- Góc nhìn văn học
- ‘Số đỏ’ vẫn là một trong những tác phẩm văn học quan trọng hàng đầu
‘Số đỏ’ vẫn là một trong những tác phẩm văn học quan trọng hàng đầu
Vào đầu năm 2022, tin vui cho văn học Việt Nam trên con đường xuất ngoại, đó là tác phẩm “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng đã được dịch sang tiếng Đức và phát hành trên toàn nước Đức (NXB Tauland, Đức) với bản dịch của hai dịch giả là Hoàng Đăng Lãnh và Rodion Ebbighausen (người Đức). Thời Nay có cuộc phỏng vấn dịch giả Rodion Ebbighausen về cơ duyên hợp tác với Hoàng Đăng Lãnh để dịch tiểu thuyết “Số đỏ”.
* Thưa dịch giả Rodion Ebbighausen, anh cùng dịch giả Hoàng Đăng Lãnh đã phải làm việc bao lâu để “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng bản tiếng Đức có thể ra mắt bạn đọc Đức? Trước đó anh đã dịch tác phẩm văn học Việt Nam nào chưa?
– Rodion Ebbighausen: Thật khó nói chính xác tôi và anh Lãnh đã làm việc cùng nhau bao lâu với dự án dịch tác phẩm này, nhưng phải mất vài năm. Chắc bạn cũng biết, là dịch giả Hoàng Đăng Lãnh đã từng dịch một số tác phẩm văn học quan trọng của Đức sang tiếng Việt. Do đó, anh ấy là một dịch giả có uy tín và nổi tiếng. Tôi cũng vậy, trước đây từng làm việc với dịch giả Nguyễn Xuân Hằng trong dự án dịch hợp tuyển truyện ngắn Việt Nam sang tiếng Đức. Đó là một phần của dự án được Viện Goethe của Đức ở Hà Nội tài trợ. Còn dự án dịch tiểu thuyết “Số đỏ” thì được Quỹ Dịch giả Đức tài trợ kinh phí.
* Anh biết dịch giả Hoàng Đăng Lãnh trong hoàn cảnh nào? Điều gì khiến anh hợp tác với anh Lãnh trong dự án dịch “Số đỏ”?
– Tôi và anh Lãnh gặp nhau trong một buổi tọa đàm về tờ báo ra hằng ngày tại Berlin “Tageszeitung” (TAZ). Chúng tôi liền nói chuyện với nhau về văn học Việt Nam và Đức. Ngay lập tức chúng tôi mến nhau vì chung quan điểm về văn học chân chính và có cùng một thiên hướng trớ trêu trong lĩnh vực này. Tôi nhận thấy anh Lãnh là một dịch giả đầy kinh nghiệm và có hiểu biết toàn cảnh văn chương Việt Nam, khiến anh ấy là một ứng viên hoàn hảo cho dự án dịch. Sau đó, anh Lãnh và tôi đã thường xuyên trao đổi với ông Lại Nguyên Ân và Peter Zinoman.
* Tại sao các anh và nhà xuất bản Tauland lại chọn dịch và xuất bản tác phẩm “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng?
– Những trang viết của Vũ Trọng Phụng, bao gồm cả tiểu thuyết “Số đỏ”, đánh dấu bước khởi đầu của văn học Việt Nam, cho dù lúc đầu bị tịch thu, nhưng qua thời gian đã chứng tỏ là một tác phẩm văn học quan trọng hàng đầu của Việt Nam cho tới nay. Đẳng cấp của khả năng truyền động lực qua ngôn ngữ, cách chơi chữ hóm hỉnh tài tình và câu chuyện giàu sức tưởng tượng ấy chỉ có vài nhà văn Việt Nam đạt được từ bấy tới nay. Nội dung, tinh thần cuốn tiểu thuyết khá phù hợp với nhận thức của người Đức nói riêng và châu Âu nói chung, và đặc tính hài hước của nó khiến độc giả dễ thu hút tới một nền văn hóa nước ngoài. Và một phần không kém quan trọng nữa là vấn đề truyền thống và cách tân được đưa ra trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng khiến nó trở thành cuốn sách có tính toàn cầu.
Bạn chắc biết là ở Đức có cộng đồng người Đức gốc Việt có khoảng 100 nghìn người. Chúng tôi cho rằng tác phẩm này sẽ rất thú vị đối với họ (đặc biệt là thế hệ thứ hai và thứ ba những người Việt tại Đức, những người đôi khi đã không còn nói ngôn ngữ Việt Nam nữa), để hiểu nền văn hóa của cha ông họ. Hơn nữa, tôi cũng được thuyết phục rằng cuốn tiểu thuyết vẫn phản ánh được đặc điểm xã hội Việt Nam hôm nay. Có thể nêu ra một thí dụ, đó là xu hướng đề cao giá trị vô nghĩa của tiền, quyền lực và danh tiếng từ những năm 1930 vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. “Số đỏ” trong quan điểm của chúng tôi, tôi và anh Lãnh, vẫn là từ khóa để hiểu Việt Nam và con người Việt Nam.
* Vậy cuốn sách được phát hành qua kênh nào?
– “Số đỏ” sẽ có mặt tại Thư viện quốc gia Đức, cùng nhiều thư viện ở các địa phương nước Đức, bán trong các hiệu sách và bán trên nền tảng Amazon,… Muộn nhất là đầu tháng 1/2022 cuốn sách sẽ ra mắt đông đảo bạn đọc. Một chương trình phát thanh nổi tiếng ở Đức về thế hệ người Đức gốc Việt thứ hai ở đây sẽ tặng cho độc giả ba cuốn sách và phát bài bình luận về sách này.
Tiến sĩ Rodion Ebbighausen là một nhà báo Đức, là tác giả và dịch giả. Anh là biên tập chính cho chuyên mục Châu Á thuộc kênh phát thanh quốc tế DW tại Đức. Anh cũng là giảng viên thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu châu Á thuộc ĐH Bonn. Anh tập trung nghiên cứu và viết về Đông Nam Á, đặc biệt là các nước Myanmar, Thailand, Việt Nam. Cuốn sách mới nhất của anh là cuốn Hồi ký Aung San Suu Kyi-chính trị gia Myanmar. Anh từng phối hợp với dịch giả Nguyễn Xuân Hằng để dịch một số truyện ngắn của tác giả Việt sang tiếng Đức.
Kiều Bích Hậu/Thời nay