TIN TỨC

Nỗi buồn trổ bông và tình mẹ trong thơ Nguyễn Minh Ngọc Hà

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
262 lượt xem

Nguyễn Quế

Nguyễn Minh Ngọc Hà sinh năm 1985 tại vùng đất An Sơn thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây vốn là chiến khu cách mạng hào hùng trong hai cuộc kháng chiến và là một phần của Vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu nổi tiếng. Có lẽ đặc điểm, truyền thống quê hương đã sớm chắp cánh cho hồn thơ của chị. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đầu cô cựu học sinh lớp chuyên toán của trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương luôn phảng phất âm điệu của thi ca. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh rồi vào làm việc tại một ngân hàng lớn chưa bao lâu, như duyên phận đã định trước, Nguyễn Minh Ngọc Hà “rẽ bước”, chọn nghề tự do để có thời gian dành cho văn chương nghệ thuật.

 

Ngoài hai tập thơ viết riêng đã in (Đắng - 2018 và Nỗi buồn trổ hoa - 2020, do Nhà xuất bản Văn học ẩn hành), chị còn là đồng tác giả của 12 tuyển tập thơ được bạn đọc yêu thích. Bài thơ Bảy sắc cầu vồng của chị được chọn in trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, tập 2 (Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của chị. Ngoài thơ, Nguyễn Minh Ngọc Hà còn nặng lòng với sân khấu. Chị là chủ nhân của gần 30 giải thưởng trên các lĩnh vực sáng tác, tiêu biểu là Giải Nhất chuyên ngành thơ Cuộc thi sáng tác VHNT “Đất và người Bình Dương” năm 2021. Chị hiện là Ủy viên Ban Điều hành phân hội văn học thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Dương.

Thơ Nguyễn Minh Ngọc Hà bắt rễ từ hai nguồn cảm xúc chính: Mẹ và tình yêu. Thơ tình của chị thường mang nỗi buồn da diết. Cầm trên tay các tác phẩm chị tặng, tôi cảm thấy bồi hồi, xao xuyến khi bắt gặp những tiếng lòng đầy hoài niệm:

“Người ngồi xuống đời ta như giấc mộng

 Ngỡ xa xăm nhưng bỗng chốc thật gần

 Nơi mạch máu hồi sinh niềm khát vọng

 Trái tim cằn bung nở đóa hoa xuân”

 (“Ngồi lại bên đời” – Nỗi buồn trổ hoa) 

Hay những câu thơ “tình nhẹ nhàng, tứ xa vắng” như:

“Tôi nhặt lá gom lại chiều hạ cũ

 Hứng tiếng ve trên mấy nhánh phượng già

 Kỷ ức xưa tưởng chừng như yên ngủ

 Bỗng hiện về như vừa mới hôm qua”

 (“Chiều hạ cũ”- Đắng)

Những câu thơ mang tâm trạng trắc ẩn ấy đã cuốn hút tôi. Tuy vậy, khi tìm hiểu kỹ hơn thơ Nguyễn Minh Ngọc Hà, tôi nhận ra những vần thơ viết về mẹ mới là tiếng lòng sâu lắng nhất của chị. Bên cạnh những tác phẩm đã in sách, chị tiếp tục  cho ra đời những bài mới khá thành công. Hình ảnh người mẹ hiện hữu trong thơ chị thật bình dị nhưng cũng rất cao đẹp:

“Sen hồng

 gói nắng

 ủ sương

 thơm trong gió

 một làn hương dịu dàng”

 (Mẹ và sen)

Có gì ý nghĩa hơn khi ta so sánh mẹ với hình ảnh hoa sen? Và hạnh phúc thay,  khi ta được hưởng niềm hạnh phúc bao la từ lời ru của mẹ. Những trưa hè nóng bỏng hay những đêm đông giá lạnh, tiếng à ơi cất lên cùng với mùi thơm sữa lan tỏa từ bầu ngực trẻ, nơi có trái tim nặng tình yêu thương của mẹ, hòa với tiếng nôi đưa kẽo cà kẽo kẹt dẫn ta vào giấc ngủ thần tiên. Qua những lời ru, mẹ thổi vào trong ta hồn thiêng đất nước cùng tình yêu bao la trước cuộc sống, hoặc có khi đó là một thế giới như thực như mộng và những giấc mơ tuyệt đẹp đầu đời. Cũng như bao người khác, trong trái tim Nguyễn Minh Ngọc Hà, hình ảnh thân thương của mẹ luôn gắn liền với những lời ru tha thiết buổi ấu thơ. Niềm hạnh phúc to lớn ấy không bao giờ phai mờ trong tâm tưởng nữ nhà thơ:

“Ngọt ngào giấc ngủ đầu nôi

  Dịu dàng giọng hát “à ơi” mẹ hiền”

  (Mẹ)

Trong tâm tưởng của một người con hiếu thảo, Nguyễn Minh Ngọc Hà trân quý biết bao mối quan hệ máu thịt thiêng liêng và hình ảnh thân thương của những người sinh thành, nuôi dưỡng mình:

“Con lớn khôn theo từng lời ru mẹ

 Êm tiếng võng đưa kẽo kẹt của bà

Vai mẹ mỏi từ độ còn son trẻ

 Lưng sớm còng bởi quang gánh đường xa”

 (Lời ru quằn vai mẹ)

Hình như lúc nào nhắc tới người mẹ yêu kính, bên cạnh sự biết ơn sâu sắc công lao của mẹ, trái tim Nguyễn Minh Ngọc Hà cũng quặn đau trước sự vất vả, hy sinh mẹ phải gánh gồng. Trong tâm tưởng chị, nỗi vất vả, hy sinh ấy thật bền bỉ và to lớn:

“Cả đời che nắng chắn mưa

 Tháng năm dầu dãi, bốn mùa phong sương

 Mẹ dành trọn vẹn tình thương

  Đạp lên đá sỏi, lát đường con đi

 

  Tuổi xuân mẹ có tiếc gì

  Hy sinh tất cả cũng vì đàn con

  Dáng mẹ ngày một hẻo hon

 Chỉ mong con được vuông tròn tương lai”

  (Mẹ)

Tác giả Nguyễn Minh Ngọc Hà

 Ngay cả những khi tưởng nhớ người mẹ hiền với những hình ảnh đẹp đẽ cùng niềm tự hào to lớn nhất, chị vẫn không khỏi xót xa trước quãng đời lam lũ, vất vả của mẹ:

“Đời sen như mẹ gian nan

 tháng năm quanh quẩn

 ao làng ruộng quê

      

Mẹ ta đội chiếc nón mê

 nắng chang

mưa dội

đường về thêm xa

áo tơi che tấm thân già

làm bóng mát

che con qua nhọc nhằn”

 (Mẹ và sen)

 Rồi một ngày, khi phải lìa xa bàn tay yêu thương của mẹ để đi vào biển đời rộng lớn, chị càng cảm nhận sâu sắc nỗi lòng của mẹ và lưu giữ mãi hình ảnh mẹ lúc chia ly:

“Đò đưa con qua sông

 Ngược dòng trôi về phố

 Nước mắt mẹ lưng tròng

 Chưa xa mà đã nhớ”

Càng thấu hiểu tình cảm bao la cùng sự tần tảo, hy sinh của mẹ, chị lại càng trăn trở, băn khoăn:

“Con đi tìm tri thức

 Trên tay mẹ chai sần

 Con ấm chăn trước ngực

 Mẹ thêm nhiều nếp nhăn”

 (Con đò của mẹ)

Mỗi khi nghĩ tới tương lai tươi đẹp phía trước, chị lại cảm nhận sâu sắc công ơn của mẹ. Sau bao tháng ngày đi tìm hạnh phúc, chị mới vỡ lẽ, niềm hạnh phúc to lớn nhất của đời mình chính là được mẹ che chở, thương yêu:

“Đường con đi rộng thênh thang tương lai

 đường của mẹ gập ghềnh bao khó nhọc

 con mải miết kiếm tìm hạnh phúc

đâu hay rằng hạnh phúc ở sau lưng”

 (Mẹ)

Thương mẹ lưng ngày một còng thêm, những người thân trong gia đình nữ nhà thơ - mà chắc chị là một trong những người tích cực nhất - đã có những việc làm đầy tính nhân văn: Hạ lần bậc cửa để mẹ khỏi bước hụt. Nhắc tới sự việc này, Nguyễn Minh Ngọc Hà đã bộc bạch nỗi niềm của mình qua những câu thơ bình dị nhưng đầy xúc cảm:

 “Nhà mình mấy lần thay bậc cửa

  Đến hôm nay bậc cửa cũng chẳng còn

  Sàn nhà bằng mặt sân

 Tránh cho mẹ thêm lần bước hụt”

  (Dáng hình mẹ thân thương)

   Với trái tim giàu yêu thương, xúc động và đầy nhạy cảm của người phụ nữ, chị  đau đớn biết bao khi cảm nhận những điều không mong muốn đang ngày một đến gần:

“Thời gian rụng đầy tay

 cho hơi thở mẹ dần ngắn lại

 mỗi sáng mai ít thêm lần người dậy

 lá vàng rơi kín mặt sân buồn”

   Với quy luật khắc nghiệt của tự nhiên, ngày không mong đợi ấy cuối cùng cũng  sẽ đến. Thật cảm động khi ta đọc những câu thơ mang tâm trạng đau thương của tác giả:

 “Hối hả trở về trong nhói buốt hoàng hôn

  sau tin nhắn “Mẹ đang chờ” như sét đánh

  hành lý mang theo là trái tim ân hận

 trên chuyến bay dài nhất cuộc đời

 

“Con đã về bên mẹ, mẹ ơi”

 khán giọng gọi nhưng không lời đáp lại

 căn nhà rồi lặng im mãi mãi

 mắt ta nhòe hay trời đổ mưa bay?”

 (Chuyến bay dài nhất cuộc đời)

Đọc những bài thơ viết về mẹ của Nguyễn Minh Ngọc Hà, ta cảm thấy trân quý biết bao tình cảm dạt dào, sâu lắng của một người con giàu lòng yêu thương và hiểu thảo. Những tiếng lòng của chị được biểu đạt qua nhiều cung bậc cảm xúc với những bối cảnh khác nhau nhưng đó luôn là nỗi niềm sâu nặng của tình mẫu tử thiêng liêng, làm rung động trái tim người đọc.

Bên cạnh tình cảm dành cho người mẹ đẻ, trái tim Nguyễn Minh Ngọc Hà luôn hướng về những bà mẹ đã đóng góp, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Đó là những người mẹ cụ thể, bằng xương bằng thịt chị may mắn được gặp trong đời nhưng cũng là người mẹ Việt Nam nói chung mà chị trân trọng gọi bằng chữ viết hoa. Chị cảm phục biết bao trước những tấm gương cao đẹp ấy:                                 

“Như thân tằm rút ruột nhả tơ

 Mẹ rứt ruột mình hiến dâng cho đất nước

 Lớp lớp máu xương tạc nên dáng hình Tổ quốc

Có máu xương chồng và những đứa con”

Tháng Bảy tri ân, về bên mẹ, nghe mẹ kể về những năm tháng khói lửa đạn bom, lội suối băng rừng tải đạn, tiếp lương cho bộ đội, đào hầm bí mật nuôi dấu cán bộ, bất chấp gian khổ, hiểm nguy, chong đèn thức thâu đêm canh từng giấc ngủ cho các anh, bị địch bắt tra tấn dã man vẫn xem thường đòn roi và các thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù, một lòng trung kiên với cách mạng, chị rất khâm phục và càng thêm kính yêu mẹ. Nhưng với trái tim đầy nhạy cảm và sự thấu hiểu sâu sắc tấm lòng cao cả cùng tình cảm bao la của mẹ, chị biết còn những điều sâu xa mẹ còn giữ lại trong lòng. Chị không nỡ khơi sâu nỗi niềm của mẹ và cảm thấy ray rứt trong tâm:

“Mẹ ơi, sao không kể nhiều hơn?

Những lần khóc tang chồng, khóc tang con

 hay một cánh tay Mẹ gửi lại trên dòng sông ngày ấy

 Bao chiến công lừng lẫy

 Bao tàn khuya bốn bề vắng im Mẹ đau lòng đến vậy

 Nước mắt Mẹ chảy nhiều hơn mưa ngâu tháng Bảy

 Sao không kể Mẹ ơi?!”

(Những điều Mẹ chưa kể)

Qua những câu thơ trên đây, hình ảnh người Mẹ chiến sỹ, người Mẹ Việt Nam hiện lên trước mắt ta thật cao đẹp. Tình cảm tác giả dành cho Mẹ cũng rất đáng được trân trọng, và chính điều đó đã góp phần nâng tầm giá trị của bài thơ, làm cho thơ chị có sức lan tỏa rộng rãi hơn.

Thơ Nguyễn Minh Ngọc Hà nói chung và các tác phẩm chị viết về mẹ nói riêng  luôn là sự biểu đạt chân thực cảm xúc của chị. Những rung động dạt dào, sâu lắng  trước những con người và cuộc sống mến thương là mạch nguồn nuôi dưỡng hồn thơ chị, đồng thời là điểm tựa để thơ chị cất tiếng giữa cuộc đời tươi đẹp nhưng vẫn còn nhiều vất vả, lo toan.  

Đề tài trong thơ Nguyễn Minh Ngọc Hà không mới nhưng đọc giả yêu thích thơ chị vì họ có thể tìm thấy sự đồng cảm, đồng điệu trong từng câu thơ của nữ tác giả trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những câu thơ hay, thỉnh thoảng thơ chị còn có những câu, chữ chưa thật thanh thoát. Dù sao, với những gì Nguyễn Minh Ngọc Hà đã có được cùng tình yêu chị dành cho thơ ca, chúng ta có thể tin rằng, chị sẽ còn nhiều tiềm lực để vững bước trên con đường nghệ thuật của mình.

N.Q

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm
Những vần thơ sáng nghĩa kim bằng
Nhà thơ Trinh Bửu Hoài là người bạn văn tốt của tôi đã quen thân nhau từ năm 1970 khi anh hoạt động văn nghệ ở An Giang. Cách nay hơn 10 năm, sau khi nhà văn quá cố Nguyễn Khai Phong đã vài lần giục tôi làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam cùng với tán thành của nhà thơ đánh kính Trịnh Bửu Hoài. Dù biết ở Cần Thơ mình là người mồ côi, kém tài lại vụng về trong giao tiếp nên ít có bằng hữu tình thâm, năm 1918, tôi vẫn đánh bạo nghe lời những người bạn tốt xin vô Hội Nhà văn Việt Nam với sự giới thiệu nhiệt tình cùng lúc của các nhà văn : Nguyễn Khai Phong, Trịnh Bửu Hoài, Lê Đình Bích, Lương Minh Hinh, Nguyễn Trọng Tín. Mặc dù biết rằng với mình, con đường về La Mã vẫn còn diệu vợi ! Hôm nay, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã về với cõi Ly Tao bất diệt, tôi viết bài này để ân tình bày tỏ lòng nhớ ơn anh, một thi sĩ tài hoa nhân cách rất tốt với bạn bè.
Xem thêm
Nội trú trong ta một nỗi buồn
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về “Năm ngón chưa đặt tên” của Đinh Nho Tuấn, NXB Hội Nhà văn 2024
Xem thêm
Thấy gì từ “Ký họa thơ” của Nguyên Hùng?
Bài viết của Lê Xuân Lâm, cộng tác viên tích cực của Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Mấy điều bất thường xung quanh bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ
Không phải vì tác giả là người viết kịch, có duy nhất một bài thơ được chọn vào sách “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, mà bài thơ này có tính bất thường. Trong sách của Hoài Thanh và Hoài Chân có những tác giả sau chỉ có một bài : Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương, Mộng Huyền. Có hai tác giả được nói đến mà không trích bài nào trọn vẹn là T.T.KH, và Trần Huyền Trân. Vậy thì bài thơ của Đoàn Phú Tứ bất thường ở chỗ nào?
Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm
“Lời của gió” - Lời của nước mắt, nụ cười
Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Xem thêm
Không gian thiền tịnh và buông xả trong thơ Nguyễn Thị Sơn
Chùm thơ 4 bài: Thiền, Tịnh, Buông, Nhàn của nhà thơ Nguyễn Thị Sơn đã khái quát một không gian thơ mang tính tâm linh cho riêng mình, ở đó mỗi bài đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc về tâm trạng và trải nghiệm của con người. Những bài thơ này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa thiên nhiên và tâm hồn. Mỗi bài thơ là một khía cạnh khác nhau của sự tìm kiếm sự an lạc và bình yên trong cuộc sống.
Xem thêm