TIN TỨC
  • Thế giới sách
  • Tình người cách ly mở đầu dòng văn xuôi thời sự về COVID-19

Tình người cách ly mở đầu dòng văn xuôi thời sự về COVID-19

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-09-06 06:43:14
mail facebook google pos stwis
1689 lượt xem

"Tình người cách ly" là truyện dài của nhà thơ - nhà báo Từ Nguyên Thạch, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Ngày 1/4/2020, khi lệnh giãn cách xã hội được áp dụng trên toàn quốc, thì tác giả ngồi xuống viết những dòng đầu tiên của "Tình người cách ly". Mất 30 ngày sáng tác và mất 15 ngày chỉnh sửa, "Tình người cách ly" được hoàn thiện và ra mắt công chúng, với tư cách tác phẩm văn chương đầu tiên viết về COVID-19 tại Việt Nam.

Thay lời tựa, tác giả thổ lộ: "Trong dòng người từ nước ngoài cuống cuồng tìm đường về nhà trốn dịch, tôi đã gặp một chàng trai có đôi mắt thông minh. Bên cạnh chàng là một cô gái tóc tém cổ nhỏ nhắn, xinh xắn. Họ xuống phi trường Tân Sơn Nhất rồi hối hả đi về khu cách ly 14 ngày với vẻ mặt lo âu. Họ có vẻ không quen nhau. Tôi chợt ao ước, phải chi họ là một đôi tình nhân. Để tình yêu của họ sẽ biến những ngày tẻ nhạt trong khu cách ly trở thành những ngày đầy ắp tiếng cười. Để tình yêu của họ có thể đánh thức tình người giúp nhau vượt qua nghịch cảnh. Và để tình yêu của họ xua tan sợ hãi, góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Thế là câu chuyện tình trong khu cách ly được hình thành. Câu chuyện tình thôi thúc được kể ra, được sống cùng nỗi lo âu, khắc khoải và hy vọng của loài người. Tôi hối hả viết với cảm xúc tuôn trào trong những ngày giãn cách xã hội".

Đôi nam nữ tình cờ trông thấy giữa đời, được nhà thơ - nhà báo Từ Nguyên Thạch tượng hình thành chàng trai Minh có tài hội họa và cô gái Kim Anh duyên dáng trong truyện dài "Tình người cách ly". Lấy bối cảnh một khu cách ly tập trung ở TP Hồ Chí Minh, truyện dài "Tình người cách ly" tường trình về 14 ngày của hơn 5.000 con người từ nhiều nơi trên thế giới trở về Việt Nam đã được đưa vào đây để chống dịch COVID-19. Những con người khác nhau về tuổi đời, khác nhau về nghề nghiệp và khác nhau cả về lối sống. Một không gian dồn nén của hiểm họa nhân loại, mọi giá trị gần như đảo lộn, và cá tính mỗi cá nhân được bộc lộ rõ ràng nhất.

"Tình người cách ly" được dẫn dắt bởi câu chuyện tình Minh và Kim Anh. Họ cảm mến nhau qua cái khẩu trang chăng? Không, cảm xúc của họ được nhen nhóm nhờ kết nối công nghệ số. Minh đã vẽ những sinh hoạt trong khu cách ly bằng nét bút dí dỏm để đưa lên Facebook cá nhân, và Kim Anh đã đồng điệu tâm hồn: "Những bức tranh của anh đã đem lại cho em niềm lạc quan trong những ngày tẻ nhạt này!". Cứ thế, tin nhắn qua lại, và họ nhận ra họ có thể đến với nhau bằng tình yêu trong sáng ở một hoàn cảnh độc đáo.

Thế nhưng, vượt lên trên quan hệ luyến ái nam nữ, truyện dài "Tình người cách ly" đặt ra ý nghĩa đích thực của đức tin và phẩm giá, khi con người biết đối đãi với nhau ân cần và mến thương. Tác giả đưa vào tác phẩm nhiều chi tiết có thực như sự bát nháo tiếp tế ở khu cách ly: "Trời ơi, không tin được ở mắt mình. Hàng trăm người với những thùng hàng đang chen lấn cố tiếp cận cổng ra vào khu cách ly. Những tình nguyện viên, nam có nữ có, cố ngăn dòng người muốn vượt qua cổng. Lát sau, nhân viên bảo vệ được tăng cường. Họ phát loa kêu gọi mọi người xếp hàng, giữ trật tự". Và chút ngao ngán lộn xộn ấy cũng không thể làm nhòa đi những vẻ đẹp con người trong khu cách ly.

Đó là tình nguyện viên Dũng, cư ngụ gần khu cách ly. Dũng học hết phổ thông trung học, đi nghĩa vụ quân sự, rồi trở về địa phương. Chưa có việc làm ổn định, Dũng tạm chạy xe ôm để mưu sinh. Nghe khu cách ly vừa mở đang cần người phục vụ, Dũng lập tức đăng ký. Dũng tháo vát và thân thiện, ai cũng quý mến. Một lần mang cơm lên lầu cho người cách ly, Dũng bị trượt chân té. Dũng không chỉ gãy tay mà còn bị tụ máu não. Phải phẫu thuật gấp, nhưng Dũng không có bảo hiểm y tế mà gia đình cũng khó khăn. Những người trong khu cách ly đã vận động nhau quyên góp để ủng hộ viện phí cho Dũng.


Đó là bác sĩ Khanh, chấp nhận xa vợ con để cắm trại chăm sóc sức khỏe cho những người cách ly. Khi nghe tin con trai nhập viện, bác sĩ Khanh rối bời nhưng vẫn kiên trì sứ mệnh đang được giao phó. Những người cách ly hỏi han và động viên, bác sĩ Khanh xúc động bật mí về con trai mình: "Anh biết cháu nói gì với tôi không? Cháu nói ba đang cứu người, không có ba thì nhiều người sẽ nguy hiểm. Vậy ba cứ yên tâm đi cứu người, đừng về thăm con nữa nha. Bệnh của con nhẹ lắm, sẽ mau hết thôi mà. Ba là người anh hùng của con! Tôi ngạc nhiên quá. Vì sao cháu nói được những lời đó!".

Nhà thơ - nhà báo Từ Nguyên Thạch xuất thân là một nhà giáo. Thập niên 80 của thế kỷ trước, ông cùng với nhạc sĩ Giáp Văn Thạch (tác giả ca khúc "Quê hương") và nhạc sĩ Võ Đông Điền (tác giả ca khúc "Tiếng hát chim đa đa") tạo ra phong trào văn nghệ sôi nổi ở Sông Bé (hiện tại đã tách thành tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước) để phục vụ cho người lao động trên các nông trường cao su vùng đất đỏ miền Đông Nam Bộ. Thuở ấy, Từ Nguyên Thạch có những câu thơ trữ tình: "Biết tôi năm ấy phải lòng/ Mẹ ngồi mừng suốt mùa đông tuổi già". Còn bây giờ, đoạn kết truyện dài "Tình người cách ly", Từ Nguyên Thạch lại gửi gắm: "Tôi chợt nhớ mẹ tôi. Lần này bà sẽ cười tươi khi thấy tôi về nhà với một cô gái xinh như mộng".

Vì sao nhà thơ - nhà báo Từ Nguyên Thạch lại thử bút với thể loại tiểu thuyết thời sự như truyện dài "Tình người cách ly"? Trong thơ, ông từng viết về nỗi băn khoăn ân tình hao hụt nơi con người: "Như sa mạc mỗi ngày mỗi lan ra khắp địa cầu/ Cát vẫn sinh sôi mỗi ngày từng hạt/ Từng hạt lớn dần làm thành sa mạc/ Từ chỗ tâm hồn đã cạn tình yêu". Cho nên, với đại dịch toàn cầu, ông cũng không thể thờ ơ.

Ông chia sẻ: "Có quá nhiều câu chuyện không thể không viết ra khi bệnh COVID-19 ào đến. Dãy phố quen thuộc của tôi mới hôm qua còn nhộn nhịp giờ nhà ai cũng cửa đóng then cài. Tôi đi qua ngơ ngác vì không một bóng người. Chỗ cà phê tôi ngồi mỗi sáng giờ biến mất. Đi ngang cổng trường vắng lặng, lũ trẻ trốn đâu hết rồi để cây phượng già cô đơn thả rơi những tàn phượng đỏ. Nhà máy đóng cửa, sân bay vắng bóng người, bến xe đìu hiu… Khắp nơi tất cả như hoang mạc. Nhân loại đang sống qua những giờ khắc lạ lùng của lịch sử. Thế nhưng, giữa lằn ranh cái sống và chết đã xuất hiện nhiều câu chuyện cao đẹp đáng để nhắc nhở nhau về phúc phận được sinh tồn, được làm người".

Truyện dài "Tình người cách ly" cũng có không ít dòng hoang mang, cũng có không ít trang u ám. Thế nhưng, ánh sáng vẫn là gam màu chủ đạo của truyện dài "Tình người cách ly". Ánh sáng ấy không chỉ hắt ra từ nụ cười của những người hoàn thành 14 ngày cách ly, mà ánh sáng ấy hiện diện ngay trong chính những sinh hoạt nhân văn của khu cách ly. Khi có một ca được xác định dương tính với virus corona, những người trong khu cách ly đã cầu nguyện cho bệnh nhân ấy bằng cách dùng điện thoại thay cho ngọn nến: "Khắp các dãy phòng, đèn điện thoại bật sáng lên như những vì sao trong trời đêm. Những ngôi sao không lặng yên mà di chuyển, lung lung theo từng tràng vỗ tay như sóng. Hết đợt sóng âm thanh này đến đợt sóng âm thanh khác".

Bước vào đợt lây nhiễm thứ hai của virus corona, truyện dài "Tình người cách ly" bỗng dưng "cháy hàng". Nhà thơ - nhà báo Từ Nguyên Thạch năm nay tuổi 62, khẳng định tất cả lợi nhuận từ truyện dài "Tình người cách ly" sẽ quyên góp cho quỹ phòng chống COVID-19.

PV (theo http://congan.dienbien.gov.vn/).

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trường ca “Mặt trận gần phía trước”
Bài viết của Nguyễn Vũ Quỳnh về tập trường ca của Trần Trí Thông
Xem thêm
Hoa hồng có gai, hay là vẫn tin vào nước mắt
Nguồn: Bùi Việt Thắng (Báo Văn nghệ)
Xem thêm
Bến sông xưa dậy sóng tóc phai màu!
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ “Tự tình với trăm năm” của Nguyễn Hồng Linh
Xem thêm
Bộ sách Đất Việt Trời Nam liệt truyện của Trần Bảo Định
“Đất Việt trời Nam liệt truyện” của nhà văn Trần Bảo Định là bản anh hùng ca đầy tự hào, chất chứa tinh thần yêu nước mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Những câu chuyện “từ thuở mang gươm đi mở cõi” xuyên suốt theo dòng chảy lịch sử kể từ khi các chúa Nguyễn vào Nam khai mở xứ Đàng Trong cho tới khi Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp và đến đầu thế kỷ XX, với cuộc chiến đấu của nhân dân Nam Bộ trong nỗ lực chung cùng giải phóng đất nước.
Xem thêm
“Theo dấu chân Người” để đi tới ngày Quốc khánh 02/09/1945
Đọc tập truyện ký “Theo dấu chân Người” chúng ta càng trân trọng, kính phục sự cống hiến, xả thân của Người cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng con người thoát khỏi sự đàn áp...
Xem thêm
Trái tim tự do luôn rực cháy
Đọc tác phẩm PHIẾN HẠ (NXB Hội Nhà văn, 2024) của Trần Hạ Vi
Xem thêm
Mây Phương Nam của Thiên Hà sẽ còn lộng lẫy hơn, mới mẻ hơn
Nhà văn Trương Đạm Thủy viết về Mây Phương Nam của Thiên Hà
Xem thêm
Lê Thiếu Nhơn: Ân tình giữa duyên nợ Thơ và Nhạc
Bài đăng Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam
Xem thêm
Món quà ý nghĩa tặng trẻ thơ
Một tuyển tập thơ thiếu nhi vừa được Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cho ra mắt đúng dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Tuyển tập này bao gồm những bài thơ hay của đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi tại thành phố trong suốt nửa thế kỷ qua.
Xem thêm
Một vị độc giả đặc biệt
Tôi không nghĩ mẹ tôi khi bước sang tuổi tám mươi ba cụ vẫn rất chăm đọc sách. Cụ còn nhận xét rất tinh về các tác phẩm đã đọc. Sau khi cụ ông mất trong đêm noel năm 2023, dù rất tiếc thương, song cụ bà đã lập tức trở về cuộc sống đời thường của mình. Cụ ở một mình. Tuy nhiên, con cháu ngay sát cạnh ngày đêm các cháu, các chắt vẫn tới để cụ chăm. Gia đình tôi ở Long Biên - Hà Nội, tuy gần Như Quỳnh - Văn Lâm - Hưng Yên, song chỉ thứ bảy chủ nhật mới về với cụ. Tôi bận mải công việc, khá lơ đãng việc về quê. Mỗi khi thời tiết tốt, vợ tôi đón cụ ra Long Biên, lên kế hoạch dẫn cụ đi các đình, đền, chùa, danh thắng, siêu thị, hệ thống tàu cao tốc chụp ảnh đưa face rôm rả. Khi ấy tôi mới có dịp quan sát đấng sinh thành của mình và rất mê cách tổ chức cuộc sống của cụ.
Xem thêm
Từ cầu chữ Y đến Landmark 81
Lời tựa cho tuyển thơ “Sài Gòn của em” (gồm 50 tác giả TPHCM)
Xem thêm
“Đời, có yêu tôi?” – Tự truyện của nhà văn, nhà báo Lưu Đình Triều
Tác phẩm “Đời, có yêu tôi?” của tác giả – nhà văn, nhà báo Lưu Đình Triều. Đây là tự truyện về cuộc đời đầy chông chênh trên sợi dây số phận của cậu bé Lưu Đình Triều cho đến vai trò nhà báo có tiếng trong làng báo.
Xem thêm
Tố Hoài “mang bão giông khát vọng cuộn về em”
Bài viết của nhà thơ Xuân Trường về tập thơ mới của Tố Hoài
Xem thêm
Nhà văn Lê Kiên Thành chinh phục độc giả bằng sự chân thành và trái tim nhân hậu
Tiến sĩ Lê Kiên Thành khoác trên mình bộ vest xanh lịch lãm, phong thái điềm đạm nhẹ nhàng, nở nụ cười hiền lành, từ tốn bước vào khán phòng giao lưu với độc giả sau khi xuất bản quyển sách đầu tay “Những khoảnh khắc sống”. Ông đến với văn đàn muôn vàn tinh tú ở độ “Thất thập” bằng những câu chuyện thật, rất thật cùng lời lẽ chân thành, mộc mạc và hơn hết là một trái tim nhạy cảm, giàu lòng nhân hậu.
Xem thêm