TIN TỨC

Thân gái chiến trường | Ký của Vương Trọng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
527 lượt xem

VƯƠNG TRỌNGLà một nhà văn, nhà báo Quân đội trong suốt mấy chục năm hai cuộc chiến tranh chống đế quộc Mỹ và bọn Trung Quốc xâm lược, tôi đến nhiều chiến trường ở Nam, Bắc nước ta cũng như hai nước Cămpuchia và Lào. Tôi chứng kiến đời sông chiến trường vô cùng khó khăn, ác liệt, hiểm nguy mà người lính phải chịu đựng để giành chiến thắng. Tôi nể phục những người trực tiếp ở chiến trường, và sự nể phục đó càng nhân lên, khi họ là những người phụ nữ phục vụ trong các lĩnh vực Y tế, Hậu cần, Giao thông vận tải... Báo chí và Văn nghệ.

Trong lĩnh vực Báo chí, Văn học những tên tuổi như Dương Thị Xuân Quý, Vũ Thị Hồng, Trần Thị Thắng, Hà Phương...khá quen thuộc, người đã hy sinh, người tiếp tục công việc sau khi hòa bình lập lại, giới trẻ đọc tác phẩm của họ, gặp họ...cũng không thể hình dung họ đã sống trong chiến tranh như thế nào.

Bài này tôi viết về chị Trần Thị Thắng muốn để những người trải qua cuộc chiến nhớ lại một thời, còn thế hệ trẻ có thể biết ít nhiều về thời đó.

__________

 “Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ”(*)! Hơn thế nữa, bộ mặt chiến tranh và gương mặt phụ nữ hoàn toàn đối lập nhau. Đó là sự đối lập giữa khốc liệt, dã man, hủy diệt với dịu dàng, nhân ái, sinh sôi. Người phụ nữ nào cũng biết rằng muốn giữ nguyên thuộc tính bẩm sinh của mình thì hãy tránh xa chiến tranh, đi ra nước ngoài, hoặc tránh xa vùng chiến sự. Nhưng thực tế trong lịch sử, nhất là lịch sử Việt Nam, chuyện đó ít xẩy ra. Những người phụ nữ yêu nước không chỉ dám hy sinh thuộc tính của phụ nữ, mà còn hy sinh cả tính mạng mình vì độc lập tự do của Tổ quốc. Biết bao tấm gương nữ anh hùng liệt sỹ đã trở thành biểu tượng của chiến đấu, hy sinh mà mỗi lần nhắc tên chúng ta kính cẩn, nghiêng mình. Bên cạnh đó có hàng vạn người phụ nữ đem cả tuổi xuân chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường, khi hòa bình lập lại, họ trở về quê hương hay cơ quan tiếp tục công việc bình thường, và có khi người bên cạnh không hề biết những gì họ đã trải trong cuộc chiến.

Tấm ảnh của cô gái xanh xao, gầy yếu chụp trong một khu rừng nào đó ở Công Pông Chàm (Cămpuchia) hay Tây Ninh nước ta vô tình bắt gặp đã ám ảnh tôi. Cô gái cố nở một nụ cười như để chiều lòng người chụp ảnh, khi trong ngươi cô cơn sốt định kỳ đã bắt đầu mon men tới. Cơ thể cô chỉ còn ba mươi lăm cân, tức là đời sống chiến trường và những cơn sốt rét dai dẳng đã lấy đi non một phần ba trọng lượng thân thể…

Cô gái xanh xao, gầy yếu trong tấm ảnh ngày ấy giờ là người đàn bà ngồi đối diện tôi trong căn nhà của gia đình chị thuộc phường Bình Thuận, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh. Nước da trắng tương phản bộ đồ đen giản dị. Khuôn mặt đầy đặn toát lên sự phúc hậu, thân thiện, chân thành. Chị là nhà thơ Trần Thị Thắng, năm nay đã bước sang tuổi bảy mươi mốt. Tôi biết chị từ khi chị biên tập trang thơ của Tuần báo Văn nghệ từ năm 1978, và còn biết thêm chồng chị là nhà thơ Lê Quang Trang, mà tôi từng gặp ngay sau ngày giải phóng ở Sài Gòn, sau này là biên tập trang văn nghệ của báo Nhân Dân, rồi Tổng biên tập báo Đại đoàn kết…

Nghe tôi hỏi chuyện đi B và những năm sống ở chiến trường, đang trò chuyện vui vẻ, bỗng chị lặng đi…Dòng hồi tưởng đã dắt chị trở lùi nửa thế kỷ.

Khác biệt với đợt tổng động viên năm 1971 – 1972 huy động hàng ngàn sinh viên, cán bộ giảng dạy…nhập ngũ, ra chiến trường chiến đấu, việc chọn hơn bảy mươi sinh viên vừa tốt nghiệp K11, K12 khoa Văn, Sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để chuẩn bị đi B năm 1970 là hoàn toàn tự nguyện của từng người. Hơn nữa, có người tự nguyện nhưng vẫn không được lựa chọn vì lý do sức khỏe hoặc lý lịch không rõ ràng hay có người thân sinh sống ở nam vĩ tuyến 17. Điều đáng nói trong số những người được lựa chọn, chỉ có bốn nữ, còn lại hầu hết là nam. Không ít người ngạc nhiên với quyết định đi B của Trần Thị Thắng, có người cho quyết định đó là “liều lĩnh”! Khi biết chị đã tập trung học tập trước lúc lên đường, bố chị yên lặng một lúc lâu rồi dặn rằng cố gắng học tập, rèn luyện để có sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ còn mẹ thì khóc, nhắc chuyện chàng trai cạnh nhà đi B cách đây mấy năm vừa có giấy báo tử về nhà. Chị chỉ biết động viên bố mẹ yên tâm, con đi ít lâu rồi hòa bình con lại về …

Khi chị đang học khóa 4 lớp Bồi dưỡng sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá, một hôm có người chú ruột đến thăm. Chú là sĩ quan pháo binh từ hồi kháng chiến chống Pháp. Sau bữa cơm chiều hai chú cháu ra trò chuyện cạnh gốc sung có thân nghiêng gần sát mặt nước hồ. Chú lo cháu không đủ sức khỏe để vượt Trường Sơn nên có ý định gặp ban giám hiệu xin cho cháu ở lại. Thắng hốt hoảng: “Cháu xin chú! Nếu chú gặp ban giám hiệu thì cháu sẽ bị loại ngay…”. “Nhưng cháu đã lường hết khó khăn khi vượt Trương Sơn và sinh hoạt, chiến đấu ở chiến trường chưa”? “Cháu nghĩ hết rồi chú ạ, vả lại cháu rất cố gắng luyện tập đi bộ và mang nặng”. “Cháu đã quyết rồi, chú không can, nhưng đã quyết thì không được bỏ cuộc nửa chừng”…

Lời căn dặn cuối cùng của người chú không biết bao lần văng vẳng bên tai, giúp chị vượt qua những trở ngại tưởng không thể vượt qua nổi. Không phải giản đơn mà chị tình nguyện đăng ký tên mình vào đoàn đi B này. Có rất nhiều nguyên nhân trong đó có khát vọng tuổi trẻ, muốn góp sức nhỏ bé của mình vào cuộc chiến và cũng muốn đi cho biết đó biết đây, giống như mấy bạn nam cùng lớp vẫn ngâm nga “Làm trai cho đáng thân trai/ Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng”.

Mặc dù hứa với chú là đã lường hết khó khăn, nhưng thực tế, khó khăn lớn hơn nhiều so với điều chị nghĩ. Bắt đầu là chiếc ba lô với “cơ số đi B”. Quần áo, chăn màn, tăng võng, thuốc men, súng đạn, hăng gô, bi đông, mấy mét vải màn làm băng vệ sinh, lại còn thêm bao gạo từ bảy đến chục cân, cứ nghĩ với con gái mảnh mai, vai nhỏ, chân yếu, tay mềm chỉ mang ba lô lên đi một lúc đã khó, thế mà phải đi hơn bốn năm tháng trời, đâu phải đường bằng mà leo đèo lội suối, có khi phải vịn thang leo dốc dựng đứng. Thì ra trong mỗi con người chúng ta có những tiềm năng, mà chỉ trong một số hoàn cảnh nào đấy mới biến thành khả năng, giúp mình vượt qua khó khăn, khắc nghiệt, hiểm nguy để tồn tại. Có người nói rằng chiếc ba lô chứa cả gia tài của người lính, không chỉ lo cho người lính khi sống và cả khi từ giã cõi trần, không “ áo bào thay chiếu anh về đất” thì tăng, võng ôm ấp anh nằm lại với Trường Sơn. Chị Thắng cũng một số thành viên trong đoàn này chưa nhập ngũ, nhưng đang làm nhiệm vụ của người lính, hơn nữa là người lính ra trận. Chiếc ba lô của chị ngoài phần chứa gia tài của người lính còn chứa thêm bao kỷ niệm vui buồn…Chị nhớ, trước hôm đơn vị hành quân , bố chị từ quê xuất hiện khi chị đang thu xếp các thứ vào ba lô. Chị ngạc nhiên vì trước khi đi chị đã được về quê thăm gia đình mấy hôm, bố đã dặn chị nhiều điều rồi. “ Con cầm lấy cái này”! “Gì thế hở bố”? Bố đưa chị một xấp tiền toàn mười đồng màu đỏ tươi, mà sau này chị đếm lại đúng 20 tờ, tức 200 đồng tất cả. “ Con không cầm đâu, bố mẹ giữ lấy mà tiêu, chuyện ăn uống, chi tiêu của con có đoàn lo đầy đủ cả rồi mà”! “ Nghe lời bố, đồng tiền có lúc có tể cứu được mạng người đấy con ạ”. Nói rồi bố chị tự tay cầm xấp tiền gói trong mảnh giấy báo đó nhét vào một góc ba lô. Chắc bạn đọc muốn biết giá trị của 200 đồng đó như thế nào, thì xin thưa rằng, số tiền đó bằng bốn tháng lương của người tốt nghiệp đại học vừa ra công tác. Những ngày sốt rét dai dẳng trên rừng Trường Sơn, lá lách sưng to sa xuống lệch một bên bụng, đi có khi phải bò, không thể ăn được thức ăn của binh trạm hay đoàn nấu, nếu không có những đồng tiền kia, thì làm sao mua được chục trứng, 1kg thịt…của nhà dân, chắc gì chị có thể hồi phục để tiếp tục cuộc hành trình. Phải chăng bố chị đã lường được hoàn cảnh ấy mà xoay xở món tiền đưa đến tận tay chị trước lúc lên đường?

Nhưng trong chiếc ba lô đó cũng chứa chuyện không vui, chưa hẳn đã là buồn, nhưng giá như chuyện ấy không xẩy ra thì ký ức đường Trường Sơn của chị khỏi bị chèn vào những hạt sạn. Chị mang thói quen đọc sách từ thời học sinh, sinh viên, nên khi hành quân, hễ dừng lại là chị đọc sách, trước khi ăn, trước khi ngủ…điều đó cũng làm “ngứa mắt” một số người. Bạn đọc lưu ý rằng, trong đoàn đi B lần này không phải tất cả đều là sinh viên vừa tốt nghiệp, không phải tất cả đều làm công tác văn học nghệ thuật, mà có cả y tế, giáo dục, cán bộ ở nông trường, công trường…nên không phải ai cũng thông cảm cái chuyện “hở ra là đọc sách” của chị. Sao không xuống suối bắt cá? Sao không vào rừng tìm rau? Cứ làm như không đọc sách một lúc là không sống nổi hay sao? Chính người phó phụ trách chi ( đoàn nhỏ) của chị có lần đã to tiếng như vậy với chị. Chị biết cái sai thuộc về mình, nên không bao giờ cãi lại, mà vùng ngay khỏi võng, nhét sách vào ba lô, đi theo người tìm rau bắt cá, dù cả hai việc ấy quá xa lạ với với chị. Mặc dù trước khi lên đường chị đã được nhắc nhở tư trang phải thật gọn nhẹ vì còn phải mang nhiều thứ thiết thân, lúc đầu chị định chỉ mang tấm ảnh Putskin và tập thơ Ê xê nhin, nhưng sau nhét luôn cả bộ “Chiến tranh và Hòa Bình” vào ba lô! “Chiến tranh và Hòa Bình” đã theo chị cả mấy tháng trời, cho đến khi chị bị sốt rét, nhà văn Hà Mậu Nhai lùi lại mang hộ ba lô cho chị mới phát hiện ra tập sách dày này, tức thì bảo chị loại bỏ đi, và động viên rằng chị chỉ cần mang theo phần tinh túy của cuốn sách đã nhập vào trong đầu mình là đủ!

Để hình dung được một phần chuyến đi B năm ấy, ta cùng nhau đọc lại một đoạn nhật ký của chị:

 “…2 giờ đêm ngày 21/4/1971. Máy bay quần đảo nhiều, thả pháo sáng, dội bom. Xe ngụy trang cây rừng cứ lùi lũi đi dưới pháo sáng tới 3 giờ 30. Đêm, xe dừng lại. Chúng tôi gặp đoàn tù binh Nam Lào vừa đưa ra, trong đó có ba tù binh Mỹ. Chúng tôi đi vào còn sức khỏe, tù binh Mỹ đi ra mệt mỏi, râu ria , tóc tai bờm xờm. Chúng nhìn chúng tôi với đôi mắt xanh buồn bã chán chường.

Ngày 22/4/1971 bắt đầu leo Trường Sơn bộ. Máy bay địch bay vè vè suốt trên đầu, thỉnh thoảng bắn một quả “xin thùng” dọa dẫm. Đi đến gần trưa thì mệt, ba lô trên vai trở nên nặng nề, đè lên lưng. Bỗng có tiếng khóc tu… tu… rất to. Tôi phải ngồi lại dỗ Nguyễn Thị Lạng, mười tám tuổi y sĩ. Một bạn nam ghé lại vác ba lô cho Lạng, cô chống gậy đi cặp kè bên tôi.

- Ở nhà có bao giờ khổ thế này đâu, mẹ ơi con khổ sở quá…

Lạng cứ nấc lên khóc tiếp, tôi phải lùi xa đoàn người cho Lạng vừa khóc vừa kể lể để nó bớt đi nỗi cực chăng?”.

Ngày 25/4 tình hình trạm 9 căng thẳng, chúng tôi phải đi hai trạm trong một ngày. Ngày đi mệt, đây là đêm đầu tiên ngủ rừng. Cánh rừng về đêm như rộng mênh mông và tối đen một màu đen vô tận. Đang sợ thì mưa to ập đến. Chúng tôi ngồi co chân lên võng, chịu trận mưa rừng chảy vào võng, vào mùng, cốt che lấy chiếc ba lô vì đó là đồ ăn, thức uống của ba bốn tháng trời hành quân.

Sáng 26/4 cả lũ nhìn nhau: như chuột lột. Lúc đầu tưởng chỉ có mình vụng dại bị ướt, ai ngờ tất cả đều chưa biết mắc võng, tăng nằm dưới trời mưa.

Ngày 1/5 trạm 12 – 13 qua một con lộ “Điện Biên”. Quân phải chạy ròng rã từng người, từng người một qua đoạn đường 3 km trống lốc. Ba lô trên lưng, lá ngụy trang quềnh quàng cứ dọc lộ mà chạy. Máy bay soi trên đầu, thỉnh thoảng chúng lại bắn phía trước mặt. Qua lộ “Điện Biên” thì đến đoạn đường xuống dốc.

Chân chúng tôi như chùng lại, nhức và mỏi, cứ bước xuống mãi mà chưa thấy mặt bằng hoặc có dốc leo. Khi vượt dốc có cái cực của vượt dốc. Nhưng phải xuống dốc thăm thẳm thì than ôi, cái cực ấy mới là cực. Bỗng mưa gió đùng đùng ập đến, người nào cũng như con lạc đà phải chất hết gạo, thức ăn, nồi niêu lên lưng. Cái gió ở Trường Sơn như to hơn vì nhiều cây cả. Cái mưa ở Trường Sơn như lớn hơn vì đây là đầu mùa mưa. Mọi năm, về mùa mưa là mùa nghỉ hành quân.

Binh sĩ ngoài miền Bắc luyện tập chờ mùa khô, lính chuyên nghiệp giao quân vội vã đi. Năm 1971 này, quân cứ đi chẳng kể mưa hay nắng. Sấm ở trên cao như dồn hết về cơn mưa đầu mùa này để giương oai với “phụ nữ hành quân”. Nước từ trên đỉnh xối xuống dốc thật khủng khiếp mà đoàn người vẫn phải đi, bởi đoạn đường này không có chỗ dừng. Tôi liếc nhìn Liên, Sèn. Nghe tiếng sét đánh, dẫu đã là người miền núi, mặt người nào cũng tái nhợt. Tiếng ông Hà Mậu Nhai nhắc nhở:

- Các cháu bám vào và đi thật cẩn thận. Một người ngã sẽ kéo theo nhiều người ngã.

Chúng tôi truyền lời của ông Hà Mậu Nhai: “Bám vào, đi cẩn thận, một ngã mười ngã theo”. Tự nhiên cái khẩu lệnh thành quan trọng hóa và chúng tôi vứt hết mọi sợ hãi để chỉ tập trung đi xuống dốc dưới mưa trơn…”

Ba đoạn nhật ký trên đều viết vào vài tuần đầu cuộc hành trình 5 tháng trời. Thời gian sau, dù sức yếu chị vẫn ghi nhật ký đều đều để sau này ra được quyển Ngày trở về, in tại Nhà xuất bản quân đội 1997 . Nhưng chỉ dẫn ba đoạn nhật ký trên, bạn đọc cũng hình dung được cuộc hành trình mở ra như thế nào.“Đường ra trận mùa này đẹp lắm” là câu thơ, lời hát quen thuộc có thể đúng với đoàn quân nào đó, thời điểm nào đó, chứ đối với đoàn quân vượt Trường Sơn tháng này qua tháng khác mà chị là một thành viên thì không như thế, bởi không mấy người còn sức lực để chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên, và không mấy khi giữ được vẻ hào hùng vốn có ở thao trường hay những buổi hành quân dã ngoại. Đi nhiều quai dép cọ xát làm bàn chân loét da thì luồn tất mà đi. Mang nặng vai sưng, lưng xây xát có khi nằm ngủ không trở mình nổi, thế mà đang nằm bỗng nghe hiệu lệnh là vùng dậy mà đi. Cũng cần lưu ý điều này: hơn bảy chục sinh viên Tổng hợp ấy đã được chia ra nhiều chi để đến các chiến trường, riêng bốn cô gái thì chia ra hai chiến trường: Vũ Thị Hồng và Bùi Thị Chiến dừng lại ở chiến trường Khu 5, còn Đỗ Thị Thanh, tức Hà Phương và Trần Thị Thắng thì đi vào Trung ương cục ở B2 với mật danh Ông Cụ. Kể từ lúc ấy, Thanh và Thắng gắn bó với nhau trên mọi đoạn đường. Những lúc Thắng sốt rét, sốt mê sảng, nói lung tung và vất đồ dùng mỗi thứ một nơi,Thanh phải lội xuống suối mò dép cho Thắng. Đến lượt Thanh sốt rét, nằm li bì,Thắng bón từng thìa cháo và dìu đi từng đoạn ngắn. Để cho Thanh chóng hồi phục, Thắng tranh thủ thời gian thêu gối cho thủ kho và nhận thù lao bằng đường và sữa! Kinh nghiệm hành quân dạy rằng, khi di chuyển từ binh trạm này đến binh trạm khác, thì bằng mọi giá phải đến đích, chứ tuyệt đối không được một mình căng võng nằm lại trong rừng, vì nếu vậy đơn vị không biết mà tìm, khả năng chết một mình trên võng rất dễ xẩy ra, thậm chí hầu như chắc chắn! Kinh nghiệm xương máu này buộc hai cô gái dù sốt vẫn cố đi, thậm chí lê lết đến binh trạm để điều trị, khi cắt sốt thì nhập vào những cánh quân sau mà đi vào. Khi ở binh trạm thì cơm đã có binh trạm lo, khi đi theo đoàn thị tự nấu lấy, cá khô, thịt hộp thi thoảng mới được nhúng đũa, còn rau rừng nấu với nước gạo rang và muối là tức ăn chủ đạo, nên sau mấy đợt sốt rét trọng lượng của Thắng giảm từ 50 cân ngày khởi hành, xuống 35 cân!

Chuyện gian khổ, hiểm nguy của cuộc hành quân dằng dặc cùng căn bệnh sốt rét quái ác hành hạ hai cô sinh viên trẻ có kể mấy cũng không cùng. Chỉ biết khi cách Trung ương cục trên hai trăm cây số thì xem chừng hai cô không còn có thể tiếp cuộc hành trình theo đoàn. Đội phẫu thuật tiền phương gọi tắt là T8 ra quyết định cho hai cô tách đoàn, đi theo ca nô xuôi dòng sông Mê Công. Tỉnh trưởng Ca- ra- chê cấp cho mỗi cô một tờ giấy đi đường. Thế là hai cô gái, một bảo vệ, một y sĩ tách rừng, ra bờ sông bước lên chiếc ca nô đợi sẵn nằm dưới bóng cây. Sau này chị Thắng thường tâm sự với bạn bè đời chị có hai khoảnh khắc hạnh phúc nhất: Đó là khi nghe tin giải phóng Sài Gòn và khi được ngồi trên chiếc ca nô xuôi dòng Mê Công chấm dứt mấy tháng trời mang nặng đi bộ vượt Trường Sơn. Thắng và Thanh ngồi cạnh nhau, khi ca nô chạy, gió ngược chiều thổi vào mát rượi, người nhẹ bẫng như có thể bay lên, hai cô nhìn nhau tưởng là giấc mơ, cùng nở nụ cười nhợt nhạt mà chứa đựng niềm hạnh phúc ngoài tưởng tượng.

Đến ngày 15 tháng 9 năm 1971, hai cô gái đã đến đích là Trung ương cục, đóng trên đất bạn ở tỉnh Công Pông Chàm. Chị Thắng nhớ lại đoàn lên đường đi B là ngày 15 tháng 4, như vậy hành trình vừa vặn 5 tháng trời, mà chỉ vài ngày đi xe từ Hà Nội vào đến Làng Ho, và đi ca nô trên sông Gianh, còn tất cả đều mang nặng và đi bộ! Chắc bạn đọc còn nhớ sau cuộc nổi dậy dịp tết Mậu Thân, nhất là sau cuộc nổi dậy đợt hai, quân đội Việt Nam Cộng Hòa phản kích, một số đơn vị quân đội cũng như lãnh đạo cách mạng Miền Nam rút sang đất bạn, ở tỉnh Công Pông Chàm.Còn Khu Sài Gòn Gia Định nơi Thắng công tác thì ở Chore cho tới ngày Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973 mới về nước.

Ngót nửa thê kỷ đã trôi qua kể từ ngày chị đặt chân đến Trung ương cục, cái đích cuối cùng sau chẵn 5 tháng hành quân.  Nhà văn Hàn Thế Khương đã nhường căn hầm dưới tán rừng cho Thắng và Thanh. Hai cô gái mắc võng và nghĩ sẽ ngủ thật sớm bù cho những đêm đi bộ xuyên rừng hoặc giấc ngủ chập chờn, nghiêng ngả trên ca nô. Nhưng lạ sao, Thanh đã ngon giấc lâu rồi mà Thắng vẫn chưa ngủ được. Chiều nay, khi mặt trời sắp lặn, nhìn từng đám mây trắng nối nhau trên tán rừng, quay về hướng bắc dường như mây càng dày hơn, chợt lòng chị nhói lên nỗi nhớ nhà. “Bốn phương mây trắng một màu/ Trông vời cố quốc biết đâu là nhà”, chị suýt thốt lên câu Kiều đó, nhưng kịp ghìm lại, vì sợ ai đó nghe được lại phê mình mang tâm trạng tiểu tư sản! Trằn trọc không ngủ được thì nghĩ về quê nhà. Khi cách xa, nhớ thương là hạnh phúc. Chị sinh ra và lớn lên ở xã Ấm Thượng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, nhưng bố chị quê Hưng Yên ra Hải Phòng làm thợ trước cách mạng Tháng Tám, gặp cô gái quê Thái Bình và nên duyên chồng vợ, đưa nhau đi tản cư trên năm 1946 trên đất tổ Phú Thọ. Bố chị công nhân có tay nghề 7/7, sau hòa bình 1954 vẫn về nhà máy xi măng Hải Phòng làm việc cho đến lúc về hưu 1967. Nhưng ông cũng tự làm ra súng săn hai nòng để những thời gian nghỉ phép thì về nơi vợ con sinh sống, cùng bạn bè đi bắn chim muông, dã thú chơi. Mẹ là công nhân bốc vác ga Ấm Thượng, ngày rảnh thì buôn bán thêm ngoài chợ. Người phụ nữ không ăn trầu, nhưng hai hàm răng hạt na đen nhánh như cô hàng xén trong bài “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm. Và, chị từng nghe người mẹ kính yêu đọc nhiều đoạn thơ của Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Tống Trân Cúc Hoa…Mỗi lần đi xa, trước khi ngủ là chị nhớ về ngôi nhà có ngõ sâu, mà mỗi mùa gió sông Hồng thổi lên mát rượi. Khi nhớ nhà, chị có thói quen nhẩm tính nếu như đi bộ thì mất bao nhiêu thời gian. Lần đầu nhập học ở Hà Nội, chị nghĩ nếu đi bộ về nhà thì mất ba ngày. Khi trường sơ tán lên Đại Từ, Thái Nguyên, đêm nằm chị nhẩm tính nếu đi bộ về quê thì chỉ mất hai ngày…Còn giờ đây, ở trên đất Công Phông Chàm này, chị không dám hình dung chuyện đi bộ về nhà, bởi không muốn gặp lại con đường đúng 5 tháng chị từng đi …Có tiếng lá loạt soạt, chị mơ màng thấy mẹ đang cầm chiếc chổi lá cọ quét dọc ngõ dài, và chính âm thanh quen thuộc đó đưa chị chìm sâu vào giấc ngủ…

Thắng và Thanh vào Trung ương cục mươi hôm thì được phân công về Khu Sài Gòn Gia Định. Chị ở lại Ban Tổ chức Thành ủy Sài Gòn Gia Định với nhiệm vụ phụ trách mảng nhà tù!  Lúc đầu Thắng khá ngỡ ngàng: mình học Tổng hợp văn, lại qua lớp bồi dưỡng sáng tác của Hội Nhà văn…mà sao lại thế này? Nhưng rồi thực tế cho chị hiểu rằng, chiến tranh có thể thay đổi nhiều thứ, nghiệp vụ, chuyên môn cũng không ngoại lệ! Với bản tính cẩn thận, chịu khó và tấm lòng nhân ái, chị đã làm tốt công việc được giao đặc biệt là đối với các chị em ra tù, sớm được thẩm định lập trường, tư tưởng để đưa họ trở lại công tác trước khi họ bị đối phương bắt giam hoặc giao nhiệm vụ mới. Cuối năm 1972, chị mới được điều về công tác tại Hội Văn nghệ Sài Gòn Gia Định, ở trên đất bạn. Đúng ngày cúng ông Công Ông Táo 23 AL tức ngày 26-1-1973, Thắng được Hội Văn nghệ Sài Gòn Gia Định xin về ăn tết ở cơ quan mới, xong xuống đường về Củ Chi ngay trong ngày. Nhưng Xa Mát, Thiện Ngôn ta đang dồn sức đánh mạnh; nên  sau hiệp định Paris ký được hai ngày đoàn mới về được đất mẹ. Lúc đầu cứ văn nghệ đóng ở Củ Chi. Biết các cơ quan đầu não của ta đã về nước, bọn địch tổ chức nhiều cuộc càn quét, đặc biệt là hai cuộc càn lớn vào tháng 6 và tháng 7 năm 1973, với tuyên ngôn “sẽ cho Thành ủy Sài Gòn Gia Định vào rọ và trưng bày triển lãm”!  Trực thăng địch bay kín trời, đổ quân xuống cách cơ quan của chị chừng một cậy số, rồi tỏa đi càn quét khắp vùng. Chị Thắng kịp xuống hầm bí mật cùng Giang Nam, Hoài Vũ và Thạch Cương và phải ở trong hầm từ  1 giờ 30 đến 4 giờ chiều. Chị nói rằng, nếu phải ở dưới hầm thêm nữa chắc chị không thể sống nổi, vì chị vốn bị bệnh hen, trong hầm thiếu dưỡng khí, ngột ngạt không thở nổi. Thắng đã nhiều lần cảm ơn khi được làm việc cùng Giang Nam, Viễn Phương, Hoài Vũ, Thạch Cương, những người có bề dày sáng tác và hoạt động lâu năm trên chiến trường Củ Chi . Nhiệm vụ của anh em Văn nghệ về đất mẹ là sáng tác, chống càn, theo đoàn văn công xuống vùng giải phóng biểu diễn. Cho tới tháng 8-1973, toàn thể anh em Văn nghệ rời sang Tà Leng ( xã Thanh Tuyền nay là xã An Lập, Bình Dương). Nhiệm vụ là Đại hội Văn học nghệ thuật Sài Gòn Gia Đinh ngay tháng 15-8-1973. Sau in thơ Cơn lốc, ký và truyện Mầm xanh, gửi vào Sài Gòn phục vụ Ngày ký Giả ăn mày 10-10 tại Sài Gòn. Mở trại viết cho các học viên từng sáng tác trong thành như Trương Quốc Khánh, Đồng Tháp, Tôn Thất Lập, Lê Duy Hạnh (ba mươi học viên), thành một lớp sáng tác văn học, học tập một tháng tại Long Nguyên (Bình Dương), sau trả  các anh chị về thành Sài Gòn hoạt động nội thành

Với hầu hết chiến sĩ và đồng bào ta, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc vào 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng Tư năm 1975, nhưng với chị Trần Thị Thắng, cái kết thúc đó muộn hơn. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chị theo một đơn vị chiến đấu giải phóng các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nơi mà nhiều đơn vị quân đội Việt Nam Cộng hòa không tuân lệnh đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, quyết tử thủ đến cùng. Bởi vậy thời gian này đã xẩy ra nhiều trận chiến đấu ác liệt, máu chiến sĩ, đồng bào ta vẫn đổ sau ngày 30 tháng Tư. Chị tâm sự rằng, sự ác liệt của chiến tranh, xác người và tiếng khóc than của cuộc chiến dai dẳng này lần đầu chị chứng kiến ngay trên đất quê Phú Thọ, khi chị còn là một học sinh cấp ba, ngày máy bay bị ném bom vào chợ Ao Châu, làm hơn một trăm người chết vào năm 1966, và lần cuối cùng là trên mảnh đất miền Tây Nam bộ vào chín năm sau đó. Câu chuyện của chị nhắc tôi nhớ lại chuyến đi thực tế đồng bằng sông Cửu Long sau ngày giải phóng, vào giữa tháng 5 năm 1975. Khi đi qua Sóc Trăng, thấy nhiều ngôi mộ mới cạnh đường, hỏi ra mới biết một chuyện đau thương: Nghĩ là quân đội Sài Gòn đã buông súng sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống trưa 30 tháng Tư, sáng ngày 01 tháng 5, một đoàn dân quân và đồng bào ta vào để tiếp quản sân bay Sóc Trăng, không ngờ bọn lính bảo vệ sân bay không những không bàn giao, mà còn nổ súng bắn chết tất cả 29 người!

 Hội Nhà văn Việt Nam có khoảng hai mươi cặp vợ chồng cùng là nhà văn, tức là cùng hội viên hội Nhà văn Việt Nam. Anh Lê Quang Trang và chị Trần Thị Thắng là một cặp trong số đó. Tính anh chị cùng hiền lành, nhẹ nhàng, khiêm tốn và nói năng cẩn trọng. Đã ngoài tuổi bảy mươi, đã có cháu nội ngoại đề huề, nhưng anh chị vẫn xưng hô “anh”, “em” ngọt ngào, chứ không “ông”, “bà” như số đông gia đình khác. Chuyện tình duyên của anh chị cũng gắn liền cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Hai người biết nhau từ ngày cùng học khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh học trước chị một khóa, anh K11, chị K12. Đoàn đi B năm đó lấy hầu hết sinh viên K11, còn K12 chỉ có tám người, trong đó có chị Thắng. Mặc dù hai người đã có cảm tình với nhau khi ở trường, nhưng trên đường vượt Trường Sơn, do ở hai chi khác nhau, lại vì cam kết với tổ chức là “chưa có người yêu”, nên suốt 5 tháng hành quân gian khổ ấy, hai người hầu như không gặp nhau. Khi đến nơi, anh Trang được bố trí làm việc ở Trung ương cục, còn chị Thắng ở Thành ủy Sài Gòn Gia Định, nên điều kiện gặp nhau cũng khó. Mãi đến đầu năm 1974, hai anh chị cùng làm ở báo Văn nghệ Giải phóng thì mới có dịp gần nhau. Họ chính thức yêu nhau sau ngày giải phóng và lễ cưới vào dịp tết năm 1976, sau đó được sắp xếp ở một căn phòng ở 190 Công Lý như nhiều gia đình văn nghệ sĩ khác. Điều làm mọi người ngạc nhiên là hơn một năm sau, khi cháu gái đầu lòng mới được mấy tháng, vợ chồng chị xin chuyển ra Hà Nội! Thời đó hàng ngàn cán bộ Hà Nội tìm cách chuyển vào Sài Gòn vì nhiều lý do, trong đó lý do nhà ở được ưu tiên. Hai thành phố lớn nhất của đất nước đang diễn ra chuyện khủng hoảng nhà ở theo hai chiều ngược nhau. Hà Nội khủng hoảng thiếu, Sài Gòn khủng hoảng thừa. Thế mà anh chị từ bỏ căn nhà rộng rãi, khang trang ở Sài Gòn để về chui rúc trong căn phòng 8 mét vuông trong ngôi nhà cấp bốn lụp xụp phía sau tòa soạn Tuần báo Văn nghệ, số 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội! Người ngoài không hiểu được lý do, coi là vô lý, nhưng anh chị có cái lý riêng, không phải vì vị trí biên tập viên báo Nhân Dân, Văn Nghệ là hấp dẫn.  Chị Thắng tâm sự rằng, khi gia đình được bố trí ở căn phòng rộng rãi ở 190 Công Lý, chị và anh Trang đã có ý mời bố hoặc mẹ vào ở với mình, nhưng cả ông bà nội ngoại thông cảm với sự khó khăn của con cái, không ai chịu vào cả. Mà kinh tế thuở ấy khó khăn thật, lương thực, thực phẩm đều theo tem phiếu, nếu phải nuôi thêm một người cũng là vấn đề lớn, ông bà lo nghĩ cũng có lý. Ông bà không vào được Sài Gòn thì anh chị đưa cháu nhỏ ra Hà Nội, dù chưa có điều kiện ở chung với nhau thì vẫn gần gũi nội ngoại hơn. Những năm chiến tranh đã cách xa biền biệt bố mẹ, chưa giúp bố mẹ được gì, bây giờ hòa bình rồi, ai chả muốn được gần bố mẹ…Đấy là lý do chính để gia đình anh chị trở ra Hà Nội. Những năm đầu chỉ được ở trong căn phòng 8 mét vuông thì tranh thủ chủ nhật hay chuyến đi công tác về thăm nhà, sau được ở căn phòng rộng hơn thì bà nội các cháu lên ở cùng, rồi sau đó là ông bà ngoại…Gần ba mươi năm sau, khi các ông bà nội ngoại đều đã về cõi tiên, con gái đầu trưởng thành đã về công tác ở báo Nhân Dân, cơ quan cũ của bố, con trai thứ hai công tác ở Sài Gòn, chị Thắng lại bị căn bệnh hen tái phát, thời tiết Thủ đô không thích hợp, nên anh chị cùng con trai  rời Hà Nội vào Sài Gòn để mua sức khỏe cho chị, tại ngôi nhà nhiều tầng tương đối khang trang có sân vuông vắn và phòng khách rộng rãi, nơi chúng tôi đang trò chuyện…

Chị Thắng cho tôi xem những tác phẩm chị đã xuất bản trong mấy chục năm qua, gồm 20 đầu sách của các thể loại Thơ, Trường ca, Truyện ngắn, Tiểu thuyết, Tiểu thuyết lịch sử, Chân dung văn học, Truyện Thiếu nhi…trong đó tiểu thuyết “Tháng không ngày” được trao Giải thưởng Mê Kông năm 2012. Ám ảnh về cuộc chiến của chị không chỉ thể hiện không các tác phẩm viết trực tiếp về chiến tranh mà bạn đọc có thể bắt gặp trong các đề tài khác cùng lòng nhân ái, vị tha thường trực trong các tác phẩm văn học của chị.

Chị Thắng tiện tay lật lại tấm ảnh chụp bốn cô sinh viên trước khi lên đường đi B nửa thế kỷ trước. Chị bảo rằng người trẻ nhất cũng đã ngấp nghé “cổ lai hy” và bà nào cũng mang nhiều bệnh tật, để có bà nói đùa rằng bây giờ đi mua thuốc không cần đơn, vì mua bất cứ thứ thuốc nào về uống cũng đúng bệnh!

Tôi nghĩ rằng, trong người các chị chắc không thiếu những căn bệnh đã ủ mầm từ những năm tháng “thân gái chiến trường” ấy!

 (*) Tên tác phẩm của nhà văn Svetlana Alexievich.

Bài đăng Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống số 13 (tháng 3&4/2023)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong: Với chữ nghĩa, tôi như người đang yêu
Gọi Nguyễn Thành Phong là nhà thơ, nhà văn, biên kịch hay cái danh mà mang nhiều nghiệp nợ nhất là nhà báo, thì viết gì, dù là kiếm sống, anh cũng phải cố ở mức tốt nhất theo ý mình thì mới cho là được. Với chữ nghĩa, Nguyễn Thành Phong ví anh như người đang yêu, càng bị “ruồng rẫy”, càng thấy không thể bỏ cuộc.
Xem thêm
Vũ Cao - “Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi”
Nói đến nhà thơ Vũ Cao không thể không nói tới bài thơ Núi Đôi.
Xem thêm