- Truyện
- Nhớ anh - thầy giáo của tôi | Chung Tiến Lực
Nhớ anh - thầy giáo của tôi | Chung Tiến Lực
CHUNG TIẾN LỰC
Anh không thích tôi gọi là thầy mặc dù anh là thầy giáo dạy toán của tôi. Anh bảo: “Gọi thầy nghe khách sáo quá, trong khi anh em mình cùng yêu thơ đến thế! Em là học sinh giỏi toán nhưng em có tâm hồn thơ. Nói về thơ thì có khi em lại là thầy của anh. Đang là học sinh mà em đã có nhiều bài thơ đăng báo trong khi anh cũng làm thơ nhưng chưa có bài nào lọt vào mắt xanh của các nhà biên tập”.
Rồi anh nói: “Người ta bảo thơ là tiếng nói hồn nhiên, trong trẻo của tâm hồn, là tuổi thơ của loài người còn sót lại. Nhưng anh nghĩ thơ là trời cho, là năng khiếu, bởi vậy nên có ngôn ngữ riêng mang sắc thái cá nhân nhưng vẫn trong ngôn ngữ chung”. Tôi thì nghĩ đơn giản hơn: “Theo em, thơ là cảm xúc cho nên trước hết nó là tấm lòng, sau nữa là nhịp điệu, âm thanh, hình ảnh được mã hóa”. Quả thực tôi yêu thơ và làm thơ từ nhỏ, tôi có thơ đăng trên báo Thiếu niên Tiền phong, báo Tiền phong. Có lẽ còn tại cô ruột tôi, người đã khuyến khích, ghi chép những vần thơ trẻ con của tôi.
Anh là con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Học hết cấp 3 phổ thông, anh thi vào học Trường Đại học Sư phạm Vinh. Anh kể, ngay từ nhỏ anh đã sống hầu như tự lập trong môi trường tập thể. Bố mẹ anh đi công tác suốt, lâu lâu mới có dịp ghé thăm anh ở nội trú. Rồi bố mẹ anh quay trở vào hoạt động bí mật trong lòng địch. Với anh, mái trường học sinh miền Nam chính là gia đình. Các cô bác, thầy cô đã chăm lo cho anh như bố mẹ đẻ anh vậy. Anh ước mơ sau này được dạy học ở Phú Yên quê hương anh để trả nghĩa nơi chôn nhau cắt rốn.
Anh đã truyền cảm hứng học toán cho chúng tôi sau mỗi giờ lên lớp. Trước đây tôi từng nghĩ toán học là một môn khó, thế mà qua các bài giảng của anh chúng tôi đã trở nên say mê môn toán như ham mê tìm tòi, sáng tạo những bí ẩn trong cuộc sống. Tôi rất thích những lập luận chặt chẽ, những tư duy lô-gích của môn toán. Anh đã chứng minh cho chúng tôi thấy toán học được coi là môn thể thao của bộ não con người. Khi chúng ta học toán là chúng ta rèn luyện tư duy, khả năng trí nhớ, sự liên kết, tích hợp, hệ quả… cũng giống như đang tập thể dục cho bộ não của mình. Khi bộ não được rèn luyện thường xuyên, phản xạ sẽ nhanh nhạy và đưa ra tín hiệu tốt. Anh bảo: “Học toán chính là học suy nghĩ và nhận thức về các vấn đề, tình huống phát sinh trong cuộc sống, đó cũng chính là học kỹ năng sống để sống tốt. Cũng chính từ ham mê học toán mà tôi nghiệm ra rằng học toán là cách tốt nhất để nâng cao trí tuệ, rèn luyện tư duy phân tích độc lập. Toán học còn cho ta khả năng phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực. Sau này khi là trinh sát pháo binh, những công thức và phương pháp giải các phương trình lượng giác của anh đã giúp tôi rất hiệu quả trong tính toán các phần tử bắn pháo trong địa hình lồi lõm tứ giác ghềnh ngoài không gian.
Đang học dở lớp 10, tôi nhận chứng nhận tốt nghiệp cấp 3 đặc cách để lên đường nhập ngũ. Vào buổi sáng chủ nhật trước ngày nhập ngũ tôi đạp xe lên trường chào từ biệt anh. Cô Thoa văn thư của trường ở phòng bên sang nấu cơm giúp anh. Bữa ăn giản dị đạm bạc thời chiến chỉ có cơm nấu lẫn mì sợi, bát canh rau đay và trứng luộc dầm nước chấm xì dầu.
Toàn trường đợt ấy có hơn 20 bạn “Tạm gác bút nghiên lên đường ra trận”. Mặc bộ quần áo Tô Châu mới tinh, chúng tôi được đơn vị nhận quân cho phép về trường dự buổi chào cờ sáng thứ hai. Cấp chỉ huy tạo điều kiện cho chúng tôi chia tay với thầy cô và bạn học. Buổi chào cờ hôm ấy thật ấn tượng. Các bạn học sinh ở các lớp lên hát tặng chúng tôi những bài hát sục sôi khí thế: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Anh gọi tôi lên cùng anh hát song ca bài hát Lá xanh của nhạc sỹ, liệt sỹ Hoàng Việt. Tôi như run lên trong giai điệu “Lá còn xanh như bao anh đang còn trẻ/Lá trên cành như anh trong toàn dân…”. Khí thế lên đường của chúng tôi ngây ngất, lan tỏa toàn trường. Tôi từng dự nhiều buổi chào sáng thứ hai ở các cấp học nhưng có lẽ buổi chào cờ sáng thứ hai hôm ấy là kỷ niệm nhớ mãi.
*
Đại đội tôi bàn giao lại Thành Cổ Quảng Trị sau hơn 20 ngày đêm chiến đấu ác liệt cho đơn vị bạn vào thay quân. Năm 1972, ta giải phóng Quảng Trị. Giữa tháng 6/1972, Ngụy quyền Sài Gòn phản công quyết liệt hòng chiếm lại Quảng Trị. Một trong những điểm tấn công có ý nghĩa chiến lược là khu vực Thành Cổ. Hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Tôi ở bộ phận hỏa lực trang bị trong tay có súng cối 60, DKZ 75, B40, B41. Những thông số của trinh sát về cự ly, góc phương vị, địa hình, hướng gió… Phương pháp giải phương trình lượng giác anh dạy từ ngày ở trường đã giúp tôi tính toán nhanh phần tử bắn chính xác, chặn đứng và làm phá sản các đợt tấn công của bộ binh và xe tăng địch từ xa. Chúng điên cuồng gọi pháo hạm, máy bay B52 rải thảm bom. Bom đạn phá hủy hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Thành Cổ cũng bị phá nát đến độ không còn một viên gạch lành lặn. Đây là cuộc chiến cực kỳ tàn bạo mà kẻ thù không từ một hành động tội ác nào. Các loại bom bi, bom tấn, bom điều khiển bằng la-de; bắn đủ các loại đạn pháo, pháo chụp, pháo khoan bê tông… thả chất độc hóa học, hơi độc, hơi ngạt… Đại đội tôi thương vong quá nửa. Lợi dụng đêm tối, chúng tôi rút êm qua sông Thạch Hãn hành quân về Vinh Chấp, Vĩnh Linh ăn dưỡng. Tôi nhận được cùng một lúc mấy chiếc thư của bố mẹ và các em tôi được cất giữ ở trạm quân bưu sư đoàn. Bố mẹ và các em tôi lo lắng trước tình hình chiến sự leo thang. Tôi ngạc nhiên có thư anh viết gửi từ Lạng Sơn. Thì ra anh đã nhập ngũ. Trong thư anh nói nỗi đau mất mát trong anh quá lớn. Ba má anh đều hi sinh trong cuộc Tổng tiến công năm Mậu Thân. Ước mong được về quê nhà Phú Yên chiến đấu với quân thù nhưng anh lại được điều động lên dạy văn hóa ở Trường Văn hóa Quân đội ở Lạng Sơn. Đối tượng học tập là bộ đội. Họ về đây từ khắp các quân binh chủng để ôn tập và thi tuyển vào các trường Sỹ quan và Đại học Quân sự.
*
Sau chiến thắng mùa Xuân 1975, anh xuất ngũ về lại trường cũ bên dòng sông Ngọc. Cảm động trước tình yêu của cô Thoa, anh đã cùng cô Thoa xây dựng gia đình. Nhà trường sắp xếp cho anh chị ở một gian nhà cấp 4 trong khu gia đình tập thể ngay sau dãy lớp học lợp bằng phên tre.
Chiến tranh Biên giới. Tôi đang ở mặt trận phía Tây Nam nhận được thư anh. Trong thư anh viết anh và chị Thoa đã chia tay. Tôi thực sự bất ngờ vì họ yêu thương và chờ nhau như thế! Anh bảo, anh có nỗi buồn giấu kín không biết ngỏ cùng ai. Anh không muốn người tốt như cô Thoa phải chịu cái sự không hoàn hảo của riêng mình.
Đề đạt nguyện vọng xin được về quê hương Phú Yên dạy học, anh được Ty Giáo dục tỉnh Nam Định liên hệ và điều chuyển về dạy trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Chị Thoa cũng có nguyện vọng vào theo chồng. Ngày ấy chưa có tàu Thống Nhất, anh chị đi xe khách vào Đông Hà rồi bắt xe chạy suốt Quảng Trị - Phú Yên. Vào thị xã Đông Hà, anh đã trốn biệt chị nhảy lên một xe cóc. Xa lạ, lại không biết địa chỉ cụ thể nơi đến chị Thoa đành quay trở về Bắc. Về đến nhà ngờ đâu chị nhận được thư anh đã gửi trước lúc cùng chị vào Nam. Anh xin lỗi chị vì hành động “mang con bỏ chợ” của mình. Anh mong chị Thoa quên anh và sớm tìm được hạnh phúc đích thực.
Anh bảo có nhẫn tâm đấy nhưng có như vậy mới dứt được tình chị. Chỉ có lòng căm giận mới đặt dấu chấm hết cho tình yêu của chị với anh. Bao nhiêu lần rồi, cứ hễ nói ly hôn là chị khóc ngất. Vốn tính hay sợ sệt linh tinh nên anh lại không dám nói gì đến chuyện ly hôn nữa. Anh nói sai lầm lớn nhất của đời anh là lấy vợ khi mà mình không có khả năng mang lại hạnh phúc cho người ta. Anh đau buồn vì cái sự cả nể, trọng tình mà anh đã gây đau khổ cho người ta.
*
Vào Phú Yên anh dạy ở Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng một thời gian rồi được điều chuyển về dạy trường chuyên của tỉnh. Ngoài dạy ở trường ra anh còn thành lập Câu lạc bộ toán Lê Quý Đôn dành cho những người yêu thích môn toán và viết bài đều đặn cho báo Toán học - Tuổi trẻ. Tôi còn biết học sinh của anh có nhiều em đi thi và được giải cao cấp quốc gia.
Cuộc sống không vợ, không con nhưng anh không cô đơn vì luôn sống trong vòng tay của học trò thân thiết. Nhiều em coi anh như ba của chúng. Nghỉ hè chúng về đón đưa anh lên Tây Nguyên nơi chúng dạy học hay đưa anh đi du lịch biển với gia đình.
Tôi đột ngột nhận được tin anh mất. Vừa mới hôm nào điện thoại, anh còn khoe hè năm nay ra Bắc hoàn thiện cuốn sách. Đây là quyển sách thứ ba của anh về Phê bình Văn học. Ngoài sở trường toán, anh còn say mê triết học và văn học. Ở anh, đọc và tự học hình như là suốt đời. Tin anh mất do một cậu học sinh lớp 12 báo khi tìm trong danh bạ điện thoại của anh có tên tôi. Anh mất do căn bệnh tiểu đường đã làm anh suy kiệt nhưng vẫn không bỏ được ham mê sách vở với đám học trò cưng.
Những ngày cuối đời đám học sinh thay nhau nâng giấc anh trên gường bệnh. Không có con nhưng những người gọi thầy xưng con với anh nhiều lắm. Tôi kính trọng anh. Người thầy, người anh, người đồng chí, đồng đội của tôi.