- Lý luận - Phê bình
- “Hoa cho tình yêu” kết quả “ngọt lành”
“Hoa cho tình yêu” kết quả “ngọt lành”
TUẤN TRẦN
(Tiểu thuyết “Hoa cho tình yêu” của Nhà văn Hoàng Phương Nhâm, đôi điều tri âm)
Đâu chỉ là câu chuyện tình yêu đơn thuần. Thế nhưng khi gấp sách lại trong tôi chỉ còn “những hoa là hoa”. Hay khu vườn địa đàng đầy tình cảm hoa cỏ. Như một huyền thoại, mà thực ra sức mạnh vô biên của tình yêu có thể vượt lên tất cả nỗi đau khổ khôn tả hay/ hoặc hóa lành những vết thương tưởng như không thể nào liền miệng. Một câu chuyện tình lãng mạn hóa, thi vị hóa, có thể là tuyệt đối hóa, còn phù hợp chăng? Trong bối cảnh xã hội “tiền trao gạo đong” thẳng thắn đến “lạnh tanh”...Rất cần chứ: chữa lành, xoa dịu, và hơn thế “tình yêu là chân ái/ lý tưởng cao nhã bậc nhất”.
Nhà văn Hoàng Phương Nhâm nhận giải Khuyến khích cho tiểu thuyết "Hoa cho tình yêu", 30/12/2024.
“Chiến tranh không phải trò đùa” và hậu chiến, dọn dẹp những tàn dư lại là một mặt trận kịch liệt hơn thế. Cuốn tiểu thuyết, trước hết giải quyết vấn đề “nhức nhối”: “hận thù” bằng “Tánh không” (quote: Phật học) theo cách “tôn vinh” tình yêu/ sức mạnh cảm hóa của tình yêu. Và chỉ có thể tình yêu mới đủ sức “ve vuốt lòng tự ái của những hờn hận ăn bắt”. Chuyện “chiến thắng” cha ông đã làm rất kì vĩ. Hai thân cây đại thụ thực dân kiểu cũ và mới đã được đốn ngã ra giữa khu vườn. Phần còn lại dọn dẹp cho sạch thơm là của “đôi trẻ/ lứa đôi” (thế hệ tương lai). Cái chúng ta cần “dọn” không hẳn là tàn tích vật thể, bởi đất nước đã khang trang. Nhưng trong sâu thẳm của người ở lại, dẫu đã nửa thiên niên vẫn còn đóng cặn nỗi hờn hận khôn nguôi.
Cuốn tiểu thuyết, như là một “mệnh lệnh” mà người viết được giao trọng trách sứ giả để gửi gắm đến người đọc: Hận thù đã đến lúc hết trách nhiệm lịch sử của nó. 50 năm, quá đủ để ta “dứt khoát”, “khẳng khái”, đường hoàng”, “minh chính” rằng: Vết thương trong ta đã hoàn toàn liền miệng. Thứ còn lại là mặt trời khoan hồng, độ lượng huy hoàng. Tự thân những linh hồn tử chiến cũng đã tìm về một nơi an trú ngọt ngào nhất, họ đều đồng ý rằng tình yêu đã chiến thắng. Đĩa nhật thực u ám của lòng oán giận và sự đeo mang kiếm tìm đám xương tàn cốt rụi không nên làm phiền nữa, tới tương lai đương phát triển và thịnh thế của dân tộc. Quần hội trên bầu trời là những anh hồn đang bừng sáng giải ngân hà, còn trong thất thổ kia đâu có gì thuộc về cõi tinh thần siêu thiêng...(Những linh hồn lính chiến đã tìm về “ngôi làng”, sau nửa thế kỉ kẹt trong oải mục với sự thấu cảm chia sẻ. Coi như đã “mồ yên mả đẹp”).
Câu chuyện mở ra trong không gian tâm thức: Vườn giác ngộ (vườn Đà La), tạo ấn tượng nội tâm đặc biệt. Như ăn bắt cảm quan thế hệ: Chi tiết Hiểu Tuệ đi vào mộng sau một vụ tai nạn và gặp gỡ “tiền nhân” cũng đồng thời là “thân nhân”, nói đúng nhất là gặp “người hiền”, “gặp phải” chân lý và cái đẹp... Ý đồ của tác giả có thể là để xây dựng nhiều chiều không gian kết nối: Thực/ mơ, quá khứ/ hiện tại, thực tế/ tâm thức, mối quan hệ huyết thống, sự vận hành của duyên nghiệp... Để làm được điều đó, ắt hẳn tác giả phải đủ “tế vi”, khéo léo, rất mực khôn ngoan để “lia ông kính” cho “thước phim” kịch trần.
Sự cài cắm, bắt nối như là tín hiệu đầu tiên cho thông điệp tình yêu lớn lao sau này. Ngay từ đầu tác phẩm: Tình nhân loại rộng sâu miên viễn đã ẩn hiện trong các tình tiết. Tình người lên ngôi, khi những thế lực từng lâm chiến lại có cuộc gặp gỡ trong “giao thức thực mơ”. Đồng thời mở ra thời/ không nghệ thuật đậm màu “chiến tranh” và những đổ nát chiến tranh. Việc xây dựng không gian “phi trọng tính” như thế, là một điểm nhấn sáng tạo. Câu chuyện mới mở đầu mà đời sống thẩm mỹ đã thể hiện sự “hứa hẹn” những điều đáng giá.
Hơn thế nữa, không gian hư thực nhưng không mông lung. Như sự thống nhất giữa các mặt đối lập, luôn có một điểm “giao/ dung hòa” nếu như con người “nỗ lực” để được kết nối. Nhà tiểu thuyết đã bước đầu thuyết phục được người đọc, để họ mở cánh cửa vào khám phá vườn văn. Cho đến khi bước ra khỏi khu vườn nghệ thuật, người thưởng thức hiểu được điều lớn lao tất thảy: Khi đi đến tận cùng dân tộc ta sẽ tìm thấy nhân loại. Trong tình thương vô bờ bến, những hận sầu sẽ “thoái chí ngã lòng” và dần trôi vào địa mộ thời gian. Hình ảnh người lính đi tìm bạn và người bạn kia lại đã được phủ liệm bên cạnh “kẻ thù” trong tư thế nắm tay nhau. Có thể mường tượng ra giây phút họ vận sức người cố lết gần hơn để dắt nhau cùng qua đời. Lằn ranh ngăn cách tư tưởng thù nghịch, đối kháng đã bị/ được xóa nhòa. Chỉ còn lại những giấc mơ thiêng với khu vườn địa đàng cảnh đẹp như ru. Chiến tranh vốn dĩ là sự tiếp tục của chính trị bằng thủ đoạn quân sự, khi bước ra khỏi vũng lầy đen tối đó tất thảy hai phía địch- ta đều là “nạn nhân”. Cái nhìn nhân bản đó như ý muốn “cầu hòa”, ý muốn “hóa lành” mọi vết thương lòng và thôi đay đả quá khứ, hay ôm nỗi đau mất mát tang thương. Chỉ có như thế thì mới “khả dụng” trong việc xoa dịu nỗi đau, tiến về phía trước...
Sự tồn tại song song hai tuyến nhân vật người cõi sống và kẻ đã đi vào thiên cổ ở trạng thái luôn cộng hưởng đối thoại/ can dự vào chuyện hôm nay đã đạt “ý đồ” về việc sẽ tìm ra được “chân lý” thực sự. Chỉ khi ngồi lại lắng nghe nhau trong tư thái của sự “giác ngộ” mới có thể giải quyết mối hận. Vườn Đà La như là chốn để hai bên cõi sống/ chết có cơ hội thấu hiểu lòng chung.
Việc chọn lựa và xếp đặt những nhân vật theo nghề Bác sĩ đó là ẩn dụ của khát vọng chữa lành. Tất cả chúng ta đều cần được thăm khám sau cuộc giằng co thiện/ ác ở đời. Hành trình đi từ mộng qua thực là hành trình “người từ trăm năm về nơi sông rộng”. Thông điệp từ người đã nằm xuống trao cho người đang tiếp tục thực hành sự sống là hiểu và thương, là nếu được hãy dùng mọi nổ lực cho thứ tha...
Khi Hiểu Tuệ tỉnh lại, sự xuất hiện của An Đông với ánh nhìn trìu mến, có thể nói đó là “Phút giây số phận” (Andre Mauris) trong đời người. Những chi tiết nhân sinh tình yêu từ đó xảy ra: Khoảng khắc đó/ Đột nhiên/ Cỏ cây chim thú/ Đình cuộc chiến tranh đã tiếp diễn bao đời (Khoảng khắc đó – Maicơn Đâyanăng). Và câu chuyện tình yêu lứa đôi nảy sinh trên mảnh đất thù hận, trên những bề bộn “hậu chiến tinh thần”. Đòi hỏi con người phải đủ đam mê, đủ cháy bỏng, đủ ràn rực, đủ độ tha, đủ dũng cảm để vượt qua những “hòn đạn mũi tên” của hiện thực. Tình yêu đó đang đứng giữa hai làn đạn. Không thể kích động phản công, chỉ có thể lấy hoa hồng để hôn rửa hận thù.
Các trường đoạn miêu tả về thiên nhiên và con người lung linh, lấp lánh sự sống. Khi minh họa mùi vị chiến tranh và đổ nát, nhà văn cũng đã thể hiện được thực cảnh tàn tích của những khốc liệt. Khi họa bức tranh thần thức hiền thiện người đọc được dịp mộng mơ... Khung cảnh đất nước qua lăng kính nhà văn thật tuyệt đẹp. Để được độ tinh xảo trong họa cảnh cho ra dụng ý chuyển tải vẽ đẹp tình yêu, thực sự, tác giả phải có “kỉ xảo” cùng lòng ái quốc vô tận. Ống kính máy quay đi từ xa tới gần nhịp nhàng, bao quát, cho ra không gian nghệ thuật lồng lộng...
Trong cơn mộng bất thường ấy, sự tương phản của hai gam màu chiến tranh và thanh bình yên ả, cùng những nên duyên “mối quen biết” siêu thức của người hai cõi đối lập song rất đỗi hài hòa. Nó tạo nên vẻ đẹp thuần khiết và hoàn thiện, một vẻ đẹp mà, nói như một học giả, tự thân nó đã là sức mạnh: Rất thần bí.
Cuộc gặp gỡ này, mối lương duyên nặng nghĩa này, tình cảm mãnh liệt lứa đôi này rất đặc biệt vì bối cảnh hạnh ngộ là vừa bước ra từ chiến tranh. Và thực sự, chỉ bước được qua chiến tranh khi ta gấp trang sách lại. Bởi vì, 50 năm qua khi lòng còn hận sầu thì không thể nào ta nói rằng chiến tranh đã rồi, mọi sự đã xong, vẫn còn đó cuộc chiến làm đau cõi lòng...Nếu là tình lính và văn công trên đường chiến trận, hay tình yêu dưới trời thanh bình nó lại khác. Còn ở đây, thời điểm mới chớm “tự giác giác tha”. Con người phải đứng trước nhiều vấn đề “nhức nhối” cần giải quyết. Trong đó có việc phải tìm cách hàn gắn những vết đau của mất mát, tang tóc. Hòa bình thành thực nhất khi cõi tinh thần biết nâng niu, thưởng thức tình yêu và vấn đề của “chiều sâu bi kịch”, không còn kết khối mà ăn nhấm gặm thân người. Tình yêu của họ không chỉ là cho nhau mà lớn lao hơn và tất cả, không sao với tới là sứ mệnh phải giúp cho nguôi tan sự xót xa trong lòng người ở lại.
Hành trình thiêng liêng cao cả ở đời cũng có thể nói là hành trình của tình yêu. Hay quy luật của cuộc sống là quy luật của tình yêu. Chính sự “bền bỉ”, “kiên trinh” “quyết liệt” đến cùng của đôi trẻ để tình lên ngôi, cho đời đẹp hơn chút đỉnh đã giúp cho người mẹ tha thứ cho chính mình, buông bỏ mối hằn học trong cõi lòng và đặt tay đôi trẻ lên nhau để trọn vẹn những yêu thương thường hằng. Chi tiết gặp gỡ, đính ước, hẹn thề, rồi những thất vọng tràn trề, trốn chạy và tìm nhau được xây dựng rất “trữ tình”. Tác giả được dịp trải ra trong ngôn ngữ cảnh đẹp thiên nhiên đất nước, quá đỗi hoành vĩ, tráng lệ...
Con gái của một nhà Triết thuyết vô sản từng hỏi ông ấy rằng: Hạnh phúc là gì hả ba? Mác đã trả lời con gái: “Hạnh phúc là đấu tranh”. Có thể nói rằng, hành trình đi tìm hạnh phúc cũng đấu tranh kịch liệt với nhiều thăng giáng, lật trở, ưu tư. Để tới được bến bờ họ đã “ngậm ngùi”, đã có những giằng xé để tìm ra cái chân ngã lương thiện thứ tha: “Hạnh phúc thực hơn mọi điều đã tả - Lại ngọt ngào kì lạ, lớn lao hơn” (Bằng Việt)? Đã có một hành trình như thế, một hành trình cảm hóa hận thù trong bình yên và yêu thương, trong an trú và trọn vẹn nơi hiện tại, trong đồng vọng tiếng hình dân tộc. Vẻ đẹp tình lứa đôi ấy đã thực sự cất cánh.
Vậy là tác phẩm lại ra đời vào quãng thời gian nhìn/ nhận lại nhiều điều, cần soi sáng cho ra chân tướng sự thật. Hiện thực hiện hình tha hóa trên khung trục tình- tiền- quyền. Đời sống đang độ căng/ bức bối. Tác giả đã đi quá xa trong sự thi vị hoá ư? Vâng, có thể. Nhưng có phải thế này chăng, chẳng chân lý nào vĩnh hằng hơn tình yêu chân chính. Cái đẹp có thể tuyệt đối hóa được vẽ ra trong tác phẩm, phải nói là, rất cần chứ, trong “cơn sốt vỡ da” khi nhiều trò xảo trá vô luân đòi đứng lên “hoán đảo” vị trí của niềm tin, khát vọng và tình yêu đôi lứa. “Hoa cho tình yêu” như tiếng lặng trên nền thời gian vồn vã, đủ đầy cho những nỗ lực hàn gắn những vết thương đời. “Hoa cho tình yêu” thúc dục sống, yêu, hiểu, làm việc và khi cần được hi sinh cho tình yêu...