TIN TỨC

Nguyễn Minh Châu và cuộc đối thoại với điện ảnh

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-06-08 17:07:54
mail facebook google pos stwis
1211 lượt xem

Nguyễn Minh Châu, không cần phải nói thêm, là cái tên khẳng định dấu ấn riêng biệt trong đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam. Từ những tác phẩm thời chống Mĩ mang vẻ đẹp của “sợi chỉ xanh óng ánh” mà “bao nhiêu bom đạn dội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi”(1) đến những trang văn mở đường cho sự đổi mới của nền văn học dân tộc thời hậu chiến và những trang tiểu luận, phê bình văn học của Nguyễn Minh Châu đều sôi nổi, đầy khát vọng cống hiến.

Sáng tác của Nguyễn Minh Châu cũng sớm bén duyên với nghệ thuật thứ bảy. Với năm tác phẩm văn học được chuyển thể thành phim điện ảnh là Mảnh trăng cuối rừng, Cơn giông, Cỏ lau, Khách ở quê ra, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, và một tác phẩm khác là Chiếc thuyền ngoài xa trở thành nguồn cảm hứng dồi dào sống động cho trào lưu làm phim ngắn trong các nhóm học sinh phổ thông, Nguyễn Minh Châu trở thành một trong những nhà văn Việt Nam hiện đại có “gia tài” điện ảnh đáng kể bên cạnh khối di sản văn học phong phú. Có thể thấy, sáng tác văn học của Nguyễn Minh Châu đã đem đến cho độc giả/ khán giả Việt Nam một bức tranh lịch sử, văn hoá trải theo chiều lịch đại, ghi dấu những câu chuyện, những số phận trong những thời đoạn khác nhau của đất nước. Nhìn lại năm tác phẩm đã được chuyển thể lên màn ảnh, ta nhận thấy sự hiện diện đầy đủ các chặng đường sáng tác của ông: trước 1975, khoảng từ 1975 đến 1986, khoảng sau 1986. Vậy, những yếu tố nào đã tạo ra lực từ trường thu hút các nhà làm phim tìm đến trang văn Nguyễn Minh Châu? Thật khó lí giải hết. Song, có ba yếu tố cơ bản: sự tìm tòi, sáng tạo không ngừng nghỉ; tính thời đại trong các câu chuyện; tính điện ảnh trong từng tác phẩm của nhà văn.

1. Trước hết, ở từng giai đoạn của văn học, tương ứng với từng giai đoạn của lịch sử đất nước, Nguyễn Minh Châu đều có những tác phẩm mang giá trị mở đường cho quá trình đổi mới của nền văn học dân tộc. Đó hẳn là một sự “bảo chứng” quan trọng đầu tiên để gợi dẫn các nhà làm phim tìm đến sáng tác của Nguyễn Minh Châu.

Mảnh trăng cuối rừng, sản phẩm được tạo tác trong hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh, đã bộc lộ sự sáng tạo, cái “mới” của Nguyễn Minh Châu ngay trong khuôn khổ văn học lãng mạn sử thi. Vượt qua bầu không khí đậm chất lãng mạn của truyện, ta không nhận thấy một hình tượng anh hùng vĩ đại tiêu biểu cho phẩm chất, ước mơ, khát vọng của cả cộng đồng ở Nguyệt như những nhân vật trong các tác phẩm cùng khuynh hướng. In hằn trong tâm trí Lãm, khắc sâu trong tâm trí người đọc là hình ảnh “Nguyệt đang đứng cheo leo giữa vách núi, trên vai vác một chiếc máy khoan, đôi mắt đen láy ngây thơ nhìn ra xa”(2). Với Nguyễn Minh Châu khi đó, Nguyệt, Lãm hay bất kì ai đang tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc, ở bất kì vị trí nào thì họ cũng đều hướng tới một chốn bình yên, một mái ấm gia đình để được sống, được yêu. Niềm tin mãnh liệt của Nguyệt không phải là khát vọng mang tính nhân văn vẫn đang sôi sục trong dòng chảy sự sống của người Việt và nhân loại sao? Trong hoàn cảnh chiến tranh, Lãm, Nguyệt trở thành những nhân vật điện ảnh phù hợp với tinh thần ngợi ca của chủ nghĩa anh hùng khi ấy. Năm 1980, truyện Mảnh trăng cuối rừng được hai đạo diễn Nguyễn Kha, Lê Thi chuyển thể trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn bộn bề. Đây là lần đầu tiên, Nguyễn Minh Châu thực hiện cuộc đối thoại không hẹn trước với điện ảnh, cũng là sự mở đầu cho những cuộc đối thoại tiếp sau với sự dịch chuyển rõ rệt sang xu hướng suy nghiệm.

Sau Mảnh trăng cuối rừng, Nguyễn Minh Châu lần lượt có các tác phẩm được các nhà làm phim lựa chọn: Cơn giông (đạo diễn Đức Hoàn chuyển thể thành phim Ám ảnh, 1988), Cỏ lau (đạo diễn Vương Đức chuyển thể thành bộ phim cùng tên, 1993), Khách ở quê ra (đạo diễn Đức Hoàn chuyển thể thành phim cùng tên, 1993), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chuyển thể thành phim Người đàn bà mộng du, 2003). Các tác phẩm này được sáng tác khi nhà văn đã rời chiến trường. Ngoài Khách ở quê ra, ba truyện còn lại đều viết về những con người từ chiến trường khốc liệt trở về cuộc sống đời thường. Đó là con người cũ trong hoàn cảnh mới – hoàn cảnh cả dân tộc đang chuyển mình để vượt thoát khỏi hình hài đầy thương tích sau hơn một trăm năm bị xâm lược bởi hết thực dân, phát xít rồi đế quốc để có diện mạo mới ứng với cuộc sống mới. Ba tác phẩm ấy cũng là kết quả quá trình trăn trở “lột xác” của chính Nguyễn Minh Châu để vượt thoát giới hạn của chính mình và vượt thoát khuôn khổ văn chương cũ – văn chương sử thi, nhằm mở đường cho sự đổi mới của văn học dân tộc. Từ Cơn giông đến Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, nhà văn đã bước một bước dài, đặt dấu chân vững chắc trên đường đổi mới, trong đó Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành được đánh giá là “…đặc biệt quan trọng trong tư cách mở đường về phương diện thực hành nghệ thuật. Rồi đây, những chủ đề như con người cô đơn, con người lạc thời, chủ đề chấn thương… sẽ được các thế hệ nhà văn tiếp theo khai thác một cách kĩ lưỡng hơn. Rõ ràng, từ nhân vật Nguyệt (vẻ đẹp toàn mĩ của con người trong chiến tranh) đến nhân vật Quỳ (cô đơn trong những cơn mộng du không dứt thời bình) là cả một thay đổi lớn trong toạ độ soi ngắm con người. Nguyễn Minh Châu đã nội soi con người bên trong để nhận thấy sâu hơn những bi kịch tinh thần. Đó là phía trước mắt mà cái nhìn nhân bản Nguyễn Minh Châu đã sớm nhìn thấy và miêu tả.”(3) Bi kịch tinh thần trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành chủ yếu là bi kịch của những người yêu nhau mà kẻ mất người còn nên người còn mãi mộng du trong miền kí ức của quá khứ dù thực tại đang từng giây từng phút tốc hành cố gắng xây dựng cho tương lai. Trong Cỏ lau lại là bi kịch của những con người yêu nhau may mắn còn sống sót mà không thể đoàn tụ; nếu Lực và Thai cố tình trở lại bên nhau thì lại là lí do cho những đổ vỡ, nát tan của bao số phận đã chịu nhiều đắng cay trong thời chiến: Quảng và những đứa con chung giữa anh và Thai.

Đến Khách ở quê ra, người đọc thực sự ngỡ ngàng trước sự lột xác, biến hoá trong đề tài, sự trưởng thành đĩnh đạc trong phong cách văn xuôi tự sự triết lí của Nguyễn Minh Châu. Những năm cuối đời, nhà văn tìm về chốn quê hương, viết về con người làng Thơi với bao giằng xé, biến chuyển đang diễn ra trong cơn trở dạ của đất nước. Tác phẩm này, cùng với Phiên chợ Giát, xứng đáng là những kiệt tác đã khơi mở bao điều mới mẻ cho người đọc, cho những bước đi tiếp theo của các nghệ sĩ nước nhà.

Có thể nói, những bi kịch ẩn chứa kịch tính, thúc đẩy cao trào trong dòng chảy cốt truyện cùng những số phận làm bao trái tim thổn thức, day dứt khôn nguôi và sự quyết liệt đổi mới của Nguyễn Minh Châu đã tạo nên lực hút mãnh liệt dẫn lối các đạo diễn vào dòng chảy sáng tạo để chuyển những trang văn của Nguyễn Minh Châu thành những thước phim đặc sắc trên màn ảnh.

2. Tác phẩm có mang hơi thở của thời đại? Đó là một câu hỏi luôn được đặt ra, một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của một sản phẩm điện ảnh. Các đạo diễn luôn tìm thấy tính thời đại trong các câu chuyện Nguyễn Minh Châu kể trên các trang văn của mình. Sinh thời, Nguyễn Minh Châu vẫn luôn trăn trở: “Người viết văn là một người rất nặng nợ với đời. Cuộc đời của anh ta là một cuộc đời không bao giờ được phép ngừng lăn lộn trong cuộc sống thực tế, không bao giờ ngừng quan sát và nghiên cứu xã hội, và, trong khi chăm chú đọc cái cuốn sách khổng lồ đó, anh ta phải đặt hết tất cả tâm hồn và trí tuệ của mình vào, phải tỏ rõ chính kiến và lập trường của mình trước mỗi một sự việc, mỗi một hoàn cảnh, mỗi một con người.”(4) Quá trình lăn lộn giữa đời đã giúp nhà văn chuyển nguồn nhựa sống đậm sắc màu hiện thực vào mạch nguồn văn chương của mình để mỗi trang viết của ông đều nóng hổi hơi thở thời đại. Văn Nguyễn Minh Châu không chỉ chứa đựng không khí của cuộc sống đã và đang diễn ra mà còn có hình hài của cuộc sống sẽ đến trong tương lai. Điều ấy, nhà văn không chỉ gửi gắm qua những nhân vật chính mà người đọc còn có thể nhận thấy ngay ở những nhân vật phụ, thậm chí, một nhân vật không rõ tên riêng. Ph. trong truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (khi chuyển thể thành phim Người đàn bà mộng du, nhân vật được đạo diễn đặt cho cái tên hoàn chỉnh: Phiên) là một ví dụ. Trong bao số phận như hạt cát bị bão tố chiến tranh làm tan tác, Ph. là một người may mắn. Anh chưa một ngày phải ra trận, chưa một ngày phải đứng trước hay chứng kiến cái chết bi thương. Thậm chí, trong lúc bạn bè đang lăn lộn giữa gian khổ, hiểm nguy ngoài chiến trường, Ph. được sống giữa thành phố, có việc làm đúng chuyên môn, thậm chí được trọng dụng, có một gia đình với người vợ xinh đẹp trong căn gác khang trang. Có thể nói, cuộc sống của Ph. là giấc mơ của bao người. Song, Ph. đã đánh mất tất cả, thậm chí, đánh mất chính mình khi đoàn tàu đất nước vừa khởi động những guồng quay đầu tiên, chuẩn bị cho chuyến tốc hành vào tương lai đầy những biến chuyển bất ngờ, dữ dội. Phức tạp, biến chuyển là bản chất của xã hội. Câu chuyện về những con người đánh mất chính mình trong guồng quay của xã hội thời nào và ở đâu chẳng có. Vậy nên, hình ảnh Ph. trong truyện của Nguyễn Minh Châu đang âm thầm mà mải miết đi tìm lại chính mình, tìm lại những giá trị đã mất và nỗ lực góp sức cho sự phát triển chung như gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người trên hành trình cuộc sống hối hả. Khi Ph. muốn làm lại, thực tế phũ phàng một lần nữa làm anh rơi vào trạng thái bi quan, chán nản. Nhưng chính Hoà, Quỳ – những con người đã và đang gánh chịu nỗi đau chiến tranh – đã thức tỉnh, dẫn lối cho Ph. Phải chăng, Nguyễn Minh Châu viết về chiến tranh và những con người đi qua thời chiến không phải để chúng ta tiếc nuối, đau khổ hay chất vấn điều gì; nhà văn mang tới cho người đọc một chiếc gương chân thực để soi lại mình, sống trân trọng từng phút giây? Hơn thế nữa, nhà văn còn hướng đến phương thức trần thuật phức tạp, kĩ thuật dòng ý thức, lối tư duy của tiểu thuyết được nén trong khuôn khổ truyện ngắn… Sau này, đây được đánh giá là những phương thức, kĩ thuật của văn học hậu hiện đại mà các nhà văn đương đại Việt Nam không còn xa lạ. Không còn nghi ngờ gì nữa, mỗi văn phẩm của Nguyễn Minh Châu không chỉ ấm nóng hơi thở đời sống xã hội mà còn sục sôi nhịp đập của đời sống nghệ thuật. Hẳn đó cũng là điều mà các nhà làm phim không ngừng tìm kiếm, bởi lẽ điện ảnh, cũng như văn học hay các loại hình nghệ thuật khác, đều luôn phải tương thích với không khí thời đại, và chắc chắn không thể tách rời khỏi dòng chảy của thực tại hiện hữu, nơi mà mỗi con người vẫn đang bộn bề với những niềm vui nỗi buồn của họ.

3. Cùng với tính sáng tạo, tính thời đại thì chất điện ảnh là một yếu tố không thể thiếu để tác phẩm của Nguyễn Minh Châu được các đạo diễn lựa chọn chuyển thể. Chất điện ảnh trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu thể hiện ở hai phương diện chính yếu: có câu chuyện đáp ứng được đặc trưng tự sự của điện ảnh với những tình tiết, cao trào, thắt – mở nút; và có những nhân vật có tính cách, có số phận, có đời sống nội tâm (thậm chí không thể lẫn với bất kì nhân vật nào như Quỳ trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành).

Trong năm tác phẩm được chuyển thể, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng được những cốt truyện thuộc nhiều mẫu truyện điển hình sau: “cuộc đuổi bắt”, “một số phận không thể trốn thoát”, “bi kịch về sự mất mát”, “tình tay ba”(5). Những mẫu truyện ấy có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc đan lồng trong một tác phẩm, đóng vai trò mở đường cho các nhà làm phim khai phá để hướng tới xây dựng kịch bản điện ảnh.

Về phương diện nhân vật, mỗi truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu đều có những hình mẫu riêng không thể trộn lẫn. Điển hình như Nguyệt, Lãm (Mảnh trăng cuối rừng) là hình tượng đẹp ngay trong bom đạn chiến tranh. Họ không ngừng tìm kiếm, “đuổi bắt”, chờ đợi nhau dù chưa một lần gặp mặt, đã trở thành minh chứng cho giá trị của tình yêu và niềm tin vượt lên mọi hoàn cảnh… Thăng, Quang (Cơn giông) điển hình cho những người lính trong sự tàn khốc của cuộc chiến phải đấu tranh giữa trung thành hay phản bội, lựa chọn nào cũng đầy máu và nước mắt, để rồi khi sống sót trở về họ vẫn phải chịu những cơn dư chấn tinh thần. Quỳ trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành tạo ấn tượng mạnh cho độc giả/ khán giả về kiểu nhân vật chấn thương đặc biệt luôn bị quá khứ lôi tuột vào những cơn mộng du, với rất nhiều ẩn số cần được khám phá, lí giải. Lực (Cỏ lau) cũng là người trở về từ chiến trường như Quỳ nhưng lại nhức nhối với những giằng xé riêng đầy kịch tính. Lão Khúng (Khách ở quê ra) chỉ là người lao động nghèo giữa đời thường mà dòng ý thức của lão đã đưa người đọc vào hành trình khám phá bao vấn đề nóng hổi của thời đại.

Nhìn chung, trong số năm tác phẩm được chuyển thể, phim Mảnh trăng cuối rừng ít được đề cập đến hơn cả, có lẽ vì phương thức chuyển thể trung thành với nguyên tác, thậm chí minh họa cho nguyên tác mà thiếu đi cách nhìn, cách diễn giải mang dấu ấn của nhà làm phim. Trong khi đó, với Ám ảnh, Cỏ lau, Khách ở quê ra, Người đàn bà mộng du, tính đối thoại giữa những trang văn của Nguyễn Minh Châu và điện ảnh ngày càng đậm nét. Sáng tác văn học của Nguyễn Minh Châu đã đặt ra các vấn đề vừa muôn thuở vừa cập nhật về chiến tranh, về thân phận con người, về đời sống xã hội. Những tư tưởng, trải nghiệm đó của nhà văn đã trở thành những chất vấn mãnh liệt trong các phim chuyển thể, khiến cho mỗi bộ phim, bên cạnh dấu ấn văn chương, còn có sức hấp dẫn riêng của nghệ thuật điện ảnh. Qua phim chuyển thể, người đọc có thể đọc lại, cảm nhận lại tác phẩm văn học của Nguyễn Minh Châu, vừa qua góc nhìn của nhà làm phim, vừa từ chính trải nghiệm và cảm xúc cá nhân. Hơn thế, độc giả không thể không một lần nữa trăn trở với những nỗi đau, những khát vọng, những sự tan vỡ, những điều không trọn vẹn cũng như vẻ đẹp bất tận của tình người được Nguyễn Minh Châu chia sẻ trong “trang giấy trước đèn” của mình.

Theo Ngô Thị Hương/VNQĐ

————-

1. Nguyễn Minh Châu, Mảnh trăng cuối rừng, Tuyển tập truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Minh Châu, Nxb Văn học, 2019, tr. 56.

2. Nguyễn Minh Châu, Mảnh trăng cuối rừng, sđd, tr. 55.

3. Nguyễn Đăng Điệp (chủ biên), Nguyễn Minh Châu trong tiến trình đổi mới văn học, Nxb Khoa học xã hội, 2020, tr. 14.

4. Nguyễn Minh Châu, Trang giấy trước đèn, Nxb Khoa học xã hội, 1993, tr. 40.

5. Xem: Ray Frensham, Tự học viết kịch bản điện ảnh, Nxb Tri thức, 2011, tr. 88-90.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm
Đặng Phúc Minh - Một tấm lòng phụng sự vì sự phát triển của cộng đồng
Nhà giáo, nhà thơ Đặng Phúc Minh là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ, đã nghỉ hưu, nguyên là Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Vĩnh Thạnh.
Xem thêm
Nhà thơ Hoàng Cầm – Mưa dần xanh lại lá diêu bông
Khi thực hiện bộ phim tài liệu chân dung Bên kia sông Đuống - cái nhìn về cuộc chiến tranh năm 2001 cũng là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nhà thơ Hoàng Cầm tại căn nhà nhỏ của ông trên một con phố thủ đô Hà Nội. Tại sao lại chọn bài thơ Bên kia sông Đuống? Tôi cũng không rõ ai là người đầu tiên gợi ra tên phim từ một bài thơ của Hoàng Cầm, nhưng cái vế “cái nhìn về một cuộc chiến tranh” đã khiến anh em làm phim phải rất vất vả giải thích và bản thân tôi đã có được bài học sâu sắc cho riêng mình. Chẳng hiểu tại sao, đã bước sang thế kỷ mới, mà cái tên Hoàng Cầm và các tác phẩm của ông vẫn luôn phải chịu nhiều soi xét.
Xem thêm
Vị tướng của lòng dân
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP
Xem thêm
Nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai – Người tạo được “giang sơn” không cho riêng mình
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã định vị trong lòng công chúng với nhiều ca khúc nổi tiếng. Và trong số đó, không ít ca khúc được chị phổ nhạc cho thơ. Thơ của chị, thơ của nhiều nhà thơ. Đam mê nghệ thuật của chị không giới hạn trong lĩnh vực âm nhạc mà được mở rộng sang lĩnh vực thi ca. Với 6 tập thơ đến với bạn đọc, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã âm thầm, góp thêm cho đời sống văn chương những sáng tạo của mình để công chúng tham khảo, khám phá và cũng có thể hòa điệu tâm hồn.
Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Có một mái đầu tóc bạc - bài hát đầy yêu thương tự hào…
”Có một mái đầu bạc “, bài hát đầy yêu thương tự hào với nhà lãnh đạo được nhân dân vô cùng yêu quý: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Xem thêm
Có một ngôi sao sáng, một ngọn lửa đỏ rực không bao giờ tắt
Bài do tác giả gửi cho Văn chương TP Hồ Chí Minh
Xem thêm
Sáng mãi ánh Sao Khuê - Chùm thơ nhiều tác giả
Chùm thơ của Nguyễn Minh Tâm, Nguyên Hùng, Hồ Bá Thâm
Xem thêm
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, với tôi là xà ngang, cột dọc
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã khá lâu không gặp. Dù công việc tôi đều theo tư cách đàn em, luôn hỏi anh. Nhớ ngày xưa, khi rất khó khăn, cần tiền đúng như mong “Bác Hồ hiện diện”, anh đã mời và bố trí tôi viết kịch bản phim truyện để có cần câu cơm mưu sinh khi làm ông bố. Cuộc mưu sinh đó cũng đã rất xa rồi. Hậu duệ của cuộc mưu sinh chắc chắn hoàn toàn không biết. Bạn ấy đã là chủ gia đình riêng nhỏ. Phạm Ngọc Tiến đã biết sợ không dám nhận thách đấu bia rượu thuồng luồng như ngày trước.
Xem thêm
Nhà thơ Văn Công Hùng với nhà thơ Hoàng Cát
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng cùng bài thơ ký họa chân dung Hoàng Cát thay vài nén nhang viếng vọng từ xa.
Xem thêm
Một nhà quản lý thép với trái tim ấm nồng Trần Quỳnh Hoa
 Tập truyện ký “Bông Mai Xanh kiêu hãnh” là một tác phẩm mới, khá cuốn hút của nhà văn Kiều Bích Hậu, xoay quanh nhân vật chính – Cử nhân Khánh Hương.
Xem thêm