TIN TỨC

Những hoài niệm cứ thao thức trong thơ Nguyễn Đình Sinh

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-12-29 14:43:47
mail facebook google pos stwis
1030 lượt xem

XUÂN TRƯỜNG

Tôi đã gặp Nguyễn Đình Sinh vào những năm chín mươi của thế kỷ hai mươi, trong những lần giao lưu bè bạn văn chương, của nhóm thân hữu giữa Bình Định và Gia Lai, anh nhiệt tình, sôi nổi, luôn mở lòng ra với bạn bè, dễ gần gũi, có những lần anh đã cùng bạn bè vượt đèo An Khê vời vợi lên miền Tây Sơn Thượng Đạo, để thưởng thức trăng rừng, gió núi với tôi, rồi lại có lần tôi cùng anh với gió cát, trăng sao, rót khuya đầy ly, ngồi nghe tiếng vọng của trùng khơi, trên bãi biển Quy Nhơn.

Nguyễn Đình Sinh là người lính trở về sau cuộc chiến, anh trở lại với con đường học vấn rồi giảng dạy tại trường Đại Học Quy Nhơn. Hành trang mà anh đã mang theo trong suốt hành trình thi ca là hình ảnh quê nhà, người mẹ, cây đa, bến nước, sân đình, con đò, sông trăng, có cô láng giềng mây mẩy dậy thì, những bước chân hành quân rạo rực Trường Sơn, những miền đất anh đã đến và đi đã gợi cho anh bao vẻ đẹp của non sông hùng vỹ.


Nhà thơ Nguyễn Đình Sinh và bìa tập thơ mới nhất của anh.

Những câu thơ tạc vào Trường Sơn, những hình ảnh không thể nào quên, đã làm cho ta xúc động biết bao: “Những bức thư tình viết xong không gửỉ được / Bởi nơi anh gặp em là ở chiến trường / Cô gái Trường Sơn tràn đầy mơ ước / Đã xếp bút nghiên tình nguyện lên đường”, và rồi anh đã “Giữ bức thư như báu vật chiến trường / Nay có dịp về Trường Sơn thăm lại / Xin thầm đọc tặng em với tấm lòng thành kính / Và sự chân thành người lính tới em yêu”. Lá đỏ Trường Sơn đã đi vào thi ca, nhạc, họa, là điểm nhấn trong ký ức Trường Sơn một thời máu lửa chưa xa và nay đã rơi vào thơ Nguyễn Đình Sinh những kỷ niệm nhạt nhòa thương nhớ “Giữa nơi đạn bom mịt mờ khói lửa / Chuyện tử sinh nào tính trước bao giờ / Em làm hoa tiêu qua ngầm đêm bom dội / Anh xót xa hoài nặng nỗi ưu tư”, rồi anh lại đau đáu “Mỗi độ giao mùa cây ngời là đỏ / Lại duềnh lên nỗi nhớ Trường Sơn”.

Những dòng lưu bút ngày xanh viết cho nhau ở lứa tuổi học trò mỗi mùa hoa phượng đỏ thắm sân trường, thường làm cho chúng ta nhớ nhung, man mác nỗi buồn ly biệt, chênh chao tuổi mới lớn, Nguyễn Đình Sinh cũng đã từng như thế, nhưng khi giã từ mái trường thân yêu để lên đường ra chiến trường anh lại sống giữa yêu thương lo lắng cho nhau của đồng đội, lứa tuổi đôi mươi, mười tám trăng tròn, hương thơm làm dịu cả núi rừng, làm nô nức con đường ra trận. Nguyễn Đình Sinh lại trưởng thành với những dòng lưu bút màu đỏ, nhắc nhau những năm tháng hãi hùng, gian khổ hy sinh, sống chết trong tấc gang, nhưng rất tự hào, anh đã tan chảy theo những dòng lưu bút màu đỏ ấy của những cô gái Thanh Niên Xung Phong, dẫn đường, canh đường qua ngầm sâu trong khi vẫn đạn nổ bom rơi trên đầu, có đó rồi mất đó, sự hy sinh bất ngờ, không ai biết trước được, những dòng lưu bút ấy đã thức dậy trong nhà thơ những hoài niệm khó quên, và ngày trở lại Trường Sơn anh đã nghe lòng rướm máu “Anh hiểu em, viết dòng lưu bút để tặng anh / Giữa hai đợt giặc ném bom vừa dứt / Để thể hiện tinh yêu người lính chiến trường / Tình đồng đội thiêng liêng hơn tình yêu nam nữ”. Rồi nhà thơ muốn tan theo dòng lưu bút ngược về lịch sử, để mà yêu thương trân quý, một hoài niệm hành trình “Vài dòng lưu bút em ghi mang hồn thiên sứ / Để anh nhớ về một thời hào hùng gian khổ / Vẫn còn ngời lên sắc đỏ yêu thương”.

Những câu thơ viết cho cảnh cũ người xưa, quê hương tuổi thơ, người thân, mẹ già, khói bếp, mây chiều, ngày xuân tháng hạ luôn đau đáu trong tâm hồn anh. Nhớ lắm yêu lắm, thương đến vô bờ anh đã viết ra những câu thơ tự nhiên như thế này “Từ phương xa con nhớ / Khói bếp chiều ba mươi /Cái rét đi ngang ngõ / Mùa xuân giăng đầy trời /…/ Và xuân về gõ cửa / Chợt thấy lòng bâng khuâng / Lửa bập bùng lòng Mẹ / Gọi giêng hai quay quần / Từ phương xa con nhớ / Khói bếp chiều ba mươi”. Người lính ra đi vào chiến trường, ngày về trong thanh bình lại tất bật áo cơm, lại xa quê lần nữa lại dặm dài thương nhớ quê hương, với tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt hôm nay, không riêng gì Nguyễn Đình Sinh mà không biết bao nhiêu người con xa xứ khác, khi trở về đã thở dài thương nhớ ngày xưa “Tiếng vạc đêm đã thành điển tích / Chìm vào dĩ vãng mong manh / Quê giờ đã thành đô thị / Cánh vạc bơ vơ phố xá lên đèn”. Và anh đã nghe tiếng chim và hạt lúa lạc nhau, đây cũng là những ý lạ trong thơ Nguyễn Đình Sinh “Quê nay đã thành phố thị / Đông vui san sát nhà tầng / Về làng chân chim bối rối / Sương chiều mắt lúa rưng rưng”.

Anh đã lớn lên từ cái gian khó của quê hương, và dậy thì theo sắc đẹp của những cô láng giềng, để rồi sức vóc trai trẻ giữa trái tim trưởng thành “Củ khoai, đọt bí rổ cà / Ngoài vườn bòn mót đem ra chợ làng / Lời em rót mật dịu dàng / Áo bà ba mỏng hiền ngoan dáng người / Lưng ong thắt đáy nụ cười / Thắt luôn cả trái tim tôi với nàng/…/ Về quê lòng dạ bồi hồi / Xa quê tôi lại ngậm ngùi nhớ quê”. Ngày xưa Làng là đơn vị hành chính gắn liền với mỗi một con người sinh ra và lớn lên ở đấy, nơi thân thương gắn bó hữu cơ gần như máu thịt giữa những con người với nhau, bảo vệ nhau, thương nhau hết mực, bởi vậy mỗi khi có sự uy hiếp nào đó họ thường “la làng”, không dưng mà dân gian lại có câu ca dao “Bà con xa không bằng láng giềng gần”, nhất là những ngày xuân đến người ta lại nhớ làng da diết. Nguyễn Đình Sinh cũng đã từng “Mỗi độ tết về hanh vàng quê nỗi nhớ / Ngõ xóm nhà nhà hớn hở đón xuân / Là người con của Làng bao năm xa xứ / Rưng rức đi đau đáu nỗi niềm / Qúa nửa đời tha hương phiêu bạt / Tôi muốn về quê tạc lại chính mình”. Nhớ Làng là thuộc tính của mỗi con người trong chúng ta, trên những bước chân lãng du thi ca, nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng đã từng “Khách xa gặp lúc mùa xuân chín / Lòng trí bâng khuâng sực nhớ Làng”, cảm xúc này đã và sẽ vượt thời gian dù rằng nhịp độ đô thị hóa có diễn ra từng ngày.

Trong thơ Nguyễn Đình Sinh ta thường thấy xuất hiện rất nhiều tiếng “em”, hầu như gần khắp cả tập thơ. Tôi nghĩ đây là những người em không cụ thể, anh hư cấu vào để đối thoại, để tâm sự, để giải bày, để kêu gọi, để năn nỉ, làm cho những bài thơ tình của anh như đang nở rộ yêu thương nguyên mẫu vậy. người em ở đây cũng có thể là, những địa danh, những bông hoa anh đã gặp và thân thương.

Nguyễn Đình Sinh đã quen viết những bài thơ ngắn không vần, anh quan tâm về ý, đa nghĩa đa chiều, ẩn, hiện, người đọc cũng khó đi hết chiều sâu của nó, thật ra viết thơ không vần không phải là dễ, nó vẫn cần cách nói, nhịp điệu, sự vang của âm thanh, giàu nhạc điệu. v.vv. Tuy nhiên thơ anh đã có từng bước vững chắc cho thể loại này. Từ “Gánh thời gian” qua “Tiếng vọng” đến “Gío còn thổi mãi” và nay đến “Nhớ một miền trăng”, thơ anh ngày càng khởi sắc. Với những chia sẻ trên đây, tôi xin mở cửa cho quý vị vào thưởng thức “Vườn trăng” của Nguyễn Đình Sinh xuất bản năm 2022. Tôi tin rằng thơ anh sẽ có bứt phá trong tương lai, và luôn ở lại trong lòng bạn đọc, xin chúc anh có sự thành công trong hướng đi của mình.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm