- Thế giới sách
- Viên tướng làm thơ ở chiến khu xanh
Viên tướng làm thơ ở chiến khu xanh
HỒ ANH THÁI
(Đọc lại Thi tướng chiến khu xanh – chuyện Huỳnh Văn Nghệ, NXB Công an nhân dân).
Huỳnh Văn Nghệ là người văn võ toàn tài. Thời chống Pháp, đồng đội đặt cho ông biệt danh “Thi tướng chiến khu xanh”. Chiến khu xanh là chiến khu Đ ở miền Đông Nam Bộ – “miền Đông gian lao mà anh dũng” vang danh thời kháng chiến. Thi tướng là vị tướng kiêm thi sĩ, đánh giặc oai hùng mà thơ phú cũng lãng mạn và đầy hào khí.
Chỉ cần một bài thơ Nhớ Bắc viết trong thời kháng chiến ở Nam Bộ đã đủ ghi tên vị chỉ huy quân sự Huỳnh Văn Nghệ vào văn học sử Việt Nam với những câu thơ như thế này:
Ai về xứ Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Kháng chiến chống Pháp, Huỳnh Văn Nghệ là Khu trưởng Quân khu 7 (thời đó gọi là Khu 7). Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy có một nguyên tắc bất thành văn là “ai đánh thắng địch ở cấp nào thì Bác phong cho cấp ấy”. Từ 1946 đến 1954, ông khu trưởng Quân khu 7 đã đánh thắng nhiều trận, đối đầu với các tướng tư lệnh của Pháp ở Nam kỳ như tướng Nyo, Boyer de la Tour, Chanson, Bondis. Vì vậy dù chưa được nhà nước chính thức phong tướng, trên thực tế Huỳnh Văn Nghệ đã được coi là tướng, một vị tướng vừa đánh giặc vừa làm thơ.
Huỳnh Văn Nghệ vốn học trường Tây, rồi ra làm viên chức hỏa xa. Nhà văn Nguyên Hùng miêu tả tướng mạo chàng viên chức lúc ấy: “Tuy bộ vó đậm chắc, thân hình cơ bắp như lực sĩ cử tạ, anh lại mang tâm hồn thơ lãng mạn pha chút giang hồ”. Tính nóng như lửa, anh từng ẩu đả với những kẻ thân Pháp thân Nhật làm chỉ điểm hoặc đàn áp dân. Cái tính nóng nảy ngang tàng của anh, được giải thích là khi chào đời, anh là đứa trẻ bị đẻ ngược. Sau này, có người bị hóc xương, vì mê tín dân gian mà đòi “người sanh ngược” chữa hóc xương cho họ. Việc chữa trị hóa ra thành công, anh dùng luôn cái “biệt tài” đó để làm dân vận, vận động bà con đấu tranh chống Pháp.
Huỳnh Văn Nghệ tham gia cách mạng rất sớm, bí mật tiếp tế đạn cho giang hồ là du kích trong rừng. Bị lộ, anh phải chạy sang Campuchia và Thái Lan, ra tờ báo yêu nước Hồn cố hương ở Thái Lan, rồi bị cả Pháp và Nhật bỏ tù. Là viên chức thời Tây, rồi hoạt động chống Nhật chống Tây, trải qua thời Nam kỳ khởi nghĩa 1940 cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945, trong con người Huỳnh Văn Nghệ có cái nghĩa khí tự do và anh thường gần gũi với giới giang hồ. Huỳnh Văn Nghệ thuyết phục được giới giang hồ Bình Xuyên đi theo cách mạng chống Pháp. Anh cũng góp phần xử lý những vấn đề chính trị và tôn giáo với các phái Cao Đài, Hòa Hảo, tham gia lập kế điệu hổ ly sơn đối với thủ lĩnh Bình Xuyên là Bảy Viễn, giảm bớt tác hại của nhân vật giang hồ này, tuy thân cận với anh nhưng về sau phản bội cách mạng.
Là một vị tướng của chiến khu xanh, Huỳnh Văn Nghệ đã chỉ huy đánh thắng nhiều trận lớn, trong đó có cả việc vạch ra phương án phục kích quân Pháp trong trận La Ngà, một chiến thắng vang dội trên tuyến đường Sài Gòn – Đà Lạt.
Đời một vị tướng đồng thời là thi sĩ đầy ắp sự kiện. Thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến để giặc Pháp đến cũng không có chỗ trú, Huỳnh Văn Nghệ đã cùng bà mẹ tự tay châm lửa đốt căn nhà mà mẹ cả đời gom góp xây dựng. Đi kháng chiến ở chiến khu Đ, vị trưởng quân khu có nhiều kỷ niệm buồn vui. Trong một trận đánh đồn giặc, một chiến sĩ hai mươi tuổi bị thương giập nát cánh tay. Đưa anh về căn cứ, y tá phải cưa cánh tay bằng chiếc cưa thợ mộc. Không có thuốc mê, y tá bảo anh thương binh hát lên để tự trấn an trước cơn đau, tập thể y tá đồng thanh hát với anh: Đoàn quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc…
Lúc ấy Huỳnh Văn Nghệ đi qua, nghe anh em đồng ca bài Tiến quân ca, ngỡ cơ quan chào cờ, ông xuống ngựa đứng nghiêm. Một lúc sau mới vỡ lẽ, đấy là cuộc giải phẫu đầu tiên của bộ đội ta trong rừng miền Đông.
Cuộc đời thi sĩ lãng mạn này cũng có những chuyện éo le. Đấy là khi anh đang hoạt động bí mật, chạy ngược từ Thái Lan về Sài Gòn, gặp cô Ba là người mê thơ, chép thơ anh và thuộc thơ anh. Không biết từ lúc nào cô Ba đã thành người vợ nhỏ của thi sĩ cách mạng hoạt động bí mật, rồi ở chung nhà với người vợ lớn, cùng chăm lo con cái và quán xuyến việc nhà.
Chuyện đó xảy ra từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, nhưng sang thời kháng chiến, người cách mạng theo chính sách một vợ một chồng, Huỳnh Văn Nghệ tự thấy mình là chỉ huy một quân khu mà như vậy khó làm gương được cho anh em. Cả hai người vợ cùng ông đã dàn xếp chuyện nhà rất êm thấm. Cô Ba không cùng ở một nhà nữa mà được điều về thành phố mở quán bán hàng, làm cơ sở tiếp tế cho cách mạng và vẫn giữ liên lạc với gia đình.
Bìa cuốn “Thi tướng chiến khu xanh – chuyện Huỳnh Văn Nghệ” của tác giả Nguyên Hùng, NXB CAND
Thời chống Pháp, người vợ lớn cùng mấy đứa con bị địch bắt để địch ra điều kiện đổi lấy một tên mật vụ bị quân kháng chiến bắt giữ. Thời chống Mỹ, khi Huỳnh Văn Nghệ đã tập kết ra Bắc, quân địch bắt bà mẹ già của anh để cho vị tướng lộ mặt, vì tưởng là anh đã trở về Nam hoạt động. Tất nhiên cả hai lần chúng đều không đạt được mục đích. Sau đó quân ta tấn công vào đồn bốt của chúng, tiêu diệt nhiều địch, giải phóng cho năm trăm tù chính trị. Bà mẹ già của anh được bộ đội cõng chạy vào rừng mà vẫn tưởng sắp gặp con trai từ miền Bắc trở về.
Tập kết ra Bắc, dù yêu quân ngũ, Huỳnh Văn Nghệ vẫn chấp nhận quyết định của cấp trên, chuyển ngành sang làm việc trong ngành thể dục thể thao, rồi trở thành Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Ông từng dẫn đội bóng đá Thể Công đi thi đấu hữu nghị ở một số nước Đông Âu.
Tác giả của câu thơ “Từ độ mang gươm đi mở cõi” rất hay nhắc đến thanh gươm. Ở câu thơ này, thanh gươm là hình ảnh tương hợp vì nó mang hào khí của người xưa và phong vị cổ điển. Nhưng trong những bài thơ kháng chiến chống Pháp ông cũng nhiều lần dùng đến hình ảnh lưỡi gươm thanh kiếm:
Bờ sông xanh chiều hôm nay buộc ngựa
Kiếm gối đầu theo gió thả hồn cao
(Bên bờ sông xanh)
Từ độ chàng đi vung kiếm thép
Mịt mù khói lửa khuất binh nhung
(Rừng tiễn người đi)
Không hẳn nhà thơ vương vấn với phong vị cổ kính và hình ảnh những trang hiệp sĩ ngang dọc tung hoành thời xưa. Đó chính là bức tranh tả thực của chiến sĩ thời đánh Pháp trong chiến khu Đ. Vũ khí thiếu thốn và thô sơ, có khi phải đánh giặc bằng giáo mác, gậy tầm vông. Có khi bộ đội phải cưỡi ngựa trong rừng, không chỉ mang súng mà vũ khí tùy thân còn là thanh gươm.
Thanh gươm và lưỡi kiếm đầy tràn hùng khí trong thơ Huỳnh Văn Nghệ, tuy là những câu thơ phản ảnh hiện thực nhưng cũng khiến cho thơ ông mang hương vị của thi ca kinh điển là như vậy.
***
Người viết truyện đời Huỳnh Văn Nghệ đầy chặt tư liệu và đầy ắp cảm hứng là nhà văn Nguyên Hùng. Nhà văn có một vùng văn chương riêng biệt là chuyện về những tay anh chị giang hồ hoặc các tướng lĩnh oai phong. Nguyên Hùng từng kể rất sinh động và chân thực về cánh giang hồ Bình Xuyên, từ chống áp bức bất công cho đến khi giác ngộ và đi theo cách mạng (tiểu thuyết tư liệu Người Bình Xuyên). Ông có cả một kho tư liệu về những nhân vật anh chị nghĩa khí như Mười Trí, Hai Vĩnh, Ba Dương (Thiếu tướng Dương Văn Dương, sau khi hy sinh, tên ông được đặt cho một dòng kênh Nam Bộ)… Trong số đó chỉ có nhân vật thủ lĩnh Bảy Viễn đi theo cách mạng được nửa đường rồi đứt gánh quay về đầu hàng Tây (Bảy Viễn – thủ lĩnh Bình Xuyên). Thậm chí những nhân vật lạ lùng của Nam Bộ cũng được Nguyên Hùng truy nguồn tư liệu để tái dựng khá hấp dẫn (Công tử Bạc Liêu). Trong gia tài văn chương của Nguyên Hùng đặc biệt có chân dung những vị chỉ huy cách mạng oai hùng như Trung tướng Nguyễn Bình từ Bắc vào Nam để lãnh đạo các lực lượng tham gia Việt Minh chống Pháp (Nguyễn Bình – huyền thoại và sự thật).
Giữa những gương mặt đó, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ qua tái hiện của Nguyên Hùng là một bức chân dung độc đáo.
——
Nguồn: Tạp chí Sông Lam