TIN TỨC
  • Truyện
  • Quả cam | Truyện ngắn dự thi của cao dung

Quả cam | Truyện ngắn dự thi của cao dung

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
659 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

Bao tiền một ký cam,

Bao tiền một mớ trú đông lòng người?

Giữa trưa nắng nóng ả ơi,

Dòng đời xe cộ, chẳng ai ngoái nhìn.

                                                                       

Cụ bà ngồi lặng nín thinh,

Tay cầm ổ bánh mì khô, nuốt lòng.

Mắt cụ nhìn ngó xa xăm,

Xem coi ai đó dừng chân lựa dùm.

 

Trưa mùa ngày nắng cuối năm,

12 giờ lẻ, không ai đoái hoài.

Thương thay thân phận kiếp này,

Lưng còm, chân mỏi vẫn hoài kiếm cơm.

*

12 giờ trưa hôm ấy, có một cô tác giả vội vã đi tìm nhà sách cũ để mua cho mình một cuốn sách. Cuốn sách ấy có tên gọi không mấy xa lạ với những ai muốn được chữa lành, muốn sống có cái nhìn tích cực thấu hiểu hơn, nhất là thấu hiểu về chính mình: HIỂU VỀ TRÁI TIM.

Nhưng trời không chiều lòng người, đi qua bao chặng đường mà vẫn không nhìn ra nổi được một tiệm sách cũ. Cũng không rõ có thế lực nào đó đã thao túng tâm lý cô không, khiến cô đến khi về tới nhà mới sực nhớ ra:

“Ủa, tại sao phải mua sách cũ? Mình có thể mua sách mới mà!”.

Nhưng đã muộn, cô đã ở ngoài đường giữa cái nắng gay gắt ấy một buổi trời. Có lẽ nhờ vậy mà cô đã tình cờ làm hai việc. Nói tình cờ nhưng ngẫm lại, thật ra là lựa chọn!

- Mua cam ủng hộ cụ bà.

- Mua ly nước mía cho ông cụ đạp xe ba gác chở hàng.

Hai người ở độ tuổi gần cuối của sinh mệnh, việc gì cần trải qua cũng đã trải, những người đã gặp chắc nhiều hơn số người mà tôi biết cho đến hiện tại. Gần cuối đường đời nhưng gánh nặng mưu sinh vẫn đang đè nén họ mỗi ngày.

Cụ bà là ai tôi không rõ, cụ càng không biết tôi là đứa ất ơ nào. Làm gì có ai đi mua đồ mà trước khi đưa tiền hay bước vào lựa mấy món lại lịch thiệp mỉm cười rồi bắt đầu giới thiệu họ tên, nghề nghiệp, sở thích cá nhân hay lý do mua đâu… Tôi cũng thế thôi, đâu có muốn trở thành một kẻ dị thường trong mắt một cụ bà răng còn mấy chiếc, gương mặt đầy những dấu vết của thời gian đã âm thầm khắc họa. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cụ; và cũng như bao lần, tôi hiểu về sau chúng tôi sẽ không còn gặp lại nhau lần nào nữa.

Giữa cái nắng gay gắt ấy, ánh mắt tôi - Cô gái mặc bộ đồ cũng nóng không khác gì cái nhiệt độ đang thiêu đốt tất cả mọi người hối hả tìm bóng râm, đã va vào một hình dáng nhỏ nhắn nhưng có phần “nhăn nheo”. Tại sao tôi gợi tả là nhăn nheo? Là vì chiếc áo trên người phụ nữ ấy đã cũ và nhăn nheo, gương mặt cũng nhăn nheo, đôi mắt thì dường như đang cố mở ra vì chỉ cần sơ hở là hai bờ mi sẽ nhíu lại nhanh chóng. Người phụ nữ ấy tôi đoán chắc đâu đó phải 70 là ít. Tôi gọi người đó là “Bà”. Cái dáng dấp đó khiến tôi nhớ về người bà quá cố của mình! Cũng đội nón lá cũ, cũng hay ngồi chồm hổm giữa mấy khu chợ quê mưu sinh từng đồng, kiếm cháo kiếm rau để mua cho đứa cháu nhỏ đang đợi ở nhà mấy cái bánh da lợn xanh trắng xen kẽ…

Chiếc xe bon bon chạy, tốc độ ngày càng chậm dù người lái đang muốn chạy thật nhanh khỏi hình ảnh khắc khổ vừa lướt qua.

Kéttt… Con ngựa sắt đã cũ mèm bỗng đứng yên!

Nó không thể đi tiếp vì chủ nhân của nó muốn quay đầu để làm thêm một việc gì đó cho đời, cho những người tình cờ xuất hiện trong hành trình trưởng thành của cô ấy.

Người với người, không quen không biết mà lại không nỡ lướt qua nhau thì tôi gọi đó là duyên. Sẽ luôn có một mối duyên nào đó xuất hiện bất chợt trong đời ta, nhưng có đón nhận và tiếp theo đó là gì thì tất cả là do ta lựa chọn. Tôi và cụ bà này cũng thế, một cô gái đầu đội nón 3/4 kín mặt, một cụ bà ngồi bán cam trước cửa một ngôi chùa. Chúng tôi không biết nhau nhưng sau cú quay xe này, chúng tôi không còn xa lạ.

“Bà ơi… Cam bán sao vậy bà?”.

Bà cụ nhìn cô gái trước mặt, cười tươi, quẹt vội khóe miệng vừa nhai xong ổ bánh mì không khô khốc - cũng chính là bữa trưa tạm bợ qua loa. Chỉ tay vào từng giỏ cam, bà báo giá một cách lịch sự:

“Dạ, này 30, còn cái kia thì 40 đó cô!”.

Tôi không hiểu tại sao những người lớn tuổi mà mình từng tiếp xúc qua, nhất là trong những hoàn cảnh không được may mắn đủ đầy thì đều có lối xưng hô thật lạ, lịch sự đến mức khiến mấy kẻ hậu bối như tôi cảm thấy ngại ngùng. Nếu so về tuổi thì tôi chỉ đáng con cháu bà, có khi thuộc hàng chắt chít, vậy mà bà cứ một lời dạ, hai câu vâng khiến tôi hơi e ngại khó xử. Với vị trí của một người khách vãng lai qua đường, không có nhu cầu đem cam về nhà hay thích uống cam nhưng lại rất muốn mua cam. Vào lúc ấy, trong đầu tôi chỉ có đúng một suy nghĩ duy nhất:

“Thôi cứ mua ủng hộ cho bà vui, mình mua cái gì thì người ta đều sẽ bán đắt cái đó nên xem như mở hàng lại cho bà đi. Bà sẽ bán hết sớm hơn”.

Tôi nhờ bà lựa giúp mấy trái, nhỏ hay lớn cũng không là vấn đề. Tôi mua một ký cam và có hỏi thăm bà vài câu, sau đó chúc bà bán tốt, khuyên bà nhớ giữ sức khỏe. Cuộc đối thoại ngắn ấy kéo dài chỉ mấy phút, trời vẫn nắng và tôi chợt nhớ ra mình vẫn chưa mua được sách. Vậy là tạm biệt bà, tôi lại đi trên hành trình của riêng mình. Bà ngồi đó, vẫn dáng hình nhăn nheo nhỏ nhắn cầm nâng niu từng quả cam, lau cho bóng loáng để chúng thu hút được người qua kẻ lại.

Phận đời, bao người được an nhàn ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy”? Hiếm lắm, khó lắm! Hay là vì xung quanh tôi chưa đủ duyên để gặp những cụ ông cụ bà được sống tận hưởng khi ở đoạn cuối đường đời. Khắc khổ mưu sinh, con cháu chắc không thiếu ở tuổi này nhưng dường như việc tự kiếm sống là một điều họ muốn, hoặc cũng có thể là buộc phải chấp nhận. Nếu có một mong ước, tôi chỉ ước trên mọi con đường đừng có những người ăn xin tội nghiệp, đừng có những người già cơ nhỡ phải lao động tha hương cầu thực.

Tiếp tục đi, tiếp tục tìm kiếm những nhà sách cũ để có được cuốn sách mình muốn. Một đoạn đường ngắn tiếp theo đã cho tôi gặp một người đàn ông lạ, cũng “nhăn nheo” không kém!

Phía trước xa xa là hình ảnh một cụ ông dáng người gầy gò, tóc cắt ngắn, gọn ghẽ và đội một cái nón kết (hay còn gọi là mũ lưỡi trai) màu xanh dương nhạt đã mòn cũ. Khỏi phải nói gương mặt ông cụ cũng nhăn nheo không kém cụ bà mà tôi vừa mua cam. Giữa cái trưa nắng thế này, nếu không phải vì miếng ăn chỗ ngủ thì liệu có ai rảnh như tôi mà đi long nhong ngoài đường?

Điều đáng nói ở đây là cụ không đi xe máy hay đi bộ mà là đạp xe ba gác để chở hàng. Món đồ cụ nhận chở hôm nay là hai cuộn tôn dùng để lợp nhà, rất dài và lớn. Chúng đồ sộ đến nỗi cứ mỗi lần bánh xe quay xong một vòng là cụ lại gồng mình để đạp thêm lần hai, cứ như vậy từng cú rướn người của cụ khiến cái xe di chuyển chậm chạp tiến về phía trước. Nhìn thôi cũng biết hai cuộn tôn ấy nặng nề thế nào. Tôi không giúp được, tôi không thể kè nổi cái xe lớn ấy và tôi cũng có việc cần làm của mình. Ở đời, nếu ta có thể nghiễm nhiên bỏ mặc những gì đã thấy thì đó là sự vô tư hay chính là vô tâm? Tôi không rõ theo quan niệm mỗi người thì đó là gì, nhưng riêng tôi thì hiểu rõ nếu mình cứ thế chạy xe đi thì quá dễ dàng, dễ đến mức tối đó tôi sẽ thức đến sáng để trằn trọc nghĩ về người đàn ông đang cật lực lao động mà mình đã bỏ mặc quay đi.

“Phải làm gì đó, nhất định phải làm cái gì đó cho ông cụ này!”.

Ý nghĩ trong tôi thôi thúc mình hành động, nhìn ngang ngó dọc tôi thấy một cái xe bán nước mía gần đó. Gần như ngay lập tức tôi đã gọi một ly nước mía lớn, và đương nhiên ly nước này không dành cho mình. Đợi đến khi chị bán nước ép xong những cây mía ngọt lịm thì chiếc xe ba gác cũng từ từ khuất bóng sau trụ đèn xanh đỏ ở phía xa. Tôi vội chạy nhanh theo hướng bóng lưng nhỏ nhắn cùng cái nón xanh đang biến mất dần, cuối cùng cũng đuổi kịp. Tay tôi cầm ly nước và gọi cụ:

“Ông ơi… Con gửi ông nè. Ông uống cho đỡ mệt nha!”.

Cụ thoáng ngạc nhiên, còn tôi thì không ngạc nhiên với thái độ này của cụ. Đưa hai tay ra nhận lấy, cụ gật đầu nói lời cảm ơn:

“Dạ… cám ơn cô”.

Lần này tôi ngạc nhiên, lại là chữ “Dạ”. Một người đáng tuổi ông cha lại “Dạ” với mình, e rằng sẽ tổn thọ mất. Chỉ là một ly nước nhỏ nhoi, đâu đáng gì cho tiếng “Dạ” lớn lao kia. Tôi gật đầu lại, hỏi thăm cụ thêm:

“Ông đi đâu vậy? Có còn xa không?”.

Cụ trả lời tiếp, và vẫn “Dạ” để mở đầu:

“Dạ… tui đi tới Mã Nò!”.

Thường người ở miền Bắc sẽ hay bị nhầm phát âm giữa âm L và N. Nghe qua giọng chắc cụ là người miền ấy vào trong đây lập nghiệp. Tôi biết từ chỗ chúng tôi đang đứng đến nơi cụ cần đến là một đoạn đường không dễ đi và cũng khá xa. Cổ vũ cho ông cụ và chúc ông thêm nhiều sức khỏe để mưu sinh rồi chào tạm biệt. Vì đó là đường một chiều nên tôi phải chạy lên trước để quay xe trở lại đường mình cần đi. Nhìn qua con lươn đường dài ngoằn với mấy hàng cây nho nhỏ thưa thớt, tôi thấy dáng hình quen quen cùng chiếc nón xanh vội vã chân đạp xe, tay cầm ly nước hút gấp gáp… Mỉm cười, lòng tôi ấm lạ.

Ở Sài thành, đôi khi người ta không dám nhận đồ của người không quen. Cụ đã uống và tôi nghĩ đêm nay khi trở về nhà, dù đôi chân sẽ mỏi, người sẽ rã rời vì phút giây lao động vã mồ hôi nhưng trong lòng vẫn có chút gì đó ấm áp. Hi vọng giấc ngủ đêm đông sẽ có thêm một nụ cười giữa những ngày vất vả mưu sinh.

Con ngựa sắt của tôi lại tiếp tục hướng di chuyển đến nơi mà tôi nghĩ mình sẽ tìm được cuốn sách định mệnh. Một tiệm, hai tiệm rồi ba tiệm… Những nơi để địa chỉ là bán sách cũ thì giờ đây trở thành quán cà phê, tiệm nail, quán ăn. Thất vọng và hơi một chút bực dọc vì lúc này đã gần 1 giờ chiều, bỗng trong đầu tôi lóe lên ý nghĩ:

“Ủa… Cớ sao mình không mua sách mới? Nhiều nơi mà. Hay là đặt online cũng ổn mà?!”.

Lắc đầu mấy cái rồi tự cười lấy cái sự ngây ngô của mình, tôi cuối cùng cũng hiểu lý do trưa nay phải đi vòng vòng khắp nơi là gì. Có lẽ đã có một thế lực nào đó muốn tôi gặp cụ bà bán cam hay là cụ ông đạp xe ba gác. Thú vị khi nhìn lại hai mối duyên kỳ ngộ vừa qua, dẫu tôi không mua được sách nhưng lòng lại thấy tràn đầy niềm vui hứng khởi. Đâu cần làm điều gì lớn lao, cũng đâu cần phải giàu có rồi mới bắt đầu cho đi. Đôi khi cái mà ta nghĩ là nhỏ bé nhưng chỉ cần đúng thời điểm cũng có thể sưởi ấm cho những người đang cần. Chẳng cần phải lớn lao, chẳng cần được ghi nhận, sau tất cả mỗi việc ta làm trong ngày để rồi khi đêm về đều khiến ta mỉm cười mà đi vào giấc ngủ - Ấy chính là một cuộc đời ý nghĩa và đáng sống, không phải sao?!

Trở về nhà, nhìn ngắm những quả cam tròn trịa rồi bất giác cầm lên một trái. Tôi hỏi em gái:

“Này em, em có thích uống cam không? Nhà có mật ong sẵn rồi!”.

Cô em gái từ trong bếp nói vọng ra thay cho câu hỏi nửa đùa nửa thật của chị:

“Có, em đang có cảm giác muốn bệnh đây. Uống cam lúc này là đúng bài. Nhưng mà cam ở đâu hả chị?!”.

Tôi mỉm cười thêm lần nữa trong ngày, đưa trái cam lên và nói:

“Đây…”.

Em tôi trố mắt lên thắc mắc:

“Hả, đâu ra vậy? Chị mua? Em nhớ chị đâu thích uống cam!”.

Tôi nhìn em, lém lỉnh trả lời ra vẻ bí hiểm:

“Hông… Trời cho đó, xài đi”.

Buổi chiều muộn, có cô gái làm nghề viết ngồi ngay ngắn nơi bàn làm việc, ánh mắt xa xăm nhớ về hình ảnh hai giỏ cam cùng chiếc xe ba gác, trên tay là ly nước cam mật ong ấm vừa được em gái pha cho.

Cuộc sống… Thật đẹp, như cái cách mà những người yêu nó tạo ra. Và những quả cam cũng dường như đẹp hơn sau ngày hôm ấy.

Nhưng…

Khi nào thì tôi mới mua được sách?!

C.D

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Người sung sướng nhất hẳn là nội tôi. Thoạt đầu bà không tin người đàn ông cao lớn, để ria, mang kính cận đang ôm chầm lấy bà lại chính là thằng Sang sún, người tròn như củ khoai đã rời bà lên tàu ra Bắc khi vừa lên tám.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm