TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • Tròn một năm ngày mất Trịnh Bửu Hoài - “Một hồn thơ đẹp nghĩa kim bằng”

Tròn một năm ngày mất Trịnh Bửu Hoài - “Một hồn thơ đẹp nghĩa kim bằng”

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-12-08 07:06:29
mail facebook google pos stwis
653 lượt xem

NGUYỄN THANH

Trong đội ngũ những nhà thơ hàng đầu ở phương Nam, Trịnh Bửu Hoài sở hữu một sắc thơ hồn hậu và dễ thương với bút pháp dung dị mà kinh điển. Trịnh thi sĩ cũng viết báo, truyện ngắn, tiểu thuyết, biên khảo… nhưng sự nghiệp của anh tập trung vào lĩnh vực thi ca gồm nhiều tập thơ, trường ca và tiểu thuyết. Số tác phẩm xuất bản khoảng trên 60 quyển. Hai bài thơ được phổ nhạc: Cánh phượng hồng thuở xưa (NS Anh Bằng), Làm thơ tình em đọc (NS Trúc Hồ).

Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã kinh qua nhiều chức vụ: Phóng viên đài phát thanh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Châu Đốc, Chủ tịch Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Anh Giang, Phó Ban Công tác Hội Nhà văn Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long. Và là Hội viên của: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.


            Ảnh Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài 

Đất An Giang, miền biên thùy Tây Nam tổ quốc với đồng lúa mênh mông và núi rừng bạt ngàn là vùng đất linh nhân kiệt về lịch sử văn hóa. Bác Tôn Đức Thắng kính yêu, hai nhà văn lớn cùng được giải Hồ Chí Minh là Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo. Nhà thơ Viễn Phương, nhà văn Nguyễn Văn Hầu, các nhạc sĩ Hoàng Việt , Phan Nhân…nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, ông hoàng dĩa nhựa Tấn Tài, soạn giả Thái Thụy Phong… Trong lĩnh vực thi ca, Trịnh Bửu Hoài là một khuôn mặt thơ quen thuộc trong nước có khối lượng tác phẩm nhiều và  đa dạng ở phương Nam.

Trịnh Bửu Hoài (1952-2022) là tên thật, người xã Mỹ Đức, tỉnh An Giang. Say mê văn chương từ thuở còn ngồi trên ghế trường tiểu học, mới 14 tuổi (năm 1966), Trịnh Bửu Hoài đã cầm bút làm thơ. Khoảng thời gian này, đế quốc Mỹ đưa quân trực tiếp vào miền Nam, tôi trốn quân dịch, bỏ trường Trung học ở một huyện xa về tỉnh nhà ẩn náu dạy tư và chủ trương tạp chí Văn nghệ Miền Tây cùng một nhóm sinh viên học sinh và trí thức, nhà văn nghệ sĩ tiến bộ : Nguyễn Bá Thế, Sơn Nam, Kiên Giang, Hoài Nam Tử, Lý Thị Kim Xương, Giáo sư : Nguyễn Bá Thảo, Nguyễn Đức Minh, nhà giáo Nguyễn Văn Xứng,… Tôi vừa đi dạy học, vừa viết báo và mở phòng tranh theo sở thích văn nghệ của mình.

Tây Đô lúc này ở trong  không khí hoạt động văn nghệ, báo chí khá sôi nổi: nhà báo An Khê Nguyễn Bính Thinh làm tờ Miền Tây ở đường Thủ Khoa Huân, gần Sở Bưu Điện – sau đó gần 10 năm, ông Hải cũng làm lại tờ Miền Tây ở đường Minh Mạng (nay là đường Đồng Khởi). Tờ tạp chí có lửa Văn nghệ Miền Tây (1967-1970) của Nguyễn Thanh chủ trương đặt tại Garage 2 Hòa Bình của gia đình anh Dương Văn Hóa cũng là một bạn văn. Trong lúc đó, bạn thơ Lê Trúc Khanh phụ trách Thi Văn đoàn Về Nguồn trên đài Phát thanh Cần Thơ, thường  xuyên có chương trình văn nghệ khá sung túc vào tối thứ năm hằng tuần. Tại căn hộ cặp sát lề đường số 11 đường Pasteur – nay là Võ Thị Sáu – nơi nhà một chị bạn yêu văn nghệ Trương Huỳnh Mai có cà phê Thằng Cuội. Nơi đường Cống Quỳnh, cạnh hồ Xáng Thổi bên bờ sông Cái Khế lộng gió (gần cầu Nhị Kiều đường Hoàng Văn Thụ hiện nay) có Cà phê Sống vốn là điểm gặp gỡ rầm rộ của anh em văn nghệ. Các bạn sinh viên, học sinh và văn nghệ sĩ đất Tây Đô ngồi uống cà phê, nghe nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn,... và nhạc buồn của Trúc Phương, Thanh Sơn,… và nghe nói về các đề tài nghệ thuật văn chương trình bày bởi những văn nghệ sĩ nổi tiếng vào những chiều thứ bảy.

Trong không gian sinh hoạt văn nghệ rầm rộ ở Đồng bằng Sông Cửu Long lúc bấy giờ, tôi và Trịnh Bửu Hoài đã nghe biết tiếng nhau, cùng quý trọng nhau ở sở thích và đam mê, nhưng ở xa nhau nên chưa hề gặp mặt một lần hoặc cùng ngồi uống cà phê và tán gẫu chuyện văn chương. Mãi cho tới sau ngày hòa bình thực sự lập lại trên quê hương, qua báo chí và tác phẩm xuất bản thêm của anh, và những lần đi thực tế ở Núi Cấm, An Giang, tôi mới có dịp được hiểu nhiều về cuộc đời và thân thế của nhà thơ tài hoa Trịnh Bửu Hoài nơi miền biên thùy Tây Nam của tổ quốc.

Trịnh Bửu Hoài là chân dung hồn hậu của một nhà thơ tài năng và đa dạng, nổi bật ở nhiều bình diện văn hóa. Sự nghiệp văn chương phong phú của anh là những tác phẩm văn học mang chủ đề tư tưởng thâm thúy và lành mạnh mà nhiều bạn thơ, nhà phê bình  như nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhà văn Mường Mán, nữ nhà văn Trầm Nguyên Ý Anh… đã có dịp nói đến trong các bài tiểu luận về nhà thơ miền biên thùy Tây Nam bộ này.

Trong văn đàn thế giới, ngoài tình yêu là chủ đề quan trọng trong thi ca đông tây xưa nay, tình bằng hữu được coi là mảng đề tài sâu sắc mang tính nhân văn trong thi ca. Người yêu văn chương không bao giờ quên tình bạn cao đẹp trong văn học dân gian hay bác học qua các truyện nổi tiếng thể hiện mối tình thâm rực sáng nghĩa kim bằng như  Bá Nha - Tử Kỳ, Trần Minh - Nhuận Điền, Lưu Bình - Dương Lễ, Xuân Diệu - Huy Cận hay Arthur Rimbaud – Paul Verlaine…

Với một tâm hồn lãng tử phóng khoáng của người nghệ sĩ, Trịnh Bửu Hoài đã xuôi ngược sông hồ đây đó ngay từ thuở mới cầm bút nên anh có nhiều cơ hội phơi trải lòng  mình với bè bạn văn nghệ tri âm ở ba miền đất nước. Ngoài miền đất mẹ Bảy Núi An Giang với thế núi hình sông hùng vĩ hữu tình: Ngước mặt về tây, Thất Sơn sừng sững/ Áo giang hồ cuồn cuộn gió phương đông, nơi đâu “có chùm khế ngọt” và “con đò nhỏ” từng đặt chân đến, nhà thơ cũng coi là quê hương và ai cũng là anh em, bè bạn – tứ hải giai huynh đệ – Huống chi là người bạn đồng hương ngày xưa vốn đã xem nhẹ cuộc đời dâu bể, tình cờ nhà thơ gặp lại nơi bến sông trăngBạn xem công danh là phù vân, suốt đời lênh đênh mái chèo trên sông nước như chiếc bèo nhỏ giữa trường giang mặc cho bao kẻ bon chen xuôi ngược vì vật chất áo cơm: “Áo cơm không là nợ/ Hồn phơi phới ngàn lau/ Ai vào cuộc bề dâu/ Bạn đùa trăng vọc nước (Bạn tôi)”. Ở đây, phải chăng người đọc cảm thấy tư tưởng nhà thơ phảng phất một nhân sinh quan yếm thế của Lão Trang từng thể hiện trong thi ca Việt Nam (Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát…) và Trung Quốc (Lý Bạch, Đào Tiềm…).

Hẳn là không. Vì lẽ đến hôm nay, sau thời khói lửa tóc tang, đất nước đã thanh bình hơn bốn mươi năm, nhân dân đã xây dựng lại quê hương trở nên giàu mạnh. Và mọi người ai cũng được tự do, bình đẳng sống trong sự thụ hưởng vật chất và tinh thần trong đảm bảo an ninh trật tự của một quốc gia hòa bình thịnh vượng. Nhà thơ, người nghệ sĩ, chắc hẳn hơn ai hết đã đến lúc muốn được mở rộng vườn lòng sâu kín của mình để cộng hưởng tất cả niềm vui đích thực từ cuộc đời sung mãn của mình cũng như đất nước giàu đẹp của mình với bè bạn, anh em như câu nói lạc quan của một nhà thơ: Đấy là quán tha hồ muôn khách đến hay là vườn chim nhả hạt mười phương khi mọi người tình cờ được hội ngộ cùng nhau ở bất cứ nơi nào trên non sông hoa gấm hôm nay.

Với tình cảm trong ấy, khi dùng chân nơi xứ Huế với sông Hương thơ mộng và núi Ngự hữu tình,  đã vui mừng trong gặp gỡ anh em bao nhiêu, phút chia tay, Trịnh Bửu Hoài càng cảm thấy lưu luyến ngậm ngùi bấy nhiêu: Chúc bạn về ngủ ngonNhưng ta làm sao ngủ được…/ Huế thơ mà bạn ta nghèo/ Quá đêm còn nằm thao thức/ Nhậm ngùi một mảnh trăng treo. Đến phố cổ Hội An, Quảng Nam trầm mặc u huyền, được quen thêm bạn mới. Khi giã biệt nhà thơ khôn ngăn nỗi bịn rịn, muốn bạn theo luôn mình xuôi về phương Nam: Mênh mông tình người xứ Quảng/ Theo ta… xuôi về phương Nam (Về phố cổ). Một chiều đến Sa-Pa mộng mơ, cheo leo trên đỉnh Hoàng Liên Sơn sương giăng mây phủ, hồn thơ cảm thấy chơi vơi, thăng hoa như trút bỏ hết được mớ bòng bong ưu nhân thế trức ánh mắt hồn nhiên tình tứ của cô gái Mèo: Chiều Sa-Pa sương giăng mịt mùng/ Tôi lạc vào nẻo hư hay thật/ Cô gái Mèo hồn nhiên ánh mắt/ Tôi bỏ ưu tư ở lại bên trời (Chiều Sa Pa).

Cả những ngày đầy nắng ở Tây Nguyên mịt mùng sương mù phố núi càng làm cho nhà thơ nhớ thương dào dạt về người bạn thơ ngày xưa thân phận long đong trôi dạt mà không buồn độc ẩm: Ta về Pleiku thương người bạn cũ/ Ta ngó núi không buồn rót rượu/ Nằm nghe rừng núi hát thơ người… Tình bạn ở Trịnh Bửu Hoài là nghĩa tình sâu nặng, đằm thắm cháy lên nồng nàn từ trái tim một nhà thơ rực sáng nghĩa kim bằng: Ta về Pleiku một ngày đầy nắng/ Thêm chút mùa đông trên má hồng/ Nhớ anh ta một đời lận đận/ Trôi dạt đồng bằng sông nước mênh mông/ Lang thang Tây nguyên bồng bềnh mây trắng/…Ta về Pleiku thương người bạn cũ/ Gió hạ Lào thông thốc thổi mây trôi… (Về Pleiku nhớ bạn).

Từ muôn thu, ta thấy thơ, rượu cả nhạc thường gắn liền với nghệ sĩ thi nhân, bè bạn như một định mệnh. Rimaud-Verlaine với mối tình trai trong văn học Pháp rồi Lý Bạch, Tản Đà, Vũ Hoàng Chương, Văn Cao, Trịnh Công Sơn… cùng bằng hữu tri âm đã để lại hậu thế những vần thơ tuyệt bút ngan ngát men nồng. Vì lẽ, vắng bạn thì nhà thơ lấy ai để cùng đối ẩm và tâm sự hàn huyên: Ra đi hồn chở đầy cố xứ/ Đêm dài ai uống rượu tri âm (Tiễn bạn). Những vần thơ tiễn bạn của Trịnh Bửu Hoài mang âm hưởng ngậm ngùi khiến tôi nhớ đến bài thơ “Lâm giang tống Hạ Chiêm” (Bên sông tiễn Hạ Chiêm) của thi sĩ thời Trung Đường Bạch Cư Dị (772 – 846): Bi quân lão biệt, lệ triêm cân/ Thất thập vô gia vạn lý thân/ Sầu kiến chu hành phong hựu khởi/ Bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân ( Muôn dặm thương anh, lệ biệt sầu/ Bảy mươi tuổi tác cửa nhà đâu/ Buồn trông trận gió theo thuyền nổi/ Sóng bạc đầu quanh khách bạc đầu – Tản Đà dịch thơ). Giọng thơ tiễn bạn của Trịnh Bửu Hoài – tâp thơ Ký ức – và tác giả Tỳ Bà hành đều lâm ly buồn não, hoàn toàn khác biệt với phong cách nhà thơ Thâm Tâm (1917-1950) trong bài “Tống biệt hành” với giọng hào sảng của kẻ nam nhi có chí khí và lý tưởng trong thời chiến. Nhưng tôi thiển nghĩ hình ảnh người bạn hiện diện trong thơ Trịnh Bửu Hoài có lẽ cũng gián tiếp nói lên một phần mặc cảm cô đơn trong cuộc sống của nhà thơ mà ít ai biết được! Về bút pháp, nhìn chung, thơ Trịnh Bửu Hoài dựa trên nền tảng thơ mới phá cách: ngũ ngôn, lục ngôn rồi 7 chữ, 8 chữ nhưng giai điệu, cung bậc luôn thay đổi.

Ngôn ngữ chọn lọc, giàu hình tượng, câu thơ dài ngắn khác nhau diễn tả thích hợp với biến thiên tình cảm mang mang trong lòng kẻ ở người đi và người đọc.

Hôm nay, chinh chiến đã lùi xa, đạn bom im tiếng, từ cuối miền đất nước, Trịnh Bửu Hoài có cơ hội đi qua miền Trung gió Lào cát trắng để “hành Tây Bắc” – chiếc nôi ấm huyền thoại của cách mạng qua hai cuộc đấu tranh thần thánh và chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Đến đâu, nhà thơ cũng cùng nhau thù tạc chuyện trò, trong không khí tình cảm “tứ hải giai huynh đệ” (bốn bể đều là anh em) khiến tác giả càng có thêm những vần thơ ấm nồng  tình bạn…

 Dù sở hữu số lượng không nhỏ về thi tập, nhưng ít ai ngờ nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã từng là tác giả của một best-seller (sách bán chạy nhất) bán đắt như tôm tươi. Theo nhà thơ quen thuộc Lê Thiếu Nhơn, cuối những năm của thập niên 1980, Trịnh thi sĩ đã từng viết 20 tiểu thuyết trong đó quyển truyện dài “Tình yêu đâu phải là trò chơi” từng được hơn ba nhà xuất bản săn đón in trên 70 ngàn cuốn. Sự hấp dẫn của  “Tình yêu đâu phải là trò chơi” khiến cho một người đã nhái theo, viết cuốn Tình yêu đâu phải là trò đùa nhưng ký tên Trịnh Vũ Hoài để đánh lừa độc giả. Vỡ lẽ ra rùm beng chuyện đạo văn, cục Xuất bản ra lệnh thu hồi cuốn truyện nhái Tình yêu đâu phải là trò đùa của Trịnh Vũ Hoài !

 Tình bạn với nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đích thực là tình bằng hữu mang ý nghĩa tình bầu bạn thủy chung cao đẹp trong đời người, không tương đồng với tình cảm giữa những bạn đời, bạn tình, bạn đường, bạn đồng chí (comrade)… Và hôm nay – nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã đi xa, nghỉ ngơi ở thế giới ly tao vĩnh hằng của Nguyễn Du, Lý Bạch.  Nhưng những độc giả yêu thơ thi sĩ vẫn không bao giờ quên chân dung dịu dàng đôn hậu của anh : vẫn hồn nhiên mỗi ngày theo đuổi chữ nghĩa với đau đáu nhân sinh “không còn ai bên máy chữ gọi thơ về”. 

 

                                                                           4. 12. 2023

                                                                                  N.T          

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm
Những vần thơ sáng nghĩa kim bằng
Nhà thơ Trinh Bửu Hoài là người bạn văn tốt của tôi đã quen thân nhau từ năm 1970 khi anh hoạt động văn nghệ ở An Giang. Cách nay hơn 10 năm, sau khi nhà văn quá cố Nguyễn Khai Phong đã vài lần giục tôi làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam cùng với tán thành của nhà thơ đánh kính Trịnh Bửu Hoài. Dù biết ở Cần Thơ mình là người mồ côi, kém tài lại vụng về trong giao tiếp nên ít có bằng hữu tình thâm, năm 1918, tôi vẫn đánh bạo nghe lời những người bạn tốt xin vô Hội Nhà văn Việt Nam với sự giới thiệu nhiệt tình cùng lúc của các nhà văn : Nguyễn Khai Phong, Trịnh Bửu Hoài, Lê Đình Bích, Lương Minh Hinh, Nguyễn Trọng Tín. Mặc dù biết rằng với mình, con đường về La Mã vẫn còn diệu vợi ! Hôm nay, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã về với cõi Ly Tao bất diệt, tôi viết bài này để ân tình bày tỏ lòng nhớ ơn anh, một thi sĩ tài hoa nhân cách rất tốt với bạn bè.
Xem thêm
Nội trú trong ta một nỗi buồn
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về “Năm ngón chưa đặt tên” của Đinh Nho Tuấn, NXB Hội Nhà văn 2024
Xem thêm
Thấy gì từ “Ký họa thơ” của Nguyên Hùng?
Bài viết của Lê Xuân Lâm, cộng tác viên tích cực của Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Mấy điều bất thường xung quanh bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ
Không phải vì tác giả là người viết kịch, có duy nhất một bài thơ được chọn vào sách “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, mà bài thơ này có tính bất thường. Trong sách của Hoài Thanh và Hoài Chân có những tác giả sau chỉ có một bài : Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương, Mộng Huyền. Có hai tác giả được nói đến mà không trích bài nào trọn vẹn là T.T.KH, và Trần Huyền Trân. Vậy thì bài thơ của Đoàn Phú Tứ bất thường ở chỗ nào?
Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm
“Lời của gió” - Lời của nước mắt, nụ cười
Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Xem thêm
Không gian thiền tịnh và buông xả trong thơ Nguyễn Thị Sơn
Chùm thơ 4 bài: Thiền, Tịnh, Buông, Nhàn của nhà thơ Nguyễn Thị Sơn đã khái quát một không gian thơ mang tính tâm linh cho riêng mình, ở đó mỗi bài đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc về tâm trạng và trải nghiệm của con người. Những bài thơ này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa thiên nhiên và tâm hồn. Mỗi bài thơ là một khía cạnh khác nhau của sự tìm kiếm sự an lạc và bình yên trong cuộc sống.
Xem thêm