- Truyện
- Nụ hôn màu lửa – Truyện ngắn của Lại Văn Long
Nụ hôn màu lửa – Truyện ngắn của Lại Văn Long
Thành phố thay đổi đến ngỡ ngàng. Những con đường trung tâm ngày thường đông nghịt, đêm lấp lánh muôn màu ánh sáng từ dòng xe cộ bất tận, giờ thênh thang, trống trải. Những tòa nhà bị giăng dây như những gã khổng lồ bị xiềng chân bức bí; những giao lộ lù lù barie, lều dã chiến được kiểm soát bởi công an, quân đội, dân phòng…
Thỉnh thoảng còi cấp cứu rú lên hãi hùng rồi những xe cứu thương chạy văng mạng trên đường vắng. Ám ảnh hơn là những người lụng thụng đồ bảo hộ trắng như phi hành gia, đeo găng tay cao su, mặt trùm kín khẩu trang, kiếng chắn… đang lao đến các ổ dịch vừa phát hiện để phun thuốc sát khuẩn và đưa các F0, F1 đi điều trị, cách ly!
Nhà văn Lại Văn Long
Sài Gòn đã được báo, đài và internet kể cho nghe chuyện “phong thành” của Vũ Hán – Trung Quốc từ hơn một năm trước. Sài Gòn hồi hộp theo từng ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Sài Gòn căng thẳng với những ổ dịch phát khởi từ nhà nguyện, công xưởng… rồi lây lan không kịp đếm. Sài Gòn chuẩn bị mọi mặt để đối phó với kẻ thù giấu mặt “biệt danh” Corona… Thế mà không ai có thể tưởng tượng con virus siêu bé nhỏ lại có sức tàn phá ghê gớm như vậy. Mỗi ngày có thêm trên dưới 15 ngàn người nhiễm, 3 – 4 trăm người chết, trong đó có cả người của tuyến đầu chống dịch; cả trung tâm chống dịch như Bệnh viện Nhiệt đới cũng trở thành ổ dịch, bị phong tỏa! Mọi sinh hoạt, kinh tế của thành phố gần như dừng lại hoặc thay đổi sâu sắc, biến một đô thị hiện đại, khổng lồ ngày đêm nhộn nhịp thành “chiến trường” ngột ngạt, vắng vẻ, lặng lẽ!
Hơn 320 năm ra đời và phát triển, chưa bao giờ Sài Gòn gặp khủng hoảng, bị đe dọa và phải nỗ lực sinh tồn như mùa thu năm Tân Sửu – 2021 này!
7 giờ sáng trời xanh trong vắt, gió đùa với lá vàng rơi đầy đường phố vắng vẻ, yên tĩnh; Diệu phóng xe máy từ nhà trọ ở Tân Kiên – Bình Chánh vào nội thành. Với bảng tên, giấy đi đường đeo trước ngực và bộ đồ bảo hộ của “tuyến đầu” chống dịch, cô công nhân 40 tuổi của Công ty vệ sinh công nghiệp dễ dàng qua các chốt gác trước sự “mơ ước” của hàng dài người bị chặn lại, trong đó có không ít các sếp ngồi ôtô bên cạnh tài xế. Diệu đi qua trạm, nhìn đám đông mà hài lòng về mình. Mùa dịch này, những người “tầm thường” như cô và các anh shipper bỗng “lên đời” hơn cả các giám đốc, thủ trưởng trong thời điểm nhà nhà cố thủ chống dịch, phố phường chăng dây, mua ổ bánh mì, bó rau, trái ớt… có khi phải lén lút như mua ma túy!
Diệu vừa đi vừa nghĩ miên man, thoáng chốc đã đến Bệnh viện H. Cô được đo thân nhiệt ở cổng rồi được hướng dẫn vào bãi để xe. Diệu rút chìa khóa chiếc Wave 110cc, rồi xách cái túi đựng quần áo, vật dụng cá nhân đi lên lầu 6. Từ đầu tháng 7-2021, cô được Công ty vệ sinh công nghiệp cử đến Bệnh viện H. làm hộ lý. Đây là bệnh viện đa khoa, nhưng hiện tại đã chuyển hẳn sang điều trị bệnh nhiễm Covid-19. Lúc đầu Diệu rất sợ, từ chối công việc này, nhưng công ty động viên các công nhân luân phiên làm việc mỗi người 30 ngày ăn ở luôn trong các bệnh viện hợp đồng với công ty. Hơn nữa, mùa dịch các nhà xưởng đều đóng cửa nên có được việc làm ở bệnh viện cũng là điều đáng mừng, vì vừa có lương, có phụ cấp lại được ưu tiên chích mũi vắc-xin Astrazeneca trước khi tham gia chống dịch, còn hơn bó gối ngồi nhà nghĩ quẩn. Hai tháng vừa qua, rất nhiều gia đình công nhân thoi thóp vì đại dịch. Có cả nữ công nhân ở phường Trung Bình Tây, quận 12 vì quá áp lực đã nhảy lầu. May mà công an, chính quyền, hội phụ nữ địa phương kịp thời cứu chị và vận động chủ nhà miễn giảm tiền trọ cho các công nhân như chị.
Diệu tự an ủi, động viên mình trước khi bước vào nơi có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nhất. Ngày đầu vào khu cấp cứu, Diệu choáng ngợp, rùng mình với sự căng thẳng ngột ngạt. Từ sáng đến trưa, cả trăm bệnh nhân mê man, úp mặt nạ thở được đẩy vào. Mấy chục con người trùm đồ bảo hộ kín mít như nhau, cùng lao vào giành giật sự sống cho từng sinh mệnh mong manh… “Máy thở giường số 6…”… “oxy giường số 12”… “giường 51 cần trợ tim”… “giường 43 đang lọc máu bị hạ huyết áp… nhanh nhanh”… Tiếng hô, tiếng quát, tiếng chân người chạy vội vả, tiếng máy thở rì rào; monitor hiện đủ sóng xanh, đỏ báo hiệu tình trạng nguy kịch của bệnh nhân qua từng âm thanh tít tít đáng sợ. Máy X.quang di động hiện đại bậc nhất được đẩy đến từng giường chụp phổi cho bệnh nhân. Hệ thống Telehealth kết nối khu vực trung tâm Khoa cấp cứu với các màn hình lớn để các bác sĩ hội chẩn với các chuyên gia tuyến trên tham vấn về các ca khó. Rồi máy ECMO (tim phổi nhân tạo), máy lọc máu… mới tinh đều được tung hết vào trận chiến cam go cùng các y bác sĩ nỗ lực cứu chữa cho hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày.
Diệu trong bộ bảo hộ lụng thụng vừa bước chân vào đã bàng hoàng, choáng ngợp trước căn phòng rộng mênh mông, sáng rực với cả trăm giường bệnh đặt san sát nhau; tiếng máy, tiếng người, tiếng dụng cụ va đập, tiếng chân chạy khẩn trương… “Đến phụ tôi đở bệnh nhân lên…”, một người không rõ là bác sĩ, điều dưỡng hay hộ lý, tình nguyện viên (TNV) vừa hét vừa đưa tay ngoắc. Chẳng kịp suy nghĩ Diệu chạy ào đến phụ đở một bệnh nhân to béo ngoại cở giúp “anh ta” (Diệu nghe tiếng biết là đàn ông chứ trong bộ bảo hộ kín mít chỉ chừa 2 mắt, không biết ai là ai). Bệnh nhân thở không được, cần được chuyển tư thế sang nằm nghiêng… Đang loay hoay thì giường bên cạnh lại hối Diệu: “Xong chưa qua đây, phụ vệ sinh cho bà cụ này…”. Người đàn ông đang làm cùng Diệu bảo… “ổn rồi, cô qua trước, tôi thay chai nước truyền xong qua phụ cô…”. Diệu đi qua giường kia, lẩm bẩm: “Chắc ông ấy thấy mình nhỏ con nên đoán là phụ nữ, mới gọi bằng cô”…
Bệnh nhân bên này là bà cụ tóc bạc trắng, đang được 2 người mặc áo quần bảo hộ tắm rửa, thay quần áo mới. Cô vào phụ chuyển cụ lên băng ca. Cô rùng mình khi nghe… “Đưa xuống nhà vĩnh biệt chờ hỏa táng”… hai tay đang bợ giữa lưng bà cụ của Diệu bỗng tê điếng; Diệu muốn ngất đi vì sợ, bên tai còn văng vẳng tiếng ai đó trầm đục đau đớn: – “Cụ này chuyển từ tuyến dưới lên hôm qua. Cụ có vòng cẩm thạch với nhẫn hột xoàn trên tay; lập biên bản rồi đưa vào tủ lưu giữ di vật bệnh nhân. Hết dịch người nhà đến nhận lại…”. Hạt xoàn bạc tỷ trên tay bà cụ tướng rất quý phái này lấp lánh dưới ánh đèn làm Diệu bàng hoàng, tưởng tượng ra trong lâu đài lộng lẫy nào đó, các con cháu cụ vẫn nôn nóng chờ tin và cầu nguyện, hy vọng cho bà, cho mẹ… sớm khỏe mạnh trở về! Cũng có thể cả gia đình họ giờ mỗi người một nơi cách ly, điều trị. Trong đại dịch này, giàu hay nghèo đều chung nỗi đau, nỗi khổ; Những người không may thì chung thảm cảnh ra đi mà không thân nhân, kèn trống, lễ nghi v.v…
Từ lúc nhập phòng cho đến quá trưa hôm đó, Diệu bị cuốn theo những hối thúc từ đội ngũ đang giành giật sự sống cho từng bệnh nhân. Chân cô chưa bao giờ biết đi vì chỉ chạy, vừa thở vừa chạy cuống cuồng. Lưng áo trong cô đẫm mồ hôi dù phòng cấp cứu có điều hòa 24/24h. Mỗi khi một bệnh nhân qua cơn nguy cấp, cả ê kíp reo lên mừng rở. Mỗi lúc sóng màn hình không còn nhấp nháy, một trái tim ngừng đập, cả chục trái tim “bọc” trong quần áo bảo hộ nhói lên đau đớn. Ai cũng lặng lẽ cầu nguyện và ray rức dù đã nỗ lực hết sức. Những đôi mắt thiếu ngủ, mệt mỏi đỏ lên vì khóc, những y bác sĩ, TNV… thẩn thờ, buồn bã và bất lực!
Đến xế chiều của ngày đầu tiên, một tổ chức từ thiện mang đến khoa cấp cứu những suất ăn nóng hổi. Diệu được người đàn ông gọi mình phụ đở bệnh nhân khi sáng rủ ra công viên sau khu cấp cứu tìm một ghế đá ngồi ăn nên cô không đụng đến hộp cơm mang theo đã nguội ngắt.
Họ lột nón, tháo tấm chắn giọt bắn rồi cùng bật cười vì mặt người nào cũng hằn đỏ vết khẩu trang in vào má. Anh ta tên Trọng, câu nói đùa cũng thật nghiêm trọng: “Tôi năm nay ở tuổi “49 chưa qua…” mà còn lao vào chỗ này chắc… “đứt” sớm. Cô lưu số (điện thoại) của tôi để… ngày nào vào đây không gặp tôi thì gọi. Gọi 3 lần không nghe máy thì… cứ xuống nhà vĩnh biệt tìm nhé. Tôi cũng dặn người thân như vậy!”… Nói xong anh cười khanh khách cứ như chết… vui lắm vậy, làm Diệu phát hoảng!
Mỗi người ăn hết hộp cơm ngon lành vì sáng giờ họ chả có thời gian uống nước nói gì đến ăn. Trọng vừa xỉa răng vừa nhìn Diệu cười cười, hỏi: – “Cô 40 tuổi à. Nếu phải hy sinh trong nhiệm vụ này, cô tiếc gì nhất?”.
Diệu bỗng thấy mến anh chàng để ria mép, cởi mở thân thiện và nói năng kiêu bạc này. Cả ngày hôm nay cô đã chứng kiến những nỗ lực không ngừng của anh trước các bệnh nhân Covid-19, có thể lây nhiễm và mang điều đáng sợ cho bất kỳ ai. Trong cơn “đại hồng thủy” Delta đang nhấn chìm nhân loại, trong khu cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 (tầng 3 – tầng cao nhất trong hệ thống điều trị bệnh nhân Covid-19) này, cái chết có thể đến chỉ sau vài cơn sốt, ho. Ai vào đây cùng biết điều đó và chấp nhận không sợ hãi. Cô đã thầm phục tinh thần trách nhiệm và tính lạc quan của Trọng, nên giờ cũng bắt chước anh, tếu táo:
– Nếu phải chết vào lúc này, em tiếc nhất là… chưa được biết nụ hôn mặn hay ngọt!
Trọng tròn mắt:
– Cái gì?… 40 tuổi, đã có con 20 tuổi như cô vừa kể mà chưa biết nụ hôn mặn hay ngọt là sao?
– Em nói thật… bố mẹ ép lấy người em không yêu. Chả bao giờ em cho chồng hôn môi trong 3 tháng sống chung?
– Rồi sau đó…
– Em bị chồng “cưỡng hiếp” vài lần nên có thai. Sanh con xong từ miền Trung vào Sài Gòn làm công nhân giày da. Đầu tháng năm (5/2021) dịch về, nhà máy đóng cửa, em xin sang công ty vệ sinh công nghiệp. Công ty cử em làm ở bệnh viện này…
– Con em?
– Ông bà ngoại nuôi…
– Hơn 20 năm ly thân, ly dị… em không có thêm mối tình nào sao?
– Có vài người muốn đến, nhưng em quá sợ hôn nhân gượng ép!
– Vậy… nhu cầu trời sinh thì sao?
– Em chịu đựng mãi thành chai sạn rồi!
– Tội nghiệp cô quá…
– Còn anh thì sao?
– Tôi… ngược lại với cô…
– Là sao?
– Mười sáu tuổi tôi lịm đi trong nụ hôn đầu đời của bà ấy. Sau này tôi được nhiều người khác hôn, nhưng không có nụ hôn nào đánh thức được ký ức… tôi cứ đi tìm… thất vọng… rồi cũng lãnh cảm luôn!
– Bà ấy là ai?
Trọng nhìn xa xăm:
– Bà chủ nhà trọ năm tôi từ dưới xã vùng sâu lên thị trấn học cấp 3. Bà ấy bằng tuổi mẹ tôi nhưng chưa lấy chồng hay được hôn… Hơn ba mươi năm qua tôi luôn sợ hãi, xấu hổ mà vẫn ám ảnh nụ hôn tội lỗi đó. Tôi chết ấm ức nếu không tìm được đôi môi trinh bạch như vậy!
– Ồ… Anh lấy vợ chưa? Sao phải vào đây làm TNV?
Trọng đút điện thoại vào túi quần, đứng lên với đôi mắt ánh lên mạnh mẽ:
– Hơn ba giờ chiều rồi, mình vào thay ca cho mấy người kia ra ăn đi. Chắc họ cũng đói lắm rồi!
***
Trọng đang đẩy máy chụp X.quang di động giữa hai dãy giường bệnh thì loạng choạng rồi gục xuống. Mọi người hốt hoảng đở tấm thân xuội lơ của anh dậy, tháo kính chắn, khẩu trang, đồ bảo hộ… rồi cấp cứu cho cơ thể sốt nóng hầm của anh. Trọng phải thở oxy và điều bất ngờ là anh đã tái nhiễm Covid-19. Qua thông tin từ những người làm chung, Diệu mới biết Trọng là thợ hàn điện bậc 7/7, bị nhiễm Covid-19 và được đưa vào bệnh viện này từ đầu mùa dịch. Bình phục sau hai tháng chiến đấu với tử thần, Trọng ở lại làm TNV để trả ơn và hỗ trợ các y bác sĩ chống dịch, cứu người. Trọng là TNV năng nổ, xông xáo dù sức khỏe vẫn chưa hồi phục. Anh không nề hà bất cứ việc gì, kể cả vệ sinh hàng ngày cho các bệnh nhân hôn mê, thở máy hoặc lau rửa thi thể, mặc trang phục đẹp cho những người chuẩn bị chuyển xuống “nhà vĩnh biệt” chờ bộ đội đến đưa đi hỏa táng và trao trả tro cốt cho người thân của họ!
Thời điểm cuối tháng 7 năm 2021 này, thế giới vẫn tin người đã khỏi bệnh Covid-19 sẽ “bất tử” trước các khả năng lây nhiễm mới. Thậm chí nhiều nhà khoa học uy tín của Mỹ, châu Âu còn đặt vấn đề lấy huyết tương người đã khỏi bệnh để điều trị cho những người mới nhiễm ở thể nhẹ và vừa. Đó là lý do Trọng rất tự tin, xả thân với công việc TNV của mình, cho đến lúc anh gục ngã với xác định là tái nhiễm corona!
Đó là những ngày nghẹt thở nhất trong bệnh việc được chuyển thành trung tâm hồi sức cấp cứu Covid này. Các phòng bệnh, các hành lang tiếng còi báo nguồn oxy sắp cạn vang lên dai dẳng, nhức nhối. Nhiều bệnh nhân trong đó có Trọng nằm ngáp như cá vì đói oxy, thở không nổi. Những đôi môi tím ngắt, những ánh mắt sợ hãi thất thần của họ như dao cứa vào lòng các y bác sĩ đang nhìn họ nguy kịch mà bất lực. May là chỉ ngày sau, khủng hoảng oxy được khắc phục, các bệnh nhân như được tái sinh!
Diệu đã hết “nhiệm kỳ” 30 ngày cách ly cùng công việc trong bệnh viện. Cô được quyền về nhà, nhưng một tháng làm việc cùng những người hy sinh thầm lặng để nỗ lực cứu bệnh nhân đã làm Diệu thay đồi. Cô nhớ các nam, nữ bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng sau khi vắt kiệt sức lo cho người bệnh đã lấy chút thời gian nghỉ ngơi ít ỏi để gọi video về nhà. Họ vừa khóc vừa nói chuyện với con thơ, mẹ già, cha đang khò khè với điều đáng sợ của bệnh viêm phổi trong mùa dịch. Có cả những TNV như Trọng đã nức nở khi người thân mất mà không thể về thắp nén hương dù chỉ cách 1 giờ chạy xe máy. Những người hùng đó đang “quyết tử”, trong “pháo đài” chống dịch này. Họ không dám về nhà vì sợ lây cho người thân. Cuộc chiến này cũng đau thương, tàn khốc dù không bon đạn! Diệu thấy mình ích kỷ thậm chí là xấu xa nếu rời bỏ nơi vẫn đang cần mình, rời bỏ những con người đánh kính phục như vậy để yên thân nghỉ xả hơi sau một tháng nỗ lực gấp 2, 3 lần sức lực của mình. Hơn nữa từ ngày quen rồi thân với Trọng, chia sẻ với nhau từng hộp cơm, chai nước và những khoảnh khắc vui, buồn Diệu mơ hồ cảm nhận giữa hai người sẽ có, phải có điều gì đó hơn là tình bạn. Cô không thể chia tay khi anh đang ốm đau! Thế là Diệu điện thoại báo công ty rồi xin lãnh đạo bệnh viện cho cô được ở lại tiếp tục hỗ trợ các y, bác sĩ cứu chữa các nạn nhân Covid-19 mà không cần bất cứ chế độ chính sách nào. Hàng ngày Diệu phải chăm sóc và nâng đỡ cho Trọng đi bộ, tập thở. Có buổi chiều hai người vẫn bịt bùng đồ bảo hộ, đeo găng tay cao su ra công viên ngồi, Trọng nắm tay Diệu nửa đùa nửa thật:
– Cả đời em chưa được hưởng nụ hôn tình yêu, anh cũng vậy. Cầu mong đại dịch sớm kết thúc để thế giới được hôn nhau, anh với em được hôn nhau!
Diệu cười qua khẩu trang và tấm chắn:
– Em tin ngày đó sắp đến rồi!
Ngày 30-9-2021, lời tiên đoán của Diệu đã thành niềm vui cho cả nước! TPHCM với những nỗ lực không mệt mỏi và sự chi viện cực lớn từ các bộ, ngành, tỉnh, thành và sự giúp đỡ từ các quốc gia, tổ chức quốc tế, đã kiên cường cầm cự rồi khống chế giảm dần tính hung hăng của virus corona. Đó là sáng cuối thu 2021, trời xanh, nắng đẹp, các con phố Sài Gòn tràn ngập tiếng cười và dần lấy lại sinh khí vốn có khi các lều bạt dã chiến, barie, dây phản quang… ở các nút giao thông được dở bỏ. Nhà nhà bung cửa sau nhiều tháng đóng kín; người người ùa ra đường sau bao ước mong, trông đợi. Cả thành phố mênh mông lặng lẽ, u ám, sợ hãi… bỗng bừng lên sức sống từ niềm khao khát tự do bị kiềm nén suốt mùa cách ly chống đại dịch. Quán xá lác đác mở cửa, hàng rong, bán dạo hồ hởi thể hiện vai trò nhộn nhịp dù vẫn còn hạn chế. Muôn người vẫn khẩu trang, kính chắn; nhưng niềm vui từ ánh mắt lấp lánh dưới vành nón, trên khẩu trang ai cũng cảm nhận được. Tiếng cười nói vang lên cùng tiếng xe cộ, tiếng rao hàng và lời cảnh báo không chủ quan với dịch từ các loa phóng thanh ven đường, loa cổ động đặt trên ôtô, xe máy của các đội công tác… càng làm ngày “mở cửa” của Sài Gòn thêm ồn ả, nô nức, sung sướng lòng người…
Trọng lái xe máy vào chợ Hồ Thị Kỷ, Q10… khu chợ nhộn nhịp hai bên con đường hẹp hôm nay rực rỡ muôn vàn sắc hoa Đà Lạt. Bao nhiêu tháng chống dịch không ai nhớ, ai cần đến hoa. Ngày đầu được thông thương trở lại, dòng chảy ôtô từ các tỉnh tíu tít nối đuôi nhau đưa nông sản, thực phẩm, hàng hóa về Sài Gòn. Chợ hoa đầy ắp hoa, chật chội và huyên náo làm Trọng thấy ấm lòng dễ sợ. Từ trẻ đến già ở thành phố Hồ Chí Minh hơn 10 triệu dân này đều đã thấm thía nỗi buồn, nỗi sợ đại dịch. Với những người từng chiến đấu sinh tử để cứu người và cứu chính mình khỏi những cơn ho, cơn sốt ác nghiệt như Trọng dĩ nhiên càng hiểu thế nào là “khống chế, đẩy lùi dịch bệnh”… mấy chữ đó được viết lên bằng mồ hôi, nước mắt và sinh – ly – tử – biệt của hàng triệu gia đình, cơ quan, tổ chức. Đó là trí tuệ, ý chí, nguồn lực của cả nước dành cho thành phố này. Đó là nụ cười chan đầy yêu thương với nước mắt!
Trọng cảm thấy mình may mắn khi đi qua cuộc chiến khốc liệt đó. Anh đã hai lần cận kề cái chết sau khi nhiễm và tái nhiễm covid, giờ nghĩ lại vẫn ác mộng. Anh run run chọn một bó hoa cẩm chướng như còn ướt sương lạnh của Đà Lạt. Đưa tờ 200 nghìn và không màng tiền thối, Trọng đưa bó hoa lên, kéo khẩu trang xuống, hít say sưa từng bông hoa ươn ướt thơm mùi đất, mùi mây, mùi gió… Đó là hạnh phúc chỉ có thể cảm nhận chứ không thể tả. Anh đặt bó hoa ngay ngắn trên tay lái xe máy và mĩm cười khi nghĩ đến khuôn mặt tròn căng, phúc hậu của Diệu… Dịch đã giảm dần, các TNV như anh với Diệu sau khi test âm tính được rời “pháo đài” chống dịch vừa trọn ba ngày…
Trọng dừng xe trước phòng trọ đóng cửa. Một tay ôm bó hoa, tay kia gõ cửa… Giọng nữ yếu ớt qua khe cửa: “Ai vậy”…
– Trọng đây… Em bị sao?
– Sau hôm từ bệnh viên về, tự nhiên em ớn lạnh, nửa đêm sốt, nhờ cô bạn ở chung test giúp thì… dương tính! Bạn em dọn sang chỗ khác…
– Trời… Nhưng em chích 2 mũi vaccine rồi sẽ không nặng như anh đâu!
– Em ngại lần đầu anh đến thăm mà không tiếp anh được!
– Đừng lo, bạn bỏ đi thì… anh chăm sóc cho em…
– Không… anh muốn bị nhiễm lần ba à?
– Anh không sợ… mở cửa để anh dắt xe vào…
– Trạm y tế lưu động đã khám cho em rồi, nếu bệnh chuyển nặng họ sẽ đến hỗ trợ. Anh về đi!
– Sao em đuổi anh?
– “Chưa tìm được “nụ hôn ký ức” thì chết ức lắm” – Anh từng nói, nhớ không?
Trọng đứng lặng một hồi rồi nhỏ nhẹ:
– Vậy mở cửa tặng em bó hoa rồi anh về!
“Cạch”… cánh cửa sắt hé ra. Diệu đeo hai lớp khẩu trang, phờ phạc hiện ra với đôi mắt lo âu. Trọng ấn bó hoa vào tay Diệu rồi bất ngờ ôm chầm cô thỏ thẻ vào tai: – “Em phải được nếm vị ngọt của nụ hôn…”. Diệu chưa kịp phản ứng thì Trọng đưa chân khép cửa, kéo luôn hai lớp khẩu trang của Diệu, hai lớp che mặt mình, liều lẫn áp đôi môi nóng hổi vào môi Diệu…
Diệu kinh hoàng vùng vẫy, Trọng vẫn ôm siết, khóa môi… Thân hình mềm mại sau váy ngủ của Diệu như lả đi, căng nóng dần lên. Cô nhắm mắt lại, trí óc mù mịt, nghe mơ hồ như đang bị dìm thật sâu vào hồ nước tối tăm, ngạt thở nên quẩy đạp mà không thoát ra được. Cô cố đẩy Trọng ra, nhưng hai tay yếu dần và chân rủn đi khi cuộc phiêu lưu của Trọng như ngọn sóng thần cuồng si đẩy cô lên cao vút rồi thả cô rơi chới với, hụt hơi, bất ngờ tan rã, hòa lắng trong mới mẻ, mãn nguyện. Diệu như thiếu nữ dậy thì lần đầu lửa tình thiêu đốt bùng nổ bản năng!
***
– Sao anh dám hôn môi người đang bị covid…?
– Vì anh tin đó là đôi môi trinh nguyên, thuần khiết anh đã khổ tìm suốt 33 năm qua! Hơn nữa chúng mình đi qua sinh tử đại dịch mới tìm được nhau. Giờ có chết cũng không thể mất nhau!
– Trời…!… Anh là thợ hàn điện chứ có phải họa sĩ, thi sĩ đâu mà lãng mạn vậy?
– Thợ hàn là nghệ sĩ đặc biệt đó em, họ sáng tạo trong ánh sáng chói lòa của từng mối hàn nóng bỏng. Sản phẩm sắt thép mà họ tạo ra đôi khi cục mịch, thô ráp, nặng nề… Nhưng đó thực sự là những tác phẩm làm thăng hoa cảm xúc con người như bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào. Thợ hàn là nghệ sĩ chân chính nhất của nghệ thuật vị nhân sinh. Họ làm cuộc sống con người văn minh, hạnh phúc hơn!
– Anh giải thích nghe rất hay nhưng liều quá… Anh có thể tiêu đời vì nụ hôn đó, biết không?… (điện thoại của Diệu sáng đèn, đổ chuông, cô áp lên tai)… Alô… dạ đúng, Lan Diệu đây ạ… Dạ, bác sĩ ở trạm y tế lưu động số 2… xin bác sĩ nói lại… kết quả RT-PCR… em âm tính… Trời ơi… mừng quá (cô mếu máo quệt nước mắt)… dạ… dạ cảm ơn bác sĩ…
Diệu quăng luôn điện thoại xuống nệm, dí ngón tay vào trán “tình đầu” trách yêu: – May cho anh đó, nhưng… (Diệu ngả vào Trọng nũng nịu). Nụ hôn “nghìn độ” của thợ hàn làm em tan chảy rồi nè! Thật bất ngờ…
Trọng ôm Diệu, mừng rỡ:
– Anh cũng hết lãnh cảm rồi, hạnh phúc đến run rẫy khi được hôn em. Chúng mình cưới nhau nhé!
Trọng bước đến mở tung cửa số, cửa lớn… nắng vàng tràn vào; tổ ấm của cặp đôi sáng, vui lên trong không khí chộn rộn của khu nhà trọ công nhân. Hôm nay Sài Gòn “mở cửa”, hôm nay Sài Gòn đi qua đại dịch và khởi động lại cuộc sống sầm uất, thịnh vượng vốn có. Tiếng của hàng xóm vang lên háo hức:
– Chuẩn bị nhận quà cứu trợ của Bộ đội nhé. Đang phát từ đầu xóm vào… Ngày mai được trở lại công ty làm việc rồi anh em ơi, vui quá!
Cả khu trọ bị phong tỏa suốt 120 ngày chống dịch (từ 31/5 đến 30/9/2021) giờ bừng bừng khí thế. Các gia đình công nhân gõ xoong, chảo, mâm, thau… reo hò phấn khích rồi đồng loạt hát vang: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”.
Trọng âu yếm nhìn Diệu, hai miệng cười mà bốn mắt đỏ hoe, ngấn nước…!
10.10.2022
LẠI VĂN LONG