TIN TỨC

Sắc xuân bên bờ sông Vàm Cỏ

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-02-04 15:36:31
mail facebook google pos stwis
915 lượt xem

Bút ký của NGUYỄN MINH NGỌC

Một sáng cuối đông, ông bạn đồng khóa sĩ quan hơn 30 năm về trước, hăm hở phôn cho tôi. “Anh sắp xếp ngược Long An một chuyến được không? Về vùng căn cứ cũ ấy mà”. Thấy tôi ậm ừ, hắn bèn dấn thêm: “Có chú em vốn là trợ lý dẫn đường bay về lập trang trại cây ăn quả; trồng mấy hecta chanh, giống ngoại nhập…”. Nghe nói đến chanh, tôi chợt à lên một tiếng và đồng ý liền. Tôi mê chanh bởi đó là giống cây “ruột” của quê tôi nằm cạnh dòng Lam giang. Đó là giống chanh hoàng niên được trồng trên đất cánh bãi phù sa màu mỡ nên quả rất sai, to, vỏ mỏng và rất thơm. Dân làng tôi rất tự hào bởi thứ sản vật trời cho này.

Trước hôm xuất phát, nghe tôi nói sẽ đi Đức Huệ, có người rành rẽ địa bàn vùng này đã cảnh báo “coi chừng, đường sá dưới đó cực lắm đa”. Nghe vậy nhưng tôi tặc lưỡi, cứ đi rồi khắc biết, khó ở đâu tìm cách vượt ở đó. Không có lý gì lại từ chối một chuyến “về nguồn” hiếm hoi như vậy. Dường như đoán biết tâm lý của người thành phố vốn hay ngại khó nên dù chưa gặp mặt, chú Minh chủ trang trại vẫn cẩn trọng gọi điện chỉ dẫn đường đi lối lại cụ thể. Tôi giật tờ lịch siêu đại lật mặt sau ghi vội thông tin vào đó, tới khi đọc lại thấy hoa cả mắt bởi có lắm ngã ba, ngã tư, rồi quẹo trái, quẹo phải, hệt như cách anh thanh niên chỉ đường trong thiên truyện “Đôi mắt” nổi tiếng của Nam Cao vậy.

Gần chục năm nay, do đặc thù của công việc làm sách, tôi thuộc khá nhiều địa danh của vùng đất bưng biền, dẫu chưa được một lần đặt chân tới. Ấy là Mỏ Vẹt, Ba Thu, Hội Đồng Sầm, Giồng Dên Dên, rồi Bình Hòa Nam… những cái tên gắn với một thời lửa đạn mà chỉ mới nhắc đến thôi đã thấy gần gụi và xiết bao thương mến.

Chiếc xe con trực chỉ quốc lộ 22, tới Củ Chi thì quẹo sang tỉnh lộ 8. Đường xấu tệ, xe và người cứ nẩy lên bần bật hệt như trong vũ điệu Lambada. Tới ngã tư Hậu Nghĩa, qua Tân Mỹ, rồi Hiệp Hòa, vượt cầu Đức Huệ vắt ngang sông Vàm Cỏ Đông, đến thị trấn Đông Thành, về xã Bình Hòa Bắc. Tại đây, vào tháng 12-1945, Xứ ủy Nam Bộ đã họp và quyết định lập ba chiến khu 7, 8, 9, để chống quân xâm lược. Trong cả hai cuộc kháng chiến, đây là vùng căn cứ địa với biết bao chiến công và sự tích anh hùng. Nương theo câu hát “Ở tận sông Hồng em có biết? Quê hương anh cũng có dòng sông. Anh mãi gọi với lòng tha thiết. Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông”, chúng tôi hăm hở tìm về một địa chỉ đỏ. Chiếu trên bản đồ, vùng đất này nằm về phía bắc tỉnh Long An, địa đầu của vùng Đồng Tháp Mười, nơi tiếp giáp với miền Đông Nam Bộ và là vùng đệm nối xuống đồng bằng sông Cửu Long trù phú. Đây cũng là cửa ngõ gần nhất từ biên giới Campuchia, qua thị trấn Hậu Nghĩa xuôi về Thành phố Hồ Chí Minh.

Qua cửa kính xe, khung cảnh làng quê vun vút hiện ra quá ư là êm đềm. Miệt vườn cây cối mướt mát, kênh rạch chằng chịt, nhà cửa được cất thưa thoáng khác hẳn với cảnh phố phường ngột ngạt. Từng bầy gà lúc túc tìm mồi ngay cạnh lối đi. Chiếc xe giảm tốc độ rồi quẹo trái, bò qua cây cầu nhỏ đúc bê tông, hẳn trước kia chỗ này là một cây cầu khỉ. Ngó con đường bờ ruộng cỏ mượt mà xanh vừa đủ một làn xe chạy xuyên qua cánh đồng hút cả tầm mắt, khiến cả đoàn né thở. May thay bác tài vốn là một tay “lái lụa” nên cuối cùng chiếc xe vẫn cán đích an lành. Tới một vạt đất trống có ngôi nhà nhỏ lợp tôn, ngó quanh tuyền đồng không mông quạnh, lòng chợt hoang mang. Có người ra đón, chúng tôi gửi ô tô lại, rồi leo lên xe máy chạy chênh vênh trên bờ bao. Lối đi khấp khểnh, gồ ghề, chỉ cần non tay lái một chút là xe lao xuống ruộng. Nhưng chỉ một loáng, khu trang trại đã hiện ra rờ rỡ ngay trước mắt với miên man cây trái. Bên trái là dòng kênh xanh ngợp lục bình, xa hơn một chút thấp thoáng những nếp nhà nhỏ lẩn khuất dưới tàng cây um tùm. Không khí ở đây thực sự trong lành và khoáng đãng. Trong nắng sớm, từng đàn bù chao “cãi nhau” ỏm tỏi, rồi tiếng sẻ đồng ríu ran, nghe cứ nhẹ cả người.

Một góc trang trại chanh.

Trong căn nhà gạch, mái tôn của khu trang trại, Phạm Hữu Minh bồi hồi kể gia đình hai bên nội ngoại của anh đều gắn bó với miệt này từ thuở mới “khai thiên phá thạch”. Thời cụ Phạm Văn Công (ông nội của Minh) đến khẩn hoang vùng đất này, thóc lúa đầy kho lẫm, trâu đàn có cả trăm con béo mượt. Chỉ nội việc đàn trâu lội sình lâu ngày đã thành ra một khúc kênh. Vì vậy, một đoạn kênh Ba Reng còn được người dân quen gọi là kênh Ba Công. Tại đây, hơn 70 năm về trước, bác sĩ Hồ Văn Huê mượn đất dựng nên khu “Dưỡng đường Nam Bộ” làm nơi điều trị và cứu chữa cho thương binh từ các mặt trận đưa về. Minh vẫn còn lưu giữ đầy đủ các văn bản từ thời ông nội ủng hộ kháng chiến. Vào giữa năm 1961, vùng đất này còn được biết đến bởi căn cứ đứng chân của Thành đoàn Sài Gòn-Gia Định, chuyên tổ chức các lớp đào tạo cán bộ rồi tung về nội thành hoạt động.

Chủ trang trại Phạm Hữu Minh và tác giả bên gốc chanh - Ảnh: Minh Tuân.

Trước khi nhập ngũ, Phạm Hữu Minh từ có 5 năm học nghề cơ khí và làm công nhân Công ty công trình giao thông Long An. Tháng 9-1984, anh thi đỗ vào Trường sĩ quan Không quân (Nha Trang) và được chọn học chuyên ngành dẫn đường bay. Đây là một chuyên ngành đòi hỏi người học phải có kỹ năng tính toán, tư duy nhạy bén và quyết đoán. Tốt nghiệp ra trường, Minh được phân công về trung đoàn 929, rồi trung đoàn 937, đều là các đơn vị không quân chiến đấu. Đầu năm 1991, anh được cử ra Trường Sa công tác trong Tổ đại diện Không quân tại đây. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trên quần đảo bão tố, Minh trở về sư đoàn ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Lăn lộn bầm dập từ tấm bé nên Minh không ngại khó, ngại khổ, có điều lúc nào anh cũng đau đáu nặng lòng với quê hương. “Ông bà mình tâm huyết cả đời, đổ biết bao mồ hôi và cả máu xương, không lẽ bây giờ con cháu cứ tìm nơi đô hội để hưởng nhàn, rồi lãng quên dần nguồn cội?”. Vả lại vùng căn cứ cũ giờ đây là vùng sâu, vùng xa, kinh tế đì đẹt chậm phát triển nên cuộc sống của người dân phần đông vẫn còn nhiều cơ cực. Nếu ai cũng chọn nơi nhàn hạ để ấm thân thì lấy ai xây dựng quê hương? Không chỉ mình làm giàu mà phải biết tạo công ăn việc làm cho những người nghèo. Nung nấu bởi ý nghĩ ấy, vài năm trước bấm tính biết thời hạn sẽ nghỉ hưu, Minh rủ vài người bạn về chung lưng đấu cật khai hoang. Trên thửa đất ông bà để lại, nhiều năm chỉ mọc tuyền cỏ lác và cây năn, sau khi làm mâm cơm cẩn cáo với tổ tiên, anh bắt tay vào việc. Trước tiên là đi thuê máy Kobe xúc đất phèn, phục hóa. Được cô bác ủng hộ, Minh bền bỉ thau chua, xẻ rãnh, đắp bờ bao, quy hoạch thành một khu trang trại rộng trên 4 hecta. Nhìn cơ ngơi diệu vợi giữa mênh mang hoang hóa, không ít người coi ý tưởng của anh là “khùng”. Ngay cả Minh khi mới bắt tay vào cuộc, cũng không khỏi có lúc ý nghĩ hoang mang xuất hiện trong đầu, bởi sự đơn độc chẳng khác nào hình ảnh chàng kỵ sĩ Đôn Kihôtê đánh nhau với cối xay gió vậy!

Nhưng lòng người lính đã quyết. Quê hương giang rộng vòng tay đón anh. Minh bảo những ngày đầu về cắm ở đây, vài người làm công đã to nhỏ hỏi anh không thấy ngán sao? Minh tròn mắt. Ngán cái nỗi gì? Là đêm nào tụi em cũng thấy mấy ổng đằng mình hiện về với băng quấn trắng toát, có người la hét rất kinh, vì nghe nói ngày trước bác sĩ ở dưỡng đường phải dùng cưa thợ mộc cưa tay chân thương binh. Có khi giữa ban ngày, tụi em còn thoáng thấy bóng người lấp ló sau những bụi chanh um tùm, và nghe như có tiếng rì rầm trò chuyện, nhưng hễ chạy tới thì mất dạng. Thiệt lạ!… Minh cười xòa nói tui là hạng con cháu về tạo dựng làm ăn trên đất tổ tiên để lại, thì nỡ nào ông bà lại không phù hộ độ trì? Còn nếu quả thật có chuyện các bác, các chú hiển linh thì cũng là điều tự nhiên, chả có gì phải sợ. Vùng đất này thấm máu xương của biết bao người đã bỏ mình nước, giờ nếu cháu con để đất hoang hóa và cam chịu nghèo đói thì mới phải chịu quở phạt…

Nếu trước đây Minh giỏi tính toán đường bay cho các máy bay phản lực chiến đấu trên trời, thì giờ đây ngay trên mặt đất, phẩm chất của người sĩ quan dẫn đường vẫn được phát huy. Anh là người đầu tiên bạo dạn đưa giống chanh không hạt Limca mang về canh tác trên vùng đất này, bấy giờ giá mỗi cây giống là 15.000 đồng. Theo mật độ cứ 400 cây một hecta, hàng ngàn gốc chanh được trồng và chăm bẵm đúng kỹ thuật, nhanh chóng bén rễ và tươi tốt ngờm ngợp. Đúng 18 tháng sau, trại chanh đã cho lứa quả đầu tiên. Nhìn những quả chanh to tròn, căng mọng, da xanh óng, Minh ứa nước mắt bởi tâm nguyện của anh đã thành hiện thực.

Đầu năm 2014, nhận quyết định nghỉ chờ hưu, Phạm Hữu Minh bàn bạc thống nhất trong gia đình, quyết tâm mở hướng làm ăn. Hiểu rõ tính nết và sở nguyện của chồng, mặc dù thẳm sâu trong tâm khảm không thể nói được bằng lời, song chị Trần Thị Mỹ Kim vẫn hết lòng ủng hộ và động viên anh. Chị nhận lãnh trọng trách ở lại trông nom căn nhà tại phường 11, quận Gò Vấp (Tp.Hồ Chí Minh) chăm lo cho hai cậu con trai đang tuổi ăn học, làm “hậu phương” vững chắc để chồng đi xây dựng trang trại.

Bạn bè thân thiết cũng không ít người bàn ra bàn vào. Rằng, đến tuổi này rồi mới tính chuyện làm giàu, thì cực lắm. Một đời binh nghiệp, giờ được nghỉ hưu thì hãy cứ ngơi cho khỏe cái thân, đi du lịch hoặc đi thăm thú các danh lam thắng cảnh cho biết, tự hành xác làm gì? Cuộc đời ngắn lắm, cần phải biết thụ hưởng chứ, v.v… Mặc cho người gàn kẻ chê, Minh vẫn không hề lay chuyển cái ý định đã chín nẫu trong đầu. Anh nghĩ vùng căn cứ cũ rất giàu tiềm năng song bà con cô bác nơi đây hãy còn nghèo lắm, mình không nỡ chọn cuộc sống an nhàn. Vì điều kiện đường sá cách trở, trong số bạn bè cùng góp công sức buổi đầu giờ đây chỉ còn mình anh trụ lại. Ngoài giống chanh không hạt, Minh còn cho trồng thêm nào mít, nào ổi, rồi mãng cầu, chuối, cam… ở vòng ngoài trang trại. Đúng là trời không phụ lòng người, loại cây nào cũng sum suê, trĩu quả.

Với chiếc mũ tai bèo và cặp kính cận, Minh hăm hở dẫn chúng tôi len lỏi giữa bạt ngàn cây trái. Hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh, chia trang trại thành từng ô như bàn cờ. Khác với giống chanh ở quê tôi, loại chanh này sinh trưởng rất khỏe, tán cây rộng, lá to bản và không có mùi thơm, song năng suất thì thật đáng nể. Mỗi năm chanh có hai vụ thu hoạch chính. Vào vụ, cứ một tuần thu hái một lần và phải mướn thêm người làm. Khi chúng tôi đến, có hàng chục người cả đàn ông lẫn đàn bà đang thoăn thoắt hái chanh. Trò chuyện với tôi, có người cho biết từng có một thời lầm lỡ, được Minh cưu mang đưa về lao động và trở thành “nồi cơm” cho gia đình. Họ làm từ lúc chưa tỏ mặt người cho tới trưa đứng bóng mới tạm nghỉ ăn cơm. Chanh được chất đầy các giỏ cần xé đưa về dồn đống trong lán. Tại đây, sau khi được phân loại và tuyển lựa cẩn thận, hàng tấn chanh được thương lái chuyển đi khắp nơi. Minh cho biết, hiện nay, ngoài thị trường nội địa, chanh của anh còn được xuất sang một số nước Đông Nam Á. Mỗi ký chanh bán tại gốc có giá dao động từ 15.000-20.000 đồng. Tuy nhiên, cũng có khi giá rớt thê thảm chỉ còn khoảng 8.000 đồng. Ngược lại, vào cữ tháng 2-3 âm lịch, chanh trái vụ có thể lên tới hơn 40.000 đồng một ký. Bình quân mỗi năm trừ hết các khoản chi phí, người cựu binh này cũng thu lãi ngót nhét hàng tỷ đồng. Hỏi bí kíp, chủ trại cười hiền, nói chỉ cần mình đừng phụ đất là được. Ở đây ngoài phân chuồng thì lục bình cũng là nguồn phân bón hữu cơ vô tận và cực tốt. Muốn thu hoạch bộn thì phải chăm lo từ khâu làm cỏ đến vun xới và tưới tắm, tuyệt đối không được sao nhãng khâu nào.

Minh cho biết điều trăn trở lớn nhất của anh là làm cách nào để thoát ra khỏi thảm cảnh dở khóc dở cười của nông dân là “trúng mùa, rớt giá” được mặc định bao năm nay? Bài toán ở đây là làm sao để sản phẩm nông nghiệp có được đầu ra ổn định, làm sao để thương lái không ăn chặn và ép giá người sản xuất? Vấn đề đặt ra là nếu anh đơn thương độc mã thì chắc chắn khó tránh khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy. Vậy thì cần thiết phải có sự liên kết tiểu vùng, thậm chí liên kết vùng thì mới mong tạo ra được sức mạnh và sự cạnh tranh sòng phẳng, hàng hóa nông sản mới đến được tận tay người tiêu dùng.

Những ngày lăn lộn ở trang trại, người cựu binh này nhận thấy quỹ đất sản xuất ở địa phương còn rất lớn, thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển mô hình sản xuất chuyên canh. Đặc điểm thổ nhưỡng ở đây thích hợp để trồng chanh và một số cây ăn quả có giá trị thương mại cao. Nông dân vốn giàu kinh nghiệm trồng trọt. Một số công ty sẵn sàng hợp tác về kỹ thuật và cung cấp vật tư với chất lượng bảo đảm, giá cả ưu đãi. Minh đã hoàn tất đề án xin phép thành lập Hợp tác xã sản xuất-thương mại-dịch vụ nông nghiệp Bình Hòa. Chỉ như vậy, anh mới đủ tư cách pháp nhân để chào hàng xuất khẩu với các đối tác nước ngoài, đồng thời cung ứng nội địa. Quy mô ban đầu khoảng 40 hecta và 30 hộ thành viên, Ban chủ nhiệm có đội ngũ kỹ sư nông nghiệp và cử nhân kinh tế tham gia. Lĩnh vực hoạt động là sản xuất nông nghiệp và thương mại dịch vụ nông nghiệp. Sản phẩm của HTX theo tiêu chuẩn VietGAP. Cây trồng chính là chanh không hạt Limca, năng suất bình quân hằng năm mỗi cây cho khoảng 100kg. Trong tương lai, hoàn toàn có thể phá triển thêm thêm cây mãng cầu gai (giống Thái), cây bơ… Ngoài ra, trên diện tích canh tác có thể trồng xen canh các giống cây ngắn ngày như: đu đủ, ớt và các loại hoa màu khác. Vốn đầu tư dao động từ 100-120 triệu đồng cho một hecta. Theo tính toán, lợi nhuận bình quân thu được trên mỗi hecta vào khoảng 400 triệu một năm. Quả là một con số biết nói!

Trước mắt vẫn còn nhiều gian nan. Khu vực đất canh tác nằm trong vùng có mùa khô kéo dài, giống cây nào cũng cần tưới tiêu, song hệ thống kênh mương dẫn nước thiếu trầm trọng, nơi có thì chưa hoàn chỉnh. Mùa lũ, nước dâng cao đe dọa hệ thống đê bao. Ấy là chưa tính đến việc phải bơm tiêu nước, khá tốn kém. Bên cạnh đó, đường sá không thuận cho việc vận chuyển hàng hóa vật tư. Điện lưới mới chỉ đủ thắp sáng, việc phục vụ sản xuất còn nhiều bất cập. Đúng là khó khăn nan giải mọi bề. Minh bảo lúc báo cáo ý tưởng xây dựng đề án, về cơ bản là địa phương ủng hộ, song lãnh đạo xã và cơ quan chuyên môn vẫn còn chút ngần ngại, lo lắng, bởi trước đây đã có mô hình hợp tác xã nhưng hoạt động không hiệu quả.

Với bản tính khiêm nhường, tự tin và không hề lây nhiễm căn “bệnh” hoành tráng, Minh lựa lời tìm sự ủng hộ của chính quyền, của Phòng nông nghiệp huyện và của Liên minh Hợp tác xã. Việc thành lập HTX SX-TM-DVNN sẽ tạo bước đột phá về tính hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời phát huy được thế mạnh của địa phương là quỹ đất sản xuất lớn, cây trồng phong phú và đa dạng. Song điều quan trọng hơn cả là tạo ra việc làm ổn định cho người lao động địa phương, thu nhập bình quân đầu người hàng tháng ước đạt từ 3,6-4,8 triệu đồng. Dự án đầy lãng mạn này sẽ từng bước xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân vùng căn cứ cũ, góp phần xây dựng nông thôn mới.

*

Giữa trưa nóng hầm hập, bất thần một cơn giông ập đến dữ dội. Nền trời ngả sang xám xịt, trong thoáng chốc mặt đất đã sũng nước, nhão nhoẹt bùn. Mưa lớn đến nỗi những người làm công chạy không kịp vuốt mặt. Họ khiêng giỏ cần xé lặc lè chạy về kho. Nước dềnh ập lên bờ rất nhanh. Sau bữa cơm trưa đầm ấm, lúc chia tay chúng tôi đành tách đôi vì không thể đi cả bằng đường bộ. Hai cánh thủy bộ sẽ hội quân ở cầu kênh Hội Đồng Sầm. Chiếc ghe bầu do Minh cầm lái ậm ạch nổ máy xé lục bình, hướng ra kênh xáng Trà Cú Thượng. Ngay cạnh bờ kênh, dưới vạt tre, một cái rạp được kết hoa đỏ rực, chuẩn bị đám cưới. Bấy giờ mưa đã ngớt. Giữa dòng kênh hoa lục bình nở tím ngát, xa xa rực vàng một màu bông điên điển. Ngồi cầm lái, Minh cao hứng đọc câu ca: “Canh chua điên điển cá linh/ Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon”. Tết này, mời mấy anh về nhậu cá lóc nướng trui. Tôi gật đầu. Dường như hơi thở mùa xuân đang rất cận kề.

Nguồn: Báo Văn Nghệ Xuân 2017.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm
Nợ sách đèn
Ngày ấy, chúng tôi từ khi đầu tiên mới tập tễnh cặp sách vào lớp 1 bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, thế hệ học trò chúng tôi trải qua khá nhiều kỳ thi qui định. Học trò có thi đỗ mới được lên lớp.
Xem thêm