TIN TỨC

Đại dịch và tình người

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2021-09-23 22:18:15
mail facebook google pos stwis
1773 lượt xem

 (Vanchuongthanhphohochiminh.vn) - Tiếng lao xao ngoài ngõ vọng vào. Tiếng í ới gọi nhau nặng nề, yếu ớt. Những âm thanh này đã không còn xa lạ với Nhật gần nửa tháng nay nhưng anh vẫn vội vàng mở cửa bước ra xem. Đó là những người sống cùng con hẻm trong khu phố của anh. Những người bạn sớm tối với gia đình anh trong mấy chục năm qua.

       Từ ngày dịch bệnh bùng phát lần thứ tư, Sài Gòn rơi vào cảnh đau thương. Những tuyến đường lặng lẽ vắng tiếng còi xe. Những dãy phố im lìm vắng người qua lại. Còn đâu tiếng rao hàng lanh lảnh của các cô bán hàng rong. Còn đâu tiếng nô đùa của con trẻ mỗi khi chiều xuống. Phần lớn mọi người đều ở trong nhà. Thỉ thoảng mới có người mở cửa ra hóng chút khí trời. Ai cũng hạn chế tối đa việc tiếp xúc. Cần chia sẻ điều gì mọi người đều nhờ đến điện thoại. Ai cũng hiểu đó là cách để hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

         Một tuần. Hai tuần. Ba tuần… Rồi một tháng, hai tháng, ba tháng đã trôi qua. Sài Gòn vẫn nhức nhối với những con số đau thương. Nhật bắt đầu thấy lo lắng. Con số nhiễm bệnh mỗi ngày mỗi tăng. Biết khi nào mới nới lỏng giãn cách? Biết khi nào mới được đến công ty. Một vài tuần thì ổn. Hay một, hai tháng thì có thể cầm cự được nhưng nay đã hết tháng thứ ba và ngày trở lại vẫn còn là ẩn số. Anh không thể không thấy bất an.

         Từ ngày Sài Gòn phát lệnh giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ, vợ chồng anh đều nghỉ làm không lương. Lúc nhận quyết định, Nhật cũng không lo lắng. Bụng bảo dạ chắc cũng tầm một hai tuần Sài Gòn lại khỏe thôi. Nhưng những ngày nghỉ càng lúc càng dài hẳn ra. Cả ngày nằm dài trong nhà không kiếm đâu ra đồng bạc mà bao thứ phải chi: tiền ăn, tiền điện, tiền nước, tiền lãi ngân hàng...Cái cảm giác tù túng vì không được làm việc biến mất, thay vào đó là nỗi lo ví tiền mỗi ngày mỗi cạn. Thiệt tình, trong anh lúc này, nỗi sợ đói cũng không ít hơn nỗi sợ nhiễm bệnh. Nhà anh đến sáu miệng ăn. Bố mẹ cũng không có lương bổng gì. Hồi còn trẻ hai ông bà có chút của để dành thì gom sạch đủ mua căn nhà. Nhờ vậy, vợ chồng anh không phải lo chuyện đất đai, nhà cửa. Nhưng lương công nhân cũng đâu có nhiều. Cuộc sống Sài Gòn lắm đắt đỏ, lương hai vợ chồng cũng chỉ đủ trang trải hàng tháng cho cả nhà. Rồi dịch bùng nổ, tất cả mọi chuyện đóng băng...

       Nhật cố giấu diếm những lo lắng. Hằng ngày, anh cố vui đùa cho mọi người vui vẻ nhằm quên đi sự tù túng kéo dài. Hơn nữa, nếu so với dân nhập cư, thì anh vẫn còn may mắn hơn nhiều. Anh may mắn hơn hàng ngàn người vô gia cư phải lăn lộn trên vỉa hè hay dưới gầm cầu, ngấu nghiến những ổ bánh mì 0 đồng từ những nhóm thiện nguyện. Nhìn họ xanh xao, mừng rỡ cúi rạp người khi nhận được những gói quà từ thiện lòng anh xót xa cho những phận người. Anh may mắn hơn những người nhập cư phải chui rúc trong các khu trọ chật hẹp. Nhìn họ gánh gồng trên xe máy tìm cách rời khỏi thành phố, vật vã trên những tuyến đường dài để trở về với quê hương, lòng anh thấy quặn thắt. Anh may mắn vì đến giây phút này vẫn còn được ngồi ăn chung bữa cơm với người thân, được nhìn thấy họ mỗi ngày. Có lúc bắt gặp hình ảnh những chiếc xe cứu thương chở tử thi từ các bệnh viện hay các trung tâm cách li đi hỏa táng, Nhật ước gì nạn dịch nhanh chóng qua đi, an lành sớm trở về với mọi người.

***

         Sau mấy phút lao xao, chiếc xe lăn bánh chở người không may đi hỏa táng. Nhật quay lưng khép cửa vào nhà. Một ý nghĩ thoáng qua khiến anh thở phào nhẹ nhõm. Anh mừng thầm khi nghĩ đến gia đình anh hiện vẫn yên ổn. Bỗng Nhật thấy xấu hổ vì những suy nghĩ ích kỉ của bản thân. Anh tự nhủ phải phấn chấn lên, phải cố gắng chấp hành lệnh cách li của thành phố, chỉ cần ở yên một chổ, tuân thủ nghiêm ngặt khẩu hiệu “5K” rồi Sài Gòn cũng sẽ qua thôi. Nhật tin nhất định Sài Gòn sẽ qua được giai đoạn khó khăn này bởi người Sài Gòn ai cũng đôn hậu, thấm đượm tình người. Họ sống chân tình, xởi lởi. Họ sẵn lòng giúp đỡ, cưu mang nhau. Nhật thoáng nghĩ đến những câu chuyện người dân giúp nhau trong mùa dịch được chia sẻ hằng ngày trên truyền điện tử. Anh thấy ánh lên những niềm tin, hi vọng. Giả sử một ngày nào đó gia đình anh thiếu thốn thì vẫn còn đó các đoàn thể của chính quyền địa phương, các địa chỉ của những mạnh thường quân. Nhật tin mọi người sẽ không ai bỏ rơi anh. Họ sẽ sẵn sàng giúp anh như họ vẫn đang giúp cho nhiều trường hợp khác.

       Nhật nhớ đến một thông tin đăng trên trang facebook mà ấm lòng: “Công nhân và những người vô gia cư ở Sài Gòn hãy liên hệ trực tiếp với chị Hoa theo số 0916344678 để được ở trọ miễn phí: (1) Khu phòng trọ 26 phòng, ở được 100 người, mới chưa sử dụng tại địa chỉ: 345 Tô Ngọc Vân, Phường Thạnh Xuân, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. (2) 40 phòng trọ, sức chứa 160 người tại địa chỉ: 2150/25/28/45 Quốc lộ 1A, khu phố 1, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.Tình người sao mênh mông quá. Trong cơn bạo bệnh, người ta mới thấy hết cái tình của nhau. Người Việt ta xưa nay là thế: yêu thương, đùm bọc nhau nào đâu nghĩ đến phải máu mủ ruột rà.

      Như chuyện anh Phạm Phú Quốc, 48 tuổi, chủ khu nhà trọ tại hẻm 79 Trần Văn Đang, phường 9, quận 3, Khi hay tin người dân trong con hẻm 377 đường Cách mạng Tháng Tám phường 12, quận 10 bị phong tỏa, anh sẵn sàng chở hàng chục gói quà là nhu yếu phẩm, là những túi thuốc điều trị covid đến hỗ trợ cho người dân. Trước đó, anh Quốc còn giảm tiền thuê nhà cho các hộ đang sống ở khu trọ của anh. Nghe đâu, hai vợ chồng anh có 20 phòng trọ, lúc đầu anh giảm giá thuê phòng, sau thấy dân trọ khó khăn, anh miễn phí hẳn cho họ. Thậm chí anh còn cho họ lương thực để chống chọi qua mùa dịch. Anh kể: số tiền dưỡng già của hai vợ chồng, anh mang ra hết lo cho dân nghèo trong đợt dịch này.

       Rồi chuyện anh Đoàn Ngọc Hải cũng thấm đẫm tình người. Anh Hải cùng với nhóm Nhất Tâm đi làm thiện nguyện. Ngày nào nhóm cũng nhận điện cầu cứu của các bệnh nhân là F0. Từ thông tin của các cuộc gọi, xe anh Ngọc Hải cùng nhóm Nhất Tâm sẽ chở bình ô xi đến giao tận nhà cho họ mà không lấy bất kì chi phí nào. Nghĩa cử này cao đẹp biết bao! Để giúp đỡ những bệnh nhân, những người làm thiện nguyện phải lăn lộn chạy từ chổ này sang chổ kia, nhanh chóng chuyển những bình ô xi đến kịp thời để cứu sống từng người. Công việc đó hết sức nguy hiểm. Họ phải thường xuyên tiếp xúc với người bệnh nhưng ai nấy đều nhiệt huyết. Ai cũng muốn đóng góp chút công, chút của để nhanh chóng vực Sài Gòn khỏe lại. Những bức ảnh anh Đoàn Ngọc Hải ăn vội vả, qua loa trên đường đi thiện nguyện cứ ám ảnh trong lòng Nhật. Anh xúc động vì tình người thật ấm áp!

        Nhật nghĩ rằng những ai làm thiện nguyện đều hiểu có thể một ngày nào đó vì cứu người mà chính họ sẽ trở thành F0. Nhưng điều đó với họ không quan trọng. Tình thương dành cho đồng bào khiến họ quên đi mọi hiểm nguy. Nghĩ đến đây, Nhật nhớ câu chuyện anh Vũ Quốc Cường mà dân quận 1 thường gọi bằng cái tên quen thuộc: Cường Béo. Anh sống tại Bến Nghé, quận 1. Mấy năm qua, anh duy trì hai quán cơm chay để hỗ trợ người nghèo. Dù nằm sâu trong ngõ nhỏ nhưng quán cơm của anh vẫn luôn là địa chỉ thân thuộc của hàng nghìn người nghèo tại Sài Gòn. Đến khi Sài Gòn lâm bệnh, bếp cơm của anh đã hỗ trợ rất nhiều cho các bệnh viện, tuyến đầu chống dịch. Người ta truyền tai anh Cường rất dễ thương, nhẹ nhàng và vui tính. Hễ ai tiếp xúc đều yêu mến anh. Hơn hai tháng phục vụ chống dịch, không may anh đã nhiễm vi-rút và không qua khỏi. Cả cộng đồng mạng xót xa, thương tiếc khi hay tin anh ra đi. Nhìn bức di ảnh của anh được đăng trên báo chí, Nhật không cầm được nước mắt. Anh mặc bộ đồ như quý sư ở nhà chùa, nụ cười tươi tắn, hiền hậu. Một con người từ tâm là vậy, lại bỏ cuộc đời ra đi quá sớm. Nhật thấy khóe mắt cay cay khi nghĩ đến những hi sinh thầm lặng của anh Cường hay anh Quốc, anh Hải và của nhiều người khác. Họ vẫn âm thầm ngày đêm cống hiến hết sức mình để giúp bà con sớm qua cơn đại dịch. Tấm lòng của họ ấm áp không gì đong đếm đủ.

      Miên man với những dòng suy nghĩ Nhật thấy nhẹ lòng. Có cơn mưa nào mà không tạnh? Có cơn bão nào mà không tan? Có đêm đen nào mà kéo dài đến vô tận? Khi tình người đong đầy đến thế thì tất cả mọi chuyện rồi sẽ qua. Ánh sáng cũng sẽ chờ chúng ta ở cuối con đường. Nhật tin tưởng và mỉm cười khi vợ anh nhắc nhẹ: “Mai ba sắp nhỏ có giấy hẹn đi tiêm vắc-xin rồi nha!”

                                                                                                  Thanh Túy

 

Thông tin tác giả:

Họ tên: Nguyễn Thị Thanh Túy

Số điện thoại: 083.4251.639

Địa chỉ liên hệ: Phường Hương Hồ, Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm