- Chân dung & Phỏng vấn
- Thương nhớ anh Duy
Thương nhớ anh Duy
Trần Thế Vinh
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Nhà văn, đạo diễn Lê Văn Duy
Nhớ...lần đầu tiên tôi hân hạnh được gặp anh Lê Văn Duy vào cuối những năm 1986... Lúc ấy tôi là giám đốc Nhà Văn hóa huyện Tri Tôn. Lần này anh về Bảy Núi tìm tư liệu về thân nhân gia đình chị Sứ , tôi là người hướng dẫn anh đến gặp anh Phan Văn Mỳ (em thứ 6 của chị Sứ - Phan Thị Ràng), lúc này là bí thư Huyện ủy Tri Tôn...và anh em biết nhau nhiều lần sau nữa…
Ấn tượng nhất với anh là cuối năm 2001, anh cùng đoàn nhà văn Tp.HCM vào Tri Tôn thực tế, tôi gặp và đón đoàn với tư cách là chủ nhà (vì lúc này tôi làm giám đốc Trung tâm VHTT-TDTT huyện). Tôi mới vừa ra mắt tập thơ “Bài Thơ Với Đất” còn nóng hổi, nên tôi rất mừng và tặng anh một quyển, không ngờ khi về Sài Gòn anh viết một bài giới thiệu cho tập thơ in trên Tạp chí Văn nghệ Tp.HCM...với tựa đề Trái Mai Đen. Rời sau một năm tức cuối năm 2022 tôi được cuộc điện thoại anh gọi: Em Bắt Gặp – Thế Vinh ơi...em chịu khó lên Sài Gòn một chuyến nhé, anh đã viết xong kịch bản Giới thiệu tác giả tác phẩm về em, vì đường xa máy móc còng kềnh anh em đoàn quay phim không tiện xuống quay ở Bảy Núi được, nên em chịu khó lên đây mấy anh quay luôn nhé ! Nghe tin anh – Đạo diễn kiêm nhà văn lại là giám đốc xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu thời bấy giờ gọi tôi mừng quýnh lên...Và hôm sau tôi lên xe đò tới Sài Gòn gặp mấy anh… Hình như phim tư liệu này có tựa “Trần Thế Vinh với Bài thơ với đất”, tôi còn nhớ đạo diễn là anh Phước – người để tóc dài bới sau ót như một ông đạo ở vùng Ba Chúc quê tôi. Các cảnh quay ở tận ngoài Thủ Đức, vì ở đây còn có ruộng đồng lúa, cỏ cây tự nhiên… Sau hơn một buổi quay xong về nhậu tưng bừng ở nhà anh gì tôi quên tên mất - anh nói anh là con nhà văn Đoàn Giỏi, có người anh làm ở Cảng nên hôm đó nhậu toàn rượu ngoại và còn tặng tôi mang về một chai kỷ niệm...
(Xin trích dẫn bài viết mà anh Duy viết về tập thơ tôi ra đây)
TRÁI MAI ĐEN
Lê Văn Duy, Saigon
Thơ Trần Thế Vinh nay đã chín khi nhà thơ để lòng mình đồng cảm với cái đẹp, nỗi buồn của hạt mai đen rơi rụng vào mùa cuối Xuân.
Chàng trai cao gầy dẫn tôi đi qua dãy nhà mới cất khu đất xáng thổi xóm dân cư mới dọc kinh Tri Tôn chảy ra Cây Me. Cậu ta say sưa kể đủ thứ chuyện về Tri Tôn, kể lan man chuyện Bảy Núi thời chống Mỹ, chuyện đồi Tức Dụp. Tình yêu quê hương, yêu núi trong tim chàng trai làm tôi cảm mến. Cậu xưng tên là Trần Bắt Gặp, cái tên nghe lạ lẫm. Tình cờ trong một cuộc gặp gỡ của nhóm nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh với anh bí thư Huyện ủy Tri Tôn, nghe giới thiệu tôi đã từng có mặt trong lòng đồi Tức Dụp thời chiến tranh, lại là đạo diễn bộ phim tài liệu nhựa Những ngày ở Bảy Núi, cậu ta trố mắt ngỡ ngàng hối hả đi tìm gặp tôi. Tôi trở thành anh bạn vong niên của nhà thơ Trần Thế Vinh. Mỗi lần về An Giang, đến Bảy Núi tôi đều tìm gặp Vinh. Khi dự hội Đua bò bừa Bảy Núi, tôi thấy Trần Thế Vinh làm thành viên trong Ban tổ chức Hội đua.
Đường về Thất Sơn mây trời dựng
Nắng chồn chân. Núi đứng ngang tàng
Dốc cao theo dốc, chân chạm dốc
Thấp thỏm, bồi hồi khúc hạ san!
Đường về Thất Sơn mây mấy tầng
Ôm chân đá. Phủ hồn cỏ lạnh
Hạt xiêu mạng nhện giăng trắng lối
Giũ áo phơi mưa gió độc hành.
Đường về Thất Sơn mây lẻ hàng
Trông qua lá nắng vàng khua động
Đâu tiếng núi âm âm xa thẳm
Lắng tim đơn những lần ngân vọng
Đường về. Đường về. Thất Sơn nam
Gió đưa mây ướt một phím đàn
Hề! Thân củi mục ôm chân đá
Lệ mây trời chen nắng tan.
(Đường về)
Đường về Bảy Núi xưa tôi phải băng rừng, bơi qua con kinh Vĩnh Tế có biệt danh kinh Vĩnh Biệt. Bây giờ tôi đi trên con đường tráng nhựa thẳng đến chân đồi Tức Dụp. Các phum sóc Ô Lâm, An Tức, Lạc Quới, Vĩnh Gia…chợ ven biên nay đã có điện. Khu dân cư, khu chợ tránh lũ, dãy nhà sàn cột bê tông dọc dài dòng kinh thóat lũ thẳng ra miền biển phía Tây tổ quốc, đồng bào bồi hồi, nhớ ơn nên đặt tên kinh là kinh Võ Văn Kiệt.
Cái năm lũ chưa vào thềm
Trăng tháng chín
Biết ru đêm, tiễn chiều
Ra sông vớt nước tâng tiu
Ta chưa nỡ chạm vào điều thiêng liêng
Ngã ba dòng
Đó mái hiên
Trông qua gương nước biết duyên mình thành
Nhớ xưa con lũ về nhanh
Trăng như gần gũi
Chòng chành sóng đi
Neo tình theo nước từng ly
Từng ly thương nhớ sá gì gió giông
Sáng nay
Đò ai cặp dòng
Chở đi một ánh trăng lòng của ta
Lúc mà lũ dữ sắp qua.
(Tình trôi theo lũ)
Tôi bỗng bồi hồi nhớ cảnh các cô học trò áo dài trắng thướt tha dừng xe đạp trên bến phà qua cù lao Giêng đợi đò qua sông Hậu mênh mông mùa nước đổ. Tình yêu nhẹ nhàng trôi xuôi nhưng không dễ quên.
Về thăm bến lỡ đuôi cồn
Cây bần xõa tóc. Vô hồn. Biệt tăm.
Trăng khuya khuyết ngọn sóng rằm
Sóng chơi vơi lạnh suốt năm canh đời
Ai buồn như phận cồn rơi
Ta buồn khóc nhớ khỏang trời bến sông .
(Bến cũ)
Đất cồn mới nổi để đám học trò rủ nhau đi tắm cồn. Mùa lũ, đất cồn biến mất, chỉ thấy trời nước mênh mông. Mùa tắm cồn nay chỉ còn trong nỗi nhớ ngày khai trường: ‘’Ai buồn như số phận cồn rơi!”.
Tập thơ “Bài thơ với đất” của Trần Thế Vinh làm tôi nhớ chàng trai thơ ngây dạo ấy, giờ đã tuổi ngoài 40. Tình yêu quê núi trong trái tim nhà thơ vẫn nồng nàn.
Nước đồng cắt mặt trời xanh
Chênh vênh bóng núi
Chòng chành bóng trăng
Đêm vờn đuổi sóng lăn tăn
Nửa soi mặt lũ, nửa hằn vết mây!
Trăng nghiêng xuống vai em gầy
Đắm mình trên chiếc xuồng cây bềnh bồng
Ta làm sao vắng quạnh mông
Bên em chèo chống. Qua đồng lo toan
Núi cao, cao dáng mõi mòn
Trăng chênh chếch sáng giữa vòm nước đêm.
(Trăng mùa lũ)
Tôi nhớ cây mai núi mọc chênh vênh trên đỉnh núi Tô, có nhiều người hờ hững với trái mai đen, nhưng Trần Thế Vinh vẫn không quên.
Cánh mai đã rụng sau mùa
Nụ vàng theo ngọn gió thưa lên trời
Ta người tiếc cánh hoa rơi
Hồn thơ vung vãi thành lời tháng giêng
Còn xanh sắc lá kim tiền
Vội làm cây đứng lỡ duyên bẹo người
Qua thời vàng rực xanh tươi
Đi tìm nơi tựa trêu ngươi trái mùa
Âm thầm ra hạt mây mưa
Ngã xanh qua đỏ cho vừa lòng Xuân
Tháng hai trái chín lưng chừng
Đen màu nâu sẫm đất xuân trễ tràng
Ta nâng hạt nắng của làng
Đem gieo vào đất cho tan màu đời
Biết rằng rồi trái cũng rơi
Biết rằng đất ấy mai rồi lại Xuân
(Thơ tặng trái mai đen)
Thơ Trần Thế Vinh nay đã chín khi nhà thơ để lòng mình đồng cảm với cái đẹp, nỗi buồn của hạt mai đen rơi rụng vào mùa cuối Xuân./.
L.V.D