. Cả hai thầy cô đều xuất thân từ quê hương Xô viết, hai phía gia đình cùng có chung thành tích ba đời ăn củ chuối, tinh thần cách mạng đầy mình, bảng số nhà được sơn đỏ chói. Khi ông chủ nhà 5C đang cởi trần gắn biển thì thầy Uy ghé chơi, miệng cười tủm tỉm:

“Ghê thật, ông này ghê thật!”

Tưởng được Uy khen, thầy Hiểu chống xẻng cười hể hả:

“Thường thôi.”

“Thường sao được mà thường. Trong lúc mọi nhà bảng số xanh, ông lại chưng bảng đỏ. Ông ngụ ý gì đây, Đông Âu mới rục rịch một tí mà đã tính chuyện quay lưng lại Đảng sao? Hơi sớm đấy nghe ông.”

 “Mày nói tầm bậy tầm bạ gì vậy Uy?” - Thầy Hiểu cảnh giác.

“Vậy, “bảng đỏ” là gì, ông thử nói lái tôi nghe xem nào”.

Bảng đỏ nói lái lại thành…

Thầy Hiểu tái mặt quăng xẻng đi vào nhà, một giây sau cái biển số đỏ mà thầy mất công chăm chút được gỡ bỏ, thay vào đó là một biển số xanh hòa bình. Buổi chiều gặp Uy ở sân bóng chuyền, thầy ghé tai Uy nói nhỏ:

“Tuần sau mày có tiết dạy thỉnh giảng đấy nghe em, rồi em biết tay anh”.

Với giáo viên, tiết dạy thỉnh giảng là một cuộc sát hạch quan trọng. Sự đánh giá của lãnh đạo nhà trường và các đồng nghiệp tới dự giờ có nhiều hệ lụy về sau như bình bầu lao động tiên tiến, chuyện lương thưởng cuối năm vv… Uy nghe chột dạ, nghĩ ngay cách đối phó. Ngày trọng đại đến, thầy ăn mặc chỉnh tề lắm. Vào lớp, đợi cho học sinh ổn định chỗ ngồi xong, thầy đứng nghiêm trên bục giảng giới thiệu với học sinh các thầy cô giáo đến dự tiết, sau đó cầm cầm phấn viết nhanh lên bảng hai câu thơ của Hồ Xuân Hương: “Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông/ Chúng bảo nhau rằng: “Ấy ái uông!” rồi quay xuống nói với học sinh:

 “Hôm nay thầy dạy cho các em nghe về hiện tượng đánh mất phụ âm đầu trong âm tiết tiếng Việt. Đây là một hiện tượng rất thú vị mà nhiều nhà văn nhà thơ, đặc biệt là Hồ Xuân Hương đã sử dụng rất tài tình trong thơ”

Thơ các nhà thơ cổ điển Việt Nam nói chung, thơ Hồ Xuân Hương nói riêng Uy thuộc nằm lòng. Với vốn kiến văn rộng rãi, lúc lên bổng, lúc xuống trầm, hắn nói như như chưa bao giờ được nói, không chỉ trò mà cả các thầy cô ngồi bên dưới cũng phải há hốc mồm nghe dù biết mình bị chơi xỏ. Thế là thầy Uy hóa giải được nỗi khó khăn vượt qua cửa ải mà thầy Hiểu đã giăng cài.

Đối ngoại là vậy, đối nội với vợ con hắn cũng không chừa. Một hôm đang ăn cơm hắn thông báo với vợ: “Hôm nay bắt được thư Hà Nội…”

“Ông viết gì vậy anh ?”  Vợ hắn hỏi đưa chuyện.

Nhiều bà má Tây Nam bộ có thói quen từ Đồng Nai trở ra đều cho là Huế tất, vợ hắn quê Quảng Trị mà cũng có thói quen tương tự, nghĩa là từ Hà Tĩnh trở ra hết thảy với nàng đều là Hà Nội. Bố chồng nàng, ông nội của các con ở Hòa Bình thì Hà Nội đứt đuôi rồi còn gì, vì thế khi chồng nói bắt được thư Hà Nội thư đó chỉ có thể là của ông nội chứ chẳng thể của ai khác.

Uy làm bộ tránh ánh mắt của vợ, nói vẻ khó khăn: “Cho biết tin Dung đã đẻ rồi”. Rồi trong lúc vợ đang ngơ ngác không hiểu đầu cua tai nheo gì trước hung tin từ miệng chồng, hắn nấc lên vẻ thảm thiết: “Giờ sửu, tháng ngâu, ngày nguyệt tận/ Bao giờ tôi biết mặt con tôi…”. Bằng mẫn cảm tuyệt vời sai của đàn bà, vợ hắn vụt chốc hiểu tất cả. Nàng dằn mạnh cái bát xuống mâm, rít giọng:

“Con nào đẻ? Con này đẻ chưa chán hay sao mà còn con nào đẻ nữa đây!...”

Biết thuốc đã ngấm, Uy lùa vội bát cơm rồi dông thẳng đi tìm Đỗ Kim Cuông ngồi trà dư tửu hậu. Vãn chuyện trở về thấy nhà tối thui, trên bàn thờ một bó hương to như bó đuốc đang ngùn ngụt cháy, khói hương trùm kín mọi chỗ, hắn bật đèn, tắt hương, đến giá sách lục cuốn thơ Nguyễn Bính mở bài Oan nghiệt ra dí vào đầu vợ lúc này đang nằm như một dấu trừ trên giường:

“Thư đây đồ ngu, đọc đi cho mở mang đầu óc”

 Vợ hắn nằm im không động cựa, nhưng khi thấy chồng vào phòng tắm, nàng mới trở mình cầm tập thơ he hé mắt nhìn. Mới bập vào một dòng đầu nàng đã vụt tỉnh như sáo, ngồi dậy đọc liền mạch hết cả bài: “Hôm nay bắt được thư Hà Nội/ Cho biết tin Dung đã đẻ rồi/ Giờ sửu, tháng ngâu, ngày nguyệt tận/ Bao giờ tôi biết mặt con tôi ?// Nào thử đoán xem tên con gái/ Oanh, Yến, Đào, Trâm, Bích, Ngọc, Hồi ?/ Tôi biết vô tình Dung lại muốn/ Con mình mang lấy nghiệp ăn chơi…”

 Trời ạ, thơ Nguyễn Bính. Đồ đĩ ngựa, làm mình hết cả hồn! Rồi khi chồng từ phòng tắm bước ra, nàng lao tới đấm cho chồng một cái vào vai rồi cười toe toét. Nhưng sống mãi với ông chồng thật như đùa đùa như thật nàng thấy mệt quá, cuối cùng đành tính chuyện ly hôn. Làm trai mà bị vợ bỏ thì cũng nhục, nhưng vốn độ lượng trong tình yêu nên thầy Uy chấp nhận. Để cho vợ rộng đường tái giá, thầy lãnh trách nhiệm nuôi hai cô con gái nhỏ. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời hắn, là lý do để hắn viết nên những bài thơ triền miên một nỗi đau đời và thương con như Nguyễn Quang Lập nhận xét. “Đêm ngủ con sờ vú cha/ Giấc khuyết vầng trăng mẹ/ Tổ ấm cho con cha tay vụng/ Gió đời thổi nát thành mây…” .

Nhưng đau thì cứ đau mà nghịch thì cứ nghịch.

Cuối năm 1991, từ giã môi trường sư phạm Uy chuyển sang Đài truyền hình Khánh Hòa làm phóng viên.

Có lần Uy cùng Giám đốc đài và một số anh em ra Huế dự Liên hoan phim truyền hình toàn quốc. Vừa nhận phòng khách sạn xong, chưa kịp tắm giặt đã nghe điện thoại dồn dập đổ chuông, ông Giám đốc đài nhấc máy lên. Phía đầu dây bên kia một giọng Tàu lạ hoắc:

“Hhốốố xxííí đđààiii miinnhh bbẩẩnn kkiinnhh kkhhuuung! Ggiiaaam đđốốc pphhaải llaàmm ssaaoo cchhoo nnóó ssaạcchh nnhhuu hhóố xxííí kkhháácchh ssaan. Hhốốố xxííí đđààiii miinnhh bbẩẩnn kkiinnhh kkhhuuung!...”

Chẳng  nghe ra ông đồng chí nói gì, ông chọn giải pháp an toàn là gật đầu và “Hảo hảo” tràn. Nhưng cái ông người Tàu nọ như không biết đến thiện ý của ông, cứ một mực ““Hhốốố xxííí đđààiii miinnhh bbẩẩnn kkiinnhh kkhhuuung!... “Hhốốố xxííí đđààiii miinnhh bbẩẩnn kkiinnhh kkhhuuung!...”. Cuối cùng ông đành gác máy, miệng lẩm bẩm:

“Cái ông này nói tiếng Quảng Đông hay sao ấy?”

Lúc cả đoàn xuống sảnh ăn cơm, Uy hỏi ông:

“Nghe nói có ông Tàu nào đó gọi điện thoại cho anh mà anh nghe không ra?”

“Ừ, ông ta nói tiếng Quảng Đông, mình chỉ biết nói tiếng quan thoại”

“Thế anh có muốn em dịch cho không? – Uy hỏi. Liền đó hắn mở lại băng câu ban nãy rồi chậm rãi dịch ra tiếng Khánh Hòa  – Hố xí đài mình bẩn kinh khủng. Giám đốc phải làm sao cho nó sạch như hố xí khách sạn!”

“Ôi, cái thằng này!” – Ông Giám đốc kiêm dịch giả Trung văn Bùi Hữu Hồng cười khoái trá. Xong Liên hoan phim trở về, ông đi kiểm tra cái ““Hhốốố xxííí đđààiii miinnhh” thì thấy quả là nó “bbẩẩnn kkiinnhh kkhhuuung!...” như ông đồng chí thông báo. Thế là ông chỉ thị ngay cho Trưởng phòng Hành chính lo cái việc nâng cấp, đảm bảo vệ sinh để nó luôn sạch sẽ như hố xí khách sạn khiến anh em trong đài ai cũng vui vì được “thơm lây”.

… Cứ thế, trong những trò nghịch ngợm hắn múa gậy vườn hoang, không tìm đâu ra đối thủ cạnh tranh.

Nhưng “Cao nhơn tắc hữu cao nhơn trị”. Người trị Uy hóa ra là bà Loan, một người đàn bà chậm lụt mà hắn thuê giúp việc nhà. Từ ngày lãnh trách nhiệm nuôi hai con nhỏ, hắn nhờ một ông đạp xích lô đưa đón con đi học, việc nhà trông cả vào tay bà Loan. Một hôm đi làm về thấy mâm cơm có đĩa trứng luộc đã bóc vỏ đặt giữa mâm, hắn hỏi bà Loan:

“Chị Loan, thế nước luộc trứng chị để đâu cả rồi?”

Bà Loan thật thà:

“Tôi đổ đi rồi cậu à.”

Nghe đến đấy hắn dẫm chân tiếc rẻ:

“Chết tôi chưa, trứng luộc bổ nhất ở nước, vậy mà chị lại đổ đi.”

“Sao cậu không nói trước, tôi đâu có biết. Ở quê tôi chẳng ai người ta dùng nước luộc trứng cả”

“Quê chị, quê chị!  Quê gì mà quê mùa, có tí nghệ thuật ăn uống sơ đẳng ấy cũng không biết”.

Ít hôm sau hắn đi làm về, giữa mâm cơm thấy có một tô nước trong vắt, hắn mới hỏi bà Loan:

“Chứ nước gì đây chị Loan?”

“Nước luộc trứng đấy cậu ạ - Bà Loan hớn hở - Bổ lắm đấy, cậu uống đi”

 Uy chưng hửng muốn cười mà không dám, đành mắt trừng mắt trợn nâng tô thanh thủy lên uống rồi khà một tiếng vẻ mãn nguyện. Sau đó lừa lúc bà Loan ra sân, hắn tọt nhanh vào bếp đổ bát nước, quay ra đặt cái bát không giữa mâm, mặt sáng như trăng rằm, vẻ như vừa được uống một bát nước cam lồ của Quan thế âm Bồ tát…

***

 Đấy, tính hắn nghịch như thế vậy mà kỳ lạ thơ lại “triền miên một nỗi đau đời và thương con…”. Giá trong các trang viết, hắn thể hiện ra được một phần sự nghịch ngợm của mình ra nhỉ…

Tuy nhiên, sự tiếc rẻ này của mình (người viết) không chỉ với riêng Trần Chấn Uy, mà còn với rất nhiều bạn bè, nhà văn nhà thơ khác. Và Uy là người mình biết rõ, đã cho mình cái cớ để nói điều này.

19 – 8 – 2011
(Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam số 4 (2866) ra ngày 24-1-2015)


 

Rút từ 102 MẢNH GHÉP VĂN NHÂN (Nxb Hội Nhà văn, 2017) của Nguyên Hùng

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong: Với chữ nghĩa, tôi như người đang yêu
Gọi Nguyễn Thành Phong là nhà thơ, nhà văn, biên kịch hay cái danh mà mang nhiều nghiệp nợ nhất là nhà báo, thì viết gì, dù là kiếm sống, anh cũng phải cố ở mức tốt nhất theo ý mình thì mới cho là được. Với chữ nghĩa, Nguyễn Thành Phong ví anh như người đang yêu, càng bị “ruồng rẫy”, càng thấy không thể bỏ cuộc.
Xem thêm
Vũ Cao - “Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi”
Nói đến nhà thơ Vũ Cao không thể không nói tới bài thơ Núi Đôi.
Xem thêm