TIN TỨC

Niê Thanh Mai - Viết để “trả nợ” buôn làng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-10-05 16:57:42
mail facebook google pos stwis
1293 lượt xem

NGỌC ÁNH

Không chỉ là một nhà văn với bút lực dồi dào và giàu cảm xúc, Niê Thanh Mai (dân tộc Ê Đê) còn là một cán bộ quản lý nhiệt huyết, có năng lực, được bà con các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên và anh chị em văn nghệ sĩ yêu quý, nể phục. Chị cũng là nhà văn người DTTS duy nhất của tỉnh Đắk Lắk tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026.
 

Nữ sĩ Niê Thanh Mai trong một lần đi thực tế sáng tác

Trăn trở về sự đứt gãy văn hóa
 

Gặp Niê Thanh Mai vài lần tại các kỳ Đại hội văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam tại Hà Nội, ấn tượng về chị là một nữ văn sĩ giản dị, vui vẻ, dễ gần. Thực ra tôi biết tên tuổi Niê Thanh Mai trước khi gặp chị ở ngoài đời. Đấy là một lần tình cờ đọc được bài thơ rất ấn tượng của chị trên một tờ tạp chí. Bài thơ “Em ơi”: "Gấu váy em dính đầy cỏ may/ Quỳ gối xuống/Anh nhặt cho/Kẻo đâm vào bắp chân ngăm ngăm màu đất/Cổ tay em/Dính nhựa cây rừng/Lại đây anh kéo vạt áo đỏ chói trước ngực/Lau cho khỏi đen, khỏi ám/Vồng ngực em/Nhô căng sau thổ cẩm dầy như tấm chăn em đắp/Ướt đầm/Mồ hôi ngọt mặn của bước chân lội suối trèo đồi…”.

Sau đó là bài “Thơ viết ở Ajun Hạ”: “Ơ em!/Đêm nay trăng sáng/Mình dắt nhau ra lán tre/Bốn bề mênh mông/Ta tìm nhau như chim rừng tìm bạn kết đôi…”. Tôi cứ ngỡ sẽ có một nhà thơ Niê Thanh Mai nổi đình đám trên văn đàn Việt Nam những năm sau đó. Nhưng không! Niê Thanh Mai bỗng đột ngột “bỏ thơ” quay sang viết văn.

Hàng loạt truyện ngắn của Niê Thanh Mai ra đời sau đó, được đăng trên nhiều tờ báo và tạp chí văn học nghệ thuật có tiếng trong làng văn, làng báo. Những truyện ngắn "Xó rừng", "Vị mật", "Gió lạnh thì buốt sống lưng", "Về bên kia núi", "Làng của cha tôi"... (trong các tập "Suối của rừng" (2005), "Về bên kia núi" (2007), "Sớm mai rực rỡ" (2010), “Phía nào sương thôi rơi” (2021) là hồi chuông róng riết về sự đổ gãy tình người, vong bản chính mình, lạc trôi văn hóa...

Truyện ngắn của Niê Thanh Mai dẫn người đọc về với đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, để được hòa mình vào vùng văn hóa giàu trầm tích với những tập tục đậm dấu văn hóa tộc người. Đó là một cao nguyên đẹp và tình, dạt dào, phóng khoáng từ thiên nhiên đến con người.

Nhưng ám ảnh, dư ba - trong lòng người đọc là những câu chuyện buồn, thật buồn về những kiếp phận rời rừng xuống phố. Là cái chênh chao biến đổi của văn hóa tộc người trong thời kì mọi xóm bản, buôn làng đều mở toang cánh cửa để bước ra với thế giới bên ngoài. Tưởng chừng chỉ lớp trẻ bồng bột, háo hức cái mới chịu ảnh hưởng của những “luồng gió mới” thổi tới, nhưng lớp người già cũng không tránh khỏi sự khô rỗng, đơn độc, thất vọng bởi những đứt gãy ngay trước mắt, ngày càng dữ dội.

Đời sống sinh hoạt của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên làm nên chất liệu văn hóa phong phú trong những trang văn của Niê Thanh Mai (Ảnh minh họa)

Đó là hình ảnh cô gái tên Xuân trong truyện ngắn “Về bên kia núi” đã bỏ nhà ra thành phố tìm kiếm sự hào nhoáng nơi phồn hoa đô hội. Hạnh phúc không thấy đâu mà chỉ nhận về trái đắng khi cô bị người ta xâu xé, đánh chửi, làm nhục giữa chợ… Nhưng Xuân vẫn không trở về làng, mặc cho mí (mẹ) đêm đêm vẫn nằm mong ngóng tin con chờ trời sáng...

Hay như cô gái H'Linh xinh đẹp trong truyện ngắn “Giữa cơn mưa trắng xóa” đã bỏ làng ra thành phố tìm việc. Cô trở thành người tình bất đắc dĩ của một ông chủ giàu có ở thành phố có sở thích đam mê sưu tầm đồ cổ của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.

H’Linh thỉnh thoảng trở về làng, cô cảm nhận được nỗi cô đơn của anh rể kể từ khi người vợ của anh qua đời. Anh rể vẫn ở rể bên nhà vợ, lặng lẽ nuôi con một mình. Anh rể thầm yêu Hlinh, Hlinh cũng thương anh rể nhưng cô không muốn trở về làng, không muốn làm vợ theo tục nối dây của dân tộc mình. Mặc dù ở thành phố, cô được ăn sung mặc sướng nhưng H’Linh chưa bao giờ có được một tổ ấm hạnh phúc thực sự.

Truyện “Gió thổi buốt thì sống lưng” kể về người vợ H’Di bỏ chồng con lên thành phố tìm kiếm hạnh phúc hào nhoáng nơi phố thị, mở quán bán bia hơi. Sau “hơn hai mươi mùa rẫy”, bà bỗng dưng trở về làng, làm đảo lộn cuộc sống của hai cha con suốt bao năm tháng tủi hờn bởi những lời dị nghị của bà con trong buôn làng. Con bé H Ban lớn lên ngày càng xinh đẹp. Nó cảm nhận nỗi đau khổ của cha khi mẹ bỏ đi nên vô cùng căm ghét mẹ. Mỗi khi mẹ quay về nhà dụ nó lên thành phố bán bia, nó nói những lời cộc lốc rất khó nghe với mẹ. Nhưng rồi khi mẹ rời nhà quay lên thành phố, nó lại ngồi bưng mặt khóc, còn người cha thì mang rượu ra uống giải sầu…

“Trả nợ” buôn làng
 

Nói về những “đứa con tinh thần” của mình, Niê Thanh Mai chia sẻ, viết là hơi thở, là máu thịt, là trả nợ với nơi chốn sinh thành nên trang văn của chị hiện lên sống động, chân thực, không hề có dấu vết của sự làm màu, lên gân. Văn chương cất lên khúc bi ca của thân phận nhưng phải nối được những mạch đập yêu thương từ trái tim đến trái tim, dẫn người ta từ vùng tăm tối, mê lầm, khổ đau đến với ánh sáng tươi mới của ngày mai.

Niê Thanh Mai bộc bạch: "Tôi viết cũng giống như cách những người con gái Ê Đê yêu và sống, rất bản năng. Nhưng cái tôi khao khát là làm thế nào để mọi người thấy được, Tây Nguyên và con người Tây Nguyên vận động không ngừng, họ có chiều sâu trong suy nghĩ, trong cuộc sống. Cho dù thời đại và cuộc sống có thay đổi thế nào đi nữa, họ cũng luôn mong muốn buôn mình, làng mình và cuộc đời mình những điều đẹp nhất".

Có lẽ mang trong mình hai dòng máu Kinh và Ê Đê, quê gốc ở Phú Yên nhưng sinh ra, lớn lên ở Đắk Lắk nên Niê Thanh Mai có cái thanh lịch, khéo léo lại mang chất phóng khoáng, cởi mở, chân thành.

Mười năm gắn bó với bục giảng tại ngôi trường Trung học Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng (Đắk Lắk), Niê Thanh Mai luôn dành thật nhiều tình yêu thương, tâm huyết cho các thế hệ học trò. Chị bảo nơi ấy đã cho chị nhiều thứ, đó là những tấm lòng yêu thương, là người bạn đời luôn thấu hiểu, chiều chuộng những cơn "nắng mưa" thất thường của cô vợ văn sĩ, là những câu chuyện buôn làng, gia đình từ học trò - mỏ quặng quý cho công việc sáng tạo của chị.

Niê Thanh Mai luôn muốn nối dài tình yêu thương, nối dài mạch văn chương ở miền đất của mình. Nhiều năm qua, từ ngày còn là cô giáo rồi chuyển sang công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo, sau đó lại về làm lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, mọi người đều cảm nhận một Niê Thanh Mai hừng hực, sục sôi với việc kiếm tìm, vun trồng các tài năng văn chương của tỉnh nhà.

Nhà văn Niê Thanh Mai (người thứ ba từ phải qua trái) tham gia công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk

Trong đợt tham gia ứng cử vào Đại biểu Quốc hội khóa XV, trong chương trình hành động của mình, Niê Thanh Mai chia sẻ: “Tôi không chỉ đại diện cho tầng lớp văn nghệ sĩ, những người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa mà còn là người đại diện cho cán bộ nữ, cán bộ người DTTS. Tôi sẽ tham gia tích cực trong việc đề xuất các chính sách nhằm đảm bảo quyền lợi của phụ nữ nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng. Với mong muốn để phụ nữ được tiếp cận gần hơn, có nhiều cơ hội thụ hưởng bình đẳng các nguồn lực và thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy bình đẳng nam nữ, bảo đảm việc thực hiện quyền của trẻ em; phòng - chống bạo lực gia đình”.

Chúc cho Niê Thanh Mai sẽ thực sự phát huy vai trò là người đại biểu của nhân dân, mang tiếng nói, nguyện vọng của đồng bào DTTS Tây Nguyên nói chung, phụ nữ DTTS ở Tây Nguyên nói riêng đến với nghị trường Quốc hội để góp phần tham gia vào việc xây dựng, đề xuất và giám sát các chính sách được sát thực, hiệu quả nhất.

Nhà văn Niê Thanh Mai đã xuất bản các tác phẩm “Suối của rừng” (2005) ”Về bên kia núi” (2007) ”Ngày mai sáng rỡ” (2010), “Phía nào sương thôi rơi” (2021).
Niê Thanh Mai đạt giải tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2005 (tập truyện "Suối của rừng"), giải Nhì của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2006 (truyện ngắn "Giữa cơn mưa trắng xoá" và "Cửa sổ không có chắn song").

Nguồn: https://baodantoc.vn/

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lãng tử trong đời, chí thú trong văn
Bài viết về nhà văn Nguyễn Hoàng Thu trên báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm