- Thế giới sách
- “Vỗ dọc mùa đêm trắng”
“Vỗ dọc mùa đêm trắng”
TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG
(Nhân đọc “Vỗ dọc mùa đêm trắng” của Phúc Đinh)
Tôi biết và gặp chị Phúc Đinh, tên thật là Đinh Thị Phúc, lần đầu tiên trong ngày thơ Nguyên tiêu năm 2022 tại Đường sách, thành phố Buôn Ma Thuột. Một phụ nữ đứng tuổi, đã trải qua một đời làm công nhân nông trường. Chị tâm sự “chị mới tập tọe viết những buồn vui cuộc đời bằng thứ văn vần, nghĩ sao viết vậy trong mấy năm gần đây. Bạn bè đọc khen hay thì hứng thú viết tiếp. Được mọi người giới thiệu, chị mới được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk năm 2019; năm 2020, chị tiếp tục được đứng trong hàng ngũ hội viên Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Và ngay tập thơ đầu tay của chị Ngàn con mắt gió, NXB Hội Nhà Văn năm 2019 đã đoạt giải C, Giải thưởng Chư Yang Sin năm 2020, thật sự là một vinh dự lớn... âu cũng là ơn nghĩa cuộc đời!”
Tôi cũng đã đứng hình ngay lần đầu tiên đọc thơ chị, treo trên trang Faceboook. “Một mảnh trăng vênh lưng lửng sáng/ Một hồn thương lạc mọc bên thềm/ Bóng suông ngồi xé đêm thành sợi/ Có một khúc vui đã qua đời... (Một phút dày)
Ôi, thơ chứ không phải thứ văn vần như chị nói! Tôi đã thốt lên như vậy và đọc cho nhà thơ Đặng Bá Tiến (nguyên phó tổng tạp chí Cư Yang Sin) thẩm định, và ông ấy cũng rất tâm đắc. Chỉ 4 câu thôi như một bài tứ tuyệt chặt chẽ, có câu chuyện, có tiết tấu, lôi cuốn. Tôi hình dung 4 câu thơ của nhà thơ Phúc Đinh. Chị như vẽ chân dung người cô phụ ngồi đan bên thềm trong đêm trăng bàng bạc bằng thơ. Dáng ngồi như mảnh trăng cong. Tay đan đơn lẻ chờ mong một người. Xé đêm thành sợi tơ trời. Dệt nên chiếc áo cuộc đời buồn vui. Cũng là nỗi cô đơn, nhưng nhà thơ Phúc Đinh đã có lối nói khác, lạ, đầy chất thơ, đầy thi ảnh. Người đọc cảm nhận được nỗi cô đơn cùng cực của người đàn bà ngồi vá đêm, không buồn tủi, héo úa mà như đang ngắm bức họa tài hoa của họa sỹ. Ở đó nữ sỹ đang trình diễn nỗi cô đơn của mình bằng nghệ thuật “xé đêm thành sợi...” kết cuộc vui trong đời như khúc nhạc đã đứt âm, hết sức ấn tượng!
Đến với tập thơ Vỗ dọc mùa đêm trắng của Phúc Đinh, NXB Hội Nhà văn năm 2020, tôi lại như một lần nữa phát hiện. Chị, một người phụ nữ như phần đông phụ nữ, nữ tính, kín đáo và cá tính có một sức lôi cuốn kỳ lạ! Thơ của chị đầy hình ảnh, chất liệu, cảm xúc thơ và một lối nói khác vừa đủ, không đánh đố mà cũng không dễ dãi. Người đọc phải ngẫm, phải tư duy, để càng đọc càng ngấm, càng ngắm càng say. Bài “Bờ em” có chút siêu thực mà ngồn ngộn ý tình. Mảnh thu, đêm, sóng... đồng lõa vẽ nỗi buồn phụ nữ, hoang hoải đến vô cùng. “Mảnh thu sót hững hờ soi hẻm phố/ Bóng một người buồn nữ vắt ngang song/ Đêm đồng lõa, đêm dềnh lên như sóng/ Xô mãi bờ em/ Đêm dài dài tận vô cùng”. Bài thơ Thốc gió, trong tập cũng là một bài thơ hay, tình ý thẳm sâu, nồng nàn, say đắm mà cũng là mẫu số chung cho số đông phụ nữ, như là sự cam chịu. “Khát vọng, xanh còn ẩn náu/ Dỗ buồn giấc dỗi hờn đêm/ Từ khi người thành kẻ lạ/ Em dần đơn lẻ rồi quen”. Câu thơ cuối đọc có vẻ trôi chảy nhưng khiến người nghe se thắt ruột, gan, nghe mà muốn bật trào nước mắt về sự nhẫn nhịn, chấp nhận đến tội nghiệp!
Thơ Phúc Đinh ở lãnh địa tình yêu như mặc định, chấp nhận thua thiệt, chấp nhận đơn lẻ, cô đơn, thành quen… cô độc cũng không là gì “Phố giờ thiêm thiếp giấc sâu/ Một thao thức, cúi gục đầu rưng rưng/ Và đêm, đêm cứ dửng dưng/ Một em cô độc cũng không là gì (Cô độc). Sự cô độc đi vào thơ cũng lạ đến điển hình! Sự cô độc cũng nhận hy sinh về mình như số mệnh phải chịu chứ không hờn, trách ai, thật lạ! Ở những cuộc tình chung chạ, nữ sỹ Hồ Xuân Hương đã từng lên án gay gắt “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”. Nữ sỹ Đinh Phúc sống sau bà Chúa thơ Nôm hai thế kỷ lại có cái nhìn cảm thông và nhân văn đáng nể “Tôi từng nhấp chén rượu cay/ Và em cũng kiếp ăn mày rượu chia/ Hận người dám bỏ bùa mê/ Đêm em gối lẻ, đói đê mê từng/ Này em người cũng người dưng/ Trời trao phận mỏng cũng chừng ấy duyên/ Hai ta chung hội chung thuyền/ Chia nhau cùng nỗi truân chuyên. Cũng là!!!” (Viết cho người đến sau). Việc chung chạ, hay các cuộc tình tay ba thường dẫn đến những hậu quả khó lường, vậy mà nhà thơ Phúc Đinh lại nhẹ nhàng “Hai ta chung hội chung thuyền” thật là sự cảm thông, nhân văn nhất quả đất.
Cứ tưởng tập thơ Vỗ dọc mùa đêm trắng, của nhà thơ Phúc Đinh với những bài thơ tình quanh quẩn buồn, đau, thất vọng trắng đêm… như số đông thì cũng không còn gì để nói. Hãy xem người phụ nữ này trải lòng với những câu thơ, bài thơ tạo nên sự khác biệt “Có một nỗi buồn đi lạc/ Lang thang gõ cửa nhà người/ Đèn xanh, sáng nhà ai khác/ Buồn tôi lại trở về tôi/ Có một nỗi buồn đổi ngôi/ Khi không nhà tôi gõ cửa/ Bên ấy, trời không yên nữa/ Buồn tôi hoán vị cho người (Nỗi buồn đổi ngôi). Một cách nói khác về nỗi buồn. Nỗi buồn của nhà thơ Đinh Phúc, không định hình, định tính. Nỗi buồn như sự vật, hiện tượng, không tự sinh ra, không tự mất đi, cũng không chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác mà chuyển từ người này sang người khác. Đó là nghĩa đen. Ở nghĩa bóng “Buồn tôi hoán vị cho người”. Chữ hoán vị là một khái niệm trong toán học. Nhà thơ Phúc Đinh “hoán vị” tập hợp nỗi buồn của mình “cho người” như một sự sắp xếp đã đươc mặc định, chứ không phải do chủ ý của con người, hay trời đất. Một bước chuyển thật cao tay. Và tôi cho rằng: không phải tự nhiên mà nhà thơ Phúc Đinh chỉ trong thời gian ngắn lại được kết nạp vào 2 Hội Văn học, Nghệ thuật của 2 tỉnh danh giá là vậy.
Hãy xem Phúc Đinh, người đàn bà thơ hay người đàn bà làm thơ chọn chỗ ngồi cho mình “Lý lơi chộn rộn mùa sang/ Trộm nghe âm lá xẹt ngang bên trời/ Khỏa tay kiếm một chỗ ngồi/ Trên chênh vênh gió trong trời mênh mông/ Đám mây ngụp lặn lòng sông/ Ngắm đôi ngọn núi tay không hái trời/ Chỉ mình một chấm nhỏ nhoi/ Bao la vũ trụ cứ đòi bước qua” (Vô định). Một cách chọn chỗ ngồi cũng thật khác lạ! Nếu trong văn học có hình ảnh chị Út Tịch trèo lên ngọn dừa đái xuống để khẳng định câu nói “Đàn bà đái không qua ngọn cỏ” là thái độ coi thường phụ nữ một thời là hoàn toàn sai trái. Với nhà thơ Phúc Đinh, chị ngồi ở “Trên chênh vênh gió…”. Người bình thường không ai có thể ngồi như vậy ngoại trừ thần thánh, và một người thơ duy nhất làm được đó là Phúc Đinh. Bằng con mắt thơ trời phú, một sự sáng tạo, sức liên tưởng, cùng vốn ngôn ngữ thơ ca bản năng, nhà thơ đã gom toàn bộ mây trời, gió, núi về khoảng sông trước mặt và ngồi trên đó. Chị xác định “Chỉ mình một chấm nhỏ thôi”, nghĩa là cái bóng nhà thơ cũng chỉ là chấm nhỏ trên gương trời, để thể hiện khát khao ngang dọc, không phải của bậc nam nhi, quân tử, hay mộng đế vương mà của kẻ sĩ! Nhà thơ như tiện “tay không hái trời', chưa đủ; chị còn đòi bước qua cả vũ trụ bao la... Một lối nói hình tượng, một ý chí vượt thoát lớn lao, một tâm hồn nghệ sĩ, không treo ngược cành cây mà ở một tâm thế mới, một tầm cao mới.
Thơ là vậy! Văn học nghệ thuật là vậy! Với tâm thế tay không đòi hái trời, đòi bước qua vũ trụ… người ta có thể nghĩ nhà thơ Phúc Đinh sẽ có những hành động “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” như Từ Hải của Nguyễn Du, hoặc “Ta muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi chứ nhất định không đem thân làm tì thiếp cho người…” như bà Triệu. Chị chỉ là người phụ nữ của thế kỉ 21 hiện đại, cực kỳ nữ tính, bao dung, mẫn cảm, một tâm hồn nghệ sỹ khoáng đạt. Chị nhìn biển trời chỉ trong đáy mắt, nhưng chỉ cần một lát cắt thôi cũng đủ làm cả một mùa say “Ta thấy biển trời trong đáy mắt/ Ném ánh nhìn ma mị sáng mai nay/ Đã tưởng ngàn năm tim băng giá/ Lát cắt thôi, nút vỡ một mùa say” (Lát cắt). Hay trong bài thơ Một thời, tưởng là những trang nhật kí cuộc đời, không nút thắt, không nhiều điểm nhấn để có thể gây sự chú ý, nhưng với những câu chữ nặng sức gợi, đẹp như bức tranh sơn thủy, mê hoặc. Nhà thơ dẫn dụ người đọc trở về thời áo trắng tinh khôi cùng nụ cười thiên nữ bất chấp thực tế, đời đang nghiêng về phía chiều “Và sáng nay bỗng giọng ve va hiên cửa/ Hàng phượng nhón mình thắp lửa, cây bàng già huơ nón gọi ngày xưa/ Trái tim chiều khúc hát chao đưa/ Ta hóa trẻ như thời đôi mươi, mười tám/ Mong trở lại một thời áo trắng/ Dắt tiếng cười khai phá mảnh chiều đang”.
Còn rất nhiều bài thơ trong tập cho thấy nhà thơ Phúc Đinh cực kỳ mẫn cảm và tinh tế “Có phải mùa đông đang sang đấy/ Áo thu thay trên ngọn cỏ gầy/ Và xác lá xếp dày mặt đất/ Thu giũ buồn ở lại thu đi…” (Mùa đông không phải thế). Một mùa thu biết thay áo mới, biết thức, ngủ, thở, biết khát khao, biết buông bỏ… Mùa thu biết giũ buồn ở lại thu đi như một người phụ nữ mạnh mẽ cá tính. Thật đặc biệt!
Tập thơ Vỗ dọc mùa đêm trắng của nhà thơ Phúc Đinh phần nhiều là thể thơ tự do, nhưng cũng không ít bài sử dụng lối thơ lục bát truyền thống, đậm chất ca dao, dân ca, nghe tưởng như rất xưa nhưng có những cặp lục bát sáng, đẹp, tươi mới, sâu sắc, ngọt ngào đậm chất quê hương “Bờ đê thấp thoáng cánh diều/ Một hồn sông chảy lam chiều khói bay/ Bà ngồi giã miếng trầu cay/ Mà nghe thơm thảo lúa ngày uốn bông/…/ Ngó thương cho bụi tre già/ Gồng mình cõng nắng cho qua khỏi ngày/ Cha ngồi ghếch chiếc điếu cày/ Que diêm xẹt lửa khói say thuốc lào/…/ Ngày đi, chừ tóc hoa râm/ Hồn quê như cuốn phim chầm chậm quay” (Hồn quê). Hay như bài thơ Tháng tư, có những câu lục bát rất hay, rất lạ! Nhà thơ sử dụng các biện pháp đảo ngữ, điệp ngữ tạo ấn tượng mạnh về sự vận động của hoa, lá, cỏ cây, thời gian và tình cảm con người như sông như sóng… lúc êm ái, lúc dập dồn “Âm ve, màu phượng, tán bàng/ Nét thương hạ cũ cứ bàng hoàng vây/ Mái trường, bè bạn, cô thầy/ Và bao kí ức một ngày. Hình như/ Sóng chao, từ độ, đến chừ/ Đêm xao xác lá, đêm ừ ngược đêm/ Bên thềm. Nhớ. Nhớ. Gọi tên/ Xô con sóng hạ, chao bên phía. Người/ Em cầm. Từ ấy. Lạc trôi/ Bao thương hạ cũ đầy - vơi. Một chiều”…
Tôi xin dừng bài viết về tập thơ Vỗ dọc mùa đêm trắng của nhà thơ Phúc Đinh trong tâm trạng “say đắm”. Mong mọi người tìm đọc, để thấy sức hút của câu chữ, của người đàn bà làm thơ đòi hái trời, đòi bước qua vũ trụ… nhưng có lúc lắng lại đến nghẹt thở để nghe “Thu đang thở, mùa thu khe khẽ thở/ Lá đang rơi, đang rơi bản giao hưởng không lời…” (Lời thu)