TIN TỨC
  • Truyện
  • Gió từ đảo xa | Truyện ngắn

Gió từ đảo xa | Truyện ngắn

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-02-10 08:26:25
mail facebook google pos stwis
1384 lượt xem

NGUYỄN MINH NGỌC

Dường như chưa có năm nào thời tiết ở phố biển lại trở nên đỏng đảnh và thất thường như năm nay. Vừa mới trải những ngày nắng nóng hầm hập như đổ lửa, đã lại hứng trọn cơn mưa dai dẳng vì cơn áp thấp nhiệt đới tràn về. Chiều cuối năm, mặt biển đương xanh rợn bỗng trở nên ngầu đục. Những con sóng giận dữ xô bờ, dựng lên những cột nước như vòi rồng. Nhìn biển động, Hiền thấy lòng mình se thắt lại. Phóng tầm mắt ra xa vời, trước mênh mông biển cả, đột nhiên một nỗi lo lắng mơ hồ không rõ hình hài cứ len dần vào trong tâm khảm thiếu phụ. Suốt một dải cát vàng uốn cong như cánh tay vươn dài ôm lấy thành phố giờ đây bỗng trở nên hoang vắng lạ lùng. Lác đác từng tốp du khách xem chừng tiếc rẻ vì không được vẫy vùng tắm táp, họ co ro đứng trên bờ cát, chốc chốc lại có người la oai oái và nhẩy giật lùi để tránh những ngọn sóng biển đưa hơi nước mặn chát hắt vào. Trên đường chạy xe máy xuống quân cảng, bắt gặp cảnh ấy, bất giác Hiền mỉm cười. À, thì ra đám người này đang tiếc hùi hụi vì tốn tiền đến xứ thùy dương cát trắng, gặp phải cảnh này, ai mà chả ngao ngán.
 

Gần cả tháng nay, mỗi sáng trước khi đi làm, Hiền thường không quên xé tờ lịch trên tường xếp lại ngay ngắn và thầm đếm ngược từng ngày. Cử chỉ kín đáo ấy không lọt qua cặp mắt của bà ngoại thằng Cún. Bế cháu ra sân tiễn con gái đi làm, bà ngoại nựng nịu: “Cha đẻ cái thằng chó con của bà. Ở nhà ngoan cho mẹ đi làm. Dăm bữa nữa, bố Cường về nha!”. Ngồi ở cơ quan, nhưng đầu óc Hiền cứ để tận đẩu đâu, không sao tập trung nổi. Cả tuần rồi, không thấy Cường gọi điện hay nhắn tin về, khiến Hiền cứ nghĩ vẩn vơ. Cô bấm số thì nghe: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau”. Lạ thật, anh ấy đi đâu, hay có chuyện gì mà cố giấu? Hiền bước ra ngoài sân, đứng dưới tán cây lộc vừng mướt mát khoe những chuỗi hoa đỏ rực, cô vừa cố hít thở thật sâu vừa làm mấy động tác day bấm huyệt. Chỉ một lát, Hiền đã lấy lại được cảm giác thăng bằng. Cường bày cho cô cách làm chủ các trạng huống, cốt nhất là bình tĩnh, không hốt hoảng, cũng đừng vội vã, hấp tấp. Hãy lấy sự thanh tịnh mà xét đoán.

Hiền đương mê mẩn ngắm tràng hoa lộc vừng kiêu sa, thình lình có một chú nhện con từ trên cành sa xuống trước mặt. Ngắm sinh vật bé tẹo đang luống cuống trong mối dây tơ bùng nhùng trên mặt đất, Hiền để yên cho nó thoát thân. Nhện sa, điềm này, xưa nay dân gian vẫn bảo không chóng thì chầy sẽ có tin vui. Nghĩ vậy, cô lặng lẽ trở về phòng làm việc, lòng phấp phỏng ngóng trông. Vậy mà cuối buổi chiều Huyền có tin thật. Anh Thịnh chính ủy lữ đoàn hải quân M, thủ trưởng đơn vị của Cường ra họp và nhắn Hiền xuống gặp. Linh vậy sao?

Gặp anh Thịnh, Hiền mới rõ sự tình. Thì ra Cường vẫn chưa thể nghỉ phép được, anh gửi quà về cho vợ con. Mới tháng trước, Cường hẹn sẽ ráng thu xếp để về thăm nhà đúng dịp thôi nôi của thằng Cún vào áp Tết. Nghe vậy, Hiền khấp khởi như mở cờ trong bụng. Cô vội thông báo hết cho cả nhà hai bên nội ngoại biết để chuẩn bị, ai cũng mừng cho mẹ con Hiền. Người gì đâu mà kiệm lời quá thể, chả bù cho ngày mới quen nhau. Giờ cả nhắn tin cũng thưa thớt, nhưng bù lại nếu không bận hop hành thì tối nào trước giờ con đi ngủ, bao giờ Cường cũng gọi về để nghe bằng được tiếng ọ ẹ của con mới thôi. Hiền trêu: “Anh to gan thật đấy, chỉ nhớ con mà quên… mẹ nó phải không? Coi chừng, em phạt đó nha!”. Cường vội kêu lên: “Em yêu, em là tất cả! Nhưng con chúng mình còn bé quá”. Nghe vậy, Hiền đã rân rấn nước mắt. Cô phủ lên người cậu con trai bé bỏng những cái hôn da diết. Mùi da thịt con trẻ khiến cô ngất ngây, mắt ngời sáng.

Vậy mà anh Thịnh lại thông báo Cường chưa thể về. Anh ấy bảo đang khi nước sôi lửa bỏng, Quân chủng vừa giao nhiệm vụ cho lữ đoàn vận chuyển hàng Tết ra quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK. Nghe chính ủy bảo sẽ phải tổ chức đi thành nhiều chuyến, đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo phên dậu của Tổ quốc có một cái Tết thật đầm ấm không thua gì trong đất liền. Sáng nay, con tàu do Cường chỉ huy vừa nhổ neo. “Vậy mà anh ấy chẳng nói gì cho em biết cả”. Hiền phụng phịu. “Bí mật quân sự mà”.

Một cách điềm tĩnh, chính ủy nhìn thẳng vào mắt Hiền, nhẹ nhàng. Đã xác định làm vợ lính hải quân thì thời bình cũng như thời chiến, em ạ. Đối mặt với biển cả là phải chấp nhận thử thách, kể cả điều nghiệt ngã nhất. Có cứng mới đứng đầu sóng chứ lị! Anh Thịnh trao cho Hiền hộp quà được gói ghém và thắt nơ khá bắt mắt.  Đây, anh và anh Hưng lữ trưởng có chút quà mừng thôi nôi thằng cháu của hai bác. Chúc cháu hay ăn, chóng lớn, mau nối nghiệp bố. Hiền ngập ngừng đưa hai tay đỡ lấy món quà, cố giấu giọt nước mắt đang lăn xuống gò má. Cô tin cậy nhìn người chỉ huy của chồng như một người anh cả. Im lặng một lát, Hiền rụt rè: “Thưa anh, chẳng lẽ đơn vị không có ai thay được Cường nhà em sao?”. Chính ủy lắc đầu: “Không phải vậy. Nhưng cậu ấy là một thuyền trưởng cứng, rất bản lĩnh và giàu kinh nghiệm”. “Em nghĩ đâu chỉ có mình anh Cường làm được như vậy?”. “Con tàu là tài sản lớn của quân đội, với lại, tất cả những thứ chuyên chở trên tàu phải đến được tận tay anh em cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài Trường Sa”. “Vì vậy, Cường được chọn?”. Hiền bỏ lửng câu nói. Anh Thịnh tiếp lời. “Hiền nói đúng, việc này không thể giao cho một người… non tay được. Em hiểu chứ?”. Lại bảo, anh và lữ trưởng trực tiếp đi mấy chuyến trên con tàu do Cường làm thuyền trưởng, vì vậy, Đảng ủy và chỉ huy lữ đoàn đặt trọn niềm tin vào cậu ấy.

Từ quân cảng trở ra, Hiền phóng xe tới quán bà Năm chọn mấy thẻ nhang Bắc, rồi chạy ra đền thờ Đức Thánh Trần. Cô dựng xe bên gốc dương rồi vào đền. Người trông coi ngôi đền thiêng này là một cựu chiến binh của Đoàn tàu không số năm nào. Ông có gương mặt như tạc bằng đá, song tính tình xởi lởi, nhẹ nhõm. Vừa nom thấy bộ dạng của Hiền, người đàn ông đã lẹ làng mở rộng cánh cửa. Trong mùi hương trầm ngan ngát dịu nhẹ và lắng sâu, Hiền thành tâm khấn vái Đức Ngài phù hộ độ trì cho các anh em hải quân ta đang làm nhiệm vụ trên biển, cầu cho mọi người được mạnh chân khỏe tay và được bằng an. Hồi lâu, Hiền bước ra ngoài và đi vòng quanh dưới chân bức tượng Ngài lừng lững uy nghi đang chỉ tay ra biển Đông. Tự dưng, cô thấy mình được an ủi nhiều lắm, lòng nhẹ bẫng và vững tin lạ lùng.

*

Hiền bồi hồi nhớ lại ngày cô và Cường gặp nhau. Lần ấy trong cuộc họp mặt hội làng Tam Đồng thường niên tại nhà anh trai của Hiền, xuất hiện một chàng học viên sĩ quan hải quân. Anh có vóc dáng cao ráo với gương mặt thư sinh, dễ mến. Không phải là thành viên được mời, Cường lãnh nhiệm vụ đưa rước bà ngoại anh đến dự. Bố mẹ Cường vẫn ở ngoài quê, anh được ông bà ngoại và các cậu ruột đưa vào thành phố biển học từ năm lớp 6. Tốt nghiệp phổ thông, Cường thi đỗ điểm cao cùng lúc cả ba trường đại học, trong đó có Học viện Hải quân. Thấy bố mình và hai ông cậu từng là sĩ quan, vất vả quá, ban đầu Cường cũng ngại. Nhưng rồi cuối cùng, anh vẫn chọn trường quân đội và được phân công học ngành hàng hải. Thoắt cái, giờ đã là năm cuối, Cường vừa xong khóa thực tập ở Vũng Tàu trở về. Anh được nghỉ vài hôm trước khi bắt tay làm đồ án tốt nghiệp.

 Ngay từ giây phút đầu tiên nhìn thấy nhau, Hiền đã trở nên bối rối. Sau này, Cường thú nhận lúc ấy anh đã cảm nhận nơi người con gái đồng hương vẻ đẹp dịu dàng, đặc biệt quyến rũ là nụ cười với hai lúm đồng tiền khiến anh ngây ngất. Quả là “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Suốt buổi, gương mặt Cường cứ ửng lên như người vừa nhấp rượu. Anh ngồi yên vị, chịu trận để mọi người thả sức mà trêu chọc. Ngược lại, Hiền đổi vai, mồm miệng tía lia, vờ như không quan tâm đến chuyện gì cả. Khi chàng trung úy vừa tốt nghiệp ra trường đi nhận công tác ở Vũng Tàu thì tình yêu giữa hai người cũng chớm nở. Năm sau thì họ làm đám cưới, bố mẹ hai bên góp nhóp mua được thẻo đất, dựng nếp nhà gạch hơn hai chục thước vuông làm tổ ấm cho đôi uyên ương khỏi phải đi thuê nhà. Hết tuần trăng mật, Hiền tiễn Cường trở lại đơn vị. Xa cách hơn hơn 500 cây số, thời gian đầu có lúc gần như hai người bị “cháy” điện thoại. Hở ra một chút là gọi cho nhau, nhắn tin cho nhau. Thi thoảng Cường mới tụt tạt về thăm nhà, như chuồn chuồn đạp nước, nhoáng cái lại đi ngay. Khi anh được bổ nhiệm làm thuyền phó một tàu hộ vệ tên lửa hiện đại thì thời gian hai người dành cho nhau càng ít, thậm chí việc liên lạc cũng bị gián đoạn. Hai năm, rồi ba năm, Hiền vẫn vò võ một mình. Nhiều đêm dằng dặc thao thức, Hiền đã úp mặt vào gối mặc kệ cho nước mắt chảy đầm đìa. Người mẹ vốn cả nghĩ nên rất thương con gái út. Bà đã bóng gió xa xôi khuyên hai vợ chồng nên đi kiểm tra sức khỏe xem có chuyện gì không để còn liệu đường mà thuốc thang, chữa chạy sớm. Hiền vội gạt đi, chẳng có chuyện gì đâu mẹ ạ. Chẳng qua chúng con như vợ chồng Ngâu nên có hơi chậm một chút, mẹ lo chi thêm mệt. Chỉ sợ tới lúc cháu đàn cháu đống rồi lại “tội bà ngoại” thôi. Bà mẹ mắng yêu, khỏi lo, chị cứ sinh cả tiểu đội cháu cũng được, ông bà nội chưa vào thì mang về đây tôi nuôi tất. Lại thẽ thọt, các cụ ta có câu: Gái có con như bồ hòn có rễ. Gái không con như nước nể trôi sông! Nước nể là nước gì hả mẹ? Tiếng quê mình, chỉ nước lã, nước sông, con ạ. Nghĩa là, phận đàn bà, nếu lấy chồng mà không sinh nở thì chẳng khác gì nước lã trôi sông, con nhớ lấy! Nghe vậy, Hiền nén một tiếng thở dài và cố nuốt sâu vào trong lồng ngực. Chưa bao giờ cô cảm thấy nhớ Cường cồn cào đến vậy. Nhờ vào tấm áo quân phục của anh để lại nhà, hằng đêm Hiền cứ phải đắp lên ngực mới dỗ được giấc ngủ.

*

Cầu được ước thấy! Cường được lữ đoàn bố trí cho nghỉ phép trước khi nhận nhiệm vụ mới. Một tháng trời, đôi trẻ quấn quýt bên nhau như cặp sam. Thằng Cún con là kết quả của kỳ nghỉ phép ấy. Cường được cấp trên đề bạt giữ chức thuyền trưởng một chiếc tàu vận tải cỡ lớn, đồng thời thăng quân hàm thượng úy. Hiểu được trách nhiệm nặng nề của chồng nên Hiền cũng chẳng dám đòi hỏi hay trách cứ gì anh. Hôm thằng Cún chào đời, vừa lúc con tàu cập cảng, phải khó khăn lắm, Cường mới xin phép về được ba ngày. Vừa xuống xe, anh thuê xe ôm chở thẳng vào bệnh viện đa khoa tỉnh thăm vợ con. Chẳng kịp mua hoa, Cường cứ việc để nguyên cả bộ quân phục còn dính bụi đường chạy đến nắm chặt tay Hiền. “Cám ơn em, đã cho anh được thăng chức… bố!”. Hiền ràn rụa nước mắt. Vừa nhìn thấy con, người bố trẻ cảm thấy tay chân mình thừa thãi. Anh cứ đi vòng quanh mà ngắm cái sinh linh bé nhỏ không biết chán. Cả nhà phải khuyên mãi, Cường mới chịu về nhà tắm táp nghỉ ngơi. Nếu không phải đang ở bệnh viện, chắc Cường đã chạy và hét thật to cùng đồng đội: “A, tớ được làm bố rồi, các cậu nhé!”.

Nghĩ mà thương, thằng Cún được gần sáu tháng, Cường mới về thăm lại. Anh kể những chuyến đi Trường Sa, hằng năm ngoại trừ tháng 4 ra, còn thì hầu như lúc nào biển cả cũng sóng to gió lớn. Ấy là chưa kể bao phen phải đối mặt với tàu chiến khựa, với đám lính trọc trên tàu lúc nào cũng hùng hổ, bặm trợn. Nhưng, mặc kệ, biển của ta, ta cứ đi, bận gì mà phải để mắt đến chúng. Bao giờ tàu ta qua vùng biển Cô Lin, Len Đao, bọn anh cũng dừng lại thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh hồi CQ-88, em ạ. Cường bảo, nghĩ đến các bác, các anh đi trước đã dâng hiến cả cuộc đời vì biển đảo Tổ quốc, thì chút thiệt thòi của riêng mình đâu có thấm tháp gì hả em? Hiền gật. Anh còn kể những chuyến tấp lên đảo, cùng đồng đội dùng xiên sắt đi bắt cá bò “bọc thép” về nướng ăn. Chuyện về những chú chó biết xếp hàng đón khách, rồi chuyện về những đêm trời trong veo ở Trường Sa hệt như những đêm trắng bên bờ sông Neva của nước Nga xa xôi mà anh từng đọc qua nhiều trang sách. Rồi chuyện về những quả bàng vuông mà lính đảo coi như báu vật… Thằng Cún hãy còn bé tẹo mà đã biết “quấn” bố Cường. Lạ thế! Đang khóc quấy nhưng hễ được bố khẽ đụng vào chân tay là cu cậu lập tức nín khe và cười.

Nuôi người kể thì lâu nhưng hóa ra cũng lại rất chóng vánh. Ông bà đã dạy cứ khắc nuôi, khắc lớn. Quả vậy, ngoảnh đi ngoảnh lại, thằng bé đã mọc răng, biết lẫy, biết bò, rồi biết đứng bám thành giường chập chững men từng bước. Bà ngoại mệt nhoài vì đứa cháu quá ư hiếu động. Suốt dọc hải trình, Cường không hề liên lạc về nhà, khiến Hiền cứ như đang leo trên ngọn cây. Lo quá, vài lần Hiền định bấm máy gọi cho anh Thịnh chính ủy, nhưng ngần ngừ rồi lại thôi. Là chỉ huy đơn vị thì có bao nhiêu là việc phải lo toan, chả lẽ mình lại khiến các anh ấy phải bận tâm ư? Cô tự nhủ, thường khi ra tới đảo, các anh mới liên lạc về đất liền, còn thì con tàu cứ thẳng tiến theo lịch trình.

Còn hai ngày nữa là Cún con đầy tuổi tôi. Buổi sáng Hiền vừa thức dậy, thì nhận được cú điện thoại. Bà nội của thằng Cún báo tin vừa xuống ga xe lửa. Quá bất ngờ, Hiền sấp ngửa vội phóng xe đi đón mẹ chồng. Bà mẹ Cường tay xách, nách mang, đang khép nép thu mình trước sân ga. Hiền ôm chầm lấy mẹ chồng. Sao mẹ không báo trước cho con biết thời gian mẹ lên tàu để con căn giờ đi đón? Là mẹ muốn dành cho con một sự bất ngờ! Khi Cường gọi về nói rõ sự tình, bố mẹ liền bàn bạc và phân công nhau, bố ở nhà “giữ gôn”, còn mẹ thì Nam tiến. Cường nó mắc việc quân, thì kiểu gì bố hoặc mẹ cũng phải vào với thằng cháu đích tôn chứ. Trời ơi, mẹ mang xách chi nhiều đồ đoàn thế này cho cực! Tết nhất đến nơi rồi, mẹ vào với cháu rồi ai lo việc nấu nướng cúng kiếng ở nhà giúp bố? Người mẹ khẽ cười, con đừng lo, cứ về nhà rồi từ từ mẹ nói.

Hiền chở mẹ chồng về tới nhà, thằng Cún vẫn còn say giấc. Thỉnh thoảng cu cậu lại nhóp nhép miệng như vừa mới được ăn xong. Bà nội ngó cháu rồi mắng yêu: “Y chang như thằng bố nó hồi nhỏ vậy!”. Nghe vậy, Hiền như nở từng khúc ruột. Hai bà thông gia tay bắt mặt mừng. Bà nội bày quà ra bàn, này là mấy cân nếp quê, này là gạo tám lứt, này là các loại đậu, để xay bột cho cháu ăn dặm. Bà chép miệng, còn mấy chục trứng gà so ngon ơi là ngon mà không dám mang theo vì sợ bể dọc đường… Hiền kêu lên, mẹ! Toàn những thứ dân dã ngày trước mẹ nuôi thằng bố Cường, giờ mẹ mang vào cho cháu, chứ nào phải mua bán gì, hả con. Bà ngoại ái ngại, có bao nhiêu thứ chị mang cho cháu hết, rồi ở nhà mình ông nội cháu xoay trở ra sao? Ối, chị đừng lo. Ông ấy có hai mươi năm ở bộ đội mà chị. Hồi trước ở nhà thì vụng thối, chẳng hiểu quân đội rèn tập cách sao mà giờ về nghỉ ở nhà, việc gì ông ấy cũng thạo. Từ việc đồng áng đến nấu nướng, giặt giũ, có khi tôi còn thua nữa chị ơi! Cho nên, nói chị bỏ quá cho, tôi bảo với nhà tôi, nếu quả thật có kiếp sau thì tôi vẫn lấy chồng bộ đội! Ông ấy ngồi phì phà thuốc lào rồi cười khùng khục: “Mẹ mày chỉ được cái nói… đúng!”. Hiền chen vào, giờ hai mẹ con ta là đồng minh, phải không mẹ?

Chiều ba mươi Tết, sửa soạn mâm cỗ xong, Hiền mặc ấm cho con rồi lấy xe máy chở hai bà cháu dạo một vòng dọc theo con đường biển. Những ngọn gió từ khơi xa vờn qua ngọn núi thổi vào đất liền như rung nấc. Trong cái lạnh se se, từ trung tâm thành phố xuôi về quân cảng, dòng người vẫn hối hả đan nhau, dệt nên những sắc xuân rực rỡ. Mặt biển trở nên phẳng lặng, hiền hòa. Những con sóng lặng lẽ đuổi nhau hôn nhẹ lên bờ cát. Trong ánh hoàng hôn, biển nhoang nhoáng màu lân tinh, đẹp lạ thường!

Trở về nhà, mấy mẹ con bà cháu ngồi ngóng xem chương trình truyền hình trực tiếp trên kênh VTV. Hiền bê chậu mai vàng đặt lên chiếc đôn kê ngay ngắn dưới ban thờ. Những bông mai sáu cánh rung rinh khoe sắc vàng rực khiến cho căn nhà được tăng thêm gam màu ấm, cứ sáng lên. Hàng phố lác đác có nhà đã mở băng cassette phát tiếng pháo nổ, nghe giòn đáo để. Không gian trở nên rộn rã, trên màn hình tivi cô em-xi (MC) duyên dáng đang giới thiệu các điểm cầu truyền hình. Hiền kêu lên: “Mẹ ơi, mẹ nhìn kìa, anh Thịnh, anh Hưng, thủ trưởng đơn vị anh Cường đấy!”. Bà nội vừa giữ cho thằng cháu bước đi, vừa hỏi: “Thế con có thấy bố cháu không?”. “Dạ, chưa đâu mẹ ơi. Giờ này, nếu nhà con có mặt ở đảo Trường Sa Lớn thì may ra…”.

 Liền đó, chuông điện thoại di động réo vang. Hiền vội vã bốc máy. Giọng Cường rắn rỏi: “Anh gọi về chúc Tết mấy mẹ con bà cháu. Giờ này sắp có cầu truyền hình trực tiếp, nhưng bọn anh cũng vừa được lệnh nhổ neo về đất liền. Em thông báo để ông bà ngoại, bà nội yên tâm nhé. Hôn em và con!”.

Lấy tay xoa xoa lên ngực, Hiền cố kìm nén cảm xúc đang dâng trào, nhưng cô không sao ngăn được những giọt nước mắt chảy dài trên gò má. Hiền ôm lấy hai bà cháu. “Mẹ ơi, nhà con vừa mới rời đảo!”.

Nguồn: Tạp chí Văn Nghệ TP.HCM số 9.2022.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm