TIN TỨC

Thái Tú Hạp, bên đồi lau xanh

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-11-06 07:49:31
mail facebook google pos stwis
736 lượt xem

HUỲNH VĂN HOA

Thái Tú Hạp, sinh tháng 4 năm 1940 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1956 đến 1975, có thơ đăng trên các tạp chí Bách khoa, Văn học, Văn, Giữ thơm quê mẹ, Khởi hành, ...

Tác phẩm đã xuất bản:

  • Tuyển tập Sông Thu (1962, in chung với ThànhTôn và Hoàng Quy)
  • Thèm về, Thơ, NXB Ngưỡng cửa, Đà Nẵng 1970
  • Chim Quyên Lạc Ngàn, Thơ 1982.

 

Thái Tú Hạp sinh ra và lớn lên tại Hội An, một thành phố như Hoàng Lộc mô tả: Phố thì nhỏ anh còn qua chưa hết / Lại hoài công đi bắt mộng bên trời ". Hội An đánh thức nơi tâm hồn Thái Tú Hạp nhiều cảm xúc thẩm mỹ. Những bang hội Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, những di tích lịch sử, tôn giáo như Chùa Cầu, Chùa Viên Giác, Chùa Âm Bổn, Chùa Long Tuyền, ít nhiều để lại dấu vết nơi thơ và đời Thái Tú Hạp.

Thái Tú Hạp viết không nhiều. Những bài thơ công bố trên các tạp chí, tuần san vào những năm 60, đầu 70 của thế kỷ XX đều là những bài thơ có dấu ấn. Thái Tú Hạp kể lại, do hoàn cảnh gia đình, thời mới lớn, ông gắn với những ngôi chùa cổ, lắng nghe những tiếng chuông ngân, điểm vào sớm chiều, nhìn những bông sứ trắng nở tịnh yên ở một góc sân chùa, mùi hương hoa ngọc lan thoang thoảng vào những đêm trăng hạ huyền, một thứ anh sáng khuất lấp từng mảng, dọi trên những cành cây bóng lá, tất cả, tất cả đã lắng lại nơi tâm hồn của thi sĩ những vần thơ đậm chất phương Đông. Hội An có nhiều chùa. Chùa của người Việt. Chùa của người Hoa. Khung cảnh trầm lắng của phố thị cổ và tiếng chuông chùa đồng vọng, lưu lại dư âm trầm  lắng nơi số bài thơ của Thái Tú Hạp.

Điều dễ thấy là, trong các bài thơ của Thái Tú Hạp ít thấy bóng dáng đậm nét về những thức nhận cô đơn, hoài nghi, về cái phi lý, hư vô, về cái tồn sinh của triết học đương thời. Dĩ nhiên, trong cầu trường của miền Nam, những tên tuổi của Tây phương như Heidegger, Camus, A, Gide, J.P. Sartre, ... không phải không có lúc chạm đến suy tư, cảm xúc nơi nhà thơ. Song, ở ông, vẫn là một cõi tịch nhiên, thanh thoát và an bình. Trong thơ và trong đời, dẫu có lúc những ba động của cuộc sống, tạo ra bao mảnh vỡ nơi tâm hồn, song, âm hưởng chính của thơ Thái Tú Hạp vẫn là  chút lòng dịu nhẹ với nhân thế, với thiên nhiên.

Trong thơ Thái Tú Hạp, điều dễ cảm nhận, đó là có những nỗi u uẩn, những khát vọng và hoài nhớ của phương Đông. Các bài thơ mang tâm trạng buồn xa quê hương, từ miền biên viễn, nhớ nhung về nơi quê nhà hoặc có khi đau xót khi nhìn về người xưa cảnh cũ. Có chút gì của chất biên tái từ những Lý Bạch, Sầm Tham, Vương Chí Hoán, Thôi Đồ, Vương Xương Linh, ... phảng phất nơi số bài thơ ngũ ngôn, lục bát của Thái Tú Hạp. Thoáng trong những câu thơ, ta dường như thấy có bóng cờ quằn quại nơi ải quan xa vắng, tiếng vó ngựa nhọc nhằn giữa những đêm khuya của đoàn xa mã cuốn bụi mờ thời Chiến quốc, văng vẳng nỗi sầu nhớ cố hương như trong Đường thi.

Trên tạp chí Bách khoa, số 128, ngày 1-5-1962, có đăng bài thơ lục bát Thèm về, 14 câu. Bài thơ được chọn đặt tên cho một tập thơ của Thái Tú Hạp, tập Thèm về, NXB Ngưỡng cửa, Đà Nẵng 1970. Đây cũng là một trong những bài thơ hay, được chọn đăng trong nhiều tuyển tập thơ ca. Bài thơ định hình tiếng nói nghệ thuật của Thái Tú Hạp. Người nghệ sĩ lữ hành Thái Tú Hạp đã: Nghỉ ngựa - Dừng cương Thèm về.

Không gian là cảnh đèo heo hút, vắng lặng, chùng sương. Thời gian là buổi chiều. Không gian đó - thời gian đó đã gợi nên bao niềm cảm xúc nơi thi nhân:

Đèo heo hút gió chùng sương

Trên cao nghỉ ngựa dừng cương thèm về

Chiều phong kín ngã sơn khê

Non  xa mây  phủ  trời  lê  thê  buồn

Câu thơ mở đầu được ngắt nhịp 3/3 làm tăng thêm cái hoang vắng, lạnh lẽo, cô đơn của cảnh và người: Đèo heo hút / gió chùng sương. Các hình ảnh: đèo / ngựa / chùng sương / sơn khê / non xa / mây phủ ... đều nhuốm buồn.

Xa kia, vài cánh nhạn lạc loài bay qua truông vắng, thả lơi điệu nhớ não nùng. Dưới lũng thấp, điêu tàn, gãy đổ, nghe tiếng ca thu vàng. Đàn sếu cô liêu bay về trong buổi tà dương, bóng những hàng cây già hắt hiu. Tiếng dã thú kêu lên trong rừng chiều. Gió núi mang hơi sương lạnh buốt, tịch liêu. Cảnh vắng lặng. Hồn cổ sơ.

Hai câu thơ cuối bài: Tóc sương rêu phủ bến chờ / Chiều nghiêng cánh gió hồn mơ đăng trình. Trong khung cảnh như thế, đăng trình chỉ là hồn mơ, là bến chờ. Mở đầu bài thơ là buổi chiều: "Chiều phong kín ngã sơn khê", kết thúc cũng là buổi chiều: "Chiều nghiêng cánh gió hồn mơ đăng trình", dễ gợi nhớ đến nỗi buồn chiều của Hồ DZếnh: Trên đường về nhớ đầy / Chiều chậm đưa chân ngày / Tiếng buồn vang trong mây ...

Một bài thơ khác, bài Về (Bách Khoa, số 137, ngày 15-09-1962), nằm trong cảm hứng trở về. Bốn lần Về đây, mỗi lần là một tâm trạng:

Về đây tìm mảnh trăng gầy...

Về đây chôn nỗi lo âu...

Về đây biết nói sao chừ...

Về đây còn hẹn ngày mai...

Mảnh trăng xưa đã gầy. Nỗi niềm riêng tư, lo âu, muốn chôn chặt. Chiếc lá theo thuyền, còn chút dư vang của mùa thu. Với ta, một trời hiu hắt. Về để tìm. Tìm gì ? Tìm mảnh trăng gầy, chân xiêu xiêu bước về nơi huyệt sầu, nghe câu hát cũ. Chỉ một chữ, chữ VỀ, hàm bao nhiêu nghĩa. "Về" để thấy nỗi buồn của sân ga, thấy trời hiu hắt, thấy ta sương mù, thấy mây sầu lũng thấp, hiu hiu thương nhớ:

Nửa đêm buồn lả thân ga
Một trời hiu hắt, một ta sương mù
Mây sầu lũng thấp âm u
Hiu hiu thương nhớ vàng thu âm hài

Trên Tuần báo Nghệ thuật, số 46, năm 1966, bài thơ Trong chiều mô tả tâm trạng ngậm ngùi, rã rời, như giọt sương biền biệt vùng trời, với dấu chân ngựa xuống chiều biên khu nhòa  và những hình ảnh:

-Bên kia tiếng hát ngậm ngùi

Khẳng khiu lời nhớ gầy xiêu bóng dài

Cõi gươm giáo ấy hẹn thề

Lần đi là chẳng hẹn về nước non

-Giọt sương biền biệt vũng trời

Ngàn sau mắt thẳm chim hời hoang vu

 

Vàng thu mấy cõi (Tuần báo Khởi hành, số 11, ngày 10-07-1969), bài thơ có ba phần. Phần 1, có 12 câu. Phần 2, có 10 câu. Phần 3, có 12 câu. Có điểm đáng chú ý là, giữa các phần, có sự tương liên giữa thế giới khách quan và thế giới chủ quan, giữa sông, bến, thuyền mây, trời thẳm, cây nghiêng, bờ lau với cô đơn, nhớ thương, tái tê cõi lòng, sỏi đá làm chia li buồn. Ở đó, mùa thu, nắng xẻ đôi sông, đìu hiu, im vắng đến mỏi mòn, đâu cũng nhớ thương, buồn lên từ sợi tơ chùng nhớ thương, thu nai vàng động góc rừng / canh khuya khoắt rụng giữa vừng đông sương / thu xa cánh hạc chia bầy / nghe trong nẻo trúc vương đầy mắt sông, ...

Một bài thơ lục bát khác, bài Trên vùng tưởng nhớ (Tuần báo Khởi hành, số 23, ngày 2-10-1969) với những hình ảnh sơn khê, rừng lá, màu quan san, mây chùng tơ sương, phố chợ, núi vọng chim sa, đỉnh tháp cao buồn, chiến trận tiêu điều, vàng rơi biên ải, bến sông sương mỏi và những cảm xúc nao nao tuổi buồn, lãng mộng u hoài,  lòng bơ vơ cõi lặng im, lửa bay đạn thắp, súng cũng nao nao tuổi buồn, lửa chiến trường, vùng hỏa châu, ... phản ánh không khí của chiến tranh, pha trộn nhiều cung bậc của tình cảm, dẫn đến hai câu kết:

Cho quên trời đổ cơn mê

Giòng thơ niệm tưởng hồn quê hương mình.

Bài Tình tứ (Tuần báo Khởi hành, số 101, ngày 22-4-1971) với hình ảnh  Em về từ cõi đông phương / Tóc mùa thu cũng trầm hương quê nhà với bờ mây, non xa, suối nguồn, mộng kiêu sa, chiều ca dao buồn, chỉ còn:

Chút tình xưa đã trôi sông

Chừ quên thương nhớ mùa đông hiên ngoài

Em về thắp nắng ngọn mai

Từng phơi áo lụa ngàn phai dấu tàn

Dòng sông đã xóa nỗi hàn

Trong nhau nghe đã ấm lòng yêu thương

Chỉ riêng bài lục bát Bên đồi lau xanh, 12 câu, hình ảnh mới mẻ, tân kỳ. Cách cấu trúc, từ ngữ, ngắt nhịp, gieo vần khác với số bài thơ lục bát khác. Ở đây, có sự đan quyện giữa niềm tiếc rẻ trôi đi của mùa, của nắng, của cây ngàn, tóc biếc, của rừng hoang bên đồi lau xanh với một thoáng phù vân, cõi hư vô, cát bụi, bóng dài, ...Bài thơ vừa có ý vị thiền vừa mang âm hưởng Lão Trang với hình ảnh con bướm trên cành, một phù ảo trong thiên cổ: 

mùa đi lá nhớ
cây ngàn
tình em như ngọn nắng vàng
cuối sân

đời buồn
một thoáng phù vân
từ trong thiên cổ
u trầm có nhau
nhớ thương tóc biếc mây sầu
rừng hoang nhớ gió
bên đồi lau xanh

em còn tiếc cụm hoa chanh
còn mơ con bướm trên cành

tương tư
bao giờ nghe ý
trùng tu
thân như giòng nước cõi hư vô này
mai sau
còn dấu chim bay
dưới sâu cát bụi
đổ dài bóng tôi

 

Bài thơ được nhạc sĩ Lê Uyên Phương phổ thành ca khúc cùng tên Bên đồi lau xanh. Đây là một bài thơ hay của Thái Tú Hạp.

Thái Tú Hạp cũng thành công trong thể thơ 5 chữ. Trên Tạp chí Bách khoa, số 137, ngày 15 - 09 - 1962, bài Biển chiều, viết theo thể ngũ ngôn. Những bài thơ về chiều trên biển thường chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc, khiến trái tim ta thổn thức, khôn nguôi. Mặt trời lặn xuống, biển trở nên mênh mông, sóng vỗ, phía xa kia, ánh sáng nhạt dần, cảnh ấy gợi cho ta những nỗi niềm man mác về bao chuyện đã qua, không thể nói lên thành lời: Biển chiều ôm điệu khóc / Dấu chân cát thưa dần / Buồn như lời hoang đảo / Bơ vơ từng cánh chim / Nét buồn xưa hiu hắt / Trời cúi hôn trùng dương / Cô liêu sầu cửa mắt / Bao  nhiêu là nhớ nhung

Tác giả tự ví mình là loài hải điểu cô đơn, bay bơ vơ trên trùng dương hiu hắt, mòn mỏi chờ mong, nhìn biển khóc với nỗi buồn biệt ly: Cau mặt hờn người đi / Chiều lên hàng dương liễu / Em mòn mỏi chờ mong / Sao anh loài hải điểu/ Cho em buồn tháng năm / Chừ ngồi coi biển khóc / Bài thơ nhòa trên cát / Buồn chao ôi, biệt ly.

Trên Tuần báo Khởi hành, số 44, ngày12-3-1970, có bài thơ viết theo thể ngũ ngôn, bài Trong núi. Đây là một bức tranh tâm trạng, gợi cảm nhận về sự chia xa, vắng lặng và quạnh quẽ của cảnh núi rừng: "Mai anh về trung châu", lặp lại có chủ đích đến 3 lần, rời rừng xanh, núi biếc, xa Mây tím nhòa bản Thượng / Điệu khèn xưa hoang vắng / Bản vắng chiều giăng mưa ...

Tổ chức hình ảnh thơ thiên về cái tĩnh mịch, có phần hiu quạnh, tạo thành quan hệ đối lập giữa cái bao la của núi rừng với tâm tư hoài nhớ, xa trung châu, xa rừng xanh núi biếc, bỏ ngàn hoa lá sầu / mây tím nhòa bản Thượng / điệu khèn xưa hoang vắng /chiều suối đổ rưng rưng:

Nhớ thương đầy âm hưởng

Trên đôi mắt em buồn ...

Không gian lữ thứ là không gian của Đường thi. Không gian đó tạo nên nỗi niềm cô độc, tâm trạng đất khách quê người, "mai về", về là xa trung châu, là "bỏ rừng xanh núi biếc", vương hoài những đám mây màu tím nhạt nhòa trôi trên những bản Thượng, là "nhớ thương" điệu khèn. Hành trang của người đi, mang theo, chỉ: "đôi mắt em buồn". Bài thơ bàng bạc sắc màu nhung nhớ, nhất là 4 câu thơ cuối:

Mùa thu về quê xưa

Lòng ngậm ngùi thương nhớ

Bản vắng chiều giăng mưa

Lệ ngàn năm trên đá ...

Lời gọi thầm loài chim (Tuần báo Khởi hành, số 108, ngày 10-6-1971) là bài thơ tình về mùa xuân. Bài thơ có 8 khổ, khổ nào cũng có hình ảnh mùa xuân. Đó là: Con đường xuân mưa bay / Ôi mùa xuân thương nhớ / Mùa xuân hoài không tới / Dù xuân đến bao lần / Từng mùa xuân qua đi / Xuân vui hát cho đời / Mắt xuân cũng u hoài / Mùa xuân có nghĩa gì. 

Mùa xuân có mưa bay, có bóng lá, có phố chợ, có bàn tay gầy vẫy đưa, có quê hương nghèo, bao năm rồi chiến chinh, dầu vậy, vẫn là mùa xuân thương nhớ, vui hát cho đời. Bài thơ trong trẻo, ngậm ngùi mà thương nhớ, phố chợ em về có mưa bay, có mắt nhìn buổi ấy, có lòng thêm buồn vời vợi. Bốn câu cuối xao xuyến lòng:

Mùa xuân có nghĩa gì

Cuộc tình này hỡi em

Dù mai thành tượng đá

Biết anh có về không ?

Vào giữa những năm 60 của thế kỷ XX, thời cuộc có nhiều biến động, kéo theo những tâm tư, tình cảm của nhiều văn nghệ sĩ. Khung trời cũ không còn bình yên. Chiến tranh trở nên khốc liệt. Tình người ly tán. Dấu vết này, thấy rõ trong thơ Thái Tú Hạp.

Bài thơ lục bát Nụ cười bao dung, viết vào 9/1965, đăng trên Giữ thơm quê mẹ, số 5 tháng 11 năm 1965, với 20 lần XIN. Tiếng cầu xin chân thành, pha lẫn những cảm xúc vừa bi thương, từ bi lại vừa ngậm ngùi, bao dung.    

Hình ảnh lời xin như sợi chỉ đỏ xuyên suốt hình tượng bài thơ, cảm động, thiết tha. Ở đó, ta nhận ra "xin thôi nẻo chiến trường" thì sẽ nghe tiếng ru con, sẽ thấy chim về ngợp nắng ruộng đồng, sẽ thấy mây mùa thu bồng bềnh bay trên cao, sẽ nghe lời hát ngọt ngào, đón nụ chào bao dung, sẽ có bàn tay làm nhịp cầu kinh, qua bom đạn, qua điêu tàn, qua lọc lừa, thanh tịnh giữa đời phi nghĩa này. Tác giả chân thành xin ngày, xin chuông chùa, xin mắt mẹ từ bi, xin tiếng ngậm ngùi ru con, xin mây thu bềnh bồng trên cao, xin lời hát ngọt ngào, xin nụ chào bao dung, ... để từ đó, xóa điêu tàn dấu xưa, hết những lọc lừa, xóa miền chiến trận, chỉ còn thanh tịnh.

Cũng trên tạp chí Giữ thơm quê mẹ, số 7 và 8 ngày 1 tháng 1 năm 1966 (Xuân Bính Ngọ), một bài thơ viết tại Hội An, bài Lời buồn treo cao, cũng 20 câu với lời CHO, cho đời, cho mình, cho quê hương. Nhà thơ mong mỏi cho đêm qua đi và bừng đóa mặt trời, cho thân thể mẹ hết đớn đau, em sẽ cho đời tiếng hát ngọt ngào, mùa xuân có chim, có bướm, có hoa, kinh kệ sẽ xóa oán thù, đôi bờ quê hương sẽ tàn binh lửa, cho sông biển ngọt tuổi đời, cho em thôi giọng ngậm ngùi, cho mây sẽ hôn lên ánh mắt chiều, cho khói cơm chiều quyện trên những mái tranh nghèo, đón thực thà vào tim, tha thứ hết mọi lỗi lầm, oan ức trôi đi, chỉ còn tiếng chuông và lời kinh vọng:

cho tàn binh lửa đôi bờ

cho cành dương nước cam lồ vô biên

cho tiêu tan chuyện ưu phiền

cho quê hương đẹp trăm miền tinh khôi...

 Sự chuyển đổi cách nhìn, cách thụ cảm cuộc sống khiến cho thơ Thái Tú Hạp mang âm hưởng mới, cũng lục bát đấy, song, tâm tình hơn, chân thật hơn, tha thiết hơn. Tâm trạng, nỗi niềm được gửi vào những vần thơ bàng bạc sắc màu của nhịp kinh cầu (xin tay làm nhịp kinh cầu), mang yếu tố tôn giáo.

Trên Tạp chí Văn, số 58, ngày 15 - 5 - 1966, Thái Tú Hạp có bài Một ngày Việt Nam mai sau, dài đến 45 câu, bày tỏ niềm ước mơ về một quê hương Việt Nam thanh bình, khi ấy: vũ khí chỉ còn là củi khô / thép đem nung trong lò để thành lưỡi cuốc lưỡi cày / viên đạn đã bốc khỏi vỏ để thành bình hoa trong phòng khách / giao thông hào biến thành con kinh đem nước mát cho ruộng đồng / ngọn hỏa châu thắp sáng như ngân hà cho đêm mở hội hoa đăng / con tầu chở niềm vui sum vầy về cho quê hương nghìn trùng xa cách /  đêm không còn lo âu / ngày hết rồi niềm đau xót / những mắt căm  hờn quên lãng chuyện đau thương / mẹ sẽ hát cho ta ta lời thơ nguyên thủy / nghe ngọt ngào từng âm điệu quê hương/ anh sẽ cho em cuộc tình vĩnh cửu / có dòng sông có hoa bướm cuộc đời /chúng mình sẽ cho nhau những tháng ngày gần gũi / mái tranh quê chan chứa mộng bình an / bạn bè sẽ đến với nhau đông vui như ngày xưa lớp học / hương cốm thơm như hơi thở đậm đà / với lòng trinh như cành huệ cành mai / dịu dàng như khói trầm nghi ngút / tình theo mây dâng trắng đỉnh non cao / tiếng hát ca dao nhân ái vô cùng / và nụ cười ròn rã nhạc yêu thương / lời không còn mang độc dược / tay không còn thủ khí giới sau lưng / tóc sẽ là rừng xanh...

Bài thơ tràn ngập những hình ảnh thơ mộng, đẹp như đàn chim rủ nhau về giăng cánh, lòng trải bao la như cánh đồng lúa mọng, gạo trắng chày khuya, đêm trăng vàng, cuộc tình nghèo, triều nước sông Cửu sông Hương, giải Trường Sơn hùng vĩ, bờ xa tiếng hát thùy dương, vết chém của hận thù qua rồi, bước chân trở về còn nguyên rượu ngọt, thân thể toàn vẹn, đóa hoa hồng nở trong lòng chiếc nón sắt được vất trên bờ sông thức tỉnh, ...

Một thế giới trập trùng những tiếng hát, lời ca, chan chứa mộng bình an, không còn thủ khí giới sau lưng:

Hoa nở dọc hàng rào kẽm gai chiến lũy điêu tàn đổ nát

Mặt trời phương đông êm ái ngủ yên cành trúc cành tre

Để nghe lời Việt Nam ngàn năm thực thà kể chuyện.

Giữa những năm 60 của thế kỷ XX, chiến tranh bắt đầu lan rộng trên quê hương Việt, cảnh tượng đau thương:

Trên bãi tha ma trên khắp công trường

Trong lòng người nham hiểm

Trong lòng người đen tối

Trong lòng người giả dối lưu manh

Toàn bộ nội dung của bài thơ Một ngày cho Việt Nam mai sau thể hiện niềm khát khao, ước vọng chân thành của tác giả về con tầu chở niềm vui sum vầy về cho quê hương nghìn trùng xa cách.

Tạp chí Văn, số 109, ngày 16-7-1968, có bài Niềm tin có thực, viết theo thể tự do, thể hiện một mơ ước, một khát vọng, một niềm tin của nhà thơ về  quê hương Việt Nam, nơi ấy:

một giòng sông nước trong hơn nước mắt để soi bóng mình những chiều thu êm ả

dành cho em ngọn núi cao để em tự do ca hát với thiên thần hát với chim muông

giữ cho em một ngôi vườn đủ loài hoa thơm ngát để mỗi bình minh em hái đóa mỹ miều em đùa vui bươm bướm

cho em đẹp như nàng công chúa thức dậy giữa rừng mơ, đợi chờ người lính đi xa sắp về khi tàn chinh chiến

việt nam ta ở đó, nơi những tình thương mọc cánh bay lên

tâm hồn ta nhân ái xin nguôi phai những thù hận qua rồi

những bông hoa việt nam yêu quí nở ngợp trên mảnh đất quê hương này  ...

 

Thơ Thái Tú Hạp gắn với truyền thống, dựng lên thi giới gần với phương đông. Tuy vậy, đằng sau câu chữ, vẫn thấy những bão táp của thời cuộc, những rạn vỡ của tuổi trẻ, song, cái chung vẫn là vẻ đẹp giản dị của một tâm hồn. 

Thái Tú Hạp là giọng riêng của thơ xứ Quảng giai đoạn 1954-1975, một bè trầm, cung bậc nhẹ, sâu lắng, man mác như khung trời phố Hội vào thu.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Thiện Thuật - Mùa hoa ban đẹp mãi
Đối với mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay, cái tên Điện Biên Phủ đã như một dấu mốc luôn hiện lên sừng sững mỗi khi nhắc đến. Ai cũng rưng rưng xúc động bởi máu xương của cha anh, của nhân dân đã đổ xuống để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là không thể đo đếm hết được.
Xem thêm
Những trang văn phảng phất mùi thuốc súng
Bài tham luận của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm
Xem thêm
Di cảo thơ Chế Lan Viên: Khi thơ là thuốc, là lời kinh kệ
Chế Lan Viên là người mà sự nghĩ ngợi vận vào thơ như thể thơ cũng là thuốc, thơ chẩn ra được cái bệnh đau của kiếp người, và “Có vào nỗi đau mới có ích cho người”.
Xem thêm
Cảm hứng sinh thái trong thơ Đặng Bá Tiến
 Là một nhà báo, nhà thơ mấy chục năm gắn bó với vùng đất Đắk Lắk, Đặng Bá Tiến đã sáng tác thành công về thiên nhiên, con người và văn hoá Tây Nguyên với nhiều tác phẩm: Lời chân thành với cỏ (Thơ, 2009), Rừng cổ tích (Trường ca, 2012), Hồn cẩm hương (Thơ, 2017), Linh hồn tiếng hú (Thơ, 2020). Anh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Tây Nguyên đương đại, một nhà thơ “thứ thiệt”[1] có bản sắc riêng, thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo. Nổi bật trong sáng tác của anh là những tác phẩm viết về rừng, về sinh thái văn hoá và nhân văn.      
Xem thêm
Sức bền của ngòi bút
Nguồn: Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 116, ngày 21/3/2024
Xem thêm
Nguyễn Bính ở phương Nam
Nguyễn Bính (1918-1966), tên thật là Nguyễn Trọng Bính (có lúc tên Nguyễn Bính Thuyết), quê ở Nam Định nhưng sống khắp ba miền đất nước. Ông có phong cách một nhà thơ lãng tử, sáng tác về chủ đề tình cảm làng quê và tình yêu, tổ quốc. Thơ tình cảm mộc mạc của ông được rất nhiều người thuộc. Tác phẩm gồm 26 thi tập trong đó có : + 1 kịch thơ : Bóng giai nhân (1942): + 3 truyện thơ : Truyện Tỳ Bà (1942); Trong bóng cờ bay (1957); Tiếng trống đêm xuân (1958): + 1 vở chèo : Người lái đò sông Vỹ (1964) và rất nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được nhạc sĩ phổ thành ca khúc : Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, Quốc Hương ca);  Cô hái mơ (Phạm Duy); Ghen (Trọng Khương), Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc); Chân quê (Minh Quang). Hiện nay, nhiều thành phố có những con đường mang tên ông. Nhà thơ Nguyễn Bính nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2000) cùng với Hoài Thanh, Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng, …
Xem thêm
“Đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”
Tôi biết Nguyễn Minh Thuận (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk) làm thơ đã lâu, dễ hơn ba chục năm trước, thỉnh thoảng anh vẫn đọc cho tôi nghe và rải rác anh cho đăng trên facebook Trương Thị Hiền - vợ anh (TS, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên).
Xem thêm
Đọc “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh
Xem thêm
Hoàng hôn chín – chín mọng yêu thương
Về tập thơ in chung của Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan
Xem thêm
Thơ Phan Hoàng trong hành trình ngược lối – Tiểu luận của Mai Thị Liên Giang
Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng từng nhận được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, sau đó tập thơ này được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 của Hungary. Ngoài ra tập trường ca “Bước gió truyền kỳ” của ông cũng được Ủy ban nhân dân TPHCM trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II. Để hiểu thêm về hành trình sáng tạo thi ca của nhà thơ Phan Hoàng, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình văn học Mai Thị Liên Giang.
Xem thêm
Những giải mã thú vị, khoa học của một người đọc tri âm
Với kiến văn sâu rộng, sự nghiên cứu cẩn trọng mang tính học thuật cao, khai thác nhiều vấn đề tri thức lý luận mới mẻ; Trần Hoài Anh đã đem đến những trang viết tinh tế, khai mở nhiều điều lý thú và bổ ích.
Xem thêm
Hồn xuân trong thơ Hồ Chí Minh
Nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng đã nhận định sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một trí tuệ lớn, một dũng khí lớn, một tâm hồn lớn”.
Xem thêm
“Trung thực và quả cảm” trong sáng tác và phê bình văn học, nghệ thuật
Bài viết của nhà thơ Mai Nam Thắng trên Văn nghệ số 4/2024
Xem thêm
Nguyễn Quang Thiều với ‘Nhật ký người xem đồng hồ’
Bài viết của Nguyễn Văn Hòa về tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời
Nguồn: Báo Văn nghệ số 4, ra ngày 27/1/2024.
Xem thêm
Dòng kinh yêu thương
Tháng 8 năm 1969, chương trình Thi văn Về Nguồn góp tiếng trên Đài phát thanh Cần Thơ vừa tròn một tuổi. Nhân dịp nầy, cơ sở xuất bản về Nguồn ấn hành đặc san kỷ niệm. Đặc san tập họp sáng tác của bằng hữu khắp nơi, với các thể loại như thơ, truyện, kịch… và phần ghi nhận sinh hoạt văn học nghệ thuật ở miền Tây trong một năm qua. Trong đặc san này, chúng tôi in một sáng tác của nhà thơ Ngũ Lang (Nguyễn Thanh) viết ngày 24/8/1969, gởi về từ Vị Thanh (Chương Thiện), có tựa đề “Đưa em xuôi thuyền trên kinh Xà No” Hơn nửa thế kỷ trôi qua với bao nhiêu biến động, ngay cả tác giả bài thơ chắc cũng không còn nhớ. Xin được chép lại trọn bài thơ của anh đã đăng trong Đặc san kỷ niệm Đệ nhất chu niên Chương trình Thi văn Về Nguồn, phát hành vào tháng 8 năm 1969.
Xem thêm
Minh Anh, người đánh thức thế giới
từng chữ từng chữ/ rơi vào từng dòng từng dòng/ chúng chụp lấy những khoảnh khắc/ đẹp não nùng/ không thể rời khỏi con tim/ cách duy nhất để tự nó đừng nở rộ quá mức/ vượt khỏi ký ức của ta/ là hãy viết xuống (Sự kỳ lạ của nghệ thuật viết).
Xem thêm
Ta sẽ không như cốc trà nguội cuối ngày
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ Vọng thiên hà của Hoa Mai.
Xem thêm