TIN TỨC
  • Thế giới sách
  • Trưng Nữ Vương - Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai (Hồi thứ hai phần 2)

Trưng Nữ Vương - Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai (Hồi thứ hai phần 2)

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1209 lượt xem

Nhà văn Phùng Văn Khai sinh năm 1973 tại ại Thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Anh hiện đang công tác Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cấp bậc thượng tá, chức danh Phó Tổng Biên tập, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (2007), Phó Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam Nhiệm kỳ (2020 - 2025). Phùng Văn Khai được biết đến là một tác giả viết nhiều bộ tiểu thuyết lịch sử nhất gồm 6 bộ gồm: Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử định quốc. Và sắp tới đây anh sẽ ra mắt bộ tiểu thuyết thứ 7 “Trưng Nữ Vương”. Trong những tiểu thuyết lịch sử của anh, bạn đọc đặc biệt chú ý đến các bộ tiểu thuyết; Phùng Vương, Ngô Vương, Triệu Vương phục quốc, trong đó bộ tiểu thuyết Ngô Vương nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam thời kỳ 2016 - 2019. Qua trao đổi trước khi bộ Trưng Nữ Vương sắp được ra mắt, anh cho biết, bộ tiểu thuyết lịch sử này sẽ có nhiều nét mới trong lối hành văn nên văn phong cũng khác hẳn. Và tiểu thuyết Trưng Nữ Vương là tiểu thuyết đầu tiên của anh có nhiều tình tiết hư cấu, có nhiều giai thoại lẫn thần thoại xoay quanh các nhân vật chính, nó thể hiện sự khác lạ so với các tiểu thuyết trước đây. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu Hồi thứ nhất của Bộ tiểu thuyết lịch sử này.

Phùng Hiệu giới thiệu

Nhà văn Phùng Văn Khai

 

HỒI THỨ HAI

 

Thành Luy Lâu, Tích Quang nhận chiếu lệnh

Rừng Khe Cấm, Thi Sách trổ oai hùm

 

Đường dẫn tới bãi săn Cam Lâm tiếp giáp khu rừng Cấm phải vượt qua hai thung lũng nối nhau có khúc thắt cổ chai vách đá dựng đứng tưởng chừng người ngựa khó vượt qua. Ở những nút thắt đó, đã từ lâu, gia tướng của huyện lệnh cho bạt núi san đường, phát quang cây cỏ, còn cho đắp những ải lũy dày vững phòng mùa động rừng thú dữ ồ ạt kéo xuống phá hoại mùa màng, bắt giết trâu bò gà lợn, thậm chí cả phụ nữ và trẻ nhỏ.

Hơn mười năm trước, Trưng huyện lệnh cho lập ra bốn phường săn đứng đầu là bốn thị tộc lớn trong vùng là Trưng, Man, Hoàng, Bạch vừa để trấn áp thú dữ mùa động rừng vừa săn bắt thuần dưỡng voi rừng cùng chăn thả các loài thú khác. Tập tục bốn thị tộc Trưng, Man, Hoàng, Bạch xưa nay, mỗi thiếu niên đến tuổi trưởng thành ít nhất phải kiếm được bảy cặp sừng hươu, bảy bộ da linh dương, một bộ da gấu thì được gọi là nhất đinh. Nếu không đủ cơ số, tuy vẫn được thụ lễ gia quán (trưởng thành), song chỉ được coi vào hàng bạch đinh phải ở bậc dưới làm phụ dịch. Quy định nghiêm khắc như vậy, song do biết sớm theo các phường săn bủa thú, lại chăm chỉ thuần thục việc đặt bẫy, tìm đường ăn của đám hươu, hoẵng, sơn dương, nên bọn nhất đinh ngày càng đông mà bạch đinh ngày càng ít. Không ít kẻ trong đám nhất đinh còn liên kết nhau, nhiều lần huyết chiến thú dữ, săn được báo gấm, lợn lòi, thậm chí cả ông ba mươi nặng tới mấy người khiêng. Thành thử trong vùng rừng Cấm, việc săn bắn thuần dưỡng thú rừng đã trở thành nền nếp thị tộc quy củ lắm.

Vừa qua ải lũy thứ hai sát mép khu rừng cấm, tiếng tù và của tên gia tướng Trưng huyện lệnh rúc lên liên tiếp ba tràng dài âm i vọng vào hai bên vách đá. Lập tức hai loạt tù và đanh ngắn cất lên đáp lại cũng là lúc ngay phía chân ải lũy, sát ghềnh đá ăn xuống mép dộc sâu cây cối dây leo chằng chịt nhảy thốc ra ba bốn chục tráng đinh nai nịt gọn ghẽ. Đám người ấy, ai nấy đầu chít khăn vải đỏ diềm trắng, mình bận bộ vải chàm dày dặn, chân đi giày da thú, bắp chân, cổ tay nhất loạt quấn sà cạp đỏ viền trắng đều tăm tắp. Trên lưng mỗi tráng đinh đều đeo một bộ cung tên, bên hông ai nấy cài sẵn bao dao quắm thò chuôi dài quấn vải lủng lẳng. Nhìn kỹ dưới mỗi bắp chân, nơi các vòng sà cạp quấn nối nhau đều cài sẵn sáu bảy cặp trủy thủ hằn qua lần vải.

Tiếng tù và còn chưa dứt, đoàn người ngựa của Trưng huyện lệnh còn cách tới hai ba trượng, đội tráng đinh phía trước đã sắp hàng gọn ghẽ nhất tề hô lớn:

- Phường săn Bạch thị xin chờ nghe lệnh!

Trên lưng ngựa, hai cha con Dương Thái Bình, Dương Thi Sách còn đang sững người thầm phục sự nhanh nhẹn thần tốc của đám thợ săn chỉ chưa đầy ba hiệu tù và đã đội ngũ chỉnh tề sắp hàng nhanh như gió, trên mình sẵn sàng cung nỏ, dao quắm, trủy thủ đầy đủ đã thấy Trưng huyện lệnh cất tiếng nói lớn:

- Cảm phiền anh em Bạch thị đã tới sớm! Hôm nay có khách quý, bổn quan gấp quá không báo trước, mong anh em hãy cố gắng bố trí cuộc săn. Ta vẫn theo lệ cũ: ba hươu tính bằng một gấu; hai gấu tính bằng một báo, nhất loạt săn được đều sẽ có thưởng. Còn như rừng vắng thú thưa, chỉ thu hoạch về đám nai, hoẵng ta cũng không trách. Mong anh em gắng giúp bổn huyện ta.

Lời Trưng huyện lệnh còn chưa dứt, giữa đám phường săn đã lập tức bước ra một vị trung niên dáng người thấp đậm, mặt mũi vuông vức, trên khuôn mặt quắc thước còn hằn vết hổ cào từ mí mắt suốt một đường dài qua má xuống bộ râu quai nón rậm rì. Đây chính là chủ phường săn Bạch Uy nổi tiếng từng tay không đánh hổ.

Vị chủ phường săn nghiêm trang nói:

- Bẩm huyện lệnh đại nhân! Nhất định phường săn Bạch thị sẽ giành hết phần thưởng của ngài. Bọn tiền tiêu mới về báo hôm qua, đàn hươu rừng hơn trăm con đang mùa nhú lộc tìm xuống vụng Khe Cấm gấp lắm. Song không hiểu sao, bọn chúng mấy bận đều bật quay trở lại? Có lẽ nào ông kễnh năm nay mới đầu xuân đã mò xuống Khe Cấm? Theo tuần tự hàng năm, phải hết cữ hươu rừng tìm lộc vả, tiếp đến đám voi hoang mùa sinh sản kéo tới đằm nước khe rồi mới đến cữ ông ba mươi tới phục bắt bọn hoẵng tơ là vừa giữa tiết xuân. Có lẽ nào, năm nay bọn hoang thú không còn theo nết cũ?

Vẫn ngồi vững trên lưng ngựa, nghe kỹ từng lời bẩm báo của chủ phường săn, chừng như đã đoán được sáu bảy phần, Trưng huyện lệnh đưa mắt nhìn khắp trước sau, thấy cuộc săn hôm nay hiện diện toàn những tay lão luyện. Bản thân ngài, suốt mấy chục năm, mùa săn nào cũng đích thân dẫn đầu các phường săn Trưng, Man, Hoàng, Bạch in dấu chân khắp các tầng rừng, khe suối, đồi lớn, thung sâu vùng thượng du Mê Linh, rất am hiểu tính nết từng loại thú rừng. Lại hôm trước đã thấy được thần lực của Thi Sách, muốn nhân dịp này thử tài Dương công tử một phen bèn ôn tồn nói:

- Như vậy đích thị là có cọp lớn đang phục mồi ở Khe Cấm rồi. Xưa nay mỗi khi nhú lộc, bọn hươu rừng kỳ nào cũng phải tìm đến Khe Cấm ăn đọt vả uống nước suối vài ngày chúng mới chịu bỏ đi. Nay chúng ba bốn bận phải quay lại, tất là có cọp trắng ở đó rồi. Các ngươi hãy cùng bản quan hôm nay mở cuộc săn cọp nơi Khe Cấm.

Thấy huyện lệnh đại nhân chỉ thoáng nghe đã nhìn nhận rõ cục diện bọn thú rừng, trong bụng chủ phường săn Bạch thị rất khâm phục. Song từ trước tới nay, trong các cuộc săn cọp, thường liên danh ít nhất hai phường săn bèn hỏi:

- Bẩm đại nhân! Có cần gọi thêm phường săn tộc bạn tới hay không?

Sắc mặt không hề biến đổi, Trưng huyện lệnh đanh giọng nói:

- Ta đang gấp việc! Chỉ số anh em đây cũng đủ rồi. Bạch huynh đệ hãy cứ theo cách cũ mà làm. Mọi phân phó, ta cùng số người mới đến nhất loạt xin tuân thủ.

Chủ phường săn Bạch Uy thấy Trưng huyện lệnh đã quyết ý không cần gọi thêm phường bạn nhìn đoàn người mới đến nhẩm tính nhanh một lượt rồi quay về phía các tráng đinh phân phó một lượt. Đối với phường săn họ Bạch, xưa nay quy củ rất nghiêm. Nhất là đối với cuộc săn cọp rừng càng phải phân công chặt chẽ. Tám thợ săn lão luyện được giao vác theo bốn tấm lưới gai lớn khi quây thú dữ phải hết sức nhanh nhẹn, lại biết phục đợi khi cọp quăng mình vồ mồi mới nhất tề tung lưới tránh thương vong. Đã có kỳ gặp phải cọp lớn, hai tấm lưới đầu tiên đều bị mãnh thú xé toang vuột thoát, hai tấm còn lại vừa nhất loạt tung ra bảy, tám thợ săn liên tiếp phóng giáo vào chính giữa đống lưới bùng nhùng mãi mới khống chế được ông kễnh đành phải bỏ mất bộ da cọp do phải giết bằng giáo sắc. Thông thường, khi cọp đã mắc lưới, đám thợ săn dùng gậy gỗ lim vuông hai đầu vạt nhọn luân phiên đánh chết dần để giữ bộ da nguyên vẹn. Khi gặp cọp lớn mới buộc phải dùng gậy chọc mù mắt để chúng mất phương hướng sẽ dễ bề hạ thủ. Phường săn Bạch thị cũng là phường săn được nhiều cọp nhất nơi Khe Cấm trong suốt mười mấy năm liền.

Con đường mòn nhỏ dẫn tới vụng nước Khe Cấm cây cối rùm ròa. Xưa nay, cọp thường ưa chỗ cây thưa vắng chứ không thích ẩn nấp nơi rậm rạp như bọn báo gấm, gấu rừng. Cọp săn mồi ưa thích nhất trong những đêm trăng sáng. Khi đó, bọn hươu nai thường tìm nguồn nước uống đợi đêm khuya mới rón rén kéo nhau ra vụng nước. Chúng dường như đánh hơi được sự nguy hiểm song đành phải liều kéo nhau ra suối thỏa thuê cơn khát nước và đã phải trả bằng giá đắt. Cũng may cọp là loài sát sinh nhưng không phí phạm giết bừa. Bắt được một nai rừng, thường cọp tha tới một nơi cao ráo thoáng đãng đánh chén một bữa thỏa thuê. Phần còn lại, đôi khi là nửa con nai nguyên hai đùi gọn ghẽ, cọp giấu vào một chỗ, phải cả tuần sau mới động đến mặc khúc mồi đã thối rữa vẫn chén ngon lành chứ không giết bừa đám nai tơ ngay trước mắt. Đó cũng là nét khác thường của ngài chúa sơn lâm. Cũng bởi vậy, sau khi bị mất đi một đồng loại, bọn hươu, hoẵng, nai rừng đã chớp thời cơ ùa xuống vụng nước tha hồ uống. Ngay cả đám trâu rừng, gấu ngựa ranh mãnh nhân đó cũng tràn xuống. Cũng may đúng lúc ông ba mươi đã đầy bụng thờ ơ bỏ mặc, bọn thú hoang mới giữ được mạng. Sự sinh tồn nơi rừng núi cũng có quy luật riêng.

Để lại toàn bộ ngựa ngay đầu hẻm núi, nhị vị tù trưởng cùng đôi trai gái Thi Sách và nữ tử họ Trưng mau chóng nhập vào đám phường săn. Luôn từ hôm trước, khi trông thấy Dương công tử xuất hiện, lệnh nữ cũng là con gái đầu lòng Trưng huyện lệnh lúc nào cũng dõi theo chàng thanh niên tuấn tú. Khi nhìn thấy Thi Sách trổ thần lực giúp bọn tráng đinh đưa cặp trâu chọi từ dưới hố đất lên xẻ thịt tế hội, lệnh nữ họ Trưng đã như bị hớp hồn. Được phụ thân cho đi cùng Thi Sách đem thức vật hoa quả tới tổ miếu dâng hương càng khiến tài nữ xao xuyến trong lòng khi tận mắt thấy họ Dương không chỉ có thần lực khác thường mà khí chất rất thanh cao. Chàng ấy vừa biết giữ lễ nghi khoảng cách, vừa chừng mực từ lời ăn tiếng nói tới ánh mắt cử chỉ đều cao nhã càng khiến tài nữ họ Trưng mê mẩn. Như nhìn thấu tim gan đôi trẻ, thi thoảng, nhị vị huyện lệnh đưa cặp mắt tinh sáng nhìn nhau khẽ gật đầu mỉm cười mãn nguyện.

Thấy đôi trẻ cùng tiến tới chọn cặp gậy gỗ lim, Trưng huyện lệnh khen thầm trong bụng. Với các cuộc săn cọp, gậy lim còn đắc dụng hơn giáo mác. Chỉ nhìn cách cầm gậy của Thi Sách, Trưng huyện lệnh biết ngay đây là cao thủ côn quyền. Thi Sách có dáng đi cuồn cuộn như rồng mà nhàn nhã thanh thoát lắm. Bước sát ngay bên cạnh, tài nữ họ Trưng tuyệt không kém chút nào. Trưng huyện lệnh song sinh một cặp nữ tử Trắc nhi, Nhị nhi. Ngay từ tấm bé, tính nết hai nhi nữ đã khác hẳn nhau. Cô chị mạnh mẽ quật cường. Trưng Trắc mười tuổi đã vật thắng nam nhân, mười ba tuổi đã thành thạo cưỡi ngựa bắn tên, mười sáu tuổi thuộc hết thập bát ban võ nghệ, nhất loạt từ đao ngắn, kiếm dài, trường thương, mâu, kích, lao, trùy đều không có địch thủ. Cô em lại khác. Trưng Nhị bảy tuổi đã thạo đánh cờ. Mười tuổi đọc thông kinh sách. Các chước thuật thơ phú, binh thư, luận giải, biện bác đều vô cùng ham học hỏi. Mười lăm tuổi cờ lực đã ngang với sư phụ Đỗ Năng Tế. Mỗi khi luận binh thư chiến giáp đều khiến sư phụ phải giật mình. Hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị mấy kỳ hội xuân gần đây, các giải vật, giải cờ, thi cưỡi ngựa bắn tên đều được xếp vào hàng cao thủ.

Đoàn người nai nịt gọn ghẽ rồi mau chóng lên đường. Chủ phường săn Bạch Uy cùng bốn, năm thợ săn đi trước mở đường. Con đường mòn dẫn tới vụng Cấm cây cối rùm ròa, nhiều cành mọc xiên che khuất tầm nhìn đều bị cánh thợ săn đi trước dùng dao quắm phạt ngọt xớt. Cành cây chỉ khẽ run lên rồi từ từ rớt xuống gần như không gây ra một tiếng động nhỏ. Bỗng phía trước, đám chim rừng kêu loạn bay dáo dác. Tiết trời đang độ xuân hãy còn ẩm thấp, song luôn mấy hôm liền tạnh ráo, mọi thức vật cỏ cây đều sáng rõ. Càng gần tới sát vụng Cấm, nơi có đầm nước rộng do các phường săn hơn mười năm trước kè đắp một con đập đá thấp chắn ngang Khe Cấm khiến nước dâng lên cũng là tạo thành chiếc túi khổng lồ mỗi mùa xuân lùa muông thú tới đó, bỗng thấy dấu chân thú còn rất mới đột ngột dồn ứ lại.

Tiếng chim quang quác càng rộ lên loạn xạ. Đã thấy thập thò trong những vạt cây lúp xúp vài cặp mắt trâu rừng lấp ló. Trong các loài thú hoang, vừa lì lợm vừa bất chấp nhất chính là trâu rừng. Đám trâu đực trưởng thành không chỉ khôn ranh luôn che chắn cho bầy nghé tơ trâu già vào giữa mà còn sẵn sàng tử chiến lúc bị dồn vào đường cùng. Kể cả khi gặp cọp dữ, chúng đều không sợ cứ thế quây tròn vừa luân chuyển xuống vụng nước uống. Nếu buộc phải khai chiến với cọp, trâu rừng ưa thích nhất nơi lầy lội, khe suối. Chúng sẵn sàng ghìm sừng dồn địch thủ xuống nước thà chết không lùi. Không chỉ trên những vách núi vạt đồi, cặp trâu - hổ tử chiến đến chết mưa nắng phơi sương sừng trâu vuốt hổ vẫn quặp chặt lấy nhau, mà ngay ở sông suối lầy lội, cảnh cặp kỳ phùng địch thủ trâu - hổ dìm nhau đến chết dưới bùn cũng không phải là hiếm. Bởi thế, từ lâu dân gian đã truyền nhau câu nói Con nghé mới sinh không kinh con cọp cũng là để nói về tính nết của loài trâu rừng vậy.

Khi đã sắp tới vụng Khe Cấm, đoàn người chợt dừng lại. Để anh em thợ săn tạm sắp đội hình vòng cung đâu đấy, lão chủ phường săn Bạch Uy mới thong thả quay lại bẩm báo với Trưng huyện lệnh:

- Bẩm đại nhân! Chắc chắn phía trước nơi vụng Cấm ông cọp có ở đấy rồi. Xin huyện lệnh đại nhân hãy sắp đặt mọi việc!

Vị huyện lệnh nhìn nhanh một lượt rồi bình tĩnh nói:

- Bạch huynh đệ! Đúng là cơ hội tốt. Lão phu đang muốn tặng Dương công bộ da cọp. May được cọp trắng thì càng tốt. Tuyệt không được làm hỏng bộ da quý của lão phu mới được.

Nói đoạn, vị huyện lệnh họ Trưng như đã nhập đồng vào cuộc săn tự lúc nào. Ông rảo bước tới phía cánh thợ đang xếp đội hình vòng cung hướng về vụng Cấm mệnh lệnh:

- Các anh em! Cuộc săn cọp hôm nay, ta có ba điều kiện. Thứ nhất, tuyệt không để cho ông kễnh đào thoát sang bên kia Khe Cấm. Vậy phiền bốn vị đây hãy vòng sang hẻm khe phía trước đốt lửa chốt chặn ở đó. Đống tre luồng lần trước chuẩn bị, các vị cứ đốt thật to lên. Ta đem sẵn ít pháo tay giao bốn vị, nếu ông cọp vượt vụng nước xông bừa sang, lập tức đốt pháo ném thẳng vào mặt cọp sẽ sợ hãi mà không dám vượt Khe Cấm.

Bốn lão thợ săn dường như đã thành thuộc việc này lập tức vâng dạ rời đi.

Trưng huyện lệnh lại khẩn trương nói:

- Cuộc này vẫn theo lệ cũ, lại phải phiền tới Bạch huynh đệ yểm trợ cho lão phu rồi. Cũng đã lâu không được thử chút gân cốt, ta trong người cũng ngứa ngáy lắm.

Lão chủ phường săn họ Bạch lập tức lên tiếng:

- Huyện lệnh đại nhân! Hôm nay có khách quý, lẽ nào ngài lại muốn thân chinh hàng phục thú dữ? Hãy để Bạch mỗ đi đầu cùng anh em phường săn Bạch thị lập công một lần không được hay sao? Xin hứa với đại nhân, sẽ tuyệt không dùng tới đao kiếm làm hỏng thức quà của đại nhân đâu.

Hai vị huyện lệnh, chủ phường săn còn đang giành nhau đi trước hàng phục thú dữ, bỗng phía sau tiến lên một vị công tử cao lớn uy phong, hai tay cầm chắc cây gậy gỗ lim lớn vạt nhọn tiến tới nâng cao ngang mày nói:

- Thưa huyện lệnh cùng lão chủ phường săn! Thi Sách vẫn nghe nói sấu thần đầm Dạ Trạch, cọp trắng đất Mê Linh xưa nay đều là ác thú ăn thịt người. Đám cá sấu đầm Dạ Trạch luôn mấy năm nay hậu bối đã cho bắt sạch rồi. Từ trước vẫn mong có ngày đích thân hàng phục một ông kễnh ở rừng Cấm đất Mê Linh, nay đúng là một cơ hội tốt. Hậu bối xin với huyện lệnh và lão chủ phường săn cho được toại nguyện mong ước của mình.

Lão chủ phường săn Bạch Uy còn đang ngây người ngắm vị dũng sĩ đầm Dạ Trạch mình cao tám thước, mặt vuông mắt sáng, vai rộng eo thon, bước đi cuồn cuộn, nghe nói hôm trước một mình một vế chấp bảy, tám tráng đinh khiêng hai ông trâu từ dưới hố sâu lên nhẹ nhàng như không còn chưa kịp mở miệng đã thấy bóng một thanh nữ lướt về phía trước cũng hai tay nâng gậy lim nói:

- Bẩm phụ thân cùng lão Bạch! Đất Mê Linh ta đâu đã hết người lại phải phiền tới Dương công tử đây? Tiểu nữ tuy bất tài, xin được tiên phong hàng phục cọp dữ. Nếu có bề gì quyết không hối hận. Xin phụ thân cùng lão Bạch hãy nhường bước cho con!

Lão chủ phường săn họ Bạch lại lần nữa sững người như không tin vào tai mình. Dẫu vẫn biết xưa nay, trưởng nữ của Trưng huyện lệnh tính tình táo tợn, các môn võ vật côn quyền đều vượt xa cánh đàn ông, song dù gì cũng là lá ngọc cành vàng của Trưng thị, tuyệt không để xảy ra sơ suất được. Lại thấy vị trưởng nữ mình cao hơn bảy thước, mắt phượng mày tằm, uy nghi cân quắc, một tay cầm gậy lim bóng loáng, một tay chắp trước ngực như nửa đóa sen hồng vừa mềm mại vừa dũng mãnh, trong bụng họ Bạch càng không biết phân xử ra sao chỉ biết trố mắt đứng nhìn.

Bỗng phía sau, một tràng cười cất lên sảng khoái.

Mọi người nhìn ra thì chính là vị huyện lệnh đất Chu Diên.

Dương huyện lệnh bước đến thong thả nói:

- Trưng huynh! Lão Bạch thị! Các vị huynh đệ phường săn! Thật là hiếm có cuộc săn nào được như hôm nay, tiền bối hậu bối đều muốn trổ tài khuất phục thú dữ. Theo như chỗ lão phu thấy, hay là hãy để đôi trẻ trổ tài, ta cùng nhị vị lẽ nào tiền bối tranh hơn với hậu bối. Lão phu vẫn nghe đồn trưởng nữ của Trưng huynh là bậc kỳ tài, không chỉ thi thư kinh sách làu thông mà đường cung kiếm đều khiến nam nhân bái phục. Vậy ta có đôi lời, xin Trưng huynh cùng lão Bạch thị hãy để cho bọn chúng cùng toại nguyện mong muốn của mình.

Huyện lệnh Trưng Định cũng lập tức cười vang sảng khoái:

- Dương huynh quả là cao kiến! Ta nay giao việc hàng phục thú dữ cho hai con. Các con chớ có khinh suất mà làm xấu mặt cánh già bọn ta mới được.

Được lời như cởi tấm lòng, song với bản tính con nhà võ, hai vị công tử công nương lập tức nhận ra tình thế không thể khinh suất của mình, lập tức trang nghiêm thận trọng nhìn khắp một lượt chòm cây ngọn cỏ phía trước con đường ăn xuống vụng Cấm, nơi ông cọp đang ẩn phục rình mồi rồi nhất tề cất bước. Đám thợ săn nhìn đôi trai gái thoắt cái đã trở thành đội tiên phong hàng phục thú dữ không khỏi thầm khâm phục. Cuộc đi săn cọp dữ buổi đầu xuân nơi Khe Cấm bỗng chốc trở nên thú vị khác thường.

Đôi trai gái dẫn đầu toán thợ săn vừa đi được độ bảy, tám chục bước bỗng phía trước chòm cây xao động. Nhanh như chớp, trưởng nữ họ Trưng rút soạt bộ cung tên luôn đeo phía sau giương căng hết cỡ. Mũi tên xoẹt nhanh như sao đổi ngôi khiến Dương công tử cả kinh còn nghĩ thầm trong bụng người đâu nóng nảy lạ thường chỉ thích tranh công. Trưng huyện lệnh đã dặn không được dùng cung tên gươm giáo ứng phó thú dữ, chưa gì đã tranh chấp tiên cơ bắn bừa bèn buột miệng bảo:

- Trần đời ta chưa thấy ai săn cọp bắn tên từ xa cả. Cô nương thật khiến tại hạ phải hồ đồ rồi!

Thấy vẻ mỉa mai châm chọc của kẻ đồng hành, trưởng nữ họ Trưng cũng không chịu lép vế:

- Ngươi có mắt hay không mà đã sớm mắng bản cô nương hồ đồ? Bọn hoẵng tơ háu ăn còn nhanh hơn sóc đâu có ngu ngốc như cặp trâu chọi hôm trước để ngươi cậy khỏe khiêng vác lên đâu? Từ đây tới vụng Cấm phải bốn, năm trăm thước nữa rồi sẽ tha hồ cho ngươi trổ tài.

Nói đoạn, người đẹp hứ một tiếng rồi rảo chân bước thẳng về lùm cây phía trước.

Quả thực, một chú hoẵng tơ chừng ba, bốn mươi cân trên cổ mang mũi tên xuyên máu rịn ra khoang gáy trắng đang giãy giụa kêu la thảm thiết.

Thi Sách không khỏi kinh động trước tài bắn cung của người đẹp vừa mắng mỏ mình bèn thán phục nói:

- Tại hạ thật khâm phục tài bắn cung của cô nương. Trăm bước xuyên cổ hoẵng giữa lùm cây trong chớp mắt quả là thần tiễn. Xưa nay, bắn những vật bất động trăm thước đã là không dễ. Tại hạ hôm nay đã được mở rộng tầm mắt rồi!

Thấy kẻ đồng hành đã tỏ lời khâm phục, song trưởng nữ họ Trưng cũng chỉ hứ một tiếng cất bộ cung tên vào sau vai như cũ rồi nhanh nhẹn xách gậy bỏ mặc chú hoẵng đã chết còn trợn trừng mắt cứ thế tiến về phía vụng Cấm.

Công tử họ Dương hiểu thử thách chính đang còn ở phía trước nên cũng không dám nói nhiều lập tức sấn bước theo sát mũi tên thần.

Cả hai tiến thêm hơn trăm thước nữa, bỗng thấy phía trước là một bãi đất thoáng rộng có tới ba, bốn gốc sung, vả lớn, thân cây loằng ngoằng gốc rễ sần sùi nghiêng đổ. Kề ngay sát là một vụng đầm nước lúp xúp nổi rõ một phiến đá lớn lởm chởm giữa bốn bề nước bạc. Thi Sách quét nhanh cặp mắt, còn chưa xem xét hết xung quanh bỗng thấy phía trước nhoang nhoáng một bóng trắng từ thân cây đổ nghiêng chụp thẳng vào kẻ đồng hành đang cách đó bảy, tám thước.

Một tiếng gầm vang động khe vụng Cấm.

Chim chóc hươu hoẵng nhất loạt kêu ré đập cánh loạn xạ bay nhảy thốc lên.

Thi Sách thất kinh nhìn về phía trước không khỏi rùng mình trước bóng cọp trắng từ thân cây đổ trên cao dụng chiêu độc tung mình vồ bắt địch thủ. Dường như mãnh hổ tưởng chỉ một chiêu đã có thể ăn tươi nuốt sống đoạt mạng nữ nhân.

Loài cọp trắng khi đã biết lợi dụng cây đổ để vồ phục con mồi thường rất ranh mãnh như đã thành tinh vậy.

Chỉ nghe tiếng ruỵch rất lớn, bóng người phía trước thần tốc rạp mình nghiêng sang một bên rồi nhanh như chớp lăn ngược hướng cọp dữ bắt mồi.

Thi Sách vừa kinh động vừa thầm phục cú thoát thân hiểm nghèo của trưởng nữ họ Trưng.

Vốn rành rẽ thói săn mồi của cọp qua nhiều năm theo các phường săn mùa động rừng, trưởng nữ họ Trưng rất hiểu cuộc bắt cọp này không chỉ tạo thêm uy thế cho Trưng thị, mà chính là cuộc sinh tử nên không dám một phút lơ là. Dẫu như thế, cũng không thể ngờ cọp trắng nấp sẵn trên cây một chiêu đoạt mạng nên có đôi chút bất ngờ. Hiểu ra cơ sự, may mà còn kịp bất chấp đá hộc lởm chởm ngã rạp xuống như chớp cứ thế lăn ngược hướng vồ mồi của mãnh thú thoát hiểm trong gang tấc. Dẫu vậy, cọp trắng cũng kịp vồ trúng bộ cung tên khiến chúng bật văng ra.

Nhanh như chớp, Trưng Trắc vùng đứng dậy lăm lăm gậy gỗ lim thủ thế.

Cũng nhanh không kém, sau cú vồ trượt, cọp trắng quành đuôi lượn tấm thân như sóng hướng về phía đối thủ lại gầm lên một tiếng kinh động nữa.

Như hiểu được địch thủ không phải loại vừa, sau tiếng gầm kinh động núi rừng, cọp trắng thay vì đập đuôi tung người vồ bắt như thông lệ lại thận trọng hạ thấp mình từng bước về phía con mồi.

Rất nhanh, Thi Sách nhẹ nhàng không một tiếng động bám theo cọp trắng từ phía sau.

Phía trước, trưởng nữ họ Trưng cặp mắt sáng quắc như vị nữ thần tướng nhìn thẳng vào cọp trắng.

Tới gần con mồi, bắt đầu cọp trắng đột ngột dựng đứng người, giơ hai tay táp táp vào không khí, miệng há hốc đỏ lòm, đầu lắc lư như chỉ cần dậm dọa đã khiến con mồi chết khiếp.

Quả là một cảnh tượng vô cùng hiếm có trong các cuộc săn cọp xưa nay.

Tình thế quả thực tiến thoái lưỡng nan với trưởng nữ họ Trưng. Nếu vác gậy xông bừa tử chiến cọp dữ ắt lưỡng bại câu thương, bởi loài cọp tinh ranh đến độ đứng bằng hai chân sau như người bình tĩnh dậm dọa đều ranh mãnh khôn lường. Chúng sẽ đợi con mồi hoảng loạn lao bừa sẽ ôm xiết dùng đòn ngoặp chí mạng vào cổ họng cứ thế ngậm chặt để máu con mồi ộc ra sẽ cứ thế hút cạn đến khi chết cứng mới thôi. Loài cọp thích nhất máu tươi của người càng gây kinh khiếp cho con mồi ở thế đường cùng.

Tình thế càng lúc càng khẩn trương.

Đảo nhanh cặp mắt về phía sau, trưởng nữ họ Trưng thấy Thi Sách đã bén sát sau lưng mà cọp trắng vẫn không hề hay biết trong bụng càng thêm vững quắc mắt nhìn thẳng cọp dữ không rời hai tay nắm chắc cây gậy gỗ lim nhọn hoắt thủ thế. Thấy địch thủ bất động thú dữ cũng chưa dám xông lên. Hai bên cứ thế hầm hè như thử lòng gan dạ của nhau. Không khí như đông cứng lại.

Bất đồ một tiếng thét lớn vang lên. Từ phía sau vài thước, bất thình lình Thi Sách tung người vung cao cây gậy lớn nhè thẳng đầu cọp trắng giáng xuống một đòn sấm sét. Quá đỗi bất ngờ, cọp trắng vừa kịp xoay mặt ngoái nhìn đã lĩnh trọn một đòn chí tử. Đường gậy của chàng dũng sĩ đất Chu Diên nặng tựa ngàn cân lại đang lúc muốn ra oai cứu người đẹp thành thử càng hiểm hóc. Bốp một tiếng lớn. Một bên mặt cọp trắng như lệch hẳn đi. Thú dữ loạng choạng xoay nghiêng hơn nửa vòng vừa gầm lên một tiếng đã thấy một bên mắt, màng tang và khóe miệng máu bắt đầu nhỏ giọt.

Không chịu kém cạnh, trưởng nữ họ Trưng cũng lập tức thét lên một tiếng lanh lảnh nhằm lúc cọp dữ loạng choạng xoay nghiêng giáng thẳng một đòn vào phía mặt còn lại của thú dữ. Như bừng tỉnh trước đường gậy thần tốc của Thi Sách, Trưng Trắc tung đường gậy hiểm còn như có ý ngầm rằng ta đây nào kém gì ngươi. Như hiểu được cơn tự ái của bọn nhi nữ, Thi Sách lập tức thu gậy như có ý nhường để trưởng nữ họ Trưng trổ tài.

Cọp trắng sau hai đòn phủ đầu choáng váng như hiểu được sự ngặt nghèo sinh tử đang kề cận bất chấp máu tai máu mắt rỏ ròng ròng vẫn ngoác miệng gầm lên lao thẳng vào kẻ vừa đánh bồi mình.

Trưởng nữ họ Trưng thoắt đảo tay gậy lia ngang một đòn thẳng vào giữa cái miệng đang ngoác ra lởm chởm.

Đường gậy đi đã nhanh song thú dữ còn nhanh hơn cứ thế há miệng đớp thẳng thân gậy ngậm chặt rồi vùng mạnh một cái. Sức thú ở bước đường cùng mạnh tợn đã hất văng Trưng Trắc ra xa mà miệng cọp vẫn như hai gọng kìm ngậm cứng cây gậy vừa tấn công mình.

Thi Sách cả kinh trước thần lực mãnh thú lập tức thét lên một tiếng xông thẳng tới liên tiếp vung ra mười mấy đòn sấm sét vào lưng, sườn, hai chân sau cọp trắng. Ông cọp đã bắt đầu thở ò è nhè ra cây gậy nơi miệng đã đỏ lòm máu rồi bất ngờ lao thẳng xuống vụng nước hòng thoát sang phía bên kia Khe Cấm. Cũng lúc đó, đám thợ săn đã kịp ùa đến hô hét vang trời. Phía bên kia Khe Cấm, đống lửa đã được đốt lên cháy rừng rực. Những ống luồng lớn bắt lửa nổ đôm đốp chính là âm thanh khiến loài cọp kinh sợ nhất. Vừa liều chết bơi được vài chục thước vừa đảo mắt tìm chỗ vách đá thoai thoải thoát thân bỗng đâu mười mấy quả pháo tay từ trên vách Khe Cấm ném thẳng vào mặt cọp nổ ùng ùng làm nước bắn tung tóe khiến thú dữ kinh hãi bơi ngược trở lại liều chết tót lên gò đá lởm chởm.

Tiếng hò hét vang lên dần khép lại mỗi lúc một gần.

Trên gò đá cọp trắng thở hồng hộc tia mắt vằn lên nhìn khắp bốn phía.

Nhị vị huyện lệnh cùng lão chủ phường săn Bạch Uy đều đã áp sát thềm đất cách gò đá trơ trọi trên vụng nước hơn mười thước.

Nhìn nhanh một lượt, như đã hiểu hết sự tình, lại thấy Trưng Trắc tay không văng đâu mất gậy có vẻ sượng sùng, phía bên kia Thi Sách sau loạt đòn đả cọp thần sắc oai phong đoán chắc cặp nam nữ vừa liên công hàng phục mãnh thú mới được năm sáu phần. Song khi nhìn ra gò đá thấy ông cọp trắng khổng lồ dài tới ngót một trượng giờ đã ngấm đòn bê bết máu ai nấy đều kinh sợ. Xưa nay, mỗi khi săn cọp, các phường săn thường phải đào những hố sâu, bên dưới cắm chông tre đực dày đặc, lại cho thả nai tơ, nghé non xuống dưới làm mồi nhử ông kễnh sập bẫy mới hòng bắt được. Nay đôi nam nữ chỉ bằng vào hai cây gậy đã đả bại cọp trắng khổng lồ to hơn trâu mộng thật ghê thay thần lực và dũng khí trước thú dữ.

Phía bên kia Khe Cấm, lửa càng cháy to, những ống luồng nổ đôm đốp tàn tro bay lả tả.

Trên gò đá, cọp trắng gom sức lực xoay nhìn bốn phía song hai chân sau và đám xương sườn đã bị gậy thần Thi Sách đả thương nặng nề bây giờ không còn theo sự điều khiển của mãnh thú nữa.

Đám thợ săn lập tức vác tới sáu tấm lưới lớn đặt xuống sát mép nước. Ước lượng khoảng cách rồi khẽ lắc đầu ý chừng không thể từ bờ quăng lưới tới gò đá bắt cọp. Nếu cứ lội bừa sang ắt chưa biết lành dữ ra sao. Còn đang lúng túng bỗng thấy bóng một người nhún chân vụt chống gậy xuống đất tung người nhảy phắt sang chính giữa gò đá nơi cọp trắng đang ngoắc miệng ngầm ghè.

Mọi người cả kinh nhìn sang đó chính là Thi Sách.

Ai nấy còn đang lắc đầu lè lưỡi trước sự liều lĩnh của chàng trai đất Chu Diên đã thấy tiếng gậy vang lên bôm bốp, tiếng cọp lịm dần. Trên gò đá nơi vụng nước Khe Cấm, một cảnh tượng kinh hoàng đã diễn ra, Thi Sách hai tay nắm chắc cây gậy như vị thần tướng nhà trời loang loáng giáng những đòn chí tử vào đầu, vào mặt, màng tang thú dữ. Đôi chân trước mãnh thú mới đầu còn giơ lên đỡ gậy chỉ thoáng cái đã gãy lìa sụm xuống. Khi đám thợ săn hè nhau vác lưới lội sang sáp sát gò đá đã thấy Thi Sách một chân giẫm cứng lên giữa mình cọp trắng bây giờ chỉ còn là một cái xác.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nuôi hồn thơ bằng kí ức
Bài viết về tập thơ “Như vừa hôm qua” của nhà giáo, nhà thơ Lê Bá Duy
Xem thêm
“Điển tích văn học”- Cuốn sách cần cho người làm văn học
Nguồn: Văn nghệ Online; Gặp gỡ những vùng văn học
Xem thêm
Nguyễn Linh Khiếu lại “xuất” hoa lạ
Vâng, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã từng xuất bản những tập thơ mang tên những loài hoa rất lạ: Hoa Linh (2000), Hoa Linh Thảo (2021) Hoa Hạnh (trong một bài thơ được Giải nhất cuộc thi thơ tạp chí VNQĐ năm 2010)... Chưa kể tập thơ đầu tay Chùm mơ Tiên cảm (1991) cũng gồm những chùm hoa rất lạ...
Xem thêm
Trần Hà Yên với tình yêu trẻ thơ từ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo
Bài viết về tập thơ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo (NXB Hội nhà văn 2024).
Xem thêm
Người lặn dưới những lớp sóng thời gian
Bài viết của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An.
Xem thêm
Lắng đọng “Đêm nằm nghe ký ức”
Bài viết của nhà thơ Đặng Bá Tiến
Xem thêm
Một người cầm súng quả cảm - một người cầm bút tài năng
Bài phát biểu của nhà báo Hồ Quang Lợi tại Thư viện quân đội trong buổi giới thiệu 2 tập sách của Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu, 15/10/2024.
Xem thêm
Trường ca “Mặt trận gần phía trước”
Bài viết của Nguyễn Vũ Quỳnh về tập trường ca của Trần Trí Thông
Xem thêm
Hoa hồng có gai, hay là vẫn tin vào nước mắt
Nguồn: Bùi Việt Thắng (Báo Văn nghệ)
Xem thêm
Bến sông xưa dậy sóng tóc phai màu!
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ “Tự tình với trăm năm” của Nguyễn Hồng Linh
Xem thêm
Bộ sách Đất Việt Trời Nam liệt truyện của Trần Bảo Định
“Đất Việt trời Nam liệt truyện” của nhà văn Trần Bảo Định là bản anh hùng ca đầy tự hào, chất chứa tinh thần yêu nước mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Những câu chuyện “từ thuở mang gươm đi mở cõi” xuyên suốt theo dòng chảy lịch sử kể từ khi các chúa Nguyễn vào Nam khai mở xứ Đàng Trong cho tới khi Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp và đến đầu thế kỷ XX, với cuộc chiến đấu của nhân dân Nam Bộ trong nỗ lực chung cùng giải phóng đất nước.
Xem thêm
“Theo dấu chân Người” để đi tới ngày Quốc khánh 02/09/1945
Đọc tập truyện ký “Theo dấu chân Người” chúng ta càng trân trọng, kính phục sự cống hiến, xả thân của Người cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng con người thoát khỏi sự đàn áp...
Xem thêm
Trái tim tự do luôn rực cháy
Đọc tác phẩm PHIẾN HẠ (NXB Hội Nhà văn, 2024) của Trần Hạ Vi
Xem thêm
Mây Phương Nam của Thiên Hà sẽ còn lộng lẫy hơn, mới mẻ hơn
Nhà văn Trương Đạm Thủy viết về Mây Phương Nam của Thiên Hà
Xem thêm